Lương Nguyên Kính biết chữ từ năm ba tuổi, đến năm tuổi tập văn thơ, xưa nay thích Tô Tử nhất nên dạy nàng hát Tô Từ.
“Trường đời một giấc mộng to thôi! Sống não nùng thu mấy độ rồi. Gió lộng lùa hiên đêm héo hắt, Mi đầu, chỏm tóc nhuốm phai phôi. Thường than khách thiếu hương men dở, Mãi trách trăng mờ sắc khói bôi. Nguyệt khuất trung thu ai ngắm nữa, Nhấc ly phương bắc ngóng bồi hồi.” [1]
[1] Tây giang nguyệt kỳ 1 – Tô Đông Pha và bản dịch của Nguyễn Quê, thivien.net.
Đình viện, Lương Nguyên Kính chống gậy trúc Lý Hùng làm cho chàng, chậm rì rì vòng quanh khúc cua, chàng mới khỏi bệnh nặng, dáng dấp gầy yếu tựa như có thể bị gió thổi bay đi.
A Bảo dè chừng đi theo bảo hộ chàng, chuẩn bị tiến lại dìu chàng bất cứ lúc nào.
Chàng quay đầu cười với nàng. Tuy sắc mặt nhợt nhạt nhưng mặt mày vẫn tuấn tú, cười lên rất dịu dàng.
A Bảo sững sờ tại chỗ.
“Tạm biệt kinh thành ba năm, bước chân đi khắp chốn hồng trần. Vẫn nở nụ cười xuân ấm áp. Lòng như giếng cổ không gợn sóng, tiết tháo như trúc thu vững vàng. Buồn bã cánh buồm đi trong đêm, tiễn biệt dưới trăng mềm mây ẩm. Rượu vô đừng phải cau mày. Nhân sinh lữ quán đi đường ta đây.”
Trên bàn cơm, A Bảo không chớp mắt nhìn chằm chằm bát gà hầm duy nhất, miệng nuốt nước miếng.
Đây là Lý Hùng cố ý giết gà bồi bổ cho Lương Nguyên Kính. Gà còn chưa lớn mấy, sau khi nấu chính không bằng cái nắm tay nên anh không cho A Bảo đụng đũa vào.
Lương Nguyên Kính thừa dịp anh không để ý, lặng lẽ gắp cái đùi gà bỏ vào chén của A Bảo.
A Bảo bất ngờ nhìn chàng.
Chàng nháy nháy mắt với nàng.
Lý Hùng nhận ra bầu không khí hơi sai sai. Đột nhiên ngẩng đầu, hai người theo bản năng chỉnh thẳng người, giả ho một tiếng, làm bộ không có việc gì, chờ Lý Hùng cúi đầu cúi đầu ăn tiếp mới lén cười nhìn nhau.
“Trăng khuyết rọi ngô đồng, Lậu cạn người im thít. Thoáng thấy u nhân một tới lui, Trơ bóng hồng mờ mịt. Chợt sợ lại quay đầu, Có hận không người biết. Chọn khắp cành cây chẳng đâu yên, Vắng lặng khi bơn cát.” [2]
[2] Bốc toán tử – Tô Đông Pha và bản dịch của Nguyễn Chí Viễn, thivien.net.
Tháng tư, cây sơn trà trong sân ra trái, A Bảo xung phong nhận việc leo lên đó hái sơn trà. Lương Nguyên Kính lo lắng ngửa đầu nhìn nàng, hai tay vô thức đưa ra sợ nàng ngã xuống.
A Bảo kêu chàng tiếp sơn trà, tay chân chàng vụng về chụp không trúng quả nào.
A Bảo cười ha ha, từng quả sơn trà như mưa sao băng rơi xuống trúng vào chàng phải giậm chân xung quanh chật vật né tránh.
“A Bảo, đừng ném nữa.” Chàng bất đắc dĩ xin tha.
“Anh ngốc chết đi được.”
Cây sơn trà um tùm ló ra khuôn mặt tươi cười của A Bảo.
“Vốn thích hào hoa ấy những chàng, Trời còn đem tặng một cô nàng. Nức tiếng ca hay cùng vẻ đẹp, Gió nổi, Tuyết bay biển nóng mát trong lành. Vạn dặm về đây thêm nét trẻ, Cười mỉm, Mai thơm từ núi miệng còn vương. Ướm hỏi Lĩnh Nam trời không tốt? Bèn nói, Thấy lòng yên ổn tức quê hương.” [3]
[3] Định phong ba – Nam Hải quy tặng Vương Định Quốc thị nhân ngụ nương – Tô Đông Pha và bản dịch của Như Quy, thivien.net.
Tháng sáu, lá sen đầm sen trong ruộng đồng, đài sen vừa lớn vừa dày, hạt sen tròn đầy.
A Bảo cởi giày vớ ra, kéo ống quần, xuống hồ hái đài sen, Lương Nguyên Kính căng thẳng đứng chờ trên bờ trông chừng nàng.
Có lẽ do chàng không có kinh nghiệm, nhìn như có tật giật mình khiến người ta chú ý rất nhanh, thấy có người từ xa xa chạy tới.
“Nè⎯ Làm gì đó?”
Lương Nguyên Kính hoảng hốt gấp gáp hô về phía hồ: “A Bảo, có người tới! Mau lên đây!”
A Bảo nói đợi chút, trong khoảng thời gian ngắn hái thêm mấy đài sen nữa.
Người kia đang càng chạy lại gần. Tim Lương Nguyên Kính đập nhanh như muốn nhảy ra ngoài, đang quay đầu tính giục A Bảo thêm lần nữa thì lại ngây ngẩn cả người.
Gió mát se se làm mặt hồ gợn sóng, trong hồ chỉ thấy hoa sen tươi tốt, lá sen khẽ đưa theo gió nhưng không thấy bóng dáng A Bảo đâu.
“A Bảo!” Chàng khiếp sợ hô to, cho rằng nàng đã chết đuối.
“Ở đây này, la cái gì?”
‘Rầm’ bọt nước văng lên khắp nơi, A Bảo ngoi lên từ hồ nước, mặt mũi long lanh, ôm đầy đài sen vào lòng kêu chàng: “Ngơ ngơ gì đó, chạy đi!”
Dứt lời đã tự mình cất bước chạy.
Lương Nguyên Kính hơi giật thót, quay đầu lại thấy cụ già đang tiến lại gần trong gang tấc, hoảng muốn chết phi nước đại.
“Đêm khuya tĩnh bụi trần, trăng sáng như ánh bạc. Rót rượu rồi phải đầy mười phân. Hư danh vô thật làm khổ tâm thần. Than cho kiếp người ngắn ngủi, như đá trong lửa, phận trong mơ. Tuy rằng ôm ấp văn chương, còn khi mở miệng ai thân với người. Hãy vui vẻ tận hưởng sự ngây thơ thuần khiết. Bao giờ về người nhàn nhã không thôi. Ôm đàn ôm rượu suối mây bên người.”
Đêm trăng tròn.
A Bảo ôm tỳ bà ngồi ngay ngạch cửa, đột nhiên nói: “Người này viết từ tuy hay, nhưng không hợp phổ thành khúc, quá……”
Nàng nhíu mày, trong nhất thời không biết nên dùng từ gì để hình dung.
“Quá hào hùng đúng không?” Lương Nguyên Kính hỏi.
A Bảo vội gật đầu, chính là ý này, nàng cảm thấy từ của người này vừa hào sảng vừa linh động, hào hùng khí thế, hợp với đại hán Quan Tây vỗ trống dê hơn, uống rượu mạnh ca hát, không hợp với ngân nga đàn tỳ bà.
“Đây là điểm đặc sắc của Tô Từ,” Lương Nguyên Kính cười nói, xong trầm ngâm một lát, “Tôi dạy em bài từ khác nhé.”
“Anh nói đi.”
Lương Nguyên Kính vươn tay ra nhìn nàng, “Đưa tỳ bà cho tôi.”
“Anh biết?” A Bảo hết sức kinh ngạc.
“Biết một ít, không tốt như em.”
A Bảo đưa tỳ bà cho chàng, nhịn không được nói: “Cẩn thận một chút, chỗ đầu cầm hơi lỏng.”
Cây đàn tỳ bà này là do năm xưa ân sư truyền lại cho A Bảo, đã làm bạn cùng nàng rất nhiều năm, nàng cực kỳ trân trọng, mỗi đêm trước khi ngủ phải chà lau sạch sẽ một lần.
Lương Nguyên Kính cũng biết nên gật đầu, điều chỉnh dây tỳ bà xong, tay trái ấn dây đàn, ngón phải thon thả vỗ vài cái, động tác vô cùng đẹp mắt.
A Bảo nhìn thẳng, chỉ nghe chàng rũ mi hát: “‘Một phiến xuân sầu cậy rượu xuôi. Giữa ngạn thuyền trôi, lầu trước cờ vời.”
“Đò Thu nẻo Thái dặm đưa rồi. Mưa đổ vài thôi, Gió hắt vài hồi.”
Tiếng đàn tỳ bà trong trẻo, êm dịu linh hoạt kỳ ảo. Thiếu niên khẽ hát, mặt mày che phủ bởi ánh trăng, giống như giấc mộng đẹp vào đêm hè.
A Bảo ngừng thở, sợ đánh mất cảnh tượng như mơ này.
“Đâu buổi về mang áo khách phơi. Còn nghịch sênh chơi, Lò chẳng hương phôi.”
“Lưu quang sao dễ bỏ rơi người, Đào vội hồng rồi⎯⎯”
“Chuối chóng xanh rồi.” [4]
[4] Nhất tiễn mai – Chu quá Ngô giang – Tưởng Tiệp và bản dịch của Se Sẻ, thivien.net.
Cuối cùng A Bảo tỉnh lại, lau khô vệt nước trên má, nói: “Anh gạt người, anh đàn dễ nghe hơn tôi nhiều.”
Lương Nguyên Kính cười: “Khuyết từ này nếu do em đàn hát sẽ nghe hay hơn tôi.”
“Đây là bài từ gì?”
“Nhất tiễn mai, từ Tưởng Tiệp viết khi ngồi thuyền qua Ngô giang.”
“Nói về cái gì?”
Lương Nguyên Kính đưa đàn tỳ bà lại cho nàng, thở nhẹ một hơi, thấp giọng nói: “Nói tuổi xuân dễ qua, sầu não nhớ nhà.”
“Anh nhớ nhà à?” A Bảo nghiêng đầu hỏi.
Lương Nguyên Kính lắc đầu, ấn ấn lên ngực trái mình, mỉm cười nói: “Nơi nào tâm an nơi đó là quê nhà.”
**
Sau khi sức khoẻ dần dần chuyển biến tốt, Lương Nguyên Kính bắt đầu muốn làm vài chuyện trong khả năng cho phép, báo đáp ân tình của hai anh em Lý Hùng. Nhưng mà suy nghĩ tới suy nghĩ lui cũng chưa biết bản thân có thể làm được gì.
Chàng không một xu dính túi, dụng cũ vẽ tranh cũng mất, thôn Lý gia cằn cỗi lạc hậu, ngay cả cây bút lông cũng không có.
Xong chàng thử xuống bếp, chờ Lý Hùng từ sạp hàng trên trấn về tới nhà có thể ăn đồ ăn còn nóng hổi, không cần phải sau một ngày mệt nhoài còn nấu cơm cho chàng và A Bảo ăn nữa.
Nhưng chàng đã tự đánh giá cao năng lực chính mình. Lương gia công tử mười lăm tuổi không thổi được lửa khiến cả phòng bếp bị hun khói mịt mù.
A Bảo ngủ trưa bị khói xông cho tỉnh, nhảy xuống giường vừa bưng chậu nước tới dập lửa vừa hoảng sợ la to: “A ca! Lương Nguyên Kính đốt phòng bếp nhà chúng ta rồi!”
Lương Nguyên Kính bị sặc khói ho khan không ngừng: “………”
Lý Hùng trên đường về cách từ xa đã thấy nóc nhà mình bóc khói đen, khiếp sợ ném bỏ tất cả chạy như điên về nhà.
Thấy A Bảo đỡ Lương Nguyên Kính mặt đầy bụi đen từ phòng bếp đi ra, nhất thời nổi trận lôi đình: “Ông trời ơi! Hai đứa lại làm gì vậy hả?! Giờ tới phòng bếp rồi? A Bảo em lại đây! Hôm nay có ra sao anh cũng phải đánh em một trận!”
“Làm gì chứ?” Đôi mắt A Bảo bị khói hun cay chảy nước mắt, hết sức tủi thân, “Đâu có liên quan tới em?”
Lương Nguyên Kính ho đến long trời lở đất, vừa ho vừa nói: “Không liên quan… Tới em ấy, là tôi… Khụ khụ……”
Chờ khói đen phòng bếp tan hết, Lương Nguyên Kính cũng bớt ho lại, chàng giải thích rõ ràng ngọn nguồn sự việc.
Lý Hùng nghe xong dở khóc dở cười, kêu chàng yên tâm đi, không cần phải báo đáp.
Lương Nguyên Kính lại vô cùng kiên trì. Chàng không thể làm một kẻ ăn không ngồi rồi, một mình Lý Hùng nuôi sống ba miệng ăn cũng rất vất vả, chàng rất muốn phụ anh làm chút việc gì đó.
Lý Hùng nghĩ ngợi kêu A Bảo đi nhóm lửa để chàng xuống bếp, loại việc nhỏ như nhóm lửa này A Bảo làm được.
Ai ngờ tay nghề nấu nướng của Lương Nguyên Kính cũng không tốt. Món ăn nấu xong nhìn đã không vừa mắt, mà hương vị cũng rất nham nhở, theo lời A Bảo từng nói, “Đến chó còn không ăn”.
Lý Hùng hết cách, đành mỗi buổi sáng sớm nấu nấu xong cơm nước cho một ngày, lấy nước giếng xong, chờ tới tối Lương Nguyên Kính có thể hâm lại đồ ăn, việc này không khó, chàng vẫn làm được.
Tháng bảy vào thu, nhóm phụ nữ và trẻ em thích cắt lá gỗ thu thành các hoa văn khác nhau đeo lên đầu.
Hôm đó, Lương Nguyên Kính đang bận việc trong phòng bếp, thợ nhóm lửa của chàng không biết lại chạy đi đâu chơi nữa rồi.
Chàng lấy đồ ăn Lý Hùng nấu xong từ trong giếng nước ra đặt lên bệ bếp. Làm xong tất cả, chàng rửa tay, chuẩn bị đến chỗ A Bảo hay đi để tìm nàng.
Ai ngờ A Bảo đột nhiên vọt vào sân, đóng sầm cửa chốt lại. Lá thu trên đầu không biết đã rơi rớt đâu rồi, mặt mũi tèm nhem như con mèo hoa, tóc tai còn dính mấy cọng lông gà.
Nàng chắp tay sau lưng, ngẩng mặt cười hì hì nhìn chàng.
Nội tâm Lương Nguyên Kính phát tiếng chuông báo động: “Em làm gì vậy?”
Chắc không phải đi ăn trộm đâu nhỉ?!
Trời ạ, từng trộm đài sen rồi thì đừng ăn trộm gà. Nhà nào trong thôn Lý gia cũng nghèo, coi gà như báu vật gia truyền vậy đó!
A Bảo vươn tay phải từ sau lưng ra, “Nhìn nè! Cái này có phải do anh vẽ không?”
Lương Nguyên Kính nhận lấy nhìn xem, đúng là do chàng vẽ, là bức vẽ khi còn ở chùa núi Thanh Thành. Chẳng qua mặt lụa đã hư hại, cuốn hoạ cuộn tròn cũng bị bẩn một vết nhỏ.
“Tôi tìm được ở nhà Lý Nhị Cẩu, bị mẹ nó lấy đắp chuồng gà.”
“……”
Lương Nguyên Kính cất bức tranh đi, nói ra từ tận đáy lòng: “Cảm ơn em, A Bảo.”
A Bảo đánh mắt đi, sườn mặt ửng đỏ trông khả nghi, ho nhẹ một cái: “Cảm gì chứ, không phải tôi có lòng tìm giúp anh, là tình cờ thấy…”
Thiếu nữ say đôi má hồng, là loại phấn hồng nhiên nhất thế gian tạo thành, không còn gì động lòng người hơn như thế.
Lương Nguyên Kính gỡ cọng lông gà dính bên tai nàng xuống, gió đêm lay động tóc mai của chàng. Lúc đó phía chân trời còn dư chút tia nắng tàn, ánh chiều tà ấm vàng vẩy vụn lên trên lông mi của chàng, khoé môi cong lên hiền hoà, đôi mắt ẩm nhuận như nước mùa thu. Ánh mặt trời như chìm sâu vào trong đó.
A Bảo há miệng ngắm đến ngây người.