Dương Tiêu Phong tiếp tục rẽ sang hướng bờ hồ, theo quán tính mà lang thang
du ngoạn, lúc đi ngang cầu Tây Lâm thì bỗng dừng chân.
Tây hồ về đêm trăng soi óng ánh. Khung cảnh phù du yên ả thanh bình. Hằng
Nga in bóng xuống dòng nước biếc cộng thêm hàng vạn vì sao chiếu lấp
lánh phảng phất trên mặt hồ. Ở một góc cạnh nào đó, trông Tây hồ từa tựa như một chiếc gương dát bạc.
Tình cảnh thơ mộng khiến Dương Tiêu Phong nao lòng. Chàng bồi hồi tưởng nhớ
dòng sông băng của ba năm về trước. Buổi sáng hôm đó, Nữ Thần Y tiễn
chàng rời khỏi Thiên Sơn.
Dương Tiêu Phong không ngờ ở chốn Giang Nam lại xuất hiện một bờ hồ tình tứ
đến thế, kỳ ảo đến thế. Nhất là mặt nước hồ trong như đôi mắt người xưa. Và chàng chợt nhớ đến bài thơ của Tô Đông Pha.
Thủy quang liễm diễm tình phương hảo
Sơn sắc không mông vũ diệc kỳ
Dục bá Tây Hồ tỉ Tây Tử
Đạm tran nồng mật tổn tương nghi
Bài thơ miêu tả vẻ đẹp của Tây Thi, một mỹ nữ sống dưới thời Xuân Thu,
người có công trong việc giúp Phạm Lãi và Việt Vương Câu Tiễn tiêu diệt
vua Phù Sai. Sau khi Tây Thi qua đời, người ta đã dùng Tây hồ để tưởng
nhớ nét đẹp của nàng. Vì vậy mà Tây hồ thường được gọi là Tây Tử hồ bởi
dân gian cho rằng chốn này là nơi vong hồn nàng vẫn còn tồn tại.
Dương Tiêu Phong thở dài khi phát hiện lòng chàng đang tưởng nhớ người không
nên nhớ. Bây giờ tất cả đã là quá khứ. Hãy để dĩ vãng ngủ yên. Mộng mơ
xa vời. Và chàng hít một hơi thật sâu, quyết tâm xóa bỏ hình dáng dịu
hiền khả ái. Người nữ nhân đó không phải người chàng nên yêu. Thôi thì
chàng mau cất bước đi. Còn nghĩ đến nàng để làm gì? Gợi thương tiếc
nhiều đau bấy nhiêu.
Chu du xa hơn chút nữa, tới khu chợ Đông Ba, Dương Tiêu Phong thấy một
khách điếm nằm chễm chệ ngay trung tâm. Khách điếm đồ sộ nguy nga, trông xa xa tựa mô hình của Khôn Ninh Cung. Toà nhà cũng có mái hai tầng,
ngang chín gian và dài ba gian hệt chốn cung đình dành riêng cho hoàng
hậu. Tầng lầu phía trên cùng có lan can vây phủ. Nơi sân thượng xuất
hiện hàng chục nàng thiếu nữ trâm cài lược vắt lượn qua lượn lại. Điệu
bộ lẳng lơ, tay xoe lọn tóc, các nàng chúm chím cười mỉm chi.
Bao quanh tầng trệt của khách điếm là hai mươi cánh cửa sổ làm bằng giấy
mỏng. Mỗi cánh cửa trang trí khác nhau nhưng đó là nói lúc ban ngày, còn giây phút này thì tất cả đều giống y chang, tối đen, chỉ trừ bốn khung
lung linh ánh nến. Đằng sau bốn khung cửa giấy là bức rèm hạt châu. Phía sau tấm rèm châu là chiếc bóng của nàng thiếu nữ.
Bao bọc khách điếm là một khoảng sân trống có nhiều bộ bàn ghế gỗ dành cho
các vị khách mua hương. Khách làng chơi tụ thành từng nhóm, đa số gồm độ tuổi trung niên. Họ ngồi đấy đàm trà và xôn xao bàn tán dung nhan của
những cô gái buôn hoa. Đối diện bên kia đường là tửu lầu Vân Khánh nổi
tiếng với loại rượu Bồ Đào, vốn là đặc sản truyền thống của xứ sở Giang
Nam.
Lúc Dương Tiêu Phong đặt chân vào tửu lầu thì quán rượu đã chật ních quan
khách. Khung cảnh nườm nượp đến nổi có rất nhiều người tự nguyện lót
giày ngồi bệt dưới đất, âu chỉ để ngắm bóng dáng bốn nàng giai nhân đang ngồi đằng sau khung cửa sổ ở bên kia đường.
Dương Tiêu Phong gia nhập đám thanh thiếu niên đang đứng tán gẫu cạnh cửa ra
vào của quán rượu. Theo tay họ chỉ trỏ, chàng quét mắt ngang bốn khung
cửa trang hoàng nổi bật.
Khung thứ nhất trang trí theo kiểu cung Quảng Hàn. Chủ nhân của khung cửa đó
dùng giấy và vải kết đủ phụ tùng như trên cung trăng. Có cả hình vẻ
thiềm thừ, ngọc thố, hoa quế và ngô cương. Dương Tiêu Phong thấy đằng
sau tấm rèm châu của khung cửa đó là một nàng thiếu nữ mặc trang phục
màu trắng, tay phe phẩy cây quạt màu hồng, mặt mày tóc tai trang điểm
như Hằng Nga tiên nữ.
Khung cửa thứ hai trưng bày vải lụa đủ màu, từng mảnh kết nối thành nhiều đóa hoa. Xen kẽ những đóa hoa vải là hình vẽ song ngư, ý muốn ví vị ca kỹ
đang ngồi bên trong song sắt chính là “trầm ngư” mỹ nữ, người có nhan
sắc khiến cá phải ngừng bơi và lặn xuống đáy nước. Giai nhân tuyệt sắc
không ai khác hơn là nàng con gái bên cầu giặt lụa, Thi Di Quang hay
người đời thường gọi là Tây Thi.
Bên cạnh khung cửa của Tây Thi là một khung không hề trang trí mà chỉ treo
chiếc đàn tỳ bà. Phía dưới cây đàn dán đôi liễn đỏ. Trên đó có chép hai
câu thơ:
Trăng Hán vẫn mọc ngoài Đông Hải
Minh Phi sang Hồ không trở lại
Người con gái xuất hiện bên trong khung cửa toát lên vẻ đẹp u buồn. Nàng
choàng khăn đỏ, mặc áo lông và ôm đàn tỳ bà. Chỉ thiếu mỗi một con bạch
mã là có thể trở thành lạc nhạn chim sa.
Ba khung cửa sổ đều thu hút tầm nhìn, đồng loạt gây sự chú ý nhưng Dương
Tiêu Phong dồn hết tâm trí vào khung cửa thứ tư. Chàng như không tin vào mắt mình. Nàng con gái ngồi đằng sau tấm rèm hạt châu giống hệt “bế
nguyệt” giai nhân, một người đẹp trong tứ đại mỹ nhân và là một nhân vật trứ danh tài sắc vẹn toàn phỏng theo tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Sắc đẹp của Điêu Thuyền được ví là "bế nguyệt.” Nàng đẹp đến độ trăng
phải xấu hổ mà giấu mình.
Dương Tiêu Phong đã từng xem qua tranh vẽ của Điêu Thuyền ở Văn Uyên Các,
nhưng mãi đến đêm nay chàng mới vinh dự được nhìn thấy bức tranh sống
động. Người đẹp đang ngồi đằng sau song cửa trang điểm giống hệt người
trong bức họa, xem chừng như có vẻ mỹ miều hơn.
Đang ngắm nhìn giai lệ thì bất chợt, Dương Tiêu Phong nghe giọng nói khàn khàn:
- Giang Nam đệ nhất thanh lâu quả nhiên có khác – Tiếng của phó tướng mai lặc chương kinh vang lên từ đằng sau lưng.
Dương Tiêu Phong có nghe nhưng không quay đầu. Tô Khất chắc mẩm đại tướng
quân đến đây tìm người thư dãn nên bước lên một bước, đứng song song bên phải và nói:
- Thuộc hạ có đặt sẵn tiệc rượu ở trong thanh lâu, dành riêng cho đại nhân.
Dương Tiêu Phong khoanh tay, không ừ hử. Tô Khất tưởng vị thống soái chê
Giang Nam mỹ nữ hoặc là không có nhã hứng với hoa cỏ bên đường nên quảng cáo thêm:
- Thuộc hạ nghe nói đêm nay toàn thể danh kỹ trong thành Hàng Châu đều tụ tập ở nơi này để thi xem ai là Hoa Quốc Trạng Nguyên.
- Cái gì là Hoa Quốc Trạng Nguyên? – Dương Tiêu Phong ơ thờ hỏi lại.
Tô Khất chưa kịp trả lời thì một vị phong lưu tài tử với nước da trắng như trứng gà bóc và đôi môi đỏ hồng đứng xớ rớ gần đó đáp thay:
- Hoa Quốc Trạng Nguyên là danh hiệu của người kỹ nữ đẹp nhất đêm nay.
Và vị tài tử giơ tay chỉ bốn khung cửa sổ, tiếp tục giải thích:
- Hai vị huynh đài hãy nhìn kìa. Bên trong bốn khung cửa là tứ đại kỳ nữ của
Giang Nam. Dân bản xứ gọi là khuynh thành tứ tuyệt. Bốn nàng ca kỹ trứ
danh, dung nhan xuất chúng. Mỗi người một nét đẹp, không ai chịu thua
ai. Cho nên đêm nay họ mới quyết định thi đấu thử xem người nào là độc
cầm ca kỹ, tức là người mà được quan khách bình chọn là tài mạo nhất.
Bốn người bọn họ đang trình diện dung nhan, lát sau sẽ ca hát cho chúng
ta nghe. Xong thì nàng nào được thưởng nhiều ngân lượng nhất sẽ được tôn thành độc cầm ca kỹ. Cô ấy cũng sẽ tự xưng là Hoa Quốc Trạng Nguyên.
Người xếp hàng thứ nhì thì được vinh danh bảng nhãn, rồi kẻ thứ ba thao
chức thám hoa.
Nghe lời giải thích, Tô Khất cười nói với Dương Tiêu Phong:
- Thật không dè bọn ca kỹ lầu xanh lại dám đem chuyện thi tuyển nhân tài quốc gia ra làm trò đùa.
Thấy miệng mồm Tô Khất nở nụ cười nhưng mặt mày Dương Tiêu Phong vẫn trơ như đá cuội và lạnh hơn đất sét, vị tài tử đó bèn bước tới đứng phía bên
trái của Dương Tiêu Phong, khẽ nói:
- Trạng nguyên quốc gia thì do hoàng thượng chấm điểm còn trạng nguyên của hoa
quốc thì do bọn trượng phu như chúng ta bình chọn. Huynh đài và tại hạ
có dịp sắm vai hoàng đế. Cơ hội này ngàn năm một thuở. Như vậy thì huynh đài nói thử xem có phải cánh mày râu chúng mình sướng quá hay không?
Trước lời lẽ phạm thượng, Tô Khất giật mình, định phản ứng thì nghe tiếng vỗ
tay rào rào như mưa bão phát ra từ chỗ cánh cổng ra vào của khách điếm.
Dương Tiêu Phong và chàng công tử bột cũng đưa mắt nhìn. Một người đàn bà tứ
tuần diện bộ y phục màu hồng nhung, tướng tá đẫy đà, môi son đỏ choét
đủng đỉnh bước ra. Theo sau là mười hai nàng kỹ nữ tay xách đàn tỳ bà.
Họ đứng thành vòng bán nguyệt.
Tú bà đứng giữa bầy thiếu nữ, phất tay ra hiệu. Ngay lập tức, ca vũ bừng
lên. Ban nhạc đã được sắp đặt sẵn ở trên lầu của khách điếm. Khi thấy
tính hiệu, tất cả các bức màn ở trên lầu được vén cao, để lộ đoàn nhạc
công và nhạc cụ.
Phía dưới này, trừ tú bà, các nàng thiếu nữ cùng nhau ca vũ. Quan khách say
mê thưởng thức những khúc nhạc tưng bừng. Kèn trống khua chiêng.
Hàng tá lồng đèn hoa sen đính nến xanh nến đỏ xuất hiện trên sân thượng.
Chiếc cổng ra vào khách điếm được làm bằng dàn hoa giấy, cắt tỉa y như
thật nên cho dù khí trời đang đông thì quan khách cũng ngỡ như là đang
sống trong mùa xuân hoa nở.
Từ bên trong khung cửa sổ thứ ba lại vang ra tiếng đàn tỳ bà. Khung cảnh phù hoa không bút nào tả xiết.
Khách điếm này chính là Thái Hồng Lâu, nơi mua vui đắt tiền nhất của khách
làng chơi tại Giang Nam trấn. Quan khách nào muốn vào đấy chơi thì phải
thuộc một trong hai điều kiện đặt để. Điều thứ nhất, nếu là thường dân
bá tánh thì phải giao chi phiếu vàng bạc cho những tên nô tài gác cổng,
rồi tới phiên tú bà. Thứ hai, khách làng chơi có thể nằm trong nhóm
người có địa vị, quen biết các nhân vật phú hào ác bá hay là dây mơ rễ
má với tham quan ô lại, quyền cao chức trọng trong triều đình nhà Thanh. Nếu ai đạt được cả hai điều kiện này thì đương nhiên sẽ được tiếp đãi
vô cùng nồng hậu.
Nhân lúc quan khách chỉ trỏ, bàn luận và bình phẩm về đoàn vũ công, tú bà
cùng hai nàng ca kỹ đẹp nhất trong số mười hai nàng vũ nữ thong thả tiến lại gần chỗ Dương Tiêu Phong và Tô Khất đang đứng.
Tú bà định quỳ xuống tham kiến Phủ Doãn đại tướng quân nhưng thấy Tô Khất
lắc đầu ra hiệu miễn lễ nên đành cúi đầu chào. Tô Khất đi theo Dương
Tiêu Phong bấy lâu, ít nhiều cũng có thể đọc thấu những suy nghĩ của Bắc quan đại nhân. Dương Tiêu Phong quả nhiên không muốn mọi người chú ý.
Cuộc binh lửa hôm đó, đã đành rất nhiều thành viên bang hội biết được
dung mạo của chàng nhưng cũng còn kẻ chưa từng gặp mặt. Vì vậy cho nên
trong lúc này chàng muốn che giấu thân phận, càng lẩn tránh dân chúng
thì càng yên bề hoạt động.
Tú bà nháy mắt ra hiệu. Hai nàng kỹ nữ điệu đàng dang tay mời Dương Tiêu
Phong và Tô Khất vào bên trong đại sảnh của thanh lâu. Vị công tử bột
khi nãy trố mắt nhìn hai người đẹp, rồi liếc Dương Tiêu Phong và Tô
Khất, lòng không hiểu tại sao hai tên hán tử này lại được tú bà ưu ái
đến như vậy.
Tú bà ngỡ cuộc tiếp đãi đã xong, tưởng rằng bản thân rỗi việc nên cúi đầu
chào, định rút lui thì thấy Dương Tiêu Phong chẳng hề nhúc nhích. Hóa ra Bắc quan đại nhân không có chút lòng hứng thú với bốn nàng độc kỹ cầm
ca.
Tú bà nghệch mặt nhìn Tô Khất, phát hiện phó tướng quân cũng vò đầu bứt
tai. Tuy rằng hậu cung của Khang Hi chất chứa ba ngàn phi tần lẫn cung
nữ nhưng hiếm có nga hoàn nào sánh bằng khuynh thành tứ tuyệt. Vậy mà
Dương Tiêu Phong không để một trong bốn người đẹp đó vào nửa con mắt.
Mặc cho tú bà và tên thuộc hạ gãi đến toét da đầu, Dương Tiêu Phong buông
thõng đôi tay, quay mình và dợm chân bỏ ra khỏi tửu lầu.
Đột nhiên, Dương Tiêu Phong dừng bước. Chàng quay phắt lại. Từ khung cửa sổ thứ tư, một con chim bồ câu bay ra lượn lờ một vòng rồi đáp lên vai
phải của tú bà. Tô Khất nghiêng đầu nhìn đôi chân của chú chim, bên dưới móng vuốt có buộc một tờ giấy nhỏ. Tô Khất tháo sợi dây, giải phóng cho bồ câu đưa thư rồi mở tờ giấy.
Liếc mắt qua bức thư, Tô Khất thấy lời chúc tụng vĩnh khánh thanh bình, quốc thái dân an và thiên tử vạn niên. Toàn những hàm ý cát tường. Tô Khất
bèn dâng lên cho Dương Tiêu Phong xem duyệt.
Dương Tiêu Phong không nhận tờ giấy, thậm chí cũng chẳng hỏi han xem tờ giấy
đó viết những gì. Phủ Doãn đại tướng quân hất đầu về hướng khung cửa sổ
của Điêu Thuyền, hỏi trổng:
- Nữ nhân đó tên là gì?
- Dạ bẩm đại… gia – Tú bà lễ phép trả lời, cố tình nói trớ từ “đại nhân” - Danh kỹ đó tên là Như Ý.
Tú bà vừa dứt câu giới thiệu danh tánh thì lại thêm một chú chim bồ câu
nữa, cũng bay ra từ khung cửa thứ tư và đậu lên vai trái của Tô Khất.
Lần này, thay vì đưa thư thì chú chim mang đến một món quà.
Dương Tiêu Phong giơ tay đón nhận. Bắc quan đại nhân tháo sợi dây buộc móng
vuốt của bồ câu đưa tin, phát hiện món quà là chiếc khăn tay màu hồng có tẩm hương liệu, bốn góc đều được thắt gút. Bên trong chiếc khăn gói một miếng mứt ngó sen và mứt bách hợp.
Chẳng cần ai giải thích, Phủ Doãn đại tướng quân hiểu ngay người con gái ấy
muốn truyền thông điệp gì đến cho chàng. Mứt ngó sen tượng trưng giai
ngẫu. Còn mứt bách hợp ý nói bách niên hảo hợp, tình chàng ý thiếp, đầu
bạc răng long.
- Danh kỹ nào cũng rất có nhãn lực – Tô Khất cười nói với tú bà nhưng ngụ ý
đầy nịnh nọt, cố tình nhấn mạnh lời lẽ để Dương Tiêu Phong nghe.
Tú bà cũng tươi cười phụ họa:
- Tối nay ở đây có hàng trăm thanh niên hảo hán, có hàng tá đại gia. Nào là
phú hào nào là vương tôn công tử nhưng Như Ý tuyệt nhiên đặt để mắt xanh lên mình của mỗi một người thôi.
Dương Tiêu Phong nghe rõ mồn một lời khen tặng, nhận quà xong lại không có
phản ứng gì. “Vô tình đao thủ” đưa khăn hồng cho Tô Khất cầm lấy, chắp
tay sau lưng rồi quay mình bỏ đi.
Tú bà và phó tướng mai lặc chương kinh nhìn nhau thở dài, lòng thầm hỏi sao trên cõi đời lại có người tâm can sắt thép?
Nhưng đêm nay cả hai người họ lầm to. Trước lúc rời khỏi tửu lầu hẳn hoi, Phủ Doãn đại tướng quân trầm giọng nói:
- Sau khi cuộc thi chấm dứt, hãy đưa Như Ý cô nương đến phủ tri huyện gặp ta.