Năm Thái Minh thứ nhất, ta phụng mệnh bệ hạ hộ tống binh phù về ải Bình Thành. Đường xa vất vả nhưng không dám dừng chân, chỉ sợ có điều gì bất trắc. Xưa nay ta quen quản lý ngân sách, mưu tính thương trường đã thuộc ngầm lòng nhưng chuyện binh biến thì chưa từng làm qua. Nhiệm vụ lần này nghe thì đơn giản nhưng làm mới biết khó khăn trăm bề.
Ta chỉ là một học sĩ, chức quan văn không thể nào bé hơn. Trong con mắt của thiết kị quân, ta là tên công tử trói gà không chặt. Bệ hạ từng dạy, muốn để người nể thì không cần kể lể thành tích, trước cứ làm cho họ thấy, làm những điều họ không làm được. Sau khi khiến người ta lé mắt ngạc nhiên thì cứ phủi tay áo nói một câu “Chuyện nhỏ như con thỏ thôi mà, được góp chút sức mọn là tại hạ vui rồi!”
Chiêu này gọi là “đẳng cấp của khiêm tốn”.
Ta dẫn gần hai mươi vạn quân, trọng trách nặng nề, binh phù trong tay áo cứ như một ngòi thuốc nổ, không rõ ngày nào sẽ làm ta banh xác. Vượt qua nhiều thử thách, cố gắng “khiêm tốn” mọi lúc mọi nơi, cuối cùng ta cũng khiến bọn họ có chút cảm phục. Lúc nhìn thấy thành ải, ta mừng rơi nước mắt, ai ngờ liền nghe tin phó tướng tử trận, cả đoàn quân như rắn mất đầu. Binh phù vẫn trong tay ta, trăm con mắt của tiểu tướng nhìn lên như hổ đói hoặc như chó tìm chủ,... Kiểu nào cũng làm ta sởn gai ốc. Bệ hạ ơi... Ngài hại chết bổn công tử rồi!!!
Cố kiên trì cầm cự gần bốn ngày, viện binh đã tới, Đô Dư Mân cũng tới. Ta lập tức bàn giao binh phù cho lão, thấy lòng nhẹ ngàn cân. Qủa thật ta không phù hợp với mấy chuyện này, về nhà ngồi tính sổ sách coi bộ an nhàn hơn!
Đô tướng quân là người có kinh nghiệm sa trường, chỉ huy dứt khoát, đường lối rõ ràng. Thế nhưng giặc qúa đông, hành quân lại siêu tốc, cánh viện binh thứ hai chưa kịp tới chúng ta đã thất thủ Bình Thành. Giao liên sứ giả cưỡi ngựa ngày đêm mang lệnh rút quân đến Đề Lô, quân và dân ráo riết gói đồ chạy nạn. Thành Đề Lô xây dựa vào dãy núi Lô, địa hình hiểm trở, là một phòng tuyến lý tưởng. Quân ta vừa phải trị thương, vừa phải thay phiên nhau cầm cự, kiên cường chờ viện quân tới giúp sức. Lần này cả Hòa An Vương và bệ hạ cũng tới, ôi dào, thiệt đông vui! Ta chỉ việc núp sau lưng mấy người này, lâu lâu chọc gậy bánh xe, kiếm chác chút đỉnh, như vậy cũng có thể lập công rồi. Đối với cái tâm lý “tiểu nhân” này, bệ hạ nhận xét:
- Ngươi ở nhà nấu cơm rửa bát là được rồi, bon chen vào chỗ đàn ông làm gì...
Ơ này, bổn công tử cũng là đàn ông mà, là đàn ông có đầy đủ “vinh quang” đấy nhá!
Đêm sáng rực, ánh đuốc bập bùng, Ca Dương mặc giáp vàng ngồi trên lưng ngựa, gương mặt thong thả nhìn về chiến trường ngoài kia. Lính Khương La viết chữ Quốc lên trán, dũng mãnh lao ra như thế hổ gầm. Thành Bình bị chiếm, quân Đại Thế đông như kiến, xả mũi tên như tấm lưới sắt bao lấy đoàn quân. Chúng ta theo mưu kế của bệ hạ chơi trò “con cuốn chiếu”. Bọn họ dựa lưng vào nhau, ghép khiên thành cái vỏ sắt, bịt kín trái phải phía trên, chầm chậm, từ từ mà tiến sát tường thành. Đội xạ thủ núp trong bụng con cuốn chiếu, chốc chốc lại giương cung bắn trả, suốt đường diệt không ít địch. Giằng co kịch liệt một đêm, rạng sáng mới công được thành, đuổi cổ tàn quân trở về Đại Thế.
Nhưng mà tin vui chưa kịp tới thì tin dữ đã truyền. Không thấy Hòa An vương đâu!!! Vương gia dẫn một đội lục quân gần năm nghìn người, vây thành hướng Bắc. Nghe đâu là có gian tế, trong lúc không ai chú ý chơi trò bắn lén, đả thương Vương gia. Bệ hạ tức giận, phái mọi người chia đường tìm kiếm, trong phạm vi mười dặm không bỏ sót ngóc ngách nào. Nỗ lực hai ngày hai đêm vẫn không có kết quả. Trong lòng ai cũng biết Hòa An vương lành ít dữ nhiều.
Ngày thứ ba, Thế tử Chu Lạc Thán Khúc đem theo nhị công tử, tam công tử, tứ công tử cùng đoàn hộ tống đến ải Bình Thành. Điều này thật kì lạ, đúng ra hôm nay tin tức mới truyền đến Sa Đà, các con của vương gia sao lại nhanh chân như vậy? Ta có một linh cảm không lành, đi theo bệ hạ đến thành phủ.
Bốn vị công tử một khuôn na ná nhau, đều sáng lạng tuấn tú. Trên mặt mỗi người đầy vẻ mệt mỏi, quần áo cũng nhàu bẩn, bộ dạng rất chật vật. Thế tử ôm một cái bọc, mắt nhiễm tơ máu quỳ xuống.
- Bệ hạ, người nhất định phải tìm được phụ vương. Mẫu phi... Mẫu phi sinh muội muội bị băng huyết nên đã qua đời rồi!
Ca Dương lung lay lùi một bước, ta nhanh tay đỡ lấy hắn, trong mắt cũng thấy cay cay. Nghe nói vợ chồng vương gia tình cảm hài hòa, vương phi là mẹ hiền vợ đảm, vương gia thủy chung không có nữ nhân khác, họ đang rất mong đợi đứa con thứ sáu. Ai ngờ lại...
Hoàng đế mặt trắng bệch, hướng bên cạnh hét lên:
- Trẫm đã đưa tới hai ma ma đỡ đẻ rồi mà! Họ ở đâu? Sao lại không bảo vệ Vương phi?
Hai bà ma ma mặt xanh lét, nhào ra đập đầu tạ tội:
- Hoàng thượng tha mạng, hoàng thượng tha mạng,... Vương phi nương nương trong thai kì từng bị ngã động thai khí, vốn người đã không khỏe. Nữ nhân sinh nở là một lần đi qua quỷ môn quan, huống hồ Vương phi đã sinh năm người con, hơn nữa tuổi đã lớn nên nguy hiểm rất cao. Vương gia để lại thư đi không hẹn ngày về, Vương phi đau buồn, tinh thần sa sút... Lúc sinh lại không có Vương gia bên cạnh, ý chí không giữ được, dần cạn hơi sức. Vương phi dặn dò phải cứu tiểu quận chúa... Chúng nô tài... Không có cách nào... Bệ hạ khai ân, bệ hạ tha mạng!
Ca Dương đỡ trán, ngồi phịch xuống ghế. Mọi người không ai dám đứng, đều phải quỳ thấp hơn một bậc. Rất lâu sau đó mới nghe hắn lên tiếng, giọng điệu vô cùng mất mát:
- Hòa An vương có công với nước, sống phải thấy người, chết phải thấy xác, trẫm tuyệt đối không từ bỏ!
- Đa tạ hoàng thượng! – Các công tử nghẹn ngào đáp.
- Bốn anh em các ngươi đường xa mệt mỏi, trước tiên hãy tắm giặt nghỉ ngơi... Chờ tin của Vương gia. Còn có... Đưa quận chúa cho trẫm!
Thán Khúc nhìn cái bọc trong ngực, do dự đưa qua tay ma ma. Bệ hạ nhận lấy đứa trẻ, cẩn thận ngắm nghía.
- Một cô bé xinh đẹp... Trẫm phong nàng làm Minh Châu Quận chúa, hưởng cấp bậc bằng Trưởng công chúa, về sau hôn nhân đại sự Hoàng tộc sẽ đứng ra lo liệu!
- Tạ ơn bệ hạ!
Bốn anh em đồng thanh, cảm giác được an ủi một chút. Ca Dương lại lấy ra tấm ngọc bội, đặt vào trong gấm đỏ bao bọc đứa trẻ. Ta tò mò lén nhìn, đó không phải là “ngọc Tu Loan” sao? Vật này là gia bảo của dòng họ Chu Lạc, năm xưa Thái thượng hoàng truyền cho tiên đế, tiên đế làm sính lễ đính ước với Phượng hoàng hậu, Phượng hoàng hậu tặng cho Thái tử, Thái tử lại tặng cho Thái tử phi. Cuối cùng Thái tử bất hạnh qua đời, Thái tử phi tuẫn táng chôn theo, ngọc Tu Loan lại về tay Ca Dương. Món đồ này đã truyền qua tay nhiều người, là vật chứng cho không ít câu chuyện vừa trị giá vừa ý nghĩa. Tiểu quận chúa sinh ra đã được đối đãi thế này, e rằng tương lai còn danh giá hơn công chúa chân chính.
Ngày thứ tư, cuối cùng Hòa An vương cũng trở về. Hóa ra ngài bị ngã xuống con dốc rồi một tiều phu nhặt được, đem về cứu chữa. Vương gia bất tỉnh mấy ngày, cuối cùng được ám vệ tìm thấy, tức tốc đem tới chỗ Ngự y. Thương thế của Vương gia không còn nguy kịch, tứ công tử thở phào một hơi. Khi Hòa An vương tỉnh táo, hay tin Vương phi qua đời để lại cô con gái út, ngài im lặng rất lâu. Bệ hạ hỏi Vương gia có muốn ân huệ gì không. Vương gia chỉ đáp:
- Xin cho thần và các con được trở về Sa Đà...
Quốc gia lại bình an, kéo theo đó có những gia đình mất chồng, những đứa trẻ mất bố, những người binh sĩ mất đồng đội. Cả nhà Hòa An vương không chút do dự trở về cái xứ đầy cát đầy gió kia để tiếp tục cuộc sống ẩn dật của họ, không tham không cầu chốn kinh kì vinh hoa phú quý. Ta cùng bệ hạ nhìn theo đoàn xe cô đơn, tịch mịch, lòng cũng thấy trống vắng.
- Hoàng thượng cứ để họ đi thế này sao?
Ca Dương cười khổ lắc đầu:
- Trẫm giữ không nổi. Ngô huynh đệ, ngươi nói xem, có phải trẫm sai rồi không?
- Bệ hạ đừng tự trách, chuyện này không ai muốn...
- Không tự trách cũng khó. Vì muốn thuận lợi lên ngôi, trẫm khiến Hòa An vương hồi kinh, để lại Vương phi còn bụng mang dạ chửa. Mục đích đã đạt được nhưng trẫm lại chặn đường không để lục thúc quay về, kéo người ra chiến trường... Trẫm cứ nghĩ đưa tới hai bà ma ma là coi như bồi thường đích đáng... Minh Châu quận chúa sinh ra không có mẹ, chắc sẽ thiệt thòi lắm phải không?
Ta thở dài, lấy tư cách bằng hữu mà vỗ vai Ca Dương. Tiểu quận chúa kia, sau này Hòa An vương đặt tên cho nàng là Tương Tư – Chu Lạc Tương Tư. Giống như muốn nói, ngài dùng hết phần đời còn lại để thương nhớ người vợ của mình...