Phụng Hoàng Thần

Chương 48: Rừng Tê Ngưu xuất hiện Tê Ngưu Vương



Văn Đế Đế hỏi :

- Sĩ ca! Bả tổng là cái gì?

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Quan chế nhà Mãn Thanh rất phức tạp, ta cũng không hiểu. Đại khái người coi không đủ một trăm quân là bả tổng, trên một trăm quân là Bách tổng, có ngàn quân là Thiên tổng.

Văn Đế Đế cười khanh khách nói :

- Vậy quan coi trên vạn người là vạn tổng.

Thiết Kỳ Sĩ cười đáp :

- Không phải thế. Trên Thiên tổng là Phó tướng, trên nữa là Tham tướng, trên nữa là Hiệp hợp, Trấn đài, Đề thai đài. Thai tức là Đề đốc. Trên Đề đốc là Tổng đốc. Đó là nói về thứ bậc. Ngoài ra không thuộc thứ bậc thì còn có Trấn thủ ty. Một người đơn độc phải đến trông coi cả một vùng là Tướng quân, tỉ như Trấn Tây tướng quân. Những người đặc phái đến không có địa vực rõ rệt, chỉ cần coi quân tình trọng yếu thế nào. Còn mỗi địa khu lại có một Đề đốc quân môn.

Văn Đế Đế cười hỏi :

- Tiều muội ở trong này nghe tiếng đại ca nói muốn gặp tướng quân phải không?

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Ta nghe nói có hai người chưa được cứu ra và áp giải đến chỗ tướng quân đó.

Kỳ Dao hỏi :

- Nếu vị tướng công kia chưa hiểu lai lịch Sĩ ca thì sao?

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Hãy đi đường rõ rệt trước, nếu rõ rệt không xong thì đến đêm lại đi đường ngầm.

Kỳ Dao hỏi :

- Hai người ấy là ai?

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Nói khẽ một chút. Đó là dòng dõi bậc trung lương đời Tiền Minh. Họ đến đây để mai danh ẩn tích mà thực ra còn có chí phản Thanh phục Minh. Tuy biết rõ mưu đồ của họ khó lòng thành công nhưng chí khí cũng đáng khen.

Kỳ Dao nói :

- Hai người đó mà muốn phản Thanh thì họ điên rồi.

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Không hẳn thế. Nghe nói bọn họ còn rất nhiều thế lực ở miền biên giới Tây Cương.

Văn Đế Đế nói :

- Nếu biết sớm đến biên cương có việc cần phải giao thiệp với quan nha thì nên yêu cầu Ngũ vương tử đưa tín vật cho, há chẳng phải dễ dàng?

Thiết Kỳ Sĩ cười đáp :

- Ta không muốn ỷ vào thế lực Thanh đình. Những văn võ quan viên ở Thanh đình mà làm bậy ta cũng lấy đầu bọn chúng.

Hôm sau vừa ăn cơm sáng xong, bỗng thấy gia nhân đứng ngoài cửa hô :

- Thiết tướng công! Có khách đến bái phỏng tướng công đó.

Thiết Kỳ Sĩ nghe nói liền dậy mở cửa, ngó thấy bên ngoài có một người đứng tuổi thanh y tiểu mạo đứng đó, liền hỏi :

- Có phải các hạ không? Xin vào trong này.

Hán tử trung niên vào phòng rồi, Thiết Kỳ Sĩ đóng cửa lại nói :

- Mời các hạ ngồi. Quý tính là gì?

Người kia ngồi xuống đáp :

- Thiết đại hiệp! Tại hạ là Kha Đô Vĩnh, vâng lệnh trấn thủ đến đây.

Nghe giọng lưỡi thì hắn là Trấn Tây tướng quân mà là người Mãn. Thiết Kỳ Sĩ chắp tay nói :

- Té ra là tướng quân. Tại hạ thất kính rồi.

Kỳ Dao bưng trà lại nói tiếp :

- Tướng quân không đem theo tùy tùng như vậy há chẳng nguy hiểm ư?

Kha tướng quân lắc đầu đáp :

- Tại hạ có đem theo mấy nhân viên nhưng để cả bên ngoài. Đêm qua tại hạ được tin báo Thiết đại hiệp ở đây nên vội phóng ngựa chạy tới. Đại hiệp có điều chi dạy bảo?

Thiết Kỳ Sĩ nói :

- Tại hạ không biết tướng quân đóng binh ở Thiên ngõa tự. Tại hạ muốn đến bái phỏng, nhưng sợ có điều bất tiện, vì vậy phải nhờ người thông bẩm trước, không ngờ tướng quân lại tới rồi.

Kha tướng quân đáp :

- Đại hiệp là khách quý của Hoàng thượng. Khi nào Kha mỗ dám lao động đại hiệp. Nếu đại hiệp có điều chi sai bảo xin cứ dặn một tiếng.

Thiết Kỳ Sĩ nói :

- Không dám. Tại hạ có việc nhỏ muốn thỉnh cầu tướng quân giúp cho.

Kha tướng quân vội hỏi :

- Việc gì?

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Tại hạ có hai thanh niên, một người họ Cổ, một người họ Trương. Nghe nói chúng bị thuộc hạ của tướng quân bắt đưa đi.

Kha tướng quân hỏi :

- Có phải là Cổ Phóng Thiên và Trương Tiền Pháp không?

Thiết Kỳ Sĩ gật đầu hỏi lại :

- Đúng rồi. Không hiểu hai tên đó phạm tội gì?

Kha tướng quân thở dài đáp :

- Tại hạ cũng hồ đồ không rõ. Chỉ nghe thuộc hạ nói là di nghiệt của nhà Tiền Minh. Thôi được! Thiết đại hiệp đã bảo đảm thì bản nhân về buông tha ngay.

Thiết Kỳ Sĩ nói :

- Đa tạ các hạ đã thuận tình. Thiết mỗ cảm kích vô cùng. Còn một việc tiện đây xin mách tướng quân. E rằng Ngũ vương tử bất nhật sẽ tới biên cương. Tướng quân mà không ước thúc bọn họ để Ngũ gia thấy có chuyện gì lầm lỡ là bất lợi cho tướng quân đó.

Kha tướng quân nghe nói biến sắc đứng dậy chắp tay đáp :

- Thiết đại hiệp! Tại hạ vẫn có tin tức từ kinh sư đưa tới, biết rõ đại hiệp có mối giao kết với Ngũ gia. Nếu Ngũ gia tới đây, mong rằng đại hiệp che chở nói cho mấy câu.

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Cái đó thì hẳn rồi. Tướng quân cứ yên dạ.

Kha tướng quân thấy chàng bưng trà mời khách, liền cáo biệt lui ra.

Kỳ Dao đóng cửa lại cười khúc khích nhìn Thiết Kỳ Sĩ nói :

- Sĩ ca ác quá, làm hắn sợ hết hồn.

Thiết Kỳ Sĩ cười đáp :

- Không làm thế thì bách tính ở miền biên cương còn gặp tai hại. Bây giờ chắc chúng không dám làm loạn nữa.

Văn Đế Đế hỏi :

- Bữa nay chúng ta chưa đi được ư?

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Không. Ta để giấy lại đây. Hai lão Cổ, Trương được tha rồi nhất định tìm tới đây, thấy có chữ của ta là không tìm kiếm nữa.

Kỳ Dao nói :

- Chúng ta là người nội địa mà qua Tây Vực e rằng còn lắm chuyện phiền phức.

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Phiền phức thì không sao tránh khỏi. Mình tới đâu hay đó.

Ba người tính tiền trả nhà điếm rồi theo đường Đồng Nhân tiến về phía Tây.

Qua sông Hoàng Hà tới Lăng Hải. Tính ra đã mất năm ngày. Giữa trưa hôm ấy ba người tiến vào một thị trấn ở bên hồ kêu bằng A Nha Khố Nhĩ. Tình hình thị trấn này khác hẳn nội địa. Tuy cũng có người Mãn mở khách sạn và quán bán hàng nhưng nhất thiết đồ ăn uống không giống nội địa.

Văn Đế Đế khẽ hỏi Kỳ Dao :

- Thư thư! Thư thư đã đến Tây Cương bao giờ chưa?

Kỳ Dao mỉm cười gật đầu đáp :

- Đây là lần thứ tư rồi.

Văn Đế Đế nói :

- Trước nay tiểu muội chỉ quanh quẩn trong nội địa không tính đến chuyện ra ngoài biên cương. Bây giờ tuy mới ra ngoài một chút đã cảm thấy đường đất mông mênh. Thư thư! Thư thư có hiểu những câu phương ngôn của dân tộc miền biên giới không?

Kỳ Dao đáp :

- Ra ngoài biên cương thì hiểu mấy câu là được rồi. Dĩ nhiên bọn ta dùng Hán văn và quan thoại làm chủ, thứ đến Mông ngữ, Mãn ngữ, Hồi ngữ, Tạng ngữ và Miêu ngữ. Ngữ ngôn của họ tuy có khác biệt nhưng đại khái có thể hiểu được. Nếu mỗi bộ lạc nhỏ cũng học cho rành thì phải ba chục năm chưa hết.

Thiết Kỳ Sĩ cười nói :

- Có người hiểu tiếng địa phương khá nhiều là hay lắm. Mấy bữa đầu ta chán quá, không ngờ một bà vợ lại là tay biết nhiều thứ tiếng.

Kỳ Dao phì một tiếng rồi cười nói :

- Mặt dầy quá chẳng biết thẹn thùng gì hết. Miệng nói toàn giọng thô tục.

Vợ vợ tuôn ra không ngớt.

Thiết Kỳ Sĩ mỉm cười đáp :

- Chẳng là bà lớn cũng là bà nhỏ chứ đâu phải cô nương.

Ba người tìm vào khách sạn, nhưng ở trong khách sạn lại không bán cơm.

Đó là chỗ bất đồng. Ba người mướn phòng rồi ra ngoài tìm chỗ ăn.

Nhà quán rất đơn giản, ngoài miến và cơm thức ăn chỉ có thịt bò, thịt cừu và cá chép trên sông Hoàng Hà là những thứ quý lắm. Ăn thì bằng bát lớn, thịt thái những miếng thật to chứ không tinh tế như ở nội địa. Họ lấy ăn no làm nguyên tắc. Cơm hạt lớn có tiền cũng không mua được.

Ba người vào quán ăn ngấu nghiến một bữa. Lúc ra khỏi quán, Thiết Kỳ Sĩ lắc đầu nói :

- Vào ăn quán ở đây thật không bằng đem đi ít muối tiêu rồi bắt dã thú nướng ăn còn ngon hơn.

Kỳ Dao cười nói :

- Phải rồi! Lão gia!

Bỗng nghe sau lưng có mấy người lý la lý lố mà không hiểu họ nói gì. Văn Đế Đế khẽ hỏi Kỳ Dao :

- Những người đi sau nói gì vậy?

Kỳ Dao quay đầu nhìn lại thấy ba đại hán. Nàng nghe một hồi rồi cười đáp :

- Họ nói tiếng địa phương miền Tây Khương. Ba người này người nước Phiên.

Thiết Kỳ Sĩ hỏi :

- Họ nói chuyện gì?

Kỳ Dao đáp :

- Họ bàn chuyện trong khu rừng rậm trên bờ biển Trát Lăng xuất hiện một con Tê Ngưu Vương, gần đây làm hại khá nhiều dân mục súc. Ngày mai sẽ có rất đông lực sĩ Mông cổ vây bắt.

Văn Đế Đế hỏi :

- Có gần đây không?

Kỳ Dao đáp :

- Ai mà biết được!

Văn Đế Đế hỏi :

- Tòa thị trấn mà chúng ta trú ngụ không phải là Lăng Hải ư?

Kỳ Dao cười khanh khách đáp :

- Muội tử! Ngươi nghe lầm rồi. Chỗ chúng ta ngó tới là Lăng Hải nhưng bọn họ nói Trát Lăng Hải, tức là thêm vào một chữ.

Thiết Kỳ Sĩ hỏi :

- Trát Lăng Hải cách đây bao xa?

Kỳ Dao đáp :

- Chúng ta đi về mé hữu. Người thường phải mất hai ngày, nhưng chúng ta chỉ nửa ngày là đủ. Nhân dân ở Tây Cương chưa từng trong thấy biển. Họ coi cái hồ lớn là biển. Lăng Hải lớn hơn Trát Lăng Hải. Quãng giữa cách năm chục dặm, có sông giao thông với nhau. Hai cái hồ này phát nguyên từ Tinh Tú hải. Người địa phương nói sông Hoàng hà có hai cửa miệng và một cái đít. Hai hồ tức là hai miệng, đít tức là bờ biển. Sĩ ca muốn coi bọn lực sĩ Mông cổ bắt tê ngưu ư?

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Ta chỉ thấy Tê ngưu trên bức vẽ chứ chưa thấy con vật sống bao giờ.

Kỳ Dao nói :

- Đã đến đây rồi Sĩ ca sẽ được coi dã mã, dã lộc, xạ hương và tê ngưu. Tê ngưu cũng lớn gần bằng thủy ngưu mà có một sừng. Hình thù khác lạ nhưng sức mạnh vô cùng. Nó mạnh hơn Thủy ngưu nhưng lại ngu xuẩn. Khi nó nổi giận thì cả vách đá cũng đập mình vào. Người săn bắn giết tê ngưu thường đứng ở chân núi cao làm cho tê ngưu phát cáu. Khi đó tê ngưu chúc đầu xuống xông lại như gió cuốn. Người săn bắn tóm được thời cơ nghiêng mình né tránh để chờ lượm lấy khi nó chết rồi.

Thiết Kỳ Sĩ cười ha hả nói :

- Thế thì thú thật! Con Tê Ngưu Vương sáng mai này họ muốn bắt chắc là lớn lắm, ta muốn đi coi.

Ba người về khách sạn vừa ngồi xuống đã thấy tiểu nhị tay cầm tờ giấy đưa vào nói :

- Công tử! Công tử có bạn đến thăm để lại đây.

Thiết Kỳ Sĩ ngạc nhiên đón lấy giấy coi thấy viết một hàng chữ :

“Bằng hữu! Ngày mốt vào lúc giữa trưa chúng ta gặp nhau ở Tê Ngưu lâm.

Tinh Tú lão nhân bút”

Thiết Kỳ Sĩ vội hỏi :

- Tiểu nhị ca! Tê Ngưu lâm ở phương nào?

Tiểu nhị nghe nói biến sắc hỏi :

- Công tử hỏi cái đó làm chi?

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Ông bạn để chữ lại hẹn ta tới hội diện tại Tê Ngưu lâm vào ngày mốt.

Tiểu nhị kinh hãi nói :

- Tê Ngưu lâm ở phía tây Trát Lăng Hải, dọc ngang rộng tới hai trăm dặm. Thông thường không ai dám đến vì đó là địa khu nổi tiếng nguy hiểm. Sao quý hữu lại không nghe ngóng trước?

Thiết Kỳ Sĩ đáp :

- Cám ơn tiểu ca! Ta biết chỗ đó là hay rồi.

Tiểu nhị rút lui. Thiết Kỳ Sĩ đưa mảnh giấy cho hai cô coi rồi trịnh trọng hỏi :

- Tinh Tú lão nhân là ai? Lão chưa gặp ta lần nào mà sao lại ước hẹn đến hội họp ở một nơi đầy nguy hiểm?

Kỳ Dao coi giấy rồi ngẫm nghĩ đáp :

- Tiểu muội có biết lão này. Lão là một trong ba đại kỳ nhân ở Tây Cương. Theo bề bậc võ lâm, lão là nhân vật ngang hàng với lệnh sư cùng gia phụ, nhưng vĩnh viễn lão không dời khỏi Tây Cương.

Thiết Kỳ Sĩ hỏi :

- Còn hai người nữa là ai?

Kỳ Dao đáp :

- Là Thiên Hà thượng nhân và Kim Sơn tiên sinh. Có khi vì lẽ Sĩ ca đã nổi tiếng anh hùng nên Tinh Tú lão nhân muốn hội diện.

Thiết Kỳ Sĩ lắc đầu nói :

- Cuộc ước hẹn này e rằng không phải vì thiện ý. Chúng ta lên đường thôi.

Kỳ Dao nói :

- Hãy khoan! Tiểu muội còn muốn hỏi tiểu nhị mấy câu nữa rồi hãy đi.

Nàng ra ngoài kêu tiểu nhị vào phòng hỏi :

- Tiểu nhị ca! Mảnh giấy vừa rồi của nhân vật nào đưa tới?

Tiểu nhị đáp :

- Nói lại cứ lúc ba vị vừa ra đi thì chẳng bao lâu có hai người Hồi đứng tuổi vào hỏi thăm chưởng quỹ, phải chăng ở đây có một vị thiếu niên xinh đẹp vào trú ngụ. Chưởng quỹ không dám phủ nhận đành phải nói thực. Sau đó hai người Hồi tới cửa phòng công tử coi số rồi trở ra.

Thiết Kỳ Sĩ nói :

- Lát sau lại có người đưa giấy đến phải không?

Tiểu nhị gật đầu đáp :

- Đúng thế! Y là một đại hán muốn đem mảnh giấy liệng vào phòng công tử, nhưng chưởng quỹ không chịu, nói là đã khóa phòng rồi. Hắn giao giấy cho chưởng quỹ để chuyển đến công tử.

Kỳ Dao khoát tay nói :

- Tiểu nhị! Chúng ta đã trả tiền trọ rồi. Lát nữa bọn ta sẽ lên đường, tiểu ca bất tất phải chầu chực nữa.

Ba người thu thập một lúc xong ra đi. Bước qua cửa, Văn Đế Đế hỏi :

- Rừng Tê ngưu phải chăng là nơi mà bữa mai bọn lực sĩ Mông cổ sẽ tới săn tê giác?

Kỳ Dao đáp :

- Tuy không ở một chỗ song cũng trong phương hướng đó. Mảnh giấy kia càng nghĩ càng khó hiểu. Tinh Tú lão nhân là một nhân vật nổi danh và cố chấp. Tuy lão chẳng phải người chính phái, nhưng cũng không thuộc phe tà môn. Lão ước hội đại ca về vấn đề gì? Địa điểm ước hẹn lại rất nguy hiểm thì tuyệt đối lão không phải vì thiện ý.

Thiết Kỳ Sĩ cười nói :

- Bọn ta vừa đến Tây Cương, tuyệt chưa xảy ra vụ xung đột nào. Trong vụ này chắc có chuyện hiểu lầm gì đây. Chuyến đi này chẳng phải để du sơn ngoạn thủy mà là chuẩn bị bước vào vòng họa hoạn. Việc đoạt Ẩn Hình châu chưa biết có hiệu quả gì không.

Kỳ Dao nói :

- Bản lãnh của Tây Cương tam đại kỳ nhân đều chẳng kém gì Lôi Hỏa Thần và Thổ Hành Thần. Bọn họ đều có chỗ sở trường. Đại ca đến gặp họ hãy đứng ở một bên núi mà nói chuyện. Nếu gặp trường hợp bất đắc dĩ, đương nhiên xảy cuộc động thủ.

Ra khỏi thị trấn, ba người thi triển khinh công chạy về phía Trát Lăng Hải. Tuy bọn mục nhân ngó thấy, nhưng bản tính dân biên cương hiếu võ nên chẳng lấy làm chi lạ.

Lúc hoàng hôn đã qua một tòa thị trấn. Thị trấn này tên là Bắc Mặc Đồ Khố Vật Nhĩ. Thiết Kỳ Sĩ dẫn hai cô gái vào trấn ăn cơm tối. Tiếp theo lại vượt qua con sông khu giữa Lưỡng Hồ rồi theo bờ biển Trát Lăng Hải đi về góc Tây nam tiến thẳng vào rừng Tê Ngưu.

Đoạn đường này khá xa. Ba người này chạy suốt một ngày một đêm. Lúc trời sáng gặp một toán mục dân, hỏi thăm họ mới biết còn cách Tê Ngưu lâm chừng trăm dặm.

Thiết Kỳ Sĩ nhìn Kỳ Dao nói :

- Ngày mai mới tới ngày ước hội. Bữa nay mình đi thong thả cũng được.

Chúng ta ăn bữa cơm sáng rồi sẽ tính.

Chàng mở túi lương khô và xin nước uống của mục dân, đoạn ngồi nghỉ trên đất cỏ ăn sáng.

Nhưng vừa ăn cơm xong, bỗng thấy một thanh niên mục dân đi tới. Không hiểu gã bảo gì, cùng Kỳ Dao lý lố một hồi.

Thiết Kỳ Sĩ bật cười hỏi Kỳ Dao :

- Kỳ muội nói tiếng của bọn họ rất lưu loát nhỉ?

Kỳ Dao đáp :

- Chúng ta đi chuyến này nhất cử lưỡng tiện. Bọn lực sĩ Mông cổ săn bắt Tê Ngưu Vương ở rừng Tê Ngưu. Y cho là chúng ta đến coi vụ nhiệt náo đó.

Thiết Kỳ Sĩ nói :

- Sự thực chẳng thiếu gì người đến coi náo nhiệt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.