Phượng Tù Hoàng

Chương 103: Có thể thanh tâm



Ngói xanh tường trắng, cành trúc xanh biếc, chàng trai tuấn mỹ y phục trắng, mọi thứ như ngăn cách hoàn toàn với chốn phàm tục náo động ồn ào. Không gian yên tĩnh chỉ nghe thấy tiếng nước sôi.

Ùng ục ùng ục, trên bếp lửa nhỏ là ấm tử sa, nước đang sôi trào, hơi nước nghi ngút lan tỏa, lộ ra màu nước xanh đậm bên trong.

Ngồi trước bếp lửa là một người trẻ tuổi mặc y phục hòa thượng trắng đã ngả màu, động tác nhẹ nhàng chậm rãi. Khuôn mặt nhu hòa hơi cúi xuống, đường nét anh tuấn, giữa ấn đường có một vết chu sa đỏ rực, dung mạo đẹp đẽ thanh tịnh.

Dưới bóng trúc mát mẻ, hòa thượng ngồi trên nệm gấm, bên bàn đá xanh, an tĩnh nhàn nhã đun nước. Người này cực kỳ chuyên tâm vào công việc, chăm chú nhìn ấm nước sôi, mọi người đến không liên quan đến hắn, và hắn cũng chẳng hề bận tâm. Cùng với ngọn lửa sáng rực, quang cảnh khiến người ta có cảm giác trong trẻo thanh nhã, không chút nhiễm bụi trần.

Mọi người không khỏi bước chậm lại, thậm chí có người không tự chủ được mà nín thở, cảm giác như chỉ cần thở mạnh là cảnh huyền ảo trước mặt tan biến.

Hoàn Viễn ho nhẹ một tiếng phá vỡ không gian yên tĩnh, mỉm cười lễ độ: “Chư vị, đã đến nơi rồi. Xin mời ngồi!”

Mọi người giống như bừng tỉnh mộng, từng người từng người một ngồi vào. Mỗi chỗ ngồi đều có tán trúc che nắng. Vương Ý Chi đi sau hai bước. Tuy hắn cũng sửng sốt, nhưng lý do bất ngờ thì rất khác mọi người, hòa thượng áo trắng là người hắn quen biết – Tịch Nhiên.

Hắn không hiểu Sở Ngọc và Tịch Nhiên quen thân từ lúc nào. Tịch Nhiên tính tình hiền hòa, nhưng không thích rời khỏi chùa. Ngay cả bản thân Vương Ý Chi cũng khó mời hắn ra khỏi chùa một lần. Vậy mà nhìn xem, lúc này theo bố trí của Sở Ngọc, Tịch Nhiên đang ngồi đun nước ở đây.

Tuy chẳng biết nước kia là nước gì, để làm gì, nhưng Vương Ý Chi không quan tâm. Hắn chỉ hiếu kỳ, không hiểu Sở Ngọc làm sao mời được Tịch Nhiên? Tịch Nhiên tuy rằng tính tình hiền hòa, nhưng nếu hắn không tình nguyện thì lấy quyền thế cưỡng ép cũng không được.

Trông Tịch Nhiên rất bình yên thảnh thơi, không giống với người bị bắt ép đến.

Nghi vấn cứ luẩn quẩn trong đầu Vương Ý Chi: Sở Ngọc làm thế nào mà cảm động được Tịch Nhiên?

Tuy trong lòng nghi ngờ, nhưng ngoài mặt Vương Ý Chi không biểu hiện điều gì. Vẻ mặt ung dung thản nhiên, nhưng ánh mắt lại sáng ngời hứng thú. Hắn vốn tưởng rừng trúc là chuyện đáng ngạc nhiên nhất rồi, không ngờ càng lúc càng thấy tò mò, không hiểu Sở Ngọc còn có những trò thú vị gì nữa.

Vương Tương ngồi cạnh Vương Ý Chi. Sau khi các quan khách đã yên vị, lập tức có một hàng tiểu đồng áo trắng nối đuôi nhau bước ra, bưng khay bện bằng dây mây. Trên khay là những chiếc bát nhỏ sạch sẽ, đựng dưa và trái cây lạnh buốt. Mỗi bát có năm, sáu loại trái cây tạo sắc màu đẹp mắt, cầm lên có thể cảm nhận được hương vị nước suối thanh khiết, cắn một miếng mát lạnh khiến cả người khoan khoái.

Vương Ý Chi cũng là nhà phú quý đã quen, tất nhiên biết rõ dưa và trái cây lạnh buốt là thế nào. Mỗi dịp đông đến, nhà hào phú thường tích trữ những tảng băng lớn trong hầm ngầm, để dành cho ngày hè nóng bức. Nhưng dùng một khối lượng băng lớn chỉ để ướp lạnh dưa và trái cây, có thể gọi là rất xa xỉ!

Rất nhanh chóng, khách đến chật kín cả đình viện. Mặc dù trước đó, một số người không kiên nhẫn đã tức giận bỏ đi, nhưng lại có một số khác không mời mà đến, lấp kín chỗ trống. Mọi người ngồi được một lát thì nghe đâu đó trong rừng trúc vang lên tiếng đàn thánh thót.

Bên này rừng trúc vang lên tiếng đàn, phía bên kia có tiếng hát, thấp nhu như mây khói, thanh nhã như làn gió nhẹ.

Tiếng đàn và tiếng hát, một đông một tây lại giao hòa, phảng phất làm nổi bật lẫn nhau. Lúc tiếng đàn vút cao, tiếng ca trầm xuống, mà khi tiếng hát ngân vang, tiếng đàn lại thấp nhỏ nhẹ nhàng êm dịu.

“Chiêm bỉ Kỳ úc, lục trúc y y, hữu phỉ quân tử, như thiết như tha, như trác như ma…”

(Trông kìa trên khúc quanh của sông Kỳ, tre xanh mới mọc mềm mại rườm rà. (Nước Vệ) hôm nay có người quân tử văn nhã (chỉ Vũ Công), như đã cắt và dũa học tập đạo lý (kẻ làm đồ bằng xương bằng sừng, sau khi tiện cắt ra, món đồ phải trau dũa thêm cho trơn láng), như đã dùi mài lo việc tu thân (kẻ làm đồ ngọc đá, sau khi đã đục thành hình phải dùi mài cho bóng sáng) – Bài thơ Kỳ úc 1 – Kinh Thi)

Ý Chi nghe tiếng hát này khá quen tai, ngẫm kỹ, mới nhận ra chủ nhân của thanh âm này là người hắn đã có duyên gặp một lần – Dung Chỉ. Lúc này tiếng hát của hắn hòa cùng tiếng đàn, âm điệu du nhiên, rồi lại như muốn phá bỏ tất cả giới hạn mà vút lên.

“Chiêm bỉ Kỳ úc, lục trúc như trích, hữu phỉ quân tử, như kim như tích, như khuê như bích...”

(Trông kìa trên khúc quanh của sông Kỳ, tre xanh lớp lớp mọc chồng chất rườm rà. (Nước Vệ) hôm nay có người quân tử văn nhã (chỉ Vũ Công). (Đã rèn luyện tinh anh về học vấn) như vàng như thiếc. (Đã trở nên ôn thuần về tính chất) như ngọc khuê ngọc bích – Bài thơ Kỳ úc 3 – Kinh Thi)

Tiếng vịnh xướng lặp lại mấy lần, tiếng đàn bỗng nhiên hạ thấp, dường như chỉ còn tiếng hát cao vút của Dung Chỉ. Giữa rừng trúc, giọng hát càng ngân vang, phảng phất như gió vờn mây, trùng trùng điệp điệp. Lên đến nốt cao nhất, tiếng hát bỗng nhiên ngừng lại, tiếng đàn dìu dặt ngân nga, rồi cũng dần lặng tắt. Người ta có cảm giác như vừa rồi là một tiên nhân nhàn hạ dừng chân nghỉ ngơi trong rừng trúc, cất tiếng ca rồi lại phiêu nhiên rời đi.

Khi tiếng đàn ngưng hẳn, mọi người mới dần dần phục hồi lại tinh thần, nhưng sau đó lại phát hiện xung quanh tràn ngập hương thơm kỳ lạ, không phải là mùi hoa.

Hương thơm này thanh tao, nhàn nhạt, như thấm vào ruột gan, đan quyện hài hòa với mùi thơm lá trúc.

Vương Tương không nhịn được cất tiếng hỏi: “Mùi hương gì vậy?”

Hoàn Viễn thản nhiên đến bên Tịch Nhiên, nghe thấy tiếng hỏi bèn chậm rãi trả lời: “Đây là hương trà!”

“Trà?” Mọi người đều kinh ngạc không thôi, ngay cả Vương Ý Chi cũng không khỏi giật mình: “Sao trà lại thơm như thế?”

Thời đại này mọi người uống trà, cứ thế nấu lá lên mà uống, trong trà còn cho thêm vài thứ linh tinh thượng vàng hạ cám như vừng, muối, hạt dưa, hạt đào…Sở Ngọc lần đầu tiên uống trà ở thời này suýt nữa phun ra, sau mới hiểu trà mỗi thời khác nhau thế nào. Lại trải qua một vài dịp, trong đầu nàng nảy ra ý tưởng.

Có máy làm thơ Hoàn Viễn trợ giúp tất nhiên rất hữu ích, nhưng chính bản thân nàng cần phải đi tiên phong trong một lĩnh vực thưởng thức văn hóa, mới có thể tạo nên địa vị không thể bị lật đổ. Thời kỳ này, cả trà và rượu còn ở giai đoạn sơ cấp, chưa có hương vị tinh tế như thời hiện đại. Muốn tạo nên phong cách mới có thể thử nghiệm pha trà xanh và chưng cất rượu. Tuy nhiên Sở Ngọc không giỏi uống rượu, cũng không muốn khuyến khích thói say rượu bê tha, bèn chọn trà làm vũ khí. Dùng cách thức này có thể tuyên dương hiểu biết văn hóa trà của nàng.

Rừng trúc thanh u, văn sĩ dẫn đường, tăng nhân pha trà, cầm ca hợp xướng. Kết hợp xu hướng thẩm mỹ hiện đại với quan niệm đương thời, Sở Ngọc đã tạo nên một buổi tụ họp vừa thanh tao, vừa hấp dẫn vô cùng.

Cuối cùng, Hoàn Viễn và Tịch Nhiên đích thân rót trà cho từng người. Chén sứ trắng mịn, nước trà trong veo xanh biếc, khác hẳn thứ nước trà vẩn đục lổn nhổn như cháo đương thời. Trong chén, vài lá trà nhỏ chìm nổi dập dềnh, tạo cảm giác thật thanh nhã.

Vương Ý Chi bưng chén trà lên nhấp một ngụm nhỏ, cảm thấy vị thanh, hơi chát. Ngụm trà đã xuống khỏi cổ mà hương thơm và dư vị vẫn còn đọng lại. Rõ ràng là trà nóng nhưng khi uống vào lại cảm thấy mát, thanh nhiệt, xua tan hết nóng bức.

Vương Ý Chi khép hờ mắt, khe khẽ thở dài, lát sau mới quay sang Hoàn Viễn nói: “Đây là Tử Sở huynh an bài phải không? Vương Ý Chi tự cho là đã hơn hai mươi năm uống trà, nhưng đến hôm nay mới cảm thấy, như được uống trà lần đầu tiên!”

Vương Tương ngồi bên cạnh kinh ngạc không thôi. Được Vương Ý Chi tán thưởng như vậy, ngày mai danh tiếng “Dụ Tử Sở” sẽ vang khắp thành Kiến Khang, nhưng đến bây giờ vẫn chưa nhìn thấy người này. Hắn không nhịn được cũng bắt chước Vương Ý Chi uống một hớp. Ban đầu thấy không hợp khẩu vị lắm, nhưng chỉ một lúc sau, hắn cũng không khỏi sửng sốt.

Để nắp chén một bên, Vương Ý Chi hình như có tâm sự trong lòng, không giống mọi người vẫn còn chìm đắm trong hương trà. Hắn tiện tay nhấc nắp muốn đậy chén lại, vứa mới nhấc lên, nhìn thấy mặt trong nắp chén có chữ. Năm chữ xoay vòng quanh trung tâm, khoảng cách đều nhau, chữ viết mượt mà ôn nhã, năm chữ này là: có, thể, thanh, tâm, vậy.

Vương Ý Chi khẽ thì thầm: “Có thể thanh tâm vậy?” Có thể thanh tâm, mấy chữ này viết trên chén trà, thực không còn gì thích hợp hơn!

Mà lúc này, những người xung quanh cũng đã chú ý đến chữ viết, thuận miệng đọc lên: “Thanh tâm cũng có thể”

Lại có người tiếp lời: “Cũng có thể thanh tâm”

Ba cách đọc khác nhau làm nảy sinh hứng thú của mọi người. Lặp lại một lần, mọi người mới phát hiện, dù theo hướng nào, lấy chữ nào làm mở đầu thì cũng tạo nên một câu hoàn chỉnh, ý nghĩa giống nhau.

Ngay cả Vương Ý Chi, trong mắt thấp thoáng vẻ lo lắng điều gì cũng bật cười vì sự thú vị này.

Sau đó, Sở Ngọc vẫn không lên sân khấu, mà Vương Ý Chi và Tịch Nhiên chủ trì cuộc chuyện trò. Hai người phong thái nhẹ nhàng cao quý, một người hào hoa thông làu kinh sử, một người am hiểu Phật học sâu sắc, đối với học thuyết Nho gia cũng hiểu tường tận, càng nói chuyện càng khiến mọi người bội phục không thôi.

Mãi cho đến khi bóng nắng ngả về phía tây, mọi người mới đứng dậy lưu luyến rời đi. Tuy Sở Ngọc hoàn toàn không lộ diện, nhưng cái tên Dụ Tử Sở từ nay về sau sẽ khắc sâu trong tâm trí mọi người.

Vương Tương rất muốn biết hình dáng Dụ Tử Sở thế nào, trước khi ra về không nhịn được bèn hỏi Hoàn Viễn: “Xin hỏi, chủ nhân Dụ Tử Sở rốt cuộc ở đâu?”

Hoàn Viễn chưa hồi đáp, một danh sĩ bên cạnh đã cười nói: “Vương Tương có phải là tục nhân không đấy? Chúng ta cao hứng mà tới, tận hứng mà về, có gặp Tử Sở huynh hay không thì quan trọng gì?” Tiếp đó mấy người đều cười to, khiến Vương Tương xấu hổ đỏ bừng mặt, không dám đòi gặp chủ nhân Sở viên nữa.

Tất cả mọi người đã rời đi, chỉ trừ một người là Vương Ý Chi. Hắn nán lại sau cùng, thấy mọi người đi hết rồi bèn đứng bên cửa, xoay người lại hỏi Hoàn Viễn: “Dung Chỉ ở đâu?”

Lúc trước nghe tiếng cầm ca hợp xướng, có lẽ người khác không biết nhưng hắn lại phát hiện ra. Tiếng ca cuối cùng của Dung Chỉ không phải cố tình bỏ dở, mà dường như bị cưỡng ép, hoặc là vì sức khỏe không tốt nên phải dừng lại. Tiếng đàn cũng không phải sắp xếp từ trước như thế, mà là ứng biến phù hợp với tình huống.

Dung Chỉ thế nào? Đến bây giờ Vương Ý Chi mới hỏi, là đã cực kỳ kiên nhẫn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.