Quân Vương Ngự Nữ

Chương 201: Con ếch nhỏ vô tri



Trước một màn thách đố này, không riêng gì Hạng, Liêu, các vị sứ thần của hai nước Đại Trần và Đông Hồ cũng rất mực quan tâm.

Đối với Đông Hồ thì Hạng chính là "mẫu quốc", bọn họ lệ thuộc rất nhiều. Thái độ, cung cách ứng xử của Hạng dành cho đoàn sứ nước Liêu hôm nay, hiển nhiên cũng sẽ tác động đến chủ trương, sách lược của Đông Hồ. Một màn thách đố này, nếu Hạng không áp chế được sứ thần nước Liêu, vậy thì tương lai rất đáng lo ngại.

Về phía Đại Trần...

So với Đông Hồ, Đại Trần đứng ở một vị thế khác. Bọn họ có quyền lựa chọn. Hạng - Liêu hai nước cho dù thật nổ ra xung đột thì cũng chưa chắc bọn họ đã lo. Biết đâu đấy lại còn là cơ hội cho Trần. Bởi nói sao Trần - Hạng xưa giờ quan hệ nào có tốt đẹp gì.

Tất cả đều đang vì lợi ích quốc gia của mình mà suy tính. Chả ai bảo ai, toàn bộ tập trung ánh mắt vào khoảng không gian trước mặt - nơi mà quận chúa Đông Kha và Trần Tĩnh Kỳ đã vừa mới tiến ra, chuẩn bị luận bàn.

- An vương điện hạ, coi bộ chúng ta quả là những người hữu duyên.

Quận chúa Đông Kha nhìn người phía đối diện, mỉm cười nói.

Trần Tĩnh Kỳ cũng tươi cười đáp lại:

- Có được duyên phận với quận chúa, Tĩnh Kỳ rất lấy làm vinh hạnh.

- Thật không?

- Lời Tĩnh Kỳ không giả.

Quận chúa Đông Kha lại cười.

...

- An vương điện hạ, đã chuẩn bị tốt rồi chứ?

- Mời quận chúa tự nhiên ra đề.

- Tốt.

Quận chúa Đông Kha sảng khoái gật đầu, rồi cất cao giọng đọc:

- Lão khuyển lạc mao, do hướng đình tiền phệ nguyệt.

(Con chó già rụng hết lông còn hướng ra sân sủa trăng.)

Ngay lập tức, toàn trường im lặng, hết thảy đều biến sắc. Nét mặt khó coi nhất thì chính là các vị hoàng thân quốc thích, bá quan văn võ của nước Hạng. Thậm chí đến Hạng đế Lý Uyên - người vốn rất điềm tĩnh - lúc này cũng đã phải nhíu mày, mấy đầu ngón tay vô thức siết chặt.

Quận chúa Đông Kha chắc chắn sẽ "kiếm chuyện", Lý Uyên sớm đoán được, nhưng hắn không thể ngờ chỉ ngay câu đầu tiên thốt ra khỏi miệng nàng đã liền như vậy, quá đỗi kiêu căng phách lối. "Lão khuyển" trong lời nàng là đang ám chỉ ai, nếu chẳng phải Lý Uyên hắn, nếu chẳng phải đế quốc Đại Hạng?

Ý tứ của Đông Kha nàng rõ ràng muốn nói Lý Uyên hắn đã già rồi, Đại Hạng đã hủ bại rồi... Thật ngạo mạn lắm thay! Can đảm lắm thay!

Lý Uyên rất tức giận, song lại không thể phát tác. Bởi vì hắn nhận thức được Đông Kha là ai, đại diện cho cái gì. Thêm nữa đây là đang luận bàn văn chương, muốn áp chế thì phải dùng văn chương mà trấn áp, như thế mới thể hiện được sự văn minh, cái uy chân chính của một nước lớn.

Ánh mắt Lý Uyên rơi xuống người Trần Tĩnh Kỳ...

Sau khoảnh khắc bất ngờ ngắn ngủi, hiện giờ sắc diện của Trần Tĩnh Kỳ cũng đã khôi phục như thường. Ở trên môi hắn thậm chí còn vừa nở ra một nụ cười nhàn nhạt. Dễ thấy, đối với hắn thì vế ra ngạo mạn của quận chúa Đông Kha cũng chẳng phải vấn đề gì đáng kể.

Tay trái để hờ sau mông, tay phải cầm quạt giấy phẩy nhẹ, hắn nhìn nữ nhân cá tính trước mặt, chậm rãi ngâm rằng:

- Tiểu oa đoản cảnh, mạn cư tỉnh đề khuy thiên.

(Chú ếch nhỏ cổ ngắn, ngồi dưới đáy giếng kêu trời.)

Nghe qua câu đối, những bậc đại trí như Nguyễn Chánh, Trần Thừa Ân, Cao Văn Đạt, Hứa Bỉ, Tào Tất An, Từ Thức, Hàn Dũ... liền thấu hiểu, âm thầm ngợi khen. Lời đáp trả của Trần Tĩnh Kỳ thật sự vô cùng tuyệt diệu.

Nếu quận chúa Đông Kha lấy hình ảnh con chó già rụng hết lông để ví von về sự già nua, hủ bại thì Trần Tĩnh Kỳ lại dùng biểu tượng con ếch nhỏ cổ ngắn để mà phản kích, ngụ ý nói rằng quận chúa Đông Kha là kẻ tầm nhìn thiển cận, coi trời bằng vung. Xa hơn thĩ dĩ nhiên là ám chỉ Đại đế Bạt Đài, ám chỉ đế quốc Đại Liêu.

Khỏi phải nói, đối với câu trả lời đanh thép này của Trần Tĩnh Kỳ, người Hạng ai nấy đều rất vừa ý. Thần sắc của bọn họ, so với ban nãy thì tốt lên rất nhiều. Trên ngôi cao, Hạng đế Lý Uyên cũng vừa mới vuốt râu khen ngợi.

Trái ngược với vua quan nước Hạng, các sứ thần nước Liêu đang tỏ ra khó chịu. Bị ví như những con ếch cổ ngắn, ai mà vui được? Thế nhưng vế đối kia của Trần Tĩnh Kỳ niêm luật chặt chẽ, dù muốn cũng không thể bắt bẻ gì được, đành phải cắn răng nuốt cục tức xuống bụng.

Đông Kha thì tốt hơn. Nàng chẳng hề sinh khí, thay vào đó trên gương mặt xinh đẹp còn nở một nụ cười tán thưởng.

Đường xa mới biết sức ngựa, Đông Kha nàng hà tất phải nóng vội kia chứ.

Xoay đầu lại nhìn các bộ hạ của mình, nàng bảo:

- Mạc Nhi, rượu!

Rất hiểu ý, một cô gái trong đoàn sứ thần lập tức cầm lấy vò rượu Miên Lý ném về phía trước.

Quận chúa Đông Kha vươn tay chụp lấy, rồi lại chuyển sang cho Trần Tĩnh Kỳ. Trong sự nghi hoặc của hắn, nàng nói:

- Ngâm thơ đối ẩm, uống trà thưởng hoa, trong cuộc luận bàn này, có thêm chút rượu chẳng phải lại càng hay?

- An vương, hẳn ngài sẽ không từ chối ta chứ?

Trần Tĩnh Kỳ cười khẽ:

- Nếu đây là thịnh tình của quận chúa, Tĩnh Kỳ đương nhiên sẽ chẳng chối từ.

Nói rồi hắn khui mở vò rượu, ngửa đầu uống một ngụm to. Uống xong, hắn lại đem vò rượu ném trả về Đông Kha.

Hoàn toàn không chút cố kị, Đông Kha vậy mà cũng ngửa đầu uống tiếp. So với Tiên Việt, nữ nhân người Thát thật là phóng khoáng.

Khà...

Đông Kha dùng tay quẹt ngang miệng để lau đi những giọt rượu nồng vương động trên môi, ra một vế đối khác:

- Quých tập chi đầu, đàm Lỗ luận: tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri.

(Chim chích đậu đầu cành, bàn sách Luận ngữ: biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết, đó mới là biết.)

Vế ra lần này so với trước thì độ khó cao hơn, dùng toàn chữ trong sách Luận Ngữ, lại nhiều từ "tri" và "chi" được lặp đi lặp lại, vừa tạo nên âm điệu như chim chích hót, đồng thời cũng tỏ ý nhại lại tiếng nói líu lo của người Tiên Việt.

Thế là một lần nữa, mọi ánh mắt tập trung vào Trần Tĩnh Kỳ. Tất cả đều đang chờ màn đáp trả của hắn.

Không làm cho vua quan nước Hạng phải thất vọng, chưa tới ba nhịp thở thì Trần Tĩnh Kỳ đã đưa ra được đáp án:

- Oa minh trì thượng độc Châu thư, lạc dữ thiểu nhạc lạc, lạc dữ chúng nhạc lạc, thục lạc?

(Ếch lên trên bờ ao đọc sách Mạnh Tử, vui cùng ít người vui nhạc, vui cùng nhiều người vui nhạc, đằng nào vui?)

Nếu vế ra của quận chúa Đông Kha có năm chữ "tri" thì vế đối của Trần Tĩnh Kỳ cũng có năm chữ "lạc", còn nếu bảo quận chúa Đông Kha dùng toàn chữ trong sách Luận Ngữ thì Trần Tĩnh Kỳ cũng dùng toàn chữ trong sách Mạnh Tử, câu chữ tương xứng, niêm luật chặt chẽ chẳng lệch đi đằng nào. Thậm chí, xét ở ý tứ hàm ẩn bên trong, so ra cũng là cao hơn một bậc.

Đông Kha nàng nhại tiếng người Tiên Việt líu lo như chim chích ư? Trần Tĩnh Kỳ thì lại cho rằng giọng của người Thát giống y hệt tiếng ếch ộp kêu!

Đông Kha nàng bảo Trần Tĩnh Kỳ hắn không biết nói bừa? Một lần nữa hắn lại ví nàng như con ếch trong ao chưa tường thế sự!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.