Khi tiếng khóc của đứa trẻ vang vọng khắp nhà hàng, Trình Vân đang chăm chú gắp mấy miếng dạ dày bò cho chồng.
Lúc đầu bà không để ý, nhưng âm thanh đó càng lúc càng quen thuộc, hơn nữa lại thấy nhân viên phục vụ vội vã chạy về phía đó nên bà đứng dậy kiểm tra.
Chỉ một ánh mắt thôi mà đã khiến lòng bà rối như tơ vò.
Cách vài dãy ghế, có một người đàn ông cao to, xăm trổ kín cánh tay, bực bội lớn tiếng: "Con nhà ai đây? Không biết quản hay sao?"
Đứa con trai quý báu của bà ngồi bệt trên sàn, mặt đỏ bừng, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng.
Một nữ phục vụ đi tới, kéo thằng bé đứng lên.
Nguyên Du Xuyên khóc to hơn.
Trình Vân vội đẩy chồng sang một bên, giục ông tránh đường. Nguyên Ngật liếc nhìn bà một cái, chưa rõ chuyện gì, nghe bà nói là Xuyên Xuyên khóc, ông mới nhanh chóng bỏ đũa xuống, cùng bà đi qua.
Bà ba chân bốn cẳng chạy, vừa xin "Nhường đường" vừa chen qua đám đông.
Nguyên Dã cũng nhìn thấy nhưng anh vẫn ung dung, từ từ tiến lại.
Trình Vân ôm con trai vào lòng che chở, dịu dàng hỏi: "Xuyên Xuyên, sao con lại khóc?"
Nguyên Du Xuyên thấy mẹ càng tủi thân, chỉ tay về phía người đàn ông kia: "Chú ta đánh con."
Trình Vân nghe thế liền hoảng hốt, ngồi xổm xuống kiểm tra khắp người con, hỏi thằng bé bị đánh vào đâu.
Nguyên Du Xuyên không trả lời.
Trình Vân như sói mẹ bảo vệ con, ánh mắt đầy địch ý: "Mấy người đánh con tôi hả?"
Người phụ nữ ngồi chung bàn với người đàn ông cất tiếng: "Ai đánh nó? Chỉ đẩy một cái thôi, cô đừng có mà mở miệng vu khống người khác."
"Đẩy con nít là đúng à?" Trình Vân trừng mắt nhìn cô ta: "Sao mấy người có thể tùy tiện đẩy trẻ con như thế?"
Người đàn ông xăm trổ cười gằn, tức giận nói: "Chỉ đẩy nó thôi thì sao? Tôi không đánh là may lắm rồi."
Trình Vân hít sâu một hơi, ngực phập phồng: "Anh nói chuyện cái kiểu gì vậy?"
Người đàn ông đáp lại: "Tôi nói thế thì sao? Con cô dùng cái tay bẩn thỉu vẩy lung tung lên người tôi, cô còn dám mắng tôi? Không biết dạy con thì đừng dắt nó ra ngoài làm trò cười, chỉ toàn gây rắc rối cho người ta."
Người phụ nữ mặc váy hai dây màu đen tiếp lời: "Đúng đấy, bạn trai tôi ban đầu cũng nói tử tế với nó, nhưng nó không nghe. Chẳng lẽ chúng tôi phải ngồi yên để một đứa trẻ hư nghịch ngợm? Đến Quan Âm Bồ Tát cũng chẳng có tính nhẫn nại như thế."
Vừa nói, cô ta vừa ném hai cục giấy bẩn ra, lăn đến chân Trình Vân.
Chứng cứ rành rành, Trình Vân cạn lời, đang lắp bắp thì chợt nhớ ra một nhân vật chủ chốt, bà ngẩng đầu tìm kiếm.
Nguyên Dã đúng lúc đó xuất hiện.
"Xin lỗi." Giọng nói trong trẻo của thiếu niên vang lên, lập tức làm dịu bầu không khí căng thẳng: "Là lỗi của cháu, cháu không trông chừng em trai kĩ."
"Cháu thay mặt em ấy xin lỗi hai người."
Cậu cúi đầu ngoan ngoãn, thái độ hòa nhã.
Người phụ nữ thấy bộ dáng thảm hại, quần áo lem luốc của cậu không nhịn được châm chọc mấy câu: "Bảo sao, người nhà mình còn đùa cỡ vậy thì trông mong gì cái đứa vô văn hóa này ứng xử tốt với người lạ."
Trình Vân định phản bác lại hai câu bỗng dưng thấy ngực mình trống rỗng.
Nguyên Ngật đứng im lặng bên cạnh nãy giờ, thấy có khách ở gần đó chuẩn bị lấy điện thoại ra quay thì nhanh chóng kéo Nguyên Du Xuyên qua, trầm giọng quát: "Khóc cái gì mà khóc! Mau xin lỗi cô chú đi!"
Nhìn khuôn mặt nghiêm khắc của bố, Nguyên Du Xuyên lập tức nín, đầu óc trống rỗng, chỉ biết làm theo.
Cậu vừa nức nở vừa dụi mắt, lắp bắp nói: "Cô, chú, cháu xin lỗi..."
Nguyên Ngật tiếp tục dạy: "Con phải nói: 'Cháu không nên làm bẩn người của cô chú.'"
Nguyên Du Xuyên nghẹn ngào lặp lại: "Cháu... cháu không nên làm bẩn người của cô chú..."
Nguyên Ngật thấy vết bẩn trên ống tay áo của người đàn ông, cố gắng giảng hòa: "Thật sự xin lỗi anh. Là lỗi của tôi dạy con không tốt, để nó làm bẩn áo anh. Anh xem muốn chúng tôi bồi thường thế nào?"
Người đàn ông nhìn ông, khinh thường: "Thôi khỏi. Nhìn dáng vẻ vợ anh muốn gây sự như vậy chắc lát nữa lại nói chúng tôi cố tình ăn vạ đòi tiền."
Nguyên Ngật nhíu mày, quay lại nhìn Trình Vân, ánh mắt ra hiệu kiềm chế.
Trình Vân cắn răng chịu đựng, không dám lên tiếng, chỉ có thể kéo con trai lại gần.
Nhân viên phục vụ thấy vậy vội bước tới hòa giải, nói trẻ con còn nhỏ không hiểu chuyện, khuyên hai bên dĩ hòa vi quý. Đôi nam nữ không làm khó thêm, quay lại bàn tiếp tục ăn uống.
Trình Vân ôm Nguyên Du Xuyên trở về chỗ ngồi, nhẹ nhàng dỗ dành con.
Nguyên Ngật mặt lạnh như băng, không nói lời nào.
Nguyên Dã lững thững đi theo, dáng vẻ thản nhiên. Một lát sau, cậu nghiêng đầu, khẽ thở dài một hơi.
__
Vốn nên vui vẻ hòa thuận ăn một bữa, nhưng vì sự cố này mà trở nên ngột ngạt khác thường.
Nguyên Ngật ăn không ngon cả nửa buổi sau, chỉ uống mấy cốc trà lúa mạch đã nói no rồi, hỏi vợ: "Khi nào mình về?"
Da mặt Trình Vân mỏng vì vậy cũng không muốn ở lâu, đáp: "Đi luôn bây giờ đi."
Nguyên Ngật gật đầu, quay sang hỏi Nguyên Dã: "Hôm nay con về nhà ở chứ?"
Nguyên Dã từ chối khéo: "Tuần này con nhiều bài lắm, để ở phòng trọ khá nhiều, chắc phải trở về phòng trọ nếu không con sợ làm không xong mất."
Nhìn chiếc balo xẹp lép của cậu, Nguyên Ngật không ép nữa: "Vậy để bố đưa con về trước."
Nguyên Ngật xuống hầm lấy xe.
Nguyên Dã, Trình Vân, và Nguyên Du Xuyên chờ ở góc đường. Thằng nhóc vẫn đang khóc thút thít, hai người lớn đều không nói lời nào.
Chiếc Audi A8L* màu đen từ từ dừng lại.
*Xe mới full phí sương sương 5 tỏi🤗
Nguyên Dã ngồi vào ghế phụ. Suốt quãng đường Trình Vân vẫn luôn dỗ dành Nguyên Du Xuyên.
Tiếng người phụ nữ lải nhải không ngớt khiến Nguyên Ngật vốn đã bực bội trong lòng càng thêm tức giận, bảo bà đừng quá nuông chiều con như vậy nên hai người cãi nhau. Nguyên Dã tựa lưng vào ghế, đeo tai nghe chống ồn, nghiêng người nhìn ra cửa sổ.
Chiếc xe lướt qua những tòa nhà và ánh đèn neon dài vô tận, dừng lại ở con ngõ nhỏ quen thuộc.
Nguyên Dã vừa xuống xe định rời đi thì bị bố gọi lại.
Người đàn ông quay đầu dặn vợ con: "Tiểu Vân, anh lên nói chuyện với Nguyên Dã vài câu, em và Xuyên Xuyên đợi anh trong xe nhé."
Trình Vân khựng lại, mỉm cười đáp.
Nguyên Ngật không tắt máy, xuống xe.
Khi thấy hai bóng người dần xa khuất ngoài cửa sổ, vẻ mặt vốn nhiệt tình của Trình Vân lạnh đi.
Bà lấy chiếc kẹo mút trong túi ra, bóc vỏ, rồi đưa cho Nguyên Du Xuyên đang ngồi trên ghế an toàn.
Thằng bé li.ếm kẹo, tâm trạng cuối cùng cũng tốt lên.
Người phụ nữ nở nụ cười, hỏi: "Xuyên Xuyên, con không đi rửa tay sao? Vẽ lên người anh thì thôi đi, sao lại lấy tay bẩn chạm vào người khác? Có phải anh bảo con làm vậy không?"
Thằng bé gật đầu mạnh: "Đúng là anh bảo con vẽ đấy."
Trình Vân nắm chặt tay, móng tay sơn màu đỏ cam c.ắm vào da thịt. Bà hít sâu một hơi, rồi từ từ thở ra, sau đó đóng cửa sổ xe lại.
__
Trên đường đi, hai cha con hầu như không nói chuyện, chỉ hàn huyên vài câu xã giao, hỏi thăm xem cậu có quen với chỗ ở không. Nguyên Dã cất tai nghe đi, lần lượt trả lời từng câu trong sự vô cảm.
Nguyên Ngật đi theo Nguyên Dã lên tầng, chê bai suốt dọc đường: "Nếu không phải hết phòng, thì bố đã chẳng chọn căn này. Cầu thang bé như vậy, chắc hẳn có thêm vài người đàn ông nữa là sập mất."
Nguyên Dã không đáp lại, lấy chìa khóa ra mở cửa.
Trong nhà tối đen, chỉ có vài vệt sáng lờ mờ từ bên ngoài rọi lên đồ vật.
"Không có ai à?" Nguyên Ngật hơi ngạc nhiên: "Nhà bên cạnh về nhà rồi à?"
Nguyên Dã thấy khe cửa phòng cô gái lọt ra một tia sáng, lại liếc nhìn phòng mẹ cô, nhanh chóng bật đèn phòng khách: "Có vẻ vậy."
"Chỉ có một đôi dép. Bố đừng thay nữa."
Nói xong, cậu rẽ vào phòng mình.
Nguyên Ngật đi theo vào, nghĩ trong nhà không có ai khác nên không đóng cửa.
Người đàn ông nhìn quanh, thấy phòng con trai dọn dẹp ngăn nắp, không hỏi thêm về vấn đề sinh hoạt nữa, đến bên bàn học rồi kéo ghế ra ngồi.
"Con cũng ngồi đi." Nguyên Ngật chỉ vào giường.
Nguyên Dã im lặng làm theo.
Nguyên Ngật cầm tập bài tập bên bàn lật vài trang xong đặt lại, không quanh co nói: "Mấy hôm trước bố đi công tác ở Bắc Kinh nên không quan tâm được đến con, con có biết thầy Đường gọi điện cho bố không?"
Không cần nghĩ cũng biết là vì chuyện gì, Nguyên Dã đáp: "Đoán được ạ."
"Thầy nói con bỏ cuộc thi rồi? Có đúng không?"
Nguyên Dã ngước mắt: "Đúng ạ."
Ban đầu ông nghĩ đây không phải là chuyện to tát gì cho đến khi nghe con trai mình chính miệng thừa nhận, Nguyên Ngật không khỏi nghi ngờ: "Sao con quyết định như vậy?"
Nguyên Dã nói: "Con không muốn tham gia nữa."
"Con nói không tham gia liền không tham gia nữa?" Nguyên Ngật tức giận quát: "Chuyện lớn thế này không bàn bạc với bố một tiếng hả?"
Nguyên Dã bình tĩnh đáp: "Con muốn tập trung vào kỳ thi đại học."
Nguyên Ngật không đồng ý: "Có vấn đề gì đâu? Thi lại lần nữa thì sao, cũng không cách biệt mấy, hạng 62, chỉ thiếu đúng hai hạng nữa là vào được đội tuyển quốc gia rồi, chắc chắn đỗ Thanh Hoa Bắc Đại. Với đà tiến bộ của con và kinh nghiệm những năm qua, lần sau chắc chắn 100% con sẽ đỗ, tại sao lại không thử nữa? Bố không tin con không hiểu đạo lý 'khổ trước sướng sau'."
Nguyên Dã nhìn thẳng vào ông: "Có sao đâu, điểm các môn của con chưa bao giờ rớt khỏi hạng nhất khối. Bố lo lắng gì ạ?"
Nguyên Ngật chế giễu cậu: "Con thật sự không hiểu hay giả vờ không hiểu vậy? Giá trị vàng của đội tuyển quốc gia là thứ kỳ thi đại học so được sao?"
Nguyên Dã cong khóe môi nhưng lại không có ý cười mà chỉ thấy âm u lạnh lẽo: "Đó là giá trị vàng đối với danh tiếng của bố thôi."
Nguyên Ngật cạn lời, ông kìm nén cơn giận hồi lâu, rồi hạ giọng: "Em trai con và dì Trình còn đợi ở dưới, bố không rảnh cãi nhau với con về chuyện này nữa. Bố là bố con, bố hại con được sao? Có lẽ bây giờ con vẫn chưa hiểu lợi ích của nó, đừng vì giận dỗi bố mà đánh cược tương lai của mình."
"Con hiểu rõ tương lai của con hơn ai hết." Nguyên Dã chống tay lên giường, nhàn nhã ngả ra sau, thể hiện sự tùy ý: "Con có thể tự chịu trách nhiệm cho mình. Bố đừng quản nữa."
Nhắc đến chuyện này Nguyên Ngật lại càng tức giận: "Bố quản con thế nào? Bao nhiêu năm nay bố mắt nhắm mắt mở bênh vực con còn ít à? Chuyện của Xuyên Xuyên tối nay, con tưởng bố không biết sao? Còn nữa, con lén ra đề cho Bác Tri -- kiếm mấy đồng tiền đó định làm gì, nhà không cho con tiền tiêu hay ngược đãi con à?"
Người đàn ông nghĩ lại cười lạnh:
"Con trai hiệu trưởng Nguyên, Nguyên Ngật, lại ra đề cho đối thủ. Con nghĩ cái gì vậy, muốn để người ta cười thối mặt sao."
Nguyên Dã không hé răng.
Nguyên Ngật hiểu rõ tính cách của con trai, hoàn toàn di truyền từ mẹ ruột nó, nhìn bề ngoài ôn hòa dễ gần nhưng thực ra cứng đầu như đá.
Vì vậy ông nhẹ nhàng thương lượng: "Nguyên Dã, con thật sự đã nghĩ kỹ chưa? Chuẩn bị cho kỳ thi đại học không bằng tham gia thi đấu, con không cân nhắc lại sao?"
Ánh mắt thiếu niên kiên quyết, từ chối thẳng thừng: "Không cần cân nhắc nữa. Bố về đi. Dù sao Xuyên Xuyên và dì Trình vẫn đang đợi bố."
Cậu nói một cách mỉa mai* làm Nguyên Ngật nghe mà máu dồn lên não, vô cùng tức giận, đứng dậy mắng: "Được, con giỏi lắm, không thi Olympic thì phải đỗ thủ khoa cho bố!"
*raw: 夹枪带棒 (giáp thương đái bổng) thành ngữ tục ngữ TQ, ý chỉ nói bóng nói gió, nói chuyện kiểu châm chọc mỉa mai
"Nếu không...Con sẽ không xứng với từng câu con nói bây giờ! Với từng lần giận dỗi gia đình!"
Người đàn ông nói xong liền đi, bước chân không dừng.
Cuối cùng đóng sầm cửa chính.
__
Xuân Tảo nghe lén đã lâu bị tiếng đóng cửa làm giật mình, dùng sức ấn cây bút chì trong tay xuống.
Tim cô đập mạnh như sấm, vội vứt đống chì gãy trên nháp đi, bấm hai cái ra chì mới, cố gắng bắt mình tiếp tục làm bài.
Tuy nhiên mạch suy nghĩ của cô hoàn toàn bị rối loạn, không thể giải tiếp được nữa.
Cô gãi cổ, khẳng định trước khi đi siêu thi mẹ chắc chắn đã tắt hết đèn nên họ mới nghĩ trong nhà không còn ai, để rồi cãi nhau dữ dội như vậy.
Tốt hơn hết là đừng để Nguyên Dã biết sự tồn tại của cô.
Nghĩ vậy, Xuân Tảo quyết định "tọa thực"* trong phòng, giả vờ như không ai ở nhà.
*Thực hiện và xác nhận (theo Baidu)
Cô rón rén đứng dậy, tắt đèn trần phòng ngủ, chỉ để lại đèn học ở góc bàn.
Ngồi lại vào bàn, cô không vội cầm bút mà tựa vào tường, nghiêng tai lắng nghe, nín thở chú ý động tĩnh bên cạnh.
Bên đó truyền đến tiếng giày đều đặn, chỉ bước sáu lần rồi dừng lại.
Kẽo kẹt một tiếng, có vẻ là tiếng mở cửa tủ quần áo.
Một lát sau, tiếng bước chân trên sàn nhà lại vang lên, dần dần đi xa.
Cô thở phào nhẹ nhõm, ngồi phịch xuống ghế, lúc này mới dám cầm bút lên, lật mặt giấy nháp đã viết đầy.
Đang định cúi người tiếp tục làm bài tập thì cửa bị gõ ba tiếng.
Xuân Tảo giật mình ngồi thẳng người, nhìn về phía cửa phòng, không biết phải làm gì một lúc.
Cậu biết cô ở nhà???
Sau một hồi rối loạn tâm trí, cô kéo vạt áo ngủ, đi mở cửa với vẻ mặt nghiêm túc.
Quả nhiên là Nguyên Dã.
Từ sắc mặt đến trạng thái cậu đều sóng yên biển lặng, như thể không có chuyện gì xảy ra. Ngay cả áo phông trắng trên người cũng sạch sẽ ngăn nắp, không thấy một nếp nhăn.
Xuân Tảo cố gắng không nhìn thẳng vào cậu, tránh để cậu thấy sự quan sát và ánh mắt phán xét của mình, sợ làm tổn thương lòng tự trọng người ta.
Thiếu niên giơ tay trái ra, kẹp giữa hai ngón là một chiếc thẻ SIM trắng mới tinh: "Thẻ của cậu."
"Nhận lấy đi." Cậu lời ít ý nhiều.
Xuân Tảo dùng hai tay lấy, gật đầu cảm ơn rồi hỏi: "Bao nhiêu tiền thế?"
"Hả?" Giọng mũi đầy khó hiểu vang lên: "Cái này là tôi cho cậu mượn, chứ không phải bán cho cậu."
Xuân Tảo lập tức đỏ mặt.
"Tôi biết," cô vội vàng giải thích: "Tôi không có ý định chiếm hữu nó mãi mãi. Nhưng cứ dùng thẻ của cậu thế này... Tôi cảm thấy không thoải mái, dù sao thì cước phí và dữ liệu đều tốn tiền mà."
Cô còn đang bối rối thì thiếu niên đã nhanh chóng đưa ra giải pháp: "Vậy đi, mời tôi một bữa ăn là được."
Xuân Tảo nhìn cậu, ánh mắt thoáng do dự: "Một bữa ăn là đủ sao?"
Dường như thiếu niên không quan tâm đến việc mình có lợi hay không, tiếp tục hỏi ý kiến cô: "Được không?"
"Được thôi, vậy làm theo lời cậu." Xuân Tảo hạ quyết tâm, đồng ý: "Tuần sau cậu chọn ngày đi, tôi sẽ mời cậu ăn."
Thiếu niên khẽ gật đầu, chỉ vào chiếc thẻ trong tay cô: "Không xem thử à?"
Xuân Tảo lập tức hiểu ý, quay người bước đến bên giường, lấy chiếc điện thoại từ dưới gối lên rồi bắt đầu lắp thẻ.
Cô biết cách lắp nhưng vì hiếm khi làm việc này nên có chút lóng ngóng.
Nguyên Dã không chủ động giúp đỡ hay hướng dẫn cô.
Ngoài phòng có ánh đèn còn bên trong thì mờ ảo.
Cô gái đứng ngay ranh giới giữa sáng và tối, đầu hơi nghiêng, chiếc mũi nhỏ nhắn, xinh đẹp như viên ngọc trai nửa chìm dưới mặt nước sâu.
Hành động của cô tuy vụng về nhưng vô cùng nghiêm túc và kiên trì.
Thời gian và không gian như thuộc về riêng cô, cậu không muốn xâm phạm, cũng không nỡ phá vỡ.
Cuối cùng thì máy cũng khởi động.
Ánh sáng từ màn hình phản chiếu trong đôi mắt cô gái.
Thiếu niên không nhịn được mà khẽ mỉm cười, như thể người tặng quà cũng được chia một miếng bánh.
Xuân Tảo kìm nén niềm vui sướng đang nảy lửa trong lòng, tiến lại gần cậu, mở ứng dụng nghe nhạc, tùy ý chọn một bài. Giai điệu nhanh chóng vang lên.
"Cảm ơn nha." Cô cảm ơn lần nữa, cảm động đến mức suýt bật khóc: "Có thể dùng được nè."
Trời ơi tốc độ mạng còn rất nhanh nữa chứ.
Nguyên Dã trở về: "Vậy thì tốt."
Sau khi hoàn thành cuộc "giao dịch," cậu định rời đi nhưng đột nhiên quay đầu lại, nhướng hai hàng lông mi, ánh mắt lướt qua căn phòng chỉ có ánh đèn yếu ớt: "Cậu tiết kiệm điện thật đấy."
"..." Xuân Tảo nghẹn lời, bối rối gãi trán: "À, dù sao thì tôi cũng ở nhà một mình."
Cô cố ý tiễn "đại ân nhân" của mình về phòng, sau đó mới đóng cửa lại.
Cô tiến nhanh về giường, đeo tai nghe, vừa nghe nhạc vừa lướt mạng, đăng nhập QQ, lướt Weibo, tất cả đều nằm trong tầm tay.
Căn phòng đen trắng đơn điệu chính thức kết nối với thế giới bên ngoài, tràn ngập luồng khí tươi mới.
Xuân Tảo vui vẻ ngân nga theo giai điệu nhạc, gót chân cũng nhịp nhàng nhảy trong đôi dép.
Đương nhiên cô vẫn luôn chú ý đến cửa, để tránh đang lúc "high" bỗng nhiên bị Xuân Sơ Trân trở về bắt quả tang.
Cô đang mải mê tận hưởng thì một tin nhắn hiện lên.
Xuân Tảo mở ra.
Là số lạ, nội dung: "test".
Kiểm tra?
Kiểm tra... kết nối điện thoại?
Ngoài vị còn lại sở hữu chiếc SIM, cô không nghĩ người khác sẽ gửi tin nhắn kiểu này.
Là người thuê mà quên mất vị trí của mình, cô vốn định đùa một câu: TD
Nhưng nhớ lại tình hình căng thẳng bên phòng kia, cô ngoan ngoãn gõ "Nhận được rồi", sau đó lưu số vào danh bạ.
Thiếu niên không phản hồi thêm.
Xuân Tảo chờ vài phút, cảm xúc bỗng chốc trùng xuống.
Cô nằm ngửa ra giường, cảm thấy bản thân đang trở nên quá kiêu ngạo và ngứa mắt.
Nội dung cuộc cãi vã giữa Nguyên Dã và bố vẫn văng vẳng bên tai cô.
Cô không thể không nghĩ sâu hơn, chắc hẳn cậu trở về nhà lấy thẻ nên mới gặp bố; "dì Trình" mà họ nhắc đến có phải là người phụ nữ xuất hiện hôm xem nhà không? Không ngờ gia đình của Nguyên Dã lại thế này... Kiếm tiền bằng cách ra đề thi, liệu có khi nào chiếc thẻ cô mượn cũng từ công sức vất vả của cậu không!? Còn về những thứ như thủ khoa trong kỳ thi, với yêu cầu nghiêm ngặt về thành tích như vậy, cậu chẳng khác gì hoàn cảnh bi thảm của cô, thậm chí còn nghiêm khắc hơn.
Người trông có vẻ hoàn hảo hóa ra lại sống khó khăn thế.
Xuân Tảo lặng lẽ cầm điện thoại lên.
Bề ngoài nhìn không sao, liệu bên trong cậu ấy thật sự ổn chứ?
Cô nhớ lại cảm giác tủi thân và buồn bã sau mỗi lần cãi nhau với mẹ, trong lòng càng thêm áy náy.
Xuân Tảo đóng tất cả ứng dụng, chỉ để lại màn hình tin nhắn. Ngay cả nhạc cô cũng không dám mở.
Sau khi suy nghĩ kỹ, cô chủ động gửi lời hỏi thăm: "Cậu ổn chứ...?"
Bên kia khó hiểu phản hồi: "?"
"... "
Xuân Tảo tiếp tục dịu dàng nhắn: "Cậu biết đấy, căn phòng này cách âm không tốt lắm."
Nhưng điều khiến cô kinh ngạc hơn là hai tin nhắn liên tiếp xuất hiện, không hề có dấu chấm câu:
"Làm ồn cậu sao"
"Xin lỗi"
Không, không, không... Không phải vậy --
Xuân Tảo bật dậy, cảm giác tội lỗi tăng lên gấp bội. Nhưng vì vốn từ vụng về, cô chỉ có thể gõ ra vài lời an ủi ngốc nghếch:
"Thật ra cãi nhau với gia đình cũng khá bình thường..."
"Cậu thấy đấy, tuần trước tôi cũng cãi nhau với mẹ đấy thôi"
"Chuyện qua rồi thì để nó qua đi."
"Đừng tự tạo áp lực quá lớn, thủ khoa gì đó, dù bỏ ra 99% công sức thì vẫn cần 1% may mắn mà."
"Đừng suy nghĩ nhiều, cậu thực sự rất giỏi, thật đấy."
Nguyên Dã dựa vào đầu giường, nhìn màn hình điện thoại nhảy từng tin nhắn liên tiếp, biểu cảm trên mặt biến hóa khó lường, cuối cùng kết luận một từ: buồn cười.
Xác định cô đã nhắn xong.
Cậu ngay ngắn ngồi thẳng dậy.
Dù không phải đối thoại trực tiếp, cậu vẫn khẽ hắng giọng, gõ:
"Xuân Tảo" cách mở đầu bằng tên khiến câu này trở nên nghiêm túc hơn: "Cậu từng nghe qua câu chuyện cổ tích này chưa?"
Thấy hồi âm, cô gái lập tức ngồi nghiêm chỉnh, dựa vào tường: "Cái gì?"
Cậu trả lời: <Quốc vương có đôi tai lừa>
Xuân Tảo suy nghĩ một lúc: "Hình như có nghe qua."
Đang định thoát ra để tra cứu nội dung, phần tin nhắn lại nhảy lên, như thể cậu chuẩn bị tự kể:
"Ngày xưa, có một vị vua được dân chúng vô cùng yêu mến, ông thông minh sáng suốt nhưng lại có một khiếm khuyết mà không ai biết: đôi tai lừa. Ông rất lo sợ dân chúng biết được."
"Nhưng ông vẫn cần cắt tóc, nên đã gọi một người thợ cắt tóc uy tín đến."
"Người thợ cắt tóc vì để giữ bí mật về đôi tai dị dạng của nhà vua mà rất đau khổ, nên đã vào rừng đào một cái hố để nói ra, rồi lấp lại."
"Vài năm sau, hố đó mọc cây, những cành cây bị người chăn cừu chặt xuống làm sáo. Sau đó..."
Cậu ngừng lại ở đây.
Dưới sự dẫn dắt của Nguyên Dã, câu chuyện thời thơ ấu bị lãng quên dần hiện lên trong trí nhớ Xuân Tảo.
Cô không chắc chắn bổ sung: "Cuối cùng, tiếng sáo thổi ra đều tiết lộ bí mật rằng nhà vua có đôi tai lừa?"
Đối phương xác nhận: "Đúng rồi."
Rồi hỏi: "Nếu là cậu trong câu chuyện này, cậu sẽ chọn làm cái hố hay cây sáo?"
Xuân Tảo sững người.
Chỉ vài giây sau, như được khai sáng, cô bỗng ngộ ra ý nghĩa sâu sắc của câu chuyện cổ tích ấy.
Xác nhận bản thân không làm sai, cô nghiêm túc gõ trả lời: "Đương nhiên là làm cái hố."
Rồi bổ sung lý do: "Cảm giác làm cây sáo thật thiếu đạo đức."
Cô tuyệt đối không muốn trở thành loại người đó.
Cô sẽ giúp cậu giữ mọi bí mật.
Giống như tờ giấy ghi chú và chiếc thẻ SIM cậu đưa cho cô, cậu chắc chắn sẽ không tiết lộ hoặc khoe khoang.
Nhưng cô vẫn muốn một lời cam kết rõ ràng, bèn hỏi: "Còn cậu? Cậu sẽ chọn làm gì?"
Vì đây là câu hỏi liên quan đến vấn đề kiểm tra nhân tính nên Xuân Tảo đã chuẩn bị tâm lý chờ đợi.
Thế nhưng ngay lập tức, câu trả lời của cậu xuất hiện trước mắt cô.
Rất ngắn gọn cũng rất mạnh mẽ:
"Tôi sẽ mãi làm nhà vua."
Tác giả có chuyện muốn nói: Đã vào trọng tâm truyện rồi.