Hai tiếng ấy đối với khách võ-lâm trong giang hồ chẳng khác nào gọi đến tên địa ngục của tử-thần.
Quỉ Bảo ! Nó chỉ là một cái luỹ hoang, một động đá nằm trong một vị trí hoang vu, ba mặt trời nước mênh mông , sóng bủa rập rình, ngày đêm như gào thét, kêu than, còn một mặt thì giáp với đất liền trong âm u hoang lạnh.
Quỉ Bảo ! Động đá hãi hùng ấy quay mặt về hướng đất liền, cửa động là một vòng tròn to tướng, há hốc ra, bên trong đen ngòm như chứa đựng muôn ngàn bí mật !
Bên trong cửa động có đắp hai chữ lớn, bề cao hơn một trượng.
Từ xa, người ta đã đọc rõ hai chữ ấy là "Quỉ Bảo".
Dưới hai chữ Quỉ Bảo có đắp một chiếc đầu lâu máu bằng đất, to như nhột cái đầu, mà khách giang hồ thường gọi là "huyết sọ".
Nhưng "huyết sọ" là gì ? Tại sao có chiếc đầu lâu máu ấy?
Khách giang hồ không một ai hiểu. Chỉ biết "huyết sọ" là một dấu hiệu đặc biệt của Quỉ Bảo mà thôi.
Trước đây ba mươi năm, cửa Quỉ Bảo mở rộng, và các cao thủ giang hồ đã từng chết vì Quỉ Bảo !
Những cảnh giết người rùng rợn, nhưng cuộc tàn sát đẫm máu không ai rõ được thủ phạm, chỉ biết được hai tiếng "Quỉ Bảo" mà thôi.
Bởi vì Quỉ Bảo hành động vô cùng bí hiểm nhưng mỗi hành động đều để lại dấu vết đặc biệt là chiếc đầu người đẫm máu đó.
Máu tanh xương trắng rãi khắp đồi hoang , vực thẳm, ai ai nghe đến tiếng Quỉ Bảo chẳng khác nào nghe tên tuổi của tử thần.
Thật là một tai họa gớm ghiết bao trùm cả giới võ lâm đương thời.
Nhưng may thay, cách đó mười lăm năm, cửa Quỉ Bảo bỗng nhiên đóng kín, và dấu hiệu "huyết sọ" không còn xuất hiện gieo tang tóc trong giới võ lâm nữa.
Thoát được đại nạn, nhưng cũng là một điều thắc mắc.
Quỉ Bảo là gì ? Tại sao tự nhiên tiêu diệt ?
Nhiều người trong giang hồ ức đoán rằng : Quỉ Bảo là một quái vật hoá sanh rồi bị tiêu diệt !
Tuy nhiên, không ai có đủ điều kiện chứng minh chắc chắn Quỉ Bảo là gì cả !
Có nhiều cao thủ đã từng tò mò xâm nhập vào Quỉ Bảo, để khám phá những cái bí mật trong đó, nhưng bao nhiêu người đi đều không trở về !
Thế thì Quỉ Bảo có những bí hiểm gì ?
ôi ! Quỉ Bảo vô cùng bí mật và rùng rợn không phải giải đáp bằng vài câu !
Đêm tối như mực đen đến nỗi ngửa bàn tay không thấy! Sấm chớp nổi lên từng luồng chiếu sáng một cảnh rừng hoang, rồi phút chốc tắt lịm nhường lại cho mầu đen!
Cái màu đen hãi hùng trùm cả vũ trụ!
Cảnh vật như đang nép mình run sợ dưới làn sấm chớp phũ phàng của trời khuya.
Tuy nhiên, mỗi luồng chớp nỗi lên, lại hiện rõ trên con đường nhỏ một bóng người đang chập chùng tiến bước như bay.
Bóng đó là một chàng trai tuấn tú, trạc độ mười bảy, mười tám tuổi, trên lưng cõng một bệnh nhân đang bị trọng thương.
Bệnh nhân là một trung niên, hơi thở yếu ớt, nghoẻo đầu trên vai thanh niên, nói khàn khàn :
- Hãy đi mau! Đi mau hơn nữa!
Mặc dầu thanh niên đó đã cõng ông ta chạy như bay, nhưng ông ta thấy như quá chậm.
Thanh niên hổn hển đáp :
- Thân phụ! Hình như trời sắp mưa lớn rồi.
Người trung niên hừ một tiếng, đáp :
- Càng tốt! Đó là một cơ hội thuận tiện!
Thanh niên hỏi lại :
- Sao! Trời mưa lại là một cơ hội thuận tiện cơ!
- Đúng vậy!
Thanh niên vẻ mặt ngơ ngác :
- Thân phụ muốn nói gì con thực không hiểu?
Người trung niên giục :
- Thôi thôi! Đừng hỏi nữa! Cứ đến nơi sẽ biết.
Thanh niên vẫn ái ngại hỏi :
- Tại sao phải lựa lúc trời tối giông tố hãi hùng như thế nầy mới lên đường! Còn bệnh tình của cha.
Người trung thiên tỏ vẻ bất bình ngắt lời, nói :
- Đừng hỏi nữa! Hãy đi mau! Đến nơi tức khắc sẽ biết tất cả.
Một luồng chớp chiếu sáng loà! Tiếp theo một tiếng sấm như vang trời bể đất!
Trời bắt đầu mưa! Từng giọt mưa nặng trĩu hắt vào mặt hai người.
Thanh niên ôm chặt hai chiếc đùi ốm teo của trung niên thỏ thẻ :
- Thưa cha! Có cần tìm một nơi nào trú đỡ cho qua khỏi cơn mưa không?
Người trung niên gắt :
- Không! Không! Cứ đi mau!
Nhưng cha đang bệnh.
- Ta đang bệnh! Nhưng đừng hỏi nữa! Cứ phải đến ngôi nhà hoang đó ngay giờ phút nầy.
- Nhưng ngôi nhà hoang ấy còn bao xa?
Người trung niên thở khì một hơi, như cố vận thêm sức để chống với cơn bệnh đang hành hạ, nói :
- Ngôi nhà ấy gần đến rồi! Chỉ vòng quanh chân núi nầy là tới.
Tiếng sấm nầy chưa dứt, tiếng sấm khác đã nổi lên!
Những luồng chớp nối nhau xé khung trời.
Bây giờ trời mưa như trút nước! Trong sấm chớp, bóng người cõng một người cứ băng qua các vũng lầy mà đi.
Qua khỏi khu rừng quanh chân núi, thì đến một trang viện hoang vu, ẩn khuất trong rừng thông rậm.
Đường vào trong viện tối om, con đường cỏ hoang phủ đầy. Hình như ngôi nhà này hoang phế đã lâu, không có dấu chân người đến.
Người trung niên gắng gượng ngẩng mặt lên, nhìn qua làn chớp rồi nói :
- Đến rồi! Con vào mau!
Thanh niên cất bước đi nhanh hơn.
Khi đến cửa cổng chàng dừng lại đưa tay vuốt bớt nước mưa đọng trên mặt, và nhìn vào trong.
Cảnh hoang vắng hãi hùng. Cửa cổng đã mục nát, tường rêu bao phủ bên trong bốc ra một mùi lành lạnh.
Chàng quay mặt hỏi :
- Thưa cha. Chúng ta tìm đến ngôi nhả hoang này sao?
Người trung niên gật đầu :
- Phải!
- Cha có lầm không?
- Không!
Nói dứt tiếng, người trung niên như mệt lả, nghiêng đầu nằm trên vai thanh niên thở hào hển, hơi thở như gần kiệt sức.
Thanh niên thất kinh, gọi lớn :
- Cha! Cha! Sao thế?
Người trung niên gắng gượng nói trong hơi thở :
- Con. Con mau cõng cha vào.
Thanh niên còn lưỡng lự, thì người trung niên đã giục :
- Vào mau!
Thấy nét mặt thân phụ khác thường, các bắp thịt trên mặt lão đều cử động, đôi mắt sáng ngời, chàng thanh niên vội vã lắc mình một cái từ từ bước vào trang viện.
Bây giờ gió mưa đã tạnh, sấm chớp ngưng hẳn.
Chàng thanh niên nét mặt thững thờ không hiểu vì đâu thân phụ chàng trong lúc đang bệnh lại bảo chàng cõng đến ngôi nhà hoang nầy để làm gì.
Linh tính như có một cái gì bất hạnh báo trước, chàng lo lắng gọi :
- Cha!
Người trung nhân hét lên với giọng yếu đuối :
- Con... sợ ư?
Thanh niên lắc đầu :
- Không! Con không sợ!
Mây mù tan dần, mặt trăng lố dạng. Ánh sáng vàng nhạt toả xuống khu vườn, những cành thông um tùm lắc lư theo gió, chập chùng như muôn vạn bóng ma ẩn hiện.
Bỗng, chân của thanh niên như chạm phải vật gì lạ lạ. Chàng cúi đầu nhìn xuống, bất giác ré lên một tiếng, lông tóc trong người như muốt dựng ngược lên.
Thì ra, đó là một bộ xương người trắng hếu!
Tiếp đó trong nấy lùm cỏ xanh, trong hóc tường, và trên đường, ở rải rác đây đó từng bộ xương.
Một bộ.
Hai bộ
Ba bộ.
Bốn bộ.
Đều là xương trắng, đã rũ ra tự bao giờ rồi!
Thanh niên sợ hãi dừng bước, toàn thân run rẩy, nói lập cập!
Đêm tối! Nhà hoang! Xương trắng! Và đây đó thỉnh thoảng có vài đốm lửa hoang như bóng ma trơi, lập loè rồi tắt lịm.
Thanh niên hoảng hốt hỏi :
- Phụ thân! Sao lại có...
Người trung niên ngắt lời nói :
- Đừng hỏi nữa! Hãy vào trong, ở giữa phòng khách đó.
Thanh niên ngại ngùng không dám cất bước, tưởng chừng như trong phòng khách đó có gì nguy hiểm đang chờ đợi chàng.
Chàng muốn hỏi, nhưng lại không dám mở lời, chỉ lầm bầm :
- Trong phòng khách. Chắc trong đó còn gì rùng rợn hơn. Nhưng thân phụ chàng đã bắt chàng cõng đi trong mưa gió đến nơi nầy thì không phải là chuyện không quan hệ.
Chàng đang trầm ngâm suy nghĩ thì người trung niên đã ho lên một tràng dài, rồi giục :
- Vào đi! Vào trong phòng khách. Nếu không sẽ chôn hận suốt đời.
Thanh niên giật mình, tiến bước như một cái máy.
Phòng khách tối lờ mờ. Các khung cửa tuy đóng kín, nhưng cánh cửa vào cũng đã bị mục nát, đã hở ra vài chỗ, nên ánh trăng rọi vào.
Cảnh tượng ấy làm cho người vào đây không lạnh cũng phải run lên cầm cập.
Lại một bộ xương trắng nữa, nằm vắt ngang trên một chiếc ghế phòng khách.
Thanh niên cúi xuống nhìn rồi "A" một tiếng.
Người trung niên bảo :
- Hấy để ta xuống!
Thanh niên theo lời, đỡ nhẹ người trung nhân để ngồi dựa vào chiếc bàn gãy. Rồi chàng quay đầu lại sửng sốt nhìn thân phụ chàng như đang trong cơn ác mộng vậy.
Từ lúc khôn lớn lên, đây là lần đầu tiên, chàng thấy cha chàng có những cử chỉ lạ thường.
Chàng gọi :
- Cha! Cha! Sao lại phải đến ngôi nhà ma hoang rùng rợn này?
Người trung niên nói :
- Ta không phải là cha của con!
Thiếu niên thất kinh, bước lùi lại một bước, đoán rằng thân phụ chàng vì bệnh tình quá nặng nên mất trí.
Người trung niên trố mắt nhìn chòng chọc vào thanh niên rồi bảo :
- Hãy lấy nửa trái tuyết sâm đó cho ta.
Thanh niên vội thò vào túi lấy ra một cái gói nhỏ trong đó có gói sẵn quả tuyết sâm.
Tuyết sâm là một thứ cây mọc trên tuyết lạnh, trái nó rất quí, có thể chữa được các thứ bệnh nguy hiểm trên đời.
Người trung niên cầm lấy nửa quả tuyết sâm bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến.
Không bao lâu, tinh thần ông ta sảng khoái, gương mặt hồng hào bớt đau đớn.
Thanh niên mừng rỡ nói :
- Thân phụ! Thân phụ ăn nửa trái tuyết sâm này nữa, chắc bệnh tình của thân phụ sẽ lành hẳn.
Các bắp thịt trên mặt người trung niên run rẩy không ngừng. Ông ta cúi xuống lạy vào bộ xương ba lạy.
Thanh niên càng ngơ ngác không hiểu gì cả, đứng trân trân như một pho tượng.
Đôi mắt người trung niên sâu ngòm, ứa ra hai dòng lệ, từ từ chảy xuống má.
Thanh niên gọi :
- Cha. Tại sao thế!
Người trung niên gắt :
- Ta đã bảo ta không phải là cha của ngươi mà!
Lại một lần nữa, chàng thanh giật mình. Nhưng toan nhảy, chàng không bước lui, mà nhảy chồm tới, ôm vào cổ người trung niên van khóc :
- Thân phụ! Xin thân phụ chớ giận con.
Người trung niên đưa tay đẩy nhẹ thanh niên ra, và nói :
- Ta là sư thúc của ngươi, tên Độc Long Thủ Trương Thông.
Thanh niên khóc lớn, nói :
- Cha! Cha!
Đôi mắt người trung niên sáng quắc, nhìn thanh niên nghiêm nghị bảo :
- Ta là Độc Long Thủ Trương Thông là sư thúc của ngươi, ngươi đã nghe rõ chưa?
Thanh niên như kẻ mất hồn, nói theo :
- Sư thúc.
Người trung niên gật đầu :
- Đúng vậy.
Thanh niên hỏi :
- Nếu như thế thì cháu không phải họ Trương?
Người trung niên đáp :
- Không! Ngươi họ Hoàng.
Thanh niên giật mình hỏi lại :
- Họ Hoàng?
Người trung niên đáp :
- Đúng vậy. Ngươi họ Hoàng, và tên ngươi là Hoàng Thượng Chí.
- Hoàng Thượng Chí?
- Ừ! Phụ thân ngươi là Hoàng Thế Vĩ, tức là nhị sư ca của ta.
Một luồng gió lạnh thổi tới, mùi hôi thúi xông lên nồng nặc, làm cho cho Hoàng Thượng Chí nháy mũi hắt tiếng.
Chàng nói giọng run run :
- Thúc phụ!
Độc Long Thủ Trương Thông với vẻ mặt vừa đau đớn, vừa kinh khủng đưa tay chỉ vào đống xương khô, nói :
- Đây là di cốt của thân phụ ngươi, và cũng là nhị sư huynh của ta đó.
Hoàng Thượng Chí nghẹn ngào, đôi mắt ướt đẫm, nhìn bộ xương khô một lúc rồi nhảy đến chợp vào bộ xương khô ấy hét lớn :
- Thân phụ!
Chàng nằm im nơi đó, bất tỉnh.
Trương Thông vội vã đưa tay điểm vào mấy yếu huyệt của chàng.
Hoàng Thượng Chí tỉnh lại, trút ra một hơi dài, cúi đầu lạy bộ xương khô chín lạy, rồi hướng vào Trương Thông nói :
- Sư thúc! Đây là nhà cháu sao?
Trương Thông gật đầu.
Hoàng Thượng Chí hỏi tiếp :
- Còn xương trắng nằm đầy trong trang viện nầy?
- Toàn là gia đình! Gia đình cháu đã bị chết một lúc hơn hai trăm người.
Trương Thông nói trong buồn bã, uất ức.
Hoàng Thượng Chí hỏi vội :
- Kẻ gia thù của cháu là ai?
Trương Thông khỏa tay, nói :
- Cháu không nên tìm hiểu kẻ gia thù! Chỉ nên biết rằng trước đây mười lăm năm, vào một hôm, ta dẫn một đứa bé đến trang viện nầy để thăm viếng thân phụ cháu. Đứa bé ấy là con trai của ta, lúc đó mới ba tuổi, nghĩa là cùng một tuổi với cháu, chỉ nhỏ hơn cháu hai tháng. Khi đến nơi thì vừa lúc kẻ thù đang bạo hành, gây cho gia đình cháu một cảnh chết chóc rùng rợn. Lúc đó trong nguy cấp thân phụ cháu bồng cháu giao cho ta và nhờ ta đem giấu di một nơi khác, để bảo vệ lấy dòng máu di lưu của họ Hoàng.
Nói đến đây Trương Thông dừng lại, trong lực đó đôi mắt Hoàng Thượng Chí trợn ngược lên, hai hàm răng nghiến chặt trông rất dễ sợ.
Trương Thông lại nói tiếp :
- Hồi đó ta đã định ý cùng chết với phụ thân cháu, nhưng phụ thân cháu đã có lời phó thác, lẽ nào ta không tuân. Cho nên, ta đã bồng cháu nhảy vào một cái giếng cạn gần đấy để lánh nguy.
Hoàng Thượng Chí hỏi :
- Còn sư đệ, người con trai nhỏ của sư thúc thì sao!
Trương Thông cười đau đớn nói :
- Dĩ nhiên là nó phải thế mạng cho cháu mà chết dưới bàn tay kẻ thù. Bởi vì nếu không có xác chết của nó, kẻ thù không thể nào bỏ qua mạng sống của cháu được.
Hoàng Thượng Chí ré lên một tiếng, phun ra một búng máu tươi nhìn vào mặt Trương Thông.
Trương Thông thản nhiên, nói :
- Đến lúc ta bồng cháu ra khỏi giếng cạn đó thì cả gia quyến của thân phụ cháu không còn một ai sống sót, nhưng chỉ có một người không chết!
Hoàng Thượng Chí hét lên, nhổ ra một ngụm máu tươi hỏi :
- Người may mắn ấy có lẽ là cháu?
- Không phải! Ngoài cháu ra, còn có một người nữa. Người đó là thân mẫu của cháu.
Hoàng Thượng Chí nửa mừng nửa ngạc nhiên hỏi :
- Vì đâu thân mẫu cháu lại có được cái may mắn ấy?
Trương Thông cắn răng, gằn giọng đáp :
- Không phải vì may mắn, mà vì mẹ cháu là Thái Hằng Nga Vương Thúy Anh, là một đệ nhất mỹ nhân trong giới võ lâm cách đây mười lăm năm về trước.
Hoàng Thượng Chí lại hỏi :
- Mẹ tôi vì có sắc đẹp mà không chết?
Trương Thông gập đầu :
- Vì không chết! Đó là một chuyện đáng ngờ, và cũng là chuyện đau đớn nhất của gia đình cháu trong ngày hôm đó.
- Ta đã từng dẫn cháu đi thăm mẹ cháu, nhưng cả hai chú cháu mình suýt thiệt mạng dưới tay của bà ta. Bà ta còn hăm doạ, nếu còn tìm gặp một lần nữa thì bà ta sẽ giết chết cả hai chú cháu mình. Lời nói của bà ta không phải lời nói suông, do đó đã hơn mười năm ta phải ẩn mặt để nuôi cháu, vì sợ rủi bà ta biết được sẽ tìm đến giết cháu mất.
Hoàng Thượng Chí nghe nói hét lên một tiếng, phun ra một ngụm máu nữa. Chàng không ngờ chàng có một người mẹ độc ác, bất nhân như thế.
Chân chàng run lên, không còn đứng vững nữa. Chàng té xỉu xuống đất sụt sùi hỏi :
- Mẹ cháu không có ý trả mối gia thù?
Trương Thông cười ha hả, tiếng cười lạnh hơn tuyết và đáp :
- Đến con một mà bà ta còn muốn giết thì nói đến việc báo gia thù làm chi?
Hoàng Thượng Chí cắn răng, nói trong hơi thở :
- Thế thì có một ngày nào đó, cháu sẽ tìm kẻ thù mà trả hận.
Trương Thông nói :
- Nay cháu đã trưởng thành rồi, bổn phận của ta đã hết, vì ta đã tròn lời ủy thác của thân phụ cháu. Chỉ có điều theo quy luật của sư môn, ta không được đem võ thuật truyền lại cho cháu. Mặc dù thế ta đã chỉ dạy cho cháu một ít nội công căn bản. Nếu sau nầy cháu may mắn gặp được vị đại sư, cháu sẽ khinh người không khó
Hoàng Thượng Chí ngơ ngác hỏi :
- Thúc phụ! Thúc phụ dạy con hiện giờ phải thế nào?
Trương Thông nói :
- Con nên rời khỏi nhà ngay.
- Tại sao thế?
- Để tránh một thảm họa!
- Còn thúc phụ?
Trương Thông lặng lẽ một lúc rồi đáp :
- Ta đã sống qua mười lăm năm lẩn trốn để làm tròn lời hứa. Bây giờ lời hứa đã thành, ta phải chết theo sư huynh của ta.
Hoàng Thượng Chí nghe nói run rẩy quì xuống, bò đến gần Trương Thông, rên rỉ.
- Gia thúc! Gia thúc.
Trương Thông nghiêm mặt nói :
- Đó là quy luật của sư môn, cháu không thể hiểu được.
Hoàng Thượng Chí khẩn khoản :
- Không! Gia thúc không thể.
Trương Thông ngắt lời nới :
- Cháu nên biết đó là mệnh lệnh của sư môn.
- Mệnh lệnh thế nào! Tại sao gia thúc phải chết? Cháu không hiểu!
- Cháu không cần biết.
Hoàng Thuợng Chí hổn hển nói :
- Gia thúc đã bỏ con mà cứu cháu, đại ân ấy cháu có thờ phụng suốt đời vẫn chưa báo đáp nổi. Hơn nữa gia thúc đã nuôi dưỡng cháu mườì lăm năm, lẽ nào gia thúc bỏ cháu!
Trương Thông lắc đầu :
- Không cần nói đến chuyện đó.
- Nhưng cháu nhất định không thể để cho gia thúc.
Trương Thông trợn mắt hét :
- Cháu muốn làm một kẻ phản nghịch sư môn sao?
Hoàng Thượng Chí van rỉ :
- Nhưng ít ra gia thúc cũng phải nói rõ nguyên nhân.
- Không được! Đó là quy luật của sư môn, không được phép nói.
- Tại sao con không được biết kẻ gia thù? Thưa gia thúc, xin gia thúc cho phép.
Đôi mắt của Độc Long Thủ Trương Thông bỗng trợn ngược lên hét to :
- Nhớ kỹ! Thứ nhất không được tiết lộ thân thế của cháu cho ai biết, thứ hai không được mai táng hài cốt của gia quyến, thứ ba không được báo thù.
Hoàng Thượng Chí vẻ mặt đầy bi thảm, nước mắt tuôn trào, nói :
- Gia thúc! Gia thúc nói gì thế!
Trương Thông nghiêm chỉnh đáp :
- Đó là nghiêm lệnh của sư môn, không được làm trái lời.
Hoàng Thượng Chí kinh ngạc nhìn thẳng vào mặt Trương Thông hỏi :
- Gia thúc thần trí vẫn minh mẫn ư?
- Ừ! Ta không phải mê muội cuồng loạn gì cả!
- Tại sao gia thúc cấm không cho trả thù?
- Đừng hỏi tại sao. Nếu cháu trái lời, vong hồn thân phụ của cháu dưới cửu tuyền sẽ trách phạt cháu không ít.
Hoàng Thượng Chí hỏi :
- Gia thúc có thể cho biết qua về sư môn.
Trương Thông lắc đầu :
- Việc đã qua rồi! Nên để cho nó chìm trong dĩ vãng. Cháu càng không biết càng ít nguy hiểm.
Hoàng Thượng Chí lại hỏi :
- Thân mẫu cháu hiện đang thành thân với ai?
Trương Thông nghiến răng đáp :
- Thiên Tề giáo chủ
Hoànghượng-chí bỏi lại :
- Thiên Tề giáo chủ
- Đúng vậy!
- Nhưng Thiên Tề giáo chủ là nhân vật thế nào?
Trương Thông thở dài, nói :
- Vấn đề nầy sợ ít ai có thể trả lời cho cháu, nên ta phải nói rõ. Thiên Tề giáo chủ là một đại giáo chủ của một phái võ lừng danh đương thời, cả võ lâm ai nghe cũng phải sợ.
Hoàng Thượng Chí ngẫm nghĩ rồi nói :
- Gia thúc! Tại sao lâu nay gia thúc không nói đến cái tên ấy, và trong giang hồ cũng chẳng ai biết.
Đôi mắt Trương Thông như mơ màng lường lại một dĩ vãng hãi hùng.
Ông ta thở dài một tiếng nói :
- Khi đã không thể chung sống thì còn nói đến họ làm chi.
Hoàng Thượng Chí lại hỏi :
- Còn gia đình của gia thúc? Hiện nay thửa mẫu ở đâu?
Trương Thông buồn bã đáp :
- Cũng mang cảnh chết chóc, chẳng khác gì gia quyến của cháu. Chính cái ngày tang tóc ấy ta đã rời khỏi gia trang mà đến đây. Nhưng vừa đến đây thì cũng gặp cảnh máu đổ đầu rơi.
Hoàng Thượng Chí vì xúc cảm đến cực độ, tâm hồn không còn tự chủ được nữa! Một thắc mắc in sâu vào tâm não của chàng. Chàng tự hỏi :
- Tại sao Hoàng và Trương hai họ đều bị tiêu diệt cùng một lúc? Tại sao gia thúc lại không cho báo thù? Gia thúc bảo đó là mệnh lệnh của sư môn? Tại sao lại có mệnh lệnh lạ lùng như thế? Vụ huyết án nầy lại liên can đến sư môn ư?
Chàng lắc đầu thở dài :
- Sư môn! Sư môn nguồn gốc như thế nào mà gia thúc không chịu nói đến. Hơn mười năm trời, gia thúc đã ẩn mặt trong hang cùng ngõ hẻm để rồi ngày hôm nay lại đến đây, nhìn cảnh rùng rợn này!
Chàng nghĩ chưa hết thì đã nghe Độc Long Thủ Trương Thông rú lên một tiếng, gọi lớn.
- Sư phụ! Đệ tử ẩn trốn trong mười lăm năm tủi nhục, nay mới được làm tròn sứ mệnh.
Rồi "bịch" một tiếng, máu đỏ tuôn trào xối xả trên nền nhà hoang.
Độc Long Thủ Trương Thông đã đập đầu vào gốc cột tự vận.