Quý Phi Dậy Đi Học

Chương 2: tiết học thứ 2




Tan học, cả lớp đều thu dọn đồ đạc cho vào balo chuẩn bị ra về.
 
Tô Đường cũng muốn nhanh chóng về nhà, nhưng hôm nay đến phiên cô ở lại trực nhật.
 
Ở lớp 9 có quy định, những ai thành tích kém trong lớp sẽ thay phiên nhau trực nhật, Tô Đường đứng thứ hai từ dưới lên, trung bình mỗi tuần sẽ trực nhật một lần.
 
Tô Đường đang chú tâm quét dọn, bất kì xó xỉnh nào trong phòng học cũng không bỏ qua, bất cứ bút, tẩy của ai hạ cánh ở gần thùng rác, Tô Đường đều đem nhặt lên từng cái, dùng khăn giấy lau sạch, sau đó lại dựa theo tên của từng người ghi trên sách giáo khoa đem sắp xếp lại ngăn nắp, gọn gàng trên bàn, những cây bút không có ai nhận, đều đem đến để trên bục giảng.
 
Tuy rằng trước khi ra về Hướng Manh Manh đã nói với cô không cần chăm chỉ quét dọn vệ sinh làm gì, dù sao ngay cả chủ nhiệm lớp cũng không thèm để ý đến thành tích điểm vệ sinh của lớp hằng tuần, còn đám “Hỗn Thế Ma Vương” kia lại càng không quan tâm đến việc bút hay sách bị mất, lại còn vui mừng vì không có sách nên không cần phải lên lớp nữa là. Nhưng Tô Đường cảm thấy, nếu đã đến phiên cô trực nhật, thì phải nghiêm túc quét dọn sạch sẽ phòng học mới được.
 
Hướng Manh Manh hết cách, nói cô quả thực đúng là ngốc mà.
 
Cuối cùng cũng quét dọn xong, Tô Đường xoa xoa thắt lưng.
 
Ai da, mệt quá.
 
Tô Đường đứng thẳng lưng, nhìn lên bảng đen, vẫn còn mớ những chữ viết hỗn độn ở trên.
 
Ngoài chữ viết của giáo viên, còn đầy những hình, những chữ lung tung của mấy nam sinh vẽ bậy lên trước khi ra về.
 
Tô Đường bê đến một chậu nước, đem khăn lau bảng ngâm vào, sau đó dùng khăn ẩm lau lên bảng đen. Bảng đen chỉ lau sơ qua không sạch, giáo viên yêu cầu mỗi ngày tan học đều phải dùng khăn ẩm lau lại một lần.
 
Thời tiết đã bắt đầu lạnh hơn, Tô Đường vừa nhón chân lau bảng đen, vừa nhìn những ngón tay bị nước lạnh làm cho ửng đỏ.
 
Trước kia Tô Đường không biết, bây giờ cô mới nhận ra, những người hầu ở nhà cô, những cung nữ, thám giám trong cung, trải qua cuộc sống cũng không hề dễ dàng.
 
Cô chỉ mới quét dọn, dùng nước lạnh lau bảng mà đã cảm thấy thắt lưng không chịu nổi nữa, mà những kẻ hầu người hạ bên kia, mỗi ngày vì hậu hạ cho chủ nhân, còn phải cực nhọc gấp bội.
 

Hơn nữa, ở đó còn không có máy giặt, không có máy nước nóng, không có điều hòa, càng không có hệ thống cung cấp nước uống, muốn uống nước đều phải gánh từ giếng lên, mùa đông lạnh lẽo cũng chỉ mặc vài chiếc áo mỏng, nào có cái gì gọi là áo bông, áo lông.
 
Tô Đường quyết định lần này sau khi trở về sẽ tăng thêm cho bọn cung nữ, thái giám trong cung tiền tiêu hàng tháng, để mọi người an tâm vượt qua mùa đông.
 
Tiền cấp cho quý phi trong cung của cô không đủ cũng không sao, dù sao ở nhà gửi vào cung cho cô cũng không ít ngân lượng.
 
Bạc từ nhà gửi cho cô trước nay đều không hề đụng tới, bây giờ cũng đến lúc dùng tới rồi.
 
Tô Đường nghĩ đến nhà, nhớ đến Tô phủ ở phía Tây kinh thành kia, nhất thời cảm thấy trong lòng vô cùng ấm áp, đến tay ngâm trong nước lạnh cũng không còn thấy lạnh nữa.
 
Tô gia nha, là thế gia vọng tộc hiển hách có tiếng ở kinh thành, Tô gia còn thường xuyên làm việc thiện, còn xây bên cạnh nhà một chúc hán*, một năm bốn mùa đều cung cấp cháo miễn phí cứu tế người nghèo.
 
*Cửa hàng cháo từ thiện.
 
Tổ tiên Tô gia là công thần đã từng cùng Hoàng đế lập quốc, người đứng đầu Tô gia bây giờ là Tô Tranh, năm nay hơn bảy mươi tuổi, trước đây là Tể tướng, phụ tá Tiên hoàng tại vị ngôi vua hơn ba mươi năm, kiến lập nên đất nước hưng thịnh như bây giờ, ba năm trước, sau khi tân Hoàng đế lên ngôi, Tô Tể tướng liền chủ động cáo lão từ chức, về phụng dưỡng tuổi già.
 
Cuộc đời Tô Tể tướng chỉ có một con trai, đứa con này cũng có chút tư chất, từ khi còn nhỏ Tô Tể tướng liền cố ý cho hắn vào triều rèn luyện, nhưng người tính không bằng trời tính, đứa con trai đó vừa qua tuổi 30 thì mắc bệnh qua đời, vợ hắn vì đau lòng quá mà cũng tự đập đầu vào cột tuẫn tiết theo chồng, để lại hai đứa con trai nhỏ cùng một bé gái sơ sinh còn nằm trong tả.
 
Lúc ấy cả vua, dân và các phe phái đều nghĩ, Tô gia đã xem như không người nối nghiệp, mấy đứa cháu nhỏ thì cũng hơn 10 năm sau mới trưởng thành, thế cục triều đình biến hóa khôn lường, đợi cho tới mười năm sau, cho dù Tô Tranh có cao tay, đến lúc đó cũng đã qua bảy mươi, tiếc là cũng không làm gì được trong triều đình thế sự đã thay đổi.
 
Đáng tiếc, cơ hồ tất cả mọi người đều đã quá xem thường mấy tiểu oa nhi nhà Tô gia.
 
Tô Tranh thay đứa con trai chết sớm nuôi dưỡng ba đứa trẻ, cho rằng lúc nhỏ đã quá nuông chiều con trai, vì thế bây giờ phải thay đổi cách giáo dục, dạy dỗ vô cùng nghiêm khắc, cháu trai trưởng giỏi võ, Tô Tranh từ nhỏ liền đem hắn đưa đến doanh trại, cùng một đám binh sĩ tôi luyện, cháu trai thứ giỏi văn, Tô Tranh liền ngày ngày dạy hắn viết văn rèn chữ, vừa hơi có chút lười biếng lập tức dùng thước đánh vào lòng bàn tay.
 
14 năm sau, trong lúc Tiên Đế đổ bệnh, Tô Tranh cũng đã già, các đảng phái trong triều đều cho rằng lần này vận số của Tô gia đã đến, lại không nghĩ rằng trong mấy năm đó, lúc bọn họ không để ý đến, các tiểu oa nhi đều đã trưởng thành.
 
Triều đình chinh chiến với bộ tộc Man Di phương Bắc đã lâu, tướng sĩ biên cương mấy năm không ngừng kêu khổ, ngân khố triều đình cũng sắp cạn, Tiên Đế ôm bệnh, đang lo cả triều không có người có thể dốc sức giải quyết, một tiểu tướng vô danh ngoài biên ải lúc này mới trổ hết tài năng, nghe nói hắn dẫn đầu một đội quân chưa đến một trăm người, dương đông kích tây, đại thắng bộ tộc Man Di với hơn vạn binh, sau đó liên tiếp vượt qua mọi trở ngại, túc trí đa mưu, dẹp yên biên ải đã có hơn 10 năm loạn lạc.
 
Tiên Hoàng vô cùng mừng rỡ, lệnh cho tiểu tướng kia mau chóng quay về nhậm chức, làm Đại tướng quân trấn quốc.
 
Lúc tiểu tướng vinh quang hồi cung, mọi người thấy hắn trước tiên khấu đầu bái kiến Hoàng Thượng, sau đó lại cúi đầu bái kiến Tể tướng Tô Tranh.
 
"Tôn nhi bái kiến gia gia."
 
Văn võ cả triều chấn động, vị tân Đại tướng quân trấn quốc kia, chính là cháu đích tôn của Tô Tranh!
 
Bách tính toàn thành cũng kinh ngạc.
 
Tân Trạng Nguyên lần này, dĩ nhiên là đứa cháu thứ của Tể Tướng đại nhân Tô Tranh!
 
Chàng Trạng Nguyên khi tham thí không hề để lộ một chút gì về gia thế của mình, chính là để hôm nay, lúc đề tên lên bảng vàng, có thể danh chính ngôn thuận cúi đầu khấu tạ gia gia, mà không ai có thể chỉ trích.
 
Cứ như vậy, Tô gia mà ai ai cũng nghĩ vận khí đã hết, nhờ hai đứa cháu này, một lần nữa làm nên uy danh đại chấn trong triều đình.
 
Tô gia bấy nhiêu năm không người lui tới, ngay tức khắc lại trở nên đông như trẩy hội, thềm cửa người tới kẻ lui ráo riết không ngừng.
 
Làm người của Tô gia, nhìn thấy nhà mình vẻ vang như vậy, Tô Đường dĩ nhiên vô cùng tự hào.
 
Thủ Phụ đại nhân là gia gia cô, một văn một võ danh chấn cả triều là ca ca cô.
Năm đó phụ thân qua đời, còn là đứa trẻ sơ sinh mặc tả, bú sữa trong tay bà vú, bây giờ đã trở thành một đại cô nương xinh đẹp.
 
Tể tướng đại nhân dụng tâm chịu khổ, vì để cháu mình không thua kém bất kì ai, từ nhỏ đã vô cùng nghiêm khắc, không hiểu chuyện lập tức lấy gia pháp ra trừng trị, nhưng đối với đứa cháu gái lớn lên mà chưa một lần được nhìn thấy mặt mũi cha mẹ mình, ông luôn khắc nghiệt khi dạy dỗ hai đứa cháu trai kia nhưng đứng trước đứa cháu gái liền trở nên mềm lòng, từ nhỏ đã đặt trong tay mà nâng niu, nghe cháu gái mới hơi hơi ho khan một tiếng liền gấp đến độ không chịu được, yêu thương, che chở hết sức chu đáo.
 
Hai vị ca ca của Tôn Đường lại càng đem tiểu muội nhỏ này nâng niu như trứng, vừa tan học liền chạy tìm tới chơi đùa cùng tiểu muội muội, dạy cho muội muội bé nhỏ đang nằm trong tả nói chuyện, bất cứ ai dám bắt nạt muội muội, cũng không cần nói với ông nội, hai vị ca ca liền cho hắn lập tức biết tay.
 
Tô Đường là ngâm mình trong hủ mật mà lớn lên.

 
Nhưng càng hiếm thấy hơn đó là, mặc dù từ nhỏ Tô Đường đã được nuông chiều bảo bọc, nhưng không hề kiêu căng, ngạo mạng, tính cách ôn hòa, bẽn lẽn, ngay cả đối đãi với người hầu trong phủ cũng vô cùng nho nhã, lễ độ.
 
Tô Tể tướng nhìn thấy đứa cháu gái tâm tư đơn thuần, ngây thơ khờ khạo, chẳng hề hay biết đến thế sự khôn lường ngoài kia mà ưu sầu.
 
Tích cách của nó như vậy phải gả cho nhà nào thì mới tốt? Nhiều người đã đến cửa cầu hôn.
 
Tô Tể tướng cảm thấy tính tình cháu gái mình như vậy, đến làm dâu nhà người ta, lại chẳng may gặp phải phu quân không tốt, tương lai chắc chắn sẽ bị mẹ chồng và thê thiếp của phu quân ức hiếp.
 
Tô Tể tướng vuốt râu suy nghĩ hết lần này đến lần khác, quyết định không gả cháu gái, sau này tuyển cho cháu gái một phu quân biết nghe lời đến ở rể, thì thánh chỉ ban hôn của Thánh thượng bất thình lình được ban xuống.
 
Ban thưởng út nữ của Tô gia làm Trắc phi của Thái tử đương triều Tống Hoành, ngày 10 tháng sau thành hôn.
 
Trên dưới Tô gia chấn động.
 
Bên ngoài người người đều nói Tô gia phúc khí tốt, cháu trai tiền đồ sáng lạng, bây giờ cháu gái được gả đi làm phi của Thái tử.
 
Chỉ người của Tô gia lại không hề muốn hưởng phúc khí này.
 
Tô tể tưởng tay cầm thánh chỉ mà vừa giận vừa khổ, đêm đó tóc lại thêm không biết bao nhiêu sợi bạc.
 
Chỉ có duy nhất một đứa cháu gái, từ nhỏ đã không mong nó tương lai thăng tiến nhanh lẹ gì, chỉ cầu nó sống một đời bình an, yên ổn, gả đi cho người mà nó yêu thương. Yêu cầu của Tô gia đối với việc chọn phu phân cho cháu gái không có gì nhiều, chỉ cầu một điều, có thể toàn tâm toàn ý với mình Tô Đường.
 
Bây giờ một khi được ban cho Thái tử, cũng là Hoàng đế tương lai, yêu cầu "toàn tâm toàn ý" kia, bất luận thế nào cũng không thể thực hiện được.
 
Khiến Tô Tể tướng khổ tâm nhất là đứa cháu gái được ban hôn cho Thái tử, nếu làm Thái tử phi thì không sao, đằng này lại là Trắc phi, cho dù địa vị tôn quý, nhưng cũng chỉ là tiểu thiếp.
 
Con cháu Tô gia mà lại đi làm thiếp.
 
Bây giờ làm Trắc phi, sẽ bị Thái tử phi ức hiếp, tương lai Thái tử đăng cơ, cháu gái trở thành một phi tần trong hậu cung trăm nghìn phi tần của Hoàng đế, trên có Hoàng hậu, xung quanh là các phi tần tranh đấu, cấu xé nhau gay gắt.
 
Những tranh đấu trong hậu cung, thậm chí so với tiền triều còn thảm thiết hơn gấp trăm lần, Tô tể tướng làm sao có thể để đứa cháu gái tâm tư đơn thuần mà ông nuôi dưỡng đi chịu loại khổ sở này.
 
Buổi tối ngày Thánh chỉ hạ xuống, Tô gia đèn đuốc sáng trưng.
 
Tô tể tướng khóe mắt rưng rưng, lúc này mới phát hiện, cả một đời này ông tận lực phò tá Hoàng Thượng, nhưng cuối cùng vẫn không thể hiểu nổi vị vương quân này.
 
Hai ca ca của Tô Đường thậm chí còn đề xuất ý kháng chỉ.
 
Thái tử đương triều là dạng người nào, bọn họ thân ở trong triều, vẫn còn không rõ, làm sao có thể nhẫn tâm gả muội muội cho hắn.
 
Nhưng nếu kháng chỉ, là phạm thượng khi quân, cả Tô gia không biết sẽ đối mặt với tình cảnh như thế nào nữa.
 
Tô Đường trộm nép ngoài cửa, nhìn gia gia và ca mình sứt đầu mẻ trán.
 
Cô không muốn đẩy gia gia và các ca ca vào tình thế khó xử, vì thế cắn môi, đẩy cửa, quỳ gối trước mặt mọi người.
 
"Mong gia gia và hai ca ca tác thành, Đường nhi… đồng ý gả làm… Trắc phi của Thái tử."
 
Tô Đường nghe thấy chính mình nói, thanh âm nhỏ như tiếng muỗi.
 
"Đường nhi, con, con. . . . . ." Tô tể tướng đưa tay run run.
 
Tô Đường nhìn gương mặt già nua của gia gia, cắn răng một cái, cuối đầu : "Xin gia gia cùng các huynh trưởng tác thành."
 
Cả căn phòng yên lặng, chỉ có ánh nến sáng rực.

 
Cứ như vậy, ngày 10 tháng sau, Tô gia bồn chồn trống chiêng tổ chức hỉ sự.
 
Tô Đường làm Trắc phi, chỉ có thể mặc áo cưới đỏ nhạt, đội mũ phượng, ngồi kiệu hoa.
 
Tô Đường lớn lên cứ nghĩ sau này sẽ được mặt chiếc áo cưới tinh xảo, lộng lẫy, lại không ngờ rằng khi nàng xuất giá, chính mình đến cả áo cưới đỏ cũng không được mặc.
 
Tô Đường thở dài, không thể mặc thì không thể mặc, trên đời này làm gì có chuyện mọi việc đều theo ý mình được.
 
Kiệu hoa có chút xóc nảy, Tô Đường ngồi bên trong cũng bị lắc lư qua lại, nghĩ đến phu quân mình sắp phải gả tới, thái tử Tống Hoành.
 
Tô Đường nhớ rõ trước đây đã từng gặp mặt hắn một lần.
 
Khi đó trong cung mở yến tiệc, gia gia dẫn theo nàng vào cung, nàng cùng mấy quận chúa líu ríu chơi đùa, tiểu thái giám đột nhiên hô một tiếng: "Thái tử điện hạ giá lâm", tất cả mọi người đều quỳ xuống cúi đầu "Tham kiến thái tử điện hạ."
 
Tô Đường không hiểu lắm phép tắc trong cung, rất tò mò về người mà ai ai cũng phải cúi đầu tham kiến, vì thế trộm ngẩng đầu nhìn hắn một cái.
 
Cũng chỉ là một tên tiểu hài tử lớn hơn nàng vài tuổi, mặc chiếc long bào vải sợi dệt kim, đầu đội mũ kim quan, thần thái cử chỉ lại cứ như ông cụ non, mặt nghiêm mày nghị, giống như người lớn.
 
Tô Đường đang nghĩ ngợi, có phải là hắn đang không vui không, lại không nghĩ rằng thái tử Tống Hoành phát hiện ra cô hành lễ không đúng phép tắc, còn dám ngẩng đầu nhìn hắn, vì thế hừ một tiếng quay đi, lạnh lùng bỏ lại một câu: "Nàng này không tuân thủ phép cung, phạt quỳ một canh giờ."
 
Tô Đường bị một đám tiểu thái giám giám sát phạt quỳ, từ nhỏ đến nay chưa từng chịu cảnh ủy khuất này, vừa quỳ vừa khóc bù lu bù loa.
 
Từ đó gia gia cũng không đưa theo nàng vào cung nữa.
 
Bây giờ gặp lại, lại là lúc thành hôn.
 
Tô Đường đối với chuyện lúc nhỏ đã không còn để bụng nữa, nàng không mang thù, chỉ tỏ mò Thái tử lớn lên bộ dáng trông như thế nào, có còn giống lúc nhỏ bất cẩn ngôn tiếu hay không?
 
Tô Đường che khăn voan, ngồi trong phòng tân hôn, hồi hộp chờ đợi .
 
Đến tối, tiếng kèn sáo bên ngoài cũng đã ngưng, Tô Đường nghe thấy có tiếng đẩy cửa.
 
Ngay sau đó, nàng còn chưa kịp phản ứng, khăn voan đã tùy ý bị xốc lên.
 
Tô Đường chính là như vậy đối mặt với Thái tử phu quân của mình.
 
Nến đỏ lay động, Tô Đường phát hiện kẻ mặt nghiêm mày nghị trước đây lúc này trưởng thành rồi mặt mũi vẫn lạnh như cũ, trên mặt không thấy một chút vui vẻ nên có trong ngày thành hôn.
 
Tốt xấu cũng là đêm tân hôn, Tô Đường ngẩng đầu nhìn Tổng Hoành nở một nụ cười thân thiện.
 
Gia gia từ nhỏ đã dạy cô nếu người khác cười với mình, thì mình cũng phải mỉm cười lại với họ.
 
Lại không ngờ rằng kẻ trước mặt kia không hề mỉm cười đáp trả nàng, chỉ lấy tay nâng cằm nàng, híp mắt đánh giá nàng một phen.
 
Tiếp sau đó ôm nàng nhào xuống giường.



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.