Xong việc Ninh Thư định về, sĩ quan nãy gọi Ninh Thư đến bảo: “Cô về trước đi, sĩ quan trưởng có vấn đề gì tôi sẽ qua gọi cô đến.”
“Ừ.” Ninh Thư đeo hòm thuốc, bò trong chiến hào đi về. Gặp chiến sĩ bị thương sẽ hạ hòm thuốc cấp cứu ngay lập tức.
Về đến lều, Phương Phỉ Phỉ đang tất bật tay chân vì chưa làm những chuyện này bao giờ. Thấy Ninh Thư về cô ta thở phào: “Cuối cùng chị cũng về rồi.”
Ninh Thư đặt hòm thuốc xuống, đeo găng tay hỏi Phương Phỉ Phỉ: “Vết thương của ai nghiêm trọng hơn?”
“Người kia trúng hai viên đạn.” Phương Phỉ Phỉ chỉ người nằm trên ván gỗ. Ninh Thư qua bắt mạch, mạch yếu, vết thương đã được Phương Phỉ Phỉ rắc thuốc.
Ninh Thư lấy bộ ngân châm châm hai cây kim vào anh chiến sĩ sau mới bắt đầu xử lý vết thương.
Phương Phỉ Phỉ dõi theo từng hành động của Ninh Thư. Cô cảm thấy chị gái này không giống Chúc Tố Nương dốt nát mà Chúc Nghiên Thu kể. Chị ta xử lý vết thương trơn tru như thế, sao lại là con dâu nuôi từ bé theo lời kể của Chúc Nghiên Thu được.
Trời đã sẩm tối, Ninh Thư không nhìn rõ vết thương nữa rồi. Mặt khác cũng do bận cả ngày, mắt cô đã đình công, cúi người cầm dao mãi rất mệt.
“Lấy hộ tôi cái đèn ở đằng kia, tôi không nhìn thấy.” Ninh Thư nhờ Phương Phỉ Phỉ.
“À vâng.” Phương Phỉ Phỉ cầm đèn dầu qua soi cho Ninh Thư, Ninh Thư cố gắng lắm mới nhìn rõ.
Tiếng bom đạn nhỏ dần, tiếng súng cũng thưa dần, Ninh Thư biết trận chiến hôm nay đã kết thúc.
Kết thúc chiến trận lại có khá nhiều người bị thương được đưa vào, Ninh Thư chữa thật nhanh vì trời tối rồi. Phương Phỉ Phỉ soi đèn hộ, tay này cầm mỏi lại đổi tay kia.
Tất bật thêm một lúc lâu nữa cuối cùng cũng băng bó xong cho người bị thương cuối cùng. Trời tối đen như mực, chắc vào khoảng mười giờ đêm.
Làm xong việc, Ninh Thư cảm ơn Phương Phỉ Phỉ. Phương Phỉ Phỉ không trả lời, chỉ đặt đèn dầu xuống về lại chỗ trông Chúc Nghiên Thu.
Ninh Thư lắc cổ cứng đờ, cuối cùng cũng được nghỉ. Ninh Thư vệ sinh dụng cụ y tế rồi cất vào hòm. Thuốc trong hòm vơi khá nhiều, đây mới chỉ là ngày đầu, xem ra cô phải tiết kiệm hơn. Cô tính phải xin cấp trên thuốc men, cô là bác sĩ quân y nhưng nếu không có thuốc hạ sốt, có giỏi đến mấy cũng không cứu người được.
Đến giờ ăn cơm, nhà bếp đưa suất cơm đơn giản gồm cháo, dưa muối và lương khô. Ninh Thư gặm lương khô mà tắc cổ phải húp cháo cho trôi.
Phương Phỉ Phỉ không ăn được đồ này, cô ta ăn thử rồi bỏ đấy lấy sô cô la ra ăn. Sô cô la ở thời này đắt lắm vì là đồ ăn vặt nước ngoài.
Đúng là giàu nên có quyền!
Chúc Nghiên Thu hôn mê gần nửa ngày đã tỉnh, tỉnh dậy vẫn hơi lơ ngơ, cử động một cái mà suýt xoa vì đau.
“Nghiên Thu anh nằm xuống đã đừng cử động vội.” Phương Phỉ Phỉ đẩy Chúc Nghiên Thu nằm xuống.
“Phỉ Phỉ.” Chúc Nghiên Thu mỉm cười vì thấy Phương Phỉ Phỉ. Phương Phỉ Phỉ khóc, sụt sịt trách: “Anh làm em sợ chết mất, em còn tưởng anh không tỉnh lại nữa.”
“Không đâu.” Chúc Nghiên Thu đau nhăn mặt, Phương Phỉ Phỉ bón cháo cho Chúc Nghiên Thu:
“Anh húp miếng đi.”
Chúc Nghiên Thu tận hưởng sự chăm sóc của Phương Phỉ Phỉ, hạnh phúc kể cả khi đang bị thương.
Ninh Thư ngồi bên kia nhai lương khô ghét hai cô cậu thôi rồi. Ăn hết lương khô, cô lại bắt đầu kiểm tra xem có ai sốt không vì sốt rất nguy hiểm.
Một số người bị thương trong đây đã bị tàn phế, không chiến đấu được nữa. Dự là sẽ được đưa về nhà và nhận khoản bồi thường.
Tính mạng con người trong thời chiến là thứ rẻ mạt nhất. Họ vẫn may mắn vì còn sống, may hơn nhiều những người đã chết ngay tại chiến hào.
“Bác sĩ mau đi với tôi, sĩ quan trưởng sốt rồi.” Sĩ quan hồi chiều gọi Ninh Thư.
Ninh Thư nghe vậy khoác ngay hòm thuốc đi luôn.
Chúc Nghiên Thu đang húp cháo nhìn thấy dáng Ninh Thư, không nhận ra vì đèn dầu quá tối. Cậu hỏi Phương Phỉ Phỉ: “Bác sĩ của chúng ta là nữ à?”
Phương Phỉ Phỉ khựng bàn tay đang cầm bát, chỉ ậm ừ cho có.
Ninh Thư vào trong lều của sĩ quan trưởng. Sĩ quan trưởng nằm trên giường gỗ mộc mạc, người anh ta dài hơn cả giường.
Qua sờ trán lại kiểm tra vết thương, vết thương anh ta thấm máu, mồ hôi đầm đìa, Ninh Thư nói: “Lấy nước lau người cho anh ta.”
Ninh Thư mở hòm thuốc, hoà tan thuốc hạ sốt bón cho anh ta uống.
Có quân lính lấy nước lau người cho sĩ quan trưởng.
Sau đó Ninh Thư thay băng cho anh ta.
Cô đã tận sức, nếu anh ta không sống được vậy đành chịu.
“Thuốc trong hòm của cô ở đâu ra?” Sĩ quan hỏi Ninh Thư.
Ninh Thư trả lời: “Tôi chuẩn bị trước.”
“Cô về đi, sĩ quan trưởng có vấn đề gì tôi sẽ lại gọi cô.” Sĩ quan hỏi Ninh Thư: “Cô tên gì?”
“Chúc Tố Nương.” Ninh Thư khoác hòm lên vai.
“Thế tôi sẽ gọi cô là bác sĩ Chúc. Tôi tên Đường Chính.” Đường Chính tự giới thiệu.
“Sĩ quan Đường.” Ninh Thư chào khách sáo, cô nói: “Quân doanh rất thiếu thuốc, thuốc cơ bản không cứu được mạng chiến sĩ. Anh có thể lấy thêm thuốc được không?”
Đường Chính nhún vai: “Tôi không cho cô câu trả lời chính xác được, đợi sĩ quan trưởng tỉnh hãy nhắc lại chuyện này. Các quân doanh khác đều thiếu thuốc chứ không chỉ mình chúng ta.”
Ninh Thư gật đầu, không chỉ thuốc men khan hiếm, lương thực cũng khan hiếm trong chiến tranh. Ninh Thư hối hận vì không chuẩn bị nhiều thuốc hơn.
Cô có lường trước khan hiếm thuốc men nhưng không ngờ thiếu thốn đến vậy. Nếu trước đó cô không chuẩn bị, e phải bó tay với hoàn cảnh này.
Không có thuốc làm sao mà chữa!
Khoác hòm thuốc về lều bác sĩ, đầu Ninh Thư xoay mòng mòng. Căng não cả ngày rồi, Ninh Thư ngả lưng ngủ trên ván gỗ.
Không biết ngày mai sẽ ra sao, ngày nào cũng đánh nhau, không ai biết mình còn sống đến ngày mai hay không. Bao nhiêu anh em chiến hữu ngã xuống, có phải mình cũng là người tiếp theo nối gót các chiến hữu không.