Quyền Lực Thứ Tư

Chương 1



TIN GIỜ CHÓT

CÁC VUA BÁO CHÍ VẬT LỘN ĐỂ CỨU VƯƠNG QUỐC CỦA MÌNH

Báo

GLOBE

Ngày 5 tháng Mười một, 1991

ARMSTRONG PHÁ SẢN

Vận rủi như rơi cả vào ông. Nhưng trước đây, chưa bao giờ nó khiến Richard Armstrong phải lo lắng.

“Xin các vị đặt tiền”.

Armstrong nhìn xuống tấm vải màu be nhạt. Chồng phỉnh (1) trước mặt ông vừa 20 phút trước đó cao ngất ngưởng, giờ chỉ còn là một nhúm nhỏ. Tối nay ông đã thua bốn mươi ngàn francs, nhưng bốn mươi ngàn francs thì thấm tháp gì khi trong vòng mười hai tháng qua, ông đã lỗ hơn một tỷ đô la.

Ông nhoài người, đặt toàn bộ chỗ phỉnh còn lại vào số 0. “Các số đã đặt xong. Không nhận thêm nữa", người tài pán vừa nói vừa quay bánh xe. Hòn bi nhỏ chạy tròn trong vùng lòng chảo trước khi dừng lại ở một con số.

Armstrong lơ đãng nhìn ra xa. Ngay cả khi hòn bi đã dừng, ông cũng không buồn nhìn lại.

“Số hai mươi sáu”, tài pán hô to, đồng thời bắt đầu vơ phỉnh từ các ô số không phải là hai mươi sáu.

Armstrong đứng dậy, chẳng buồn nhìn lại bàn ru lét. Ông đi chậm rãi qua đám đông những ngưòi đang chơi... cho tới chiếc cửa kép mở ra ngoài. Một gã đàn ông cao lớn mặc áo dài xanh cúi rạp người mở rộng cánh cửa, mỉm cười với con bạc nổi tiếng, nghĩ sẽ được boa một trăm quan như mọi lần. Nhưng tối nay thì không. Armstrong vuốt mái tóc đen dầy trong lúc đi qua những khu vườn sang trọng của sòng bạc và đi tiếp qua một bồn nước phun. Kể từ cuộc họp khẩn cấp của Ban điều hành ở London đến giờ đã được mười bốn tiếng và ông bắt đầu cảm thấy kiệt sức.

Tuy người to béo, mấy năm nay ông chưa hề bước lên bàn cân. Và lúc này ông vẫn bước khỏe khoắn dọc con dường đi dạo tới khách sạn nhìn ra vịnh mà ông rất thích. Ông thừa biết muốn có bàn ngồi phải đặt trước cả tuần, và ý nghĩ mình sẽ gây nên chuyện rắc rối ở đó tối nay làm ông mỉm cười, nụ cười đầu tiên từ lúc tối.

Ông đẩy cửa bước vào. Người hầu bàn cao gầy quay ngoắt lại, cố giấu ngạc nhiên bằng cách cúi chào thật thấp.

“Chào ông Armstrong. Thật vui mừng được gặp lại ông. Ông cùng đi với ai không ạ?”

“Không, Henri”.

Người hầu bàn vội dẫn ông khách không hẹn mà đến qua những bàn đầy thực khách, tới một bàn nhỏ ở cánh gà. Mỗi lần Armstrong tới dùng bữa, Henri thường đem tới cho ông cuốn thực đơn dầy đóng bìa da.

Armstrong lắc đầu. “Khỏi cần, Henri. Anh biết tôi thích dùng gì rồi”.

Người hầu bàn nhíu mày. Các bậc đế vưdng, minh tinh Hollywood, thậm chí các cầu thủ bóng đá Italia đều không làm anh ta hoảng, nhưng mỗi khi Richard Armstrong có mặt là anh ta lại lo sốt vó. Còn bây giờ phải chọn món ăn cho Armstrong nữa. Anh ta thở phào nhẹ nhõm vì chiếc bàn mà vị khách nổi tiếng thường xuyên tới ngồi còn trống. Nếu đến chậm vài phút thôi thì sẽ phải ngồi ở quầy rượu mà đợi, trong khi bồi bàn vội vàng xếp một chiếc bàn khác ở giữa phòng cho ông ta.

Lúc Henri trải tấm khăn ăn lên lòng Armstrong, người hầu rượu đã rót ra một loại sâm banh mà ông ưa thích. Armstrong lơ đãng đưa mắt qua cửa sổ, không phải nhìn vào chiếc du thuyền lớn đang neo ỏ phía bắc vịnh, mà đang nghĩ tới vợ con ông ở nơi cách đó mấy trăm dặm. Họ sẽ phản ứng thế nào khi biết được tin này?

Một đĩa tôm hùm nhẹ nhàng đặt trước mặt ông; nó được giữ ở độ nóng vừa phải để ông có thể ăn được ngay. Armstrong rất ghét phải đợi cho đồ ăn nguội bớt. Ông thà bị rộp lưỡi còn hơn phải chờ. Henri ngạc nhiên thấy ánh mắt của vị khách vẫn đang phiêu diêu tận phía chân trời, trong khi cốc sâm banh của ông đã được rót đầy lần thứ hai. Những đồng nghiệp của ta, những người gắn bó vối nhau vì tước vị hoặc vì các mối quan hệ bắt đầu che đậy dấu vết hoặc lánh xa ta mới nhanh làm sao, từ khi tài khoản của công ty được công bố, ông nghĩ. Armstrong cho rằng chỉ có Ngài Paul Maitland mới có thể cứu được danh tiếng của ông.

Armstrong cầm chiếc thìa ăn tráng miệng để trước mặt, dùng nó xúc lấy xúc để món súp trong chiếc tô to. Khách hàng ở những bàn xung quanh thỉnh thoảng lại quay nhìn về phía ông và lén thầm thì với nhau.

“Một trong những ngưòi giàu nhất thế giới”, một nhà ngân hàng địa phương nói với người phụ nữ trẻ mà ông ta lần đầu tiên mời đi ăn tối. Armstrong có vẻ gây ấn tượng mạnh cho cô ta. Thông thường, ông rất đắc chí với tiếng tăm của mình. Nhưng tối nay, ông không để ý đến những người xung quanh. Ông đang nghĩ tới phòng họp của ban trị sự một ngân hàng Thụy Sĩ, nói người ta đã quyết định hạ màn, mà tất cả chỉ vì 50 triệu đô la.

Tô súp được dọn đi trong khi Armstrong dùng chiếc khăn ăn lau miệng. Henri biết quá rõ vị khách này không thích chờ đợi món tiếp theo quá lâu.

Một cốc cà phê đen bốc khói nghi ngút thay thế cho cốc kem. Armstrong vẫn lơ đãng nhìn ra vịnh. Một khi cái tin ông không thể cáng nổi, thậm chí chỉ với 50 triệu đô la lan ra, thì không còn một ngân hàng nào trên trái đất này muốn làm ăn với ông nữa.

Mấy phút sau, ngưòi hầu bàn trở lại, ngạc nhiên thấy cà phê vẫn còn nguyên trong tách. “Tôi mang cho ông cốc khác được không, thưa ông Armstrong?”, Anh ta ngập ngừng hỏi nhỏ.

Ông lắc đầu. “Cho thanh toán, Henri”. Vừa nói ông vừa uống cạn chỗ sâm banh còn lại. Người hầu bàn vội vã chạy đi và trở lại ngay với tờ giấy trắng để trên chiếc khay bạc. Đây là vị khách không bao giờ chịu chờ đợi, dù là chờ tính tiền.

Armstrong mở tờ giấy, nhưng không quan tâm trong đó ghi gì. Bảy trăm mười hai quan, không kể tiền phục vụ. Ông ký, làm tròn thành một ngàn quan. Nụ cười hiện trên khuôn mặt người hầu bàn lần đầu tiên trong buổi tổi hôm đó, nụ cười sẽ biến mất nếu như Henri biết được rằng khách sạn của anh ta đang là một trong chuỗi dài các chủ nợ của ông khách.

Armstrong đẩy ghế đứng dậy, vứt chiếc khăn ăn lên bàn, không nói một lời, bước ra khỏi khách sạn. Mấy cặp mắt nhìn theo khi ông rời phòng ăn, còn một cặp mắt khác theo dõi tận khi ông bưóc xuống các bậc thềm. Ông không nhận thấy một thủy thủ trẻ chạy vụt qua mặt ông về phía chiếc du thuyền mang tên Hầu tước Lancelot.

Armstrong vừa ợ vừa sải bước trên đường, qua cả chục chiếc thuyền đang neo lại với nhau nghỉ qua đêm. Ông thường thích thú nghĩ rằng Hầu tước Lancelot dường như chắc chắn là chiếc du thuyền lớn nhất trong vịnh, tất nhiên, trừ phi đêm đó Vua Brunei hoặc Quốc vương Fahd dong thuyền vào cảng. Ý nghĩ duy nhất của ông đêm nay là chiếc du thuyền này, nếu đem bán ngoài chợ trời, thì được bao nhiêu. Nhưng một khi đã biết sự thật, liệu có ai muốn mua chiếc du thuyền đã từng là vật sở hữu của Richard Armstrong?

Vịn tay vào dây chão, Armstrong giữ thăng bằng trên cầu tàu. Thuyền trưởng cùng thuyền phó đang đứng đợi ông.

“Chúng ta đi ngay thôi”.

Viên thuyền trưởng không ngạc nhiên. Ông ta biết Armstrong không bao giờ muốn neo tàu trong vịnh lâu hơn mức cần thiết. Chỉ có cái lắc lư nhè nhẹ của con tàu mới ru ông vào giấc ngủ, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất. Ông ta phát lệnh chuẩn bị ra khơi trong khi Armstrong cởi giầy, mất hút dưới ca bin tàu.

Khi mở cửa ca bin sang trọng, ông lại thấy một chồng fax mới. Ông vồ lấy chúng, vẫn hy vọng còn đường sống. Fax đầu là của Peter Wakeham, Phó chủ tịch của Công ty Viễn thông Armstrong, lúc này vẫn đang còn ở văn phòng London mặc dù đã rất muộn. “Xin hãy điện thoại ngay cho tôi", bức điện viết. Bức điện thứ hai từ New York, cổ phiếu của công ty đã xuống một mức thấp mới và các ngân hàng của ông đã "miễn cưỡng" thấy cần phải bán các cổ phiếu của họ ra thị trường. Bức điện thứ ba là của Jacques Lacroix ở Giơnevơ khẳng định rằng, vì ngân hàng không nhận được 50 triệu đô la vào cuối ngày làm việc, nên họ không còn cách nào khác là...

Bây giờ là 5 giờ 12 phút ở New York, tức là 10 giờ 12 phút ở London và 11 giờ 12 phút ở Giơnevơ. Vào lúc 9 giờ sáng hôm sau, ngay ông cũng không thể ngăn được những hàng tít lớn trên các tờ báo của ông, chứ đừng nói gì đến những tờ báo của Keith Townsend.

Armstrong kéo khoá, để quần áo rơi thành đống trên sàn. Sau đó ông mở tủ lấy chai brandy, rót một cốc lớn rồi vật ra giường. Ông nằm im lìm trong khi tiếng máy tàu gầm lên và chiếc du thuyền bắt đầu lách mình ra khỏi cảng.

Mấy giờ trôi qua mà Amstrong vẫn nằm bất động, chỉ trừ những lúc rót thêm rượu, cho đến khi ông nghe chiếc đồng hồ nhỏ để gần giường điểm bốn tiếng. Ông lồm cồm bò dậy, đợi một lát rồi đặt chân xuống nền thàm. Ông đứng không vững, loạng choạng đi qua phòng không bật đèn, vào nhà tắm. Khi đến chiếc cửa mở sẵn, ông với tay lấy chiếc áo choàng rộng màu kem thêu chữ Hầu tước Lancelot màu vàng trên túi. Ông sờ soạng đi về phía cửa ca-bin, thận trọng mở và chân trần bước ra ngoài hành lang tối ánh đèn. Ông do dự trước khi khoá cửa ca-bin, đút chìa vào túi áo choàng. Ông đứng im cho đến khi cầm chắc không nghe tiếng gì khác ngoài tiếng máy quen thuộc của con tàu.

Armstrong lảo đảo đi dọc hành lang tàu, dừng lại ở chân cầu thang dẫn lên boong. Rồi ông từ từ trèo lên, tay bám chắc vào hai sợi dây to dùng làm tay vịn. Lên hết cầu thang, ông bước ra boong, vội vã nhìn ngược ngó xuôi. Không có ai. Đêm tối trong veo, lành lạnh, không khác gì những đêm vào thời gian này trong năm.

Armstrong chầm chậm bước di, cho đến khi ông đến khoang trên chỗ đặt máy, nơi ồn nhất trên tàu.

Ông chỉ đợi một lát, rồi tháo dây buộc áo choàng, để nó tự rơi xuống sàn.

Trần truồng trong đêm, ông nhìn ra biển tối đen tịch mịch và nghĩ: Chả lẽ đời ta chỉ thoáng qua trước mắt trong một khoảnh khắc như thế này sao?

(1) Vật dùng trong các sòng bạc lớn, thay cho tiền. Mỗi sòng có một loại phỉnh khác nhau và chỉ có giá trị ở sòng đó. Chúng thường bằng nhựa cứng, nhiều hình dáng và màu sắc, mỗi hình hoặc mỗi màu tương ứng với một số tiền nhất định (chú thích của Biên tập).

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.