Bạch Cẩm Tú nằm ở trên giường, mỗi lần nhắm mắt là hình ảnh trên bữa cơm lại hiện ra trước mắt.
Chị họ thể hiện tài nghệ, mợ thì lại thúc đẩy và khen ngợi chị ấy vừa hiền huệ vừa tài năng giỏi giang, còn giành được sự đồng cảm và lòng thương của Nhiếp Tái Trầm nữa.
Đàn ông chỉ cần nổi lên lòng thương với phụ nữ, tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì không cần nghĩ cũng biết. Chuyện giữa nam và nữ, còn chẳng phải đều bắt đầu từ lòng thương đó sao?
Dù cho không muốn thừa nhận, nhưng trong lòng cô hiểu rõ, người như chị họ là hình mẫu người vợ lý tưởng mà bất kỳ người đàn ông nào cũng muốn. Giữa cô và chị họ, nếu không tính gia thế, đời nào có người đàn ông cưới vợ sẽ chọn cô mà gạt chị ấy chứ?
Gia nghiệp của Bạch gia ở trong mắt Nhiếp Tái Trầm chẳng có giá trị gì cả, về điểm này đã được chứng minh rồi.
Mấy hôm trước sở dĩ anh liều mạng cứu cô, cũng xuất phát từ hiểu lầm báo ơn dìu dắt của cha mà thôi.
Nói cách khác, trong mắt Nhiếp Tái Trầm, mình so với chị họ đúng là chẳng có chút ưu thế gì cả.
Đến tận nửa đêm Bạch Cẩm Tú mới dần dần bình tĩnh được.
Cô phát hiện khi mình biết được tin tức hôm qua mà quá choáng váng dẫn đến bỏ qua một điểm quan trọng.
Mợ trông thì lợi hại, nhưng với tính cách của bà ấy, thực ra là ngoài mạnh trong yếu, giỏi lừa gạt người ta, không có bản lĩnh gì.
Nhưng chị họ Đinh gia thì bề ngoài lịch sự nhã nhặn, thực ra là người rất tâm cơ sâu sắc, dĩ nhiên, nếu chị ta không có bản lĩnh năng lực, một mình không thể nào chống đỡ cả gia tộc ở quê nhà Tô Châu được.
Chị ta ưng Nhiếp Tái Trầm, chắc chắn không bởi bữa cơm bị quấy nhiễu mà dễ dàng từ bỏ được.
Có một điều chắc chắn chị ta không biết những chuyện xảy ra giữa mình và Nhiếp Tái Trầm. Mình chẳng ngại không nói cho chị ta biết, cứ nói thẳng là Nhiếp Tái Trầm thích mình là được rồi. Chị ta biết rồi, nếu chủ động rút lui thì quá tốt. Dù sao thì chị ta mới quen biết Nhiếp Tái Trầm được mấy ngày thôi, có thích bao nhiêu đâu. Cóc ba chân khó tìm, đàn ông hai chân thì đầy, nếu chị ta còn không chịu buông, vậy thì chỉ có cách là đối phó với Nhiếp Tái Trầm thôi.
Bạch Cẩm Tú cô tính cách xấu tệ thật đấy, nhưng từ trước đến nay làm gì cũng rõ ràng, tránh tới cuối cùng bị người ta chụp cho cái mũ nham hiểm thâm độc.
Đã quyết định rồi, cô chỉ mong trời mau mau sáng mà thôi. Cả đêm ngủ không ngon, mắt chong chong đến sáng, mới hơn năm giờ, khi tia nắng ban mai còn nhạt nhòa, cánh cổng lớn của Tướng quân phủ hãy còn đang đóng chặt, cô đã ngồi xe tới đó.
Cậu mợ còn chưa dậy, Bạch Cẩm Tú bảo người gác cổng không cần phải làm ảnh hưởng đến họ, tự đi vào, đến phòng ngủ của Đinh Uyển Ngọc, gõ cửa.
Đinh Uyển Ngọc mở cửa, thấy Bạch Cẩm Tú mới sáng sớm lại tới nữa thì ngạc nhiên vô cùng:
– Em họ?
Bạch Cẩm Tú đi vào, tức khắc liếc thấy tập tranh chiều tối qua mình đưa tới đã được dùng để kê một cái chân bàn bị cập kênh.
Đinh Uyển Ngọc bối rối, vội rút tập tranh ra phủi phủi, giải thích:
– Em họ thông cảm, chắc là người hầu thấy chân bàn bị kênh, không biết đây là do em đưa tới nên tiện tay dùng để kê lên, phụ mất tấm lòng của em mất rồi. Lát chị nhất định sẽ phạt nghiêm họ.
Bạch Cẩm Tú nói:
– Không sao đâu chị họ. Thực ra hôm qua em mang tranh tới chỉ là cái cớ thôi.
Đinh Uyển Ngọc nhìn cô, đặt tập tranh lên bàn, mỉm cười:
– Em ngồi đi.
Bạch Cẩm Tú ngồi xuống. Đinh Uyển Ngọc cũng ngồi xuống bên cạnh cô, tay cầm chiếc lược chải chải tóc, cũng không hỏi chuyện.
Bạch Cẩm Tú mặc cô ta chải tóc, được một lát mới nói:
– Chị họ, sáng sớm em đến là có chuyện. Trước đó nếu em có gì không phải, mong chị rộng lượng bỏ quá cho em.
Đinh Uyển Ngọc cười cười:
– Em sao vậy, sáng sớm đến tự dưng nói cái này. Chị em chúng ta có gì mà trách với móc…
Bạch Cẩm Tú nói:
– Em biết bữa cơm tối qua là mợ sắp xếp để chị xem mắt, nhưng lại bị em làm hỏng. Là em không tốt. Hôm qua vừa biết được, em tức quá mới tới, làm hỏng chuyện tốt của chị. Mong chị họ tha thứ cho em.
Nét mặt Đinh Uyển Ngọc vẫn mang nụ cười:
– Xem em kia, nói gì mà chị không hiểu.
– Có chuyện này em không muốn giấu chị. Hồi trước Nhiếp Tái Trầm có làm việc giúp nhà em. Ở Cổ thành, giữa bọn em có xảy ra chút chuyện. Tóm lại, anh ấy là người em thích, giờ bọn em như vậy là bởi trước đó có cãi nhau. Cho nên ngay khi biết được mợ muốn hợp tác cho chị và anh ấy, em giận quá mà tới phá.
Đinh Uyển Ngọc đang chải tóc lập tức dừng lại.
Bạch Cẩm Tú nhìn cô ấy.
– Tối qua về nhà rồi, em nghĩ rất lâu, bình tĩnh rồi em thấy vẫn nên nói chuyện này cho chị biết, không thì chị lại chẳng biết gì. Giờ em với anh ấy chỉ là cãi vã hiểu lầm thôi. Em rất thích anh ấy, anh ấy cũng thích em. Nếu không vì sao hôm đó anh ấy lại liều mạng cứu em, chị nói đúng không?
Cô dừng một chút,
– Cho nên em tới tìm chị, nói rõ với chị, tránh để chị em ta hiểu lầm nhau, vì một người đàn ông mà hiểu lầm, bị người ngoài biết đúng là rất xấu hổ.
Đinh Uyển Ngọc yên lặng một lúc, lại mỉm cười tươi. Cô ta buông lược, cầm tay Bạch Cẩm Tú.
– Em à, em nói chuyện này với chị, chị rất cảm kích. Sao em không nói sớm chứ? Nên trách là trách chị, lại chen vào giữa em và Nhiếp đại nhân. Em yên tâm đi, lúc trước không biết thì thôi, giờ biết rồi, làm sao chị dám mặt dày tranh với em đúng không?
Cô ta nói rất chân thành. Bạch Cẩm Tú cảm kích:
– Chị thật tốt quá. Vậy em cảm ơn chị. Em không còn chuyện gì nữa, giờ còn sớm, em muốn về ngủ bù một giấc. Chị ơi chị cũng ngủ lại chút đi.
Đinh Uyển Ngọc giữ cô lại không được, ân cần tiễn, trên người còn mặc quần áo ngủ, tiễn vài bước bị Bạch Cẩm Tú ép quay về phòng.
Bạch Cẩm Tú ra đến sân, nghĩ nghĩ một giây, lại lặng lẽ đi vào dãy nhà sau dành cho người làm của tướng quân phủ.
Giờ này người làm đã dậy hết rồi, Bạch Cẩm Tú gọi cô hầu gái mà trước đây từng giúp mình nghe lén cậu mợ nói chuyện, cho cô ta một đồng bạc, dặn dò mấy câu, sau đó mới ra về. Về đến nhà rồi, vừa mệt vừa buồn ngủ, dặn người làm đừng quấy nhiễu mình ngủ.
Mọi người biết Bạch Thành Sơn sắp về Cổ Thành, cùng ngày khách đến nhà thăm hỏi không dứt, trên dưới bận rộn, Bạch Cẩm Tú thức dậy, vẫn ở trong phòng, cầm bút vẽ đã lâu không chạm vào, muốn vẽ tranh.
Trước kỳ nghỉ, thầy giáo ở Pari mà hồi trước cô học ở đó nói cuối năm Châu Âu có mở một cuộc triển lãm tranh sơn dầu quy mô lớn, ông rất thưởng thức thiên phú của cô, đã giành một suất cho cô rồi, bảo cô cung cấp một tác phẩm để tham gia buổi triển lãm.
Kỳ hạn đã sắp đến rồi, những bức vẽ ở Cổ thành, cô vẫn chưa hài lòng chút nào.
Nhưng giờ, dù cô có tập trung vẽ như nào cũng thấy không có cảm giác không được như ý, trái tim như lơ lửng giữa không trung, không tìm được nơi đặt chân.
Sáng hôm sau, Bạch Thành Sơn quay về, cô và anh cả tiễn cha ra khỏi thành Quảng Châu xong, quay về nhà, cố gắng gạt bỏ tạp niệm, tiếp tục vẽ tranh. Đến tối, anh cả với chị dâu đi dự tiệc cưới của người cháu họ hàng, bảo cô đi cùng nhưng cô không đi. Hai vợ chồng đưa A Tuyên đi, trong nhà chỉ còn lại có một mình cô.
Cô tết tóc qua loa, thả phía sau, mặc bộ trang phục cũ giản dị, tiếp tục vẽ.
Khi bên ngoài trời đã tối, nhưng giống như hôm qua, cô vẽ không có chút cảm giác gì, hoàn toàn không thể tập trung được.
– Tiểu thư, đến giờ cơm rồi ạ. Không được nhịn nữa đâu.
Bên ngoài là tiếng gõ cửa lần thứ ba của người làm lớn tuổi.
Bạch Cẩm Tú vứt bút vẽ đi, ra mở cửa.
Một cô hầu đi theo người làm lớn tuổi nhìn mặt Bạch Cẩm Tú, phì cười.
Người làm lớn tuổi lườm một cái, sau đó chỉ vào má cô, cười nói:
– Tiểu thư à, mặt cô nhọ kìa.
Vừa rồi cô hầu phì cười là Bạch Cẩm Tú biết mặt mình chắc chắc đã dính màu vẽ. Đây là chuyện vẫn thường xảy ra.
Cô cùng cười, xoa xoa mặt, cởi bộ y phục cũ ra, nói:
– Cháu rửa mặt xong sẽ xuống luôn.
Người làm đi rồi, khi cô đang định rửa mặt, cô hầu kia vừa đi đã quay lại ngay, bẩm:
– Tiểu thư ơi, có người nhà ông cậu tới, nói có chuyện cần thông báo với tiểu thư.
Bạch Cẩm Tú không quan tâm mặt mũi nữa, chạy xuống lầu.
Cô hầu của Tướng quân phủ đứng ở phòng khách, thấy Bạch Cẩm Tú xuống thì chạy tới:
– Bạch tiểu thư, biểu tiểu thư tối nay đổi trang phục người Hán, đi ra ngoài rồi.
Cô ta ghé sát tai Bạch Cẩm Tú:
– Em tốn nhiều công mới nghe được tin từ người hầu của cô ấy, cô ấy đi Tây doanh. Vừa nghe được em liền đến đây ngay.
Bạch Cẩm Tú hỏi:
– Đi ra ngoài bao lâu rồi?
– Ngay lúc trời sẩm tối, tầm giờ Dậu ạ.
Chính là lúc 6 giờ rồi.
Bạch Cẩm Tú ngoái nhìn đồng hồ ở phòng khách.
Giờ đã sắp 8 giờ.
Đã qua hai giờ rồi!
Cô nghiến răng kèn kẹt, lửa giận bùng lên, đuổi cô hầu kia đi, lao lên cầu thang, chạy vào phòng, cũng chẳng rửa mặt, vội khoác trường bào của nam giới, xuống dưới kêu quản sự chuẩn bị ngựa xe, mang theo mấy tay hộ vệ đi về phía tây môn.
……
Đinh Uyển Ngọc ngồi xe ngựa đi vào tây doanh, trời hoàn toàn tối sẩm.
Cô ta bước xuống, bảo người làm đi theo chờ ở ngoài cổng lớn doanh trại, mình thì cầm theo đồ đi qua, bị vệ binh ở cổng ngăn lại.
Đinh Uyển Ngọc chìa ra tờ giấy, nói:
– Tôi họ Đinh, tướng quân phu nhân là dì của tôi. Đây là thư tay của phu nhân viết. Phu nhân bảo tôi tới tìm Nhiếp đại nhân có việc.
Vệ binh nói:
– Xin lỗi Đinh tiểu thư, cấp trên có quy định, người ngoài không có giấy thông hành hợp quy chế thì không được vào. Cô chờ một lát, tôi có thể đi thông báo Nhiếp đại nhân cho cô.
– Ngay cả Tướng quân phu nhân cũng không được à? – Đinh Uyển Ngọc không vui nói.
– Xin lỗi Đinh tiểu thư, cấp trên không hề nhắc tới tướng quân phu nhân. Hay là cô cứ chờ lát, để tôi đi hỏi cấp trên được không?
Đinh Uyển Ngọc nói:
– Thôi, anh đi thông báo cho Nhiếp đại nhân đi.
Vệ binh dặn dò binh lính một câu, người kia đi vào trong, tìm Nhiếp Tái Trầm.
Nhiếp Tái Trầm vừa mới kết thúc huấn luyện trở về, người đầy mồ hôi, đang muốn đi tắm thì nghe vệ binh nói có vị Đinh tiểu thư tự xưng là cháu gái của tướng quân phu nhân đến tìm anh, thì nói:
– Cứ nói là tôi đi vắng rồi.
Vệ binh rời đi, Nhiếp Tái Trầm chần chừ lại gọi giật lại, tự mình đi ra cổng.
Từ xa anh đã thấy Đinh tiểu thư đứng dưới cột đèn ở bên trạm gác. Cách cánh cổng sắt lớn, ánh đèn mờ mờ chiếu lên bóng dáng cô ấy trông vô cùng lẻ loi.
Anh đi qua, ra hiệu vệ binh mở cửa, gật đầu với cô ấy.
Đinh Uyển Ngọc thấy anh ra thì mỉm cười thật tươi, đi vào.
– Nhiếp đại nhân, em tìm anh có chút việc.
Cô nhìn vệ binh phía sau, nhỏ nhẹ nói tiếp:
– Nói chuyện ở đây không tiện mấy, anh…
Nhiếp Tái Trầm chỉ vào phòng khách ngay cổng lớn:
– Mời Đinh tiểu thư đi theo tôi.
Anh đi vào phòng khách.
Đinh Uyển Ngọc nhìn theo bóng lưng anh, ngập ngừng một chút, cuối cùng vẫn bước đi theo.