Cả người lầy lội, tóc tai rũ rượi, tay nhấc nửa vạt váy, giữa ánh mắt kinh ngạc của cung nữ thái giám, tôi bụm kín mặt trở về Từ Ninh cung.
Tôi không ngừng cầu nguyện một cách thành kính, ông trời làm ơn giáng sét đánh chết tôi đi, đưa tôi xuyên về ngay lập tức. Nhưng ông trời lại bịt chặt tai thêm một lần nữa.
Tôi chậm chạp thay quần áo trong phòng, rề rà đi ra. Huyền Diệp thế mà lại đủ kiên nhẫn chờ đợi. Môi cậu ta mím chặt, vẻ mặt như gió mưa sắp kéo đến.
Ánh mắt của tôi thoáng chạm phải ánh mắt cậu ta đã vội vã dời đi, dè dặt đặt nửa mông xuống ghế. Tôi cười gượng: “Cậu vẫn chưa đi à?”
Cậu hỏi tôi bằng giọng đầy tức giận: “Sao tỷ lại đến đấy?”
Đúng vậy, sao tôi lại đến đấy? Tôi nguyền rủa lòng hiếu kỳ của mình một trăm lẻ một lần, vô cùng hy vọng giờ phút này mình là một con mèo.
Tôi lí nhí: “Lúc ta đi dạo với Thường Ninh ở Ngự Hoa Viên, đột nhiên một cơn gió to thốc tới, cuốn bọn ta đến đấy.” Cậu hừ lạnh một tiếng, giọng tôi càng bé hơn, “Ha ha, cậu không tin đúng không? Thông minh đấy! Ta cũng không tin.”
Đôi con ngươi của tôi đảo lia lịa, chỉ không dám nhìn cậu ta, bắt đầu nói nói dối tỉnh bơ: “Ôi này? Vừa nãy không nhìn rõ, đứa cháu dâu mới của ta tròn méo dài ngắn ra sao nhỉ?”
Cậu lạnh lùng hỏi: “Thực sự không nhìn rõ?”
“Thật mà! Còn thật hơn cả trân châu!” Tôi gật đầu như giã tỏi, cố gắng giành giật lòng tin của cậu ta.
“Ta gọi nàng ấy đến đây cho tỷ ngắm nhé?” Giọng cậu vẫn đều đều.
“Đừng! Thôi bỏ đi thì hơn, cậu lo nghĩ sâu xa, không để ta gặp ắt phải có cái lý của nó.”
Cậu ta không lên tiếng nữa, tôi cũng chả biết nên nói thế nào, đành gục đầu ngồi đó. Cái gì gọi là ‘như đứng đống lửa, như ngồi đống than’? Ấy chính là cảm giác hiện tại của tôi.
Cả phòng tĩnh lặng, giác quan thứ sáu mọc ra vô số râu cảm ứng trong không khí, cảm giác của tôi vô cùng nhạy bén.
Tôi cảm nhận được ánh mắt lạnh te của cậu dán vào người mình, chúng như những mũi tên băng ghim chặt tôi vào ghế. Nửa bên mông vừa tê vừa nhức, tôi lại không dám nhúc nhích. Đương lúc tôi cho rằng mình sắp hóa thành tượng băng, cậu ta lại nặng nề đứng dậy, nặng nề bước ra ngoài.
Tôi ngồi phịch xuống ghế, vô cùng hi vọng đây chỉ là một giấc mơ!
Sau đó, bầu không khí giữa bọn tôi rất gượng gạo, bắt đầu tránh mặt nhau.
Lúc trái tim già cỗi sắp không chịu nổi nữa, cuối cùng tôi cũng đã quay về hiện đại. Tôi thở phào một hơi, chẳng muốn xuyên nữa.
Tôi lại bắt đầu nguyền rủa lão trời gian xảo kia. Chả biết ông ta làm việc ở đâu nhờ? Nào có chuyện cưỡng ép người ta đi đòi nợ chứ? Tôi ký đơn bỏ quyền chủ nợ được không vậy?
Tôi không muốn xuyên, tôi không muốn xuyên, tôi không muốn xuyên nữa đâu…
–
Song, dù có bằng lòng hay không, tôi lại đau khổ trở về Từ Ninh cung.
Mọi thứ đều như cũ? Dường như chưa từng xảy ra chuyện gì. Huyền Diệp chả có chỗ nào bất thường, vẫn vâng lời, bảo sao làm vậy như trước, hơn thế, lúc chẳng có ai cậu ta cũng đã chịu gọi tôi là ‘Hoàng tổ mẫu’, cũng chả quan tâm vài hành động tùy tiện giữa tôi và Thường Ninh nữa.
Tôi vẫn cười nói ha hả, mặc sức làm càn, nhưng chỉ bản thân tôi hiểu rõ, rằng để giữ cái mặt nạ này mà mình đã phải nơm nớp lo sợ đến thế nào, cứ như đang dò bước trên lớp băng mỏng. So ra thì, đeo cái mặt nghiêm túc trong lần xuyên đầu tiên chỉ là trò trẻ con.
Quan hệ giữa chúng tôi lại trở về với khuôn mẫu của lần xuyên thứ nhất, nhìn bề ngoài thì tất cả đều rất yên ả. Chỉ là tôi cứ cảm thấy có mạch nước ngầm đang rục rịch, sơ sẩy một tý sẽ chìm vào tai ương. Thế nên tôi luôn kéo căng thần kinh, chả dám lơi lỏng.
Thỉnh thoảng, tôi thoáng thấy ánh mắt chán nản, căm hận, ghét bỏ cùng một loại cảm xúc tôi chẳng muốn biết là gì của cậu ta đang hướng về phía mình. Đến lúc tôi muốn nhìn kỹ, vẻ mặt cậu lại trông như thường ngày, dường như ấy chỉ là ảo giác của tôi. (Dù ánh mắt ấy là thật, tôi cũng sẽ chọn cách giả câm vờ điếc.)
Tôi vẫn xuyên tới xuyên lui thế đấy, chẳng còn cách nào.
–
Một hôm nọ, tôi vô tình đọc được một mẩu chuyện ngắn: Trước cuộc khởi nghĩa ‘Lý Tự Thành’(1), từng có một tên thầy bói phán rằng chính quyền của ông có thể tồn tại đến tám mươi năm, vậy mà ông ta chỉ ngồi vững trên long ỷ trong chưa đến một tháng. Dọc đường chạy trốn, ông gặp lại tên thầy bói kia, bèn đến chất vấn. Lão ấy bảo, bởi vì lúc làm hoàng đế rồi, ông ta thường xuyên ăn bánh chẻo, mà người ta chỉ ăn bánh chẻo mỗi độ xuân về tết đến. Lý Tự Thành ăn liên tục tám mươi bữa bánh chẻo, thế là mất tám mươi năm giang sơn.
(1): Lý Tự Thành là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân lật đổ nhà Minh 1644, tự xưng là Đại Thuận hoàng đế, lập ra nước Đại Thuận, làm vua được 43 ngày đã bị quân Mãn Châu tràn vào hất cẳng và tiêu diệt toàn bộ.
Được câu chuyện này gợi ý, khi tôi chẳng thể dừng được việc xuyên đến thời Thanh, tôi bắt đầu hưởng thụ cuộc sống xa hoa ‘gọi hai bàn Mãn Hán Toàn Tịch(2), ăn một ngó một; tậu hai con hãn huyết bảo mã(3), cưỡi một dắt một; đặt hai bộ phượng bào của Thái hậu, khoét một đắp một…’. Chỉ tiếc rằng không thể đưa chồng đến chung vui.
(2): Tiệc triều đình Hán Thanh, ít nhất là phải có 108 món độc đáo từ nhà Thanh và văn hóa người Hán, nhiều nhất tổng cộng 320 món, gồm 6 buổi tiệc trong 3 ngày.
(3): được cho là giống ngựa thuần chủng nhất trên thế giới, tiết mồ hôi đỏ như máu.
Huyền Diệp rất bất ngờ bởi việc tôi bỗng dưng trở nên xa xỉ, tôi bảo mình lười đi đi về về, muốn giàu sang gấp hai lần để sớm thanh toán xong nợ nần. Cậu ta buồn bã hỏi tôi: “Người không thích ở lại đây đến thế ư?”
Sau đó chi phí sinh hoạt của tôi bỗng nhiên bị cắt mất phân nửa.
Tôi đập bàn kháng nghị: “Sao ít thức ăn vậy? Cậu có biết ‘cần kiệm thành xa hoa thì dễ, từ xa hoa trở về cần kiệm thì khó’ không? Bây giờ còn chả bằng được tiêu chuẩn bình thường, cậu muốn trả nợ đến kiếp sau à?”
Cậu ta cười lạnh lùng: “Vậy đến kiếp sau rồi tính tiếp.”
Tôi bỗng sực nhớ đến những món bảo bối mà mình chôn, chắc tôi có thể đào chúng ra nhỉ? Khỏi sợ trời phạt? Hai mắt tôi biến thành hình “$$”, không nhiều lời nữa, cúi đầu và cơm.
Tâm trạng Huyền Diệp bỗng vô cùng vui vẻ, tôi khinh thường cậu ta. Quỷ kẹo kéo, kéo đến tận kiếp sau chả phải nợ vẫn là do cậu trả à? Nếu cậu đầu thai thành ăn mày, xem cậu lấy cái gì mà trả tôi đây?
–
Lúc về đến hiện đại, tôi cầm xẻng, giấu Sở Y Phàm đi đào bảo vật.
Tôi khoét đứt 15 rễ hoa, xúc trúng 11 gốc cây, đè nát vô số cỏ, ở ba công viên xuất hiện hơn 28 cái hố.
Tôi bị bắt quả tang ở công viên thứ ba, sau đó bị giải đến chỗ của quản lý công viên một cách mất mặt, đợi Sở Y Phàm đem tiền đến chuộc mình.
Đời tôi có vết nhơ thứ hai – phá hoại công cuộc xanh hoá, lần này là do tôi tự chuốc lấy.
Thu hoạch của tôi là: gốm bể 21 mảnh, được giám định là quá nát, quá vụn, không có giá trị; 8 viên trân châu thủy tinh, hồi đó thấy Tô Mạt Nhi vô cùng nâng niu, tôi còn tưởng là thủy tinh cao cấp; 3 đồng Khang Hy thông bảo(4), bị ô-xy hoá nghiêm trọng thành màu xanh gỉ đồng.
(4): tiền xu được đúc vào năm 1713 kỷ niệm sinh nhật vua Khang Hy.
Ngoài ra, tay tôi nổi lên 5 bọng nước; gãy 3 cái xẻng; ngồi taxi 121 đồng; tiền phạt 500 đồng; phí giám định 384 đồng, ấy là đã nhờ vả người quen, được giảm giá năm sáu phần rồi.
Sau đó tôi bị chồng cấm túc chừng hai tháng, được đưa đón mỗi khi đi làm hoặc tan ca, muốn xin 5 đồng cũng phải viết đơn nộp.
Tôi không dám loanh quanh gần ba công viên kia cả nửa năm, tôi sợ họ trao đổi thông tin, hai công viên nọ cũng sẽ đến bắt mình. Đến lúc đó, có lẽ chồng sẽ mua lồng nhốt tôi lại.
Kết luận: Trộm gà không được lại mất cả nắm gạo, một nắm gạo thơm hảo hạng của Thái Lan.
–
Vì thế, tôi ôm cả mớ thịnh nộ “ra đi lần nữa”. Lá cây thối, cậu không cho tôi xa xỉ thì tôi sẽ cam chịu à? Này thì cho cậu phá sản nhớ! Tức chết cái con quỷ kẹo kéo nhà cậu đi!
Tôi ban vô vàn báu vật hoàng cung cho quần thần, dù sao thì chúng cũng chả về tay tôi được. Nếu không phải do nguyên nhân này, báu vật trong Cố Cung Trân Bảo quán(5) hẳn sẽ nhiều hơn đôi chút. Chỉ tại lúc đó tôi phẫn nộ lắm rồi, chẳng nghĩ được nhiều đến vậy. Vô cùng xin lỗi nhân dân!
Lạ là, cái tên quỷ kẹo kéo kia thế mà lại nhẫn nhịn, để tôi mặc sức phá phách.
(5): nơi lưu giữ văn vật trong Cố Cung.
–
Sau này, khi hậu cung của Huyền Diệp được nhồi thêm vô số mỹ nữ, cậu ta lại có đối tượng sủng ái mới, Vệ Lâm Lang biến thành đóa hoa cúc ngày hôm qua. Bấy giờ, tôi mới thực sự thả lỏng mình. Tình yêu của đế vương vốn chẳng bền lâu, có lẽ lúc đó, đầu cậu ta bị úng nước. Tiết trời phương bắc khô hanh, cuối cùng rồi nước cũng bốc hơi cả. Chỉ tiếc cho Vệ Lâm Lang, đối với cô ta, chẳng biết cuộc sống này tốt hay xấu hơn kiếp cung nữ trước kia nữa?
Tôi dẹp trò quấy quả của mình.
–
Vệ Lâm Lang sinh một đứa con trai, chính là Bát a ca Dận Tự. Thằng bé giống mẹ y như đúc, bởi vậy cũng từa tựa con trai tôi, tôi rất thích nó.
Tuy tôi lạnh nhạt thờ ơ, nhưng con trai thường không ở bên cạnh mình, tôi vẫn rất nhớ nó. Sau khi Dận Tự ra đời, tôi lập tức “ăn bánh vẽ cho đỡ đói lòng”(7). Hễ rỗi rãi là tôi ôm thằng bé cưng nựng.
(7): kiểu như ngắm vật để đỡ nhớ người.
Một ngày nọ, tôi đang đùa với nó, Huyền Diệp đến. Cậu ta hỏi: “Dường như Người rất thích thằng nhóc này?”
Tôi không ngẩng đầu lên, vừa tiếp tục nhăn mặt chọc thằng bé, vừa đáp: “Ờ! Nó giống con trai ta quá mà!”
“Người, Người ở đấy hạnh phúc không?”
“Hạnh phúc lắm.”
“Sư phụ Vô Trần tốt với Người không?”
“Ừ, không chỉ tốt, mà còn là tốt vô cùng!”
“Thế à?” Giọng cậu vương nét buồn thương.
Tôi ngẩng đầu, nhìn vẻ mặt mơ hồ ấy. Lại chẳng nén được nặng nề.
Bấy giờ nhũ mẫu của Dận Tự bê bánh sữa về đến, cậu như bừng tỉnh giấc, lấy lại vẻ trấn tĩnh sắc bén. Bầu không khí kỳ lạ trong phòng cũng tiêu tan.
Nhũ mẫu dỗ Dận Tự ăn bánh, Huyền Diệp nhìn nó, vẻ mặt dịu dàng, phảng phất nét đăm chiêu.
Khi Huyền Diệp đi mất, nhũ mẫu vui mừng khấp khởi: “Có vẻ Hoàng thượng rất thích tiểu a ca đấy ạ!”
Tôi nhếch miệng ra chiều như đang cười, đầu lại bắt đầu đau. Thầm cân nhắc xem mình có cần tìm cái lò bốc hơi cho cậu ta không.
Theo thông lệ trong Thanh cung, phi tần phẩm cấp thấp không được phép chăm sóc a ca, phải tìm mẹ nuôi cho Dận Tự. Huyền Diệp chỉ định Huệ phi, tức Nạp Lan Minh Tuệ.
Bấy giờ Vãn Thúy đã chết từ lâu (mong rằng nó ngủ yên dưới suối vàng, muốn trách thì phải trách Huyền Diệp, là do cậu ta khắc Hoàng hậu, chả liên quan gì đến tôi.), vẫn chưa lập tân hậu, phẩm cấp lớn nhất trong cung chính là Hoàng quý phi Đông Giai thị, tức mẹ nuôi của Tứ Tứ. Huệ phi xếp thứ nhì, song vì sức khỏe của Đông Giai thị không tốt, tất cả thực quyền ở hậu cung nằm trong tay Huệ phi.
Vì thế, Huyền Diệp rất xem trọng Dận Tự, mà Dận Tự cũng chẳng thua kém gì ai, mười bảy tuổi đã được phong bối lặc. Nếu Hiếu Trang sống đến tận thời Cửu Long Đoạt Đích, với cái tính bênh vực người nhà của tôi, có lẽ lịch sử nhà Thanh sẽ có diện mạo khác. (Phe Tứ Tứ nhớ cảm ơn Hiếu Trang chết vừa khéo, đừng quên cộng điểm cho tôi! Phe Bát Bát nín khóc rồi cũng đừng quên cho điểm nhé.)