Lần này bảy quân khu hợp tác hành động, do Trung ương trực tiếp truyền mệnh lệnh xuống. Điều họ lo lắng là sự thâm nhập của Cú Đêm, nhưng sự việc vẫn xảy ra.
Gấu Trúc lau mặt, nhìn Phù Việt bằng đôi mắt giăng đầy tơ máu, giọng nói vừa cất lên đã khàn đục chẳng giống giọng con người: “Bây giờ cậu có thể nói cho chúng tôi biết lai lịch của cậu không?”
Đây là chuyện mà ai cũng muốn biết, nhất thời mọi ánh mắt đều tập trung trên người cậu.
Phù Việt đưa thuốc vừa nấu xong cho Chúc Long, bấy giờ mới ngoảnh đầu, buồn cười nói: “Lai lịch của tôi liên quan gì tới mấy người?”
Giọng điệu của cậu quá đỗi tự nhiên, thoáng chốc mọi người không nói nên lời.
Ánh mắt Chúc Long đầy vẻ đau đớn, anh rót một ngụm thuốc vào miệng. Từ khi anh tỉnh lại, một ngày ba lần uống thứ thuốc này nhưng vẫn chưa thể thích nghi với vị đắng của nó.
Thuốc xuôi theo cổ họng chảy vào dạ dày kéo theo một cơn choáng váng quay cuồng. Anh mím môi, liếc nhìn bóng dáng Phù Việt và Sói Rừng Rậm kề sát vào nhau, đáy mắt thoáng vẻ ảm đạm, nhưng trên gương mặt tuấn tú ấy chẳng để lộ điều chi. Có lẽ vị đắng không chỉ vì tác dụng của thuốc.
Hoẵng vò đầu, ngượng ngùng nói: “Chủ yếu do lúc cậu xuất hiện hơi trùng…”
Nguỵ Vũ Sâm cắt ngang lời cậu: “Chuyện này chẳng liên quan gì tới Phù Việt hết, khỏi phải hỏi em ấy.”
Hải Quỳ thoáng do dự, nói: “Nhưng…”
Nhưng rồi cậu ta cũng không hỏi thành câu, vì sự che chở rõ ràng của Sói Rừng Rậm và sự trong sáng vô tư trong mắt Phù Việt.
Năm ngày sau, ruộng hoa anh túc ở Sách Mễ nở rộ.
Rắn nhỏ bò từ tay Nguỵ Vũ Sâm lên vai anh, cái đầu bé xíu cọ vào má anh, rồi nó lại bò sang cạnh tai Phù Việt. Phù Việt khẽ nói gì đó, rắn nhỏ bò xuống khỏi người cậu rồi nhanh chóng biến mất trong rừng mưa sâu thẳm.
Hoẵng thoáng kinh ngạc: “Nó không phải do cậu nuôi hả? Cứ đi như thế sao?”
Phù Việt nghiêm túc nói: “Rắn nhỏ thuộc về rừng mưa Bắc Myanmar, không thuộc về bất kì ai, lần này nó chỉ giúp đỡ thôi.”
Đáy mắt Hoẵng nong nóng. Cậu ta lại nhìn về phía con đường đến rừng nguyên sinh của họ. Rừng thẳm đen kịt, như miệng của quái thú nuốt chửng không biết bao nhiêu sinh mạng, nhưng lại có sinh linh tự nhiên đưa họ thoát khỏi hiểm cảnh.
Trước biển hoa anh túc, mười hai nhà khoa học và tám người lính Trung Quốc lặng lẽ nhìn nơi chôn xương Sói Rừng Rậm. Không biết bên dưới chôn vùi bao nhiêu bộ hài cốt, cũng không biết những linh hồn oanh liệt đang yên nghỉ dưới mảnh đất nào.
Tia nắng ban mai đầu tiên soi rọi, tiếng chân vịt ầm vang trên đỉnh đầu, trên thân trực thăng quân dụng in quốc kỳ đỏ thắm.
Lúc mọi người ngẩng đầu nhìn lên bầu trời, Phù Việt hôn lên yết hầu với đường nét hoàn mỹ đang hiện ra vì Nguỵ Vũ Sâm ngẩng đầu.
Đợi trực thăng đáp xuống trước mặt họ, tiếng Quốc ngữ thân thương vang lên bên tai, mọi người ôm nhau ăn mừng, họ mới nhận ra không thấy Phù Việt đâu nữa.
Nguỵ Vũ Sâm lặng thinh nhìn về nơi thiếu niên biến mất trong rừng sâu. Cậu vẫn không quay về ư?
Chúc Long rời mắt khỏi rừng mưa sâu thẳm, giấu đi cảm xúc trong mắt, dẫn đầu trèo lên trực thăng.
Có những việc trước khi suy nghĩ xong đã có kết quả, có những người trước khi gặp gỡ đã bỏ lỡ nhau. Vậy nên tốt nhất đừng nghĩ nhiều về những chuyện trong lòng vẫn chưa được làm rõ, như thế mới là lựa chọn lý trí nhất.
Trực thăng từ từ bay lên, phả hơi nóng ẩm ướt lên đầu lên mặt họ, khiến người ta có cảm giác ngột ngạt trong thoáng chốc.
Khu rừng mưa này không để lại bất cứ hồi ức tươi đẹp nào cho họ, bóng tối, áp lực, thuốc phiện, bệnh tật, chiến tranh, cái chết…
Dường như nơi đây chính là nơi khắc nghiệt nhất thế gian. Lúc ở trong đó, con người ta chỉ có thể cảm nhận được nỗi tuyệt vọng nhấn chìm và nỗi sợ trước thiên nhiên rộng lớn. Lúc đối diện với nó, con người nhỏ bé như giun dế.
Nhưng từ trên trời cao nhìn xuống lại thấy nó hùng vĩ lộng lẫy đến lạ, tầng mây lượn lờ triền miên trên đỉnh rừng rậm, những dãy núi nhấp nhô trùng điệp, vô vàn dòng sông chảy trôi như chứa ngọc. Đó là màu sắc chưa từng bị ô nhiễm, một màu sắc tựa trời cao.
Đây là vùng đất hiếm có ai đặt chân đến, rừng nguyên sinh Bắc Myanmar, mỹ lệ, chấn động, thần bí và cuộn trào sóng ngầm.
Nguỵ Vũ Sâm bình tĩnh nhìn rừng mưa dưới chân. Với anh mà nói, khu rừng mưa này có sự khác biệt với những người khác.
Rạng sáng, cuối cùng họ cũng thoát khỏi rừng mưa, đây là bầu trời quang đãng đầu tiên anh được thấy kể từ khi quen biết Phù Việt. Thiếu niên nằm trên đùi anh, con ngươi phản chiếu biển sao trên trời, cậu từ tốn kể cho anh nghe một đoạn lịch sử mà bất kỳ người Trung Hoa nào cũng khắc sâu trong tâm trí.
Ngày 23 tháng 12 năm 1941, hai nước Trung – Anh ký kết “Hiệp định tổng phòng thủ tuyến đường Điền – Miến”. Năm 1942, quân Nhật xâm lược Miến Điện, quân viễn chinh Trung Quốc tiến vào Miến Điện phát động trận chiến trên tuyến đường Điền – Miến thất bại, một bộ phận rút vào Ấn Độ, được gọi là quân Trung đồn trú Ấn, một bộ phận còn lại rút vào rừng nguyên sinh Bắc Myanmar. Trên đường rút lui về Điền Tây Trung Quốc, họ đã trải qua hiểm nguy khốc liệt trong rừng mưa, bệnh tật, đói khát, thú dữ và nỗi sợ hãi tuyệt vọng khó có thể tưởng tượng nổi. Mỗi tấc đất là thi thể ngổn ngang, 3.5 vạn người vào rừng chỉ còn lại 3000 người ra khỏi rừng sâu.
Năm 1942, giáo sư Đại học Tổng hợp Quốc gia Tây Nam, Mục Đán, đã gác bút tòng quân, tham gia quân viễn chinh Trung Quốc, theo đoàn đội thâm nhập vào rừng nguyên sinh Bắc Myanmar. Ông trèo đèo lội suối trong khu rừng mưa nhiệt đới che trời rợp đất, chịu bệnh đi tiếp, giẫm lên từng chồng xương trắng của đồng đội, may sao đã ra khỏi rừng nguyên sinh Bắc Myanmar. Tháng 9 năm 1945, dựa trên trải nghiệm chiến đấu ở Miến Điện, ông đã sáng tác tập thơ nổi tiếng “Quỷ rừng rậm — Xương trắng trên hồ Sái sông Khang”:
Dưới bóng cây, bên dòng nước xiết
Tháng Sáu Bảy qua, núi không người
Vẫy vùng anh muốn về đâu
Nào hay đã rộ đầy đầu sắc hoa.
Đói khắc cốt, muôn trùng lũ quét
Trùng độc cắn, quằn quại đêm thâu
Thấu đâu, anh kể cho đời
Nào ngờ tươi tốt cây còn nhớ chăng.
Anh đã từng chống lại cái chết
Anh chết cho sự sống muôn người
Phân tranh gay gắt chưa ngừng
Còn nghe đâu những ngày anh ở rừng.
Lặng yên, sườn núi bị quên lãng
Mưa vẫn trút và gió vẫn lay
Ai hay trang sử chốn này
Hồn thiêng ở lại hoá vào thân cây.
Đúng như Mục Đán đã nhắc đến trong bài thơ, trong rừng mưa nhiệt đới thênh thang, xương cốt của tướng sĩ đã bị chôn vùi trong bùn đất, không thấy được vết tích. Mà vào năm 1941, tổ tiên của nhà họ Phù, Phù Uẩn – ông cố của Phù Việt, đã rời muôn trùng núi non để nhập thế, với hy vọng có thể góp một phần sức lực nhỏ bé giúp đỡ đồng bào. Năm 1942, ông gia nhập quân viễn chinh Trung Quốc, theo quân đoàn cùng rút vào rừng mưa nhiệt đới, nhưng ông không thể thoát ra ngoài, linh hồn vĩnh viễn ở lại chốn này.
Tổ huấn của nhà họ Phù là lá phải rụng về cội. Ông là bậc ông cha của gia tộc họ Phù, nhưng hồn thiêng mãi ở ngoài biên giới quốc gia. Mấy mươi năm kể từ đó, nhà họ Phù đã qua ba đời, đời này nối tiếp đời khác tiến vào rừng nguyên sinh Bắc Myanmar chỉ để tìm kiếm hài cốt của Phù Uẩn như đang mò kim đáy bể giữa biển rừng mênh mang. Ngày nào chưa tìm được thì chuyện này mãi chưa thể dừng.
“Khun Sa biết em?”
Phù Việt lắc đầu, sau đó lại gật đầu: “Ông ta biết nhà họ Phù.”
Mỗi thế hệ nhà họ Phù đều vào núi Dã Nhân, họ còn có kỳ môn dị thuật, với bọn buôn thuốc phiện trong núi sâu thì nước sông không phạm nước giếng. Khun Sa chẳng thể ngờ cậu sẽ nhúng tay, ông ta thật sự không dám cứng đối cứng với cậu.
Đáy mắt thiếu niên đượm chút kiêu ngạo, con ngươi sáng lấp lánh nhìn anh và nói: “Em là Cổ thuật sư giỏi nhất trăm năm qua của nhà họ Phù, thầy của em là Đại vu Miêu Cương, lợi hại lắm á.”
Nguỵ Vũ Sâm kìm lòng không đậu cúi đầu hôn cánh môi hết khép lại mở ấy, giọng nói mơ hồ không rõ truyền ra giữa môi răng: “Lợi hại quá đi thôi.”
Phù Việt ôm cổ anh hôn đáp trả, hồi lâu sau, hai người mới từ từ tách ra.
Nguỵ Vũ Sâm tì trán lên trán cậu, như muốn khắc ghi dáng hình của cậu vào tâm trí. Anh nói: “Anh đã tới nhà em.”
Mắt Phù Việt vụt lóe, cậu nói: “Lẻn vào nhà dân, anh đã vi phạm kỉ luật rồi đấy Thiếu tá.”
Nguỵ Vũ Sâm dùng đầu lưỡi đụng vào má trong, nói với vẻ vô tội: “Em từng nói anh làm gì cũng được.”
Phù Việt mím môi, cụp mắt, con ngươi đảo một vòng dưới mi mắt mỏng manh. Cậu hỏi: “Vậy anh thấy được gì rồi?”
Nguỵ Vũ Sâm ngẩn người, sau đó bật cười: “Em sợ anh thấy thứ gì à?”
Phù Việt nói khẽ: “Vậy là anh chưa thấy gì hết rồi.”
Hai câu trước sau của cậu rất mâu thuẫn, câu trước như căng thẳng sợ anh thật sự phát hiện điều gì, câu sau lại hơi mất mát vì anh chẳng phát hiện gì cả.
Nguỵ Vũ Sâm chạm vào cái miệng nhỏ đỏ bừng của thiếu niên, nghiêm túc nhìn vào mắt cậu: “Phù Việt, anh đợi em.”
***
Chú thích:
[1] Tên gốc của bài thơ là “森林之魅——祭胡康河上的白骨” của tác giả 穆旦. Trong chương này, tác giả truyện đã trích bốn khổ cuối bài thơ. Vì không tìm được bản dịch thơ Tiếng Việt nên mình tự làm luôn, nhưng rõ ràng bản tiếng Việt của mình rất kém, đọc lên rất sượng và không có vần nhịp. Nếu bạn nào tìm được bản dịch Tiếng Việt hoặc có bản dịch hay hơn, mong các bạn hãy thoải mái góp ý cho mình nhé.