Chiều nay Trang Khiết sang làng Dương Câu khảo sát tình hình trồng củ mài. Cô hỏi thăm một bác nông dân gần đó, bác ta bảo có người tới đây thu mua định kỳ nhưng họ ép giá thấp lắm, vì máy móc không thể vào tận đây thu hoạch nên toàn phải đào thủ công hết.
Hiện nay một người cao lắm chỉ đào được 300 mét mỗi ngày, mà thanh niên không biết làm, còn những người có cả kinh nghiệm lẫn thể lực thì đã 40-50 tuổi, sản lượng tối đa mỗi ngày của một người chỉ được 200 mét. Giá thấp quá nên chẳng quan tâm tới tiền công nữa. Bên thu mua biết rõ sắp tới mùa thu hoạch nên nhất quyết ép giá bằng được.
Một củ mài dài 1.5-2 mét, dài bao nhiêu là phải đào sâu bấy nhiêu vì không được làm gãy giữa chừng, hễ gãy là mất giá trị. Lúc đào củ mài hầu như là phải nằm bò ra đất, tỉ mẩn kéo từng chút một nên cực kỳ mất sức.
Trang Khiết hỏi bao giờ vào mùa thu hoạch, bác nông dân bảo qua tiết sương giáng, cỡ tháng 11 là đẹp nhất.
Sau khi nghe xong, Trang Khiết đi ngắm nghía địa hình làng Dương Câu rồi dẫn em gái leo lên núi Hình. Hồi nhỏ cô từng đi đào củ mài, quá trình đào rất cực, nhanh nhất cũng mất 20-30 phút.
Củ mài cô đào trên núi Hình tuy gãy thành mấy khúc nhưng về luộc lên ăn vẫn dẻo ngọt, chỗ còn lại thì cắt miếng ngào đường để Niễu Niểu ăn vặt.
Trang Khiết quen biết rộng, chỉ tính riêng bên bán thiết bị y tế và bán thuốc đã có mấy nhóm chat. Cô hỏi thăm được hai bên thu mua và một xưởng chế biến củ mài từ các nhóm bèn hỏi cách liên hệ với họ rồi gửi tài liệu mình làm sang.
Bên kia hỏi ngay xuất xứ củ mài, sau đó nếu không nói đã có vùng chuyên canh hợp tác lâu dài hoặc năm nay đã đặt đủ hàng thì cũng huỵch toẹt luôn là: Xuất xứ không tốt, công ty chúng tôi chỉ mua củ mài trồng trên đất thịt và đất cát.
Nhảm nó vừa vừa, nếu là đất cát thì tôi còn phải chủ động tìm anh sao?
Chuyện này đã khơi dậy ý chí chiến đấu của Trang Khiết bởi cô là người không bao giờ chịu thua. Cô lập tức tìm một nhà máy chế biến củ mài rồi đặt vé tàu cao tốc tới đó ngay ngày mai.
Cô không mù quáng chạy tới chào hàng mà tìm người trung gian giới thiệu mình với bên kia. Sau bữa ăn trưa, tuy không thoả thuận được chuyện hợp tác nhưng lại có thêm bạn mới. Người nọ lấy làm khó xử, bảo muốn giúp lắm mà lực bất tòng tâm vì bên cung ứng củ mài cho nhà máy họ là chỗ thân quen, hơn nữa năm nay nhà máy đã cắt giảm sản lượng nghiêm trọng nên trước mắt không tính nhập thêm hàng bên ngoài.
Trang Khiết hiểu rõ, không đả động đến chuyện này nữa, bảo không làm ăn được với nhau thì làm bạn cũng được, sau này anh ta gặp khó khăn gì cứ việc tìm cô. Người nọ buôn chuyện với cô rất hợp cạ, trước khi đi bảo rằng mình có quen một nhà máy chế biến củ mài, để anh ta hỏi giúp xem sao. Trang Khiết rối rít cảm ơn, tối đó vừa về đến nhà đã nhận được tin báo có một tay thu mua muốn tới khảo sát thực địa.
Theo đúng kế hoạch thì mùng 10 Trang Khiết sẽ về Thượng Hải, nhưng vì việc này mà cô hoãn lại, đổi vé thành hai ngày nữa.
Chạng vạng hôm 11, Trần Mạch Đông gặp cô trong nhà mình. Anh giật nảy mình, vô thức hỏi thành tiếng:
– Cô không đi à?
– Mong em đi thế cơ à?
Trang Khiết trêu anh.
Trần Mạch Đông không nói tiếp, mà thắc mắc sao cô lại ở nhà mình.
Bấy giờ bà Trần đi từ trong bếp ra, bảo là bà mời Trang Khiết tới. Chiều nay bà gặp Trang Khiết trong tiệm gà rán, biết cô sắp phải về Thượng Hải bèn mời cô tới nhà ăn sủi cảo, bà gói sủi cảo thì đỉnh khỏi chê.
Bà Trần chưa từng có con gái hay cháu gái nên rất quý Trang Khiết, cứ bất giác muốn thân thiết với cô. Trang Khiết muốn phụ bà cán vỏ bánh nhưng bị bà đuổi ra ngoài, bảo chân cô đứng lâu sẽ không thoải mái.
Trần Mạch Đông tắm rửa, thay bộ đồ ở nhà rồi ra hỏi cô muốn uống trà gì.
Trang Khiết hỏi lại:
– Nhà anh có trà gì?
Trần Mạch Đông không đáp, tự quyết định pha cho cô một ly trà bát bảo. Trà này là đặc sản vùng Tây Bắc, bên trong bỏ đường phèn, táo tàu, câu kỷ tử, nho khô, long nhãn, v.v… Đây là loại trà bà Trần thường uống.
Anh bê trà ra cho Trang Khiết, thuận đà ngồi xuống phía bên kia ghế chơi game.
Trang Khiết khen anh:
– Thanh niên 5 tốt tâm lý ghê chứ!
Trần Mạch Đông chúi mũi chơi game, không trả lời cô.
Trang Khiết hỏi:
– Lần nào về anh cũng phải tắm rửa à?
Mãi lâu sau Trần Mạch Đông mới cất điện thoại đi, đáp:
– Thỉnh thoảng tôi sẽ tắm ở nhà tang lễ.
– Bao giờ cô quay lại Thượng Hải?
– Ngày 14. Mai có một tay thu mua muốn tới đây xem củ mài.
Sau đó cô kể anh nghe chuyện mình đã chạy đến đảo Tần Hoàng chào bán củ mài, tất nhiên là có thêm mắm dặm muối.
Vốn dĩ người ta không chịu mua vì nhà máy họ đã đặt hàng rồi, nhưng cô bảo mình là niềm hy vọng của cả làng, dùng chiếc lưỡi không xương nhiều đường lắt léo của mình xoay chuyển tình thế một cách ngoạn mục. Nói xong, cô khát khô cả cổ, uống vội một hớp trà to.
Trần Mạch Đông nhìn sang cô hỏi:
– Ký hợp đồng rồi à?
– Anh độn thế nhỉ? Chẳng phải em đã nói ngày mai phía thu mua mới tới đây xem còn gì.
Trang Khiết nói.
– Thế là còn chưa đâu vào đâu?
Trang Khiết thấy nói chuyện với anh phát mệt, chỉ cái ly bảo:
– Rót thêm trà đi.
Trần Mạch Đông rót thêm trà cho cô.
Trang Khiết nói:
– Hòm hòm tám chín phần rồi, em gửi ảnh chụp vùng chuyên canh cho anh ta và báo giá đại khái, nếu không có hứng thú thì người nọ sẽ không tới đâu.
– Chỉ cần anh ta tới, em chắc chắn bắt được hợp đồng này, em không nói quá đâu.
Cô vẫn có chút tự tin này, chuyện này mà xôi hỏng bỏng không thì công cốc mấy năm làm chuyên viên sales cao cấp của cô vì cô kiếm sống bằng nghề này mà. Quan niệm sống của cô là: Không có hàng không bán được, chỉ có sales không bán được hàng.
Bà Trần bê sủi cảo ra. Thấy Trần Mạch Đông trộn sa tế, Trang Khiết nhón một miếng thử rồi tấm tắc khen anh pha sa tế ngon hết sảy.
Trần Mạch Đông giật chén sa tế lại ăn mảnh. Trang Khiết lén chấm không được, mắng anh một câu rồi gắp sủi cảo ăn không.
Bà Trần vừa ăn vừa buôn chuyện với cô, lúc kể tới chuyện hồi trẻ mình từng sinh một bé gái nhưng người luôn bị tím tái, không hiểu do thiếu oxy hay làm sao, chỉ mấy ngày sau là mất. Bà Trần buôn mải mê hết chuyện này đến chuyện khác, buôn mãi đến đần cả người. Bà cố gắng nghĩ ngợi, đoạn gác đũa xuống, bảo phải ra đường gọi Đông Tử về ăn cơm. Dạo này Đông Tử chẳng chịu học hành gì cả, suốt ngày cúp học chạy đi chơi game.
Trang Khiết gọi Trần Mạch Đông đang ở trong bếp. Trần Mạch Đông lau tay đi ra, cùng cô đi theo bà Trần. Hai người cứ thế theo bà vào một quán net, bà ngó từng người một, lúc ngoái lại thấy Trần Mạch Đông sau lưng thì phát mạnh lưng anh một cái, đe lần sau anh mà còn tới quán net thì sẽ đánh gãy chân anh.
Trần Mạch Đông ngoan ngoãn nhận lỗi, hứa lần sau không dám nữa. Bấy giờ bà Trần mới nguôi giận, nắm tay dắt anh về nhà.
Trang Khiết khẽ hỏi anh:
– Bà thế là…
Thình lình bà Trần quay đầu lại, trông thấy cô thì kêu lên:
– Ơ khéo thế!
…
Bà Trần mời Trang Khiết vào nhà ngồi chơi rồi rửa ít trái cây mời cô, sau đó lấy album ảnh ra cho cô xem. Trang Khiết đã có bóng ma trong lòng nên lúc xem album không dám nói năng lung tung.
Khi trông thấy tấm ảnh Trần Mạch Đông để tóc HKT, cô ngửa đầu cười sặc sụa. Trần Mạch Đông nằm ngây người trong phòng, dù đeo tai nghe vẫn không chặn hết tiếng cười ma quái kia. Trang Khiết cười hết trận này tới trận khác, vì cô không chỉ thấy một tấm mà tới sáu bảy tấm ảnh Trần Mạch Đông để tóc HKT nhuộm vàng chóe, miệng phì phèo điếu thuốc lá.
Bà Trần bảo cô khẽ giọng thôi, để Trần Mạch Đông thấy là không vui đâu. Mấy tấm ảnh này đã bị anh vứt đi rồi nhưng bà lén nhặt về.
Trang Khiết khẽ đẩy cửa phòng ngủ, bảo anh:
– Em chuẩn bị về đây.
Trần Mạch Đông nhắm mắt không nhúc nhích.
Trang Khiết bèn ngồi xuống, tháo một bên tai nghe của anh ra gắn vào tai mình.
– Đang nghe gì đấy?
Bên trong là Bản giao hưởng định mệnh của Beethoven, Trang Khiết sợ điếc tai bèn trả tai nghe cho anh. Cô đứng dậy ngắm phòng anh một lượt thấy đâu cũng sạch tinh tươm, tiện tay giở hai cuốn sách xem qua rồi vẫy tay chào anh:
– Về nhé.
Trần Mạch Đông gỡ tai nghe ra, bảo:
– Để tôi tiễn cô.
– Khỏi, đi có vài phút chứ mấy.
Lúc đưa cô ra ngoài, Trần Mạch Đông chợt hỏi:
– Với ai cô cũng thế à?
– Thế là sao?
– Dễ dãi.
Trần Mạch Đông nhìn cô.
Trang Khiết nhìn lại anh.
Trần Mạch Đông móc điếu thuốc ra hút, đi khỏi nhà trước cô.
– Tôi dễ dãi hay không thì liên quan đéo gì tới anh?
Trang Khiết chửi Trần Mạnh Đông.
Anh rít mạnh một hơi thuốc lá, không trả lời cô.
Trang Khiết mắng tiếp:
– Đồ mất dạy.
Rồi lướt qua anh đi về một mình.
Hai người rã đám trong bực dọc.
Sau khi hút hết ba điếu thuốc, Trần Mạch Đông nhắn Wechat cho cô nói: Mỏ tôi hỗn quá, xin lỗi cô.
Trang Khiết không trả lời anh vì cô đang bận trêu con ngỗng Kỷ Tam. Cô đã bắt đầu thích con ngỗng này vì nó bám cô lạ lùng. Người khác nói gì nó cũng lờ tịt, thế mà lại nghe lời cô răm rắp. Cô càng chửi nó đánh nó thì nó lại càng dính lấy cô, thậm chí lúc cô đi vệ sinh cũng dí theo bằng được.
Trang Khiết nghi là không chỉ con người mới mắc Hội chứng Stockholm mà ngỗng cũng bị.
Nhưng Hà Niễu Niễu lại nghĩ khác, con bé bảo con ngỗng này thông minh lắm, rất giỏi liệu thời thế. Nó biết trong nhà này ai có tiếng nói nhất, nên hễ Liêu Đào mắng nó là nó lại chạy ngay tới chỗ Trang Khiết còn Hà Niễu Niễu ngày ngày hầu hạ nó, cho nó ăn dỗ nó uống thì nó chẳng thèm liếc một cái.
Trang Nghiên gọi video về đòi gặp con ngỗng Kỷ Sơn, hỏi nó có đó không. Trang Khiết bèn gọi:
– Ngỗng Tam, ngỗng Tam đâu!
Trang Nghiên đính chính nó không phải ngỗng Tam mà là ngỗng Kỷ Sơn.
Trang Khiết không buồn cãi cậu, đưa điện thoại cho Hà Niễu Niễu rồi đi lên lầu rửa mặt.
Cô vừa đánh răng vừa xem điện thoại, thấy tin nhắn Wechat của Trần Mạch Đông cũng chẳng định hồi âm, ai biết tối nay anh nổi khùng gì.
Rửa mặt xong, cô xả nước ấm rửa phần mỏm cụt rồi thoa kem dưỡng, mát xa một lát, sau đó chống gậy vào nhà vệ sinh rửa phần lớp lót bằng gel silicone. Lớp lót này tiếp xúc trực tiếp với phần mỏm cụt nên phải vệ sinh hàng ngày, nếu không vi khuẩn sẽ sinh sôi và mồ hôi do mỏm cụt tiết ra sẽ đọng bên trong.
Lớp lót gel silicone này không rẻ, cô nhờ người quen mua mất 8,000 tệ, nếu tính theo giá thị trường sẽ tốn những 12,000 tệ. Khuyết điểm duy nhất là bí nên dễ đổ mồ hôi, nhưng độ thoải mái và tiện lợi hiện đang đứng đầu thị trường, hơn nữa có thể giảm thiểu thời gian gắn chi giả mỗi ngày.
Hôm sau, người của thị trấn lái xe đi đón tay thu mua củ mài, Trang Khiết cũng đi cùng. Cô muốn giải quyết rốt ráo chuyện này để về Thượng Hải gấp vì cô có một bệnh viện phải gặp sớm, nếu không sẽ bị kẻ khác hớt tay trên. Cô đã theo vụ này mấy tháng, không thể để vuột mất được.
Tay thu mua kia xem xét thôn Dương Câu cả buổi trời mà vẫn không chịu chốt đơn, nếu không chê củ mài chưa chín thì cũng nói hiện đang có vài vùng chuyên canh liên hệ anh ta nên người thu mua như anh ta cũng khó xử lắm.
Khó xử cứt gì, Trang Khiết chửi thầm. Cô vừa liếc một cái là biết ngay vấn đề nằm ở đâu, bèn hẹn anh ta đi ăn riêng rồi bảo bên cô sẽ báo giá gốc cho nhà máy nhưng đến lúc thu mua sẽ bán cho anh ta với giá khác, rồi giơ ngón tay ám chỉ một con số.
Tay thu mua cáo già cười hỏi:
– Làm thế có vẻ trái quy định nhỉ?
Trang Khiết xua tay đáp:
– Quy định là để phá vỡ.
Tay thu mua khen cô rất biết biến báo, rồi cười mãi không dứt.
Ngày hôm sau, anh ta ký hợp đồng đặt hàng với thị trấn và đặt cọc trước một khoản, chỉ còn chờ củ mài chín. Tuy cái giá này còn thấp hơn cả bên thu mua cũ nhưng bù lại đối phương sẽ chịu trách nhiệm thu hoạch.
Một ngày trước khi đi, Trang Khiết được thị trấn gióng trống khua chiêng tới tận nhà trao cờ thưởng.
Cô thấy lòng lâng lâng, cảm thấy cực kỳ thành công như thể mình vừa hoàn thành một sứ mệnh. Dù cô không giành được lợi ích lớn nhất về cho những hộ nông dân làng Dương Câu thì họ vẫn nhớ ơn cô.
Ngày Trang Khiết đi, Liêu Đào chạy xe ba bánh chở cô ra ga. Dọc đường, bà bảo sáng nay lúc đi học, Niễu Niễu trông buồn xo, người ngợm héo queo, chắc tối đi học về sẽ khóc nhè, nhà cửa tự dưng quạnh quẽ làm nó buồn.
– Mẹ cứ làm như lúc con ở nhà thì nhà mình ồn ào lắm ấy.
Trang Khiết cười nói.
– Chứ lại không, mình mày bằng nguyên cái sở thú.
Liêu Đào rất yên tâm về Trang Khiết, dù có vứt cô vào sở thú thì cô cũng mở tiệc liên hoan trong đó được.
Trang Khiết không dám cười to vì sợ tọng một họng bụi. Cô đưa tay che miệng nói:
– Bao giờ nghỉ đông mẹ cho Trang Nghiên dẫn Niễu Niễu tới Thượng Hải nhé, con sẽ dắt bọn nó đi Disneyland chơi.
– Lúc đó hẵng hay.
Liêu Đào đáp.
– Mẹ đừng có luộc con ngỗng Tam đấy, Trang Nghiên sẽ…
– Biết rồi, mày có thôi đi không.
Liêu Đào ngắt lời cô.
Trang Khiết đắn đo mãi mới nói:
– Mẹ à, Trang Nghiên vốn là một cành trúc, không thể biến thành cây cao bóng cả đâu.
– Rồi rồi.
Liêu Đào đậu xe cẩn thận, xách chiếc vali xuống, bảo bà đã nhét mấy bịch gà rán với đặc sản vào trong ấy, dặn cô nhớ đem chia cho đồng nghiệp.
Trang Khiết phục mẹ sát đất, rõ ràng hồi sáng cô đã lén bỏ ra hết, chẳng biết Liêu Đào lại nhét vào lúc nào nữa.
Liêu Đào tính đưa cô vào tận ga nhưng Trang Khiết bảo không cần, nhà vẫn còn bao việc. Thế là bà leo lên xe ba bánh nói:
– Ừ, thế mẹ về trước, tới nơi nhớ gọi báo nhà một tiếng.
Trang Khiết gục gặc đầu.
– Mẹ chẳng trông mong gì vào Trang Nghiên, cái nhà này đành dựa hết vào hai mẹ con mình. Trang Nghiên thì cứ kệ nó, nhân lúc mẹ còn khỏe sẽ cố cày tiền dành dụm cho nó được bao nhiêu hay bấy nhiều, chỉ mong sau này nó không chết đói.
Liêu Đào kẹp điếu thuốc trên tay, nổ máy lái xe ba bánh đi.
Trang Khiết trình vé rồi lên tàu, men theo lối đi tìm chỗ của mình. Cô nghiêng đầu nhìn, kia không phải là Trần Mạch Đông sao?
Cô hất cằm hỏi anh:
– Lên thành phố à?
– Chứ chẳng lẽ đi tiễn cô?
Trần Mạch Đông đeo tai nghe nhìn cô đáp.
– Ai biết.
Trang Khiết cười nói, sau đó cô không đi tiếp mà đặt chiếc vali lên giá để hành lý.
– Sức như sức trâu.
Trần Mạch Đông toan đứng dậy giúp thì cô đã đặt chiếc vali kia lên kệ xong xuôi.