Tôi biết thế nào Mai cũng hỏi câu này. Và theo đuôi nó, cũng vô số kẻ thắc mắc ngớ ngẩn như thế.
Thật là lộn ruột. Thầy giáo không phải con trai à? Nhất là khi thầy trẻ đẹp.
Hãy mở to mắt coi phim Hàn Quốc đi. Trên phim các nữ sinh yêu tướng cướp, yêu lưu manh, yêu cảnh sát, yêu anh bồi bàn và có cô còn yêu tù nhân đang mắc bệnh ung thư.
Một phim Mỹ gì đó, rất nổi tiếng, có tựa đề “Mận gai...” hay “Hồng gai...” còn miêu tả thiếu nữ yêu cha cố. Thế thì yêu thầy giáo thì có gì sai không?
Tôi nhồi những suy nghĩ ấy vào tai Mai như bà bán hàng nhồi bã đậu vào mỏ gà. Nó nghe và cố nuốt, sau đó yếu ớt nói thêm:
-Nhưng chả nên yêu nhanh quá, Cún ạ!
Các bạn ơi, hãy thông cảm cho Mai. Hãy tha thứ cho Mai. Nó đi học hầu như hôm nào cũng bị kẹt xe. Kẹt hết năm này qua năm khác nên cuối cùng nó nghĩ cái gì cũng phải từ từ mới đúng luật. Yêu làm gì có nhanh hay chậm. Yêu chỉ có đúng hay sai. Mà đây chắc chắn đúng rồi. Không tin cứ đặt những đứa con trai lớp mình cạnh thầy mà coi. Cứ như là đặt cú cạnh thiên nga.
Nhưng phải yêu như thế nào? Trí tuệ thông minh ẩn trong cái đầu xinh đẹp của Cún nghĩ mãi không ra.
Nhớ lại hồi lớp 10 có yêu một tên. Cũng nắm tay đàng hoàng. Nhưng khi vào rạp xem phim, tôi kinh hãi khi thấy tên ấy nắm chân mình. Chân không phải là địa điểm biểu lộ tình cảm. Tôi biết thế, và bỏ chạy.
Ba tháng sau tôi quen một trai khác. Khá ngầu. Khá men. Tay có cả hình xăm. Nhưng vài lần tôi nghe hắn chửi thề. Tởm. Vứt ngay.
Tên cuối cùng thơ mộng hơn. Có nhắn tin vào giữa đêm khuya đàng hoàng. Nhưng sến quá. Cứ năm phút lại thấy nói tới trái tim, tới sống mãi, tới chia lìa. Nhất là chàng hay mở nhạc Tuấn Vũ rên rỉ. Làm sao con chịu nổi hả trời.
Khi yêu ba tên đó, tôi thường dùng những phương pháp na ná nhau. Nhắn tin, chở đi học, chở đi chơi, vào siêu thị ngó đồ. Và còn nhận những món quà na ná như: gấu bông, chó bông, kẹp tóc, thiệp chúc noel.
Nhưng bây giờ phải khác chứ.
Khác như thế nào?
Chịu chết!
Hỡi các bạn nữ sinh xinh đẹp trên khắp thế gian, có bao nhiêu bạn đã từng yêu thầy giáo, hãy chỉ cách cho tôi? Cho Ly Cún kiêu kỳ, cá tính và thẳng thắn này.
Kêu gọi như thế nhưng tôi cũng chả hy vọng gì. Bởi các bạn toàn yêu bọn trai ngớ ngẩn cùng lớp, hoặc các bạn yêu đám trai lộn xộn bên ngoài. Tuy nhiên như thế vẫn còn may. Đa số các bạn yêu chả ra yêu, thích chả ra thích, cứ lờ mờ, cứ lều bều như tô bánh canh cua, không giúp gì cho tôi được.
Cũng có vài bạn may mắn gặp được hoàn cảnh thầy giáo đẹp giống Ly thì cương quyết giấu kín, chôn chặt trong lòng để khi chết mang theo, vì nói ra sợ chúng nói cười, hoặc tệ hơn, sợ cha mẹ quật cho một trận.
Chả trông cậy gì được ở các bạn, tôi rõ ràng phải tự yêu theo cách của mình.
Hai ngày nữa lại có giờ Lịch sử. Toàn thể nữ sinh trên toàn cõi Việt Nam, chỉ có tôi, Ly Cún xinh đẹp, đáng yêu, đang trông mong giờ đó.
Theo những nguồn tin tình báo thu thập ở hành lang, cô giáo Sử vẫn ốm dài dài. Em chân thành mong cô tĩnh dưỡng cẩn thận, để Thầy giáo dạy thay.
Tôi lấy ra một tờ giấy A4, trắng tinh, thơm phức, rồi lấy bút lông nét to viết lên chính giữa hàng chữ: “Thầy ơi, Thầy đẹp trai lắm, Thầy có biết không?”. Ký tên: Ki Ki.
Tất nhiên tôi không thể ký Ly Cún được. Tôi phải giữ lòng kiêu hãnh của mình. Nhưng Cún và Ki là hai danh hiệu rất gần nhau. Thầy thông minh, Thầy sẽ tìm ra.
Vào giờ ra chơi. Trước khi tiết học bắt đầu, tôi nhờ Mai đứng che chắn, rồi bỏ tờ giấy vào cuốn sổ đầu bài to, ghi danh sách lớp luôn để trên bàn giáo viên.
OK.
Giây phút mong đợi đã đến. Thầy giáo lại bước vào. Mặc một chiếc áo sơ mi xanh thẳm như bầu trời khiến tôi nghẹt thở.
Cả lớp đứng dậy chào.
Thầy ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống, rồi bắt đầu giảng bài, chả ngó ngàng gì tới cuốn sổ.
Thất bại não nề. Cõi lòng tan nát. Bầu trời sụp đổ. Tương lai mịt mờ.
Bài giảng hôm nay có tựa đề “Tình hình các nước tư bản giữa hai cuộc chiến tranh thế giới”, nghe mới chán làm sao. Đâu căng thẳng bằng tình hình một thiếu nữ xinh đẹp đang run?
Tiết học kết thúc. Cả lớp đứng lên chào. Ly Cún cũng đứng lên, nỗi buồn dâng trên mí mắt.
Thầy vừa ra, tôi đã tót ngay lên bàn, nhanh như cắt lấy lại lá thư. Nó mà lọt ra ngoài thì chỉ còn mỗi cách là trèo lên gốc cây bàng giữa sân trường, thả hai tay ra, gieo mình xuống đánh”Bùm” hay đánh “Bét” như trái bàng chín rụng bất thình lình.
Ra hành lang, tôi thở dài, nhìn lá thư lần cuối cùng trước khi định xé vụn thành những miếng nhỏ như hạt bụi.
Và tôi choáng váng khi thấy hàng chữ đề bên dưới “Cám ơn, Thầy biết rồi!”.
Ơ. Ơ. A. Thầy coi thư lúc nào? Thầy viết trả lời lúc nào? Tại sao Ly Cún và Mai Tồ giương hai cặp mắt tròn xoe và sáng rực như trăng rằm mà không thấy?
Không còn nghi ngờ gì nữa. Những chàng trai tuấn tú đều có phép thần thông.
Mai Tồ ngắm nghía lá thư. Tôi thề với các bạn là chưa khi nào, chưa ở đâu một thiếu nữ lại nhìn một tờ giấy háo hức đến thế.
Nó phán một câu không phải xanh rờn mà xanh biếc:
-Tốt đấy. Xông lên.
Tôi gật đầu:
-Đúng. Xông lên.
Viết tới đây, Ly Cún hy vọng các bạn đều đã từng xem phim chiến tranh. Ở đó, vào lúc cao trào, quân ta xông lên tiêu diệt quân địch. Trong tiếng nhạc rền vang. Lúc này không có địch. Chỉ có một chàng trai (nhân tiện nói thêm, trong tất cả các truyện cổ tích, con trai đều được gọi là “chàng”). Nhưng vẫn phải tiêu diệt như thường.
Phải hẹn gặp thôi. Phải hẹn gấp thôi.
Các bạn thân mến. Dù tình yêu có hàng ngàn cách kết thúc khác nhau thì cũng phải bắt đầu hẹn gặp. Đó là điều kiện bắt buộc.
Tất nhiên, cũng có những cách phi thường, hay thấy trong phim. Ví dụ như đôi trai gái cùng đi ăn trộm, cùng chung một trại giam hoặc nam lái xe đụng vào nữ, nam đưa nữ vào bệnh viện cấp cứu rồi yêu. Quá đáng hơn, tôi đã xem một phim Hàn Quốc, mở đầu nam chĩa súng bắn nữ, nữ chĩa súng bắn nam, hai bên bắn qua bắn lại, hết hàng trăm viên đạn, cuối cùng nam nữ cưới nhau.
Nhưng đấy không phải là cách Ly Cún chọn.
Ta phải gặp Thầy trong một khung cảnh thơ mộng. Ta sẽ hé lộ cho Thầy biết những phẩm chất tuyệt vời của ta, qua đó khơi dậy những phẩm chất tuyệt vời của Thầy. Tiếp theo, mọi chuyện sẽ phát triển theo lối tự nhiên.
Đơn giản. Vô tư.
Nhưng làm sao hẹn đây?
Có vài cách để các nữ sinh chọn lựa:
-Gặp Thầy để hỏi bài. Nhưng từ cổ chí kim, có ai hỏi bài Sử không? Rõ ràng không! Khổ lắm.
-Viết thư cho Thầy, kẹp vào bài kiểm tra nộp lên. Lỡ thư rớt ra cho chúng nó đọc thì nên trùm chăn kín đầu, bỏ trường, bỏ thành phố lên núi sống.
-Trèo qua cửa sổ nhà Thầy giữa đêm khuya, nách cắp một bông hoa hồng, cách này rất xi nê. Nhưng quá mạo hiểm. Chưa biết nhà Thầy có nuôi chó hay không? Cái tin Ly Cún bị chó cắn chắc chắn khiến cho những đứa ghen ghét sung sướng đến trọn đời.
Vậy chỉ còn một phương pháp cơ bản nhất, nhanh gọn nhất là tìm số điện thoại của Thầy và gọi.
Nói ra thì dễ lắm. Bạn đã khi nào thấy một nữ sinh chặn một thầy giáo ở cổng trường và đề nghị: “Thưa Thầy, xin Thầy cho em số điện thoại?”.
Mơ đi. Hoặc Thầy không cho. Hoặc nếu có cho, mình cũng chả còn chi danh giá.
Vậy phải làm sao?
Tôi bàn điều ấy với Mai Tồ. Những kẻ Tồ thường có ý kiến vô cùng ngớ ngẩn. Nhưng trong tình yêu, kẻ ngớ ngẩn lại là kẻ thành công. (Rất buồn là nhiều lúc trong học hành cũng vậy).
Nó băn khoăn.
-Phải có số điện thoại mới được à?
Tôi bèn giảng cho Mai: Muốn có Juliet, Romeo phải có ban công. Muốn có Chí Phèo, Thị Nở phải có cháo hành. Muốn có Hoàng Tử, Bạch Tuyết phải có quả Táo nhiễm độc. Do đó, Ly Cún muốn có số điện thoại của Thầy cũng chả sai phạm gì.