Trình Lâm lui ra, Diệp Tri Thu lập tức vào cung. Lúc Diệp Tri Thu vào cung, cũng thấy lạ vô cùng, không biết Thái Hậu tìm hắn có chuyện gì. Tuy hắn là danh bộ, nhưng địa vị so với Thái Hậu thật sự kém xa vạn dặm, vốn xưa nay không qua lại với Thái Hậu, nhưng vì sao Thái Hậu lại muốn gặp hắn?
Mặc dù Phong thái Diệp Tri Thu sắc sảo như kiếm rời vỏ, nhưng khi vào cung thì cố gắng thu lại. Thái Hậu ở sau rèm trầm mặc một lúc mới nói:
- Diệp Tri Thu, ta biết ba đời nhà ngươi đều nhậm chức tại nha môn phủ Khai Phong ở kinh thành. Năm xưa Thái Tổ lập quốc, Biện Kinh nhiễu loạn, tổ phụ Diệp Phóng của ngươi phá ba trăm bảy mươi bảy vụ án lớn, giết một trăm sáu mươi ba tên đại tặc, lập tức chấn uy kinh thành, bọn đạo tặc vô lại nghe tên đều run sợ.
Trong mắt Diệp Tri Thu lộ vẻ kỳ lạ, trầm giọng đáp:
- Thái Hậu quá khen.
Lưu thái hậu lại nói tiếp:
- Sau này phụ thân ngươi kế thừa nghiệp cha, cũng giống như tổ phụ ngươi, trừ gian diệt ác, trung thành và tận tâm với triều đình. Bây giờ ngươi lại làm bộ đầu. Mấy năm qua, ngươi phá được vô số vụ án, cũng bắt được hơn mấy trăm tên đạo tặc lớn. Án ngươi xử lý, chưa từng có oan tình, rất tốt!
Diệp Tri Thu trả lời:
- Ăn bổng lộc của vua, thì phải giúp đỡ vua. Thần không muốn thẹn với chức trách của mình!
Phía sau rèm, Lưu thái hậu gật đầu, nói:
- Nói hay lắm, ngươi có biết hôm nay ta tìm ngươi là vì chuyện gì không?
Diệp Tri Thu lắc đầu nói:
- Thần ngu dốt, đoán không ra tâm ý của Thái Hậu.
Lưu thái hậu khẽ thở dài:
- Bởi vì ta cần một người vừa trung thành tận tâm, vừa có võ công cao cường, bí mật làm giúp ta một chuyện. Ta cảm thấy ngươi phù hợp với yêu cầu của ta.
Lòng Diệp Tri Thu khẽ run sợ, nếu Thái Hậu thận trọng như vậy, chuyện này làm được đến đâu còn chưa tính, chỉ cần nghe được bí mật, e rằng sẽ là mầm họa cả đời.
Lưu thái hậu thấy Diệp Tri Thu trầm mặc, lãnh đạm hỏi:
- Ngươi không dám đảm nhận sao?
Diệp Tri Thu xoay chuyển tâm tư, thấy không thể tránh né, cắn răng nói:
- Thần nguyện dốc hết sức lực, không phụ sự ủy thác của Thái Hậu!
Lưu thái hậu hài lòng nói:
- Rất tốt.
Khẽ trầm ngâm, rồi nói:
- Việc tượng phật Di Lặc trong điện Thiên Vương của Đại Tướng Quốc Tự bị hủy, ngươi biết rõ chứ?
Diệp Tri Thu cau mày nói:
- Thần đang phụ trách án này. Nhưng người đó đến đi quỷ dị, căn bản không để lại bất kỳ manh mối gì, thần tạm thời vẫn chưa tìm được hung đồ.
Lưu thái hậu đột nhiên hỏi:
- Ngươi cảm thấy hắn có phải là người Thổ Phiên không?
Diệp Tri Thu rùng mình, thất thanh hỏi:
- Vì sao Thái Hậu lại đoán như vậy?
Diệp Tri Thu biết Đa Văn Thiên Vương là thuộc hạ của Phật Di Lặc, trước đây Phật Di Lặc nói ngôn ngữ Thổ Phiên, vì thế Diệp Tri Thu mới đi Thổ Phiên tìm kiếm rất lâu nhưng không phát hiện được gì. Diệp Tri Thu không ngờ rằng, Thái Hậu vậy mà cũng hoài nghi người hủy đi tượng phật là người Thổ Phiên. Vì sao Thái Hậu lại nghĩ như thế? Vì sao Đa Văn Thiên Vương phải hủy tượng phật? Tại sao Thái Hậu lại quan tâm chuyện này? Diệp Tri Thu nghĩ mãi mà không ra, nhưng cũng không dám hỏi nhiều.
Rất lâu sau, Thái Hậu mới nói:
- Chỉ là ta có cảm giác này.
Diệp Tri Thu cảm thấy Thái Hậu nghĩ một đằng nói một nẻo, nhưng cũng không dám hỏi tiếp, bèn nói tránh đi:
- Thái Hậu muốn thần tận lực tìm tên hung đồ đã phá hỏng tượng phật sao?
Ở phía sau rèm, Thái Hậu lắc lắc đầu nói:
- Không phải! Haiizz, năm đó tiên đế băng hà, có để lại chuyện Thiên Thư, chắc ngươi cũng biết.
Diệp Tri Thu nói:
- Thần có biết một ít.
Thật ra thì hắn biết rất nhiều, nhưng không muốn nhiều lời.
Năm xưa Chân Tông sùng đạo, có một ngày nói với quần thần rằng: ông ta nhìn thấy thần tiên giáng xuống ở trong điện. Thần tiên nói với Chân Tông, muốn xây đạo trường tại chính điện rồi sẽ giáng Thiên Thư cho Chân Tông. Sau đó Chân Tông thật sự xây đạo trường và chờ chực, quả nhiên có Thiên Thư ở phía nam bên trái cửa Thừa Thiên, làm quần thần chấn động, nhưng phần lớn đều thầm cho rằng, Thiên Thư này là do Chân Tông ngụy tạo, bởi Chân Tông muốn củng cố hoàng uy của mình. Nhưng lúc ấy nào có ai dám nhiều lời?
Kể từ lúc đó, Chân Tông bắt đầu cuồng mê đạo giáo, sùng tín điềm lành, không quan tâm triều chính. Mà các quan lại cũng hùa vào cho là tốt, khắp nước Tống triều tranh nhau xuất hiện hình ảnh điềm lành, khiến cho không khí thiên hạ ngột ngạt, bách tính khổ không nói nổi.
Sau khi Chân Tông chết, Lưu thái hậu quyết định đem tất cả Thiên Thư, điềm lành đều mai táng theo Triệu Hằng tại lăng Vĩnh Định. Tuy rằng có chút bất kính, nhưng cũng khiến người trong thiên hạ thở phào nhẹ nhõm. Từ đó về sau, trong triều đều biết Thái Hậu không thích quỷ thần điềm lành, do đó không còn ai dám ở trước mặt Thái Hậu đề cập đến Thiên Thư, điềm lành nữa.
Diệp Tri Thu biết được như vậy, càng thêm khó hiểu vì sao lúc này Lưu thái hậu lại chủ động đề cập đến chuyện Thiên Thư.
Dường như Lưu thái hậu nhận ra vẻ nghi hoặc của Diệp Tri Thu, liền thở dài:
- Vật của tiên đế, đa số được ta chôn tại lăng Vĩnh Định. Duy nhất có một vật thì ta giữ lại. Nhưng mỗi lần nhìn thấy vật này, ta lại cảm thấy thương cảm. Vì thế, ta cho đắp nặn tượng phật Di Lặc đặt ở Đại Tướng Quốc Tự và để vật ấy vào bên trong. Mỗi lần bái tế, nhớ đến còn có di vật tiên đế ở đây, cũng cảm thấy an ủi phần nào.
Diệp Tri Thu lập tức hiểu ra, nói:
- Lẽ nào tên đạo tặc kia biết việc này, do đó mới hủy tượng lấy vật sao?
Lưu thái hậu khen ngợi nói:
- Ngươi quả nhiên thông minh. Tên trộm đó phá hủy tượng phật Di Lặc là vì thèm muốn di vật của tiên đế. Lần này, ta triệu ngươi đến đây là muốn ngươi dốc hết sức tìm ra tung tích của tên trộm đó. Chuyện này, ngươi tuyệt đối không được để lộ cho người khác biết.
Diệp Tri Thu khó xử nói:
- Thần sẽ dốc hết sức mình. Nhưng vật ấy hình dạng ra sao?
Lưu thái hậu trầm mặc thật lâu, rồi chậm rãi nói:
- Vật này to bằng nắm tay của trẻ nhỏ, hình cầu màu đen, phía trên có khắc hai chữ triện, là Ngũ Long!
Diệp Tri Thu nghi hoặc đầy bụng, thầm nghĩ Ngũ Long rốt cuộc là vật gì? Nếu như quan trọng, vì sao Thái Hậu nhét nó vào tượng? Nhưng nếu không quan trọng, vì sao Thái Hậu lại thận trọng đến thế? Nhưng nếu Thái Hậu không nói, Diệp Tri Thu cũng chỉ có thể truy tìm, không thể hỏi. Hắn kính cẩn nói:
- Thần đã hiểu rõ, cần phải truy bắt tên trộm ấy về quy án, đem Ngũ Long "Châu về hợp Phố". (của về chủ cũ theo tích thời chiến quốc nước Triệu).
Lưu thái hậu thản nhiên nói:
- Nhất định phải nghĩ biện pháp thu hồi Ngũ Long. Về phần người nào lấy Ngũ Long, ngươi cứ giết, không cần trở về bẩm báo!