Nhìn thấy ta, tổ mẫu không khỏi thở dài. Cả đời bà ăn chay niệm Phật, thời loạn cũng bố thí cháo cứu đói, chưa từng làm điều gì ác, thế mà đến cuối đời lại phải chịu khổ vì một đứa cháu gái hồ đồ.
Ta nắm lấy tay tổ mẫu, an ủi: “Tổ mẫu dạo này có đỡ hơn không ạ? Con ở viện của di nương không quen, vẫn muốn về ở bên cạnh tổ mẫu hơn.”
Tổ mẫu kéo tay ta, nhìn từ trên xuống dưới: “Sao lại không quen? Hay là bà ấy cắt xén việc ăn mặc của con? Lý ma ma, đi gọi Nhu Gia đến đây, ta muốn hỏi cho rõ.”
“Không phải đâu, tổ mẫu, chỉ là con nhớ tổ mẫu thôi. Tổ mẫu không còn yêu thương con nữa sao? Tại sao nhất định muốn đuổi con đi? Con không đi! Không đi!”
Giờ ta chỉ là đứa trẻ năm tuổi, hoàn toàn có thể làm nũng, khóc lóc nếu muốn. Trong phủ này, người coi thường ta rất nhiều, nhưng chỉ cần tổ mẫu vẫn thương yêu ta, chẳng ai dám làm gì ta cả. Trừ cái con mụ đ.i.ê.n Cố Nhu Gia!
“Con bé này, lúc nào cũng chỉ biết làm tổ mẫu đau lòng. Tổ mẫu sao lại không thương con? Thôi được, thôi được, ngày mai con lại về đây ở với ta.”
“Không, con muốn về ngay hôm nay. Lý ma ma, người nhanh đi đến Xuân Cư Viên mang đồ đạc của con về đây đi. À, tiện thể mang theo nha hoàn Tâm Nhi ở đó về đây giúp con, cô ấy hầu hạ rất hợp ý con.”
“Vâng, vâng, lão nô sẽ đi ngay.”
Nhưng Lý ma ma vừa đi được hai bước, thì người từ viện di nương đã tới:
“Xin chào lão phu nhân, di nương sai nô tỳ đến mời đại tiểu thư về viện. Bà ấy muốn đưa tiểu thư đến trang viên.”
“Tuyết lạnh giá rét thế này còn đến trang viên làm gì?” Tổ mẫu đang bệnh nặng, không ai dám đem chuyện rắc rối này làm phiền bà. Kiếp trước cũng chính vì náo loạn quá lớn mới kinh động đến tổ mẫu.
“Cái này…” Đây chẳng phải chuyện gì vẻ vang, tiểu nha hoàn không dám nói bừa.
“Tổ mẫu, di nương chỉ là nhìn thấu hồng trần, muốn đến trang viên tĩnh tu mà thôi. Theo lý, con nên theo bà ấy đến đó, nhưng con thực sự không nỡ xa tổ mẫu.” Ta còn nhỏ, nước mắt cứ thế lăn dài trên mặt, từng giọt to, khiến ai nhìn cũng không khỏi xót xa.
“Con còn bé mà đi làm gì? Vô cớ chịu khổ làm chi. Nếu Nhu di nương đã thông suốt thì cứ để bà ấy đi. Dù sao bà ấy ở trong phủ này cũng khiến ai nấy đều khó chịu.” Tổ mẫu quay sang tiểu nha hoàn: “Ngươi về nói với di nương các ngươi, ta cần Lạc Tri ở lại để chăm sóc, không thể xa rời ta. Còn về bà ấy? Tự lo liệu cho mình là được.”
“Vâng.”
Tiểu nha hoàn rời đi, ta thở phào nhẹ nhõm. May mà ta đến kịp, nếu chậm chút nữa chắc đã bị bà ấy kéo đi rồi.
“Lý ma ma, nhân tiện đến Xuân Cư Viên, mang thêm ít bạc cho Nhu Gia đi. Trang viên vốn thiếu thốn, có thêm ít bạc bên mình cũng dễ bề xoay xở.”
Ta vội vàng ngăn lại: “Tổ mẫu, di nương muốn tĩnh tu, mà dùng bạc sống xa hoa thì Phật Tổ há chẳng phải sẽ nổi giận sao?”
Tổ mẫu vốn kính Phật, nghe vậy cũng liền phản ứng: “Phải, phải, Lạc Tri thật thông tuệ, thôi vậy, không cần mang bạc nữa. Đến trang viên, bảo quản trang để mắt đến là được rồi.”
…
“Tiểu thư, tuyết đã rơi rồi. Không biết di nương ở trang viên sống thế nào nhỉ?”
Ta đang luyện chữ, Tâm Nhi ở bên cạnh mài mực, thấy tuyết rơi từng đám thì vẻ mặt có phần lo lắng.
“Di nương vốn tâm cao hơn trời, phong thái như hoa cúc, chắc chẳng thấy mùa đông là khó khăn đâu. Có khi bà ấy còn đang nấu trà dưới tuyết, ngâm thơ giữa trời tuyết nữa đấy.”
Hôm đó ta hành động vẫn còn chậm. Đến khi Lý ma ma tới Xuân Cư Viên, thì Tâm Nhi đã đi theo di nương ra khỏi phủ. Ta khóc lóc đòi phải có Tâm Nhi hầu hạ, tổ mẫu không còn cách nào khác đành sai người đưa Tâm Nhi về. Nhưng khi định sai thêm một nha hoàn khác đi theo, tất cả nha hoàn trong phủ đều thà bị đuổi, bị bán đi chứ không muốn theo bà ấy đến trang viên. Cuối cùng, bà ấy chỉ mang theo hai bộ áo cũ, lẻ loi đến trang viên.
Nhờ sự “quan tâm” của ta, quản trang đã sắp cho bà một gian nhà tranh đổ nát. Bà ấy còn chưa kịp hạ túi hành lý, từ giường đã nhảy ra một bầy chuột. Chuột chạy khắp phòng, bà hoảng loạn tìm chỗ tránh, nhưng giữa lúc lẩn trốn, bộ móng tay bà chăm chút suốt mười mấy năm gãy từng chiếc, đau đến mức hoa mắt chóng mặt.
Vất vả lắm mới đuổi được bầy chuột đi, đêm đó trời lại đổ mưa. Trên trần có một lỗ thủng, nước mưa theo đó chảy xuống, làm ướt hết chiếc chăn bông duy nhất của bà. Không một xu dính túi, bà buộc phải đi giặt đồ thuê để mưu sinh.
Nhưng bà chưa từng làm việc nặng, giặt quần áo không sạch, còn phàn nàn bánh bột mà người ta trả quá cứng, khiến người nhà đó tức giận đuổi bà về, còn nhắn người trong thôn đừng ai thuê bà giặt đồ nữa.