Say Mộng Giang Sơn

Chương 935: Điều ước hòa bình



- Sao Thái Bình cũng tới?

Chư Vương hai họ Võ Lý đều kinh ngạc, kinh ngạc nhất là trượng phu của Thái Bình Công chúa, phò mã Võ Du Kỵ hiện giờ đã là Vương gia. Nhưng bọn họ cũng không kịp nghĩ nhiều, mắt thấy ngự liễn đã tới trước mặt, chỉ có thể đồng loạt quỳ gối cao giọng hô:

- Tham kiến Bệ hạ.

Nghi chế thời này, không phải đại nghi thức hoặc khi tế bái thiên địa thì các đại thần thấy Hoàng đế chỉ cần vái chào không cần quỳ lạy, nhưng các Vương gia ở đây đều là thân thích của Võ Tắc Thiên, bối phận cao nhất là con và cháu trai của bà ta, còn lại đều là cháu chắt, đương nhiên phải dùng đại lễ tham bái.

Ngự liễn dừng lại, Võ Tắc Thiên miễn cưỡng ngồi trên ngự liễn, liếc qua khóe mắt nhìn xuống chư Vương quỳ dưới bậc. Lý thị có mười vị Vương gia, còn Võ thị, ngoài Quận Vương Võ Diên Tú hớn hở đến cầu thân nhưng xui xẻo lại bị Mặc Xuyết giữ làm con tin thủy chung chưa thả ra mặc kệ thì còn có hai mươi vị Vương gia nữa.

Bên phía Lý thị, tất cả Vương gia chỉ có một tước vị, không một binh một mã, không ai kiêm thêm lấy nửa chức quan. Mà bên phía Võ thị, trong hai mươi vị, ít nhất mười vị đã dẫn binh. Võ Tắc Thiên chưa từng nhìn thấy sự đối lập giữa hai nhà Võ Lý trực tiếp như thế, lúc này, lại nhìn thấy tất cả, ngay cả chính bà ta cũng cảm thấy trước kia mình áp chế Lý thị cũng thực sự quá độc ác.

Người trong thiên hạ đều hướng về Lý thị, kế thừa của bà ta nhất định phải rơi vào tay Lý thị rồi, nếu không, bà ta vừa chết, Võ thị soán vị, giang sơn của bà ta sẽ sụp đổ, bà ta sẽ dẫm lên vết xe đổ của Tần Thủy Hoàng, Tùy Văn Đế. Đến lúc đó, chỉ sợ lăng tẩm của bà ta cũng khó mà được an bình.

- Nhất định phải khiến cho thế lực của chư Vương Võ thị yếu đi một chút, phải giám sát bọn họ chặt chẽ. Con ta không dám khôi phục họ Lý, không dám khôi phục giang sơn Lý Đường, cũng không thể để cho chư Vương Võ thị nắm đủ quyền để làm điên đảo hoàng quyền.

Võ Tắc Thiên nhìn kỹ từng vị Vương gia, cuối cùng, nhìn Võ Thừa Tự. Nếu phải lựa chọn trong số đám cháu trai một người để thay thế Lý thị ngồi lên ngôi vị Hoàng đế, cũng chỉ có Võ Thừa Tự mới miễn cưỡng có được ba phần khả năng, nhưng chỉ sợ đứa cháu trai chỉ có ba phần khả năng này sẽ phải ra đi trước mình rồi. Những đứa khác….đều là những thằng ngu không thể chịu được!

Võ Tắc Thiên khe khẽ thở dài, nhàn nhạt ra lệnh:

- Tất cả đứng lên đi!

********

-

Hoàng đế triệu tập Vương gia hai họ Võ Lý, lập thệ văn, cáo thiên địa giữa Minh đường, vĩnh viễn không phân hơn kém, tuyệt không tranh chấp, khắc chữ lên sách thép, lưu lại trong Sử quán! Thái Bình cũng có tham gia vào đó, hiện đang ký tên. Ngoài ra, An Nhạc đã có thai ba tháng, sau buổi thề ước, Thiên tử tự mình chủ trì gả An Nhạc cho Sùng Huấn.

Chỉ ba hàng chữ trên một tờ giấy bé bằng hai ngón tay của Uyển Nhi đã báo hết tất cả mọi việc xảy ra phía trước trong màn của Thông Thiên Cung cho Dương Phàm.

- Minh ước? Không ngờ Hoàng đế lại hy vọng đặt sự yên ổn của đất nước vào một tờ minh ước. Xem ra thực sự bà ta không còn cách nào nữa rồi.

Dương Phàm cười cười, tuy hắn đã biết tin này trước chư Vương hai họ Võ Lý nhưng cũng chẳng có gì bất ngờ, thứ hắn thực sự quan tâm chỉ có một:

- Thái Bình cũng trong số đó.

Dương Phàm thở dài thật dài một cái, xoa xoa cằm nghĩ:

- Cuối cùng Hoàng đế….đã bỏ lệnh cấm, đồng ý cho Thái Bình đặt chân lên chính đàn sao?

Đây là một minh ước có giá trị chính trị quan trọng của hai nhà Võ Lý, nam nhân đối ngoại, nữ nhân đối nội, vốn không nên có Thái Bình Công chúa tham dự. Võ Du Kỵ là chủ gia đình, đáng ra nên đại diện cho thê tử, nhưng Thái Bình Công chúa cũng đến tham dự, cũng ký tên trên minh ước, coi vậy cũng hơi bất thường rồi.

Hai nhà Võ Lý có biết bao nhiêu đám cưới chứ, đâu phải chỉ có một mình Thái Bình Công chúa làm vợ Võ gia. Nếu vì nàng là con gái Lý gia lại làm vợ Võ gia, thì thịnh hội lần này không chỉ có mình nàng tham dự.

Rất hiển nhiên, trong mắt Võ Tắc Thiên, nữ nhi của bà ta chính là một lực lượng đấy, không chỉ là với tư cách là người liên hệ giữa hai nhà Võ Lý, hơn nữa còn là một thế lực chính trị quan trọng.

Hoàng đế mở rộng Bách Kỵ thành Thiên Kỵ, tăng cường tỷ lệ cựu thần Lý Đường trong triều cũng vì muốn điều chỉnh lại trạng thái của cán cân vốn đang nghiêng về phía Võ thị. Nhưng chỉ dựa vào những lực lượng này hiển nhiên là không đủ, hiện giờ cán cân chính trị này vẫn là dựa vào một ngón tay của Võ Tắc Thiên vẫn đang mạnh mẽ ấn bên Lý thị mới có thể đảm bảo hai bên tạm thời hòa bình. Chỉ cần bà ta rút ngón tay lại, cán cân này chắc chắn sẽ nghiêng hoàn toàn về phía Võ thị, lực lượng của Lý thị thực sự đã quá yếu nhược rồi. Còn Thái Bình, chính là một người có thể mang tới sự cân bằng.

Thái Bình Công chúa vừa có thân phận Công chúa Lý thị, lại có thân phận là con dâu Võ gia, đứng trên lập trường của nàng, nàng sẽ không hy vọng bất kỳ phe nào trong hai phe Võ Lý thất bại. Bất kỳ bên nào bị diệt trừ nàng cũng sẽ bị đặt vào một vị trí cực kỳ khó chịu. Cho nên, không nghi ngờ gì nữa, Thái Bình Công chúa chính là người thích hợp nhất đảm nhiệm vị trí điều chỉnh cân bằng thế lực hai nhà Võ Lý. Nhưng cho tới nay, Võ Tắc Thiên chưa từng dùng tới nàng, kể cả có trọng dụng Dương Phàm cũng chưa từng nghĩ tới việc dùng nàng.

Một vị Hoàng đế soán vị đăng cơ, lo lắng nhất là người khác cũng học theo mình mà soán vị một lần nữa. Vị nữ Hoàng đế này là mẫu thân của Thái Bình, bà ta biết rõ tâm cơ và trí tuệ của con gái mình, nhưng vẫn nghiêm khắc trói buộc, không cho nàng được đặt chân lên chính đàn, hiển nhiên lo sợ nàng học theo mình.

Bà ta đã đoạt vị từ trong tay con trai mình, lấy hiếu đạo trói buộc mà con trai bà có dũng có mưu, có đảm có lược cũng không cách nào tạo phản. Hơn nữa, người trong thiên hạ phần lớn đều nghĩ mặc dù bà ta chiếm ngôi nhưng sớm muộn gì cũng sẽ trao lại cho họ Lý, vì con trai ruột của bà ta là họ Lý, khi bà ta đăng cơ thì đã hơn sáu mươi tuổi, chẳng còn khả năng sinh đẻ nữa, cho nên có thể nói là bà ta đã khá thuận lợi đăng cơ.

Tuy không được ưu thế mẫu thân ủng hộ, nhưng nếu Thái Bình có dã tâm này cũng có thể quấy cho thiên hạ đại loạn, cho nên Võ Tắc Thiên vẫn gắt gao nhốt chặt con gái trong chuồng, không cho nàng được lộ ra răng nhọn móng sắc. Nhưng giờ thì bà ta đã đổi ý, rất hiển nhiên, bà ta đã nhận ra, nếu không để cho con gái ra tay, hai đứa con kia của mình cho dù có đại nghĩa trong tay cũng không thành được đại sự.

Đầu óc của Dương Phàm nhanh chóng chuyển động:

- Thái Bình là nữ nhân, rất khó có thể nhúng tay vào quân đội, xem ra Hoàng đế muốn Thái Bình bước lên chính đàn, tiến thêm một bước tăng thêm khả năng khống chế chính đàn của Lý gia. Nói vậy…

Còn cái tin An Nhạc đã có thai ba tháng, vội vàng xuất giá hắn cũng chẳng quan tâm, chỉ là khi ánh mắt lướt qua thì thoáng cười lạnh một tiếng. Trong mắt hắn, nữ nhân kia giống như một loài hoa lạ sống trên hải đảo, khi nở ra nhan sắc diễm lẹ, nhưng mùi hương tỏa ra cũng thối có thể xông chết người!

**********

Sau minh ước, đương nhiên phải có một buổi gia yến của Hoàng đế.

Rất nhiều con cháu hoàng thất trước kia chưa từng xuất hiện cũng đến, trong đó bao gồm cả vài vị tân nương tử và cả An Nhạc sắp trở thành con dâu Võ gia.

An Nhạc Công chúa phục sức kiều mỵ khác thường, chiếc váy nàng mặc là kiểu dáng mới nhất của Lạc Dương, tuy trên phố vẫn là váy lông gà cảnh và lông chim nối thành, nhưng váy của nàng là dùng lông chim khổng tước đắt tiền để trang trí. Hoa mỹ là vậy nhưng cũng không át đi được phong thái của nàng.

Trong số mọi người ở đây, không thể nghi ngờ, nàng chính là người xinh đẹp nhất.

Thái Bình Công chúa xinh đẹp như một vầng hào quang rực rỡ. Thượng Quan Uyển Nhi thanh lịch như một ánh trăng nhu hòa. Còn An Nhạc Công chúa lại như một dải cầu vồng vắt ngang bầu trời. Trong ba người, nàng là trẻ nhất, hoạt bát nhất, khuôn mặt tươi sáng đã át hết tất cả hào quang của nữ nhân khác.

Nhưng khi ánh mắt của Võ Tắc Thiên lướt qua nàng lại hơi lơ đãng nhăn lại, mơ hồ có vẻ chán ghét. Cô bé này vốn là đứa cháu mà bà ta yêu thích nhất, giờ thì nàng đã hoàn toàn mất tình cảm của bà ta.

Váy khổng tước thắt chặt vòng eo nhỏ uyển chuyển, thực không thể ngờ nàng đã mang thai ba tháng. Nhưng nàng mang thai ba tháng là thực, Võ Tắc Thiên vô cùng không thoải mái với việc này, đường đường một Công chúa Hoàng gia không ngờ lại làm ra việc bê bối này, thực sự là làm nhục gia phong.

Con người vốn là vậy. Khi mình phạm sai lầm thì có thể tìm ra cả một ngàn mười ngàn lý do để tha thứ cho mình, nhưng khi thấy con gái mình phạm phải sai lầm y như thế, họ sẽ chỉ hận dạy con không nên người, sẽ nổi giận lôi đình.

Võ Tắc Thiên chính là người như vậy. Thái Tông triều, bà ta đã làm Tài nhân, chuyện này không thể chối cãi, dù sao thì theo lý mà nói, nữ nhân vào cung đều xem như là vợ dự bị của Hoàng đế rồi, nhưng cũng không có nghĩa là nàng nhất định đã từng hầu hạ Hoàng đế. Mỗi cung nữ đều có nghĩa vụ dâng hiến trinh tiết của mình cho Hoàng đế, sau khi được thả ra khỏi cung làm sao lập gia đình nữa?

Tài nhân đã là một cấp bậc phi tần, cũng là một chức hàm nữ quan. Có bao nhiêu nữ quan đã từng hầu hạ Hoàng đế? Làm nữ quan cũng là người có bối cảnh, ví dụ như được lựa chọn từ gia đình đại thần, cho dù Hoàng đế chưa từng sủng hạnh cũng nên tặng cho nàng một danh phận để dẹp an trái tim thần tử, cũng có thể vì kinh nghiệm tư lịch, công lao, hoặc đắc dụng, nhưng cũng không nhất định là đã từng được Hoàng đế quá giường.

Ngoài Hoàng hậu và bốn Phi, còn có chín Tần, chín Tiệp dư, chín Mỹ nhân, chín Tài nhân, hai mươi Thất bảo lâm, hai mươi bảy Ngự nữ, hai mươi bảy Thất thải nữ còn có lục thượng chư ti, đều là vợ dự bị của Hoàng đế cả. Trong số đó, có người cả đời cũng không có được cơ hội được nhìn thấy Hoàng đế, đừng nói đến chuyện hầu hạ chiếu gối.

Nhưng sau đó chuyện bà ta nuôi sủng nam cũng là sự thật. Cho nên, khi bà ta biết con gái mình và Dương Phàm cấu kết làm bậy, mặc dù tức giận nhưng cũng không dám bày ra sự uy nghiêm của mẫu thân với con gái mình được. Hiện giờ cũng giống vậy, tuy An Nhạc có thai khi chưa kết hôn nhưng bà ta cũng không cách nào răn dạy cho đúng lý hợp tình, huống chi còn e ngại thể diện Hoàng thất, cũng chỉ có thể mau chóng để cho An Nhạc và Võ Sùng Huấn kết hôn.

Nhưng không thể trách cũng không có nghĩa là bà ta không thể cảm thấy khó chịu. Hơn nữa, ban đầu bà ta thích An Nhạc cũng vì nàng ta xinh đẹp vui tươi hoạt bát như mình thời thiếu nữ, nhưng dù sao bà ta cũng xuất thân quyền quý, trước khi vào cung, phụ thân của chính là Quốc công, từ nhỏ bà ta đã được hưởng sự giáo dục khác với An Nhạc.

Hoạt bát và lỗ mãng, khờ dại và nông cạn thực ra chỉ cách nhau một bức vách mỏng, chợt nhìn thì như giống nhau, nhưng với sự từng trải của Võ Tắc Thiên, rất nhanh đã có thể nhận ra rõ ràng, cho nên bà ta sớm không còn cảm giác yêu thích bất ngờ đối với An Nhạc nữa, lại thêm chuyện này, càng thêm chán ghét.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.