Sicily Miền Đất Dữ

Chương 20



Cuộc bầu cử các hội đồng tỉnh hạt địa phương – một cuộc tổng dượt cho cuộc bầu cử toàn quốc cấp quốc gia sắp tới – tại Sicily, năm 1948, đã là một thất bại nặng nề cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. “Khối nhân dân” – tức là liên minh cánh tả, gồm phe cộng sản và phe xã hội – đã giành được sáu trăm ngàn phiếu. Trong khi đó đảng Dân chủ Thiên chúa giáo chỉ được có 330000 phiếu. Còn lại năm trăm ngàn phiếu chia cho các đảng phái lôm côm khác, kể cả phe bảo hoàng. Rome kinh hoàng. Phải làm gì đó quyết liệt tại Sicily, - một xứ lạc hậu nhất nước, nhưng oái ăm thay lại ở vào cái vị thế quyết định – cả nước Ý sẽ bị nhuộm đỏ hay ít ra cũng bị hồng hồng.

Mấy tháng trước ngày bầu cử các hội đồng địa phương Sicily đã có một cuộc “hưu chiến” âm thầm giữa chính quyền Rome và Guiliano. Đám đàn em của hắn được phái đi xé truyền đơn, biểu ngữ vận động của các đảng đối lập, càn quét trụ sở của cánh tả, quấy phá các cuộc biểu tình ủng hộ bọn này ở các thị trấn như Motelepre, Castellammare, Partinico, Piani dei Greci, San Giuseppe Jato và đô thị lớn Monreal. Tại tất cả các thị xã, lâu la của Guiliano đã dán các áp phích có hàng chữ lớn, in màu đen: “đập chết bọn cộng sản”. Một vài trụ sở của đảng xã hội cũng bị các tay anh em của Guiliano phá phách. Trụ sở của lực lượng công nhân xã hội cũng chung số phận.

Tuy nhiên, chiến dịch phá rối ấy phát động quá trễ nên không mang lại kết quả mong muốn. Và cũng vì Guiliano không chịu thi hành chính biện pháp khủng bố, ám sát. Các sứ giả chạy đi tới tấp như con thoi giữa ngài bộ trưởng và đức ngài Hồng y, Ông Trùm Croce và Guiliano. Tất nhiên, Guiliano không tránh khỏi sự phiền trách. Hắn bị hối thức và đẩy mạnh hoạt động hơn nữa, bạo hơn nữa, khát máu hơn nữa, để lật ngược tình thế trong cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới, một cuộc bầu cử cực kỳ quan trọng, có tính chất sinh tử với đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Guiliano cũng cẩn thận giữ lại các thư từ, điện tín để làm tài liệu cho bản chúc thư của hắn thêm sức nặng.

Cần phải chơi một đòn thật nặng mới mong cứu vãn được tình hình. Đầu óc quái quỉ của Ông Trùm thiếu gì những ngón đòn hiểm. Thông qua “sứ giả” Andolini, Guiliano đã được gợi ý thực hiện ngón đòn độc này nhằm hạ một lúc hai đối thủ của Croce. Một trong hai dĩ nhiên là cánh tả. Đối thủ kia lại chính là kẻ thực hiện ngón đòn độc này, tức chính là Guiliano. Độc và tài tình là ở chỗ đó.

Ở Sicily, hai thị trấn làm phản và ủng hộ cánh tả mạnh nhất là Piani del Greci và San Giuseppe Jato. Từ nhiều năm qua, ngay cả dưới thời phát – xít còn thống trị đảo Sicily, hai thị trấn này cũng đã lấy ngày 1 tháng 5 làm ngày cách mạng. Ngày này cũng là ngày lễ kinh thánh Giuseppe, thánh bổn mạng của thị xã. Bọn phát – xít ức lắm mà không làm gì được. Dưới chế độ cộng hòa, ngày cách mạng không còn cần phải núp bóng thánh bổn mạng nữa. Nó đã được công khai biến thành một cuộc biểu tình với cờ đỏ và những bài diễn văn sấm sét, nảy lửa của phe tả. Ngày 1 tháng 5 sắp tới sẽ là một ngày quan trọng trong lịch sử của hai thị trấn. Theo thông lệ, hai thị trấn phố hợp với nhau để tổ chức mừng chung. Dân của hai thị trấn này – dù đi làm ăn xa xôi, dù gặp khó khăn đến đâu đi nữa – cũng kéo về quê hương bản quán để mừng thắng lợi trong cuộc bầu cử các hội đồng địa phương vừa rồi. Ông L.O. Causi – một nghị sĩ cộng sản, một diễn giả nổi tiếng với tài diễn thuyết hùng hồn, nảy lửa, sẽ có mặt để đọc bài diễn văn vạch trần những hành động xấu xa bẩn thỉu của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và lên án các bất công xã hội mà nhân dân lao động đang phải gánh chịu, nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới.

Theo kế hoạch của Ông Trùm, băng của Guiliano sẽ tấn công phá vỡ cuộc biểu tình này. Không cần giết, mà chỉ cần bắn đại liên cho đạn bay chíu chíu trên đầu cũng đã khiến cho bọn biểu tình sợ chế khiếp. Đó là bước thứ nhứt có tánh chất hăm dọa sơ sơ, để cảnh cáo. Đồng thời, qua đó, nghị sĩ L.O. Causi phải hiểu là kỳ bầu cử tới, ông ta phải “đi chỗ khác chơi”, chớ có bén mảng tới đây ứng cử mà dại. Guiliano đồng ý và chỉ thị cho các sếp Pisiciotta, Terranova, Passatempo, Sylvestro và Andolini chuẩn bị và thực hiện kế hoạch hù dọa này.

San Giuseppe Jato và Piani del Greci là hai thị trấn nghèo mạt, nhà cửa cũ kỹ, tồi tàn. Phương pháp canh tác cổ lỗ. Phong tục hủ lậu: đàn bà bao giờ cũng phải nhìn nghiêng, không được để cho thằng đàn ông nhìn thẳng vào mặt mình. Ấy thế nhưng về chính trị thì hai thị trấn này lại giật giải quán quân về lập trường cấp tiến. Và phản loạn chống chính quyền thì vô địch.

Hai thị trấn này có lịch sử lâu đời lâu lắm rồi. Nhà cửa ở đây toàn bằng đá. Vài nhà không có cửa sổ, mà chỉ có cái cửa tò vò, cũng chỉ lớn bằng cái đĩa bàn. Nhiều gia đình còn sống chung với gia súc trong nhà. Lò bánh mì của thị trấn cũng là cái chuồng để nhốt dê, nhốt bò, nhốt lừa. Vô ý làm rớt một ổ bánh mì mới ra lò thì chắc chắn nếu không dính phân cũng chấm nước đái bò đọng thành vũng dưới đất.

Dân thị trấn hầu như không ai có ruộng đất. Chỉ có mỗi một nghề làm mướn cho các chủ đất trong vùng. Ngày công nhiều lắm được khoảng một dollar. Có khi còn ít hơn. Không đủ để nuôi gia đình. Khi các con quạ đen – một từ khinh miệt, chế nhạo dùng để gọi mấy ông cha, mấy dì phước – đem quần áo cũ và mì ống đến để vận động bầu cử, thì dân làng vui vẻ nhận và thề sống chết sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân chủ Thiên chúa giáo. Nhưng, trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương, bao nhiêu phiếu của hai thị trấn này đều dồn cho cánh tả hết ráo. Ông Trùm tức điên lên được, quay ra “ghè” mấy sếp Mafia địa phương làm ăn không nên trò trống gì. Nhưng, ở chỗ công khai, lão lại xoen xoét tuyên bố là khi bỏ phiếu cho cánh tả, hai thị trấn này tỏ ra bất kính Hội Thánh. Và điều đó làm cho lão buồn lòng. Bởi vì, theo lão, một người Sicilian ngoan đạo có bao giờ nỡ làm các dì phước thất vọng khi – vì lòng bác ái của Chúa – các dì đã đem bánh mì đến tận miệng con cháu họ? Đức Hồng y giáo chủ cũng nổi xung. Trước ngày bầu cử, đích thân ngài đến tận hai thị trấn này để dâng thánh lễ, làm phép Báp – têm và ban bí tích “Kiền thành” cho. Gớm đâu có phải mỗi chốc lại có vị Hồng y giáo chủ làm phép Báp – têm cho. Ngài cũng không quên cảnh cáo họ về cái họa cộng sản. Để họ đừng bỏ phiếu cho bọn đó. Ấy vậy mà đến lúc bỏ phiếu, bọn giáo dân ngu muội này vẫn cứ u mê, cứ bỏ phiếu cho bọn cộng sản. Có ức không kia chứ. Ngài bèn triệu các cha sở của hai thị trấn này về tận Palermo, chà xà phòng, cạo sát các vị này. Nhưng trước khi cho các vị này về nhiệm sở, ngài cũng nhủ lòng thương, tha thứ và ban giáo chỉ phải đới tội lập công bằng cách tăng cường nỗ lực hoạt động trong cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới.

“Không phải chỉ vì lợi ích chính trị của Hội Thánh mà còn vị sự cứu rỗi linh hồn của các con chiên hồn đạo của hai thị trấn này”. Đó, giáo chỉ của Hồng y giáo chủ Palermo khôn ngoan như vậy đó.

Ngài bộ trưởng Bộ tư pháp Franco Trezza thì không ngạc nhiên về kết quả bầu cử cấp địa phương. Là dân Sicilian thứ thiệt, ngài còn lạ gì lịch sử của đảo này, và nhất là của hai thị trấn này từ lâu vẫn nổi tiếng kiêu hãnh – mặc dù nghèo kiết xác – và là những chiến sĩ hăng say, dữ tợn nhất trong việc chống bọn nhà giàu ở Sicily và bọn bạo chúa ở Rome. Họ là những người đầu tiên đi theo Garibaldi. Và trước cả Garibaldi, họ đã chống bọn Pháp, bọn Maure... từng thống trị đảo này. Nhất là dân thị trấn Piani dei Greci. Vốn là con cháu những người Hy Lạp. Nói tiếng Hy Lạp. Theo lịch Hy Lạp. Áo quần cũng kiểu Hy Lạp cổ. Nhưng đó cũng là dinh lũy của Mafia theo truyền thống cổ điển: chống bất cứ kẻ áp bức xâm lược ngoại bang nào.

Ngài bộ trưởng chỉ thất vọng về những kết quả và cái cách làm ăn của Ông Trùm trong cuộc bầu cử cấp địa phương này. Trong cuộc bầu cử địa phương mà làm ăn bết bát như vậy, thì cuộc bầu cử cấp quốc gia sẽ như thế nào? Đau nhất là phiếu của hai thị trấn này và các vùng xung quanh lại bị một thằng nhãi ranh Silvio Ferra, theo phe xã hội lèo lái.

Sivio Ferra là một quân nhân được trao huy chương cao quí nhất của quân đội Ý, trong đại chiến vừa rồi. Hắn đoạt huy chương ấy trong chiến dịch Châu Phi. Sau đó hắn bị quân đội Mỹ bắt được. Trong trại tù binh của Mỹ, hắn được giáo dục chính trị. Cái nào phát – xít được chà rửa kỹ và thay vào đó bằng học thuyết dân chủ kiểu Mỹ. Thực ra hắn đâu có tin gì vào những điều mà người ta nhồi nhét vào đầu óc hắn. Cho đến khi được đưa ra làm việc tại một lò bánh mì ở ngoài trại, hắn đâm ra mê cái lối tự do kiểu Mỹ, mê sự linh động của các giai tầng xã hội Mỹ. Ở bên Mỹ, nếu chịu khó và biết cách làm ăn thì cu – li, nghèo kiết xác cũng vẫn có thể trở nên trung lưu, giàu có, sang trọng. Ở Sicily hả? Khỏi. Một thằng Sicilian mà đã trót nghèo thì dù có xoay xở, biết cách làm ăn và chịu thương chịu khó làm đến đổ mồ hôi, sôi nước mắt cũng không có hy vọng kiếm đủ để nuôi vợ con. Trọn đời là ăn bữa sáng lo bữa tối. Cái nghèo của người Sicilian là thứ nghèo kinh niên, nghèo truyền kiếp từ đời ông đến đời cháu. Khỏi nhúc nhích cục cựa, đừng hòng ngoi lên tầng lớp trung lưu.

Khi trở về Sicily, Silvio Fera trở thành một người nhiệt tình tuyên truyền không công cho Mỹ. Nhưng, rồi hắn cũng sớm nhận ra đảng Dân chủ Thiên chúa giáo chỉ là một công cụ của bọn nhà giàu, tiếp tay cho bọn áp bức, bóc lột. Thế là, hắn gia nhập câu lạc bộ “Công nhân xã hội” ở Palermo. Hắn say mê học hỏi và đọc sách. Hắn trệu trạo nhai, rồi nuốt lý thuyết của Marx – Engels. Và, hắn gia nhập đảng xã hội. Hắn được trao nhiệm vụ tổ chức một câu lạc bộ tương tự tại San Giuseppe Jato.

Trong bốn năm trời, hắn đã làm ăn ngon lành không thua gì mấy đàn anh hoạt động cho đảng ở miền Bắc nước Ý. Hắn có biệt tài diễn đạt cái lý thuyết cao siêu và viển vông của bọn xã hội bằng thứ ngôn ngữ nôm na, cụ thể, khiến cho mấy thằng cùn mằn, vô học ở cái xó kẹt San Giuseppe ấy hiểu được và mê mẩn. Thế mới hay chớ. Chẳng hạn, khẩu hiệu vận động bầu cử của hắn chỉ đơn giản thế này: muốn có ruộng thì hãy bỏ phiếu cho đảng xã hội. Hắn đặt ra một lô những câu hỏi và những khẳng định, toàn là những thứ đụng đến bao tử của mấy thằng khố rách. Chẳng hạn: tại sao những chúa đất để ruộng hoang, trong khi ấy, dân cày chết đói? Tại sao thằng dân làm hùng hục như con lừa, lúa mì mọc lên tươi tốt mà con mình vẫn đói? Hắn khẳng định: nếu đảng xã hội lên nắm chính quyền thì dứt khoát không có cảnh mấy anh nhà nước lớn nhỏ thi nhau nặn hầu bóp cổ dân nghèo để đòi ăn của đút. Xin miễn luôn cái chuyện phải xỉa ra mấy lire mới được anh phát thư trao cho cái thư có dán tem đàng hoàng của bà con mình gởi cho mình, khỏi có cái chuyện phải đem mấy chục trứng gà biếu ông cha sở để ông đọc giùm một cái thơ của người bà con gửi cho mình. Chấm dứt cái cảnh phải bán sức lao động cho mấy ông quận công, bá tước để lấy mấy đồng tiền chết đói. Công chức nhà nước không phải là cha thằng dân. Đó, là vốn lý thuyết xã hội của hắn chỉ có bấy nhiêu đó. Vậy mà mấy thằng khố rách mê mẩn và rần rần biểu nhau dồn phiếu cho đảng xã hội. Tác hại hơn nữa là Silvio Ferra đã dẫn những chương trong kinh sách của Hội Thánh để chứng minh Hội Thánh đã bênh vực những thằng nhà giàu bóc lột, đê tiện. Nhưng hắn quá khôn ngoan để không bao giờ đả động đến đức Chúa Jesus, đến các chư Thánh “hữu dụng” và nhất là Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Marie. Sáng hôm lễ Phục Sinh, hắn cũng chào bà con bằng lối chào truyền thống “Mừng Chúa đã sống lại”. Nếu có ai chào hắn như vậy, hắn cũng vui vẻ đáp lễ bằng câu cũng truyền thống không kém: “Vinh danh Chúa cả trên trời”. Ngày chủ nhật, hắn cũng đi nhà thờ như ai. Vợ con hắn tuân thủ rất kỹ mọi phong tục tập quán tốt lành của dân Sicilian. Hắn là người rất sùng kính những giá trị truyền thống. Vợ con hắn hết lòng thảo hiếu với mẹ cha, và có nhân có nghĩa với anh em, bà con, bè bạn, lối xóm.

Khi đám “người anh em” ở San Giuseppe Jato nhắc nhở, cảnh cáo là hắn đã đi “quá xa”, hắn đã mỉm cười thân mật đáp lại là lúc nào hắn cũng muốn giao hảo với “Người anh em”, mặc dù, trong thâm tâm, trận chiến đấu cuối cùng và gay go sẽ là trận chiến đấu chống lại Mafia. Ngay cả những đặc phái viên của Ông Trùm Croce cũng được hắn tiếp đãi rất nhã nhặn, lịch sự, nhưng cũng rất kiên định. Với cái danh là một anh hùng thời chiến, hắn được mọi người trong thị trấn trọng nể. Có những dấu hiệu cho thấy hắn cũng đối đãi “phải phép” với đám “Người anh em”. Vì thế, Ông Trùm cũng đành phải kiên nhẫn chờ, không dám “sực” hắn liền. Vả lại, lão yên trí là với ngón đòn hiểm của lão, chắc chắn thế nào đảng xã hội cũng rớt đài trong cuộc bầu cử sắp tới.

Nhưng, điểm nổi bật hơn hết là Silvio Ferra rất được cảm tình với đám đông dân nghèo. Đó là một điều hiếm có. Mà không có cảm tình sao được khi một anh hàng xóm nghèo, bị bệnh, không đi làm được thì hắn đã bẻ cái bánh hắn đang ăn mà cho. Một bà già không con không cháu bị đau yếu là hắn đến để làm giùm những công việc lặt vặt. Hắn an ủi khuyến khích những người túng đói và lo sợ trước tương lai. Hắn tuyên bố đảng xã hội là bình minh của hy vọng. Hắn thường dùng những câu chuyện cổ tích dân gian mà nông dân Sicilian rất khóai để diễn giải những vấn đề chính trị khúc mắc. Hắn không bao giờ nói về lý thuyết kinh tế cao siêu của Marx. Hắn chỉ nói đến những căm hờn, những mối thù, những áp bức, những uất ức mà từ bao đời nay nông dân phải chịu. “Bánh mì đối với người nghèo chúng ta ngon, ngọt, béo, bổ như thế nào thì máu dân nghèo cũng ngon, ngọt, béo, bổ đối với bọn nhà giàu như vậy”. Cứ cái kiểu như vậy, hắn đã làm cho nông dân Sicilian sẵn sàng nhảy vào lửa, cũng “ô – kê”, chứ nói gì đến dồn phiếu cho đảng xã hội.

Chính Silvio cũng lập ra một thứ công đoàn gồm những người làm thuê, làm mướn. Hắn xui những người này đồng lòng không chịu làm thuê với giá rẻ mạt, đến ngày mùa, các địa chủ bắt buộc phải điều đình với hắn. Nếu không hoa màu cứ chín rụng ngoài vườn, ngoài ruộng. Cứ như vậy, Silvio dần dần trở thành một tay cầm đầu.

Bên cạnh cái uy tín tự tạo đó, Silvio còn được cái dù bự của Guiliano che cho nữa. Đó là một trong những lý do chính khiến lão Croce chưa dám xuống tay hạ sát Silvio. Vì lão ngại đụng với Guiliano trong lúc dầu sôi lửa bỏng này.

Silvio Ferra – cũng quê quán ở Monteleppre, cũng giống như Guiliano – nổi tiếng ngay từ lúc nhỏ. Từ trước hai người không phải là bạn của nhau – Sivio hơn Guiliano bốn tuổi – nhưng Guiliano cũng ngưỡng mộ bậc đàn anh. Khi Guiliano lớn lên thì Silvio đã thành người hùng ngoài mặt trận. Trở về trong hào quang của một anh hùng, huy chương đầy ngực, Silvio cưới một em ở San Giuseppre và ở rể đó luôn. Cả Guiliano và Silvio đều đã nổi tiếng: Sivio về uy tín chính trị, Guiliano về nghĩa cử hào hùng – nhưng không vì khác biệt chính kiến mà cả hai chàng trai hiên ngang ấy coi nhau như tử thù. Ngay cả khi thực hiện “giáo dục chính trị” cho cử tri ở Sicily để bọn này biết cách bỏ phiếu cho “phải phép”, Guiliano cũng vẫn ra lệnh cho thủ hạ của mình không được có hành vi nào phương hại đến thị trấn San Giuseppe và bản thân Silvio.

Biết được hảo ý của Guiliano, chính khách màu hồng Silvio – khôn khéo có thừa, - đã lịch sự gửi một bức thư qua cám ơn và hứa giúp đỡ Guilano trong những trường hợp có thể. Lịch sử nhưng đồng thời cũng là đòn ly gián. Với ý đồ tách Guiliano ra khỏi phe hữu và Croce, để nếu không kéo được về phía mình thì ít ra cũng trung lập hóa Guiliano. Thủ đoạn khôn khéo đã chứng tỏ Silvio là một tay có bản lãnh chính trị già dặn, chứ đâu phải tay mơ, tài tử. Bức thư được chuyển qua tay ông bà già của Silvio lúc đó đang cư ngụ tại Monteleppre. Một trong những dứa em của Sivilo lại chính là Justina – lúc đó mười lăm tuổi - đem qua trao lại cho ông già Guiliano. May mắn làm sao, lúc cô bé mang thư qua thì Guiliano đang có mặt ở nhà và đích thân Guiliano nhận bức thư ấy.

Với tuổi mười lăm, con “bé” Sicilian đã phổng phao rực rỡ, đã biết kẻ mắt thoa môi rồi, thấy chàng Guiliano, cô gái trăng rằm Justina “mết” liền. Làm sao khỏi kia chớ. Guilano thân thể cường tráng, phong thái, cử chỉ rất hùng! Mết là phải. Turi cùng với ông bà già và cả La Venera đang ngồi uống cà – phê. – Được hỏi có muốn làm một ly không, Justina từ chối, cứ đăm đăm nhìn chàng say đắm, khỏi cần e lệ, giấu giếm, coi sự có mặt của ông bà già và của La Vennera như không. La Venera cũng chú ý ngay đến sắc đẹp sức hấp dẫn của cô bé. Guiliano đâu có nhận ra Justina là chính cô bé mấy năm trước ngồi khóc hu hu ngoài đường vì bị cớm chớp mất từ bạc 5 lire, và đã được Guiliano “thưởng” cho gấp mấy chục lần để về nhà khỏi bị ông bà già cho ăn roi. Guiliano nói với cô bé:

- Cho tôi gửi lời cám ơn anh cô. Và nhờ cô nói giùm anh ấy đừng lo lắng nhiều đến hai ông bà già. Tôi sẽ bảo vệ cho.

Justina vội vã chạy biến về nhà. Từ hôm ấy trở đi, lúc nào cô nàng cũng mơ tưởng đến Guiliano như mơ đến một người yêu lý tưởng của mình. Cô nàng cũng rất hãnh diện vì tình cảm mà Guiliano đã dành cho anh ruột của mình.

Trước khi phá đám buổi mít – tinh biểu tình ở Portella del Ginestra, Guiliano đã báo cho Silvio và khuyên anh chàng này đừng tham dự. Hắn cũng đảm bảo là, tuy phá đám, nhưng sẽ không có một người dân nào bị hại. Nhưng, chính bản thân Silvio có thể gặp nguy hiểm, nếu hắn ta cứ tiếp tục nhất định theo phe xã hội. Bản thân Guiliano không làm gì hại hắn, nhưng đám “Người anh em” quyết đè bẹp phe tả ở Sicily. Do đó, chắc chắn Silvio sẽ là một trong các mục tiêu của chúng.

Nhận được tin đó, Silvio Ferra cho rằng, một lần nữa thằng già dịch Croce tìm cách hù hắn, nên không tin, không quan tâm. Đảng xã hội đang trên đà thắng phom phom. Dễ gì hắn bỏ qua không tham gia đại lễ mừng thắng lợi mà đảng vừa đoạt được.

Năm 1948, ngày một tháng năm tức là ngày lễ Lao Động. Dân chúng hai thị trấn Piani del Creci và San Giuseppe Jato dậy từ sáng sớm để lên đường, cuốc bộ qua đèo Portella del Ginestra đặng tới địa điểm mít – tinh. Dẫn đầu đoàn biểu tình là một ban nhạc được mướn từ Palermo tới. Cùng với vợ con hắn, Silvio Ferra hãnh diện vác lá cờ đỏ to đoàng dẫn đầu đoàn biểu tình của thị trấn San Giuseppe. Theo sau đoàn biểu tình là những chú lừa hoặc ngựa. Bữa nay bọn này cũng trang trí bằng chùm lông đỏ, lưng phủ những tấm mền sặc sỡ. Những chiếc xe chở lỉnh kỉnh nào thức ăn, nào rượu, nào củi, kèm theo một con bê để làm thức ăn tươi.

Trẻ con nhảy múa, đá banh. Người lớn cưỡi ngựa chạy thử để tập dượt chuẩn bị cho cuộc đua buổi chiểu. Cuộc đua ngựa sẽ là cái đinh của lễ bế mạc buổi mít – tinh cắm trại.

Khi đoàn biểu tình của thị trấn San Giuseppe vừa tới chân đèo thì phía đầu đàng kia, đoàn biểu tình của thị trấn Piani del Greci cũng vừa đi đến nơi. Ngọn cờ đỏ của đảng Xã hội được giương cao. Hai đoàn nhập một, reo hò ầm ĩ, vui vẻ chào đón nhau. Rồi tiếp tục vừa đi vừa cười, nói, bàn tán về những vụ xì – căng đan chính trị mới nhất, về cuộc bầu cử toàn quốc sắp tới, về những khó khăn mà đảng phải đương đầu. Tất nhiên, không thể thiếu cái màn thi đua tố khổ và sỉ vả đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, chửi bới mấy thằng nhà giầu biển lận. Có vị còn cao hứng thề rằng khi đảng Xã hội lên nắm quyền, họ sẽ bắt mấy thằng cha trong đảng Dân chủ Thiên chúa giáo và mấy thằng nhà giàu quen thói hút máu, phải rửa đít mấy con lừa của mình cho bõ ghét. Mặc dù có tiếng đồn rì rầm là đối phương sẽ tìm cách phá đám buổi mít – tinh cắm trại hôm nay, nhưng chẳng ai tỏ ra e ngại, sợ sệt. Họ coi các chính khách ở Rome chẳng là cái gì hết. Đám Mafia thì họ sợ thiệt, nhưng không chịu khuất phục. Trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương vừa rồi, Mafia cũng hầm hè dữ lắm. Nhưng họ vẫn bỏ phiếu cho đảng Xã hội. “Người anh em” đâu có dám làm hỗn. Nghĩa là, nói cho cùng, chỉ là trò “mềm nắn, rắn buông, rung cây nhát khỉ” vậy thôi.

Đến khoảng gần trưa, toàn thể dân cư của hai thị trấn tham gia mít – tinh cắm trại đã tập trung trên khoảng đất trống dưới thung lũng. Đàn bà con gái líu tíu làm thức ăn. Trẻ con thì thả diều. Những con diều gặp gió khe núi bốc lên cao vút, lơ lửng trên không nom như những con diều hâu. Ông L.O.Causi, thượng nghị sĩ cộng sản đang ngồi trầm ngâm thảo bài diễn văn sắp đọc. Đám thanh niên – dưới sự hướng dẫn của Silvio – lăng xăng làm khán đài để lát nữa hắn và các bậc vị vọng trong thị trấn đứng cho bà con hai thị trấn chiêm ngưỡng dung nhan. Silvio cũng được yêu cầu có vài lời giới thiệu ông thượng nghị sĩ cho bà con hay, để mai mốt, bà con dồn phiếu cho. Loay hoay vậy mà lũ nhóc đã quanh quẩn bên mấy mẹ, mấy chị. Dễ hiểu quá, Kiến bò bụng rồi!

Đúng lúc đó có tiếng nổ giòn. Silvio Ferra mỉm cười và lấy làm thú vị: “Mấy ông nhóc chưa gì đã đốt pháo”. Hắn quay ra nhìn.

Cũng sáng hôm đó, nhưng ngay từ lúc sớm tinh mơ, hai toán mỗi toán mười hai người, xuất phát từ “tổng hành dinh” của Guiliano, cũng đi về phía đèo Portella del Ginestra. Một tóan do Pasatempo chỉ huy. Toán kia do Terranova thống lĩnh. Ngoài súng cá nhân, mỗi toán có khẩu liên thanh hạng nặng. Passatempo dẫn quân của mình trấn phía sườn núi Cumeta. Hắn lựa chọn cẩn thận vị trí đặt đại liên. Bốn tên kia được phân tán bố trí xung quanh phòng ngừa bị tấn công bất ngờ. Terranova và các thủ hạ của hắn ở phía bên kia sườn núi Pizzuta. Từ các vị trí cao điểm đó, đại liên của chúng dễ dàng chế ngự đám biểu tình ở phía dưới. Ngoài nhiệm vụ bắn hù đám mít – tinh, Terranova có nhiệm vụ ngăn chặn bọn cảnh vệ, nếu chúng dám phiêu lưu đến để “làm phiền” Terranova và đồng bọn.

Từ sườn núi hai phía, đám thủ hạ của Guiliano nhìn dân chúng hai thị trấn San Giuseppe và Piani del Greci lũ lượt kéo nhau qua đèo Portella del Ginestra để vào địa điểm tập trung. Trong đám thủ hạ, một vài đứa cũng có anh em trong đám biểu tình. Nhưng chẳng đứa nào cảm thấy lương tâm áy náy. Bởi vì chỉ thị của Guiliano rất rõ ràng: súng bắn chỉ thiên cho đạn bay “chíu chíu” trên đầu đám biểu tình đặng hù cho họ sợ, chạy toán loạn, giải tán, kéo nhau chạy về nhà. Cấm ngặt gây thương tích cho ai.

Guiliano cũng định đi đến địa điểm Portella và đích thân chỉ huy. Nhưng bảy ngày trước đó, bất ngờ, Pisciotta bị ho thổ huyết. Trong khi đang lên núi để tới “Bộ tư lệnh”, Pisciotta ói ra máu, nằm vật xuống ngay chỗ dốc, nên y lăn lông lốc trở xuống. Đi phía sau, Guiliano tưởng Pisciotta giỡn chơi. Nhưng khi nhìn thấy mặt mày và áo sơ – mi của Pisciotta bê bết máu, Guiliano tưởng Pisciotta bị bắn sẻ, nhưng vì hắn không để ý nên không nghe thấy tiếng nổ. Guiliano vội ẵm Piciotta chạy ngược trở lên. Nhưng, lúc đó Pisciotta còn tỉnh. Y thều thào nói với Guiliano: “Cứ để tao nằm xuống, cứ để tao nằm xuống!”. Lúc đó Guiliano mới biết là y không phải bị trúng đạn. Vì giọng nói đó không phải của người bị trúng thương hay bị gãy bể một bộ phận nào trọng yếu nào.

Pisciotta được đặt lên cáng do mười bộ hạ hộ tống đến một bác sĩ ở Monreal. Ông bác sĩ này thường trị thương cho người của Guiliano. Lão bác sĩ là người biết kín mồm kín miệng và được Guiliano tin cậy. Nhưng chính Guiliano lại không biết là lão cũng phải báo cáo bệnh tình, thương tích của đám người trong băng Guiliano đến chữa trị cho Croce Male. Một phần vì sợ Ông Trùm, một phần vì lão cũng ngấp nghé cái ghế giám đốc bệnh viện Palermo. Lão biết, nếu không có bàn tay phù thủy vạn năng của Ông Trùm thì trọn đời, cái ghế giám đốc ấy vẫn chỉ là giấc mơ hão huyền đối với lão.

Lão bác sĩ đưa Pisciotta vào bệnh viện của thị trấn Moreal để tiến hành các thủ nghiệm. Lão hỏi Guiliano có ở lại chờ kết quả không?

- Ngày mai tôi sẽ trở lại.

Hắn chỉ thị cho bốn thuộc hạ ở lại canh gác Pisciotta. Hắn và những tên khác quay về ẩn náu tại nhà một thuộc hạ khác.

Ngày hôm sau, lão bác sĩ nói Pisciotta cần thứ thuốc gọi là Streptomycin mà chỉ bên Mỹ mới có. Guiliano cũng đã nghĩ đến điều này. Hắn đã nhờ ông già nó và Stefan Andolini viết thư cho Ông Trùm Corleone bên Mỹ gửi qua. Hắn cho bác sĩ biết điều đó và hỏi xem Pisciotta có thể xuất viện được không?

- Được, bác sĩ đáp. – Có điều anh ta phải nằm tĩnh dưỡng nhiều tuần lễ.

Thế là Guiliano phải ở lại Monreal săn sóc Pisciotta. Trong khi đó xảy vụ Portella.

Khi Silvio quay nhìn về phía tiếng nổ, thì hắn ghi nhận cùng một lúc ba sự kiện: Một, một cháu bé giơ tay lên cao, chới với kinh ngạc. Sợi dây diều vuột khỏi bàn tay máu chảy ròng ròng. Con diều đứt dây rơi xuống sườn núi. Hai, tiếng nổ không phải là tiếng pháo và không xuất phát từ trong đám đông mà là tiếng súng đại liên từ phía sườn núi vọng lại. Ba, con ngựa ô máu chảy ròng ròng, bứt dây cương chạy nháo nhào như điên giữa đám đông kinh hoàng. Silvio chạy len lỏi qua đám đông tìm vợ con.

Từ sườn núi Pizzuta, qua ống nhòm, Terranova quan sát những diễn biến trên khoảng đất trống dưới thung lũng phía dưới. Lúc đầu hắn thấy thiên hạ nằm rạp xuống đất vì sợ. Sau đó, hắn thấy vài người giãy giụa như người bị thương giãy chết, rồi nằm xuội lơ. Hắn ra lệnh ngừng bắn. Nhưng phía sườn núi bên kia, chỗ Pasatempo trấn giữ, súng vẫn nổ giòn. Terranova nghĩ có lẽ Pasatempo không biết là mình đã hạ quá thấp giác độ nòng súng nên đạn đã trúng đám đông. Ít phút sau, sườn núi đó cũng im tiếng súng. Sự im lặng chết chóc đè nặng trên cả vùng núi và thung lũng. Rồi, bỗng chốc, tiếng la hét kinh hoàng, đau đớn, tiếng khóc lóc thảm thiết vang lên trên khoảng đất trống trong thung lũng. Terranova ra lệnh cho thủ hạ lần theo sườn núi! Terranova vò đầu bứt tai không biết rồi sẽ ăn nói ra sao với Guiliano. Hắn sợ rằng Guiliano sẽ xử tử hắn và các thủ hạ đã tham gia thực hiện. Tuy vậy, hắn cũng biết chắc chắn Guiliano rất công minh, biết lắng nghe và phân biệt phải,quấy. Hắn và đám thủ hạ thành thật thề chúng đã không hạ thấp nòng súng bắn vào đám đông. Hắn tự hỏi không hiểu Passatempo sẽ ăn nói ra sao.

Súng ngừng bắn một lúc lâu Silvio Ferra mới tìm thấy vợ con. Gia đình hắn không có ai bị thương. Nghe súng nổ, mọi người nằm úp mặt xuống đất, nay lục tục nhỏm dậy. Silvio bảo mọi người tiếp tục nằm xuống. Cho đến khi thấy một người cưỡi ngựa chạy ra phía đèo – xem chừng đi báo cho cảnh vệ - và súng không còn nổ nữa, Silvio hiểu là cuộc khủng bố đã chấm dứt. Hắn đứng dậy.

Từ trên khoảng đất trống trong thung lũng, hàng ngàn người, đàn ông, đàn bà, trẻ con hốt hoảng, sợ hãi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng về phía đèo. Lúc đến thì cờ giong trống giục oai hùng là thế, bây giờ, “chém vè” hỗn độn, thảm hại là thế. Tiếng gào thét, gọi nhau ơi ới. Tiếng khóc như ri của con nít gọi cha mẹ thất thanh, thảm thiết, nên khoảng đất trống chỉ còn lại rải rác những người chết và bị thương cùng với gia đình họ lăn lộn, khóc lóc gào thét, rên la. Ngọn cờ đỏ oai phong sáng nay giờ đây nằm chỏng chơ, nhàu nát bừa bộn trên mặt đất lẫn lộn với thức ăn tung tóe khắp nơi. Mặt trời rực rỡ chói chang. Những vũng máu đỏ tươi. Đám cỏ xanh nhàu nát vì bị giày đạp! Nồi niêu xoong chảo lăn lóc bừa bãi. Những bếp lửa, củi cháy dở dang còn nghi ngút khói.

Silvio để gia đình đứng đó và đến giúp những người bị thương. Hắn chặn mấy người đang hốt hoảng bỏ chạy, nhờ họ làm cáng tải người bị thương. Hắn kinh hoàng khi thấy trong số người chết và bị thương có cả mấy em nhỏ. Hắn không cầm được nước mắt. Bây giờ hắn mới hiểu rằng những ông thầy của hắn, những kẻ tin vào biện pháp đấu tranh hòa bình, đấu tranh bạo động cũng có thể cải tạo được xã hội, tất cả đều sai lầm, không tưởng. Ở Sicily, chỉ có những thằng khùng mới nghĩ rằng lá phiếu có thể làm Sicily thay đổi. Ở xứ này, thằng nào giết người giỏi, thằng đó có quyền.

Silvio nghiến chặt hai hàm răng, trân cứng mình để nén cảm xúc. Trước mắt, hắn chỉ thấy lửa hận thù ngút trời và lấp loáng ánh thép của vũ khí. Lỗ tai hắn lùng bùng tiếng súng, tiếng bom và những tiếng thét man rợ: “Giết, giết, giết”.

Chính giáo sư Hector Adonis đem tin dữ đến cho Guiliano, lúc đó đang ngồi bên giường bệnh của Pisciotta. Lập tức, Guiliano trở về “Bộ tư lệnh”, để Pisciotta trơ trọi, không ai canh gác.

Về đến nơi, lập tức hắn gọi Terranova và Passatempo tới:

- Trước khi nghe chúng bay nói, chúng bay hãy nghe tao cảnh cáo trước. Dù mất bao nhiêu thời gian, tốn báo nhiêu công để tìm ra kẻ có trách nhiệm trong vụ này, tao không ngần ngại. Phải tìm cho ra. Sẽ tìm ra. Càng lâu thì sự trừng phạt càng nặng. Nếu là do sai lầm kỹ thuật, ngoài ý muốn, chúng bay cũng phải thú thật, tao sẽ tha chết cho!

Chưa bao giờ Terranova và Passatempo thấy Guiliano giận dữ như lúc này. Chúng đứng ngay đơ không dám nhúc nhích khi bị nó tra hỏi. Chúng thề là đã bắn bổng lên đầu đám đông. Khi thấy có người bị thương, chúng đã ngưng bắn.

Guiliano gạn hỏi từng thủ hạ tham gia cuộc hù dọa ấy. Nó phân tích từng chi tiết. Terranova bắn năm phút, rồi ngưng. Passatempo bắn mười phút. Tất cả đám thủ hạ đều thề rằng chúng đã bắn bổng lên trên đầu đám đông. Không một đứa nào nhận là có thể có sai lầm nào hoặc đã hạ nòng súng xuống.

Cho chúng ra ngoài, Guiliano ngồi một mình thừ ra. Lần đầu tiên, từ ngày sống ngoài vòng pháp luật, chưa bao giờ Guiliano cảm thấy nhục nhã ê chề như bây giờ. Không tìm được một lý do để có thể biện hộ, bào chữa. Suốt bốn năm qua, nó thường tự hào không bao giờ làm hại dân nghèo. Bây giờ niềm tự hào ấy tiêu tan. Nó đã tàn sát dân nghèo vô tội. Tự đáy lòng, nó cảm thấy mình không còn là vị anh hùng nữa. Nghĩ tới nghĩ lui, mọi giả thuyết đều không đứng vững, ngoại trừ đám thuộc hạ của nó chỉ quen sử dụng súng săn lupara. Nay sử dụng đại liên nên điều chỉnh giác độ sai. Nhất là từ trên cao bắn xuống. Nó không tin Terranova và Passatempo dám chơi qua mặt nó. Nhưng cũng rất có thể một trong hai thằng bị mua chuộc để gây đổ máu. Nó cũng nghe phong phanh một nguồn tin có cuộc phục kích của một phe nhóm khác. Cũng may trước khi ra quân nó đã căn dặn kỹ càng như vậy, chớ nếu không, dám có tắm máu. Guiliano ngẫm nghĩ: ngòai mục đích khủng bố, cuộc tàn sát này còn nhằm mục đích làm ô danh nó trước mặt dân nghèo. Nếu vậy thì đầu óc nào có thể nghĩ ra ngón đòn hiểm độc này? Không thể là ai khác ngoài cái đầu nham hiểm, độc ác và quỉ quyệt của thằng già lựu đạn Croce Malo!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.