Thời gian lùi lại mấy ngày trước, trong một phòng họp nhỏ nào đó trên tòa
nhà làm việc của Công an quận Du Hoài, trên bện cửa sổ cũng bày một chậu hoa pansy, giống hệt như quán cà phê lần trước gặp mặt Đồng Đan Thanh.
Chậu hoa này cũng rất rạng rỡ.
Khác với lần trước, lần này Cung
Khắc ngồi đối diện với Chu Tác Thổ, chính là tác giả Bạch Dương, người
viết series Cháy đêm, nếu nói nghiêm túc một chút thì tác phẩm được xuất bản dưới danh nghĩa của anh ta.
“Thật lòng không muốn nói, tôi
nghĩ chúng ta có thể mời cô gái gặp mặt lần trước nói giúp anh.” Thông
qua điều tra chứng cứ tại nhà Chu Tác Thổ, đã xác định được Cháy đêm
đích thực không phải tác phẩm do Chu Tác Thổ viết. Nói trắng ra, cuốn
tiểu thuyết có phải do người này viết hay không, cảnh sát không quan
tâm, nhưng khi cuốn tiểu thuyết này và một vụ án tàn độc có liên quan
tới nhau thì cảnh sát không thể không quan tâm.
Chu Tác Thổ lúc
này đã không còn kiêu ngạo như lần trước. Anh ta cúi gằm, hai tay cuộn
lại thành nắm đấm, chống lên cằm. Sau một lúc im lặng, anh ta xin một
điếu thuốc.
Hình như bất kì người nào khi đã làm sai chuyện
gì, trước khi khai báo, đều đưa ra yêu cầu này. Chu Tác Thổ làm vậy, mà
thầy giáo trẻ trong vụ án giết người trong phòng kín mà mấy tháng trước
Cung Khắc từng gặp cũng làm vậy.
Điếu thuốc được châm lên, Chu
Tác Thổ rít một hơi rồi kẹp điếu thuốc ở đầu ngón tay, chậm rãi mở lời.
Câu đầu tiên là: “Cuốn sách đó quả thực không phải do tôi viết.”
Chu Tác Thổ sinh ra trong một thôn núi hẻo lánh xa xôi ở phía Tây Trung
Quốc. Bố mẹ anh ta đều là nông dân, bám đất bám ruộng mà lớn, dựa vào
trồng trọt mà sinh sống. Năm nào cũng mùa xuân cày bừa, mùa thu thu
hoạch, năm được mùa thì có thu nhập tới mấy chục nghìn, gặp phải năm mất mùa thì cả nhà đói khát tròn năm. Chu Tác Thổ sinh ra trong một gia
đình nông dân bần cùng như vậy, nhưng anh ta không phải chịu quá nhiều
khổ cực.
Nhà ngoại của Chu Tác Thổ từng có người làm tú tài, bà
Chu chưa được đi học cũng muốn trong nhà có người có văn hóa. Thế là bà
Chu gửi gắm mọi hy vọng vào Chu Tác Thổ.
Trong nhà không có tiền, bà Chu đi vay, đưa Chu Tác Thổ vào huyện học cấp hai, sau đó Chu Tác
Thổ đã thật sự không phụ sự kì vọng của mẹ, thi được lên một trường cấp
ba trọng điểm của tỉnh, rồi sau này lại thi đỗ vào một trường đại học
với số điểm sát nút.
Nữ thần may mắn dường như rất ưu ái chàng
trai trẻ xuất thân từ nông thôn này. Thời đại học, vì sự chất phát và
xuất sắc của mình, anh ta được chọn lựa làm Phó Chủ tịch Hội sinh viên.
Chu Tác Thổ còn thích viết văn, văn chương anh ta viết còn được đăng lên một tác chí đặc biệt của trường, nhuận bút rất hậu hĩnh.
Lúc đó
anh ta thật sự cảm thấy mình cứ như vậy sẽ có thể hoàn toàn thay đổi số
phận, đặc biệt là sau này khi anh ta quen Tô Mị. Tô Mị là sinh viên năm
thứ ba khoa Văn trường họ, xinh xắn lại còn dịu dàng, lúc đó có biết bao nhiêu người theo đuổi. Thế nên sau một lần Chu Tác Thổ tình cờ cứu Tô
Mị khỏi bọn lưu manh và cô ta đồng ý trở thành bạn gái của anh ta, anh
ta thật sự cảm thấy mình là người may mắn nhất trên đời.
Thế sự khó lường.
Năm thứ tư đại học, Chu Tác Thổ không cưỡng nổi yêu cầu của Tô Mị, đã thi
hộ cho một “người anh em” của cô ta, kết quả bị bắt tại chỗ, bốn năm ăn
học còn chưa lấy được bằng đã bị đuổi khỏi trường. Còn “người anh em” đó của Tô Mị thì vì gia đình có người thân là cán bộ cấp cao của một doanh nghiệp trong thành phố, mà doanh nghiệp lại tài trợ một khoản tiền cho
trường sửa sang nên may mắn thoát nạn.
Tô Mị chia tay anh ta, sau đó Chu Tác Thổ nghe nói sau khi tốt nghiệp, cô ta đã cưới một gã nhà
giàu, lớn hơn cô ta khoảng mười mấy tuổi.
Đây có lẽ là số phận,
anh ta chẳng thể chúc phúc cho Tô Mị nhưng cũng để mặc cho duyên số. Thế nên sau này việc gặp lại Tô Mị cũng coi như là một lần vận mệnh an bài. Tô Mị sống không hạnh phúc, người chồng không những ngoại tình mà còn
đánh đập cô ta.
Hai người tình cũ cùng có một cuộc sống không mấy suôn sẻ, chuyện gì phải đến rồi sẽ đến.
Nhưng sau khi tỉnh dậy, Tô Mị không hề có ý định ở lại. Cô ta nói: “Anh không thể cho em cuộc sống mà em mong muốn đâu.”
Cô ta mong muốn cuộc sống như thế nào? Chẳng qua là có tiền, có thể mua
được mọi thứ mà mình muốn, vậy thôi. Sau khi chia tay ai đi đường nấy,
Chu Tác Nghiệp ủ dột thơ thẩn trên con đường đá sỏi. Cũng đúng hôm ấy,
anh ta nhận được thông báo trả lại bản thảo của nhà xuất bản giáo dục
Tây Uyển, truyện dài tháng trước nộp cho họ đã bị trả về.
Kiểm
tra tài khoản ngân hàng chỉ còn lại 121 đồng, Chu Tác Thố thật sự cảm
thấy cuộc đời mình xuống dốc từ đây. Nhưng anh ta không ngờ cũng vào
ngày hôm ấy, bức thư anh ta nhận được trong email lại cứu vớt anh ta
khỏi cuộc đời xám xịt.
Đó là phần mở đầu của một cuốn tiểu thuyết dài kì. Mặc dù Chu Tác Thổ chưa từng xuất bản cuốn sách nào nhưng dựa
vào đam mê bao năm với nghiệp viết lách, anh ta nhận ra đây là một tác
phẩm xuất sắc, chắc chắn có thể xuất bản. Lúc đó anh ta đã cực kì kích
động.
Kích động qua đi, ngọn lửa trong lòng anh ta lại tắt ngấm,
nhưng đây không phải là tác phẩm do anh ta viết. Nhưng vì sao thứ này
lại được gửi vào hòm thư của mình? Anh ta viết email đáp lại đối phương. Đối phương cũng trả lời rất nhanh và ngắn gọn, chỉ có mấy chữ: Trước
đây anh từng giúp tôi, bản thảo này là hồi đáp dành cho anh.
Chu Tác Thổ vẫn không tin, trên đời có chiếc bánh hời như vậy hay sao?
Nhưng sự việc còn chưa kết thúc, ngày hôm sau, anh ta bất ngờ nhận được một
cuộc điện thoại tới từ nhà xuất bản Tây Uyển, biên tập nói tổng biên tập đã xem qua bản thảo của anh, cho rằng văn phong không có vấn đề gì, có
điều tình tiết chưa hay, muốn hỏi xem anh ta còn tác phẩm nào khác
không.
Trái tim Chu Tác Thổ như vọt lên tận cổ họng. Tối đó anh
ta lại gửi một bức email vào hòm thư kia, viết thế này: Nếu anh thật sự
muốn giúp tôi, có thể viết hoàn chỉnh bản thảo của tiểu thuyết này cho
tôi không?
Đối phương trả lời rất nhanh: Ngày mai.
Chuyện sau đó còn suôn sẻ hơn cả tưởng tượng: Ký hợp đồng, ra sách, nổi tiếng và quay lại với Tô Mị.
“Anh ta chỉ có một yêu cầu đó là tôi phải sống kín đáo. Nếu như buổi kí tên
đó anh ta không yêu cầu tôi đi, tôi cũng sẽ không đi. Chỉ là tôi không
ngờ tiểu thuyết đó lại dính líu tới vụ án, còn chết người. Tôi thật sự
không biết…” Chu Tác Thổ bật khóc, bưng tay ôm mặt, bả vai run bần bật.
Đợi cho anh ta bình tĩnh lại một chút, Cung Khắc hỏi: “Biên tập chịu trách nhiệm xuất bản sách của anh là ai?”
“Tổng biên tập trực tiếp chịu trách nhiệm với tôi, lúc trước cũng là anh ta đọc bản thảo rồi ký hợp đồng.”
“Trước sau mấy ngày?”
“Nhanh lắm. Buổi sáng tôi gửi bản thảo thì buổi chiều đã ký luôn rồi.”
“Tổng biên tập tên là gì?”
“Họ Lý, tên Lý Trung Vũ.”
Bắt được Lý Trung Vũ, họ cũng mất không ít công sức. Tay này hình như đã
đoán được cảnh sát sẽ tới tìm mình nên đã dẫn vợ bỏ chạy. Nhưng lưới
trời lồng lộng, cảnh sát tóm được hắn ở sân bay trước chuyến bay Thượng
Hải – Paris. Ban đầu hắn làm như không có chuyện gì, nói rằng mình đưa
cả nhà đi du lịch, nhưng đối mặt với sự dồn ép của cảnh sát, cuối cùng
Lý Trung Vũ đã hết cách, đành phải khai nhận tất cả. Là một người bạn
từng giúp hắn nhờ hắn làm vậy, còn về việc vì sao cuốn tiểu thuyết lại
phát triển y như những vụ án mạng thì hắn không rõ. Nhưng hắn có nói một điểm, người ấy gọi là anh Trương.
“Nghe giọng thì khoảng hơn ba mươi tuổi.” Lý Trung Vũ nói.
Nửa tiếng sau, khi Đồng Đan Thanh đã tỉnh lại và Cung Khắc nói về chuyện
này, cô lắc đầu: “Về mặt tuổi tác tôi đúng là không thể nói rõ, tôi cũng không dám chắc Trương Doãn chính là Trương mà anh nói, nhưng trông sức
khỏe anh ta không tốt là sự thật. Theo như anh nói, toàn bộ vụ án đều do một mình anh ta lên kế hoạch, vậy thì anh ta đúng là một người thông
minh.”
Có lẽ cũng nhận ra cách nói này của mình có phần giống như “Chí khí của kẻ địch dài tiêu diệt uy phong của bản thân”, Đồng Đan
Thanh gãi gãi chiếc mũi đang dán băng urgo của mình: “Nhưng anh cũng
không kém, ban đầu tôi còn tưởng ba nạn nhân mất tích còn lại đều chết
như trên ti vi đưa tin cơ, hóa ra đây gọi là tương kế tựu kế hả?”
Cung Khắc lắc đầu, “Hắn không trúng kế đâu, nếu không cô sẽ không có cơ hội
để lại những manh mối đó và giúp chúng tôi tìm được cô.
Nhớ lại
hôm đó, cảnh sát tìm được miếng vải trên áo Đồng Đan Thanh ở cửa thôn.
Theo miêu tả thì nó được vứt bên đường. Hôm đó có gió, nếu không có
người trông chừng, miếng vải sẽ chẳng ngoan ngoãn nằm yên ở đó.
Lời giải thích hợp lý là Trương không muốn giết Đồng Đan Thanh, hắn đã biến tướng đưa cô ấy trở lại Lâm Thủy. Có điều Cung Khắc không hiểu, vì sao
phải kéo dài tận bảy ngày? Đơn thuần chỉ để khiêu khích cảnh sát thôi ư?
Bước vào tháng mười, thời tiết chuyển lạnh rõ rệt, lá cây cũng vàng thấy rõ. Gió thổi qua, cả một mảng lá ào ào rụng xuống.
Tháng mười, Lâm Thủy xảy ra mấy chuyện không lớn không nhỏ này.
Vì lý do cá nhân của tác giả, việc xuất bản Cháy đêm 3 tạm thời bị dừng
lại, nhất thời khiến không ít người tụ tập trước tòa nhà của nhà xuất
bản giáo dục Tây Uyển giơ biển kháng nghị. Lúc ấy, Diệp Nam Sênh đọc
được tin này trên báo đã ngẩng đầu lên hỏi Cung Khắc đang đọc sách:
“902, hay là anh viết phần kết đi, em muốn xem.”
Cung Khắc vẫn đọc sách tiếp, không ngẩng đầu lên, “Để anh viết, em sẽ hối hận đấy.”
“Vì sao vậy?”
“Là anh, anh sẽ chỉ viết vài chữ: Cuối cùng cảnh sát tóm được tên áo đen đứng sau, ác giả ác báo, thiên hạ thái bình.”
Diệp Nam Sênh nghiêng đầu suy nghĩ, sau đó gật đầu: “Ừm, hay thôi đừng viết
nữa. Nếu anh viết thật chắc là người ta sẽ chuyển hướng ra đứng trước
cửa nhà chúng ta mất.”
Còn chuyện thứ hai là bạn nhỏ Cung Tiêu
Đằng đã lên lớp một, chào đón đại hội thể dục thể thao người thân đầu
tiên của nhà trường, nhìn hình thức là biết phụ huynh và con sẽ cùng
nhau tham gia. Ban đầu Đông Đông rất vui vì lần này có một người có tế
bào vận động là Diệp Nam Sênh cùng tham gia với nó. Nhưng nó lại buồn
ngay, bố không để chị Nam Sênh cùng nó tham gia đại hội thể dục thể
thao. Còn về lý do hả? Vì đã xảy ra chuyện thứ ba…