Sơn Gian Tứ Thực

Chương 52: Ngoại Truyện - Trúc Ca Nhi (Kết Thúc)



Người một nhà vây quanh ở nhà chính, Trúc ca nhi mở tráp tiền ra, nói: "Ngoại trừ bình thường lấy 500 đồng ra để chi tiêu, trong tráp còn 15 lượng bạc, thời gian trước bán lương thực được 10 lượng, tổng cộng là 25 lượng."

25 lượng bạc đối với người nhà nông mà nói thì không phải con số nhỏ, tiền tích góp của nhà họ Ngô cũng thuộc số một số hai ở trong thôn rồi.

"Đầu óc Xương Nhi của chúng ta tốt, biết đọc sách, không nên ở nhà mãi, mai ta đi hỏi Ninh ca nhi, thôn Mai Lĩnh nhà mẹ đẻ y có một vị tú tài, họ Chu, nói là bằng lòng nhận học trò theo học đọc viết cùng mình. Ta định qua mấy ngày nữa chúng ta mang lễ vật rồi đưa Xương Nhi tới xem thế nào, nếu Chu tú tài đồng ý nhận, vậy tương lai để Xương Nhi đi theo sau hắn đọc sách luôn."

Trúc ca nhi nói xong, đại tẩu nhà họ Ngô - Trần thị vui mừng nói: "Vậy là tốt nhất rồi, thôn của chúng ta cách thôn Mai Lĩnh không xa, mang theo chút lương khô, để cha nó dẫn qua, buổi chiều đón về cũng không phiền lắm."

Ngô lão đại và Ngô thẩm nghe thấy thế cũng gật đầu, mấy thế hệ đều là nông dân không biết chữ, cháu trai lớn muốn đọc sách là chuyện tốt làm rạng rỡ tổ tông.

Trúc ca nhi lại nói: "Đợi Xương Nhi theo Chu tú tài học mấy năm, lớn hơn một chút, chúng ta cũng giống như nhà họ Thẩm, đưa nó lên trên trấn học trường tư thục, tương lai có khi cũng giống với tiểu tử nhà họ Thẩm, thi được tú tài nha."

Ngô Đại Giang và Trần thị nghe thấy lời này càng thêm vui vẻ, Trần thị vuốt đầu con trai nói: "Cũng không dám so với tiểu tử Thẩm gia, có thể đọc mấy quyển sách biết mấy con chữ đã tốt lắm rồi, sau này giống Bình tiểu tử ở trong thôn lên trên trấn tìm công việc, cũng coi như là tổ tông phù hộ rồi."

Dù sao cũng là con của mình, tóm lại vẫn muốn cho nó sống tốt hơn mình một chút, lên trên trấn làm việc thoải mái hơn là ở lại thôn cày ruộng mổ heo nhiều."

Xương tiểu tử biết mình có thể lập tức đi đọc sách, vui vẻ trong lòng, cúi đầu có hơi mắc cỡ mà cười cười.

Tính nó sinh ra đã yên tĩnh, không thích lên núi xuống sông chơi như mấy tiểu tử khác, cũng không thích theo sau a cha và nhị thúc coi mổ heo, duy nhất lúc tiểu tử nhà họ Thẩm rảnh rỗi dạy nó nhận biết tên mình, ngày ngày lấy cành cây quẹt quẹt trên mặt đất.

"Học phí cho Chu tú tài lấy từ trong nhà ra là được, có sẵn hai miếng thịt heo và một rổ trứng gà rồi, Xương tiểu tử đọc sách về trễ, chúng ta liền đưa thêm một xâu tiền, nhờ Chu tú tài hỗ trợ chăm nom." Trúc ca nhi nói rồi lấy một lượng bạc trong tráp tiền ra.

"Đọc sách viết chữ, nghiên mực, bút mực và giấy, mấy cái này cũng không thể thiếu, theo ý của ta và mẹ, đọc sách là chuyện tốt, cả nhà chúng ta một chữ cũng không biết, sau này còn phải trông cậy vào Xương Nhi đó, cho nên tiền cung cấp cho Xương Nhi đọc sách là xuất vì việc công." Trúc ca nhi lấy tiền đưa cho đại tẩu.

Người nông dân muốn cung cấp cho người đọc sách, là chuyện đốt tiền nhất, một xấp giấy trắng để viết chữ cũng đủ cho cả nhà mua con gà về, nhà họ Thẩm thắt lưng buộc bụng bao nhiêu năm mới tạo điều kiện cho ra một vị tú tài lão gia, Ngô Đại Giang và Trần thị nhận tiền, trong đầu đều ghi nhớ lòng tốt của người trong nhà.

Quyết định chuyện đọc sách của Xương tiểu tử rồi, cũng nên nói tới chuyện đồ cưới của Khê tỷ nhi.

Gia đình mà nhà họ Ngô định cho Khê tỷ nhi là một hộ thợ mộc ở thôn khác, nhà người nọ thường mời người Ngô gia đến mổ heo, con út trong nhà và Khê tỷ nhi lại xấp xỉ tuổi nhau, thế cho nên đã định ra mối hôn sự này.

Hai nhà cũng tính là thân thuộc, tính cách hay nhân phẩm đều tin tưởng được.

Ngày thành thân đã quyết định vào trung tuần* tháng sau, là thời điểm khí trời quang đãng nhất cuối thu, giờ cũng nên chuẩn bị của hồi môn rồi.

(*) Từ ngày 11 đến ngày 20 hàng tháng.

Nói đến chuyện hôn nhân của chính mình, Khê tỷ nhi có chút xấu hổ, ngoảnh mặt nói phải về phòng rửa mặt.

Trúc ca nhi ngăn nàng lại: "Của hồi môn là chuyện lớn, ngươi cũng nên nghe đi, có muốn thêm cái gì cũng nói ra luôn."

Lúc này Khê tỷ nhi mới đỏ mặt ngồi xuống lần nữa.

Sính lễ cưới cô nương hầu hết là 8 lượng bạc, của hồi môn cho cô nương cũng phải nhiều hơn ca nhi một chút, thường là hai tấm chăn đệm hai bộ quần áo, thêm hai cuộn vải, cũng có nhà thương con gái, sẽ đánh thêm một bộ trang sức bông tai và kẹp tóc bằng vàng bạc.

Ngày nạp chinh* đã qua, nhà họ Ngô(?) đưa tới 8 lượng sính kim, xách theo hai cuộn vải, một bầu rượu và một khối thịt hươu.

(*) Là ngày mà nhà trai gửi sính lễ qua nhà gái.

(?) Chỗ này đáng lẽ ra phải là họ nhà chồng của Khê tỷ nhi, nhưng chắc tác giả ghi nhầm hoặc có khi cùng họ.

Sính lễ phù hợp chuẩn mực.

"Nhà ấy đông huynh đệ, có thể đưa những thứ này đã không tệ rồi." Ngô thẩm sợ trong lòng Khê tỷ nhi không thoải mái, "Vải là vải bông thượng hạng, thịt hươu cũng khó kiếm."

Khê tỷ nhi nghe vậy thì gật gật đầu, vốn nàng đâu quan tâm mấy thứ này, gia đình mà cha mẹ nàng vừa ý luôn luôn không sai đâu.

Từ nhỏ nàng đã quen nhìn cha mẹ hòa thuận, sau trưởng thành lại thấy tình cảm giữa hai huynh và tẩu tẩu cũng rất tốt, chỉ mong bản thân từ nay về sau cũng được giống như cha mẹ và huynh tẩu.

Đệm chăn và quần áo thì không thể thiếu, Trúc ca nhi nói với Khê tỷ nhi: "Còn có nửa tháng nữa, ngươi chỉ cần lo thêu áo cưới của mình, chăn đệm và quần áo đã có ta, mẹ và tẩu tử tranh thủ giúp ngươi, đảm bảo không để ngươi bận tâm."

Đại tẩu cũng nói: "Phải đó, theo ta thấy, không bằng mai tiểu muội lên trên trấn cùng bọn ta một chuyến, bọn ta đi mua giấy bút cho Xương Nhi, rồi cùng ngươi dạo phường vải một vòng, ngươi đi chọn mấy màu và hoa văn mình thích, xé vải về rồi bọn ta bắt đầu may cho ngươi luôn."

Ngô thẩm cũng gật đầu: "Ý hay đấy, con tự đi chọn, đồ cưới không thể qua loa được."

Mẹ và tẩu tẩu luân phiên nói thế rồi, Khê tỷ nhi đỏ mặt gật gật đầu.

Trúc ca nhi lại lấy bốn lượng bạc từ trong tráp ra đưa cho Khê tỷ nhi.

Khê tỷ nhi giật mình nói: "Mấy miếng vải mà thôi, không cần phải đưa nhiều như vậy đâu."

"Đâu có mua mỗi vải đâu." Trúc ca nhi cười, "Ngươi lại để đại tẩu dẫn ngươi đến cửa hàng vàng bạc dạo một vòng, đi chọn cho mình một bộ trang sức mà đeo."

Nhà họ Ngô thương Khê tỷ nhi, Trúc ca nhi vừa gả vào đã biết, nàng thành thân, của hồi môn đặt mua cho nàng chỉ có nhiều chứ không có ít.

Ngô thẩm ở bên cạnh dõi mắt, trong lòng lại càng hài lòng với Trúc ca nhi, quay đầu nói với Khê tỷ nhi: "Nghe nhị tẩu con đi, cô nương gia đi chọn bộ trang sức, ngày thành thân hôm đó đeo vào trông cũng đẹp."

Đồ cưới của con dâu cũng đều trả về cho bản thân họ, không cần phải giao cho mẹ chồng, nhà chồng của Khê tỷ nhi nhiều huynh đệ, mang thêm ít của hồi môn tới mới không bị uất ức.

Bản thân Ngô thẩm cũng có tiền riêng, đến ngày Khê tỷ nhi xuất giá cũng định đưa cho nàng.

Hai chuyện quan trọng nhất cũng đã quyết định xong, người một nhà đều cực vui vẻ, lại bóc hạt dưa và đậu phộng nói tới chuyện khác.

*

Lại qua mấy ngày, thời điểm hạt dẻ trên núi kết trái nặng trĩu, Trúc ca nhi và Ngô Nhị Hà xách theo đồ quay về nhà họ Tiền, hôm nay là ngày sinh nhật của Tiền lão đại.

Ngô Nhị Hà bị giữ lại ở trong sân ngồi uống nước trà, Trúc ca nhi xách đồ vào bếp cùng mẹ y.

"Đây là gà mới giết sáng nay, trưa hầm chung với hạt dẻ ăn, cha con thích ăn cái này lắm." Trúc ca nhi lấy gà đã được xử lý xong ra, lại xách một khúc xương sườn, "Xương này để một ngày không bị hư, mọi người giữ lại hầm canh ăn, mẹ và cha đã lớn tuổi, bình thường phải ăn nhiều canh hơn."

"Con ấy đứa nhỏ này, vừa giết gà vừa đem xương sườn, cũng không sợ mẹ chồng và đại tẩu con không vui trong lòng." Tiền thẩm nói.

"Yên tâm đi, xương này còn là mẹ chồng con nhất định bảo con xách tới đấy, đại tẩu con bình thường cũng hay đem mấy thứ này về nhà mẹ đẻ, hai người họ là người như thế nào con cũng biết mà." Trúc ca nhi rửa dao rồi bắt đầu chặt gà.

Ngoài phòng, đoán chừng là Sâm tiểu tử mới chơi ở bên ngoài chạy về.

Tuy rằng không thích ca tẩu, nhưng Trúc ca nhi vẫn có cảm tình với cháu của mình, khom lưng sờ đầu của Sâm tiểu tử: "Đi đâu chơi mà chạy về đầu đầy mồ hôi như vậy, mau ra ngoài lau đi, giữa trưa có gà ăn đấy."

Nghe thấy có thịt gà để ăn, Sâm tiểu tử nhảy cẫng lên rồi phi ngay ra ngoài.

"Làm gì mà chạy nhanh thế, không sợ ngã à."

Trúc ca nhi nghe thấy âm thanh thì thẳng người lại, liền thấy Lý thị đang bưng cái chén từ ngoài bước vào.

Y gọi một tiếng: "Tẩu tử."

Lý thị cũng kéo khóe miệng cười một cái: "Trúc ca nhi và ca tế về đấy à."

Nói rồi đặt đậu phụ trong tay lên trên bệ bếp: "Hôn nay sinh nhật cha, con đặc biệt dẫn Sâm tiểu tử đến cổng thôn mua hai miếng đậu phụ về."

"Tẩu tử có lòng." Miệng Trúc ca nhi nói, tay thì tiếp tục chặt gà.

Lý thị liếc mắt nhìn xương sườn và gà trên bệ bếp thì sắc mặt tốt hơn đôi chút, nói: "Vẫn là Trúc ca nhi có lòng, ta nói sao mới nãy cháu trai ngươi vui như thế, nó thích ăn gà luộc nhất, ta đi ngâm ít táo đỏ và nấm hương, đợi tới trưa luộc gà ăn."

"Tẩu tử không cần vội." Trúc ca nhi nói, "Trưa nay đã định lấy gà này hầm với hạt dẻ, cha thích ăn kiểu này, Sâm Nhi muốn ăn gà luộc, lần sau các người lại giết gà nấu cho nó, ta trông gà nuôi ở sân sau đã béo quay ra rồi, có thể giết."

Lý thị nghe thế, vẻ mặt thoáng sầm xuống.

Đợi nàng đi ra ngoài, Tiền thẩm không biết làm sao, bảo: "Con coi con, chẳng dễ gì về nhà được một chuyến, sao không bỏ qua cho tẩu tử con? Đều là thịt gà, theo nó thì cũng có sao đâu? Cha con lớn tuổi như vậy rồi, đâu phải người ham ăn."

"Hôm nay là sinh nhật của cha con, đương nhiên phải theo khẩu vị của cha chứ, lần nào trong nhà giết gà đều luộc ăn, Sâm tiểu tử cũng có thiếu bữa nào đâu."

Trúc ca nhi mặc kệ nói, "Lại nói, tính con như vậy rồi, lòng dạ rất hẹp hòi, nhưng tính tình vẫn còn tốt hơn nàng, nếu như gặp người tính toán so đo, con cũng có thể so đo tính toán hơn."

Tiền thẩm không có cách gì với Trúc ca nhi, lắc lắc đầu không nói nữa.

Một chén gà hầm hạt dẻ to, lại rán một chén đậu phụ, kho hai củ khoai sọ, tráng mấy quả trứng gà.

Bưng đồ ăn và cơm lên bàn, hạt dẻ trong gà hầm ngọt mềm, thịt gà tươi non, Sâm tiểu tử nhặt hạt dẻ và thịt gà cũng ăn đến ngon miệng, chỉ có sắc mặt của Lý thị là vẫn khó coi.

Gắp cho cha mẹ y mấy đũa thịt gà, Trúc ca nhi và Ngô Nhị Hà không đụng tới thịt và trứng gà trong mấy chén kia, chỉ gắp rau bên cạnh ăn.

Ăn cơm trưa xong, Trúc ca nhi phụ Tiền thẩm rửa sạch chén đũa, ngồi nói chuyện cùng cha y một lúc, rồi dẫn Ngô Nhị Hà đi luôn.

Gió trời lồng lộng, ngập tràn khí thu*, mùa này gió trên đỉnh núi thổi vào người thoải mái không thôi.

(*) Gốc là 一味天凉, 十分秋气.

Quần áo bị gió thổi bay phần phật, Trúc ca nhi quay đầu hỏi Ngô Nhị Hà: "Chưa ăn no phải không?"

Ngô Nhị Hà gãi gãi đầu cười ngây ngốc hai tiếng.

Hắn biết giữa Trúc ca nhi và ca tẩu nhà mẹ đẻ tranh cãi không vui, vừa nãy trên bàn ăn, hắn ăn xong rồi cũng ngại đưa chén cơm trong tay qua mở miệng xin thêm chén thứ hai.

Hoa quế trong thôn nở rồi, Trúc ca nhi ngẩng đầu ngắm, y thấp nên với không tới, Ngô Nhị Hà liền thò tay bẻ mấy cành cho y.

Trúc ca nhi nhận lấy ngửi thử: "Thơm quá, quay về phơi khô rồi làm mấy cái túi thơm để dùng."

Y cầm hoa quế đi đằng trước, còn không quên giục Ngô Nhị Hà: "Chưa no còn không đi nhanh một chút, về nhà lấy rau dương xỉ ngâm và trứng gà làm mì sợi cho ngươi ăn."

Thêm nước vào nồi, nhóm lửa lớn, một vắt mì sợi nhỏ, một muỗng nước canh nóng, một cọng hành xanh.

Sau vài lần sôi, cho một muỗng rau dương xỉ ngâm cay thơm vào, đặt thêm một quả trứng chần vừa mềm vừa trơn.

Một bát mì lớn bốc hơi nóng, mùi nước sốt và hành mỡ lan tỏa.

Ngô Nhị Hà vớt trứng gà dưới đáy bát lên, thổi nguội rồi đút cho Trúc ca nhi một nửa, lúc này mới dùng đũa khều mì sợi, vừa bị nóng đến hít hà vừa bỏ vào trong miệng.

Trúc ca nhi ngồi bên cạnh cười: "Ăn chậm một chút, cũng không sợ canh nóng phỏng lưỡi."

Mì sợi dai dai, kết hợp với rau dương xỉ ngâm cay cay, xì xà xì xụp ăn hết một bát, thỏa mãn cả bụng, vào ngày thu mà trên trán cũng phải ra một lớp mồ hôi mỏng.

Cư ngụ núi thẳm, một nhà, mấy người, ba bữa, bốn mùa, có tiếng chim hót và khói bếp phụ họa, cuộc sống bình đạm dường như cũng phát ra âm thanh.

- --------------------------

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.