Gió lùa từng cơn cắt da cắt thịt. Trước cổng phủ, hai cảnh vệ mặc giáp, cầm giáo, nghiêm trang đứng gác.
Bất chợt, từ góc đường có một người dáng dấp mảnh dẻ bước xăm xăm tới cổng. Người lính gác bên trái định quát hỏi là ai, nhưng thấy rõ mặt người anh ta cười xoà: “Đường tiểu công tử, buổi trưa vừa ghé qua chơi, sao giờ lại tới nữa thế?”
Những người cảnh vệ này đều là lính già trở về từ chiến trường, nghe nói ai cũng bị thương trong lúc tham chiến. Họ toàn là người ở Cô Tô, giải ngũ rồi không có công ăn việc làm, liền được Lương đại nho chiêu mộ về làm thủ vệ. Lính già cậy có công thường sinh thói kiêu căng càn rỡ. Nhưng kể từ làm việc ở Lương phủ, được cảm hóa bởi khí độ văn nhân của Lương đại nho, chỉ sau vài năm mưa dầm thấm lâu, những người lính này đều đứng đắn hẳn lên, cư xử với ai cũng lễ độ.
Đường Thận nói: “Đại ca ơi, phiền anh báo giúp một tiếng cho tôi gặp Lương đại nhân với.”
“Cậu chờ chút nhé.”
Một lúc sau, quản gia dẫn Đường Thận tới thư phòng Lương phủ.
Lương Tụng đang vẽ dở một bức tranh, ông vẽ một cây phong lan bám rễ trên vách núi cheo leo dựng đứng, đương đầu với gió lạnh. Người thanh niên mặc trường sam màu xanh mài mực cho ông. Anh này tên là Từ Tuệ, tự Ngu Chi, là cháu họ của Lương đại nho.
Thấy Đường Thận tới, Lương đại nho chỉ ngẩng lên nhìn cậu một cái rồi lại cúi xuống vẽ tiếp. Ông cầm cây bút lông dê mảnh, vừa lia bút trên giấy vừa hỏi: “Sao mới đi được một canh giờ đã quay lại rồi? Quên gì thì để Ngu Chi tìm với con.”
Đường Thận bước ba bước lại gần, lấy từ trong tay áo ra một vật.
“Tiên sinh.”
Lương Tụng ngẩng lên nhìn, thấy vật đó thì có chút ngạc nhiên.
Hồi lâu, Lương Tụng cười: “Ngu Chi, con ra ngoài trước đi.”
Từ Tuệ vái ông rồi rời khỏi thư phòng.
Đường Thận nâng tấm thiệp trên hai bàn tay, cúi người hành lễ.
Lương Tụng nói: “Ngu Chi đi rồi, con qua đây mài mực cho ta.”
Đường Thận đi tới, cậu đưa thiếp mời cho Lương Tụng, ông đặt nó ở góc bàn rồi vẽ tiếp. Đường Thận vén tay áo, cầm thỏi mực mài lên nghiên. Dưới ngòi bút lông dê, nhành hoa lan trên ghềnh đá dần dần hiện ra – cao thượng, trang nhã. Thư phòng lặng thinh không tiếng động.
Vẽ xong một đóa hoa lan, Lương Tụng mới hỏi: “Con đến có việc gì?”
Đường Thận vừa mài mực vừa thưa: “Con vội tới đây để nhận lỗi với tiên sinh ạ.”
“À, nhận lỗi hả? Con làm sai điều gì chăng?”
Đường Thận ngẫm nghĩ cẩn thận rồi mới đáp: “Tiểu tử có thể không làm sai điều gì, nhưng chưa chắc đã làm đúng.”
“Vậy con nói xem, con đúng ở đâu, sai ở đâu nào.”
“Ba ngày trước tết Trùng Cửu, tiên sinh gửi thiệp cho tiểu tử, mời đến phủ ôn chuyện cùng tiên sinh. Khi ấy, tiểu tử làm đúng được một việc là đoán ra thời điểm hẹn – tức buổi trưa ngày Trùng Cửu, sang hầu tiên sinh thưởng cúc trong đình. Nhưng từ hôm đó tới nay, tiểu tử vẫn luôn sai một việc.”
“Việc gì thế?”
“Cuồng vọng tự đại, đắc ý vong hình1.”
[1] Đắc ý vong hình: quá đắc chí đến nỗi không giữ được thái độ đúng mực.
Lương Tụng gác bút, cười: “Lão phu đã trách con tiếng nào đâu. Tiểu nhi lang này, con nghiêm khắc với bản thân quá đấy.”
Đường Thận cũng buông thỏi mực: “Tiên sinh không quở trách mới khiến con càng nghĩ càng thấy muôn phần hổ thẹn. Tiểu tử bất tài, thế mà dám cuồng ngôn là đọc gì cũng chỉ một lần là nhớ, đòi đọc ngược cả Tứ thư, Ngũ kinh, khiến tiên sinh hai lần nhắc khéo rằng, lão tú tài đọc sách năm, sáu mươi năm cũng không dám huênh hoang như vậy. Câu đố chữ ẩn trong thiệp, con chưa từng tự giải mã được. Giờ con đã hiểu, tiên sinh nhắc đến chuyện thưởng cúc là có lòng chân thành mến con, lại đem hai chữ ‘trùng dương’ giấu trong thơ là muốn dặn dò rằng, con còn trẻ người non dạ, phải biết trên đời núi cao còn có núi cao hơn, không được càn rỡ.”
Lương Tụng chăm chú nhìn Đường Thận hồi lâu, thủng thẳng bảo: “Những điều lão phu muốn nói, con đã nói hết. Những điều lão phu không muốn nói, con cũng nói sạch. Tiểu Đường lang à, con khiến lão phu chẳng còn lời nào để nói nữa rồi.”
Ngoài miệng thì bảo vậy, nhưng Lương đại nho lại vuốt chòm râu dài, gương mặt ánh lên vẻ mừng rỡ.
Đường Thận thấy Lương đại nho không giận thì thở phào trong lòng. Cậu nói tiếp: “Trước khi đến đây, tiểu tử đã được nghe về một câu chuyện xưa.”
“Ồ, là chuyện gì thế?”
Đường Thận chần chừ giây lát, đánh bạo nói: “Năm Khai Bình thứ ba, đại quân nhà Liêu xâm lược, tiến đến sát thành Ngũ Nguyên, khí thế hùng hổ.” Đường Thận dứt câu, Lương đại nho đã biến sắc, môi ông mấp máy nhưng chẳng thốt nên lời. Đường Thận tiếp tục: “Người Liêu bất ngờ tấn công, binh mã trong thành Ngũ Nguyên hoàn toàn không đủ để chống đỡ. Năm ấy phải năm trời làm hạn, lương thảo trong thành hết sức khan hiếm. Viện binh của triều đình còn cách mười ngày đường mà quân Liêu đã vây chặt thành Ngũ Nguyên.”
“Không phải mười ngày đâu, mất nửa tháng quân tiếp viện mới tới.”
Đường Thận sững người trong giây lát: “Vâng, sau nửa tháng viện binh mới tới được. Thủ thành Ngũ Nguyên thấy quân dân bị vây khốn ròng rã trong thành, lương mỗi ngày một cạn, bèn xuất mười vạn ngân lượng cho Đô chỉ huy sứ lúc bấy giờ, nhờ cậy ông ta lén ra khỏi thành gom góp lương thảo.”
Năm Khai Bình thứ ba, tức là hai mươi mốt năm về trước, khi tân đế mới lên ngôi, trong nước nội loạn liên miên, khiến quốc lực tổn hao nặng nề. Suốt mười năm sau, quân Liêu liên tục quấy rối biên cương lãnh thổ, khiến cho dân chúng lầm than vô cùng.
Thành Ngũ Nguyên vốn không giáp với đất của người Liêu nên chỉ cắt ba ngàn quân giữ thành. Chẳng có ai ngờ người Liêu thừa cơ Đại Tống gặp hạn hán đem quân xâm lược, chỉ mấy ngày đêm đã chiếm thành U Châu, đại quân áp sát đến tận chân thành Ngũ Nguyên. Tướng thủ thành bấy giờ là Trịnh Nguyên Bình, xuất thân bình dân, là một mãng phu chiến tướng lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Người Liêu vây thành, Trịnh Nguyên Bình thủ thành được ba ngày thì lương cạn. Ông bèn cho vời Đô chỉ huy sứ Lương Tụng, quỳ xuống đất cậy nhờ Lương Tụng đem mười vạn bạc trắng đi Tây Hạ, đổi lấy lương thực về cứu dân quân.
Khi ấy, Trịnh Nguyên Bình đã nói: “Ta với Ngũ Nguyên, đồng sinh cộng tử.”
Nhân lúc buổi đêm, Lương Tụng lẻn ra khỏi vòng vây địch, chạy một mạch tới Tây Hạ. Từ Tây Hạ đến Ngũ Nguyên vốn có một tuyến đường thủy, nếu vận lương trên tuyến đường này thì có cơ hội tránh được quân trinh thám của Liêu. Trở ngại lớn nhất là việc Tây Hạ có quan hệ đồng minh với cả Liêu và Tống, khế ước rành rành giấy trắng mực đen. Lương Tụng tìm được một nhà buôn người Tây Hạ, kẻ này thấy mười vạn bạc trắng thì thèm rỏ dãi, song e sợ đảo lộn chiến cục nên cứ lần lữa mãi.
Lương Tụng lúc đó mới hơn ba mươi tuổi, là tài tử tiếng tăm lẫy lừng Đại Tống. Nghĩ đến cảnh mỗi ngày trôi qua, lương thảo trong thành cạn kiệt dần mà vòng vây quân Liêu càng siết chặt, Lương Tụng quỳ xuống không ngần ngại, dập đầu lia lịa đến bật cả máu, khẩn nài thương gia Tây Hạ cho hai thuyền chở đầy lương thảo gửi đến thành Ngũ Nguyên.
Nhưng than ôi, khi Lương Tụng vận lương về tới nơi, thành Ngũ Nguyên đã bị phá! Đầu Trịnh Nguyên Bình bị quân Liêu chặt, đem bêu trên tường thành.
Đường Thận kể tiếp: “Khi ấy, tiên sinh thấy mình đã phụ phó thác của Trịnh tướng quân, liền rút bảo kiếm toan lấy cái chết đền tội, may mà có tùy tùng cản lại mới cứu được.”
Kí ức về những con người và sự việc của hai mươi năm trước ùa về trong đầu Lương Tụng, ông thở dài thườn thượt: “Thấm thoắt đã hai chục năm trôi qua. Đến năm Khai Bình thứ mười, ở Sóc Châu, quân Tống mới đại phá quân Liêu. Sao hôm nay con lại nhắc tới chuyện này?”
Đường Thận xuống khỏi chỗ bàn học, kính cẩn vái dài, thưa: “Tiểu tử xuất thân thôn dã, từ nhỏ chỉ quanh quẩn với con nhái con sâu chứ chưa biết thế nào là thiên hạ. Hôm nay được nghe một vị tú tài già thuật lại chuyện này, tiểu tử mới thấm thía câu ‘người góa phụ chẳng băn khoăn đến đường tơ mình dệt, nhưng lại lo lắng cho sự sụp đổ của nhà Chu, không biết điều gì sẽ xảy đến với mình’ mà tiên sinh nói.”
Lương Tụng nhìn cậu, bảo: “Vậy con thử diễn giải hàm nghĩa của câu đó xem.”
Lương Tụng giật mình như đề hồ quán đỉnh2, lặng người hồi lâu.
[2] Từ ngữ trong Phật học, ám chỉ sự khai thông tư tưởng.
Mãi sau ông mới lẩm bẩm “thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách” rồi bất chợt cười sang sảng: “Chí phải, thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách! Con nói hay lắm. Con có biết vì sao lão phu lại đưa con tấm thiệp mời này không? Hay phải nói, ngay từ ban đầu, ở thôn Triệu gia, tại sao ta lại cho con danh thiếp của mình?”
Đường Thận giật mình.
Vốn không mấy băn khoăn về vấn đề này, giờ nghiền ngẫm lại, cậu bỗng thấy mình chẳng khác nào ếch ngồi đáy giếng, ngu muội vô tri.
Từ lúc vượt thời gian đến giờ, cậu vẫn tự cho bản thân mình ở trên cao tít tắp, là một người đi trước cả nghìn năm, học rộng hiểu nhiều gấp vạn lần so với người cổ đại. Bất luận là Tằng phu tử hay Lương đại nho, cậu chưa hề kính trọng họ đúng mực. Cậu như ngọn thác từ trên cao trút xuống, chẳng buồn để một ai vào mắt mình. Hôm nay ngộ ra cái sai của bản thân, Đường Thận bỗng thấy xấu hổ không để đâu cho hết.
Mang tâm trạng day dứt khôn cùng, Đường Thận thành khẩn thưa: “Tiểu tử không biết ạ.”
Chẳng ngờ, Lương Tụng nói: “Bởi vì, con cực kì giống ta!”
“Ơ?”
“Thần đồng có trí nhớ siêu phàm, đọc một lần không quên, lão phu đã từng gặp. Thiên hạ có mười đấu văn chương thì mình nó chiếm tám đấu. Nó nói với lão phu rằng, mười hai tuổi đỗ tú tài, mười sáu tuổi đỗ cử nhân, hai mươi mốt tuổi giành ngôi Trạng nguyên. Đường Thận, con có dám quả quyết rằng mình đứng nổi trong hàng Tiến sĩ vào năm hai mươi mốt tuổi không?”
Nếu là khi trước, Đường Thận dám nói thế lắm chứ. Nhưng sau hôm nay, cậu không còn dám kiêu căng. Cậu biết ở thời cổ đại này, thi đỗ Tiến sĩ khó như lên trời.
Ba năm một khoa thi lớn, mỗi khoa thi chỉ chấm đậu ba trăm tiến sĩ, bình quân mỗi năm chỉ vỏn vẹn một trăm người đỗ.
Một trăm người đó được tinh tuyển trong phạm vi toàn Đại Tống chứ chẳng phải ở một phủ thành hay một châu! Sau này, Thanh Hoa, Bắc Đại mỗi năm có khoảng mười nghìn người trúng tuyển, nhưng mỗi khoa thi cổ đại chỉ lấy đúng một trăm người mỗi năm. Thư sinh khắp thiên hạ ai ai cũng là bạn học, bạn thi của mình.
Đường Thận đáp: “Tiểu tử không dám.”
Lương Tụng thấy dáng vẻ khiêm tốn, hối lỗi của Đường Thận thì hài lòng gấp bội. Ông thở dài: “Chao ôi, con quả thực là giống lão phu lắm. Đường Thận à, hai mươi tư năm trước lão phu cũng hệt như con, cảm giác mình xòe một bàn tay là nắm trọn được cả thiên hạ. Nhưng con phải nhớ lấy, trên đời này luôn có việc mình không làm được, luôn có người mình không cứu nổi. Con đã từng thấy thành U châu xương trắng vạn dặm, máu chảy thành sông chưa?”
Đường Thận thành khẩn thưa: “Tiên sinh, con đã quá tự cao tự đại rồi ạ.”
“Biết lỗi là tốt rồi, lại đây. Tiểu Đường lang ơi, sao ta cứ thấy dáng vẻ tự tin kiêu ngạo lúc trước hợp với con thế nhỉ? Cái câu ban nãy con nói nghe khá đấy, thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách!”
Da mặt Đường Thận có dày hơn nữa thì lúc này cũng phải ngượng chín người. Nếu cậu dám múa rìu qua mắt thợ nữa, tiên sinh đã đuổi cổ từ lâu rồi.
Lương Tụng hỏi: “Bao giờ con định tiếp tục ôn luyện?”
“Dạ, chuyện này…”
“Thi huyện sang năm sợ là con không dự kịp, chỉ còn ba tháng, con đã học thể văn bát cổ3 chưa?”
[3] Thể văn dùng trong thi cử, có nguồn gốc từ thời Tống
Đường Thận ỉu xìu: “Chưa ạ…”
Lương Tụng: “Cuối tháng này, con đến trường phủ đi học đi.”
Đường Thận kinh ngạc hỏi: “Tiên sinh, trường của phủ không phải chỉ dành riêng cho các tú tài theo học thôi ạ?”
“Đệ tử của ta cũng đến học được.”
Đường Thận hớn hở: “Thật thế hả tiên sinh?”
Lương Tụng cười mắng: “Thằng nhóc lươn lẹo này, từ tết Trùng Cửu đến giờ, mi năm lần bảy lượt tới bái phỏng ta, không phải để bái ta làm thầy à?”
Đường Thận giả đò ngây thơ: “Tiểu tử chẳng qua chỉ muốn thăm tiên sinh thôi mà.”
“Được rồi, về đi.”
Tiễn Đường Thận về, Lương đại nho nhìn bóng lưng gầy gò của cậu, càng nghĩ khoái chí, càng nghĩ càng hả hê. Ông cuốn quyển tranh hoa lan lại, lấy giấy mực ra viết thư. Viết một mạch xong, ông nghĩ ngợi, lại đặt bút thêm một câu.
“…Lão già ranh kia, mười tám năm trước lão có được đứa trò giỏi, năm lần bảy lượt đem chuyện đó ra huênh hoang trước mặt ta, lão khoe cũng tròn mười tám năm rồi đấy! Để ta nói cho lão biết, hôm nay ta cũng mới nhận một học trò có tài đọc đâu nhớ đấy như Tử Phong nhé! Đã thế, nó chỉ mới mười ba tuổi mà đã nói với ta rằng:
‘Thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách!’
Lúc Tử Phong mười ba tuổi có nói được câu này không?”
Lương Tụng viết mỗi bức thư mà múa bút vẩy mực đến là đắc ý. Thư viết xong, ông gọi đứa cháu họ: “Quyển tranh hoa lan và phong thư này con hãy gửi đến Thịnh Kinh cho lão già ranh kia nhé.”
“Vâng ạ.”
(Bản edit phi lợi nhuận chỉ được up tại makyo0117.wordpress.com; hãy mua chương cho tác giả trên Tấn Giang nếu có thể)
Mãi đến tận khi ra khỏi cổng chính Lương phủ, Đường Thận vẫn trong trạng thái lâng lâng vui sướng.
Lương đại nho nói không sai, ngay từ đầu, Đường Thận không tự dưng mà tới tìm ông, cậu có tư tâm muốn bái Lương Tụng làm thầy.
Lương đại nho cũng không phải người không nhận đồ đệ. Nghe kể rằng trước năm Khai Bình thứ mười, khi ông còn giữ chức Đô chỉ huy sứ, và hồi tiên đế còn tại vị, Lương Tụng đã từng có một vài học trò. Chỉ tiếc rằng phần lớn đệ tử của ông đều bỏ mạng trên chiến trường, còn một đệ tử khác thì mất vì bệnh tật cách đây vài năm. Cũng có thể do ông có tuổi rồi nên không nhận học trò nữa.
Về lí mà nói, Đường Thận chưa đủ tư cách khiến ông phải phá lệ, nhưng Đường Thận đặt niềm tin ở việc Lương Bác Văn tự tay đưa danh thiếp cho mình.
Dẫu sau này không dấn thân vào chốn quan trường, cái tiếng “đệ tử của Lương Bác Văn” sẽ giúp cậu bớt đi nhiều mối lo.
Song, sau hôm nay, Đường Thận thực lòng thực dạ muốn bái Lương Tụng làm thầy.
Cậu không có khí tiết như ông, nhưng cậu tôn sùng cốt cách con người ông. Thiên hạ này có thể bớt đi một Đường Thận, nhưng không thể thiếu người như Lương Tụng được.
Gần về đến nhà, từ xa Đường Thận đã thấy em gái đứng chờ ngoài cửa. Thấy bóng cậu, Đường Hoàng hớt hải chạy ra tận nơi.
Đường Thận hẵng còn đắc ý về chuyện hôm nay, cười bảo: “A Hoàng, em đoán xem anh vừa làm gì nè!”
Đường Hoàng giậm chân phành phạch: “Đường Thận thối, anh mần chi em cũng mặc4, ở nhà sinh chuyện rồi, anh có nhanh cái chân lên không!”
[4] Trong câu “anh mần chi em cũng mặc” (我管你干甚去) Đường Hoàng dùng từ 干甚 (làm cái gì) là phương ngữ dùng ở vùng Tứ Xuyên, Sơn Tây, Nội Mông. Bạn nào biết cách chuyển ngữ hay hơn thì chia sẻ với mình nhé!