Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 134



Đường Thận vẫn chưa hết hoang mang. Cậu ngồi xuống, nhấc đũa lên ngoan ngoãn ăn cơm.

Đây là lần đầu tiên Đường Thận đến phủ Hữu tướng. Nhà Hữu tướng ở khu đông thành, vừa rộng rãi vừa nguy nga, tráng lệ. Chưa xét đến những nơi khác, chỉ tính trong căn phòng tiếp khách này thôi, ngay trên bức bình phong đã thấy tranh thủy mặc vẽ cảnh núi non của danh họa nức tiếng thời nay. Trên tường treo bút tích thật của Thư Thánh triều trước. Ghế phải là ghế la hán làm từ gỗ hồng mộc, bàn cũng là bàn bát tiên đóng bằng gỗ tử đàn.

Lượm đại một món cũng đáng giá cả ngàn lạng bạc trắng.

Vương Thuyên gọi Đường Thận đến phủ để đãi tiệc, vậy mà nơi đây chẳng có ai khác ngoài hai người bọn họ.

Hiện giờ, phủ Hữu tướng rộng mênh mông lặng ngắt như tờ. Người hầu kẻ hạ bưng thức ăn lên, bày biện bàn ăn muôn màu rực rỡ. Đường Thận càng thêm bối rối, chẳng còn bụng dạ nào mà ăn. Lòng đầy băn khoăn, lại lo Vương Thuyên không ưa tán gẫu trong bữa ăn, cậu định bụng chờ đến khi hết bữa rồi hẵng hỏi.

Ai biết đâu, các món ăn cứ rồng rắn kéo nhau lên từ nhà bếp như chẳng có điểm dừng.

Nhận ra sự bất thường, Đường Thận bèn bỏ đũa xuống, nói: “Hạ quan bái kiến Vương tướng công.”

Vương Thuyên cười: “Cứ gọi thúc tổ là được.”

Đường Thận nghe câu này thì ngớ ra giây lát, rồi cũng gọi theo: “Thúc tổ.”

Vương Thuyên gật gù: “Ngoan lắm.”

Đường Thận: “Hôm nay thúc tổ gọi cháu đến đây chắc là có việc cần nói.”

Vương Thuyên ngạc nhiên: “Cháu nói thế là sao? Chẳng nhẽ không thể vì ta muốn gặp cháu, nên đã tranh thủ lúc Vương Tử Phong đi vắng, cho người đón cháu sang đây hỏi chuyện à?”

Đường Thận: “…”

Đường Thận: “Nếu thúc tổ muốn thì bất cứ lúc nào người cũng có thể gặp cháu mà, vội chi một chốc một lát? Huống hồ Vương… Vương đại nhân đi U Châu nào phải mươi mười lăm ngày đã về được? Thúc tổ xuất thân từ thế gia, coi trọng lễ phép, cháu là phận dưới, đúng ra phải đến chúc Tết người mới phải đạo. Lỗi tại cháu sơ sót, thiếu chu toàn lễ nghi. Nếu muốn gặp, thúc tổ gọi một tiếng là cháu đến ngay, đâu cần phải đường đột như hôm nay?”

“Đường đột?”

“Không có danh thiếp, chỉ cho một cỗ xe ngựa chở sang, lẽ nào không phải đường đột ạ?”

Vương Thuyên lặng yên nhìn Đường Thận. Ông vuốt chòm râu tuyệt đẹp, cười bảo: “Giờ thì ta đã hiểu tại sao thằng cháu ta cứ khăng khăng chấm cháu rồi.”

Mặt Đường Thận đỏ bừng, may mà trời rất tối nên cậu không bị lộ.

Trong lúc hai người nói chuyện, nhà bếp lại dâng thêm hai món điểm tâm. Đồ ăn lên càng lúc càng nhanh, món trước mới nếm được hai miếng đã bị dọn xuống nhường chỗ cho món sau. Mặc dù Đường Thận là quan tứ phẩm, từng thưởng thức cơ man của ngon vật lạ trong thời gian theo Vương Tử Phong, nhưng dù cộng lại hết thì những món cậu ăn trong năm năm qua cũng không nhiều bằng số món cậu thấy trong bữa ăn này.

Càng nhiều món ăn được bê lên, tâm trạng Đường Thận càng nặng nề.

Cậu hỏi: “Thúc tổ ơi, rốt cuộc là có chuyện gì thế ạ?”

Vương Thuyên: “Chuyện gì ư? Có thể có đấy, mà cũng có thể là không. Không xảy ra thì mình biết thế, mà xảy ra thì… mặc nó thôi.”

Đường Thận sững người.

Giờ Hợi gần hết, giờ Tý sắp sang, bầu trời đen kìn kịt. Vương Thuyên đủng đỉnh nhâm nhi trà, Đường Thận ngồi cạnh trầm tư. Đến giờ Tý, ngoài nhà bỗng có tiếng người đi lại nhốn nháo. Bàn tay nâng chén trà của Vương Thuyên thình lình siết chặt, Đường Thận cũng rướn thẳng lưng lên.

Nhưng rồi những âm thanh ấy dường như chẳng can hệ gì đến phủ Hữu tướng. Có lẽ, toán người đó chỉ lướt qua rồi đi xa dần ngay.

Song kể từ lúc này, tiếng chân người, tiếng vó ngựa không hề ngơi nghỉ.

Ánh đuốc rừng rực khắp nửa thành Thịnh Kinh, hắt lên nền trời một vầng đỏ đọc. Dân chúng bị tiếng binh mã ngược xuôi đánh thức mà chẳng dám hé cửa ngóng xem sự tình. Người ta lèn cửa cho thật chặt, chỉ lo có kẻ xộc vào nhà. Tuy thế, mục tiêu của toán lính không phải nhà dân. Họ lũ lượt kéo nhau về phía bắc, thẳng tiến đến hoàng cung

Vừa qua giờ Tý, một quan sai chạy vào phủ Hữu tướng truyền tin.

“Nhị hoàng tử cướp ngôi rồi!”

Đường Thận bàng hoàng, còn Vương Thuyên chỉ thở dài thườn thượt.

Đường Thận bình tĩnh lại, cậu đứng phắt dậy, hỏi: “Ngươi có chắc không?”

Quan sai: “Tin từ trong cung làm sao mà sai được ạ. Nghe nói, Thiên tử ốm liệt giường mãi không tỉnh, Nhị hoàng tử bèn câu kết với kẻ gian, thừa cơ soán vị. Hiện giờ hai hoàng tử khác đã hay tin nên sắp sửa vào cung cứu giá. Đây là thông tin mà Hữu tướng đại nhân sai tiểu nhân đi dò la, cách thức cũng do đại nhân chỉ, không thể giả được.”

Đường Thận ngồi phịch xuống ghế.

Một lúc lâu sau, quan sai ra ngoài, gian sảnh chỉ còn lại Đường Thận và Vương Thuyên.

Thành Thịnh Kinh rần rần tiếng hét hò, tiếng ngựa hí, lẫn lộn trong tiếng tướng sĩ hành quân rầm rập liên hồi kì trận. Lửa vây kín mít khu vực hoàng cung. Phủ Hữu tướng cách hoàng cung hẳn một quãng, từ đây chỉ thấy xa xa ngút trời ánh đỏ, bốn bề lặng ngắt.

Qua một chốc, quản gia phủ Hữu tướng vào bẩm báo: “Tứ hoàng tử Triệu Kính sai thuộc hạ đến mời tướng công vào cung tróc nã phản tặc.”

Vương Thuyên thờ ơ hỏi: “Đuổi đi chưa?”

Quản gia: “Đuổi rồi ạ.”

Vương Thuyên: “Thế thì không việc gì.”

Ông vừa dứt lời, nhà bếp lại mang thêm thức ăn lên. Tiếng bát đĩa chạm lên mặt bàn lanh ca lanh canh, hệt như tâm trạng của Đường Thận trong thời khắc này. Kể từ lúc vào phủ Hữu tướng, cậu cứ mù mờ như lạc giữa mê cung, chẳng rõ chuyện gì đã phát sinh. Giờ đây, Đường Thận bỗng minh mẫn hẳn, ngỡ như có bàn tay vô hình xua tan mây mù, hé lộ chút chân tướng le lói cho cậu.

Đường Thận ngẩng lên hỏi: “Bây giờ cũng có người tới phủ mời cháu vào cung phải không?”

Khi cậu hỏi câu này cũng là lúc Diêu Tam mở cổng phủ Thám hoa cách đó nửa thành Thịnh Kinh. Anh ta nói với một người đàn ông trung niên mang dáng dấp của một mưu sĩ1 rằng: “Đại nhân nhà tôi không có ở phủ, ngài ấy đi vắng từ sớm rồi.”

Người mưu sĩ ngẩn ra.

Trong phủ Hữu tướng, đôi mắt Vương Thuyên rực sáng: “Vì sao cháu lại nói thế?”

Đường Thận: “Nhị hoàng tử manh tâm cướp ngôi. Muốn lùng bắt anh ta, hai hoàng tử còn lại không thể nào hành động tùy tiện, vì như thế là dấy binh vô cớ. Họ cần phải mời các vị đại thần vào cung hỗ trợ, mà lựa chọn tốt nhất là các đại quan nhất phẩm như Thúc tổ. Song quan lại bình thường thì họ mời được, còn như thúc tổ mà đã không muốn xuất hiện thì dẫu là hoàng tử cũng không thể bắt ép. Vì thế khi thúc tổ đuổi người mời đi, họ buộc phải ra về mà không có lựa chọn nào khác.”

“Đúng lắm.” Vương Thuyên ra hiệu cho cậu nói tiếp.

“Còn cháu lại khác. Cháu làm Gián nghị đại phu – một chức quan tứ phẩm. Dẫu được hoàng đế ưu ái đi chăng nữa thì vẫn chỉ là tứ phẩm mà thôi. Hoàng tử muốn cháu làm gì, cháu há có thể bất tuân? Bất kể cháu đầu quân về phe nào, sự góp mặt của cháu cũng đại diện cho sự ủng hộ của tiên sinh, của sư huynh, và có khi là của cả thúc tổ nữa. Thúc tổ sai người đến đón cháu sang đây ngay trong đêm, vốn là vì lẽ đó!”

Vương Thuyên bật cười lớn, đúng lúc có tiếng binh khí chát chúa vọng vào từ ngoài tường. Ông cười thật sảng khoái, như thể chẳng hề hãi sợ điều đang diễn ra ngoài kia. Vương Thuyên khen: “Tử Phong thích cháu là quá hợp lí, phải thế mới đúng!”

Đường Thận nắm chặt tay: “Cháu có điều này muốn hỏi.”

“Cứ nói đi đừng ngại.”

“Làm thế nào mà thúc tổ biết tối nay Nhị hoàng tử sẽ cướp ngôi?”

“Chi bằng cháu thử đoán xem?”

Đường Thận im lặng, chìm vào suy tư thật lâu.

Cuộc đụng độ ngoài phủ Hữu tướng đã kết thúc, tất cả trở về với thinh lặng.

“Thúc tổ hoàng toàn không giống cháu. Người sắp đặt trong triều đình hàng bao năm nay, đâu đâu cũng có thân tín. Có lẽ người đã lần ra manh mối từ việc ty Ngũ thành binh mã2 được điều động trong đêm nay, từ lúc tướng sĩ doanh trại ven đô3 rục rịch, từ quân Ngự lâm…” Cậu dừng lời, chần chừ một chốc mới hỏi tiếp: “Nhưng nếu thúc tổ đã biết trước thì hẳn những người khác cũng biết điều này. Bệ hạ lâm trọng bệnh mê man suốt, hiện giờ người có thể ngăn cản trận cung biến chỉ còn hai vị hoàng tử. Nhị hoàng tử cướp ngôi, Tứ hoàng tử, Ngũ hoàng tử vào cung giải cứu…”

Đường Thận chợt im bặt.

Vương Thuyên ngắm bàn ăn đầy ắp sắc màu, cười hiền từ: “Thấy bất hợp lí rồi hả?”

“Thúc tổ là trụ cột của Đại Tống, nếu đã nắm được chuyện này từ sớm, người nhất định sẽ không để mặc nó diễn ra. Ngoài thúc tổ, Kỷ tướng chắc hẳn cũng biết và cũng không đời nào khoanh tay đứng nhìn. Như vậy, người khiến thúc tổ phải đứng ngoài cuộc, bất lực chứng kiến Nhị hoàng tử và hai vị hoàng tử còn lại giao tranh, chỉ có thể là…”

Đường Thận bất giác ngậm miệng, không nói thêm tiếng nào.

Vương Thuyên đặt chén trà xuống, thở dài: “Một năm về trước, Tử Phong nói với ta rằng chính nó cũng không hiểu thấu, nhưng nó tin tưởng người kia. Người ta hay bảo ba anh thợ giày thành Gia Cát Lượng4, nhưng ấy là đùa vui vậy thôi. Trên dưới triều đình Đại Tống ta, còn ai sánh nổi với ngài ấy?”

Đường Thận: “Nhưng lí do cho tất cả chuyện này là gì mới được chứ?”

“Lí do ư? Cháu muốn biết, ta muốn biết, Tử Phong cũng muốn biết lắm. Nhưng ngoài người ấy ra thì không một ai hiểu hết!”

Tình trạng hỗn loạn bao trùm cả thành Thịnh Kinh.

Các quan viên quáng quàng thức giấc, choàng y phục lên người, ai nấy rúc trong thư phòng run như cầy sấy, không biết đường nào mà lần.

Nghe tin Nhị hoàng tử tạo phản, Tả thừa Trần Lăng Hải biến sắc: “Có lí nào lại thế?” Ngũ hoàng tử Triệu Cơ phái người đến mời, ông phân vân trong phút chốc, rồi thở dài thườn thượt: “Bảo rằng ta ốm, đóng cửa không tiếp khách.”

Hữu thừa Từ Bí càng thú vị hơn.

Từ hôm qua, Từ Bí đã rời Thịnh Kinh để ghé chơi một nông trang ở Bắc Trực Lệ. Đúng dịp năm mới, các quan lại đều nghỉ Tết, thành thử chẳng ai hay Từ Bí đi vắng tự bao giờ.

Trước cổng phủ Tả tướng Kỷ Ông Tập, nhân mã của Triệu Kính, Triệu Cơ chờ chực hai bên.

Cổng phủ Tả Tướng đóng kín mít, trong phủ tối om om, trống trải và yên ắng. Chẳng có ai ra mở cổng mặc cho quân tướng đập cửa. Dẫu vậy, các tướng sĩ không chịu bỏ đi mà cứ canh chừng bên ngoài.

Góc tây bắc phủ Tả tướng, trong một ngôi viện đơn sơ vắng vẻ, ngọn đèn leo lét chiếu sáng căn phòng không mấy rộng rãi.

Không ai tưởng tượng nổi nơi đây lại là thư phòng của Kỷ Ông Tập.

Trong phòng chỉ có đúng một ngọn đèn, hai vợ chồng Tả tướng mỗi người ngồi một bên bàn. Nương theo ánh đèn tù mù, người cúi đầu may áo, người cầm bút viết chữ.

Kỷ lão phu nhân khâu xong cái ống tay áo thì ngẩng lên. Ngó chữ Kỷ tướng viết trên giấy, bà thấy cổ mình nghèn nghẹn. Một lúc sau, bà mới dịu giọng hỏi: “Trễ lắm rồi, mình chưa đi ngủ à?”

Kỷ tướng như choàng tỉnh, ông ngẩng đầu nhìn người bạn đời: “Phu nhân mệt rồi hả?”

Giờ Tý đã qua từ lâu, người già cả như hai ông bà làm sao không mệt cho được?

Nhưng Kỷ lão phu nhân chỉ mỉm cười chứ không đáp.

Kỷ Ông Tập cúi đầu nhìn những chữ mình viết, ánh mắt ông khựng lại, bất giác không biết phải nói sao.

Trên trang giấy Tuyên Thành, chỉ có đúng một chữ được viết chi chít chằng chịt…

“Triệu.”

Kỷ Ông Tập ngả lưng ra ghế, nhìn đống chữ “Triệu” lấp kín cả trang giấy. Ông chỉ vào chữ ấy, hỏi người vợ tao khang: “Phu nhân coi tôi viết chữ gì đây?”

“Trông ra là chữ ‘triệu’.”

“Chữ ‘triệu’ đấy, nhưng là chữ ‘triệu’ của ai mới được? Triệu Thượng, Triệu Kính, Triệu Cơ… không thể là Triệu Ngao rồi. Hoặc giả là Triệu Phụ?”

Kỷ lão phu nhân biến sắc. Tuy bà là người phụ nữ chốn thâm khuê, nhưng bà vẫn biết Triệu Phụ là tên húy của đương kim Thánh thượng.

“Kìa tướng công!”

“Hay lại là Triệu Tuyền?”

Bỗng dưng, Kỷ Ông Tập đứng dậy đi lấy xiêm y. Kỷ lão phu nhân vội vàng theo ông: “Mình định làm gì thế?”

Kỷ tướng cười bảo: “Ngoài kia có người gõ cổng nhà mình đấy, phu nhân không nghe thấy ư?”

Kỷ lão phu nhân không biết sự tình ra sao, nhưng suốt cả đêm bà nghe rõ tiếng chém giết khắp thành. Đôi mắt đỏ hoen, bà oán trách: “Mình không đi có được không?” Vừa nói, bà vừa giúp chồng mặc xiêm áo cho chỉnh tề.

“Được thôi, nhưng tôi không thể.”

“Kìa mình?”

Kỷ Ông Tập cười vang, ông nâng đôi bàn tay thô ráp của vợ, dịu dàng nói: “Năm mươi mấy năm qua đã để phu nhân nhọc nhằn rồi. Cuộc sống ở Thịnh Kinh kham khổ biết bao, vi phu nhớ nhà mình vẫn còn mấy mẫu ruộng.”

Kỷ lão phu nhân: “Mình nói chuyện này để làm gì hở?”

“Thì tự dưng tôi nghĩ thế thôi.”

Kỷ lão phu nhân tiễn Kỷ tướng ra tận cổng, thấy ông chuẩn bị mở cổng chính, bà lại không kìm được, hỏi: “Mình có nhất thiết phải ra ngoài đó không?”

Kỷ tướng nghiêm túc nhìn vợ không chớp mắt: “Có. Nhất định.”

“Vì sao cơ chứ?”

Kỷ tướng cười vô tư: “Chuyện không xảy ra trước mắt mình thì thôi, còn một khi đã sờ sờ ra như thế, làm sao tôi có thể trơ mắt nhìn nó tái diễn?”

Giây lát sau, Kỷ tướng mở cổng phủ. Nhân mã của Tứ hoàng tử Triệu Kính và Ngũ hoàng tử Triệu Cơ đã chầu chực quá lâu, thành thử chẳng ai kịp phản ứng khi Kỷ Ông Tập đột nhiên xuất hiện.

Khoác trên mình bộ quan bào đỏ rực, Kỷ tướng phóng tầm mắt bao quát xung quanh, ở ông toát lên vẻ oai nghiêm ngay cả khi không nổi giận: “Vào cung thôi.”

“Rõ!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.