Qua mấy ngày, Đường Thận nhờ Diêu Tam gọi cả nhà lại.
Mọi người cùng tập trung trong phòng, hiếm khi nào có dịp nghiêm túc đến vậy. Kế toán Lâm cho rằng Đường Thận cần giải quyết phiền phức mấy hôm trước của lầu Tế Hà, bèn nói: “Tiểu đông gia, mặc chúng ta đã xử lí vụ việc hôm trước của lầu Tế Hà để làm gương, nhưng gần đây các tửu lầu khác trong phủ cũng ngấm ngầm ngáng trở. May mắn là hoạt động hậu cần tiến triển hết sức thuận lợi. Chúng ta kinh doanh hơn một năm nay, giờ đã có chỗ đứng ở phủ Cô Tô rồi, người khác muốn nhảy vào lĩnh vực này chắc chắn sẽ vất vả.”
Đường Thận nói: “Chuyện này cháu không lo đâu. Lầu Tế Hà buôn bán tốt thật nhưng chúng ta chỉ chuyên về bán bát hà cung, không cản trở nhiều đến việc làm ăn của các tửu lầu khác. Về mảng hậu cần, ai muốn cạnh tranh với chúng ta ít nhất phải mất một năm rưỡi chuẩn bị. Hôm nay cháu gọi cả nhà ra đây thực ra để bàn chuyện khác.”
Diêu Tam: “Tiểu đông gia, có chuyện gì, xin cậu cứ nói.”
“Tôi đã quyết định, tháng sau tôi sẽ đi Thịnh Kinh.”
Cả nhà há hốc miệng.
Đường Hoàng trợn trừng mắt: “Anh, anh định đi Thịnh Kinh thật á? Sao tự dưng anh lại có ý định này?”
Đường Thận nói thực lòng: “Sau khi tiên sinh đi, mấy hôm trước anh nhận được một phong thơ viết rằng tiên sinh đã chọn thầy mới cho anh rồi. Thầy ấy ở Thịnh Kinh, tên là Phó Vị. Tháng tám anh sẽ thi cử nhân, vì chưa ghi danh nên thi ở cống viện Giang Nam hay trên Thịnh Kinh cũng như nhau cả. Nếu lần này đỗ cử nhân thì tháng hai năm sau cũng phải lên Thịnh Kinh thi tiếp. Vậy nên anh quyết định đi sớm, thi cử nhân ở Thịnh Kinh luôn.”
Kế toán Lâm cả kinh: “Phó Vị? Phải chẳng là Phó đại nho – Phó Hi Như?”
“Đúng là ngài ấy.”
Đường Hoàng: “Kế toán Lâm, bác biết ngài ấy là ai ạ?”
Kế toán Lâm cảm thán: “Đâu chỉ là biết tên chứ. Tôi từng kể cho tiểu đông gia, hơn hai mươi năm trước, tứ nho thiên hạ ngày ấy lần lượt là Chung tướng công, Lương tướng công, Phó tướng công và Trần tướng công. Phó tướng công ấy chính là Đại học sĩ Phó Hi Như. Trước đây ngài Phó Hi Như vốn là Hữu tướng của Trung Thư tỉnh, nhưng do tuổi tác, mấy năm trước ngài đã từ quan hồi hương. Thánh thượng tiếc tài nên để ngài giữ một chức tượng trưng trong Hàn Lâm Viện, trên danh nghĩa là quản lí Hàn Lâm Viện, nhưng thực tế hàng ngày chỉ trồng hoa nuôi chim, hết sức thư nhàn tự tại.”
Diêu Tam: “Làm quan lớn cũng có thể trồng hoa nuôi chim mỗi ngày ư?”
Kế toán Lâm nói: “Được thánh thượng ân sủng thì có gì mà không được.”
Diêu Tam: “Nếu thế thì tôi cũng muốn làm quan.”
Diêu đại nương: “Con có thi nổi không mà đòi?”
Kế toán Lâm nói: “Tiểu đông gia đi một mình lên Thịnh Kinh bái sư sẽ vất vả lắm đấy. Ở nơi đất khách quê người, lấy ai chăm sóc cậu đây?”
Chuyện này Đường Thận đã tính toán cả rồi, cậu nói: “Cháu đã bố trí hết việc ở phủ Cô Tô rồi, đến đầu tháng ba thì đi. Lúc đó Diêu đại ca sẽ đi cùng cháu lên Thịnh Kinh luôn, khi nào thu xếp ổn thỏa rồi, cháu lại để anh ấy về.”
Diêu Tam: “Vâng, cứ để tôi đi theo tiểu đông gia.”
Kế toán Lâm gật đầu: “Vậy thì tốt rồi. Chuyện ở Cô Tô xin tiểu đông gia chớ bận lòng, tôi và Diêu Tam sẽ quản lí chu toàn. Nếu có việc lớn thì nhờ nhà họ Đường giúp đỡ, nhất định không để cậu phải lo lắng.”
Việc Đường Thận đi Thịnh Kinh đến đây coi như đã quyết xong.
Sớm hôm sau Diêu đại nương bắt đầu chuẩn bị hành trang cho Đường Thận. Vừa luôn tay luôn chân bà vừa lẩm bẩm: “Thịnh Kinh lạnh hơn Cô Tô đấy, nghe người ta bảo, tháng tư vẫn còn tuyết cơ,” bà gấp từng chiếc áo bông dày vào trong rương hòm cho Đường Thận. Diêu Tam cũng bận bịu không kém, rà soát kĩ càng việc vận hành của Hậu cần Đường thị và lầu Tế Hà. Đường Thận và kế toán Lâm thì đối chiếu toàn bộ số sách một lần nữa, để riêng ra một khoản vốn quay vòng.
Còn mỗi mình Đường Hoàng là mặt ủ mày chau suốt hai ngày liền.
Đùng một cái Đường Thận thông báo đi Thịnh Kinh, chẳng để cho ai thì giờ suy nghĩ cả.
Đến tối, cả nhà cơm nước xong xuôi, Đường Hoàng ngồi trong phòng tập viết đại tự kế toán Lâm giao cho. Đường Thận đi vào phòng, ngó một chốc, hỏi: “Đã bắt đầu chép Kinh Thi rồi đấy hả?”
Cô nhóc bĩu môi, không thèm nhìn Đường Thận, rầu rĩ “Ờ” một tiếng.
Đường Thận buồn cười lắm, dù là con trai, cậu vẫn biết tỏng tâm sự của cô nhóc.
Đường Thận: “Bảng chữ này đẹp đấy, nhưng không hợp cho người mới học chữ đâu. Trước khi đi, anh sẽ viết mẫu cuốn Kinh Thi để em tập chép theo chữ anh. Chờ bao giờ em lên Thịnh Kinh, anh sẽ kiểm tra chữ em đấy.”
Đường Hoàng vốn chẳng buồn để ý đến anh trai, phải mất một lúc con bé mới giật mình, ngẩng lên hỏi: “Lúc em lên Thịnh Kinh ấy hở?”
Đường Thận đáp tỉnh queo: “Ừ, lúc em chuyển đến Thịnh Kinh ấy.”
“Em cũng được lên kinh thành ư?”
“Có gì mà không được?”
Đường Hoàng mừng húm, nhưng cô bé thắc mắc ngay: “Anh ơi, anh bảo chờ đến khi em lên Thịnh Kinh…tức là em không được đi cùng anh sao? Thế bao giờ em mới được đi?”
“Giờ em lên đó làm gì? Cuộc sống ở đó khác đây nhiều, cứ để anh đi tiền trạm trước đã. Anh phải vào kinh đi thi, em lên đó chẳng những không có việc gì để làm, mà anh còn phải bớt thời gian chăm sóc em nữa.”
“Em có thể nấu cơm, giặt quần áo cho anh mà!”
“Những việc đó để nha hoàn làm là được, vả lại…A Hoàng ơi, em mà đòi giặt quần áo với thổi cơm cho anh hả? Tự em có tin nổi lời em nói không?”
Đường Hoàng cười hì hì: “Em cũng chả tin đâu.”
Biết Đường Thận không bỏ rơi mình, Đường Hoàng vui vẻ hơn nhiều, nói: “Anh ơi, hôm trước anh bảo anh muốn thi Hội, đỗ Tiến sĩ…nhưng em nhớ có lần anh nói, anh không muốn thi lên Tiến sĩ, chỉ muốn làm cử nhân thôi mà?”
Đường Thận nhíu mày: “Anh nói thế thật à?”
“Anh có nói vậy mà!”
“Nói bừa một câu mà cũng không cho đổi ý phỏng?”
“…”
Đúng là ông anh thối tha xấu tính nhất thiên hạ!
Thấy cô nhóc không thèm nhìn mặt mình nữa, Đường Thận cười nói: “Trước khi đi, Lương tiên sinh có đặt tên tự cho anh là Cảnh Tắc.”
Việc này Đường Hoàng có biết: “Ồ, thế thì sao hả anh?”
“Cảnh Tắc, Cảnh Tắc. A Hoàng à, có cái tên này, anh không thể phụ kì vọng của thầy được.”
Đường Hoàng không hiểu gì hết, hồi lâu sau, con bé mới lẩm bẩm: “Thế cứ phải đi ngay bây giờ ạ? Thi cử nhân xong, anh đi cũng được mà.”
Đường Thận mỉm cười, vuốt tóc em gái: “Có nhiều việc anh phải làm lắm, không thể lãng phí thì giờ. Vả lại, anh trai em cũng có ý đồ cả đấy.”
“Ý đồ gì cả anh?”
“Bao giờ em đến Thịnh Kinh thì anh nói cho mà biết!”
Đường Hoàng: “…”
“Anh bỏ cái kiểu nhử mồi đấy đi nhé. Đường Thận anh cứ chờ đấy, bao giờ lên Thịnh Kinh em sẽ đánh cho anh một trận tơi bời!”
“Ha ha ha ha.”
Sắm sửa hành trang xong, Đường Thận sang Đường phủ, thưa chuyện đi Thịnh Kinh với Đường cử nhân và Đường phu nhân.
Đường cử nhân ngỡ ngàng hỏi: “Cháu định bái Phó Hi Như làm thầy sao?”
Đường phu nhân lo lắng: “Sao con đi vội thế, chẳng để mọi người có thời gian chuẩn bị gì cả. Con còn thiếu cái gì, nói cho hai bác biết. Có muốn dẫn theo mấy đứa hầu lên Thịnh Kinh không? Một thân một mình thì ăn ở thế nào chứ!”
Đường Thận thong thả đáp: “Thầy Phó Hi Như là người Lương tiên sinh đã gửi gắm con trước lúc lâm chung. Đại bá mẫu cứ yên tâm, con chuẩn bị đầy đủ rồi, huống hồ còn có Diêu Tam đi cùng con nữa.”
“Diêu Tam có sức vóc, nhưng cánh đàn ông thì qua quýt, lôi thôi bỏ xừ. Hay con cứ chọn hai đứa hầu gái trong phủ mà dẫn theo đi.”
“Không cần đâu bá mẫu ơi.”
Cáo biệt Đường cử nhân và Đường phu nhân xong, Đường Thận sang học viện Tử Dương nộp đơn xin thôi học.
Dư sơn trưởng nhận thư xin nghỉ của Đường Thận thì khá ngạc nhiên, hỏi: “Trò muốn chuyển đến cống viện Giang Nam học hả?”
Tất cả các cử nhân vùng Giang Nam sau khi thi đỗ đều có thể theo học ở cống viện Giang Nam. Dù hiện tại Đường Thận ghi danh ở học viện Tử Dương, nhưng thực chất cậu cũng là học sinh của cống viện Giang Nam. Cậu đã nộp học tịch vào cống viện, tháng tám cũng nên đến đó thi Hương.
Đường Thận lắc đầu: “Thưa sơn trưởng, con sẽ lên Thịnh Kinh để thi ạ.”
Dư sơn trưởng: “Đi xa thế làm gì hả con? Học tịch của con vẫn ở cống viện Giang Nam, nếu không chuyển học tịch thì dù con lên Thịnh Kinh cũng chỉ được thi ở Giang Nam thôi đấy.”
Đường Thận bèn đem chuyện Lương Tụng gửi gắm mình cho thầy mới ra kể. Dư sơn trưởng ngạc nhiên lắm, hồi lâu mới thở dài: “Lương đại nhân dụng tâm lương khổ! Phó đại nhân là Thừa Chỉ của viện Hàn Lâm, việc điều chuyển học tịch của con chẳng khó khăn gì với ngài ấy.”
Dư sơn trưởng phê chuẩn đơn xin thôi học của cậu, Đường Thận vào học xá thu dọn đồ đạc. Dọn dẹp xong, cậu chuẩn bị đi thì bắt gặp Tôn Nhạc đứng ngay cửa, trông ánh mắt sốt ruột lắm. “Đường Thận, cậu định bỏ học à?”
Đường Thận: “…”
Cậu dở khóc dở cười bảo: “Câu nghe tin vịt đâu ra thế, tớ nói tớ bỏ học bao giờ?”
Tôn Nhạc cuống quýt chạy tới: “Nghe thầy Tiền chứ còn ai vào đây. Ổng bảo cậu nghỉ hẳn, không đi học ở học viện Tử Dương nữa.”
“Đúng là tớ sẽ nghỉ ở đây, nhưng ấy là để chuyển lên Thịnh Kinh học tiếp. Cậu đừng có nghe người ta thổi phồng lên.”
“Thì ra là thế…” Mãi một lúc lâu sau, chú béo Tôn mới tá hỏa: “Cái gì, cậu định chuyển đến Thịnh Kinh á?”
Đường Thận: “…”
Tốc độ phản xạ này đến rùa cũng phải gọi bằng cụ!
Đường Thận sắp đi xa, Tôn Nhạc buồn thối ruột, bèn lôi cậu đến lầu Tế Hà ăn bát hà cung để chia tay.
Đường Thận đến chịu: “Chia tay kiểu gì mà lại đến tửu lầu bạn mở, ăn chùa uống chùa hả? Thế mà cũng gọi là chia tay?”
Tôn Nhạc gắp thịt dê thả vào nồi, nhúng qua nhúng lại rồi xơi tọt vào bụng. Chú ta nheo mắt thỏa mãn: “Có gì mà không phải chứ? Đường Thận, cậu đi Thịnh Kinh gấp thế làm gì? Phía thầy Phó Hi Như đã đánh tiếng trước rồi, thi cử nhân xong đến bái sư cũng không muộn mà. Thầy ấy ở nguyên một chỗ chứ có chạy đi mất đâu mà sợ?”
“Lương tiên sinh đã âm thầm lo liệu chu đáo đến mức ấy, tớ không thể nào phụ lòng thầy được!”
Tôn Nhạc lầu bầu: “Tớ thấy cậu chán ngấy Cô Tô rồi nên muốn lên thăm thú Thịnh Kinh phồn hoa đô hội thì có.”
Đường Thận kệ không đáp, chỉ gắp thức ăn ra khỏi nồi: “Chín rồi này, ăn đi!”
“Rồi rồi!”
Nửa tháng sau, Đường Thận sắm sửa đủ hành trang, cùng Diêu Tam lên thuyền thẳng tiến Thịnh Kinh.
Dòng Vận Hà sóng xanh như ngọc, mây tím biếc tô điểm trời cam. Mặt trời ngả về Tây, Đường Hoàng và kế toán Lâm đứng ở bến tàu Đại Vận Hà vẫy chào từ biệt Đường Thận. Thuyền đi được một khắc, cảng Vận Hà ở phủ Cô Tô đã biến thành một chấm đen nhỏ, cũng không còn thấy bóng dáng cô em gái khóc thút thít tiễn anh nữa.
Đường Thận thở dài, dằn cảm xúc lưu luyến trong lòng.
Thêm một khắc nữa, phủ Cô Tô đã khuất bóng phía chân mây. Chợt, giữa thinh không vang lên một hồi chuông. Hồi chuông ấy vượt muôn trùng xa cách, ngân nga giữa trời nước mênh mông của Đại Vận Hà.
Ôi, tiếng chuông chiều chùa Hàn Sơn!
“Thuyền ai đậu bến Cô Tô, nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn Sơn1. Thì ra là vậy!”
Ra đi chưa đến nửa canh giờ, Đường Thận đã cảm thấy nhớ nhà rồi.
Thật thế, sau hai năm, Đường Thận đã coi nơi đây là nhà mình. Ban đầu cậu còn phủ nhận, nhưng dần dà cậu đã trở thành một người dân của xứ Cô Tô, một người dân nước Đại Tống, một con người của thời đại này. Đã có lúc cậu chỉ muốn được làm một hương thân giàu có, chẳng ham muốn công danh, chỉ cầu mong an lạc.
Nhưng khả năng của cậu chỉ đến thế thôi ư?
Không hề. Tiềm năng của cậu là vô cùng lớn, nhưng bản thân cậu lại ôm tư tưởng an phận thủ thường. Phải đến khi tiên sinh mất, La đại học sĩ, Triệu cử nhân qua đời, Đường Thận mới được cảnh tỉnh. Cậu đã giật mình thức dậy từ giấc mộng trù phú yên vui của vùng sông nước Giang Nam.
Phủ Cô Tô giàu có đông đúc, ai nấy không muộn phiền, nhưng nhìn rộng ra, phủ Cô Tô không đại diện cho toàn cõi Đại Tống, không đại diện cho cả thời đại này!
Dọc đường đi, Đường Thận chăm chú quan sát hai bờ Đại Vận Hà. Cậu thấy giữa lúc tuyết phủ trắng trời, những người cu li khoác manh áo cộc vẫn bươn bả giữa các thuyền hàng cập bến, nhặt nhạnh từng đồng tiền công từ mỗi chuyến bốc dỡ hàng. Cậu thấy những bến tàu nhem nhuốc xập xệ không đỗ lại nổi, trái ngược hẳn với bến thuyền rộng rãi, sạch sẽ ở Cô Tô!
Đây mới là diện mạo thật của nước Đại Tống và thời đại này.
Ngày lại qua ngày, chẳng mấy chốc đã sắp tới Thịnh Kinh. Đường Thận ngồi trong khoang thuyền viết chữ. Cậu viết đại tự theo lối chữ Khải, trước tiên viết chữ “Mưu”. Diêu Tam không biết chữ, Đường Thận viết xong năm mươi tờ chữ “Mưu”, lại viết năm mươi tờ chữ “Tĩnh”, rồi nhờ anh ta đem chỗ giấy đó thả xuống lòng sông hoặc đốt đi.
“Tiểu đông gia, cậu viết gì thế ạ?”
“Viết cho cái thế tiến thoái lưỡng nan trong lòng.”
Chữ “mưu” ấy là đạo làm quan, là con đường cậu nhất định phải bước lên trong tương lai.
Còn chữ “tĩnh”, là tháng ngày bình yên sắp khép lại trong đời cậu.
Từ khi quyết định lên phương Bắc bái Phó Hi Như làm thầy, Đường Thận biết mình không còn đường lui nữa.
Cậu giữ kín với Đường Hoàng về lí do không chờ đỗ cử nhân xong mới lên kinh đô, dù đây là dự tính ban đầu của Lương Tụng dành cho cậu. Bởi lẽ, thời khắc cậu quyết chí làm quan cũng là lúc cậu phải chặt đứt mối dây liên hệ với tiên sinh.
Thánh thượng kiêng kị và gai mắt đảng Tùng Thanh đến cỡ nào, Đường Thận ý thức rất rõ. Ông ta bí mật xử tử Chung Thái Sinh vốn đã bị cầm tù trong thiên lao suốt hai mươi sáu năm, có phải vì nhân từ, độ lượng chăng? Không hề! Ông ta làm thế vì biết rõ Chung Thái Sinh không thể chết một cách vô duyên vô cớ được. Dù ông ta có nổi sát tâm, cũng phải kết liễu Chung Thái Sinh cho thật khéo léo, hoàn mỹ. Nếu không, ngòi bút của văn nhân thiên hạ sẽ dìm chết ông ta.
Lương Tụng bị cách chức đuổi về Cô Tô, La đại học sĩ suốt đời không được trọng dụng.
Đương kim Thánh thượng vừa lên ngôi, Tam Tỉnh sạch bóng Tùng Thanh đảng. Án tử mà Tống đế Triệu Phụ giáng xuống đảng Tùng Thanh không dung thứ bất cứ ai!
Muốn chen chân vào chốn quan trường, muốn có chức quyền, muốn tạo nên sự thay đổi, Đường Thận dứt khoát không được dính líu gì đến đảng Tùng Thanh. Hiện giờ cậu là tú tài thì không cần sợ, bởi Lương Tụng là Phủ doãn Cô Tô, dù Đường Thận bái ông làm thầy cũng có thể coi là ân sư dạy vỡ lòng, quan hệ không thân cận.
Nhưng đến khi cậu đỗ cử nhân mà người thầy trên danh nghĩa vẫn là Lương Tụng thì rất có khả năng khơi dậy lòng nghi kị của Triệu Phụ.
Đường Thận không dám mạo hiểm xem Triệu Phụ có phải là một hoàng đế đa nghi không, nên cậu nhất định phải bái Phó Hi Như làm thầy trước khi trở thành cử nhân. Bao giờ cậu điều tra rõ được chân tướng, có thể tự mình lật lại bản án trong sử sách cho các trung thần hi sinh tính mạng tỏ ý chí, cậu mới có thể tuyên bố với người đời, mới có tư cách thưa với Lương Tụng rằng: “Học trò thành công rồi.”
Tâm tư sâu kín ấy, cậu chưa hề chia sẻ cùng ai.
Thuyền chở khách tiến dần vào cầu cảng Thịnh Kinh. Đường Thận chưa ra ngoài khoang đã nghe thấy tiếng người ngựa náo động của chốn kinh kì phồn hoa đô hội. Diêu Tam vác rương đồ trên lưng, theo Đường Thận ra khỏi khoang thuyền. Ra tới cửa khoang, cảnh tượng trước mắt khiến Diêu Tam ngây ngẩn. Thật lâu sau anh ta mới giật mình thốt lên: “Thịnh Kinh là đây ư?”
Đường Thận dẫu từng quen với cảnh tượng đô thị nhộn nhịp ở tương lai cũng phải ngỡ ngàng thán phục: “Đúng là Thịnh Kinh đó!”
Bạch Ngọc Kinh ở trên trời,Năm thành sánh với mười hai tòa lầu2Đình đài cung điện muôn mầu,Ngựa xe từ khắp năm châu đổ về.Xuống thuyền, Diêu Tam vẫy một chiếc xe lừa đưa hai chủ tớ đến nha hành.
Đường phố Thịnh Kinh rộng mênh mông. Con đường dẫn từ cảng sông vào đến khu thành thị đủ rộng cho tám chiếc xe ngựa chạy song song. Tuy mới là tháng ba, Thịnh Kinh vẫn chưa sang xuân, nhưng đường phố đã đông đúc nhộn nhịp, tiếng hò hét chào hàng tới tấp, ồn ã không ngừng nghỉ. Nhà thấp thì hai tầng, nhà cao thì ba tầng. Diêu Tam vén rèm xe nhìn ngó, thấy một tòa lầu cao những bốn tầng liền ồ lên kinh ngạc.
Xà ích cười nói: “Hai vị khách quan nghe giọng không giống người Thịnh Kinh, mới từ miền Nam lên hả?”
“Chúng tôi đến từ phủ Cô Tô.” Diêu Tam nói, “Không ngờ ở đây có nhà cao bốn tầng lận!”
Xà ích vênh mặt: “Đấy là tửu lầu lớn nhất Thịnh Kinh chúng tôi đấy, tên là Thiên Lý lâu.”
Đường Thận nghĩ tới ngay một câu thơ: “Thiên Lý lâu à? Phải chăng tên ấy lấy từ câu ‘dục cùng thiên lý mục, canh thượng nhất tằng lâu3‘?”
[3] Muốn phóng mắt nhìn xa hết ngàn dặm, hãy lên thêm một tầng lầu nữa.Xà ích nói: “Đúng rồi, thì ra tiểu công tử đây là người đọc sách.”
Xà ích đánh xe đưa hai người tới Nha hành. Thịnh Kinh tuy xa hoa đắt đỏ, nhưng Đường Thận chẳng thiếu tiền. Có tiền thì việc gì cũng trôi chảy, không giống như hồi mới đến Cô Tô nghèo kiết xác. Đường Thận nhờ nha lang chọn được một tòa viện rộng rãi, địa điểm thuận tiện, tiền thuê mỗi tháng hết năm lạng bạc.
Diêu Tam xót tiền ghê gớm: “Nhà cửa gì mà những năm lạng bạc một tháng!”
Đường Thận lại nghĩ: “Diêu đại ca này, hay là chúng ta mua đứt một căn luôn nhỉ?”
Diêu Tam trợn mắt: “Tiểu đông gia, nha lang bảo giá một căn là bốn trăm lạng bạc trắng đấy!”
Đường Thận tính toán: “Cũng đúng, nếu thi Đình tôi đỗ một trong ba hạng đầu thì sẽ có ngự trạch vua ban. Khỏi cần mua nhà gấp làm chi cả.”
Diêu Tam: “…”
Sao anh cứ có cảm giác tiểu đông gia nói chuyện như người trời thế nhỉ?
À không, tiểu đông gia nhất định sẽ trở thành một trong ba người đỗ đầu!
… Nhất định phải đỗ!
Diêu Tam chạy đôn chạy đáo, vừa dọn dẹp sạch sẽ phòng ốc, vừa mua bán sắm sửa đồ đạc trong nhà.
Chạng vạng tối, Đường Thận rửa mặt chải đầu, ăn vận đàng hoàng, cầm danh thiếp và thư của Lương Tụng đến Phó phủ. Danh tiếng của Phó Hi Như ở Thịnh Kinh vô cùng hiển hách, Đường Thận chỉ hỏi thăm vài người là tìm được phủ của ông. Song cậu không vội xin vào gặp ngay, chỉ gửi danh thiếp và đưa kèm phong thư đích thân Lương Tụng viết.
“Tại hạ là Đường Thận – Đường Cảnh Tắc đến từ phủ Cô Tô. Xin phép ngày mai quay lại thăm Phó đại nho.”
Người gác cổng nhận danh thiếp, Đường Thận ra về.
Sang hôm sau, Đường Thận dậy sửa soạn từ sớm. Không có Diêu đại nương búi tóc cho, cậu dùng dây gấm buộc túm mái tóc dài thành đuôi ngựa. Sau đấy, Đường Thận lấy từ rương một bộ áo bào gấm Tô Châu may sẵn, các món điểm tâm đặc sản Cô Tô, kèm theo một hộp đựng xà phòng, xà phòng thơm cùng với tinh dầu. Mang theo lễ vật, Đường Thận và Diêu Tam đến thăm Phó phủ.
Người gác cổng đã biết cậu sẽ đến nên tiếp đón ngay từ cửa: “Mời Đường công tử vào, đại nhân chờ cậu đã lâu.”
Đường Thận lễ phép khom người: “Hóa ra đã để đại nhân phải đợi, xin thứ lỗi cho ta đến muộn.”
Thấy Đường Thận ăn vận đẹp đẽ, nho nhã lễ độ, rất có phong phạm của công tử thế gia, người gác cổng sinh hảo cảm, bèn nói với cậu: “Đường công tử chớ lo lắng, đại nhân có thói quen dậy sớm từ giờ Dần, cho chim ăn rồi tưới hoa. Hiện giờ ngài đang đọc sách trong thư phòng đấy ạ.”
Người gác cổng dẫn Đường Thận tới tận thư phòng, gõ cửa hộ cậu. Anh ta chưa kịp bẩm báo với chủ nhân thì đã nghe trong phòng có tiếng cằn nhằn.
“Thằng nhóc này giỏi gớm nhỉ, ta sai mi tìm sách, mi lại lười biếng nằm ườn thây, có đáng ăn đòn không cơ chứ hả?”
Đáp lại là giọng điệu đầy oan ức của một thiếu niên: “Rõ ràng ban nãy tiên sinh đang ngủ mà. Lúc ngài ngủ con đi tìm sách, con đem sách đến rồi ngài vẫn ngủ, con nhìn ngài ngủ nên mới buồn ngủ theo, sao ngài lại đổ tội cho con chứ!”
“Ta buồn ngủ thì ta ngủ chứ, ngày nào ta cũng dậy từ giờ Dần còn gì!”
“Dậy chơi với chim rồi lại ngắm hoa mà cũng kể…”
“Mi lẩm bẩm cái gì thế hả?”
“Đâu ạ đâu ạ.”
Người gác cổng lại gõ cửa thêm lần nữa, hai người trong nhà nghe thế hẳn là cuống cả lên, trong phòng lịch kịch rổn rảng tiếng đồ đạc di chuyển.
Mãi lâu sau mới có tiếng ông cụ cất lên: “Ôn Thư, con đi ra xem ai tới thế.”
Cửa thư phòng thoáng cái liền hé mở, thò đầu ra khỏi cửa là một chú thư đồng loắt choắt, trắng trẻo, chừng mười một, mười hai tuổi. Chú nhóc hỏi: “Chú Trương vào đây có việc gì thế ạ?” Thình lình, nó phát hiện sau lưng người gác cổng là Đường Thận. Thằng bé trố mắt, đóng sập cửa lại quay vào hô: “Hỏng bét rồi tiên sinh ơi, Đường Thận phủ Cô Tô đến rồi kìa!”
“Hả? Sao nó đến sớm thế?”
Căn phòng lại loạn lên một hồi lịch xịch loảng xoảng nữa. Sau đó, Ôn Thư đồng tử mới ra mở cửa lần hai.
Chú thư đồng ngoan ngoãn, lễ phép thưa: “Đường công tử, tiên sinh chờ cậu đã lâu rồi ạ.”
Đường Thận: “…”
Ờ, mi nói cái quái gì mà chả đúng!
Đường Thận mỉm cười, dặn dò Diêu Tam: “Anh đứng chờ ngoài này nhé.” Nói xong bèn bước vào cửa.
Thư phòng của Phó Hi Như ở trong một khu nhà hướng mặt về phía Nam, có hai cổng dẫn vào. Vừa vào thư phòng, Đường Thận đã ngửi thấy mùi thơm nhàn nhạt của mực viết. Hai bên cửa chính treo bốn chiếc lồng chim. Bốn chú chim màu sắc sặc sỡ, chân đeo xích mảnh bằng vàng, thấy Đường Thận đến liền hót líu la líu lo. Giữa thư phòng là một lư hương chạm rỗng, bên trái là một bức bình phong bằng đá Thái Sơn, bên phải là một giá sách khổng lồ.
Đường Thận mới đi đến giữa thư phòng thì bỗng nghe tiếng dế gáy lích rích. Cậu quay đầu lại nhìn, hóa ra trên giá sách có một ô vuông đặt hồ lô đựng dế!
Đường Thận chỉ sao nhãng tí xíu thôi rồi lại bước tiếp. Trước mặt cậu, một ông cụ tóc hoa râm an tọa trên chiếc giường la hán. Ông cụ lén lút theo dõi Đường Thận nãy giờ, Đường Thận vừa nhìn đến ông, ông vội vàng liếc ngay đi chỗ khác, giả bộ hờ hững: “Cậu là đứa học trò đã nói câu ‘thiên hạ hưng vong, thất phu hữu trách’ mà Lương Bác Văn từng kể cho ta đấy hả?”
Chuyện này mà thầy cũng kể với Phó Hi Như sao?
Đường Thận gật đầu thưa: “Học trò chính là Đường Thận – Đường Cảnh Tắc, người Cô Tô, xin được bái kiến Phó tiên sinh ạ.”
Trên tay Phó Hi Như cầm cuốn sách làm bộ như đang đọc, nhưng ông không để ý là mình cầm ngược sách từ đời nào. “Lương Bác Văn ra đi đường đột quá, cậu cũng biết, gần đây mấy người bạn già cứ nối đuôi nhau ra đi, ta chẳng có cách nào đi viếng từng người cả. Ể? Cậu xách theo cái gì thế?”
“Học trò mang đặc sản Cô Tô đến ạ.” Nói đoạn, cậu bày điểm tâm và xà phòng ra cho ông xem.
Phó Vị trông thì có vẻ hơi “xoàng”, nhưng ông lại bỏ qua hết các món điểm tâm đặc sản mà chú ý ngay đến tinh dầu được đóng gói sang trọng. “Cái này hình như ta đã thấy đâu đó rồi thì phải.”
Ôn Thư đồng tử nhắc ông: “Lúc Vương tướng công đi Kim Lăng về có mang theo một lọ.”
Phó Vị vỗ tay: “Chuẩn, chuẩn! Tử Phong có tặng ta một lọ, hình như tên là Hoàng Kim Lũ nhỉ? Hoàng Kim Lũ với câu thơ: khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát.”
Đường Thận cười nói: “Đúng ra là Hoàng Kim Lũ trong câu ‘Nga nhi tuyết liễu hoàng kim lũ’ ạ.”
“‘Nga nhi, tuyết liễu, hoàng kim lũ’ ư? Thật diễm lệ, rực rỡ biết bao. Tuyệt vời, cái tên này vừa hợp lí lại vừa rất hay!”
Dăm câu trò chuyện nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giữa hai người.
Phó Vị ngồi thẳng người lên, hỏi: “Con từ Cô Tô lên đây được mấy hôm rồi, đã quen với lề lối ở Thịnh Kinh chưa?”
Đường Thận đáp: “Học trò vừa mới đến Thịnh Kinh hôm qua. Ở đây một hôm, cũng thấy bớt lạ lẫm rồi ạ.”
Phó Vị vểnh tai lên.
Gì chứ? Hôm qua vừa đến đây, hôm nay đã tới thăm ông rồi à?
Phó Vị hỏi: “Nghe nói con mới mười lăm tuổi đã đỗ tiểu tam nguyên đồng thí phủ Cô Tô nhỉ?”
Đường Thận đáp: “Quả thực là vậy, để tiên sinh chê cười rồi.”
Phó Vị: “Hình như con còn đọc ngược được Luận ngữ phải không?”
Đường Thận: “…”
Phó Vị: “À ta còn nghe, con đã thuộc làu cả Tứ thư Ngũ kinh nữa nhỉ?”
Đường Thận: “… Vâng. Chỉ là chút tài mọn, điêu trùng tiểu kĩ mà thôi.”
Phó Vị cười phá lên: “Ta là Điêu Trùng Trai Chủ, con thì có điêu trùng tiểu kĩ. Sao lại trùng hợp và hay ho thế cơ chứ! Kìa, Cảnh Tắc đến chơi, nhóc tiểu đồng mi cứ đứng đó là sao, mau dâng trà nóng lên cho Cảnh Tắc.”
Ôn Thư đồng tử lập tức rót một chén trà nóng cho Đường Thận. Đường Thận cảm ơn, đang định nhấp môi thì Phó Vị nói: “Trà ấy, con không định mời ta sao?”
Đường Thận dừng động tác, ngẩng lên nhìn Phó Vị.
Phó Vị ngồi ở ghế chủ, vừa mỉm cười vừa nhìn cậu bằng ánh mắt chờ đợi.
Đường Thận lập tức đứng dậy, hai tay bưng chén trà lên. Ôn Thư đồng tử nhanh tay nhanh mắt, vớ một tấm đệm cói kê xuống sàn. Đường Thận quỳ trên đệm cói, dâng chén trà lên cao bằng cả hai tay, thưa: “Mời tiên sinh dùng trà!”
Phó Vị nhận chén trà, uống một ngụm rồi khen: “Tuyệt!”
Thế là lễ bái sư xem như hoàn thành.
Thành thầy trò rồi, Phó Vị càng xuề xòa hơn. Ông cảm khái: “Cảnh Tắc, chắc con không biết, suốt năm ngoái Lương Bác Văn viết cho ta cả đống thư, kể rằng lão thu được một đồ đệ giỏi biết bao! Ta kiếm được đứa học trò đọc một lần là nhớ, lão cũng kiếm được một học trò biết đọc ngược sách, không chịu kém cạnh ta tí nào. Mà nói đi nói lại, con có thể đọc ngược sách Luận ngữ phải không nhỉ?”
Đường Thận cười khổ: “Dạ, đúng ạ.”
“Giỏi thế cơ chứ lị, con đọc thử một thiên cho ta nghe coi.”
Đường Thận: “…”
Đầu năm nay các đại nho đều không đáng tin cậy chút nào!
Trong lòng nghĩ vậy nhưng Đường Thận vẫn đàng hoàng đọc ngược một thiên Luận ngữ. Phó Vị tấm tắc khen hay, chuyện trò lân la, thấm thoắt đã hết một canh giờ. Ôn Thư đồng tử nhắc nhở: “Tiên sinh, đến giờ tưới cây rồi đấy ạ.”
Phó Vị gật đầu, quay ra bảo với Đường Thận: “Ta phải đi xem sách đây.”
Đường Thận: “…”
Phó Vị nói: “Con mới tới Thịnh Kinh, cần gì, cứ đến tìm vi sư. Phải việc gì vi sư không giúp được, sẽ có sư huynh con giải quyết tuốt. Hôm nay cứ về đã nhé, có việc lại tới gặp vi sư. Cái khác vi sư không có, nhưng thời gian thì vô biên.”
“Học trò xin vâng ạ.”
Đường Thận đang định ra về thì bỗng Phó Vị nói: “Ôi chao khoan đã, Cảnh Tắc, con có rảnh không, nán lại xíu, tìm hộ vi sư quyển sách này được thì tốt ghê.”
Đang muốn xây dựng quan hệ với Phó Vị, Đường Thận đời nào lại chối từ. “Tiên sinh muốn tìm sách gì thế ạ?”
Phó Vị thở dài: “Cuốn ấy tên Duy Kinh trai thoại, là một cuốn tạp thư ấy mà. Ta nhớ là để ở trên giá sách, thế mà chả hiểu sao tìm mãi không thấy đâu. Lúc ta tưới hoa thích nhất… E hèm, lúc ta xem sách thích nhất là nghe đồng tử đọc cuốn ấy lên, chả hiểu sao tìm mãi chẳng được. Ôn Thư, có phải con vứt sách lung tung không?”
Ôn Thư đồng tử la oai oái: “Tiên sinh, cuốn đó tự ngài cất mà, sao lại trách con?”
Ba thầy trò tìm một hồi mà chẳng thấy tăm hơi. Phó Vị hừ một tiếng: “Đi gọi Phủ Cầm đồng tử tới đây đi.”
Đường Thận và Ôn Thư đồng tử ra khỏi thư phòng.
Hai người ra đến cổng thì Diêu Tam tới, Ôn Thư đồng tử thở vắn than dài: “Đường tiểu công tử không biết đấy thôi, tính tình tiên sinh của chúng ta kì cục lắm. Ngài gọi tôi là Ôn Thư đồng tử, nhưng thật ra tôi thạo nhất là đánh đàn. Phó phủ chúng ta còn có một đứa Phủ Cầm đồng tử nữa, nghề của nó là xem sách, đọc sách với tìm sách cơ. Ấy thế mà ngày nào tôi cũng phải đọc sách, đêm nào nó cũng phải đóng vai bậc thầy cầm đạo. Nhưng mà tiếng đàn của nó thì… Cậu cứ nghe là biết, đúng là tra tấn lỗ tai. Thôi thôi không dông dài nữa, tôi đi kiếm Phủ Cầm đây, tạm biệt Đường tiểu công tử nhé.”
Ôn Thư chạy biến đi như một làn khói. Diêu Tam tròn mắt nhìn theo: “Đó là thư đồng của Phó đại nho à? Có vẻ… lạ nhỉ?”
Đường Thận phì cười: “Anh cứ nói thẳng ra là lập dị đi.”
Diêu Tam gãi đầu gãi tai, hai người cùng nhau tìm đường ra về.
Từ cổng tò vò của thư phòng đi ra là đến hoa viên.
Kiến trúc nhà ở Thịnh Kinh khác với kiến trúc Cô Tô chuộng cảnh hoa sen hồ nước. Khu vườn Phó phủ trồng vô số loại hoa thơm cỏ lạ, còn có các loại giả sơn, kì thạch, trông thật mới mẻ và thú vị biết bao.
Đường Thận và Diêu Tam đi lòng vòng một hồi rồi lạc đường luôn.
Diêu Tam: “Tiểu đông gia, chi bằng tôi đi tìm người hỏi đường nhé?”
Đường Thận đang định trả lời thì bỗng nghe có tiếng đàn cầm du dương cất lên. Đường Thận và Diêu Tam lần theo tiếng đàn, vòng qua một tòa núi giả hình thù kì dị, đi qua một cổng đá, liền thấy một ngôi đình toát giác với mái vòm kép4. Bao quanh đình là một hồ nước nhỏ, trong hồ có mấy chú cá chép hoa tung tăng. Ngôi đình như lơ lửng giữa mặt hồ, muốn vào chỉ có thể đi qua một hành lang bằng gỗ.
[4] Toát giác = góc mái chụm vào, cong vểnh lên.Trong đình, có một chàng trai trẻ khoác áo gấm trắng đang chơi đàn.
Nhìn từ xa không rõ diện mạo chàng, chỉ nghe tiếng đàn xảo diệu tuyệt luân, huyền ảo như tay tiên lướt phím đàn ngọc, trong trẻo như ánh trăng vời vợi giữa thinh không.
Diêu Tam tuy không hiểu về nhạc nhưng vẫn mê mẩn lắng nghe. Nhạc cổ điển hiện đại Đường Thận đã nghe nhiều, nhưng làn điệu trầm bổng, ngân nga của đàn cầm mang đến cảm giác uyển chuyển và êm ái hoàn toàn khác. Dẫu vậy, tiếng đàn ấy chưa hoàn toàn mê hoặc được Đường Thận, vì ánh mắt cậu đã bị thu hút bởi bóng dáng chàng trai trong đình mất rồi. Bất giác, Đường Thận bước lên hành lang gỗ, đi về phía ngôi đình.
Cậu vào tới nơi cũng là lúc tiếng đàn chợt ngưng.
Chàng trai trẻ trong đình có diện mạo đẹp tựa ngọc quý, ánh mắt chàng trong sáng vô ngần. Về thời cổ đại lâu đến thế, đây là lần đầu tiên Đường Thận gặp một chàng trai hoàn mỹ đến nhường này. Gương mặt chàng đẹp đẽ mà không hề nữ tính, khí chất thanh cao hệt như tiên giáng trần! Chàng ngẩng đầu, lẳng lặng nhìn Đường Thận, những ngón tay nhấn lên dây cầm nhẹ rung. Mái tóc đen dài được búi lên bằng ngọc quan, chàng mặc bạch y và khoác áo bào gấm trông rất đơn giản, nhưng tay áo của chàng thêu kín hoa văn chỉ bạc tinh tế, mỗi đường kim đều thể hiện tay nghề tuyệt đỉnh của tú nương hàng đầu.
Hai người đối diện nhau trong phút giây ngắn ngủi.
Đường Thận chợt cười hỏi: “Là Phủ Cầm đồng tử đó phải không?”
Chàng trai trẻ tuổi đánh đàn lặng im không đáp, chỉ mỉm cười chứ không phủ nhận.
Đường Thận: “Tiên sinh tìm anh nãy giờ kìa. Ngài có cuốn sách tên là Duy Kinh trai thoại mà tìm mãi không thấy đâu, nên gọi anh sang tìm hộ đó.”
Ánh mắt chàng trai lấp lánh, cuối cùng chàng cũng đáp lời Đường Thận. Giọng nói ấy mới êm dịu làm sao, còn pha lẫn ý cười vui vẻ: “Ta biết rồi.”
Đường Thận: “Vậy thì tốt, ta đi đây.” Nói xong, cậu quay bước ra về.
Đường Thận đi thẳng lên hành lang gỗ, rời khỏi ngôi đình nhỏ, không ngoái đầu lại một lần nào. Tuy thế, cậu vẫn cảm nhận thấy sau lưng mình một ánh mắt nóng hổi liên tục dõi theo, người ấy xem chừng rất ung dung tự tại, cứ nhìn theo cậu mãi đến khi cậu ra khỏi hoa viên nhỏ kín đáo.
Chờ đến khi hai người ra ngoài Phó phủ rồi, Diêu Tam mới thắc mắc: “Tiểu đông gia, người ấy là Phủ Cầm đồng tử của Phó đại nho thật à? Tôi thấy chẳng giống tẹo nào luôn. Cậu Phủ Cầm đồng tử ấy ăn diện quá, áo quần sang trọng gấp mấy lần Ôn Thư đồng tử. Hơn nữa, anh ta gẩy đàn cũng không dở, tuy Diêu Tam này chẳng rành âm luật, nhưng vẫn thấy êm tai lắm!”
Đến giờ Đường Thận mới dám thở hắt ra một hơi, thân thể căng cứng cuối cùng cũng thả lỏng.
“Dĩ nhiên người ấy không phải Phủ Cầm đồng tử rồi.”
Diêu Tam: “Hả?”
Đường Thận nheo mắt, gằn từng chữ: “Anh ta là sư huynh duy nhất của tôi chứ còn ai vào đây nữa, Vương Trăn – Vương Tử Phong.”