Đường Thận, người thôn Đường gia, huyện Ngô, phủ Cô Tô
Toán côn đồ đồng loạt nhào tới, một tên ghìm ngang hông người đàn ông kia, một tên khác nhanh chóng quật băng ghế lên người anh ta.
Đường Thận không thể để người đàn ông lạ mặt này bị kẻ xấu úp sọt. Cậu lập tức đẩy em gái ra xa, nhấc băng ghế tới tham chiến. Lũ hung đồ hay tuy đông nhưng là một lũ ô hợp, nào biết đánh đấm cho ra hồn. Dẫu có hai người hợp sức, bọn chúng cũng chẳng thể quật ngã anh ta. Anh đứng vững như bàn thạch, đấm cho mỗi đứa một quả rơi răng.
Nắm đấm của anh ta nhanh và dữ dội như cuồng phong bão táp. Đường Thận vóc người nhỏ con, thư sinh, bèn tập trung quấy rối địch để hỗ trợ người đàn ông dũng cảm kia.
Từ trước tới nay, lũ côn đồ này vẫn ỷ đông mà tác oai tác quái suốt trong thôn, không ai dám chống đối ra mặt. Ấy thế mà mặc cho chúng đấm đá túi bụi, đại hán kia đều đỡ được hết. Anh liên tiếp giáng đòn phản công dưới sự hỗ trợ của Đường Thận. Kẻ cầm đầu của lũ ác ôn bị đánh đến nỗi xây xẩm mặt mày, loạng choạng rút lui khỏi vòng chiến.
“Làm cái gì mà bu đông bu đỏ ở đây thế!” Có tiếng người quát lớn từ đằng xa. Dân chúng vây xem lục tục tránh ra nhường lối, thì ra là trưởng thôn dẫn người tới.
Lũ lưu manh thấy tình thế bất lợi, căm tức nhổ cả nước bọt lẫn máu về phía Đường Thận, rồi cúp đuôi chạy sạch.
Trưởng thôn cũng chẳng có cách nào trị tận gốc toán côn đồ này. Những kẻ này không con không cái, mồ côi cha mẹ, tứ cố vô thân. Chúng chẳng sợ trời cũng không sợ đất, phạm tội mà bị bắt thì nhơn nhơn giơ đầu ra cho người ta chém. Trưởng thôn hỏi han dăm ba câu, biết hai anh em họ Đường không có việc gì, bèn bảo hai người thu dọn sớm về nghỉ ngơi.
Bà con lối xóm cũng xúm vào giúp dọn chiếc bàn bị đập vỡ.
Đường Thận xoa xoa tay, ban nãy đánh nhau loạn cào cào, tay cậu bị một tên côn đồ đập trúng, đỏ tấy cả lên. A Hoàng cuống quýt chạy tới, thấy vết thương của anh thì vừa lo vừa giận.
“Lũ khốn nạn!”
Đường Thận nhìn về phía người đàn ông cao lớn. Có một bà lão tất tả chạy tới xem thương thế của anh ta.
Hoá ra người đàn ông hào hiệp này chính là người hôm qua đến xin nước hoa quả ở sạp của Đường Thận.
Đường Thận da mịn thịt mềm, bị đánh một cái là sưng lên ngay. Đại hán kia to khoẻ, cơ bắp cuồn cuộn, về lí thuyết thì chịu đòn tốt hơn cậu, nhưng anh ta cũng bị lũ ác ôn đánh cho thâm tím mình mẩy. Suốt cả trận hỗn chiến anh không hề lên tiếng, thành ra bây giờ Đường Thận mới phát hiện cánh tay anh ta bị thương chảy cả máu, không biết là bị chém bởi vật sắc từ bao giờ.
Đường Hoàng xoắn xuýt: “Bị thương nặng quá, phải làm sao bây giờ?”
Đường Thận nói: “Em gom đồ đạc đi, chúng mình sang chỗ Lưu đại phu ở phía Đông thôn khám.”
Nghe vậy, người đàn ông kia vội xua tay: “Không cần phiền phức vậy đâu, tiểu huynh đệ à, chỉ là vết thương vặt thôi. Lũ côn đồ đáng bầm thây kia chỉ có vài miếng đòn chợ búa, trông thì ghê gớm nhưng chẳng hại nhiều.”
A Hoàng quýnh lên: “Không hại mà chảy máu rồi kìa!”
Người đàn ông còn muốn nói thêm, nhưng Đường Thận kiên quyết dẫn anh ta tới chỗ đại phu. Đại phu kê đơn thuốc xong, người đàn ông kia nhìn Đường Thận trả tiền mà áy náy mãi. Anh ta và bà lão đứng giữa đường làng, lúng ta lúng túng. Đường Thận trông dáng vẻ lam lũ của bọn họ, bèn hỏi: “Chẳng hay vị đại ca này xưng hô thế nào? Nghe giọng anh, phải chăng là người miền Bắc?”
Người đàn ông nói: “Phải, chúng tôi tới từ Sơn Tây.”
“Thế cớ sao mà hai người ra nông nỗi này?”
Vẻ cay đắng hiện lên trên khuôn mặt, anh ta thở dài chua chát: “Không giấu gì tiểu huynh đệ, tôi vốn là hộ vệ của một nhà cử nhân, tuy không giàu có nhưng cũng gọi là dư dả. Ngờ đâu tháng trước, Sơn Tây có trận lũ lớn, nước sông Hoàng Hà dâng cao, chẳng cứ nhà tôi mà nhà ông cử kia già trẻ lớn bé đều chôn vùi trong con nước cả. Tôi chỉ có thể dẫn mẹ già vượt suối băng đèo, đến phủ Cô Tô tìm người bà con nương tựa. Nào hay người đó đã đi biền biệt từ năm ngoái đến nay, nên chúng tôi mới lâm vào cảnh vất vưởng thế này.”
Đường Hoàng núp sau lưng Đường Thận bèn thò đầu ra: “Thì ra chú là hộ vệ, thảo nào lợi hại thế, đánh bọn lưu manh kia tơi tả.”
Đường Thận ấn đầu em gái xuống: “Thì ra là thế, nhưng đại ca còn trẻ, thân thủ lại tốt, có lí nào lại không tìm được kế mưu sinh?”
Đại hán thở dài: “Nếu chỉ có mình tôi thì đến đâu cũng không lo thiếu ăn thiếu mặc, đi làm hộ vệ là đủ sống rồi. Song tôi còn mẹ già đây phải chăm nuôi. Dạo trước ở phủ Cô Tô tôi cũng tìm được một nhà, đông gia1 nhà đó rất ưng tôi, nhưng khi biết phải nuôi cả mẹ tôi, họ liền không nhận tôi nữa. Tiểu huynh đệ không biết đấy thôi, Giang Nam Cô Tô tuy giàu có, nhưng những người như tôi từ tứ xứ đổ về nhiều vô kể. Người khác không đèo bòng thêm ai, đương nhiên chủ nhà sẽ ưng họ hơn rồi.”
[1] Cách gọi ông chủ gia đình. Liên tưởng đến “Đông cung” – cách gọi Thái tửĐường Thận cũng không lấy làm lạ. Cùng là bao ăn bao ở, hàng tháng còn phải trả lương, ai cũng sẽ chọn người không có gánh nặng lo toan.
Nhưng nghe thấy anh ta nói thế, mắt Đường Thận sáng lên: “Anh đã tới phủ Cô Tô rồi ạ?
“Phải. Người bà con kia của tôi là người Cô Tô đó. Tôi chờ ở phủ Cô Tô hơn nửa tháng, chật vật quá nên mới đành đưa mẹ tới thôn này thử vận may.”
Đường Thận nói: “Đại ca này, tôi thấy chúng ta có duyên đấy. Tôi tin anh là người tốt.” Kiên trì đưa mẹ già vượt qua ngàn dặm đường, không rời không bỏ, chăm sóc cẩn thận từng li từng tí – một người con hiếu thảo nhường ấy khó có thể là người xấu được. “Tôi và em gái năm ngoái cũng mất người thân, hai anh em sống nương tựa nhau. Nếu anh không chê, xin hãy tới nhà tôi mà ở.”
Đại hán cả kinh: “Không được đâu, ơn nghĩa đấy tôi không thể vô duyên vô cơ mà nhận được.”
Đường Thận vẫn kiên trì, nói: “Anh đã cứu mạng anh em chúng tôi mà.”
Đại hán luôn mồm từ chối, nhưng chẳng thể lay chuyển được Đường Thận. Anh ta đành phải theo cậu về nhà.
Đường Hoàng còn nhỏ tuổi, tuy trong nhà thì ghê gớm, nhưng ra đường thì nghe lời Đường Thận răm rắp. Bốn người về nhà, đại hán và mẹ anh luôn chân luôn tay giúp đỡ việc cơm nước, lau chùi. Chỉ dăm hôm, bốn người đã gắn bó như ruột thịt.
Người đàn ông này họ Diêu, tên đầy đủ là Diêu Thành. Anh là con thứ ba trong nhà nên mọi người còn gọi là Diêu Tam.
Diêu Tam nhất quyết gọi Đường Thận là tiểu đông gia, coi mình là người làm thuê. Đường Thận không thuyết phục được anh, đành phải chiều theo ý.
Một tháng sau đó, bốn người tất bật ủ nước hoa quả. Trong dịp hội chùa hai anh em đã nhận không ít đơn đặt hàng, giờ có Diêu Tam và Diêu đại nương giúp một tay, hơn một trăm cân nước hoa quả đã ủ xong hết. Giữa chừng còn nhận thêm mấy đơn hàng ngoài dự kiến, để sang tháng tám thì bắt đầu làm. Đường Hoàng đếm đi đếm lại mười sáu xâu tiền mới nhận, đêm nào cũng đòi ôm đi ngủ.
Buổi tối cơm nước xong xuôi, Đường Thận ngồi ở sân phơi ngoài nhà, nhẩm tính số tiền kiếm được suốt nửa năm nay từ khi xuyên thời gian.
“…Cộng thêm tám mươi đồng sáng nay, là hai mươi ba xâu tiền.”
Diêu Tam chạy tới: “Tiểu đông gia, chăn đệm trong phòng đã dọn sẵn. Trời tối rồi, cậu mau đi nghỉ đi.”
Đường Thận ngẩng lên nhìn bầu trời: “Đêm nay trăng sáng đấy, anh gọi Đường Hoàng và Diêu đại nương ra đây đi, chúng ta ngắm trăng một lúc, tôi cũng có chuyện muốn nói.”
Diêu Tam ù ù cạc cạc đi gọi hai người kia, bốn người chia nhau ngồi ghế gỗ trong sân phơi.
Diêu Tam nói: “Tiểu đông gia, cậu có chuyện gì quan trọng cần dặn dò chúng tôi?”
Đường Thận gật đầu, nhìn Đường Hoàng bảo: “Tiền em cất cả, nói cho anh hay, nhà chúng ta bây giờ có bao nhiêu tiền.”
Đường Hoàng hoảng hốt nắm chặt tay: “Anh, anh định làm gì? Em không cho anh đụng đến tiền của em đâu!”
Đường Thận phì cười: “Cô chủ nhỏ ơi, tiền của em bao giờ? Đó là tiền của cả nhà ta. Đừng quậy nữa, anh hỏi em, có đúng là có hai mươi ba xâu tiền không?”
Cô nhóc bất đắc dĩ phải gật đầu, lầu bầu nói một tràng con số.
Đường Thận: “Không nghe rõ.”
“Hai mươi ba xâu bốn mươi mốt đồng! Diêu đại nương, anh ý bắt nạt con.”
“Được rồi, đừng có vờ ăn vạ.” Số lượng không khác mấy so với tính toán của Đường Thận. Cậu nói: “Chuyện là thế này, từ trước đến nay tôi vốn không có ý định ở lại thôn Triệu gia lâu dài. Thú thực, chỉ dăm bữa nữa thôi tôi và Đường Hoàng sẽ đi phủ Cô Tô, về sau có lẽ cũng không quay lại.”
Diêu Tam sững sờ: “Chuyện này…”
Đường Thận nói tiếp: “Diêu đại ca, tôi chưa bao giờ coi anh là người hầu kẻ hạ. Ván đã đóng thuyền, chúng tôi nhất định sẽ đi khỏi đây. Căn nhà này chúng tôi sẽ bán. Nếu anh và bác gái bằng lòng, hai người có thể đi với chúng tôi đến phủ Cô Tô. Nếu không thì ở gian sau có một chái nhà nhỏ, tôi sẽ không bán, coi như là tặng cho hai người.”
Diêu đại nương nói: “Như vậy sao được!”
Đường Thận nói: “Diêu đại ca chưa có chỗ dựa để lập nghiệp ở thôn Triệu gia, bác đừng từ chối cháu.”
Mẹ con hai người nhìn nhau không biết nói sao cho phải.
Diêu Tam ngẫm nghĩ một hồi, đành bảo: “Tiểu đông gia, cậu cho tôi một đêm để suy nghĩ cho kĩ nhé.”
Sáng sớm hôm sau, Diêu Tam nói với Đường Thận: “Tiểu đông gia, mẹ con tôi xin theo cậu đi Cô Tô. Tôi và mẹ tôi vốn không có nhà cửa, nhờ anh em cậu mà có chỗ an thân. Vả lại, anh em cậu còn nhỏ tuổi, đường đi Cô Tô sẽ nhiều vất vả.”
Đường Thận đáp lời: “Nếu anh lo anh em chúng tôi còn nhỏ, sợ trên đường xảy ra chuyện nên mới đi cùng thì thôi Diêu đại ca ạ.”
Diêu đại nương từ trong nhà đi ra, bảo: “Cái thằng con tôi đúng là quê mùa thô kệch, vụng ăn vụng nói mà. Tiểu đông gia, cậu đừng nghe nó nói vớ vẩn. Mắt đại nương tuy đã mờ, nhưng vẫn nhận ra tiểu đông gia là người có tiền đồ rộng mở. Thằng ba đi theo cậu mới có ngày sau. Chúng tôi sẵn lòng đi theo tiểu đông gia.”
Sự việc đến đó coi như định đoạt xong.
Kỳ thật có Diêu Tam đi cùng, Đường Thận cũng nhẹ bẫng gánh lo. Anh ta nói không sai, hai đứa trẻ con tới một nơi xa lạ rất nguy hiểm. Tuy Đường Thận có đầu óc của một nghiên cứu sinh danh giá hai mấy tuổi, nhưng ở thời đại này cậu vẫn chỉ là một đứa nhóc vắt mũi chưa sạch mà thôi. Nếu giữa đường gặp người xấu thật thì mười cậu cũng không bằng một Diêu Tam.
Thời gian xuất phát của chuyến đi được dời lại mười ngày sau, Đường Thận và Diêu Tam bắt đầu sửa soạn hành lý.
Đầu tiên họ tìm người mua nhà rồi bán căn nhà của gia đình họ Đường đi. Còn một mẫu ruộng Đường tú tài để lại, họ cũng bán nốt cho hai vợ chồng chủ quán trà thảo dược. Thửa ruộng đó trước đây vẫn cho hai vợ chồng này thuê để cày cấy vì Đường tú tài không làm ruộng, giờ bán lại cho người ta cũng rất tiện.
Chuẩn bị đủ hành trang, thuê một chiếc xe lừa, Đường Thận còn trong tay ba mươi xâu tiền.
Nghe nói anh em nhà họ Đường sẽ đi khỏi thôn Triệu gia, xóm làng đều đến tiễn.
Đường tú tài là tú tài hiếm có trong thôn, mặc dù ông ta cổ hủ lại không ưa thăm viếng xóm giềng, nhưng cũng không bị ai xa lánh, ghét bỏ cả. Đường Thận và Đường Hoàng thì đều lễ phép, đáng yêu, từ khi bán nước hoa quả vẫn qua lại thường xuyên với người trong thôn, ai ai cũng yêu quý hai anh em.
Cô chủ quán trà thảo dược dúi một túi bánh màn thầu cho Đường Thận: “Tiểu Đường lang, đi đường đừng để đói nhé.”
Bác gái hàng xóm cũng cho một túi quần áo: “Đây là quần áo cũ của con bác. Tiểu Đường lang, cháu đừng chê, bác nghe người ta bảo ở Cô Tô cái gì cũng đắt đỏ.”
“Tiểu Đường lang, sao cậu lại muốn đi vậy?”
“Tiểu Đường lang, hai anh em cậu đi rồi, về sau chúng tôi không có nước hoa quả để uống nữa sao?”
Đường Thận ái ngại gật đầu lia lịa: “Dạ, Tiểu Đường lang phải đi rồi.”
“Vâng, Tiểu Đường lang có thời gian nhất định sẽ về thăm thôn xóm.”
“Tiểu Đường lang nhất định sẽ không tiêu tiền lung tung.”
Hầy, cứ để cậu làm đứa con khờ dại của xóm làng hôm nay đi.
Diêu Tam và Diêu Đại nương gom hết quà của thôn dân, chất lên xe lừa.
Chẳng mấy chốc, Đường Thận đã đến trước mặt Tằng phu tử. Ông thầy già tóc hoa râm khom lưng nhìn Đường Thận, cậu mới chỉ cao đến ngang ngực ông. Hừ một tiếng, ông vứt cho Đường Thận một chiếc bọc, bảo: “Học hành tấn tới!” Dứt lời, ông quay gót đi thẳng.
Đường Thận chăm chú dõi theo bóng lưng Tằng phu tử dần xa.
Trưởng thôn dặn dò: “Tiểu Đường lang, đi Cô Tô học chớ quên thôn Triệu gia chúng ta nhé.”
Rất nhiều người trong thôn đều nghĩ anh em nhà họ Đường dọn nhà đi Cô Tô để học.
Đường Hoàng vênh mặt nói: “Anh cháu nhất định sẽ đỗ đạt làm quan!”
“Thi đến tận cử nhân2 cơ à?”
[2] Cấp bậc thấp nhất để được bổ nhiệm làm quanCô nhóc sĩ diện chết đi được, làm sao có thể nói anh trai mình không ôm chí lớn, chỉ muốn thi tú tài rồi thôi. Cô bé ấp a ấp úng: “Đó là đương nhiên, bác trưởng thôn, lúc đó bác nhớ đổi tên thôn Triệu gia thành tên anh cháu nha.”
Thôn Triệu gia trước kia có tên khác, vì có ông cử họ Triệu nên mới đổi tên thành thôn Triệu gia.
Trưởng thôn chỉ coi lời cô bé là nói đùa: “Được, nếu Tiểu Đường lang thi đậu cử nhân, về sau thôn Triệu gia chúng ta sẽ đổi tên thành thôn Đường gia, được không? Mọi người có ai phản đối không?”
“Chúng tôi đều nghe trưởng thôn cả.”
Nhìn đoàn người xóm thôn, Đường Thận cười nói: “Mọi người đừng tiễn nữa, Tiểu Đường lang đi thật đây.”
Trên con đường quê bé tẻo teo, chiếc xe lừa cọt kẹt lăn bánh. Dáng hình những người dân quê nhỏ dần nhỏ dần thành những chấm đen xiu xíu. Chẳng bao lâu, thôn Triệu gia cũng mất hút. Đường Hoàng bịn rịn lưu luyến vô cùng, rơm rơm nước mắt.
Đường Thận ngồi trên xe lừa, mở chiếc bọc Tằng phu tử đưa cho. Bên trong là một nghiên mực mới coóng, và một bộ sách Tứ thư. Luận ngữ, Trung dung, Đại học, Mạnh tử. Mở sách ra, những dòng ghi chú trải đầy trang sách. Sách đã cũ, có dấu vết lật đi lật lại, chứng tỏ chủ nhân đã đọc rất nhiều lần.
Phải đọc mấy chục năm, mới có thể ghi lại nhiều cảm ngộ và suy ngẫm như vậy?
Đường Thận gói ghém cẩn thận, thở dài: “Rốt cuộc vẫn phải theo con đường đọc sách thôi.”
Huyện Ngô cách phủ Cô Tô hơi xa, bốn người nghỉ trong rừng núi một đêm, sáng sớm hôm sau thì xuất phát đi Cô Tô.
Trên có thiên đàng, dưới có Tô Hàng.
『Cô Tô』
Khắc trên cổng thành là hai con chữ đen to bự, nét chữ phóng túng như ngựa hoang, rung động đất trời.
Đây là một tòa thành lớn, nguy nga tráng lệ. Cổng thành cao ba trượng hai xích
3, tường thành xây bằng gạch xanh trải dài tít tắp về hai phía, ngút tầm mắt không thấy điểm dừng. Bên trong cổng tò vò uy nghi, ngựa xe như nước, áo quần như nêm, xôn xao nhộn nhịp. Trên tường thành, vệ binh mặc giáp trụ canh gác, dưới tường thành người đi như trẩy hội. Chưa vào trong thành đã nghe thấy những âm thanh ồn ào huyên náo của một thành thị phồn hoa.
Tiếng rao hàng í ới, tiếng nhạc ngựa đinh đang.
Từ ngoài cổng thành, Đường Hoàng nhìn cảnh tượng bên trong mà ngây ngẩn. Xuyên thời gian đã nửa năm, lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy một thành thị lớn của thời xưa, ngay cả Đường Thận cũng thấy choáng ngợp.
Phải mất một lúc lâu, Đường Hoàng mới kéo tay áo anh trai: “Đường Thận, đây chính là, đây chính là nơi từ giờ chúng ta ở phải không?”
Đường Thận xốc lại tinh thần, đáp lời em: “Phải, đây chính là nơi chúng ta ở kể từ hôm nay.”
Đường Thận, người thôn Đường gia, huyện Ngô, phủ Cô Tô.
Năm nay mới mười ba tuổi.