Ánh mắt Đường Thận cứ lồ lộ như thế, làm sao mà Vương Trăn không đọc ra. Tiểu sư đệ nhà chàng chỉ thiếu điều viết luôn lên trán câu: Sư huynh tự phản bội bản thân mình thế có sao không? Vương Trăn phì cười, thản nhiên bảo: “Lang Gia Vương thị luôn luôn biết cách thích nghi với thời cuộc. Giữa hai tộc Vương, Tạ, đã bao giờ tiểu sư đệ tự hỏi, vì sao họ Tạ cứ dần dần suy bại trong khi họ Vương vẫn sừng sững như mặt trời ban trưa?”
Đường Thận trầm tư một lát, bỗng thở dài: “Nước chảy không tù, trụ cửa không mọt.”
Nước chảy không tù, trụ cửa không mọt…vì chúng không ngừng chuyển động!
Vương Tử Phong lấy Lang Gia Vương thị làm ví dụ, nhưng chàng chỉ nói rằng dòng họ Vương là đại biểu cho thế gia đại tộc, chứ không hề nói rằng Lang Gia Vương thị là hung thủ giết người. Họ Vương đã hình thành và lớn mạnh mấy trăm năm nay, tiếng tăm lẫy lừng, là đại tộc hàng đầu khắp bờ cõi Hoa Hạ. Từ xa xưa khi chế độ khoa cử chưa ra đời, khoảng cách giữa các tầng lớp trong xã hội gần như không thể lay chuyển. Mãi về sau, khi chế độ khoa cử thịnh hành, quyền lợi của các thế gia mới từ từ bị bao mòn. Giữa cảnh suy bại của không biết bao nhiêu dòng họ lẫy lừng một thời, Vương thị vẫn vững vàng đến nay.
Được như vậy là vì họ Vương luôn tự thay đổi để thích nghi với thế giới mới!
Nếu như đặt con em thế gia khác vào hoàn cảnh này, một khi họ biết cải cách “thay tiền bằng giấy” sẽ gây thiệt hại to lớn đến lợi ích của gia tộc mình, họ sẽ làm gì đây? Họ sẽ nhất quyết bưng bít, bài xích cho bằng được. Song cả Vương Trăn lẫn Hữu tướng Vương Thuyên đều ra sức thúc đẩy cải cách này.
Dòng dõi Lang Gia không chỉ làm quan vì thế gia, mà làm quan vì thế đạo.
Đường Thận nghĩ: “Thế lực quý tộc ở phủ Quảng Lăng kém xa phủ Kim Lăng, nhưng chuyện huyện thừa bỏ mạng chỉ xảy ra ở Quảng Lăng mà không xảy ra ở Kim Lăng…đã thể hiện rõ thái độ của Vương gia rồi!”
Trung tuần tháng hai, đoàn Khâm sai sứ đã đến phủ Quảng Lăng để điều tra án ty Độ Chi.
Cuối tháng ba, Hữu thị lang bộ Hình Tào Hội Tầm viết tấu, sai người hỏa tốc gửi về Thịnh Kinh. Triệu Phụ xem tấu xong giận sôi gan, ra lệnh cho Thượng thư bộ Hộ Vương Trăn và Thượng thư bộ Hình Cảnh Thiếu Vân đến ngay phủ Quảng Lăng để đôn đốc việc điều tra vụ án. Chạng vạng hôm ấy, hai ngài Thượng thư nhị phẩm dẫn theo thân tín, tức tốc di chuyển đển Quảng Lăng.
Trong điện Cần Chính, không khí vẫn bình thường như mọi ngày, nhưng cải cách thuế ruộng đã dần dần chững lại.
Hai mươi ba cải cách thuế ruộng tượng trưng cho một ý tưởng, một tư tưởng, và ty Độ Chi là công cụ sắc bén để thực thi nó. Hiện tại ty Độ Chi đã bị hoàng đế bãi miễn, Triệu Tĩnh và Tần Tự đếu bị cấm túc tại gia chờ xét xử. Ty Độ Chi không có người phụ trách, cải cách thuế ruộng cũng đình trệ theo.
Ai cũng biết cải cách thuế ruộng cực kì có lợi, không hề có vấn đề gì, nhưng không ai có cách biến những cải cách ấy thành hiện thực cả.
Tháng tư, tại U Châu, quân Liêu vi phạm hiệp ước, xung đột với quân Tống.
Chinh Tây nguyên soái Lý Cảnh Đức đánh quân địch thua tan tác. Chỉ trong ba ngày, tin chiến thắng đã được cấp báo về Thịnh Kinh. Hoàng đế hết sức đẹp lòng, liên tục khen “Hay” ba lần liền, quyết định khao thưởng toàn quân. Mấy ngày sau, báo cáo quân tình chi tiết mới được gửi về điện Cần Chính. Đường Thận giở quyển báo cáo dày cui, đọc hồi lâu, bỗng nảy ra một ý.
Hai ngày sau, Đường Thận biên một cuốn sổ con, lén lút gửi ra ngoài.
Chẳng mấy chốc, trong giờ phát cơm canh, một sai nha tuồn cho Đường Thận mẩu giấy. Đường Thận đọc xong thì lặng lẽ giấu vào trong tay áo, chờ đến lúc không có ai thì kín đáo đốt đi. Chiều tối khi xong việc, Đường Thận xuất cung. Cậu không về nhà mình ở hướng Đông mà đi tới phố lớn Chính Dương Môn.
Trên phố lớn Chính Dương Môn, hàng quán san sát, tấp nập người ngợm.
Đường Thận vào thẳng lầu Tế Hà. Đây là sản nghiệp của Đường gia, cậu chỉ cần lặng lẽ vào từ cửa hông là có người che dấu cho cậu. Đường Thận lên nhã gian trên tầng hai, vừa vào cửa là thi lễ ngay: “Hạ quan Đường Thận kính chào Vương tướng công.”
Trong gian phòng rộng rãi thoáng đãng, Hữu tướng Vương Thuyên đang ngồi ngay ghế thượng tọa.
Vương Thuyên hơn năm mươi tuổi, hai bên tóc mai điểm bạc. Ông nuôi râu rất dài, dáng người gầy guộc, trông rất có hình tượng của quan văn thanh liêm. Hai ông cháu Vương Thuyên và Vương Trăn không giống nhau, nhưng cử chỉ của cả hai đều có phong phạm thế gia khó mà bắt chước. Vương Thuyên ngồi ngay ngắn, thấy Đường Thận cung kính với mình thì cười bảo: “Người trong nhà với nhau cả, lại đây nào.”
“Vâng.”
Đây là lần đầu tiên Đường Thận chính thức tiếp xúc với Hữu tướng.
Trên triều đình có rất nhiều phe phái, phe nào cũng có đối thủ riêng, nhưng tất cả đều được liên kết với nhau bằng những sợi dây vô hình. Đường Thận được coi là nửa Vương đảng vì cậu với Vương Trăn là một cánh, nhưng chung quy cậu không về phe Hữu tướng.
Vương Thuyên và Vương Trăn là ông chú – cháu ruột, nhưng mỗi người bọn họ lại theo đuổi đường lối riêng.
Trên cả Vương đảng, Vương Trăn thiên về hoàng đảng hơn. Chàng chỉ trung thành và dốc sức phụng sự hoàng đế; chàng là tâm phúc của Triệu Phụ.
Vì Vương Trăn thuộc hoàng đảng mà Đường Thận lại theo chàng, nên cậu cũng được quy vào nhóm hoàng đảng. Dĩ nhiên, bè cánh này rất chi là phức tạp. Điển hình như Tô Ôn Duẫn thuộc hoàng đảng, nhưng xưa nay Tô Ôn Duẫn và Vương Tử Phong luôn kình nhau, thành ra Tô Ôn Duẫn cũng không vừa mắt với Đường Thận.
Đạo làm vua của Triệu Phụ – mượn sức quan lại chế ngự lẫn nhau – vừa phức tạp lại vừa thâm thúy. Ông ta dành ba mươi năm để xây dựng cục diện chính trị trên triều đình như hiện nay, nhìn qua thì tưởng đơn giản, nhưng nghiền ngẫm kĩ càng mới giật mình ớn lạnh.
Trên bàn ăn trong nhã gian đã bày một nồi bát hà cung nóng hổi, nhưng Vương Thuyên dường như không định động đũa.
Hai người ngồi với nhau, Vương Thuyên hỏi: “Vì sao lại đưa cuốn sổ ấy cho ta?”
Đường Thận im lặng giây lát rồi mới thưa: “Sư huynh không ở đây, ngoài Vương tướng công, tôi không nghĩ ra ai khác để gửi gắm.”
Vương Thuyên cười: “Lòng tin ngươi dành cho Tử Phong đúng là không gì sánh được.”
Đường Thận lặng thinh, bụng bảo dạ: Tôi tín nhiệm Vương Tử Phong thật, nhưng tôi không tín nhiệm ông. Chẳng qua phải quyền biến, nên mới chọn ông để trao sổ mà thôi.
Theo như lời Vương Tử Phong nói, trong khi họ Tạ trượt dốc từ lâu, họ Vương vẫn không hề suy suyển. Cậu tin tưởng dòng dõi Vương thị, nên mới gửi quyển tấu cho Vương Thuyên.
Vương Thuyên bình tĩnh nhìn Đường Thận, cứ như thể đang chờ xem có đóa hoa nào bừng nở trên gương mặt cậu không. Hồi lâu, vị quyền thần ấy mới cười thành tiếng: “Ta từng nghe Phó Hi Như kể, lão mang tiếng là thầy ngươi mà chưa dạy được ngươi buổi nào hết, toàn giao phó cho Tử Phong. Hôm nay xem ra, trò vượt cả thầy rồi.”
Đường Thận nghe thế thì đâm sợ sệt: “Vương tướng công quá khen.”
Tự dưng được khen giỏi hơn Vương Tử Phong, Đường Thận có chút chột dạ. Sư huynh nhà cậu tính tình cổ quái, đến giờ Đường Thận vẫn chưa hiểu rõ tâm tính Vương Tử Phong. Chẳng may chuyện Vương Thuyên khen Đường Thận giỏi hơn chàng đến tai Vương Tử Phong, chàng nổi cơn ghen tức thì biết thanh minh thế nào.
Vương Thuyên tươi cười: “Hôm nay đến đây thôi nhé.”
Nói rồi, ông đứng dậy ra về.
Bát hà cung trên bàn vẫn nguyên si. Chờ khi Vương Thuyên đi rồi, Đường Thận mới thở phào nhẹ nhõm, gọi quản lí Lục và Đường Hoàng vào ăn lẩu chung.
Đường Hoàng thấy cả bàn thức ăn còn đó thì sửng sốt: “Thịt thà rau củ tươi roi rói, tay bọn em chọn lựa, sao các anh chẳng ăn miếng nào thế? Ngon lắm mà!”
Đường Thận trêu: “Trong bụng em chỉ có ăn thôi.”
Đường Hoàng bĩu môi, cây ngay không sợ chết đứng: “Dân dĩ thực vi thiên.”
Đường Thận khen: “Dân dĩ thực vi thiên? Câu này hay đấy.”
Bậc vua chúa phải biết coi dân như trời, mà nhân dân thì lấy cái ăn làm trọng.
Đường Hoàng nào biết, người mới ngồi trong căn phòng này chính là Hữu tướng đương thời – Vương Thuyên! Cô bé nào biết chuyện mới được thảo luận trong căn phòng này sẽ ảnh hưởng đến miếng ăn của không biết bao nhiêu dân chúng!
Vương Thuyên làm việc như thế nào, Đường Thận không hề biết.
Năm Khai Bình thứ ba mươi, Tây Bắc đại thắng, nhuệ khí của người Liêu bị tổn hại nghiêm trọng. Triệu Phụ hân hoan khôn xiết, khao thưởng ba quân. Tả thị lang bộ Hộ Từ Lệnh Hậu can gián rằng cách khao thưởng thông thường rất kém hiệu quả do thường xuyên bị thất thoát trong quá trình vận chuyển đường xa. Hiện giờ Thượng thư bộ Hộ Vương Trăn không có mặt ở Thịnh Kinh, Hữu thị lang Tần Tự bị giam lỏng, Từ Lệnh Hậu liền chủ động đề xuất thiết lập ty Ngân Dẫn ở Tây Bắc, chuyên phụ trách vấn đề lương thưởng cho quân binh.
Triệu Phụ ưng thuận.
Đến tháng năm, nhóm Vương Trăn hồi kinh. Vụ án ty Độ Chi ở phủ Quảng Lăng chính thức khép lại, Đại Lý tự bắt giữ một số quan lại, bộ Hình cũng bắt được một số người.
Triệu Phụ lòng đau như cắt: “Các ngươi tưởng Thái tổ hủy bỏ Tam Ty chỉ để tước bớt quyền lực Thừa tướng thật sao?”
Khai Bình hoàng đế xưa nay vốn là người thích ám chỉ, ông ta chưa bao giờ nói trắng ra như thế cả. Hôm nay ông ta phải nói đến mức này, các quyền thần trong điện Thùy Củng chỉ biết đồng loạt vái dài. Nếu quan viên Đại Tống không phải quỳ trước hoàng đế, thì chắc chắn bọn họ đã quỳ rạp xuống hết rồi.
Triệu Phụ thở dài: “Các khanh không hiểu dụng tâm lương khổ của Thái tổ rồi!”
Tháng năm, Triệu Phụ bãi bỏ ty Độ Chi. Một cơ quan được tái thiết chưa đầy một năm đã chết yểu như vậy.
Môn Hạ Tham tri Chính sự Triệu Tĩnh giám sát kém hiệu quả, bị biếm đến Hồ Tây làm phủ doãn Tần Châu, hàm tứ phẩm. Hữu thị lang bộ Hộ Tần Tự bị biếm đến Liễu Châu làm Tiết độ sứ. Nhận thánh chỉ xong, cũng coi như không còn cơ hội diện thánh thêm lần nữa.
Triệu Tĩnh và Tần Tự nhận thánh chỉ, chỉ biết ngửa mặt nhìn trời, lòng hoang mang.
Tả tướng Kỷ Ông Tập xuất thân hàn môn, tuy giờ ông là Tả tướng quyền cao chức trọng, nhưng không vì thế mà mất chất thanh liêm. Ông khoản đãi học trò cưng của mình chỉ bằng những món ăn mà Tả tướng phu nhân đích thân nấu nướng, bữa cơm toàn rau dại, tổng cộng hai món mặn hai món chay.
Triệu Tĩnh thấy Tả tướng, nước mắt lưng tròng, quỳ phục xuống: “Học trò có lỗi với tiên sinh!”
Kỷ Ông Tập đỡ lấy Triệu Tĩnh trước khi hai đầu gối người học trò kịp chạm đất. Ông nói: “Bá An đâu có lỗi với vi sư, lại đây ăn cơm đã, đừng khóc lóc sướt mướt thế. Tuy cơm canh hôm nay chỉ có rau dại, nhưng con đến Tần Châu rồi, khéo chẳng có nổi rau dại mà ăn ấy chứ.”
Tần Châu là xứ hoang vu, chó ăn đá gà ăn sỏi. Triệu Tĩnh đi chuyến này, không biết bao giờ mới được về.
Triệu Tĩnh làm sao nuốt trôi cơm nữa, nghẹn ngào thưa: “Học trò làm việc không nên thân, còn liên lụy đến tiên sinh, khiến tiên sinh bị bệ hạ trách cứ trên triều đình.”
Kỷ Ông Tập cười: “Không phải lỗi tại con, do ta tính toán sai lầm. Ta cứ tưởng rằng Vương Thuyên thúc đẩy việc sửa đổi thuế ruộng là vì lợi ích của thế gia đại tộc phía ông ta, nên mới ra tay cản trở, cương quyết mở lại ty Độ Chi. Giờ một năm đã qua, ngoảnh đầu nhìn lại, ta mới nhận ra mình đã coi thường Vương Đức Chiêm rồi. Ta hẹp hòi quá, trong chuyện này, ta không rộng lượng bằng ông ấy!”
Triệu Tĩnh không hiểu nổi: “Tiên sinh?”
“Việc Vương Thuyên muốn làm, những tháng gần đây, ta cũng vỡ vạc ra đôi chút. Nếu ông ta thành công thật thì quả là một công trình lớn lao hữu ích. Giờ ông ta xây dựng ty Ngân Dẫn ở Tây Bắc, về cơ bản ta hiểu ý ông ta, nhưng chẳng còn năng lực để nhúng tay vào nữa.”
Triệu Tĩnh áy náy: “Lỗi tại học trò làm hỏng việc.”
Kỷ Ông Tập: “Tái ông mất ngựa, biết là họa hay là phúc đâu con?”
Triệu Tĩnh ngơ ngác không hiểu.
Kỷ Ông Tập ăn rau, trỏ đũa về phía Bắc. Đó là hướng hoàng cung Đại Tống. “Con nghĩ xem, bây giờ đồ đệ ruột của lão phu bị biếm đến Tần Châu, phe cánh Tả tướng tổn thất. Hoàng đế liệu đã yên tâm chưa?”
Triệu Tĩnh suy nghĩ hồi lâu, lật lại hết những chuyện tai nghe mắt thấy suốt trong năm vừa qua.
Nghĩ xong, Triệu Tĩnh lạnh toát cả người, bầu nhiệt huyết trong lồng ngực vỡ òa. Là học trò tâm đắc của Kỷ Ông Tập, Triệu Tĩnh đương nhiên không dốt nát. Giờ phút này, ông ta đã thực sự thông suốt mọi chuyện rồi.
Triệu Tĩnh đứng dậy chắp tay vái: “Đại nghĩa của tiên sinh, học trò đã thấm thía!”