Sông Đông Êm Đềm

Chương 40



Trời không chuyển sang mùa đông. Tuyết đã rơi trước lễ Đức mẹ, nhưng sau ngày lễ người ta lại có thể cho gia súc ra ăn cỏ ngoài đồng. Gió nồm thổi suốt một tuần, trời ấm lại, mảnh đất lại tỉnh táo, ngoài đồng cỏ, cỏ xanh cuối mùa loăn xoăn như rêu cố nở vớt những đoá hoa tươi thắm.

Thời tiết ấm trở lại cho đến ngày lễ thánh Misen. Sau đó lại bắt đầu rét ngọt, tuyết đổ xuống như trút, và mỗi ngày một rét dữ. Lại rơi thêm một phần tư ác- sin tuyết. Trong các vườn rau hoang vắng ven sông Đông, những chuỗi vết chân thỏ hình cánh hoa chạy qua bên dưới những dãy hàng rào tuyết phủ đến ngọn, nom như những hình thêu rua trên áo các cô gái. Phố xá không một bóng người.

Khói phân khô bốc lên tãi ra khắp thôn. Vài con quạ đen tìm đến chỗ có người ở đi đi lại lại gần đống tro đổ ven đường. Xe trượt tuyết chạy trong thôn vạch thành những đường ngoằn ngoèo trông như những dải vải xanh bạc màu.

Một hôm trên bãi họp việc làng có một cuộc họp: sắp đến ngày chia phần chặt củi. Dân trong thôn, kẻ áo da dài, người áo da ngắn, đứng chen chúc bên thềm nhà hội đồng, những chiếc ủng dạ dẫm ken két. Vì lạnh nên mọi người ùa cả vào trong nhà. Những người già cả, râu bạc như cước, được trọng vọng thì được ngồi ở cái bàn bên cạnh lão ataman và viên thư ký. Còn bọn Cô- dắc ít tuổi hơn, râu đủ các màu hoặc chưa có râu thì đứng túm tụm từng đám, chuyện trò ầm ĩ qua những cái cổ ấm của áo lông cừu. Viên thư ký viết những dòng li ti trên một tờ giấy. Lão ataman nhìn qua vai hắn xem hắn viết. Trong khi đó căn phòng của nhà hội đồng ầm ĩ những giọng nói cố nén thầm:

- Cỏ bây giờ thì…

- Hừ- hừ… Cỏ ngoài bãi còn cho bò ngựa ăn được, chứ trên đồng cỏ thì chỉ có loại linh lăng hương chẳng được tích sự gì.

- Thời các cụ xưa có thể thả bò ngựa cho ăn cỏ tới Nô- en cơ đấy.

- Thế thì thú cho bọn Kalmys lắm nhỉ?

- Hừ- ừ- ừm…

- Cổ của lão ataman cứ như cổ chó sói ấy: lão có xoay đầu được đâu?

- Lão bạnh cổ ấy ăn hốc lắm vào, béo như con lợn, thật là của quỷ!

- Thế nào ông thông gia, ông sợ lạnh à? Sao phải mặc một cái áo da ghê gớm như thế nầy…

- Hôm nay có thằng Di- gan bán chiếc áo da.

- Một đêm Nô- en, bọn Di- gan ngủ trên đồng cỏ, chẳng có gì đắp. Một thằng đắp cái lưới đánh cá, ruột già ruột non lạnh cứng cả lại. Nó tỉnh dậy, thò một ngón tay qua mắt lưới, rồi bảo mẹ nó: "Hừ- hừ, mẹ ơi, sao ngoài sân lạnh dữ đến thế nầy!"

- Lạy Chúa tôi, đường trơn đến nơi rồi.

- Đến phải đóng móng sắt cho bò mất, chẳng còn cách nào khác cả.

- Mấy hôm nọ mình đi chặt liễu trắng ở khe Con quỷ, đẹp đẹp là.

- Zakha à, có cài khuy quần vào không… Cóng sun lại thì cái mụ nhà bác đến tống cổ bác đi thôi.

- Nầy, bác Apdeit, bác chăn còn bò mộng giống của thôn đấy phải không?

- Tôi không nhận chăn nữa rồi. Mụ Paranca Mrykhina chăn đấy. Mụ ta bảo: "Tôi goá chồng, chăn cho vui cửa vui nhà". Tôi bảo: "Chịu khó mà chăn, may ra còn sinh con đẻ cái…"

- A- hà- hà- hà- hà!

- Ô- khồ khồ- khồ- khồ?

- Thưa các cụ bô lão? Cái chuyện chia củi chúng ta sẽ giải quyết thế nào đây? Khẽ chứ nào!

- Tôi bảo rằng nếu có sinh con đẻ cái… tôi sẽ làm bố đỡ đầu cho…

- Yên lặng một chút! Chúng tôi tha thiết đề nghị!

Cuộc họp bắt đầu. Lão ataman vuốt cái na- xê- ca 1 lấm tấm hơi nước, réo họ tên những người được chia, hơi lão thở ra trắng như khói và thỉnh thoảng lão lại đưa ngón tay út lên gỡ những miếng băng nhỏ trên râu. Sau lưng lão, bên cái cửa luôn đập thình thình, người ta chen chúc, hơi bốc ngùn ngụt, tiếng sì mũi ầm ĩ.

- Thứ năm không thể lấy làm ngày đốn củi được đâu? - Gã Ivan Tomilin nghiêng cái đầu đội mũ cát- két màu lam của lính pháo binh, xát xát hai cái tai đỏ tía, cố hét át tiếng lão ataman.

- Tại sao vậy?

- Nầy cái anh pháo thủ hạng bét kia, giứt béng hai cái tai đi cho xong!

- Chúng ta sẽ khâu thay vào cho hắn hai tai bò.

- Thứ năm, đến nửa thôn phải tập trung đi chở cỏ rồi còn gì. Chúng ta hãy bàn cho kỹ đã!

- Thế thì đi đốn củi ngày chủ nhật vậy.

- Thưa các cụ bô lão?

- Chẳng sao cả!

- Chúc mọi sự tốt lành!

- Khư- ừ- ừ- ừ- ừ?

- Khô ồ- ồ- ồ ồ?

- Khà à- à- à- à!

Lão già Matvey Casulin vươn mình qua cái bàn lung lay như răng bà lão, cầm cái nạng làm bằng gỗ tần bì nhẵn thín xỉa xỉa về phía Tomilin. Lão bực tức rít lên:

- Cái chuyện cỏ hãy để lại đã! Có gì phải lo cơ chứ? Việc ấy là việc chung… Anh vốn dĩ chỉ quen chọc gậy bánh xe mà thôi. Anh bạn trẻ của tôi ạ, anh xuẩn vừa chứ! Đây nầy! Anh hãy xem? Đây nầy…

- Chính lão mới là cái thằng đến già mà vẫn phải dựa vào trí khôn của láng giềng… - Gã cụt tay Aleksey đứng ở những hàng sau nhô đầu lên phía trước nói liến thoắng. Gã nháy mắt lia lịa, bên má thủng lỗ chỗ giật giật như lên cơn thần kinh.

Đã sáu năm nay, gã mang thù với lão Casulin chỉ vì một mẩu đất cày dôi. Mùa xuân năm nào gã cũng nện cho lão già một trận, mà của đáng tội, lão kia cũng chỉ chiếm của gã một mảnh đất bằng một phần tư con chim sẻ 2, nhăn mặt một cái là có thể nhổ phẹt bãi nước bọt từ bên nầy sang bên kia.

- Thôi câm đi, cái thằng kinh giật!

- Tiếc là quá xa, không với tới, nếu không ông đã cho mày một quyền đổ máu mũi rồi!

- Nầy, cái thằng cụt tay nháy mắt!

- Thôi cả hai im đi, lại gây sự với nhau rồi!

- Có muốn cắn nhau thì cút ra sân mà cắn nhau? Đúng thế đấy.

- Thôi đi, Aleksey, cậu xem kìa, lão già đã hết hồn hết vía rồi, cái mũ lông trên đầu lão đang nảy bần bật lên kia kìa.

- Những ai đánh nhau cãi nhau thì cho vào nhà giam!

Lão ataman đấm mạnh xuống chiếc bàn ọp ẹp:

- Tôi gọi cảnh sát bây giờ đây! Có im đi không!

Những tiếng ầm ầm lặng đi, lan dần xuống tới những hàng cuối cùng rồi im hẳn.

- Thứ năm trời rạng là đi đốn củi ngay.

- Thưa các cụ bô lão, các cụ thấy thế nào?

- Mong mọi sự tốt lành?

- Cầu Chúa che chở!

- Ngày nay chúng nó không chịu nghe lời người già nữa rồi…

- Không lo, rồi chúng nó sẽ phải vâng lời thôi. Chẳng nhẽ không kiếm được cách nào trị chúng nó hay sao? Cái thằng Alosa thổ tả nhà tôi, định đánh cả tôi. Tôi đã làm cho nó phải câm miệng ngay: "Tao sẽ ra trình với ông ataman và bô lão trong thôn, người ta sẽ lôi mày ra bãi họp việc làng mà nện cho một trận…". Thế là nó phải biết thân ngay, phải nằm rạp xuống như ngọn cỏ dưới nước lũ.

- Còn việc nầy nữa, thưa các cụ bô lão, tôi vừa nhận được lệnh của ông ataman trấn. - Lão ataman thôn đổi giọng, xoay xoay đầu cái cổ đứng của chiếc áo quân phục nâng hẳn lên, siết chặt lấy cổ lão - Thứ bảy nầy, những ai đến tuổi tráng đinh đều phải làm lễ tuyên thệ. Trước lúc trời tối đã phải có mặt ở nhà hội đồng trấn.

Ông Panteley Prokofievich co bên chân thọt, đứng bên cạnh ông thông gia ở chỗ cái cửa sổ sát với cửa ra vào. Miron Grigori phanh chiếc áo da dài ngồi trên bậu cửa sổ, một nụ cười lấp loáng sau chòm râu hung hung. Sương muối long lanh trên hai hàng mi ngắn cũn, trắng phếch. Những cái nốt ruồi nâu to tướng mọng máu vì lạnh xám ngắt đi. Cạnh đấy, một đám Cô- dắc trẻ hơn đứng túm tụm, nháy mắt cho nhau, mỉm cười. Lão Apdeit, biệt hiệu là Vua nói phét, kiễng chân đứng lắc lư giữa đám với chiếc mũ lông đỉnh màu lam có đính chữ thập bạc của trung đoàn Atamansky lật ra sau cái gáy phẳng lì. Apdeit cùng tuổi với ông Panteley Prokofievich nhưng chưa có vẻ gì là già, cặp má lúc nào cũng đỏ hồng hồng như quả táo chín.

Apdeit có đi lính trong trung đoàn ngự lâm Atamansky. Lúc đi lão còn mang cái họ là Xinhilin, nhưng lúc về lão đã trở thành… Vua nói phét.

Lão là người đầu tiên trong thôn được biên chế vào trung đoàn Atamansky và một điều quái đản đã xảy ra với lão Cô- dắc nầy, Apdeit đã lớn lên cũng như tất cả các thanh niên khác, chỉ phải cái hồi ít tuổi hơi ngớ ngẩn một chút, nhưng đi lính về thì mồm mép liến thoắng không lúc nào ngơi. Ngay hôm đầu, vừa về thôn, Apdeit đã bắt đầu kể cho mọi người nghe những mẩu chuyện lạ lùng về thời gian lão đóng trong cung điện của vua Nga, và về những việc phi thường lão đã làm ở Peterburg. Đầu tiên người ta còn kinh ngạc, há hốc miệng ra nghe, tin là thật, nhưng sau cũng biết là Apdeit nói khoác. Quả thật từ khi các cụ thành lập thôn nầy cho đến nay, chưa từng thấy có một tay nói khoác như thế nầy bao giờ. Khi đã có chứng cớ rành rành là những chuyện kỳ dị của lão đều do lão bịa ra, người ta cười ngay vào mũi lão, nhưng lão cũng chẳng đỏ mặt (có lẽ lão cũng có đỏ mặt đấy, nhưng vì da lão lúc nào cũng đã đỏ rồi nên người ta không nhận ra thôi) và sau đó vẫn tiếp tục nói khoác như thường. Về già, lão càng thêm điên cuồng rồ dại. Nếu bị hỏi vặn đến cứng lưỡi thì lão nổi khùng, gây sự đánh nhau, nhưng nếu người ta lặng thinh, chỉ mỉm cười chế nhạo thì lão càng một tấc đến trời, bất chấp những lời thiên hạ chế giễu.

Trong công việc làm ăn, Apdeit là một tay Cô- dắc tháo vát, chăm chỉ cần cù, việc gì cũng làm đâu vào đó, có khi còn khôn ngoan ranh ma nữa là khác. Nhưng hễ động đến chuyện lão đi lính ở trung đoàn Atamansky… là bất cứ ai cũng phải khoát tay vì ngạc nhiên hay ôm bụng ngồi xuống đất mà cười nôn ruột.

Hôm nay Apdeit lại lắc lư trên đôi ủng dạ mòn gót, đứng giữa một đám Cô- dắc xúm đông chung quanh. Lão đưa mắt nhìn khắp lượt rồi nói bằng một giọng trầm trầm đầy vẻ nghiêm trọng:

- Những thàng Cô- dắc ngày nay hoàn toàn là của vứt đi. Loắt choắt, nhỏ bé, chẳng được tích sự gì cả. Bất cứ thằng nào cũng xỉ mũi bẻ cái làm đôi được. Nói tóm lại… - Lão mỉm một nụ cười khinh bỉ, lấy mũi ủng di di bãi nước bọt. - Ở trấn Vosenskaia tôi đã từng thấy những xương người chết, đó mới thật là người Cô- dắc, đúng thế đấy!

- Đào được ở đâu thế, bác Apdeit? - Gã Anikey mặt mũi nhẵn thín vừa hỏi vừa hích khuỷu tay vào gã đứng bên.

- Thôi ông bạn đồng ngũ ơi, tết nhất đến nơi rồi, đừng khoác lác nữa làm gì. - Ông Panteley Prokofievich nheo cái mũi mỏ quạ, lắc lắc chiếc vòng tai. Ông vốn không ưa những chuyện ba hoa.

- Không đâu ông bạn ạ, từ thủa cha sinh mẹ đẻ đến giờ tôi có nói điều gì không đúng sự thật bao giờ đâu, - Apdeit tuyên bố rất long trọng rồi ngạc nhiên giương mắt nhìn Anikey run bần bật như lên cơn sốt rét. - Tôi đã được thấy những cái xương người chết ấy, hôm người ta làm nhà cho cậu em vợ tôi. Vừa bắt đầu đào móng là quật lên được một ngôi mộ. Đúng là xưa kia ven sông Đông, ở gần nhà thờ đã có một cái bãi tha ma.

- Thế những cái xương ấy như thế nào? - Ông Panteley Prokofievich đã sắp sửa bỏ đi chỗ khác, nhưng lại bực mình hỏi thêm.

- Tay thì thế nầy nầy, - Apdeit vung rộng hai tay như hai cái cào.

- Còn cái đầu, thật đấy, tôi không nói ngoa đâu, chẳng kém gì một cái nồi Ba Lan.

- Nầy bác Apdeit ạ, tốt nhất bác hãy kể cho bọn trẻ nghe chuyện bác bắt tên cường đạo ở Saint Peterburg thì hơn. - Miron Grigorievich xúi thêm rồi khép tà áo lông, tụt trên bậu cửa sổ xuống.

- Chuyện ấy thì có gì mà kể. - Apdeit vờ khiêm tốn.

- Thôi kể đi bác?

- Tôi van bác đấy?

- Nể chúng tôi một chút, bác Apdeit!

- Thôi được câu chuyện đã xảy ra như thế nầy nầy. - Apdeit húng hắng ho, lấy trong túi quần ra một túi thuốc lá. Rồi lão khum khum bàn tay, dốc ra ít thuốc vụn và bỏ lại vào túi thuốc hai đồng tiền đồng rơi trong đó ra. Xong đâu đó lão mới sung sướng đưa mắt nhìn một lượt tất cả những người đứng nghe. - Có một tên hung thủ bị bắt vừa vượt ngục, trốn khỏi pháo đài. Đã tìm khắp chốn khắp nơi mà chẳng thấy bóng vía nó đâu cả. Quan lớn quan bé đều chẳng còn biết đằng nào mà lần. Chim trời cá nước, thế là biệt tăm biệt tích? Đến đêm ngài sĩ quan giám thủ cho gọi mình. Mình bèn lên gặp… Phải… Quan giám thủ nói: "Anh hãy vào cung bái yết hoàng đế bệ hạ… Hoàng đế cho vời anh đấy". Tất nhiên mình cũng có lo, nhưng vẫn cứ đến. Mình bước vào, đứng nghiêm và Người, đấng Đại ân đại đức của chúng ta, đưa tay vỗ vai mình và bảo: "Có chuyện thế nầy, Ivan Apdeit ạ, tên hung phạm nguy hiểm nhất đối với quốc gia đã trốn mất rồi. Dù phải thăng thiên độn thổ, nhà ngươi cũng phải tìm bắt cho được nó. Nếu không đừng vác mặt về trông thấy trẫm nữa!". Mình bèn trả lời: "Thần xin lĩnh chỉ, thánh thượng vạn tuế?" Chà- à- à, các cậu ạ thật là một chuyện làm mình tơi bời ruột gan… Mình bèn vào chuồng ngựa của hoàng đế, thắng những con tuấn mã hạng nhất vào một chiếc troika 3, thế là xuất phát, xuất phát. - Apdeit châm thuốc hút, rồi đưa mắt nhìn một lượt những người đang cúi đầu lắng nghe. Lão phấn khởi hẳn lên, cất giọng oang oang qua làn khói thuốc chập chờn quanh đầu - Ngày rong ruổi, đêm ruổi rong, đến ngày thứ ba thì tóm cổ được cu cậu ở gần Moskva. Mình quẳng luôn anh bạn thân mến ấy lên xe rồi lại đường cũ đánh nước mã hồi. Nửa đêm mới về đến nơi, từ đầu đến chân những bùn là bùn, nhưng mình vẫn đi thẳng đến chỗ Ngài ngự. Tất cả các công tước, bá tước to nhỏ đủ mọi kiểu không cho mình vào, nhưng mình vẫn cứ vào. Phải… Mình gõ cửa: "Muôn tâu thánh thượng, thần xin phép được vào, Ngài ngựa hỏi: "Ngươi là ai thế? Mình thưa: "Tâu thánh thượng, thần đây, Ivan Apdeit đây". Trong nhà lục đục loạn cả lên, rồi mình nghe thấy chính Ngài ngự quát: "Bà Maria Fedorovna 4 đâu? Dậy mau lên, mang samova 5 ra đây, Ivan Apdeit về rồi đấy?"

Những hàng phía sau phá lên cười như nắc nẻ. Viên thư ký đang đọc tờ thông báo về gia súc bị thất lạc bị tắc ở câu: "chân trái vá trắng tới gót". Lão ataman vươn cổ như con ngỗng, gương mắt nhìn đám người đang cười ngặt nghẽo.

Apdeit bỏ chiếc mũ lông ra, cau mày, ngơ ngác đưa mắt nhìn từng người một.

- Hượm đã nào!

- Ô- hô- ha- ha- ha!

- Chao ôi, chê- ê- ết cười được!

- Khặc- khặc- khă- khă- khặc?

- Apdeit, cái con chó hói, ô- hô- hô!

- "Mang samova ra đây, Ivan Apdeit về rồi đấy?" ái chà chà!

Những người đến họp bắt đầu ra về. Những cái ngưỡng cửa làm bằng gỗ ở thềm bị lạnh giá cọt kẹt mãi không thôi. Stepan Astakhov cùng một gã Cô- dắc đang vật nhau trên đống tuyết bị dẫm nát bên cạnh nhà hội đồng cho nóng người. Gã nầy cao lớn, chân dài nghêu, là chủ cái máy xay gió kiểu Hà Lan.

- Bẻ quặt tay qua đầu? - bọn Cô- dắc đứng vây quanh mách miếng.

- Stepan, lắc cho nó phọt cám ra đi!

- Cậu không đủ sức chộp được nó đâu? Thằng cha nầy láu cá lắm đấy! - Lão Casulin thích quá, cứ nhảy cỡn như một con chim sẻ vì quá mải mê theo dõi, lão không biết rằng một giọt nước mũi sáng sáng rất to đang lủng lẳng ở đầu cái mũi xám ngoét của lão.

--- ------ ------ ------ -------

1 Gậy tượng trưng cho chức quyền ataman (ND).

2 Nguyên văn: "bằng một phần tư con chim sẻn (ND).

3 Một loại xe ba ngựa kéo, rất nhẹ, có thể dùng làm xe thi (ND).

4 Tên cúng cơm của hoàng hậu (ND).

5 Một loại ấm đun nước của người Nga luôn giữ cho nước sôi, dùng để pha trà (ND).

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.