Song Quy Nhạn

Chương 30: Cố nhân 2



“Hôm qua ta nhận được thư của lão Tam, nó nhậm chức đã đủ ba năm giờ được chuyển về kinh, Tình Lam con muốn chuẩn bị gì không, muốn làm gì có thể thương lượng với Nhị tẩu.”

“Tam ca … con nhầm, Tam thúc về kinh?” Thanh Hề vô cùng cao hứng, tuy Tam gia Phong Nhạc là con vợ lẽ, nhưng quan hệ giữa Thanh Hề và hắn không hề tệ.

Thái phu nhân mỉm cười gật đầu, tuy không phải con đẻ của bà, nhưng Tam gia là do bà nuôi lớn, tình cảm mẹ con không bạc.

Ngược đời là Đỗ Tình Lam không chút hào hứng, “Con thấy không có gì phải chuẩn bị, thư phòng của Tam gia vẫn cho người dọn dẹp thường xuyên, không hề khác so với lúc hắn đi.”

Thanh Hề âm thầm kinh ngạc, nhưng Thái phu nhân lại biết lý do, chỉ sợ tính tiểu thư đỏng đảnh của Đỗ Tình Lam không đổi, làm loạn thì mất mặt cả nhà, thế nên bà phải thông báo trước mấy câu

“Nghe nói lần này lão Tam đưa về người thiếp đã nạp khi nhậm chức ở xa, còn có con trai, con định sắp xếp cho mẹ con họ ở đâu?”

Nhắc tới người thiếp họ Hướng này Đỗ Tình Lam liền trợn mắt bĩu môi, không nói lời nào.

Thái phu nhân thở dài một tiếng, “Tình Lam, ta biết trong lòng con khó chịu, nhưng chuyện này có thể trách ai đây? Nếu con không chịu đổi tính, người phải chịu thiệt thòi chỉ có con.”

Quả thật Thái phu nhân đúng là một bà mẹ chồng phúc hậu đến không thể hơn nữa.

Đỗ Tình Lam khóc nức nở. Cùng là phụ nữ, cùng là người làm vợ, có ai mà không hiểu nguyên do. “Trong nhà từ Quốc công gia đến Tứ đệ đã có ai nạp thiếp, chỉ có hắn, chỉ có hắn không có lương tâm, con sinh con đẻ cái cho hắn, tại sao lại đối xử với con như thế?”

Không ai lên tiếng xoa dịu, Đỗ Tình Lam chờ nửa ngày không thấy ai an ủi đành nín khóc.

Thái phu nhân trừng mắt nhìn Đỗ Tình Lam, “Con trách ta đã đồng ý cho lão Tam nạp thiếp?”

“Con dâu không dám.” Đỗ Tình Lam cũng biết là bản thân đã sai, nhưng mà nhất thời oán hận không khống chế được.

Nội tình chuyện này cả nhà đều biết. Đỗ Tình Lam là con gái Định Viễn Bá, được nuông chiều từ nhỏ, sau khi gả cho Phong Nhạc, tính vẫn đỏng đảnh, vợ chồng thường xuyên lời qua tiếng lại. Khi Phong Nhạc đi nhậm chức ở xa, Mi Thư Nhi còn đang ẵm ngửa, hai người từng cãi nhau một trận rất lớn, chỉ vì Phong Nhạc muốn đến nhậm chức ở huyện Liên Hoa là một địa phương thâm sơn cùng cốc, Đỗ Tình Lam không chịu cho Phong Nhạc đi, nhưng Phong Nhạc không muốn sống cả đời dưới cái bóng của Phong Lưu, cố ý muốn đi. Đỗ Tình Lam xót Mi Thư Nhi còn nhỏ, một hai không chịu đến cái nơi chó ăn đá gà ăn sỏi, hạ quyết tâm không đi, tưởng có thể khiến Phong Nhạc cân nhắc mà ở lại. Ai ngờ Phong Nhạc đi mà chẳng thèm từ biệt Đỗ Tình Lam, suốt ba năm cũng chưa từng gửi cho Đỗ Tình Lam một lá thư nào.

Con trai bôn ba một thân một mình ở ngoài, Thái phu nhân sao có thể yên tâm, khi nghe nói Phong Nhạc tự tìm được một người để nâng khăn sửa túi, đương nhiên là bà đồng ý.

Ba năm không gặp, tình cảm vợ chồng đã bạc, nay Phong Nhạc còn đưa về một người thiếp đã sinh con, cũng khó trách Đỗ Tình Lam tỏ thái độ này.

Dẹp xong vụ Đỗ Tình Lam, Thái phu nhân mới gọi mang điểm tâm lên. Ngoài Thanh Hề, ba người kia đều không có thói quen dùng cơm với Thái phu nhân, hầu hạ Thái phu nhân xong đều về phòng mình, thế nên bàn ăn chỉ có Thái phu nhân và Thanh Hề.

“Á, huyết yến ở chỗ mẹ hết rồi sao?” Thanh Hề dứt lời nhìn sang chén của Thái phu nhân, rõ ràng là huyết yến, nhìn lại chén của mình lại là bạch yến, đây là lần đầu tiên có tình huống này.

Thanh Hề giương mắt nhìn Thái phu nhân, mắt rưng rưng tủi thân, như muốn nói Thái phu nhân không thương nàng. Thái phu nhân làm sao chống đỡ được ánh mắt đó, bèn đưa chén huyết yến của mình cho nàng, “Con thật là trẻ con, cho con phần của ta.”

Nếu là người con dâu khác tất nhiên là không dám nhận, nhưng Thanh Hề da mặt dày, vô tư nhận, “Chỉ có mẹ thương con.” Thật ra đổi chén tổ yến chính là một biểu hiện của tình thương gia đình.

Cảnh đó lọt vào mắt Nhị phu nhân thật như tát cô ta một cái.

Thương Nhược Văn nhìn thấy thế, lảo đảo như muốn ngất, sau đó lập tức lấy cớ rời đi.

Dùng cơm xong, Thái phu nhân lau miệng, bình thản giữ Nhị phu nhân lại.

“Huyết yến ở chỗ ta không đủ sao?” Thái phu nhân hỏi Hà Ngôn.

“Dạ đủ, hôm qua Anh Đào ở chỗ Nhị phu nhân mới đưa đến thêm hai lạng huyết yến.” Đây là phần huyết yến hàng tháng của Thái phu nhân.

Thái phu nhân quay đầu nhìn Nhị phu nhân.

Nhị phu nhân thẳng thắn: “Là con dâu quyết định, ngoại trừ mẹ là hai lạng huyết yến một tháng, các con dâu mỗi tháng là hai lạng bạch yến.” Lệ của trước kia là mỗi người hai lạng huyết yến.

Nhị phu nhân thẳng lưng đầy kiên định, đó là bởi vì cô ấy cảm thấy mình đang tiết kiệm tiền cho nhà, hơn nữa cũng cảm thấy bản thân rất có lý, “Con nghe đại phu nói, công dụng của huyết yến và bạch yến không khác nhau nhiều, nhưng giá cả chênh nhau một phần ba, thế nên con dâu cả gan đổi huyết yến thành bạch yến.”

Thái phu nhân bóp trán, “Hân Thư Nhi năm nay tám tuổi đúng không?”

Nhị phu nhân không biết tại sao Thái phu nhân lại đột ngột nhắc tới chuyện này.

“Dạ vâng.”

“Đã học đến sách gì rồi, nữ công thế nào?”

“Đã học hết sách vỡ lòng, đang học tứ kinh, về nữ công con có tìm một người hầu dạy riêng cho con bé, giờ đã có thể tự thêu khăn tay.” Nhắc tới con gái mình nên Nhị phu nhân liền nhiều lời hơn bình thường.

“ừ. Con gái nhà ta phải thấu đáo, hiền thục. Đến khi Hân Thư Nhi xuất giá, ta sẽ chuẩn bị một phần hồi môn, các thím của con bé cũng sẽ có quà cho con bé.”

Đã nói đến thế này rồi thì Nhị phu nhân không thể không đỏ mặt, cô ấy đã hiểu ý của Thái phu nhân muốn nói. Nhị phu nhân xuất thân bần hàn, khi đi lấy chồng không có hồi môn gì đáng kể, Nhị gia giữ một chức quan nhàn rỗi ở Binh Bộ, lương bổng có hạn, cuộc sống của hai người từng rất căng thẳng, từ sau khi Nhị phu nhân quản lý chi tiêu cho cả phủ thì chuyện chi tiêu của nhà cô ấy mới dễ thở hơn. Nhưng Nhị phu nhân cũng là một người thật thà, tiền bạc của phủ đều qua tay cô ấy nhưng cô ấy không tơ hào túi riêng, chính vì thế Thái phu nhân mới giao cô ấy quản lý.

Nhưng sau một thời gian dài, Nhị phu nhân lộ ra một tính xấu là keo kiệt, cái gì bớt được là cô ấy bớt ngay, về công thì tiết kiệm không ít, họ hàng nghèo đến nhà xin tiền cũng bớt nhiều.

Thật ra cô ấy tiết kiệm cũng là vì quỹ chung, sau này các cháu lấy vợ lấy chồng đều lấy từ quỹ ra thôi, quỹ càng nhiều tiền thì hồi môn của Hân Thư Nhi càng nhiều.

“Mẹ, con…” Nhị phu nhân có chút căng thẳng.

“Ta biết ý của con, nhưng Quốc công phủ có thể diện của Quốc công phủ.” Nói thật, có đôi khi Thái phu nhân rất không hài lòng với tính đấy của Nhị phu nhân, vì tiền, cái gì cũng có thể bỏ qua. Kỳ thật cũng không thể trách Nhị phu nhân, cô ấy đã quá sợ cảnh nghèo túng.

“Vả lại, ta biết con công bằng, nhưng có lúc không thể so đo. Nếu thật sự muốn tính toán, sao con không tính xem một năm lão Đại đưa vào quỹ bao nhiêu bạc.” Lời này rất rõ ràng, quỹ xuất ra thì phần ai cũng như nhau, nhưng số tiền mỗi người đưa vào quỹ lại rất khác nhau.

Nhị phu nhân hổ thẹn.

“Thanh Hề tuy còn ít tuổi, nhưng dù sao cũng là phu nhân Tề Quốc công, con tuy là đệ muội, nhưng còn nhiều tuổi hơn nó, sao không nhường con bé một chút.” Thái phu nhân nói lời này không phải bênh vực Thanh Hề, mà là muốn tốt cho Nhị phu nhân.

Nhị phu nhân mặc dù có tật xấu, nhưng cũng không phải người không biết đúng sai. Thái phu nhân là đang nói cho cô ấy biết, nữ chủ nhân hiện tại của Quốc công phủ chính là Thanh Hề

Nhưng đàn bà con gái với nhau đều có tính ghen tỵ, đều là con dâu, Thái phu nhân lại chỉ thiên vị Thanh Hề, lòng những người khác tất nhiên ghen tỵ, dù không thể nói ra, nhưng không thể phủ nhận sự thật đó.

“Con dâu đã biết.” Nhị phu nhân cúi đầu nói.

“z. Thôi, về bảo Anh Đào mang hai lạng bạch yến qua đây đổi, sau này cả nhà cùng ăn bạch yến thôi.” Đây là giữ thể diện hộ Nhị phu nhân, cũng là bảo vệ mối quan hệ giữa cô ấy và Thanh Hề. Nhị phu nhân tất nhiên cảm kích.

Ở Lan Huân Viện, Thôi Xán thật sự băn khoăn, “Lâm Lang, ngươi nói xem Nhị phu nhân mắc chứng gì vậy, tội gì mà phải đắc tội mọi người thế chứ?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.