Sách liên quan đến Đông y học ghi rằng trong Bản Kinh về các loại dược vật, linh chi được chia làm sáu loại dựa theo màu sắc khác nhau của chúng, gồm linh chi đỏ, linh chi đen, linh chi xanh, linh chi trắng, linh chi vàng, linh chi tím.
Trong Bản Thảo Kinh Tập Chú viết: Sáu loại linh chi này đều là tiên thảo hiếm thấy, có rất nhiều chủng loại, hình dạng khác lạ. Trong Chi Thảo Đồ viết linh chi tím sinh trưởng trên cây cối, hình dạng giống mộc nhĩ.
Và cả Thần Nông Bản Thảo Kinh: Linh chi đỏ vị đắng, có tác dụng bổ trung ích khí, tăng cường trí thông minh và trí nhớ. Ăn lâu dài sẽ trẻ mãi không già, tuổi thọ ngang thần tiên, là một loại đan chi.
Linh chi còn thường xuyên xuất hiện trong các câu chuyện thần thoại Trung Quốc, có thể nói là vai chính quan trọng có tỉ lệ xuất hiện ngang ngửa nhân sâm.
Nổi tiếng nhất là trong Bạch Xà Truyện, Bạch nương tử đến Nga Mi trộm tiên thảo để cứu Hứa Tiên, trải qua bao khó khăn trắc trở, cuối cùng Nam Cực Tiên Ông cảm động, ban tặng tiên thảo cứu sống Hứa Tiên. Tiên thảo này chính là linh chi.
Ngoài ra còn có Sơn Hải Kinh. Chương bảy của Sơn Hải Kinh viết: Con gái của Viêm Đế là Dao Cơ đến tuổi lấy chồng, nhưng chưa xuất giá đã qua đời. Linh hồn của nàng bay đến núi Cô Dao, hóa thành Dao Thảo, kỳ thực là linh chi lá rậm hoa vàng. Thiên Đế (Viêm Đế) thương Dao Cơ mất sớm, bèn phong nàng làm Thần Mây - Mưa chốn Vu Sơn.
Từ xưa đến nay dân gian cũng sùng bái linh chi, cho rằng nó tượng trưng cho cát tường, như ý, phú quý, tốt đẹp, tuổi thọ. Từ cổ chí kim có rất nhiều câu chuyện và truyền thuyết về linh chi.
Thật ra Dương Bách Xuyên dựa vào ghi chép truyền thừa của sư phụ cộng với vốn hiểu biết từ sách vở, biết rằng linh chi dưới một trăm năm chỉ là loại thuốc Đông y bình thường, có công hiệu bổ khí an thần, chữa ho, dùng cho người chóng mặt mất ngủ, tức ngực hụt hơi, hen suyễn.
Rốt cuộc linh chi có thần kỳ như trong truyền thuyết thần thoại hay không? Dương Bách Xuyên cho là có, nhưng phải xem năm tuổi. Linh chi hơn nghìn năm có công hiệu thần kỳ.
Ví dụ như cây linh chi phía trước được con báo yêu bảo vệ. Cây linh chi này tỏa ra ánh sáng ngũ sắc, là loại linh chi nghìn năm đặc biệt nhất, giống hệt ghi chép truyền thừa của sư phụ.
Linh chi ngưng tụ rồi hấp thu tinh hoa trời đất, chứa sinh cơ và linh khí dồi dào, hơn nữa còn sinh trưởng trong môi trường đặc biệt, cho nên nó là báu vật cực kỳ quý giá.
Nếu không thì các cuốn sách cổ như là Thần Long Bản Thảo Kinh, Đạo Gia Trung Quốc sẽ không nói linh chi có thể kéo dài tuổi thọ, thậm chí coi nó là tiên thảo giúp con người thành tiên.
Đương nhiên Dương Bách Xuyên cho rằng linh chi có công hiệu thành tiên hay không thì phải xem số năm, số năm càng dài thì công hiệu càng mạnh.
Trong Bách khoa toàn thư tu chân viết: linh chi còn có tên gọi khác là Cỏ Tái Sinh, là thành phần chính để luyện chế đan Trúc Cơ.
Dương Bách Xuyên đọc xong, cõi lòng chấn động. Hiện tại anh là Luyện Khí kỳ tầng chín đỉnh phong, cấp tiếp theo chính là Trúc Cơ. Đây là một cửa ải lớn.
Trúc Cơ phải xây dựng trụ cột để hình thành đan điền, không dễ chút nào. Đừng thấy bây giờ anh đã là Luyện Khí kỳ tầng chín đỉnh phong, vách ngăn Trúc Cơ mỏng như tờ giấy mà lầm, muốn đột phá cực kỳ khó khăn.
Rất nhiều người tu chân có thiên phú bình thường bị kẹt vài năm ở cửa ải Trúc Cơ, thậm chí là mấy chục năm hoặc cả đời. Vì vậy đan Trúc Cơ là đan dược tốt nhất giúp đột phá bình cảnh.
Sau khi nhìn thấy cây linh chi nghìn năm này, Dương Bách Xuyên đã động lòng.
Nhưng lúc này nó đã bị Nguyên Thần Tử và đạo trưởng Trường Linh một trái một phải nhanh chân giành trước. Thấy hai người sắp xông đến hái linh chi, báo yêu giận dữ gầm lên: "Gừ!"