Từ lúc biết thời gian còn lại của mình không còn nhiều nữa thật ra cũng tốt.
Giữa trưa miễn cưỡng tản bộ ở công viên trung tâm, ngẩng đầu nhìn đám chim nhạn bay lượn trên trời, cánh chim thật cô độc, nghe được tiếng nhạn lại nghĩ đến Nhạn Linh, bi thương chợt ào ra.
Trời đột nhiên đổ tuyết, đành về nhà.
Quả nhiên…
Nhạn bay qua, chợt đau lòng
(*) Câu thơ trích trong bài Thanh thanh mạn, đây là bài từ nổi tiếng của Lý Thanh Chiếu sau những ngày chạy xuống Giang Nam. Trước nhiều đau khổ bà đã lấy những nét sinh hoạt bình thường tả thành lời văn tha thiết. Hình ảnh cánh nhạn trong thơ cũng là chữ Nhạn trong tên Đồng Nhạn Linh. Bản dịch tiếng Việt của Phù Vân Du Tử (có thêm 2 câu sau):
“Rằng nhạn không biết từ đâu
Bay về đúng lúc nỗi sầu dâng lên
Phải chăng nhạn cố tình quên
Rằng người xưa ấy đã lên trời rồi”
14/02/1966, lễ tình nhân
Hôm nay nhắc lại với Nhạn Linh ngày này bốn mươi năm trước là lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau. Bất giác đã bốn mươi năm trôi qua, hiện tại nghĩ đến vẫn cảm thấy quá ngắn ngủi, bên nhau quá ngắn, đời người cũng ngắn. May mắn đóa hoa quỳnh ép trong sách năm nao vẫn lẳng lẳng nở rộ suốt bốn chục năm.
Lúc đầu em không tin lời tôi nói, cười hỏi có phải tôi đang cố ý hư cấu câu chuyện lãng mạn cho lễ tình nhân hay không. Tôi không đáp nhưng có lẽ em biết tôi sẽ không lừa em, càng chưa từng dối gạt em một lần nào.
Cơm tối là ăn ở ngoài với Nhạn Linh, nhìn động tác nhẹ nhàng khoác áo vest lên lưng ghế vẫn nhã nhặn như năm đó của em, tôi chợt nhớ tới bộ áo dài em mặc khi mới gặp.
Khi đó em còn trẻ, tôi cũng vậy, Thục Ngưng tuy đã lấy chồng nhưng vẫn ở độ tuổi thiếu nữ, Thiên Diểu càng là một thằng nhóc.
Bốn mươi năm, không biết Thiên Diểu sống thế nào.
Nhưng mà, không biết cũng tốt.
13/11/1952, trời mưa
Hôm nay Nhạn Linh tổ chức sinh nhật cho tôi. Đa phần nhân viên trong công ty đều không biết ngày sinh của tôi, tôi cũng không muốn bọn họ biết hoặc nhớ kỹ, vì thế, vào ban ngày cùng tổ chức tiệc sinh nhật với đám Thục Ngưng còn buổi tối là thời gian riêng của tôi và Nhạn Linh.
Quà em tặng tôi là một hộp thuốc lá mới rất đẹp. Tôi hỏi em, chẳng phải mấy hôm trước em còn cằn nhằn bảo tôi bớt hút thuốc hay sao? Em nhíu mày nói, cho nên tặng anh hộp thuốc chỉ có thể đựng mười điếu nè, đây là số thuốc được phép hút trong một tuần, không thể vượt quá.
Hình như tôi càng ngày càng giống một ông chồng bị vợ quản chặt nhưng lại vẫn vui vẻ hạnh phúc, cười hồi lâu mà chẳng thể ngừng được.
Sau này cái hộp cũ có thể đựng hai mươi điếu thuốc của tôi e là phải về hưu rồi.
Mà người ngoài ước chừng sẽ không tin đường đường Kellan Diệp nói một thì không có hai ở nhà cũng là kẻ ‘nghe lời vợ’ đâu nhỉ?
06/12/1945, trời nhiều mây
Chiến tranh qua đi, hiện tại nghĩ lại đều cảm giác đó hệt như một giấc mộng, thế nhưng tình hình trong nước vẫn không mấy yên ổn. Thục Ngưng nghe được tin tức từ chỗ Thục Băng, nội chiến ước chừng vẫn còn sẽ kéo dài, lúc nào mới có thể chấm dứt hoàn toàn là điều ai cũng không thể dự đoán được.
Tôi an ủi Nhạn Linh, bảo em đừng lo lắng quá, nhưng từ nhỏ em chính là người dễ dàng lo nghĩ nhiều, tôi cũng chỉ có thể ở bên em, làm chỗ dựa cho em mà thôi.
Mấy năm nay chuyện làm ăn cũng không quá tốt nhưng ít ra vẫn tốt hơn giai đoạn suy thoái kinh tế, tuy rằng trải qua những năm tháng đó rất vất vả nhưng chúng tôi vẫn không rơi vào nguy cơ suy sụp.
Nhạn Linh vẫn trước sau như một giúp tôi chăm lo cuộc sống và công việc vụn vặt, thật tình mấy chuyện đó tôi ngại phiền chẳng muốn bận tâm, căn bản quẳng chúng luôn vào danh mục ‘chuyện lông gà vỏ tỏi’, thế mà em lại lo liệu rất quen tay. Ngày nào phải gặp mặt ai, ngày nào cần họp với chi nhánh nào, sinh nhật Thục Ngưng nên mua quà gì là tốt nhất, tang lễ người nhà nào của Anthony không thể không đi, em đều nằm lòng.
Không có em, có lẽ tôi sẽ không buồn làm việc, cuộc đời cũng chẳng thiết sống nữa. Sáng nay lúc em thắt cà-vạt cho tôi, tôi đã nói như vậy.
Em cười rộ lên sau đó thoải mái kéo nút thắt cà-vạt có thể gọi là hoàn mỹ kia, kề sát lại, hôn lên má tôi.
28/02/1933, bầu trời quang đãng
Hôm nay là ngày trọng đại đối với Thục Ngưng. Buổi chiều em ấy sinh được một bé trai nặng khoảng 3,1kg, tiếng khóc cực vang dội.
Kiến Hào đặt tên cho con trai là “Trọng Hợp”, ngụ ý là cuộc sống tốt đẹp mà lại nghe có vẻ trầm ổn, khí khái.
Thục Ngưng trải qua đớn đau mới được làm mẹ, tôi chỉ cầu mong tương lai em ấy con cháu đầy đàn, không bao giờ phải chịu cảnh cô đơn tịch mịch.
Anthony nói Nhạn Thanh đang dạy anh ta học thơ, xem như là báo đáp chuyện anh ta dạy cậu cưỡi ngựa lái xe, nhưng mà thơ văn thật sự quá khó, anh ta có thể đọc ra câu chữ lại không cách nào lý giải toàn bộ ý nghĩa trong đó.
Vậy mà anh ta luôn có hứng thú đối với toàn bộ bài thơ có chữ “Nhạn”, tôi nghĩ nhất định là anh ta có dụng ý khác. Chẳng qua, hẳn anh ta không biết rằng tất cả những bài thơ chứa chữ “Nhạn” đều luôn có nội dung mang theo ngữ cảnh bi thương.
Ví như câu thơ “Nhạn bay qua, chợt đau lòng” trong Thanh thanh mạn của Lý Thanh Chiếu, một tên người Tây chung tình với sốt cà chua và chanh như anh ta khó mà hiểu thấu đáo thâm ý trong vài chữ tiếng Trung ngắn ngủi ấy.
Nhưng anh ta vẫn cố gắng học, tôi nghĩ đúng như lời Nhạn Linh nói, anh ta thật sự động lòng với Nhạn Thanh.
14/02/1926, lễ tình nhân
Sắc trời u ám, mây chiều não nề, gió nhẹ dần nổi lên.
Hôm nay chuyện làm ăn đã bàn bạc hoàn tất, khi trở về nhà chính ngẫu nhiên chạm mặt gia sư mới của Thiên Diểu.
Người nọ họ Đồng, tên Nhạn Linh, dung mạo tuấn tú, thái độ khiêm nhường cung kính, đeo kính mắt trông rất sạch sẽ chỉnh tề, tựa hồ rất có giáo dưỡng.
Cậu ta là do Lý Kính Đình giới thiệu tới, cậu ta giới thiệu là giáo viên của trường trung học Hối Văn, bất chợt tôi nghĩ nghề nghiệp như vậy xem như tương xứng với phẩm chất của cậu ta.
Tôi cũng không muốn nói bởi vì xuất phát từ trách nhiệm với Thiên Diểu nên mới có ý đồ muốn hiểu nhiều về người thầy giáo này, trước kia ngẫu nhiên nghe Lý Kính Đình thổi phồng văn chương của cậu ta thì cũng không có ý định tìm đọc, hôm nay gặp qua một lần, ngược lại nổi lên hứng thú, không biết người này một khi mất đi dáng vẻ nhã nhặn, phơi bày hết thảy những mặt ẩn giấu tận sâu sẽ là hương vị thế nào.
Lại không biết, cặp mắt luôn trốn tránh người khác và gương mặt thanh tú kia một khi trở nên bướng bỉnh không thể tiếp tục lảng tránh sẽ lộ ra biểu tình như thế nào.
Nói tiếp, đột nhiên hứng thú dành cho người kia dâng trào, rất muốn nếm thử, hiểu thử, lý giải thử…..
Không bằng, chờ lần gặp mặt kế tiếp đi.
Chỉ ba ngày mà thôi, ba ngày sẽ trôi qua rất nhanh, sớm thôi, thầy Đồng.