Mùa xuân năm Khánh Lịch thứ tư, Hoàng đế cảm thấy Vương gia có nguy cơ phản loạn, cuối cùng lập Lý thị nhà Trấn Quốc công làm hậu, cũng hạ chỉ gả trưởng Công chúa Huỳnh Dương cho Hầu gia.
Tin vui này làm cả thiên hạ xôn xao, cũng làm cho một nhóm người sầu như nhà có tang. Những người này là đảng ghép đôi Thánh Thượng và Lý đại nhân, tin tưởng hai người họ là tình yêu đích thực. Kết quả qua bao nhiêu năm đầu xuôi đuôi ngược, kết quả lại thành anh em vợ của nhau.
Trong Kinh có một người lắm tiền nọ không chịu tin câu chuyện tình yêu mình theo dõi bấy lâu nay có kết cục không vui. Nàng phán rằng: “Nhất định là chiêu trò che mắt. Hoàng đế này ban hôn hai lần chỉ vì để Lý lang ra vào cung thuận tiện hơn thôi. Lý lang là hoàng thân quốc thích, ngày ngày leo lên long sàng sẽ không làm người ta dị nghị.”
Vì thế nàng tiêu tiền đi xem hai hồi hôn lễ, cho dù chỉ có một ít manh mối sót lại cũng phải tìm ra chân tướng thực sự.
Đêm đó quay về, có người đồng đạo hỏi nàng: “Ngươi có thấy manh mối nào không? Một ánh mắt cũng tốt, một lần đứng cạnh nhau cũng hay.”
Nàng mất hồn mất vía lắc đầu: “Ta không nhìn kỹ.”
“Như thế nào? Thực tế khốc liệt lắm sao, cho nên ngươi không đành lòng nhìn thẳng?”
“Không phải, ta đã thoát khỏi mối tình Triệu Lý rồi, hoàn toàn không màng đến họ nữa. Lúc quay về đây ta đã muốn đu theo cặp đôi khác rồi.”
“Ơ, sao lại thế?”
“Hoàng thượng thì còn dễ giải thích, miễn cưỡng có vài phần dễ nhìn, nhưng Lý lang lại là một thằng lùn không hơn không kém, nhìn qua còn không đến mét bảy.” Nàng lắc đầu nói: “Ngược lại, Công chúa và Lý tiểu thư đều là kiểu cao gầy. Nam xấu xí mà đòi cưới mỹ nhân để cải thiện nhan sắc đời sau đúng là vô liêm sỉ.”
Nghe nói sau đó nàng chuyển hướng theo đuổi cặp đôi Công chúa và Lý tiểu thư: “Hai người họ cao mét tám, ta không ghép đôi bọn họ thì mắt ta mù rồi.”
...
Sau khi kết hôn, Hoàng thượng và Lý đại nhân càng thêm thân thiết. Ngày nào hai người họ cũng dùng bữa với nhau.
Nghe nói duyên phận hai người bắt đầu từ lúc Lý đại nhân tăng ca phải dùng bữa ở trong cung, nào ngờ Ngự Thiện Phòng làm tào phớ mặn quá.
Lý đại nhân nhăn nhó mặt mày: “Sao tào phớ mặn vậy?”
Ngày ấy hai người tranh luận hồi lâu, bắt Ngự Thiện Phòng làm tào phớ ngọt. Từ đó về sau không còn đường quay đầu nữa rồi.
“Thịt kho tàu không bỏ đường làm sao ăn nổi?”
“Đúng vậy, như này ai mà ăn được?”
“Bọn họ vậy mà thêm thịt vào bánh chưng.”
“Đồ vô sỉ!”
“Cua sặc Hàng Châu dâng lên không thêm đường.”
“Hừ, mặn muốn chết.”
Hai người không thích khẩu vị của Ngự Thiện Phòng, vì vậy ngày nào cũng mua đồ ăn ở bên ngoài mang vào cung.
Người đời có câu “không phải người một nhà không vào cùng một cửa” quả là chí lý.
Hoàng thượng cưng chiều Lý đại nhân, trong triều cũng có bè lũ xu nịnh muốn noi theo.
Hôm nay có Vương đại nhân đi ngang qua Ngự Thiện Phòng, nhìn thấy Lý đại nhân tóc dài xõa trên vai vừa xinh xắn lại đáng yêu. Hắn được Thánh Thượng ôm eo, tuy đang mặc quan bào nhưng bên dưới áo choàng có quần tất đen lấp ló.
Vương đại nhân hô lên: “Thì ra là thế!”
Hôm sau lúc yết kiến Thánh Thượng, Vương đại nhân cũng mặc quần tất đen.
Mặt rồng giận dữ: “Mau! Mau giáng chức tên biến thái này đến Quỳnh Châu ngay cho trẫm! Cả đời này đừng hòng quay lại, từ nay chân trời góc bể không nên gặp lại nhau nữa thì hơn!”
Trong Kinh vì thế mà có lời rằng: Quần tất đen cũng có này có nọ, hoàn toàn không giống nhau đâu.
Ý là cùng làm quan như nhau, vận mệnh người với người chưa chắc đã giống nhau.
....
Từ lúc Hoàng hậu được gả vào cung, Hoàng thượng không nạp phi tần, suốt ngày lăn lộn với Lý đại nhân.
Văn võ bá quan cảm thấy bọn họ bị lừa hôn. Hoàng hậu này hình như có cũng như không. Thế nên mấy năm qua cả triều đều ép buộc Hoàng thượng và Hoàng hậu ở chung phòng, sớm ngày lập Thái tử.
Không như bọn họ tưởng tượng, Hoàng thượng không hề phản kháng, ngược lại còn vui mừng ra mặt: “Vậy thì còn gì bằng, trẫm đi đây~”
Ấy vậy mà trong cung mãi chẳng có động tĩnh gì.
Có lần Triệu Túc cho rằng bản thân có vấn đề nên ép hỏi Thái Y Viện, lúc đó mới biết được Lý đại nhân hôm nào cũng ngồi xổm góc tường lén lút uống thuốc tránh thai.
Ban đầu Triệu Túc không tin, cho đến khi bắt được tại trận mới giật mình hỏi: “Nàng uống cái giống này làm gì?”
Lý đại nhân khóc lóc thảm thiết: “Ta không muốn sinh con hu hu hu...”
“Tại sao?”
“Sinh con đau lắm! Ta chết mất!”
Lý đại nhân phổ cập mối nguy khi sinh nở cho Triệu Túc.
Triệu Túc nói: “Thế thì thôi vậy.”
Lý đại nhân len lén hé mắt nhìn ngài: “Ngài dễ dàng đồng ý vậy sao?”
“Lúc trẫm thích nàng đã chuẩn bị sẵn tinh thần không có con nối dõi, con nuôi cũng đã chuẩn bị xong, khi đó trẫm còn muốn làm gà trống nuôi con đấy.” Triệu Túc thản nhiên nói nhỏ: “Hơn nữa nhà họ Triệu của trẫm không sinh được con trai là kỹ năng truyền thống rồi, tiên đế không có con trai nên mới đến lượt đứa cháu là trẫm được hưởng sái.”
Hôm sau Hoàng thượng lập tức tuyên bố thân thể có tật. Ngài tổ chức khoa cử để con cháu Hoàng tộc thi thố, cuối cùng một người tên Cảnh Tông đoạt giải nhất.
Hoàng thượng ôm ấp Lý đại nhân: “Thấy trẫm thông minh không?”
“Ở nhà mọi người gọi ngài như thế nào?” Lý đại nhân dịu dàng lắc tay Thánh Thượng.
“Ta được gọi là Ly Nô~” (mèo rừng nhỏ) Ngài giả giọng trẻ nít còn hôi sữa nói.
Lý đại nhân: A a a a a a a a a a!
Tòa bộ triều đình đều nói Thái tử là do Lý đại nhân sinh ra từ lúc mới thi đậu Thám Hoa, tuổi cũng vừa khớp. Mặc dù sau khi Cảnh Tông lên ngôi có nhiều lần đi thăm viếng cha mẹ ruột cũng không ngăn được lời đồn.
Mai sau, khi bàn về lịch sử thì mọi người nghiên cứu về Triệu Túc rất nhiều. Kết luận là vị hoàng đế này thích nam sắc, còn làm Lý đại nhân sinh ra một con ly miêu!
Bí mật cung đình khủng khiếp như thế, có ai mà không muốn nghiên cứu chứ?
...
Ngày đế hậu đại hôn, Lý đại nhân đón Triệu Túc vào phủ Trấn Quốc công.
Nàng nhấc khăn voan đỏ trên đầu Triệu Túc, mừng rỡ nói: “Ngài giả gái càng ngày càng đẹp nha.”
Triệu Túc hỏi: “Trẫm ở đâu bây giờ?”
Lý đại nhân một bên cởi quần áo, một bên nói: “Ta còn tưởng ngài muốn làm hôn lễ ở hoàng cung đấy.”
“Không phải nàng nói muốn tổ chức ở nhà à?”
“Thích ta đến vậy sao?” Lý đại nhân hôn lên môi ngài: “Thích ta chỗ nào?”
“Thích nàng tự do.”
Thánh Thượng là chủ nhân của thiên hạ, ngài cũng là con chim bị nhốt trong lồng.
Lý đại nhân là một phong thư gửi từ bên ngoài vào cung. Trong thư có sông nước vạn dặm, phi ưng cưỡi ngựa, phố phường đông vui, gia đình đầm ấm.
Ngài đã từng cô đơn quá đỗi, muốn mời Lý đại nhân bước vào lồng giam bằng vàng, cùng nhau bị vây khốn trong cung. Nhưng Lý đại nhân nói: “Triệu Túc, ta có thể làm cánh diều của chàng.”
“Chúng ta có mười ngày hưởng tuần trăng mật.” Lý đại nhân lấy túi đồ trong ngăn kéo ra: “Ta đã chuẩn bị tốt hết rồi, có thể đưa ngài đi chơi một vòng quanh đế đô.”
Nàng vươn tay, Triệu Túc nhẹ nhàng nắm lấy.
Có một chú chim tù đày không thể vỗ cánh, cũng có một cô nương nâng nó lên trời cùng nhau bay lượn.