Ở trong cung lâu, khỏi nói Cám vui thế nào khi được ra ngoài. Khánh lần này đi vi hành không mang thị vệ rình rang, chỉ để một mình Phan Bình đi theo. Từ những năm Tiên hoàng còn tại vị, Đại Việt đã tương đối yên bình, mối bang giao với các quốc gia xung quanh khá tốt, các bên đều tôn trọng lẫn nhau nên từ khi Khánh lên ngôi chỉ chủ yếu phát triển, ổn định cuộc sống xã hội. “Kinh tế quyết định chính trị, giàu thì khắc mạnh” là câu nói cửa miệng của hắn. Mặc dù thường cùng Trần Khắc, Phan Bình luận đàm chiến lược dùng binh, đồng thời giám sát rèn quân rất nghiêm nhưng hắn lại đề ra những chính sách ngoại giao rất mềm dẻo, có phần còn cởi mở hơn so với Tiên hoàng.
- Ta chưa từng sợ phải ra trận nhưng ta không muốn đưa dân chúng dấn thân vào chiến tranh. Nếu tránh được thì nên tránh, kết quả của chiến tranh, dù có chiến thắng thì cũng là máu chảy thành sông, là xương trắng đầy đồng, là đổ nát tàn phá.
Cám theo Khánh đi khắp nơi, càng đi nàng càng thấm thía lời nói của hắn. Đại Việt tươi đẹp với những cánh đồng màu mỡ thẳng cánh cò bay, thiên nhiên trù phú, những khu giao thương tấp nập quả thật không nên rơi vào cảnh máu chảy đầu rơi. Dưới những chính sách trị an mới của Khánh, đời sống của dân chúng về cơ bản được cải thiện khá nhiều, chỉ cần là người chăm chỉ, không ngại lao động thì cuộc sống nhất định sẽ đầy đủ.
- Ta không phải thần thánh để có thể làm cho toàn bộ dân chúng ấm no, tất cả những gì ta cố gắng là đề ra những đường hướng, chính sách để người dân nhận được những gì họ thực sự xứng đáng.
Chuyến đi với Khánh đã giúp Cám mở rộng tầm mắt rất nhiều, trải nghiệm phong phú hơn hẳn việc suốt ngày vùi đầu vào sách vở. Mặc dù vậy, với trọng trách đè nặng trên vai, Khánh cũng không rời bỏ Hoàng cung được quá lâu, chẳng mấy chốc đã tới lúc phải về.
Hôm đó đang đi trên đường, Cám bỗng ngửi thấy một mùi thơm ngào ngạt, cực kỳ hấp dẫn.
- Chàng có ngửi thấy mùi gì không?
- Có, nhưng ta không biết đây là mùi gì.
- Là thị đó, lâu lắm rồi thiếp mới lại thấy. – Nàng háo hức kêu lên.
- Để ta dẫn nàng đi tìm nhé? – Khánh thấy nàng vui vẻ, không nghĩ ngợi gì nhiều, nói luôn.
Ba người đi lòng vòng một lát thì tìm thấy một cây thị trĩu quả ngay bên cạnh một quán nước nhỏ ven đường, có vẻ như cây thị là của bà lão bán hàng. Cả ba bước vào gọi mấy cốc nước và đĩa trầu.
- Này bà ơi, vợ tôi rất thích thị của bà, có thể cho chúng tôi một quả không?
- Được được, để tôi lấy cho.
Bà ta nói rồi cầm cái bị ra dưới gốc cây, nói to:
- Thị ơi thị hỡi, thị rụng bị bà, bà để bà ngửi, chứ bà không ăn.
Cám tròn xoe mắt nhìn cách hái thị kỳ lạ có một không hai này, tự nhủ rằng đây là cách hái quả tiết kiệm công sức nhất từ xưa tới giờ. Tuy vậy, mặc bà lão ngân nga câu thần chú bao nhiêu lần, những quả thị vẫn ngoan cố không chịu rụng, cho tới khi Bình hết kiên nhẫn, sẵng giọng:
- Nếu bà hái được thị xuống, ta sẽ trả bà một đồng.
Bà lão ngay lập tức biến vào trong nhà rồi quay ra với một cây gậy dài, chọc vài cái là một quả thị đã rơi xuống, hai tay cung kính đưa cho Cám. Nàng cầm lấy hít hà, khuôn mặt rạng ngời:
- Hồi xưa thiếp thích thị lắm, đến mùa thường treo trong nhà cho thơm, nhưng ngửi thì thơm vậy thôi chứ không ăn được đâu.
Để bày tỏ lòng cám ơn đối với Khánh và Bình, Cám với tay lấy đĩa trầu định mời hai người, nhưng vừa nhìn vào mấy miếng trầu, nàng liền giật mình thảng thốt, buông rơi cả cái đĩa.
- Nàng sao vậy?
- Chàng… chàng nhìn mấy miếng trầu này đi.
Khánh nhíu mày, trong thoáng chốc chưa nhớ ra được chuyện gì thì Bình đã cúi xuống nhặt lên rồi thản nhiên bình luận:
- Trầu này têm xấu quá, khác xa trầu của mợ vẫn têm ở nhà.
- Phải, rất xấu… – Nàng thì thầm. – xấu đến nỗi chỉ có một người duy nhất mới têm xấu được thế này.
- Ai têm trầu này thế? – Khánh trầm giọng hỏi bà lão.
- À, đứa ở mới của tôi, nó mới đến nên chưa biết làm gì cả, tôi để nó tạm têm trầu, nếu xấu quá thì để tôi đổi cho.
- Có thể… có thể gọi đứa ở mới của bà ra đây không? – Cám lắp bắp, vì quá xúc động mà giọng run lên.
- Sen, mau ra đây. – Bà lão quay người vào trong gọi lớn.
Người vừa xuất hiện bên ngưỡng cửa, Cám đã hét to một tiếng, lao tới ôm chầm lấy.
- …… - Nàng nghẹn ngào mãi rồi mới thốt nên lời. - Chị Tấm, đúng là chị rồi, em không nằm mơ phải không? Là chị có đúng không?
- Chị, là em, là em, chị đã đi đâu? Sao tự nhiên lại biến mất như thế? Chị có biết mẹ và em đã lo lắng thế nào không?
Tấm đưa mắt nhìn hai người ngồi đằng sau Cám một cái rồi quay lại nói với nàng:
- Chị bị nước cuốn đi, tới khi tỉnh lại thì thấy mình đã may mắn dạt vào bờ. Chị không nhớ được cái gì cả, chỉ biết đi lang thang, làm thêm qua ngày. Chị muốn đi tìm lại người thân nhưng lại không biết phải tìm ở đâu, đành chỗ này làm một chút, chỗ kia làm một chút, chị cũng mới đến đây một thời gian thôi. Vừa rồi nhìn thấy em chị mới nhớ ra tất cả.
- Chị… chị về với em đi, em sẽ kể cho chị nghe mọi chuyện thời gian vừa qua.
Tấm một lần nữa hướng mắt về phía Khánh, hắn khẽ hắng giọng:
- Đi về đã rồi nói chuyện.
- Này chưa đi được. – Bà lão tru tréo lên. – Cô phải đền cho tôi chỗ bát đĩa làm vỡ hôm trước, cả chỗ thức ăn nấu bị cháy, cả…
Bình ném một quan tiền lên bàn trước khi bà lão kịp nói hết câu, thái độ bà ta thay đổi ngay lập tức, xun xoe tươi cười:
- Tạm biệt Sen nhé, khi nào rảnh con đừng quên về thăm bà.
Suốt quãng đường hồi kinh, bốn người bốn tâm trạng, ngoài Cám vui vẻ cười nói ra, ai cũng mang một bầu tâm sự riêng.
………….
Đỗ Tiệp dư đã trở về.
Tin đó giống như lửa lan trên đồng cỏ khô, chả mấy chốc trở thành đề tài được bàn tán rôm rả nhất Đại Việt, người ta thêm mắm dặm muối về sự trở lại thần kỳ của Tấm, về việc cái thiện tất yếu sẽ chiến thắng cái ác. Một số cung nhân không biết bằng cách nào đã truyền tin ra ngoài khiến dân chúng thậm chí còn tô vẽ màu sắc thần tiên lên câu chuyện vốn đã sẵn ly kỳ, nào là Tấm bị mẹ ghẻ chặt cây ngã xuống sông chết đuối, hóa thành chim vàng anh bay vào cung rồi bị Cám ghen ghét bẻ cổ, nào là chỗ chim chết mọc lên cây xoan đào lại bị Cám ra lệnh chặt cây đóng khung cửi xong bị dọa sợ quá phải đốt bỏ. Bà lão bán nước hàng ngày tiếp không hết khách, để giữ chân khách, và cũng nhằm tăng giá tiền nước, bà ta mỗi ngày lại bổ sung thêm một tình tiết kỳ lạ vào câu chuyện. Cuối cùng, theo câu chuyện của bà ta thì Tấm đã tái sinh vào quả thị, hàng ngày được bà nâng niu trong nhà, rồi từ thị biến ra người, ở lại với bà cho tới ngày được đích thân Đức Vua tới rước đi.
Mặc cho những gì người ta nói ngoài kia, Cám chỉ cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nàng không thể tin được rằng khi đã tắt hẳn hi vọng việc Tấm còn sống thì Tấm lại trở về. Nơi nàng tìm được Tấm nằm ở khoảng thượng nguồn con sông trong khi ngày đó nàng chỉ lo tìm kiếm phía dưới hạ nguồn, bảo sao dù tốn biết bao công sức vẫn không thể tìm thấy.
- Chị có trách em không? – Nàng rụt rè hỏi sau khi kể cho Tấm nghe chuyện giờ mình đã là Tuyên vinh.
- Sao lại trách em? – Tấm tròn mắt. – Chị biến mất, em tiến cung thay là chuyện hoàn toàn hợp lý, em được Đức vua sủng ái, chị mừng cho em mới đúng chứ.
Cám hơi cúi mặt, không biết phải nói gì, trong lòng ngổn ngang suy nghĩ. Vừa lúc đó Lý Thanh với truyền chỉ, nói rằng Đức vua cho vời Cám tới ngay.
Nàng đi vào, vừa kịp khép cửa thì đã bị Khánh ôm chặt tới nghẹt thở, hắn điên cuồng hôn nàng tới khi nàng thở hổn hển mới chịu buông ra.
- Trẫm không cho phép. – Hắn trầm giọng, vẻ đe dọa. – Dù nàng có cầu xin thế nào thì cũng đừng nghĩ tới chuyện rời khỏi đây. Tấm trở về hay kể cả phụ hoàng của trẫm có sống lại thì nàng cũng không được đi đâu cả.
- Thiếp… – Nàng dụi đầu vào ngực hắn. – thiếp đâu có nói là thiếp sẽ rời đi? Thiếp chỉ định cầu xin Bệ hạ là nếu có thể, hãy thành toàn cho Tấm một cuộc sống thật tốt. Để chị ấy lựa chọn ở lại hoặc Bệ hạ sẽ tác thành cho chị ấy một người xứng đáng.
- Được, chuyện đó thì ta đồng ý. – Hắn mỉm cười nhẹ nhõm, tảng đá đè nặng mấy ngày nay cuối cùng cũng được cất đi.
Về phần Tấm, nàng bảo với Cám rằng nàng muốn được ở gần em thêm ít lâu nên chưa muốn đi, đợi tới khi kỳ thi Đình diễn ra sẽ nhờ Đức vua chọn ra một người phù hợp. Tạm thời nàng vẫn là Đỗ Tiệp dư.
…………
Cuộc sống yên ấm diễn ra được một thời gian.
Một ngày Khánh trở về nói với Cám rằng hắn chuẩn bị phải xuất cung ít lâu.
- Bệ hạ lại đi vi hành ư?
- Không, - Hắn dịu dàng xoa đầu nàng. – trẫm phải ra trận.
- Ra trận? – Cám thót tim, mặt tái đi. – Là kẻ nào tấn công Đại Việt?
- Đáng tiếc không phải kẻ thù nào bên ngoài hết. – Khánh nhún vai. – Là Bình Nguyên vương. Hắn thấy trẫm không nói gì chuyện thành lập quân đội riêng nên tưởng trẫm bạc nhược, dám ngông cuồng dấy binh đòi tấn công kinh thành.
- Có cách nào khác ngoài việc Bệ hạ phải ra trận không?
- Đừng lo cho trẫm, – Hắn mỉm cười. – Bình Nguyên vương chỉ là một đứa trẻ không biết lượng sức mà thôi, ta sẽ sớm khải hoàn trở về. Trong thời gian ta đi, Bình sẽ bảo vệ cho nàng, cần gì cứ bảo với hắn.
- Bệ hạ sớm về nhé. – Cám tiến tới ôm chặt lấy hắn, nhỏ giọng nói. – Thiếp sẽ rất nhớ Bệ hạ.
- Nàng vừa nói gì, ta nghe không rõ? – Khánh cười híp mắt, nghiêng đầu nhìn nàng.
- Thiếp không nói gì hết. – Nàng lắc đầu rất thành thật.
- Nói!
- Thiếp kháng chỉ!
- Lâu nay ta sủng ái nàng quá nên nàng không còn biết sợ có phải không? – Khánh nói rồi bế bổng nàng lên. – Đã thế thì ta sẽ phải dạy dỗ lại nàng thật cẩn thận.
………….
Khánh ra trận, Cám ở hậu cung không được biết quá nhiều chuyện, chỉ tối ngày ra vào lo lắng. Lâu lâu Bình có rẽ qua chỗ nàng chỉ để thông báo tình hình, nói chung không ngoài dự đoán, Bình Nguyên vương không thể là đối thủ của hắn. Chỉ vì thấy Khánh ngày thường có vẻ mềm mỏng, luôn tỏ ra phản đối chiến tranh nên tưởng hắn hèn nhát, mới dám to gan vuốt râu hùm. Theo lời Bình, chỉ khoảng nửa tháng nữa thôi, Trần Khắc sẽ hộ giá Đức Vua hồi kinh.
Một ngày nàng đang đọc sách trong viện Đoan Hòa thì nghe có tiếng người đi vào, ghé mắt nhìn rồi chạy vội ra.
- Thần thiếp tham kiến Thái hậu.
- Tuyên vinh đứng lên đi. – Bà ta đỡ nàng dậy rồi thở dài. – Có thể dành cho ta chút thời gian không?
Cám ngạc nhiên nhìn lại Thái hậu, chỉ một thời gian ngắn mà nhìn bà đã thay đổi quá nhiều. Không còn vẻ tinh tường sắc sảo ngày trước, ở bà giờ chỉ còn vẻ mệt mỏi và cam chịu, ngay cả việc đến đây gặp nàng cũng đi một mình chứ không kẻ đưa người rước như dạo nọ.
- Bẩm, Thái hậu quá bộ qua đây có điều gì dạy bảo thần thiếp ạ?
- Ta có một việc cầu xin ngươi giúp đỡ. – Bà ta nhìn nàng mắt rưng rưng. – Bình Nguyên vương khởi binh tạo phản là tội không thể tha thứ nhưng ta biết tính con ta. Nó chỉ là một đứa trẻ nông nổi, dứt khoát đã có người xúi giục, nó không thể là đối thủ của Đức Vua được.
- Thái hậu nói với thiếp những điều này để làm gì?
- Rồi đây nó sẽ sớm rơi vào tay Đức Vua, ta xin ngươi hãy mở lời xin với Đức Vua tha cho nó tội chết, dù sao nó cũng là em ruột của Người.
- Thái hậu đánh giá thiếp quá cao rồi, một việc lớn như vậy, làm sao thiếp có thể cầu xin với Đức Vua?
- Ngươi đừng tự đánh giá bản thân quá thấp. Ta nhiều tuổi rồi, cái gì ở hậu cung này cũng thấy qua rồi. Trên đời này ngoài ngươi ra, e rằng sẽ chẳng còn ai có thể tác động tới Đức Vua nữa. Ta biết Đức Vua rất sủng ái ngươi, đến nỗi bỏ rơi tất cả tam cung lục viện.
- …….
- Nhưng ta đã từ lâu không quan tâm tới triều chính nữa nên không muốn đối đầu với Người. Ta muốn ngươi hiểu, dù trước đây không nói ra nhưng ta vẫn ngầm ủng hộ ngươi, giờ xin ngươi giúp ta có được không?
- Thái hậu, thần thiếp chỉ là một cung phi nhỏ nhoi bên cạnh Đức Vua, ngoài việc dốc sức hầu hạ Người thì không có khả năng nào khác, xin Thái hậu đừng quá trông cậy. – Nàng cân nhắc một chút rồi nói.
Thái hậu đang định nói gì đó thì một tiếng nói có phần lạnh lùng cắt ngang:
- Bẩm Thái hậu, thần tới rước Người về cung Diên Thọ. Sức khỏe Người dạo này không tốt, xin đừng ra ngoài, lỡ nhuốm bệnh thì thần sẽ bị Đức Vua trách phạt.
Thái hậu tha thiết nhìn Cám nhưng không nói gì nữa, quay lưng theo Bình trở về cung Diên Thọ. Nhìn bóng lưng của bà trĩu xuống, chỉ còn hình ảnh một người mẹ đau khổ vì con chứ không còn chút gì dáng vẻ uy quyền của bậc mẫu nghi trước kia. Cám bất giác thở dài.
- Buồn cho người ta ư? – Một giọng nói nhẹ nhàng vang lên bên tai.
- Chị đến lúc nào vậy? – Cám thấy Tấm vẻ mặt tươi hẳn lên.
- Chị tới còn trước Thái hậu nhưng thấy bà ấy muốn nói chuyện riêng với em nên đợi ngoài này. – Tấm nhìn nàng khẽ cười. – Em ngoài mặt thì cứng rắn nhưng thực ra lại thông cảm cho bà ấy đúng không?
- Thái hậu không phải người yếu đuối tới như vậy. – Cám chậm rãi nói. – Trước đây khi Đức Vua mới lên ngôi, bà ấy và Thái úy tranh nhau thao túng triều đình, một tay che trời, sau này Người trưởng thành thì mới thức thời biết nhún nhường hơn. Bình Nguyên vương như ngày nay cũng một phần do bà ấy quá dung túng. Ngày xưa may mà Tiên hoàng sáng suốt chứ không đã bị bà ấy tác động phế con trưởng, lập con thứ làm Thái tử rồi.
- Chị không nói em không hiểu chuyện. – Tấm nhún vai. – Vấn đề là bà ấy có thế nào vẫn là một người mẹ, và em dù cố tự thuyết phục mình không cần để tâm nhưng thực ra lại đang thông cảm cho nỗi đau của bà ấy.
Cám không trả lời, thay vào đó nhìn Tấm chăm chú rồi nói:
- Chị khác nhiều quá.
- Khác thế nào? – Nàng hỏi lại nhưng giọng thản nhiên như đã đoán trước.
- Chị đẹp hơn. – Cám cười.
Nàng nói qua quýt vậy bởi không biết phải giải thích ra sao. Tấm không còn chút gì vẻ ngây ngô, nông nổi không hiểu sự đời ngày xưa nữa, giờ ở nàng toát lên sự trưởng thành, điềm tĩnh và sâu sắc. Điều đó làm Cám cảm thấy Tấm như một người khác, có phần xa lạ.
- Chúng ta là chị em mà. – Tấm cũng cười. – Không lẽ em lại xinh đẹp và thông minh hết phần chị sao?