Không bao lâu, Đỗ thái hậu phát bệnh, các thái y điều trị không lành và đã từ trần trong trạng thái an vui.
Từ ấy về sau, Tống Thái Tổ hưởng phước thái bình, không lo việc chinh chiến, vì ỷ có Triệu Khuông Nghĩa kế vị sẽ lo chinh phục các nơi hiểm trở. Vì rảnh rang, Tống Thái Tổ quên lời dặn của Huỳnh Thạch Công, đêm ngày vui chơi với cung nga mỹ nữ, nên sức khỏe yếu dần, việc triều chính phó cho Thừa tướng, còn Tống Thái Tổ vui chơi tửu sắc không ngớt.
Ngày kia, Tống Thái Tổ thấy trong mình nóng như lửa đốt, biết chắc bị bệnh nên đòi thái y đến coi mạch. Thái y coi mạch rồi tâu:
- Mạch bệ hạ đi phù sát, e mắc phải độc chứng. Miêu quân sư vào thăm viếng và can:
- Bệ hạ mê tửu sắc quá nên phát nóng, rất khó trị? Nếu bệ hạ muốn mau lành thì phải bỏ tửu sắc.
Tống Thái Tổ khen phải, nhưng không sao bỏ được tật cũ. Vì vậy bệnh càng ngày càng nặng thêm. Đến khi Tống Thái Tổ quá yếu, biết không thể sống được nữa, liền triệu Tân Vương đến nói:
- Nay bệnh trẫm càng ngày càng trầm trọng, chắc là trẫm không còn ở đời được. Nay trẫm nhường ngôi cho ngự đệ trị vì, phải ráng sức lo cho an nhà lợi nước. Tân Vương khóc và tâu:
- Bệ hạ hãy an lòng dưỡng bệnh chẳng nên lo nhiều việc mà lao tâm. Còn việc nối ngôi đã có Đức Chiêu, tôi hết lòng phò chúa, lẽ nào làm em dám bỏ lễ, anh có con mà lại cướp quyền, e thiên hạ chê cười. Tống Thái Tổ phán:
- Đức Chiêu mới mười một tuổi, kế vị sao xong? Vả lại Thái hậu khi trước đó có truyền chỉ ngày sau phải nhường ngôi cho em, nên trẫm nghe lời mẹ. Em hãy vâng chỉ trẫm mà nối ngôi lo trị nước an dân. Thứ nhất, phải lo đánh Hà Đông kẻo sau này Bắc Hớn tranh hùng. Thứ nhì, cha con Dương Nghiệp ở San Hậu trí dũng song toàn, em phải lập dinh mà rước cho đặng cha con họ Dương về nhờ cậy tài năng. Thứ ba, khi trẫm đi đến Nam Đường có gặp Trương Tề Hiền là một văn tài ẩn đặt, người ấy đáng phong làm Thừa tướng mà trẫm chưa rước về là có ý để dành cho em. Vậy em phải sai sứ đem trọng lễ mà rước Trương Tề Hiền về thì rất có lợi ích cho quốc gia. Thứ tư, tại núi Thái Hằng có một người võ nghệ cao cường tên là Hô Diên Táng, em dùng người ấy làm đại tướng, thì văn võ đủ người. Em nhớ bốn việc này mà làm y như vậy, thì tuy nhắm mắt cũng an lòng.
Triệu Khuông Nghĩa lạy tạ ơn. Khi ấy có Tống hoàng hậu và Thái tử Đức Chiêu có mặt ở đó, Tống hoàng hậu tâu:
- Nay bệ hạ truyền ngôi cho Nhị vương thúc, thì mẹ con tôi biết có an thân chăng? Tống Thái Tổ phán:
- Nay ngự đệ lên ngôi cũng chẳng khác chi trẫm, ấy là cốt nhục đồng hưởng vinh hoa phú quý, lo gì không được an thân.
Phán rồi liền gọi con lại. Đức Chiêu quỳ lạy khóc ròng, khóc cho cha gần miền, chứ không phải khóc mất ngôi Thiên tử, bởi Đức Chiêu là người có đức hạnh, nên sau gọi là Bát vương.
Đêm ấy Tống Thái Tổ nằm mê rồi băng hà. Hoàng hậu, Thái tử, các ngự đệ và bá quan đều khóc vang lên rồi cứ theo lễ mai táng. Triệu Khuông Nghĩa lên ngôi, cải niên hiệu là Tống Thái Tông các quan văn võ đều được thăng ba cấp, rồi ban chiếu cất phủ Vô Nịnh sai Phùng Mậu đem lễ vật qua Nam Đường rước Trương Tề Hiền về ở, lại sai Cao Quân Bội đem chiếu rước cả nhà Dương Nghiệp về kinh.
Tống Thái Tông lại sai sứ đi tìm Hô Diên Táng nơi núi Thái Hằng, truyền Cao Hoài Đức tập binh tướng đặng sửa sang đi đánh Lưu Quân tại Hà Đông. Khi dẹp Hà Đông xong sẽ phạt U Châu là Bắc Phiên Tiêu hậu.
Lời bàn: Không tham lam quyền lợi thì không sợ tác hại về sau. Tông Thái Tổ nghe lời mẹ, truyền ngôi lại cho em là Trần Khuông Nghĩa, đó là nhường quyền lợi lại cho kẻ xứng đáng, không vì con mình mà giữ lấy tham vọng. Khi đã không có tham vọng thì hành động rất chính đáng, đã hành động chính đáng thì không sợ ai thù ghét mình. Hoàng hậu và Thái tử lo cho số phận mình, thì đó chỉ là đề phòng kẻ không có lòng nhân nghĩa. Sở dĩ, nhà Tống thâu phục được thiên hạ chính là do xử sự về tình người, đã lấy tình người tiêu biểu cho sự cao cả trong lẽ sống, làm cho thiên thần và dân chúng mến phục, nước non được an bình thạnh trị là thu thập được nhân tâm. Đây là một tấm gương sáng cho các bậc vua chúa, vì triều thần có kẻ nịnh người trung, không phải ai cũng sáng suốt. Kẻ nịnh thì kiếm lời bợ đỡ nói cho vừa lòng, bắt kể phải trái, kẻ trung thì can gián những điều trái làm phật ý vua, nếu nhà vua ham hưởng thụ bản thân thì không thể nào sáng suốt phân biệt được nhân nghĩa trong lẽ sống.-oOo-
- Hết hồi 30:0 (156):