Ngưu Tư Tấn và Hô Diên Táng trở về phục chỉ:
- Cha con Dương Nghiệp đã vâng mạng, chỉ một vài ngày sau sẽ đến chầu bệ hạ.
Vua Thái Tông mừng rỡ, vội vã khiến Bát vương chuẩn bị nghênh tiếp. Bát vương tuân lệnh, sắp đặt đâu đó xong xuôi, tạm nghỉ nơi quán dịch để chờ tin cha con Dương Nghiệp kéo đến. Khi đạo binh Dương Nghiệp dẫn đến thì đã thấy binh tướng Tống đón chào. Dương Nghiệp liền xuống ngựa, Bát vương làm lễ. Hai bên nhạc thiều nổi lên. Hô Diên Táng đến nói với Dương Nghiệp:
- Người vừa đến chào tướng công là Bát vương, cháu ruột của Hoàng đế.
Dương Nghiệp nghe nói thất kinh, đến trước bái phục. Bát vương đỡ Dương Nghiệp dậy rồi dẫn vào dinh ăn uống đãi đằng. Sau đó mới ra mắt vua Thái Tông. Vua Thái Tông mời ngồi và nói:
- Bấy lâu nay trẫm ao ước gặp mặt khanh, ngày nay khanh về với trẫm, thật là đại phước.
Thái Tông liền phong cho Dương Nghiệp làm chức Đoàn Luyện sứ và hứa:
- Chừng nào dẹp giặc xong ban sư trở về, trẫm sẽ gia phong quan tước.
Dương Nghiệp lạy tạ ơn, dẫn gia quyến vào thành an nghỉ. Vua Thái Tông hạ lệnh cho chư tướng công phá Hà Đông. Lúc này bên Hớn trào, Lưu Quân đã biết được Dương Nghiệp đã về đầu đại Tống thì lo sợ bỏ ăn bỏ ngủ, liền ra lệnh cho Đinh Quới tăng cường gìn giữ các cửa thành cho nghiêm ngặt Ít ngày sau, Tống tướng là Phan Nhơn Mỹ khiến thủ hạ kéo binh ra khiêu chiến, nhưng bọn Đinh Quới thủ thành không ra đánh. . .
Binh Tống uy thế mỗi ngày mỗi lớn, triều thần bàn với nhau sai sứ qua Đại Liêu cầu cứu. Lưu Quân nhận lời, liền sai một viên võ tướng tức tốc lên đường. Vua Thái Tông thấy các tướng phá thành không được, để lâu ngày e có quân cứu viện, bên sai Cao Hoài Đức, Hô Diên Táng đốc quân phá thành. Mặt khác, vua Thái Tông viết biểu dụ Lưu Quân ra hàng. Sứ thần vâng lệnh đem biểu đến nơi, nhưng tướng Hớn không cho vào. Vua Thái Tông lo lắng, thao thức không ngủ. Đến canh khuya bỗng nằm mộng thấy quân vào báo rằng:
- Có phu nhân tới.
Trong vía Thái Tông thấy ba bốn mươi người khiêng một cái kiệu, trong kiệu có một người đàn bà bước ra, cầm một tờ giấy đưa cho Thái Tông xem. Vía Thái Tông hỏi:
- Ngươi là ai đến đây có việc chi? Người đàn bà ấy đáp:
- Thiếp là Tiểu Khánh ở tại Hà Đông đến xin dâng kế.
Vua Thái Tông đưa tờ giấy ra xem, thấy có đề tám chữ: "Nhâm quí chi binh, Khả phá Thái Nguyên." Vua Thái Tông xem xong thì người đàn bà đã biến mất. Vua giật mình thức dậy mới biết là chiêm bao, thì trời cũng đã gần sáng, bèn đòi Bát vương và Dương Quang Mỹ đến bàn việc chiêm bao. Dương Quang Mỹ tâu:
- Chữ nhâm quí thuộc về hướng Bắc. Có lẽ thần thánh mách bảo cho bệ hạ khiến kéo binh qua hướng Bắc ắt thành công.
Vua Thái Tông khen phải, truyền quân nhắm phía Bắc môn đánh vào. Lúc đó Hớn chúa cung lo lắng nên không ngủ, chiêm bao thấy nước lụt tràn vào thành, lại thấy có một con rồng theo phía Bắc môn lội vào. Hớn chúa thức dậy, liền đòi bá quan đến bàn tính. Vua Hớn chưa kịp kể lại giấc mộng, thì đã có tin báo:
- Quốc cựu đã mở cửa Bắc môn, quân Tống đang tràn vào thành. Hớn chúa thất kinh dẫn các quan đi lánh mặt. Bỗng có Dương Quang Mỹ bước vào nói:
- Vua Tống là người nhơn đức, dầu chiếm thành cũng không làm hại ai mà sợ.
Hớn chúa nghe lời ấy liền khiến Lý Hoán đem ấn tín và hàng biểu dâng cho vua Thái Tông. Vua Thái Tông rất đẹp lòng, mời Hớn chúa ngồi và nói:
- Ta chẳng trách phạt khanh đâu, xin cứ an lòng đừng lo lắng.
Hớn chúa lạy tạ ơn và thỉnh vua đến phủ Thái Nguyên an nghỉ. Vua Thái Tông nhận lời, cùng các quan ra đi, thấy hai bên đường dân chúng đặt bàn hương án chúc mừng. Hớn chúa cùng các quan triều vua Thái Tông phong cho Lưu Quân làm chức Kim hiệu thái sư, trấn giữ lại Hà Đông. Lưu Quân lãnh mạng tạ ơn. Đất Thái Nguyên lúc này mới yên ổn, dân chúng an cư lạc nghiệp. Bình định Thái Nguyên xong, Phan Nhơn Mỹ tâu với vua:
- Đất Hà Đông gần với Khiết Đông, nay sẵn dịp, tiện đường lấy uy thế mà tấn binh gia phạt Liêu Đông, ấy là chuyện ngàn năm. Dương Quang Mỹ lại tâu:
- Hà Đông mới định, quân sự còn mỏi mệt, xin bệ hạ ban sư để cho binh tướng nghỉ ngơi.
Các quan kẻ nói này người nói khác, làm cho Tống Thái Tông không quyết định. Bát vương tâu:
- Ngày nay tấn binh nữa thì bất tiện, nên hồi loan thưởng phạt công lao cho tướng sĩ, để đẹp lòng người. Xin bệ hạ y theo lời Quang Mỹ là thượng sách.
Vua Thái Tông nghe nhắc đến việc phụng thưởng cho các quan, thì biết Bát vương có ý nhớ lại chuyện cũ, cách mười năm về trước, nên làm lơ không nghe lời Bát vương tấu, và nói:
- Đợi chừng nào khanh có giang sơn thì chừng ấy sẽ tấn binh hay sao?
Bát vương thấy vua nghi ngờ thì thất kinh không dám nói nữa. Vua Thái Tông nghe theo lời Phan Nhơn Mỹ, kiểm điểm lương thảo kéo binh qua chinh phạt Liêu Đông.
Lúc này đại binh của Tống đã đến Diệt Châu hạ trại. Phan Nhơn Mỹ hạ chiến thư đưa vào thành nước Liêu xin định kỳ giáp chiến. Quan Thái sử nước Đông Liêu là Liêu Võ khi nghe có binh đại Tống kéo đến bèn hội chư tướng thương nghị. Quách Hưng nói:
- Ông có kế nào hay xin cho tôi biết. Lưu Võ nói:
- Theo ý tôi thì uy thế nước Tống rất mãnh liệt, vừa rồi chiếm đất Thái Nguyên, chúng ta khó giữ được Đông Liêu. Chi bằng khiến người đến nước Tống thăm dò tình hình, rồi tính việc dâng thành, cho khỏi muôn dân đồ thán. Quách Hưng nói:
- Kế ấy rất hay! Vậy để tôi đi thám thính.
Nói rồi, Quách Hưng lui ra tìm cách qua dinh Tống. Khi đến nơi, Quách Hưng xin vào ra mắt chúa soái, thấy Cao Hoài Đức rất nghiêm trang, Quách Hưng quỳ gối thưa:
- Chúa tướng tôi nghe binh trào kéo đến, nên sai tôi qua đây tỏ ý dâng thành qui thuận, để muôn dân tránh nạn đao binh.
Cao Hoài Đức nghe nói cả mừng, dẫn Quách Hưng đến yết kiến Phan Nhơn Mỹ. Phan Nhơn Mỹ nói:
- Nếu thật lòng qui thuận, thì ngày mai mở hết các cửa thành nghênh tiếp thánh giá, các ngươi sẽ giữ được tước lộc như cũ.
Quách Hưng vâng lệnh tạ từ lui ra, về thành cùng các tướng sĩ ra khỏi ngọ môn nghênh tiếp vua Tống. Khi vua Thái Tông vào thành thì khiến quân tra xét lương thảo và phong thưởng Lưu Võ cùng các tướng sĩ giữ y chức cũ.
Hôm sau, vua truyền xuất binh nhấm Trạc Châu tấn phát. Tướng coi giữ thành Trạc Châu tên là Lưu Hậu Đức, khi nghe tin vua Thái Tông chiếm được thành Diệt Châu rồi thì thương nghị với các tướng. Bấy giờ có quan Bộ thị là Thiểm Diễn Khuê bước ra thưa:
- Vua Tống là người nhơn đức, oai thế rất mạnh, chúng ta chỉ một mảnh đất hàng đầu ngón tay, mà làm sao giữ được. Chi bằng đầu hàng để tùng phục thì hơn.
Lưu Hậu Đức khen phải, liền khiến quân mở cửa thành, kéo binh ra đầu phục. Nhơn Mỹ thấy vậy liền hộ giá đưa vua Thái Tông vào thành kiểm điểm binh lương. Ai nấy đều vui vẻ.
Lời bàn: Con đường xây dựng sự nghiệp, không tránh khỏi những quyền lợi riêng tư, nếu kẻ cầm đầu không sáng suốt thì khó thành công. Vua Thái Tông nước Tống đi chinh phục các nơi, trên đường chiến đâu không phải không xảy ra những trạng thái tư thù tư oán, tham vọng cá nhân, nhưng lúc Thái Tông nước Tống đã sáng suốt lấy lòng nhân, lấy sự công bình mà đối xử lại những kẻ nhỏ nHồi tham vọng. Chính là sự sáng suốt ấy mà vua Tống dễ dàng chinh phục được thiên hạ, giữ vững tình đoàn kết nội bộ, phát huy khả năng lãnh đạo của mình. Ấy là trách nhiệm một vì vua trong một nước, còn trong cuộc sống xã hội loài người, những kẻ cầm đầu một cơ quan, một tổ chức, nếu không sáng suốt thì bộ hạ của mình cũng vì ganh tị tham lam, tìm cách phá hại lẫn nhau, mất tình đoàn kết, làm cho người lãnh đạo phải thất bại. Đây là một tấm gương cho kẻ đang nắm trong tay quyền thế mà không biết sáng suốt.-oOo-
- Hết hồi 39:118: