Tâm Lý Học

Chương 20: C20: 20. Rối Loạn Nhân Cách Ái Kỷ



Narcissistic Personality Disorder - Rối Loạn Nhân Cách Ái Kỷ


Trong thần thoại Hy Lạp có câu chuyện về chàng Narcissus. Chàng rất đẹp, đẹp đến não nề, đẹp đến đau lòng người khác. Có vô vàn cô gái yêu chàng nhưng chàng lại chẳng thích một ai, chàng cho rằng chỉ có mình mới xứng đáng với tình yêu của mình mà thôi. Echo, một nữ thần sông núi đã mang lòng yêu chàng. Do Echo lỡ phạm lỗi với Hera nên bị nữ thần tước đi giọng nói, cô chỉ có thể lặp lại những lời người khác nói sau cùng mà thôi. Echo lấy hết can đảm tỏ tình với Narcissus nhưng chàng ta lạnh lùng từ chối khiến cô đau khổ, thân hình tiều tụy, yếu ớt dần. Các nữ thần sông núi khác thấy vậy nên rất tức giận, các nàng cầu xin nữ thần tình yêu Aphrodite hãy trừng phạt Narcissus. Nữ thần nghe lời cầu xin nên đã giáng một lời nguyền lên người Narcissus, chàng sẽ yêu người đầu tiên mà chàng gặp. Lúc ấy là giữa ngày xuân, Narcissus đi săn và tìm đến một con suối để nghỉ ngơi. Khi chàng cuối xuống bỗng thấy khuôn mặt mình, và chàng đã chìm đắm trong tình yêu với chính bản thân mình. Nhưng mỗi khi chàng đưa tay chạm vào mặt nước, bóng hình ấy tan vỡ khiến chàng đau khổ. Narcissus quên đi tất cả, chẳng thiết ăn uống, cứ ngồi bên dòng suối và ngắm nhìn hình bóng của mình không biết chán. Chẳng bao lâu chàng mất đi, bên bờ suối mọc lên những nhành thủy tiên trắng kiêu ngạo, thơm ngát. Và có lẽ xuất phát từ đó, từ Narcissism được dùng để nói về thói ngạo mạn và tự yêu mình thái quá.

Khi viết bài về rối loạn nhân cách hoang tưởng, tôi có nói sơ về việc 9 bệnh rối loạn nhân cách được xếp vào ba nhóm A, B và C. Rối loạn nhân cách hoang tưởng nằm trong nhóm A ( nhóm kỳ quặc). Hôm nay chúng ta sẽ bàn về một bệnh rối loạn nhân cách nữa, nằm trong nhóm B với những đặc điểm chính là kịch tính, quá cảm xúc và thất thường. Đó chính là bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic Personality Disorder) hay còn gọi là bệnh rối loạn nhân cách yêu bản thân thái quá.


Trong bảy tội lớn nhất của con người trong Kinh Thánh, phẫn nộ, phàm ăn, lười biếng, kiêu ngạo, đố kỵ, trụy lạc và tham lam thì tội lỗi đại diện cho bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ là đố kỵ. Bạn thấy lạ đúng không? Tôi cũng vậy, tôi cứ nghĩ tội lỗi đại diện cho bệnh này phải là kiêu ngạo mới đúng vậy. Nhưng nếu đi sâu vào triệu chứng và tiềm thức của người mắc bệnh này thì mới bạn sẽ hiểu lý do.


Đặc điểm chính của rối loạn nhân cách ái kỷ là những xu hướng ảo tưởng qua suy nghĩ hay qua hành động, sự cần thiết được người khác ngưỡng mộ và không có khả năng thấu cảm với người khác. Những người này thường phóng đại tầm quan trọng của họ đối với người khác. Họ tin rằng họ có những kỹ năng đặc biệt, có một không hai mà chỉ có những người có vị trí cao trong xã hội mới hiểu được. Bản thân họ chỉ quan tâm và chú ý đến khả năng và những gì họ đạt được. Bởi vì họ coi họ là quan trọng, là độc nhất, cho nên họ không thể nào thông cảm và thấu hiểu được cảm xúc của người khác, và thường được coi là những người kiêu căng, ngạo mạn. Họ lợi dụng sự thành công của người khác để làm bàn đạp cho mình.

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ theo DSM-5 là

Sự rối loạn trong việc vận hành nhân cách thường ngày:

Sự rối loạn trong các hoạt động của bản thân.
-Nhân cách: thường dựa vào người khác để xác định bản thân là ai, phóng đại về bản thân, hạ thấp người khác.


-Hướng đi của bản thân: mục đích cuộc sống được đặt ra để đạt được sự tán thưởng của người khác. Mục tiêu và khả năng của bản thân họ đề ra cao một cách vô lý để họ cảm thấy rằng mình là đặc biệt, hoặc là quá thấp vì họ cảm thấy mình xứng đáng có được hết thảy, thường không để ý đến động lực thật sự của mình là gì.

Sự rối loại giữa các mối quan hệ cá nhân và xã hội.
-Thấu cảm: không có khả năng nhận thức, xác định cảm xúc và những gì người khác cần. Thường đón nhận phản ứng của người khác với thái độ quá mức, nhưng chỉ trong trường hợp nó có liên quan đến bản thân, đánh giá quá cao hoặc quá thấp sức ảnh hưởng của mình lên người khác.

-Quan hệ tình cảm: các mối quan hệ chỉ tồn tại với mục đích phục vụ cái tôi của bản thân, không hề có hứng thú với việc đối phương muốn gì và thích gì.

Rối loạn nhân cách ái kỷ đa số được chẩn đoán với người đã trưởng thành, bởi vì trẻ em và thanh thiếu niên vẫn còn đang trong thời kỳ phát triển tâm lý và cải thiện nhân cách. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán ở trẻ em và thiếu niên thì những triệu chứng trên phải tồn tại và kéo dài ít nhất một năm.


Tóm tắt lại là những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ là những người kiêu ngạo, coi bản thân mình đặc biệt hơn hẳn những người khác, không có khả năng thấu cảm, thích và cần được ca ngợi và coi trọng. Vậy thì tại sao đố kỵ lại được coi là tội lỗi tượng trưng cho bệnh này?

Ở tầng tiềm thức thì sự ảo tưởng, cho rằng mình xứng đáng được hưởng hết thảy, và mình quan trọng hơn những người khác được giải thích rằng do bản thân người đó cảm thấy mình bị nguy hiểm, bị đe dọa bởi những gì người khác đạt được. Vì thế, trong tiềm thức họ tìm cách kéo những người có vẻ giỏi giang hơn mình ấy xuống ngang hàng mình, hoặc thấp hơn mình để thỏa mãn cho cảm giác bản thân mình vượt trội hơn hẳn người khác. Để giải thích rõ hơn, tôi sẽ kể lại một trường hợp mà thầy tôi gặp phải trong những ngày đầu đi thực tập tại bệnh viện.

Lúc ấy thầy tôi mới vừa ra trường và được nhận vào thực tập ở bệnh viện trường tôi. Ngay khi vào được một, hai tuần thì một vị bác sĩ đã chuyển một hồ sơ bệnh án qua cho thầy với gương mặt áy náy khi bắt thầy nhận bệnh án này, vì không ai muốn nhận nó hết. Nhưng ca bệnh này sẽ mang lại cho thầy nhiều kinh nghiệm với kiến thức. Đó là bệnh án về một người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ.

Bệnh nhân được đưa đến khám bởi người bạn cùng phòng của anh ta. Người bạn ấy lo rằng với tính cách này của anh thì anh sẽ khiến anh gặp nhiều rắc rối. Anh đã đi khám nhiều bác sĩ rồi nhưng thường chỉ sau mười phút đã bỏ đi. Khi gặp thầy tôi, anh ta có vẻ nghi ngờ khả năng, nhưng vẫn nói chuyện. Thầy tôi không hỏi gì nhiều, chỉ lắng nghe anh ta nói. Trong suốt một tiếng đồng hồ trị liệu thì có hết khoảng 45 phút là anh ta kể về mình, về gia đình, về những gì anh ta đạt được. Sau đó anh ta thấy được bằng tốt nghiệp của thầy tôi treo ở trên trường và hỏi, "Anh không phải tốt nghiệp từ trường ở nước Mỹ à?", "Không." Thầy tôi vừa trả lời xong thì anh ta đập bàn mạnh một cái, mắng thầy tôi làm phí thời giờ của anh ta, đứng dậy và bỏ ra ngoài bãi đỗ xe. Người bạn đi cùng nhìn thầy tôi với ánh mắt ái ngại và xin lỗi rối rít. Thầy tôi bảo lúc ấy bản năng của thầy chỉ muốn đập cho anh ta một trận, nhưng lương tri kéo thầy lại, thầy suy nghĩ về những gì mình đã trải qua, khó khăn để xin được đi thực tập nên thầy phải kiềm lại. Thầy hỏi người bạn đi cùng có nghĩ rằng anh ta có sao hay không? Có làm gì tổn thương đến bản thân hay không. Người bạn ấy trả lời rằng thầy đừng lo, anh ta quá yêu bản thân mình thế nên chả đời nào tự làm mình tổn hại đâu.

Bệnh nhân trong câu chuyện trên thể hiện rõ một số triệu chứng của bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ. Anh ta dành phần lớn thời gian để nói và ca ngợi bản thân. Vì anh ta nghĩ rằng anh ta đặc biệt, thế nên chỉ có những người có địa vị xã hội như thầy tôi mới xứng đáng để nghe anh ta nói chuyện. Cho nên khi anh ta thấy thầy tôi không phải tốt nghiệp từ trường nào đó trong nước Mỹ thì anh ta cho rằng thầy tôi không xứng đáng để anh ta nói chuyện tiếp. Trong tiềm thức, anh ta kéo thầy tôi, một người có địa vị xã hội cao hơn anh ta, xuống thấp hơn để bản thân có thể trèo lên cho bằng, hoặc cao hơn nhằm thỏa mãn cái mong muốn mình đặc biệt hơn người. Đó chính là đố kỵ. Vì đố kỵ thế nên không chấp nhận bất cứ ai giỏi hơn mình và tìm cách kéo họ xuống. Luôn coi mình là trung tâm của sự ngưỡng mộ thế nên không thể chịu nổi khi ai đó giỏi hơn mình.

Bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ được coi là "con lai" của hai chứng bệnh rối loạn nhân cách kịch tính và rối loạn nhân cách phản xã hội vì nó có một số triệu chứng là đặc điểm của hai bệnh trên, ví dụ như không có khả năng thấu cảm là triệu chứng tiêu biểu của ASPD, còn coi mình là trung tâm của mọi việc, cần được tán thưởng và ngưỡng mộ là đặc điểm của bệnh rối loạn nhân cách kịch tính. Những người mắc rối loạn nhân cách ái kỷ thường dùng sự tách ly (Splitting) làm cơ chế bảo vệ. Theo phân tâm học, sự tách ly, hay còn gọi kiểu suy nghĩ trắng và đen- có hoặc không, là sự thất bại trong suy nghĩ của một người, họ không thể mang cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực của bản thân và những người khác lại để liên kết, tạo nên một tổng thể "hiện thực". Đây là một hình thức tự vệ trong tiềm thức được dùng bởi rất nhiều người. Họ thường hay nghĩ đến mức cùng cực, mỗi hanh động, động lực của họ chỉ có hoàn toàn tốt, hoặc hoàn toàn xấu chứ không có ở giữa. Người bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ dùng cơ chế này để ổn định cảm xúc tích cực về bản thân phục vụ cho cái tôi của họ, bằng cách nhận định bản thân vượt trội hơn hẳn những người khác và đáng được ngưỡng mộ. Những ai không làm theo ý họ, hoặc không coi trọng những giá trị mà họ mang lại là những kẻ xấu xa và chỉ biết ganh tỵ với những gì họ đạt được.


Nguyên nhân gây ra chứng rối loạn nhân cách ái kỷ vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi và chưa có kết quả cuối cùng. Những nhà tâm lý học dùng mô hình sinh lý- tâm lý- xã hội để giải thích nguyên nhân và họ cho rẳng nguyên nhân gây ra bệnh rất phức tạp. Bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ có thể liên qua đến sự chỉ trích thái quá, hoặc tâng bốc quá của các bậc cha mẹ đối với con mình, không ngừng nhấn mạnh về sự đặc biệt của nó. Điều này khiến cho đứa trẻ có thể che dấu đi sự thiếu tự tin của mình bằng cách phát triển bề ngoài về sự hoàn hảo, và hành vi chứng tỏ sự cần thiết được ngưỡng mộ liên tục. Bên cạnh đó còn có sự liên hệ giữa bộ não, suy nghĩ và hành vi, khả năng giải quyết stress.

Khi học tâm lý tính cách con người, giáo sư tôi có đưa ra một nghiên cứu rất thú vị. Nghiên cứu này kết luận rằng giới trẻ thời nay có tính ái kỷ, cho rằng mình xứng đáng được hưởng mọi thứ hơn những người sống 20 năm về trước. Nguyên nhân là vì sao? Ngày nay, trong các buổi diễn đàn về tự lực, hướng bản thân đến lối sống hoàn thiện, hoặc trong những cuốn sách hướng dẫn bạn tự rèn luyện bản thân thường hay có những câu như, "Chỉ cần bạn cố gắng hết mình bạn sẽ thành công" hay "Chỉ cần bạn cố gắng hết sức, bạn sẽ đạt được những điều mình muốn." Vì những câu như thế khiến giới trẻ ngộ nhận rằng họ có quyền được hưởng mọi thứ chỉ cần họ cố gắng hết sức. Thế nhưng "cố gắng hết sức" là một khái niệm trừu tượng, không được định nghĩa rõ ràng. Thế nào gọi là cố gắng hết sức? Bạn cho rằng bạn học hết 2 tiếng là sự cố gắng hết sức của bạn và vì thế bạn xứng đáng được điểm 10 thay vì điểm 6 hay 7. Thế nhưng đối với người khác, sự cố gắng hết sức của họ là chăm chỉ ngay từ đầu buổi học. Chính những khái niệm trừu tượng này dẫn đến sự ngộ nhận và tính ái kỷ trong giới trẻ.

Trên thực tế, bệnh rối loạn nhân cách ái kỷ là một trong những bệnh tâm lý có tỷ lệ người mắc bệnh thấp nhất, chiếm khoảng 2% dân số. Thế nhưng con số này đang dần tăng lên bởi vì một trong những nguyên nhân mà tôi nêu bên trên. Cũng giống như các bệnh rối loạn nhân cách khác, rối loạn nhân cách ái kỷ rất khó chữa. Một phần là vì người mắc bệnh không cho rằng họ bị bệnh, và vì thế nên họ không tự đi tìm sự giúp đỡ từ các chuyên gia. Phương thức chữa bệnh phổ biến nhất là dựa vào nói chuyện và khám phá tiềm thức người bệnh, hướng dẫn họ suy nghĩ tích cực hơn, tốt hơn. Lâu dài, các chuyên gia sẽ giúp người bệnh có cái nhìn sâu vào bên trong suy nghĩ của họ, giải đáp tại sao họ lại có thái độ và hành vi như thế với hy vọng rằng điều này sẽ giúp cho họ cải thiện hành vi của mình. Không có loại thuốc nào có thể chữa rối loạn nhân cách ái kỷ, các loại thuốc được dùng để chữa các triệu chứng phụ khác như trầm cảm, lo âu có thể xuất hiện kèm theo bệnh.



Cre: Hiroshimi.wordpress.com



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.