Ngày đó, Noãn Noãn lại chạy đi đâu mất biệt, chẳng biết là đang rúc trong góc nào mà ngủ khò. Vương Dao Dao chạy đi tìm nó, đến hoa viên, nàng đang lúi cúi tìm sau hòn giả sơn, chợt nghe thấy tiếng nói chuyện vọng lại.
“Đại Lang, con nói cái gì? Có phải đi theo đám bạn lêu lỏng kia đến mức hồ đồ rồi không?”
Giọng nói uy nghiêm này là của lão phu nhân, Vương Dao Dao dễ dàng nhận ra được. Nàng đang nghĩ xem có nên bước ra hành lễ chào bà hay không, đã nghe thấy một giọng nói khác vang lên.
“Tổ mẫu, tôn nhi không có hồ đồ, cũng đã suy nghĩ rất kỹ. Con biết rõ năng lực của mình, kỳ thi Hương vừa rồi nếu không được tổ mẫu lót tiền cho quan chủ khảo, e rằng đến Cử nhân cũng không đỗ nổi. Lần này thi Hội ở kinh thành không giống như thi Hương, với năng lực của con thật sự không có chút cơ hội nào, chẳng lẽ tổ mẫu còn có thể mua chuộc quan chủ khảo ở kinh thành sao? Nếu đã không có hi vọng, đi thi chỉ là tốn công vô ích, con cảm thấy tốt hơn hết vẫn là ở nhà chăm sóc Tiểu Nhu cùng hài tử...”
Tiểu Nhu là nha hoàn bên cạnh của Lý Trác Ngọc, sau đó được nâng lên thành thông phòng, vừa mới sinh được cho Lý đại công tử một bé trai. Nàng ta là kiểu mỹ nhân Giang Nam điển hình, mảnh mai như bồ liễu, dịu dàng tựa nước trong, nói chuyện thì nhỏ nhẹ uyển chuyển, dùng một thứ “Ngô nông nhuyễn ngữ” thuần túy mà Vương Dao Dao học mãi cũng chẳng nói được cho giống, thế nên nàng rất là ngưỡng mộ Tiểu Nhu.
“Câm miệng! Đại Lang, ngươi còn nhớ vì sao tổ mẫu đặt tên cho ngươi là Trác Ngọc không? “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” [1], ta muốn ngươi thời thời khắc khắc phải lấy việc học làm trọng! Vậy mà ngươi lại chỉ lo ăn chơi lêu lỏng, bị một ả nô tỳ mê hoặc. Ngươi muốn lấy ả, tổ mẫu cũng chiều ý ngươi, cho ả làm thông phòng của ngươi. Bây giờ ngươi còn vì ả mà muốn từ bỏ ứng thí... Ngươi... Đứa cháu bất hiếu này! Đúng là cha nào con nấy, đều không nên thân như nhau! Ngươi hãy nhìn mà xem nhị đệ của mình, ngươi quên là mẹ ngươi tại sao mà chết à, ngươi không thấy có lỗi với mẹ ngươi sao?”
Chỉ thoáng nghe tiếng, Vương Dao Dao cũng có thể tưởng tượng ra lão phu nhân đang tức giận đến độ nào.
Chỉ nghe thấy Lý Trác Ngọc cười một tràng, nói:
“Tổ mẫu, lúc nhỏ ta nghe lời người nói, cũng một mực cho rằng chính mẹ con Lý Quân Ngọc hại chết mẹ ta. Nhưng mà, lớn lên rồi, ta mới hiểu ra, người hại chết mẹ ta... chính là tổ mẫu!”
“Ngươi nói linh tinh gì đó? Từ trước đến nay, người trong phủ ai cũng biết, tổ mẫu thương yêu mẹ của ngươi như con gái ruột!”
“Con gái ruột? Nhưng mà người cũng hủy hoại hạnh phúc cả đời của mẫu thân! Năm đó phụ thân muốn cưới mẹ của Nhị Lang, người lại chê thân phận của bà ấy thấp kém, ép buộc phụ thân phải lấy mẫu thân thì mới được cưới bà ấy làm thiếp. Phụ thân vốn không hề yêu mẫu thân ta, chính bởi vì tổ mẫu nên mẫu thân mới phải ngày ngày ở đây chịu sự lạnh nhạt của trượng phu! Cũng là tổ mẫu xui giục mẫu thân hà khắc với mẹ con Vương thị, cắt xén chi tiêu, dặn dò hạ nhân trong phủ bạc đãi họ. Khi phụ thân biết chuyện, người lại đổ tất cả tội lên đầu của mẫu thân, để phụ thân oán ghét mẫu thân, vì thế nên bà mới u uất mà chết... Tất cả đều là do tổ mẫu! Từ lúc đại bá lên kinh đến nay, chưa một lần về lại Tô thành, cũng là vì sợ hãi tổ mẫu luôn đem ông ấy ra so sánh với Vương bá bá, rồi lại chê trách ông ấy kém cỏi!”
Vương Dao Dao sững sờ trước những gì nghe được. Trước mặt của nàng, lão phu nhân từ trước đến nay luôn hiền hòa từ ái. Không ngờ rằng... Nhớ đến những lời Lý Trác Ngọc nói, nàng có thể đoán ra thuở nhỏ biểu ca đã chịu khổ bao nhiêu. Trước nay, nàng vẫn lờ mờ hiểu biểu ca ở Lý phủ không được đối xử công bằng, nhưng ở nhà của nàng chưa bao giờ có chuyện phụ thân bất công với ai, nên nàng không thể ngờ được bên trong Lý phủ lại phức tạp như vậy, trong lòng cũng chợt thấy nghèn nghẹn chua xót thay cho chàng.
Bên này, lão phu nhân vẫn bình tĩnh, đáp:
“Ta làm tất cả cũng vì Lý gia, vì thể diện của Cô Tô Lý thị này!”
“Vì thể diện của Lý gia, hay là vì thể diện của chính người, trong lòng tổ mẫu hẳn là hiểu rõ. Bao nhiêu năm nay, chẳng lẽ người không có chút nào đố kỵ với An Thân vương phi và Vương lão phu nhân sao? Ngoài mặt người luôn xem họ như tỷ muội, nhưng trong lòng chẳng phải vẫn luôn muốn so đo cao thấp với họ hay sao?”
Lão phu nhân nghe tới đây, bỗng dưng kích động, thét lớn:
“Không, không phải! Ngươi nói bậy! Hứa ma ma, mau... mau đuổi tên bất hiếu này ra khỏi đây cho ta! Ta không muốn nhìn thấy hắn nữa!”
Thấp thoáng từ xa, vẫn còn nghe tiếng của Lý Trác Ngọc vọng lại.
“Tổ mẫu, người thật ích kỷ!”
Lý lão phu nhân ôm đầu, đưa mắt nhìn bóng mình phản chiếu dưới mặt hồ. Mái tóc bạc trắng, khóe mắt nhăn nheo.
Hóa ra đã một đời người.
Mấy mươi năm về trước, bà vẫn còn là thiên kim tiểu thư ở kinh thành. Nữ tử phương Bắc không đẹp một cách dịu dàng yểu điệu, ôn nhu nhàn thục như phương Nam, mà lại là vẻ đẹp sắc sảo mặn mà, phóng khoáng mạnh mẽ. Lý lão phu nhân thuở trẻ chính là một mỹ nhân như thế. Năm đó, trong ba tỷ muội, so về gia thế, bà hơn hẳn Vương lão phu nhân; so về nhan sắc, An Thân vương phi không thể so sánh với bà. Nhưng mà, sau đó, hai người bọn họ, một người may mắn được An Thân vương yêu thương, trở thành Vương phi cao quý. Khắp kinh thành, ai mà không biết An Thân vương muôn phần sủng ái Vương phi, chưa từng có một thiếp thất nào. Một người khác là Vương lão phu nhân thì lại được gả vào Vương thị, thế gia lớn ở kinh thành, xem như cũng viên mãn. Còn bà thì, phải xa gả đến Tô Châu này, cả đời không có cơ hội gặp lại phụ mẫu, đến khi mẫu thân qua đời cũng không kịp về gặp mặt.
Bà có được gì chứ? Cô Tô Lý thị nghe qua thì oai phong lắm, cái gì mà Giang Nam đệ nhất thư hương thế gia, chẳng qua chỉ là hào quang từ trăm năm trước. Trạng Nguyên Lý Tích Chi đã ra người thiên cổ bao lâu rồi, Lý thị cũng chẳng có thêm một Trạng Nguyên nào khác, thế mà vẫn giữ mãi không buông những ký ức vàng son ấy, ngoài mặt luôn tỏ ra danh môn quyền quý, bên trong thì trống rỗng. Lúc bà mới đến đây, nghe không hiểu phương ngữ Tô Châu, như lạc đến một thế giới xa lạ. Giang Nam mưa nhiều, mưa cứ rả rích tí tách bên hiên, càng khiến người tha phương nhớ nhà vô cùng. Nhưng bà cũng không có thời gian để thương xuân bi thu. Trở thành chủ mẫu của Lý gia, bà phải nghĩ trăm phương ngàn cách để xoay sở đủ chi tiêu trong phủ, làm sao để một Lý phủ bên trong rỗng toác nhưng bên ngoài vẫn phải huy hoàng vô hạn, lộng lẫy xa hoa khiến người ta ngưỡng mộ. Nhưng đổi lại là gì? Năm đó, trong lúc bà mang thai con trai thứ hai, trượng phu của bà qua lại với một kỹ nữ, còn muốn đem nàng ta về phủ làm thiếp. Bà tức giận sai người đánh chết kỹ nữ kia cùng đứa con trong bụng của nàng ta, trượng phu lại vì vậy mà oán hận bà cả đời. Sở dĩ Lý lão phu nhân chán ghét mẹ con Lý Quân Ngọc cùng với Tiểu Nhu như vậy, phần lớn đều là do họ gợi cho bà nhớ đến kỹ nữ năm xưa.
Nguội lòng với trượng phu, bà dốc sức bồi dưỡng hai con trai, mong có thể “mẫu bình tử quý” [2]. Nào ngờ trưởng tử đã không bằng được con trai của Vương lão phu nhân, tiểu nhi tử lại muốn cưới con của kỹ nữ làm thê tử. Nhìn sang Vương lão gia vừa đỗ Trạng Nguyên, vừa là Quận mã, Lý lão phu nhân làm sao mà không ấm ức trong lòng? Bây giờ, đến cả cháu trai đích tôn cũng vô dụng như vậy.
Mấy mươi năm tranh tranh đấu đấu, so đi tính lại, thì ra, cả một đời của bà, vẫn là một kẻ thua cuộc.
Lý lão phu nhân gối đầu lên chiếc ghế bọc da hổ sang quý, hai dòng nước mắt rỉ ra, chảy dài trên gò má chi chít nếp nhăn thương lão.
--- ----☆--- ----
Vương Dao Dao ôm Noãn Noãn trở về Cầm Vận cư, trông thấy biểu ca đang ngồi đọc sách ở thư phòng. Nàng đột nhiên buông Noãn Noãn xuống, chạy tới ôm lấy biểu ca.
“Meo!” Đây là tiếng kêu lên án của Noãn Noãn tự dưng bị vứt bỏ.
Biểu ca cũng hơi ngạc nhiên trước hành động của nàng, buông sách xuống, xoa xoa đầu nàng, mỉm cười hỏi:
“Miên nhi đói rồi sao? Để vi phu đi làm chút gì đó cho nàng ăn nhé.”
Đúng vậy, lý do duy nhất mà biểu ca có thể nghĩ ra để lý giải cho sự nhiệt tình bất chợt của nàng, chính là: đói bụng, làm nũng vòi ăn. (=__=)
Vương Dao Dao lắc lắc đầu, chỉ im lặng dựa đầu vào vai chàng.
Trước đây, nàng từng ngạc nhiên về khả năng nấu ăn của biểu ca. Đến bây giờ nghĩ lại mới nhận ra, một quý công tử bình thường sao lại biết nấu nướng chứ, trù nghệ lại còn giỏi như vậy, ắt hẳn là trải qua một quãng thời gian rất dài mới luyện ra được.
Biểu ca, rốt cuộc đã trải qua một tuổi thơ như thế nào...
Lý Quân Ngọc thấy nàng rầu rĩ không vui, đưa tay xoa xoa gò má mềm mại của nàng, khẽ hỏi:
“Làm sao vậy? Có người bắt nạt nàng?”
Vương Dao Dao lại lắc lắc đầu, chỉ nói:
“Sau này Miên nhi sẽ ngoan ngoãn, không làm biểu ca buồn nữa.”
Lý Quân Ngọc bật cười, nói:
“Tiểu Miên nhi vẫn luôn rất ngoan.”
Thấy nàng vẫn chưa vui vẻ trở lại, chàng nhéo nhéo chóp mũi nhỏ của nàng, bảo:
“Được rồi, ta kể chuyện cho nàng nghe, có được không?”
Hai mắt của Vương Dao Dao chợt sáng lên, gật đầu lia lịa, nói:
“Chàng kể tiếp chuyện Lương – Chúc hóa bướm ấy đi!”
“Khờ quá, câu chuyện đó quá bi lụy, không nên nghe làm gì.”
“Được rồi, được rồi. Vào đời Đông Tấn, có một thiếu nữ ở Thượng Ngu họ Chúc, tên Anh Đài. Chúc tiểu thư giả nam trang đi đến thư viện Nghi Sơn học tập, gặp được Lương Sơn Bá, người ở Cối Kê...”
“Cối Kê? Đó là Tô Châu của chúng ta sao?” Vương Dao Dao tò mò hỏi, bất giác không để ý mình đã xem Tô Châu là “Tô Châu của chúng ta”.
“Đúng vậy, là Tô Châu của chúng ta.” Biểu ca mỉm cười, đáy mắt càng thêm nhu hòa, đáp.
“Sau đó, hai người Lương – Chúc học cùng trường, ở cùng phòng suốt ba năm, nhưng Lương Sơn Bá vẫn không phát hiện ra Chúc tiểu thư là nữ. Sau đó nữa...”
Tô Châu có bình đàn [3] trứ danh khắp nơi, có thể thấy khả năng kể chuyện của người Tô Châu tương đối tốt, mà khẩu âm Tô Châu càng thích hợp để kể chuyện. Vương Dao Dao nằm gối đầu lên chân biểu ca, say sưa nghe câu chuyện mà chàng kể. Tuy rằng đến giờ nàng vẫn chưa hoàn toàn nghe hiểu hết loại “Ngô nông nhuyễn ngữ” này, nhưng thanh âm ôn nhu trầm ấm của biểu ca vẫn như có một ma lực kỳ lạ, khiến nàng tựa hồ bị thôi miên, mê mẩn lắng nghe.
Tiểu Noãn Noãn tuy rằng rất sợ hãi Lý Quân Ngọc, nhưng cũng bị hấp dẫn bởi thanh âm êm dịu kia, gác đầu lên hai chân trước, lim dim mắt nằm bên chân chủ nhân.
Ngoài hiên, trời chợt đổ mưa. Mưa xuân Giang Nam lâm thâm rả rích tựa một khúc nhạc đệm, hòa cùng tiếng đinh đang của phong linh trên ngưỡng cửa.
Đẹp như một giấc mộng.
------.--- ---
*Chú thích:
[1] Trích từ “Tam Tự kinh”, có nghĩa là: Ngọc không mài thì không thành thứ dùng được; người không học thì không hiểu lý lẽ.
[2] Mẫu bình tử quý: Mẹ nhờ con mà được sang quý
[3] Tô Châu bình đàn là một dạng kể chuyện bao gồm cả các đoạn hát với các đoạn nói, chia ra thành bình thoại và đàn từ. Bình thoại thường kể về các tích truyện anh hùng như chuyện về Nhạc Phi, đàn từ thường nói về các chuyện nhi nữ tình trường