Tam Sinh Tam Thế - Thập Lý Đào Hoa

Chương 2: Ba trăm năm sau, bỗng dưng trùng phùng



Căn nhà tranh mà tứ ca dựng cho ta lừng lững bên Bích Dao Trì. Khi đến tá túc ở phủ của Chiết Nhan, ta vẫn luôn ở đó một mình.

Khi rời khỏi rừng đào vào năm đó, căn nhà tranh này đã rất cũ kỹ, đến nay, trải qua mưa gió mấy trăm năm, nó vẫn có thể lừng lững ở đó, khiến ta vô cùng khâm phục.

Lấy ra viên dạ minh châu chiếu xung quanh, nhờ có Chiết Nhan để tâm, chăn đệm giường chiếu trong căn nhà đều đầy đủ cả, vì thế ta rất hài lòng.

Chiếc cuốc bằng đá dựng bên cạnh cửa chính là chiếc cuốc mà ta dùng để đào hố trồng cây đào năm nào. Giờ dùng nó vào việc đào hai bình Đào Hoa Túy lên, thật là vừa hay.

Đêm nay trăng trên Cửu Trùng Thiên sáng và tròn hiếm thấy, cây tế tân mà Chiết Nhan nói cực kỳ dễ tìm.

Ta làm điệu bộ vung chiếc cuốc đá lên bổ xuống chỗ đất thịt dưới gốc cây tế tân, thật may mắn, vừa nhìn đã thấy bình rượu bằng ngọc Đông Lĩnh nằm dưới lớp đất mềm, sắc xanh lóng lánh hắt lên mấy chiếc lá tế tân. Ta vui mừng vội vàng moi nó lên, vừa ôm lấy vừa vọt lên nóc nhà. Căn nhà run lên hai cái, cuối cùng vẫn đứng vững không bị sập.

Trên nóc nhà, gió đêm thổi lành lạnh, ta húng hắng mấy tiếng, mò mẫm mở miệng bình đã bị niêm phong kín. Trong giây lát, rừng đào mười dặm đẫm mùi thơm của rượu. Ta nhắm mắt hít một hơi thật sâu, lại càng bội phục tuyệt kỹ nấu rượu của Chiết Nhan hơn nữa.

Bình sinh ta ít làm những chuyện phong lưu, uống rượu cũng là một trong số đó. Uống rượu cũng cần phải đầy đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Đêm nay sông dài trăng tròn, ấy chính là thiên thời; mười dặm rừng đào ở Đông Hải, ấy chính là địa lợi; trên mái nhà tranh ngoài ta ra, còn có mấy chú quạ đậu lại, miễn cưỡng cũng có thể gọi là nhân hòa. Ta cầm bình rượu, nhấm nháp mấy ngụm, sau khi chẹp chẹp mấy tiếng, lại cảm giác, mùi vị Đào Hoa Túy trong bình đây có chút gì không giống với hương vị ta từng được nếm. Nhưng lại nghĩ có lẽ vì quá lâu không được uống rượu của Chiết Nhan nấu, mơ hồ lẫn lộn mùi vị, nên cũng mặc kệ. Nhấp từng ngụm lại từng ngụm, tuy không có đồ nhắm nhưng trước cảnh trăng lạnh hồ biếc, cũng không đến nỗi nào.

Chẳng mấy chốc đã uống hết nửa bình. Gió thổi mơn man, hơi rượu ngà ngà lan tỏa, ta đã hơi mơ màng.

Màn đêm đen thẳm trước mắt tựa như một chiếc màn chụp lên, cơ thể bỗng bùng lên một ngọn lửa, thiêu đốt đến mức máu cũng sôi lên ùng ục. Ta lắc lắc đầu, run run tay xé toang vạt áo, toàn thân vã mồ hôi, như muốn bốc hơi, tựa như có ngàn vạn con giòi bọ bò trong xương tủy. Thần trí trở nên mê loạn, chẳng còn nổi một chút minh mẫn, chỉ là mang máng cảm thấy nó không giống với cơn say rượu thông thường. Cơn nóng này ép ta đến mức không còn đường lui, hoàn toàn không biết phải dùng bấm quyết (1) gì để nén nó xuống, hoặc là bất cứ thần chú nào cũng không thể nén nó xuống nổi.

Ta loạng choạng đứng dậy muốn buông mình nhảy xuống Bích Dao Trì cho mát, nhưng lại lảo đảo nhún một cái, từ mái nhà ngã thẳng xuống dưới đất.

Nhưng lạ một cái là cơ thể lại không có cảm giác đau đớn khi tiếp đất, chỉ cảm thấy trong nháy mắt ta đã bị một thứ man mát ôm lấy, ngã xuống nhưng lại mát đi rất nhiều.

Ta cố gắng mở to mắt, mơ hồ nhận ra trước mặt ta là một bóng người, toàn thân mặc đồ đen tuyền, nhưng đó không phải là Chiết Nhan.

Trời đất quay cuồng, ánh trăng bàng bạc chiếu tỏ mười dặm rừng đào sắc hoa tươi thắm, lá hoa mơn mởn, Bích Dao Trì ngay gần đó cũng bốc hơi mờ mịt, phút chốc biến thành một màn lửa trời ngùn ngụt.

Ta vội vàng nhắm mắt, cơ thể đã nóng tới mức phát đau, chỉ biết cố hết sức dựa vào nơi phát ra hơi lạnh đó, khi ngẩng đầu lên, má áp vào da ở cằm của hắn ta như chạm phải khối ngọc mát lạnh. Những ngón tay đã không còn nghe theo lời của ta, ta run run cởi đai áo của hắn, hắn bắt đầu đẩy ta. Ta vội vàng bám lấy vỗ về: “Đừng sợ, đừng sợ, ta chỉ muốn làm mát tay thôi”. Hắn càng cự tuyệt dữ dội hơn nữa.

Mười mấy vạn năm nay, ta chưa bao giờ dùng mê hồn thuật dụ dỗ kẻ nào, đêm nay lại không có cách nào khác. Khi im lặng cố gắng tập trung niệm lực để mở to mắt nhìn hắn, trong lòng ta cứ thấp thỏm không yên, không biết đã bao lâu không dùng tới phép thuật này, không biết bây giờ dùng có hiệu nghiệm hay không. Hắn rõ ràng tỏ vẻ hơi nghi hoặc, đôi mắt u ám khó lường, rồi chầm chậm ôm lấy ta.

Chim trĩ gáy lên ba hồi, ta mới từ từ tỉnh lại, láng máng cảm thấy đêm qua giống như một giấc mộng đẹp. Trong mơ, ta dáng vẻ phong lưu, cợt nhả một chàng thiếu niên con nhà lành. Ta cố nhớ lại kỹ hình dáng của chàng thiếu niên, nhưng chỉ nhớ được chiếc áo choàng đen tuyền và rừng đào mười dặm thắm sắc hoa.

Rừng đào của Chiết Nhan vốn cách Đông Hải không xa lắm. Ta cũng chẳng vội gì, đi tới hầm rượu phía sau núi lấy ba vò rượu cũ, lại đem nửa bình Đào Hoa Túy cất vào tay áo, rồi mới chào tạm biệt Chiết Nhan rời đi.

Lão ta lẩm bẩm dặn dò ta sau khi về phải nhớ bảo tứ ca qua giúp lão cày mấy mẫu ruộng xấu trước núi.

Hôm nay quả thực là đại cát, ta giơ tay lên kéo dải lụa thắt ngang mày xuống. Tiên khí chờn vờn lưng chừng trời Đông Hải, mây lành từng đóa từng đóa đơm bông, xem ra thần tiên các lộ đã tụ họp đông đủ.

Ta rút từ trong tay áo ra một dải lụa trắng rộng chừng bốn ngón tay, buộc thật chặt quanh mắt, chuẩn bị xuống nước.

Đông Hải cái gì cũng tốt, chỉ có điều Thủy Tinh cung lại quá sáng lóa, mà đôi mắt của ta, ba trăm năm trước đã không thể nhìn thấy những gì quá sáng.

Mẫu thân nói đó là bệnh bị mắc từ khi còn trong bụng mẹ.

Mẫu thân kể khi hoài thai ta, đúng là lúc Thiên Quân giáng nạn đại hồng thủy để trừng phạt dân chúng chín châu bốn bể tám cõi. Khi ấy mẫu thân vì ốm nghén, chỉ thích ăn quả hợp hư trên núi Hợp Hư, dường như đã coi nó là thức ăn chính. Trận đại hồng thủy đó vừa giáng xuống, núi Hợp Hư của Đại Hoang Đông Hải ngập trong mênh mông nước, đến ngọn cỏ cũng chẳng sống nổi. Mẫu thân chẳng có quả hợp hư để ăn, ăn gì cũng không trôi, cũng chẳng biết mùi vị là gì, cơ thể gầy yếu đi trông thấy. Sau khi sinh ra ta, cũng chỉ là một con tiểu hồ ly nhăn nhúm, lại mang theo tật lạ ở mắt. Tật lạ này đã ẩn mình trong cơ thể ta suốt mười mấy vạn năm, vốn chung sống hòa bình với ta, nào ngờ ba trăm năm trước do một lần bị thương hàn cho nên mới bộc phát. Cũng may mà phụ thân ta mượn được huyền quang dưới suối vàng tạo thành một dải lụa trắng che ánh sáng cho ta, đến những nơi có ánh sáng chói lọi ta có thể đeo nó lên, cũng không có gì quá vướng víu.

Ta nhúng nhúng tay xuống chỗ nước nông nhất, nước Đông Hải lạnh quá, ta rét run lên, vội vàng dùng tiên khí để hộ thân. Đột nhiên sau lưng có tiếng “tỷ tỷ, tỷ tỷ” gọi ta vang lên.

Ta ngẫm nghĩ phụ thân mẫu thân ta chỉ sinh hạ được năm huynh muội ta, sau ta nào có tiểu hồ ly nào đâu. Quay người lại, một bầy thiếu nữ tuổi xuân phơi phới đã đứng trước mặt ta, người nào người nấy phục sức gấm hoa, có lẽ là gia quyến của thần tiên lộ nào đó đi dự tiệc.

Tiểu cô nương áo tím dẫn đầu vẻ mặt có chút tức tối: “Công chúa nhà ta gọi ngươi, sao ngươi không thưa?”.

Ta ngây người ra giây lát, nhìn thiếu nữ áo trắng đứng giữa bảy, tám người đó, trâm cài trên đầu nhiều nhất, hạt trân châu đính trên mũi giầy gấm lớn nhất, liền quay sang gật gật đầu với nàng ta: “Cô nương gọi ta có việc gì?”.

Gò má trắng như ngọc của thiếu nữ áo trắng ửng hồng: “Lục Tụ nhìn thấy tiên khí quấn quít quanh người tỷ tỷ, nghĩ rằng tỷ tỷ cũng là thần tiên đi dự yến ở Đông Hải, đang muốn nhờ tỷ tỷ dẫn đường cho Lục Tụ, chẳng ngờ mắt của tỷ tỷ…”.

Thực ra dải lụa trắng băng quanh mắt cũng không ảnh hưởng tới việc ta nhìn các sự vật, huống hồ còn có Mê Cốc chỉ lối, dẫn đường chẳng qua cũng chỉ là chuyện nhỏ, bèn gật đầu đồng ý với nàng ta: “Ta đúng là đến dự yến, mắt ta không sao cả, mấy người hãy cứ theo sau ta”.

Đi dưới nước thực vô cùng vô vị, may mà đám thị nữ của công chúa Lục Tụ rất om xòm, họ cứ tưởng rằng mình đang nói rất khẽ, tiếc là tai của loài hồ ly ta lại rất thính, nên ta đã vô tình nghe được không ít chuyện hay.

Một người nói: “Đại công chúa ngỡ đã cắt đuôi chúng ta, để chúng ta không thể tới dự yến được, nàng ta sẽ có thể đứng đầu, nhưng chẳng ngờ rằng chúng ta vẫn có thể tìm đường đến, lúc nào tới nơi sẽ tố cáo nàng ta trước mặt Thủy Quân, để Thủy Quân trừng phạt nàng ta đóng cửa suy ngẫm mấy trăm năm ở Nam Hải, xem xem nàng ta còn dám coi thường người khác như thế này nữa không”.

Hóa ra là gia quyến của Nam Hải Thủy Quân.

Một người khác nói: “Đại công chúa đẹp thì có đẹp, nhưng vẫn còn kém xa công chúa, xin công chúa hãy an lòng, chỉ cần công chúa đến thì đại công chúa chẳng chiếm nổi ngôi đầu trong tiệc đầy tháng này đâu”.

Hóa ra là hai tỷ muội ghen ăn tức ở với nhau.

Một người lại nói: “Thiên hậu tuy đã được lập, nhưng Dạ Hoa Quân ắt hẳn chẳng ưng lão thái bà ở Thanh Khâu đó, công chúa có vẻ đẹp chim sa cá lặn như thế, lần này đến Đông Hải dự yến nếu như có thể tâm đầu ý hợp với Dạ Hoa Quân thì có thể coi là chuyện vui nhất từ khi Bàn Cổ khai thiên tới nay”.

Mãi lúc sau ta mới phản ứng lại, hóa ra “Lão thái bà ở Thanh Khâu” kia là nói ta, bỗng cảm thấy thời gian qua mau, thế sự đổi thay, thật là dở khóc dở cười.

Công chúa Lục Tụ đó hơi sẵng giọng: “Chớ nói bừa”, đám thị nữ liền ngoan ngoãn nghe lời, im bặt.

Đi khoảng chừng nửa tiếng, mới đến Thủy Tinh cung sâu ba ngàn trượng dưới đáy Đông Hải này.

Ta cực kỳ băn khoăn liệu ban nãy có phải đã chọn nhầm đường ở chỗ rẽ hay không, vì lâu đài cung điện nguy nga tráng lệ trước mặt hoàn toàn khác xa với những gì trong ký ức của ta, thực sự không hề dát chút thủy tinh sáng lóng lánh nào.

Công chúa Lục Tụ cũng trợn mắt há mồm ngây ra, chỉ vào bức tường cung điện màu xanh thẫm, hỏi ta: “Có phải là cỏ thanh hạnh phủ trên tường không?”.

Ta là loài thú chạy sống trên đất bằng, đương nhiên là kém hiểu biết về các loài thủy sinh, chỉ có thể gượng cười theo: “Hình như là thế”.

Sự thực đã chứng minh cành Mê Cốc mà lão Mê Cốc đưa cho ta có chất lượng cực kỳ đảm bảo, thứ đen thui này, quả thực chính là Thủy Tinh cung của Đông Hải Thủy Quân.

Hai cung nga đứng chờ bên cửa cung vừa nhìn thấy công chúa Lục Tụ vẫn đang ngây người liền vội vàng đón lấy thiệp mời của nàng ta, dọc đường rẽ hoa vạch liễu, dẫn tám người chúng ta đi vào trong.

Ta hơi bùi ngùi, chẳng ngờ Đông Hải Thủy Quân đời nay, phẩm vị cao quý, sao lại có sở thích quái lạ này. Suốt dọc đường, đáng lý ra Thủy Tinh cung phải lấp lánh rực rỡ, đằng này lại còn tối tăm hơn cả động Hồ Ly của phụ mẫu ta. May mà dọc đường có gắn vài viên dạ minh châu tỏa ra thứ ánh sáng dìu dịu, mới không làm ta vấp ngã.

Còn mấy canh giờ nữa mới khai yến, nhưng thần tiên các lộ đã tụ tập trong đại điện, cứ hai người một cặp. Nhớ lại năm xưa khi phụ thân ta mở tiệc mừng thọ, các tân khách tuy không vắng mặt nhưng không có ai là không sát giờ mới đến cả. Còn bây giờ, chỉ là tiệc mừng đầy tháng của con trai Đông Hải Thủy Quân mà bất luận là thần tiên lớn nhỏ đều ùn ùn kéo đến như vậy. Ngẫm lại thế đạo thực sự đã đổi thay, chúng tiên bây giờ đại để đều nhàn rỗi đến phát sợ.

Hai cung nga dẫn công chúa Lục Tụ đến trước mặt Đông Hải Thủy Quân.

Nét mặt của vị Đông Hải Thủy Quân đời nay cũng có vài phần phong thái giống tổ tiên của hắn ta.

Ta rớt lại sau cùng, liền lẩn vào đám thần tiên, quay người muốn kêu một nô tỳ dẫn ta đến nhà ngang để nghỉ ngơi một chút. Đi đường cả nửa ngày trời ta cũng thấm mệt, nhưng nào ngờ hết thảy sinh vật sống trong đại điện này đều đang ngây ngất ngắm nhìn công chúa Lục Tụ kia.

Khách quan mà nói thì dung mạo phong thái của Lục Tụ nếu ở giữa các vị thần thời viễn cổ thì hết sức bình thường, còn kém xa mấy vị tẩu tẩu của ta. Xem ra, thần tiên thời nay chẳng có mỹ nhân nào.

Ta không nhẫn tâm cắt ngang tâm trạng si mê ngơ ngẩn của họ, bèn tìm chỗ trống chuồn đi, định bụng tìm một chỗ nào đó đánh một giấc, đợi đến lúc khai tiệc sẽ đến tặng lễ vật, ăn tiệc rồi sớm chuồn về.

Rẽ vòng vèo hồi lâu mà vẫn không tìm được một nơi thích hợp, đúng là làm người ta tức chết đi.

Đương lúc chuẩn bị quay về đại điện thì ta bỗng nhận ra mình không tìm được phương hướng. Tìm trong tay áo mới phát hiện nhánh Mê Cốc đã không còn. Hay rồi đây, dựa vào bản lĩnh nhận đường của ta thì đừng nói là khai yến, trước khi yến tiệc kết thúc mà có thể kịp quay về là đã phải tạ ơn trời đất lắm rồi. Cũng chẳng còn cách nào khác, chỉ còn cách đi bừa tìm đường mà thôi.

Thế nên ta đã vào nhầm hậu hoa viên của nhà Đông Hải Thủy Quân.

Không thể không nói rằng, tòa hậu hoa viên này phối hợp hết sức hài hòa với phong cách của cả tòa cung điện, khắp nơi một màu xanh mượt, sáng rực long lanh, thực có dáng dấp của một mê cung xinh đẹp. Từ khi ta lạc vào đây đã hơn một canh giờ mà vẫn không tìm nổi đường ra.

Hóa phép thổi bay cái khu vườn quỷ quái này cũng là một ý hay, nhưng làm vậy thật là thất đức. Nghĩ thế, lòng ta dâng trào một cảm giác thê lương vô hạn. Khi sự thê lương lên đến cực điểm bỗng thấy sáng lòng.

Nhặt dưới đất một cành cây không biết tên, nhắm mắt lại, ném nó đi, cành cây rơi xuống, chỉ về con đường phía bên trái. Ta phủi phủi tay, hết sức hài lòng rẽ sang bên phải.

Sự thực đã chứng minh hành động vứt cành cây để chỉ đường của ta là hết sức sáng suốt.

Một canh giờ trước đó, ta còn đi tới đi lui trong khu vườn đó, chớ nói là người, đến muỗi cũng chẳng gặp một con. Nhưng lần này chỉ đi có chừng trăm bước, đã gặp ngay một cục bột sống.

Cục bột đó trắng bóc, trên đầu còn có hai cái sừng nhỏ, mặc một chiếc áo bào gấm màu xanh thẫm, chui ra từ một bụi san hô màu xanh cao gấp đôi người nó, nếu như không chú ý thì sẽ tưởng nó với bụi san hô kia là một.

Nhìn giống như con trai của một vị thần tiên nào đó.

Ta thấy nó cúi đầu nhổ những cây cỏ thanh hạnh trên bụi san hô thì lấy làm thú vị, bèn bước tới hỏi: “Cục bột nhỏ, ngươi đang làm gì đó?”.

Nó không hề ngẩng đầu lên: “Nhổ cỏ đó, phụ quân bảo san hô sống dưới đám cỏ này chính là thứ đẹp nhất ở đáy biển Đông Hải, ta chưa từng nhìn thấy nên muốn nhổ lên xem sao”.

Phụ quân, hóa ra là một tiểu thế tử của Thiên tộc.

Ta thấy dáng vẻ nhổ cỏ của nó rất vất vả, không kìm được muốn giúp một tay, bèn lấy chiếc quạt từ trong tay áo giơ ra trước mặt nó, quan tâm nói: “Dùng cái quạt này, quạt khẽ một cái, đám cỏ thanh hạnh sẽ bay hết, san hô sẽ ra ngay”.

Tay trái nó vẫn dứt dứt mấy cọng cỏ, tay phải ngoan ngoãn nghe lời đón lấy chiếc quạt trong tay ta, cực kỳ tùy ý quạt một cái. Trong nháy mắt, cuồng phong nổi giữa đất bằng làm nghiêng ngả cả Thủy Tinh cung. Nước biển sâu thẳm vọt lên hơn chục trượng, tung bọt trắng xóa. Chỉ mất chút xíu công phu mà tòa Thủy Tinh cung của Đông Hải Thủy Quân u ám tối tăm là thế bỗng được thay diện mạo mới, tất cả chỉ có thể dùng hai chữ “sáng lòa” để miêu tả.

Ta hơi sững sờ.

Chiếc quạt Phá Vân đó có thể phát huy uy lực lớn như vậy thì ắt hẳn người dùng quạt phải có tiên lực cao đến nhường nào. Ta thực không ngờ cục bột nhỏ này lại lợi hại như thế, chỉ phẩy khẽ một cái, mà đã làm đảo lộn phong cách của toàn bộ Thủy Tinh cung, đúng là có lỗi với Đông Hải Thủy Quân.

Cục bột nhỏ ngã nhào ra đất, trợn mắt há mồm, mắt trân trân nhìn ta, lắp bắp: “Có phải ta gây họa rồi không?”.

Ta quay đầu lại, khó khăn lắm mới có thể gật đầu với nó: “Gây họa e rằng không phải chỉ có mình ngươi, chiếc quạt đó hình như là do ta đưa cho ngươi…”.

Trong khoảnh khắc, hai mắt của cục bột nhỏ bỗng nhiên mở to. Ta ngẫm nghĩ, có lẽ là do dải lụa trắng che kín ba phần tư khuôn mặt của ta đã làm cho nó sợ hãi rồi chăng.

Ta đoán không trúng mở đầu, lại càng đoán sai kết cục. Chỉ thấy cục bột nhỏ nhào đến ôm lấy chân ta như một cơn gió, miệng gào to: “Mẫu thân…”.

Ta ngây ra.

Nó cứ ôm cứng lấy chân ta, kêu lên thống thiết như xé gan xé phổi, vừa chân thành thề thốt lại vừa trách móc ta: “Mẫu thân, mẫu thân, cớ sao người nỡ vứt bỏ A Ly và phụ quân…” nhân thể bôi nước mắt nước mũi tèm lem vào một góc váy của ta.

Ta bị nó kêu cho đến mức phát hoảng, đang định lục lại ký ức để giúp nó, xem xem trong suốt mười mấy vạn năm bãi bể nương dâu có đúng là ta đã thực sự vứt bỏ con trai bao giờ không, thì sau lưng bỗng vang lên một giọng nói thật trầm, thật khẽ: “Tố… Tố?”.

Cục bột nhỏ ngẩng phắt đầu lên, gọi một tiếng “phụ quân” bằng chất giọng hết sức non nớt, nhưng vẫn ôm chặt lấy chân ta.

Ta bị nó lôi xềnh xệch, mệt đến nỗi không quay nổi người. Cũng lại vì hơn nó không biết bao nhiêu đời nên ngại ngùng không dám cúi người xuống gỡ những ngón tay đang bám chặt của nó ra, chỉ có cách đứng đờ tại chỗ mà thôi.

Kẻ được gọi là phụ quân đó rảo bước tiến đến trước mặt ta.

Vì khoảng cách thực sự quá gần, ta lại cúi đầu, lọt vào tầm mắt ta chỉ có một đôi ủng màu đen và một vạt trường bào đen tuyền có hoa văn thêu chìm.

Hắn thở dài một tiếng: “Tố Tố”.

Hai tiếng “Tố Tố” ấy, rõ ràng là gọi thượng thần ta đây.

Tứ ca thường nói ta hay đãng trí, nhưng ta vẫn nhớ chuyện của mười mấy vạn năm nay, có người từng gọi ta là Tiểu Ngũ, có người gọi ta là A Âm, cũng có người gọi ta là Thập Thất, đương nhiên hầu hết mọi người gọi ta là cô cô, nhưng chưa từng có ai gọi ta là Tố Tố.

Đúng lúc cục bột nhỏ đưa hai tay dụi dụi mắt, ta vội vàng lui về phía sau một bước, ngẩng đầu lên mỉm cười: “E rằng tiên hữu mắt kém đã nhận lầm người”.

Ta nói xong nhưng hắn vẫn chẳng có phản ứng gì, ta càng kinh ngạc hơn. Ly ly nguyên thượng thảo (2), xuân miên bất giác hiểu(3), khuôn mặt phụ thân của cục bột nhỏ kia thực sự quá giống với ân sư truyền nghiệp của ta – Mặc Uyên.

Nhưng rốt cuộc ta vẫn chưa đến nỗi nhận nhầm hắn là Mặc Uyên.

Bảy vạn năm về trước xảy ra đại loạn của Quỷ tộc, sông dài dậy sóng, lửa đỏ ngút trời, Mặc Uyên đã nhốt Quỷ Quân Kình Thương trong chuông Đông Hoàng bên bờ Nhược Thủy, còn mình thì tu vi (4) cạn kiệt, hồn bay phách tán. Ta liều mạng ôm lấy thân thể của người quay về Thanh Khâu, đặt trong động Viêm Hoa, mỗi tháng đều trích một bát máu tim của mình để nuôi dưỡng.

Mặc Uyên là con trưởng của Phụ Thần, là thượng thần cai quản âm nhạc và chiến tranh của chốn nhân gian, ta chưa bao giờ tin rằng sẽ có một ngày người có thể chết đi, cho dù đến bây giờ, ta vẫn không tin. Cho nên ta chỉ âm thầm chờ đợi, mỗi tháng lấy một bát máu tim để nuôi người, vì sẽ có một ngày, người sẽ nửa cười nửa không, khẽ gọi ta một tiếng “Tiểu Thập Thất”.

Nghĩ đến đó, ta không khỏi thoáng đau lòng.

Nhưng tình cảnh trước mắt dường như không thích hợp đau lòng, thương cảm. Chính là ứng nghiệm với câu nói này, sau kinh ngạc tất sẽ càng kinh ngạc hơn.

Ta còn chưa định thần trở lại thì phụ thân của cục bột nhỏ đã phất tay áo gỡ dải lụa trắng băng mắt ta xuống, theo phản xạ ta nhắm nghiền hai mắt lại. Hắn đưa tay lên khẽ áp vào trán ta.

Cục bột nhỏ đứng một bên run run gào lên: “Đồ háo sắc, đồ háo sắc”(5).

Bao nhiêu năm nay tình tính ta vốn rất hòa nhã, ngay cả Hồng hồ ly là Phượng Cửu năm xưa từng nhổ sạch cỏ linh chi trước động của ta để nấu món Phật trèo tường ta còn không thèm so đo với nó. Nhưng lúc này, gân xanh trên trán ta đang giật giật dưới bàn tay người đó.

“Hỗn xược”, bao năm nay chưa từng sử dụng câu nói này, bây giờ ôn lại, quả nhiên có chút lạ lẫm.

Cục bột nhỏ chạy tới kéo kéo tà váy ta, khiếp sợ kêu lên: “Mẫu thân giận rồi sao?”.

Phụ thân cục bột nhỏ hồi lâu không có động tĩnh gì. Lại rất lâu sau, cuối cùng lấy dải lụa trắng băng lại mắt cho ta, rồi mới nói: “Đúng thế, đúng là ta nhận nhầm người, nàng ấy chưa bao giờ có dáng vẻ ngoài hung hăng trong nhút nhát như nàng, cũng không có dung mạo khuynh thành như nàng. Vừa nãy ta đã mạo phạm rồi”.

Ở khoảng cách gần như thế này ta mới nhìn rõ, trên ống tay, vạt áo cẩm bào đen tuyền của hắn, đều in hoa văn rồng cùng một màu.

Tuy mấy vạn năm nay chưa từng ra khỏi Thanh Khâu, các lễ nghi cơ bản của thần tiên ta vẫn còn nhớ sơ sơ, ngoài gia tộc của Thiên Quân ra, trên là Cùng Bích, dưới là Hoàng Tuyền, cho dù là thần tiên phương nào, tiêu dao tới đâu cũng chẳng ai dám thêu hoa văn rồng trên áo bào. Lại nhìn lại cục bột nhỏ đang được bế trên tay hắn, ta thầm nhủ, thanh niên mặc áo bào gấm màu đen tuyền này, có lẽ chính là người cháu trưởng được Thiên Quân yêu mến – Dạ Hoa Quân.

Đáng tiếc cho dáng vẻ như cây ngọc trước gió ấy, tuổi tác trẻ trung, nhưng rốt cuộc lại phải chịu thành thân với lão thái bà là ta đây, đúng là phải khiến cho người ta nắm tay mà than thở, đúng là ông trời bất công, quả thực quá bất công.

Vì mối quan hệ này, ta luôn cảm thấy có lỗi với hắn ta. Cho nên trước mắt là ta bị mạo phạm, nhưng vì nghĩ rằng hắn chính là Dạ Hoa Quân, nên trong lòng đã nảy sinh một ảo giác rằng ta đã mạo phạm hắn, chỉ có cách cười trừ: “Tiên hữu khách sáo quá”.

Hắn nhìn ta một cái, ánh mắt lạnh lùng thâm trầm.

Ta bước sang bên cạnh một bước, nhường đường cho hắn. Cục bột nhỏ vẫn quệt mũi gọi ta là mẫu thân.

Ta cho rằng dù sớm muộn gì ta cũng sẽ làm mẹ kế của nó, nên chỉ mỉm cười mà tự nhiên tiếp nhận.

Dạ Hoa nắm chặt tay cục bột nhỏ, mau chóng biến mất sau một ngã rẽ.

Cho đến bây giờ, ta mới chợt nhớ ra, thả cho cha con hắn đi rồi, vậy ai sẽ là người dẫn ta ra khỏi vườn hoa đây?

Vội vàng đuổi theo, nhưng đến bóng người cũng chẳng thấy tăm hơi.

Chú thích: 

1. Bấm quyết: Hình thức thực hiện phép thuật, tay bấm độn, hoặc làm một tư thế nào đó, miệng đọc thần chú. 

2. Ly Ly nguyên thượng thảo: Một câu thơ trong bài “Phú đắc cổ nguyên thảo tống biệt” của Bạch Cư Dị 

3. Xuân miên bất giác hiểu: Một câu thơ trong bài “Xuân hiểu” của Mạnh Hạo Nhiên. 

4. Tu vi: Chỉ tố chất, tu dưỡng và năng lực của một người. Ở đây chỉ công phu tu luyện của các bậc thần tiên, các yêu quái. 

5. Nguyên văn là “Đăng Đồ Tử”: Đăng Đồ Tử là một đại phu người nước Sở, từng dèm pha Tống Ngọc là đồ háo sắc trước mặt vua Sở. Vua Sở cho gọi Tống Ngọc để hỏi đầu đuôi, Tống Ngọc đáp: “Không có chuyện đó, kẻ háo sắc không phải thần mà chính là Đăng Đồ Tử”. Tống Ngọc mới lý luận rằng: Ông có một cô gái hàng xóm vô cùng xinh đẹp, người người ước ao, nhưng hai người không làm điều gì trái lế, đến nhìn ngắm cô gái ấy cũng không dám. Nên không thể nói Tống Ngọc là háo sắc. Còn đại phu Đăng Đồ Tử, có người vợ rất xấu nhưng không hề chán ghét, cùng vợ sinh liền năm người con. Theo lý thì chính Đăng Đồ Tử mới là kẻ háo sắc. Sở Tương Vương nghe cũng có lý nên bỏ qua. Từ đó về sau, cụm từ “Đăng Đồ Tử” dùng để chỉ kẻ háo sắc. Người dịch dịch thoát ở đây để mạch văn thông suốt. (ND) 

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.