Cái chết của Mạnh Quang Huy như một cơn địa chấn, làm nhà tôi vỡ ra thành hai phía.
Tôi thường mơ thấy anh trai tôi đưa Tôn Nguyệt Mi và đứa em còn chưa chào đời của tôi rời đi, bỏ tôi ở lại. Mấy đêm liền, tôi giật mình tỉnh dậy, quay đầu sang phía cửa sổ, xác nhận anh vẫn còn ở đó. Giường tôi và anh cách nhau một lối đi nhỏ hẹp, có khi tôi lăn rớt xuống giường, mở mắt ra mới qua nửa đêm, phát hiện mình đang nằm trên lối đi, nghiêng đầu một chút là nhìn thấy anh.
Tôi tỉnh rồi, nhưng không leo lên giường của mình mà vẫn nằm trên nền gạch. Đêm đó trăng rất sáng, ánh trăng trắng bạc phủ lên giường anh. Cửa sổ hình vuông cắt ánh trăng vuông vức, tựa như một tấm chăn mỏng đắp lên người anh.
Tôi nhìn anh chăm chú, cũng nhìn tắm chăn của anh. Tôi muốn chui vào chăn anh, nhưng không dám leo lên giường anh, thế là tôi bèn chui xuống gầm giường.
Tôi nằm dưới gầm giường anh, chúng tôi chỉ cách nhau một tấm ván giường mỏng, mỗi lần anh trở mình là ván giường sẽ run lên, phát ra tiếng kẽo kẹt thật khẽ. Chúng tôi cùng ở dưới một mái nhà, nằm cùng một cái giường, khoảng cách như thế làm tôi có được cảm giác an toàn trước giờ chưa từng có.
Mạnh Quang Huy chết rồi, tôi không có cha, anh là người thân duy nhất của tôi, tuy rằng máu trong người chúng tôi không giống nhau, nhưng anh là anh ruột của tôi. Cho dù cột nhà chúng tôi có sụp xuống, hoặc là hồng thủy cuốn trôi tất cả, chỉ cần anh tôi còn ở đây, chỉ cần chúng tôi nương tựa vào nhau, tôi có thể mặc kệ tất cả mà sống tiếp.
Nhưng nếu không có anh, một mình tôi không sống nổi.
Nỗi sợ bị vứt bỏ khiến tôi chú ý đến anh hơn cả lúc trước.
Khoảng thời gian đó, anh tôi đột nhiên ít nói hơn hẳn, đám bạn xấu trước kia cũng không vây quanh anh nữa, cứ như là chỉ trong một đêm, bọn họ mất đi tiếng nói chung rồi tan đàn xẻ nghé. Trên đường chúng tôi về nhà, anh cứ im lặng không nói gì, cũng chính lúc đó, ánh mắt anh bởi vì trải qua trầm mặc dài lâu mà lặng lẽ xuất hiện nhiều thêm những thứ mà trước đây không có, thứ mà những người cùng lứa với anh không có.
Đầu xuân, cây táo tàu trước thôn vẫn chưa đơm hoa, mưa hết trận này đến trận khác, bụng Tôn Nguyệt Mi cũng lớn lên từng ngày.
Tôi đoán hẳn là Lữ Tân Nghiêu vẫn còn ôm hận với Mạnh Quang Huy, bởi vì mỗi lúc anh nhìn bụng Tôn Nguyệt Mi, ánh mắt sẽ lạnh xuống mấy phần, cứ như đó không phải là em trai ruột của anh mà là một mầm bệnh đang lớn dần.
Năm Mạnh Quang Huy chết cũng là năm anh thi tuyển vào cấp ba, Tôn Nguyệt Mi đặt hết hi vọng vào anh, bà ta đỡ bụng, mắt ngấng lệ nói: “Chúng ta cô nhi quả phụ, chỉ có thể nhờ con rồi.”
Quả phụ là Tôn Nguyệt Mi, cô nhi là đứa trẻ trong bụng bà ta, tôi không là gì cả.
Tôi lén nhìn anh, anh vẫn lạnh lùng ăn cơm tiếp, không nói gì.
Thôn Bạch Tước không có trường cấp ba, muốn học tiếp phải lên huyện, buổi tối khi làm bài tập, tôi hỏi anh thi tuyển xong vẫn sẽ ở nhà đúng không, anh không đáp ngay, một lát sau mới đặt bút xuống.
Anh hỏi ngược lại tôi: “Em muốn anh ở lại không?”
Tôi gật đầu, anh nhìn tôi, đợi tôi trình bày lý do. Tôi nói: “Không có anh em ngủ không được.”
Anh sững sờ, cuối cùng bật cười: “Bao nhiêu tuổi đầu rồi?” Anh nói, tôi tưởng anh đang hỏi tôi, nhưng anh lại nói tiếp: “Cần anh bế lên dỗ mới ngủ à?”
Anh tôi đang chọc ghẹo tôi, nhưng tôi không dám nói cho anh biết, tôi từng tưởng tượng ra khung cảnh ấy, rồi đem tưởng tượng đưa vào giấc mộng.
Tôi tưởng ý anh là không ở nhà nữa, nhưng anh lại nói: “Xem biểu hiện của em đã.”
Lữ Tân Nghiêu không ngoan cường mọc xuyên qua đá như mầm cây dưới chân cầu, anh dễ vỡ như một nhành héo úa, chạm vào là đứt. Anh thi rớt.
Thầy cô trong trường tôi khó mà tin được chuyện này, tôi đứng trước phòng họp nghe họ xì xào, chủ nhiệm lớp anh tôi cảm thán liên tục ba lần ‘sao lại thế được?’, bọn họ đều tiếc nuối cho Lữ Tân Nghiêu. Số người học cấp ba trong thôn Bạch Tước không nhiều, đa số còn không tham gia thi tuyển, nhưng họ chỉ tiếc nuối cho Lữ Tân Nghiêu.
Lúc ai cũng nuối tiếc thì dường như anh trai tôi không để tâm lắm, thi xong qua ngày hôm sau là anh đã xuất hiện trên bàn bi-a. Vì chuyện này mà anh và Tôn Nguyệt Mi gây gổ một trận lớn, bà ta định đi cửa sau đưa anh đến học ở một trường cấp ba không tồi, không cho Lữ Tân Nghiêu đến quán bi-a nữa. Nhưng Lữ Tân Nghiêu cứng cánh rồi, không nghe bà ta nữa.
Tôn Nguyệt Mi nói: “Nhà họ Phan mua bán, thằng con họ bỏ học thì cũng còn vốn làm ăn! Mày không đi học thì làm được gì? Nhà mày có đất có trâu sao? Mày làm được trò trống gì? Cả cái thôn này ai bỏ học cũng được, chỉ có mày phải đi học!”
Lữ Tân Nghiêu u ám chau mày, không nói một câu.
“Mày lo mà đi học, chuyện trong nhà không cần để tâm.” Tôn Nguyệt Mi nhìn đến tôi: “Mạnh Lê cũng lớn rồi, có thể giúp việc trong nhà, năm đó tao lớn bằng nó đã biết lên núi chặt củi…”
Tôi không nhìn Tôn Nguyệt Mi mà nhìn anh, lúc này, Lữ Tân Nghiêu ngẩng mắt lên nhìn tôi, vẫn chau mày, ngắt lời Tôn Nguyệt Mi: “Nó mới bảy tuổi!”
Dường như anh bị câu nói của Tôn Nguyệt Mi chọc giận, giọng điệu vừa cứng vừa lạnh.
“Bảy tuổi thì sao? Bảy tuổi thì sao?” Tôn Nguyệt Mi kinh ngạc, bà ta ôm bụng, khó tin nói: “Tên khốn họ Mạnh chết rồi, hai mẹ con tao chỉ còn mày, mày còn hơi sức lo cho con trai của tên khốn?”
Lữ Tân Nghiêu cười lạnh: “Nó là em tôi!”
“Đây mới làm em mày!” Tôn Nguyệt Mi chỉ tay vào bụng mình, trừng mắt nhìn Lữ Tân Nghiêu. Hét xong, Tôn Nguyệt Mi liền rơi nước mắt, bà ta vừa gạt lệ vừa rầu rĩ nói: “Sao tôi khổ thế này, sao mà mẹ con tôi lại khổ thế này…”
Anh vì tôi mà chọc giận Tôn Nguyệt Mi, tôi không dám lên tiếng, cũng không dám nhìn anh, chỉ biết cúi đầu ghìm móng tay vào lòng bàn tay. Bà nội nói đường vân dọc theo ngón cái là đường sinh mạng, tôi khắc tên anh lên đó, nặng nề, chằng chịt, giao thoa. Nếu một ngày nào đó tôi chết đi, nhất định là vì anh không cần tôi nữa.
Sau khi gây gỗ với Tôn Nguyệt Mi, Lữ Tân Nghiêu vẫn đến quán bi-a như cũ. Có một hôm tôi tan học về nhà, nhìn thấy anh trước ngõ, bèn gọi với theo: “Anh ơi.”
Anh quay đầu nhìn, tôi chạy đến bên anh.
Tôi hỏi anh đi đâu, mặt trời nơi bờ tây quá chói lọi, anh nheo mắt, bình thản hỏi: “Em định cáo trạng à?”
Tôi biết anh đến quán bi-a, nên lắc đầu. Anh xoa tóc tôi, hắt cầm về phía nhà: “Về đi.”
Tôi không muốn về nhà, chỉ muốn đi theo anh: “Anh ơi, cho em đi với?”
“Em đến đó làm gì?” Anh chau mày.
“Em thi rất tốt, được hạng nhất.” Tôi tháo cặp xuống, lấy bảng điểm ra cho anh xem.
Anh nhận lấy, khóe môi hơi mỉm, để lộ chút ý cười ít ỏi dưới tịch dương. Anh tôi là một người đẹp, lúc anh mỉm cười làm tôi nhớ đến mỹ nhân thời Tây Châu trong sách cổ, tôi không thể vì anh giành đất phong hầu, nhưng có thể chăm học hành hơn, giành hạng nhất cho anh.
“Làm xong bài tập chưa?” Anh hỏi.
Thi cuối kỳ xong không có bài tập, không tính bài tập hè. Tôi gật đầu, biết anh hỏi như thế là đã đồng ý cho tôi theo.
Lần đầu tiên tôi bước vào quán bi-a, cũng là lần đầu tiên nhìn thấy Lữ Tân Nghiêu đánh bi-a. Lúc ở trường, tôi thường hay thấy anh chơi bóng rổ hoặc bóng bàn, nhưng chưa thấy anh đánh bi-a bao giờ. Bi-a khác bóng rổ hay bóng bàn, lúc đó, quán bi-a không phải là nơi ai muốn vào cũng được, thầy cô và bạn bè trong trường tôi đều nói đó không phải là nơi đàng hoàng.
Cái gì là đàng hoàng, cái gì là không đàng hoàng? Tôi tra từ điển rồi vẫn không hiểu.
Tường trong quán bi-a bị khói thuốc nhuộm ố vàng, trong góc đầy ự đầu lọc thuốc, đen thùi lùi chất đống, cứ như là lông chen chúc trong mũi. Lữ Tân Nghiêu khom người trước bàn, màu lục hắt lên mặt anh. Tôi không hiểu bi-a, chỉ nhìn anh tôi, mùi thuốc lá và ánh đèn trong quán bi-a làm anh tôi trở nên khác lạ.
Bóng đèn trên trần lắc lư, kéo cái bóng anh lúc dài lúc ngắn.
Tôi nhìn thấy xấu và đẹp đồng thời sinh trưởng dưới lớp da ấy.