Tập Thể 09/10

Chương 22: Lời hồi đáp



Ngày hôm sau, hai người thầy có một cuộc nói chuyện ngắn gọn trước khi thầy Quốc rời đi. Thầy Quốc nhờ thầy của Lộc làm nốt những việc còn lại ở khu tập thể. Người thầy của Lộc gật đầu, vỗ vai thầy Quốc thân tình, nhận lời.

2 ngày sau đó, bà Xoan và thầy của Lộc đi qua đi lại tầng 1 và tầng 4 liên tục, coi bộ nóng ruột lắm. Hai người mải thương thảo điều gì đó với chủ của căn hộ dưới tầng 1, muốn đào nền đất lên 1 chút để yểm bùa và viết chữ, thế nhưng người chủ sợ phiền phức và ảnh hưởng nên vẫn chưa đồng ý. Sau đó gần 1 tuần, nhờ người dân xung quanh thuyết phục, giải thích cộng thêm sự kiên nhẫn của bà Xoan, người chủ căn hộ tầng 1 mới đồng ý cho việc yểm bùa được diễn ra.

Vậy là một đội thợ được gọi tới, đào một khu đất bằng ô vuông gạch lên, sâu 5m. Thầy của Lộc bày một mâm lễ nhỏ trên chiếc bàn thờ cố định trên tường của gia chủ, khấn khoảng 1 tiếng đồng hồ mới bắt đầu đặt bùa.

Một viên chì được mài thành khối hình có 5 góc, đặt vào trong một chiếc lọ thủy tinh, kèm theo đó là 1 lá bùa được vẽ kỳ công, 1 cuộn chỉ và 1 vài chiếc đinh sắt. Thầy phù thủy đặt chiếc lọ xuống nền đất và lấp dần lên. Cuối cùng, thầy lấy chút mực viết lên phía sau viên gạch lát nền chữ Hoàng Lân ngược, khi úp lại để lát sẽ thành xuôi. Những người thợ dùng bê tông lát lại tấm gạch như cũ.

Thầy phù thủy cũng dán 4 tầm bùa ở 4 góc dưới căn hộ, mỗi lá bùa đều viết chữ đen và vẽ hình người đỏ. Thầy dặn chủ nhà giữ nguyên những lá bùa ở đó, dùng để điều hòa khí, vượng cho gia chủ, đồng thời bảo vệ lá bùa yểm được an toàn, phát huy tác dụng.

Thầy của Lộc cúi đầu: "Cảm ơn chị đã mở lòng, hoan hỷ giúp đỡ những người dân ở đây có cuộc sống yên bình về sau. Làm việc thiện tích đức, chắc chắn về sau con cháu gia đình sẽ được hưởng hồng phúc...!"

Nói xong, thầy của Lộc gật đầu chào và phất nhẹ tay áo, bước ra khỏi cửa, khuất dạng. 3 ngày sau đó, gần như toàn bộ cư dân sống trong khu nhà C6 tập thể 09/10 ăn chay, niệm kinh cầu siêu cho những linh hồn mắc kẹt ở nơi đây. Một đàn lễ lớn đã được dựng trong 3 ngày đó, do thầy phù thủy ấy trụ trì, giúp đỡ những linh hồn tìm thấy lối thoát khỏi nhân gian khổ đau. Trấn yểm của tòa nhà đã được mở, không còn thứ gì giam giữ họ nữa, cũng không còn thu hút những linh hồn xấu lởn vởn làm vẩn đục dương khí người trần. Rất đông gia đình của những người dân cũ từng sống ở đây cũng về tham gia buổi lễ để tưởng nhớ người thân đã không may vong mạng trong vụ cháy năm xưa của mình. Ngoài những con người đó, có cả linh hồn của cô Ba tội nghiệp đã bị ám hại. Người phụ nữ ngây ngô ấy cũng đã tìm được đường tới cõi niết bàn, thoát khỏi kiếp người vất vưởng. Thế nhưng nỗi đau của người ở lại vẫn còn mãi. Bà Thắm, mẹ của chị đã khóc không thành tiếng khi theo sau thầy của Lộc đứng trước cửa khu vệ sinh chung để rắc nước thánh thanh tẩy hay khi thầy ghé qua nhà thắp cho chị một nén hương trên ban thờ...

Trong khi đó, thầy Quốc đã cùng bà Lê sang nhà họ nội, tức gia đình của người chồng quá cố của bà để giài quyết vụ trùng tang. Lời nguyền để lại cho gia đình này đã nhẹ bớt đi sau khi con quỷ kia tan biến, thế nhưng vẫn còn sự ảnh hưởng tới những người đã khuất. Thầy đi lần này cũng là để trấn yên phần âm, khiến cho những người chết oan được yên nghỉ.

Thầy vào nhà của gia đình có người mất đầu tiên, không bày biện lễ cúng gì nữa cả vì tất cả tang lễ đều đã xong xuôi gần 1 tháng nay. Thầy Quốc chắp tay vái ba vái trước bàn thờ, rồi xin bắc 1 chiếc ghế, trèo lên. Thầy Quốc bê bát hương còn mới đắp, rút từng chiếc chân hương 1 ra, rồi dùng ngón tay khẽ bới chân hương. Ngón tay thầy rút lên dính nhơ nhớp thứ chẩt lỏng màu đen, đặc quánh. Thầy lôi lên một búi bùng nhùng, trông như tóc rối.

Người vợ của người mất chợt kêu lên: "Chết..chết..sao lại có thứ đó, hôm đổ bát hương, rõ ràng là không có gì mà..."

Thầy Quốc khẽ nói: "À...nguyền độc tụ khí vào bát hương ấy mà, xuất phát từ người bị trùng đầu tiên này, lấy ra là được...".

Nói xong thấy nắm lấy món tóc kia, cẩn thận gói vào trong một tấm khăn màu đỏ. Thầy đổ bát hương cũ ra túi, đem đi.

Thầy đích thân đi ra mộ phần, bày một mâm cúng đơn giản, cúng cầu an cho gia chủ, cho người mất. Thầy dặn gia đình mỗi người đã mất đều đặt hai chậu hoa mào gà ở vị trí chân của người mất được chôn, đúng 5 năm mới được bốc mộ. Trong 100 ngày tới, nếu muốn yên cửa nhà, người thân trong gia đình nên tụng chú Đại bi mỗi ngày.

Còn nốt một nhiệm vụ cuối, thầy ghé qua căn phòng của gia đình bà Lê, giúp đỡ người con gái út của bà. Sau khi giải quyết được con quỷ, cô bé đã trở nên bình tĩnh hơn, không còn bộc phát những cơn hoảng loạn như trước nữa. Thế nhưng cô bé vẫn ốm yếu, xanh xao không có chút sức lực.

Thầy Quốc luộc lên 2 quả trứng, lăn nóng trên lưng của cô bé, trước mặt bà Lê. Lăn tầm 5 vòng, thầy bóc quả trứng luộc đầu tiên ra. Ở giữa lòng đỏ quả trứng hiện ra một màu đen kì quái. Tiếp sau đó, thầy lại lăn nốt quả trứng thứ 2 lên lưng Nguyên, lần này chỉ còn vài chấm đen trên lòng đỏ quả trứng. Thầy Quốc chắp tay: "Xong rồi đó, khí độc được lấy ra hết rồi...".

Thầy Quốc lấy 6 chiếc cốc úp nhỏ, hơ qua lửa, làm thuật giác hơi cho cô bé. Sau khi tất cả mọi việc đã xong xuôi, cô bé đã cảm thấy thoải mái hơn, sắc mặt dần hồng hào trở lại, không còn tái xanh tái tử như trước nữa.

"Đó, cứ nghỉ ngơi tĩnh dưỡng trong 1 tháng nữa là lại khỏe khoắn ngay thôi!"

Bà Lê bắt lấy tay người thầy, tỏ lòng cảm kích. Thầy Quốc lắc đầu: "Lần này tôi cũng thật sự liều lĩnh mới dám nhận vụ việc này, đối đầu trực diện với con quỷ được nuôi dưỡng hơn 10 năm! May mà có quý nhân phù trợ, trời thương, thiên thời, địa lợi, nhân hòa mới qua được...Đừng cảm ơn mình tôi...Mong gia đình sau này sống lương thiện, bù đắp những sai lầm năm xưa!"

Nhiệm vụ kết thúc, thầy Quốc cũng trở về quê nhà của mình. Từ sau đó, khu nhà C6 lại trở về nhịp sống như trước, bình yên và vui vẻ...Những người thầy đã giúp đỡ khu nhà tập thể năm ấy, cũng chưa từng có một lần gặp lại. Chỉ duy nhất người thầy của cậu bé Lộc thi thoảng vẫn ghé qua, nhưng khi gia đình Lộc chuyển khỏi đó thì cũng mất liên lạc.

***

[Trở về điểm nhìn của nhân vật Mai Ly]

Tôi trầm ngâm, tay khẽ đưa nhẹ chiếc thìa khuấy cốc sau khi lắng nghe đầy đủ câu chuyện. Vậy là rời khỏi đó hơn 20 năm, tôi mới biết được sự thật.

"Vậy..ra là thế..." Tôi cất tiếng nói, giọng khàn cả đi.

"Ừ..chị nghe mẹ kể còn không tin được. May mà tận mắt chứng kiến, không tưởng là bịa."

"Tòa nhà đó được yểm, nên thành hố đen, thu hút những vong hồn lảng vảng, như cậu bé em gặp ở sân chơi, người phụ nữ đến mua bia mộ,...Chị...chị Ba bị con quỷ hại chết, rồi gia đình nhà bà Lê cũng thế...Khổ thân họ thật, em cứ nghĩ là tai nạn cơ..."

"Đúng rồi. Cũng may là giải quyết được hết rồi. Thời đó sau khi nghe chuyện, chị ở lại đó vẫn còn thấy ghê người. Cứ nghĩ đến cảnh người chết nằm la liệt, bóng hồn lảng vảng khắp hành lang, cầu thang là chị lại co rúm hết cả người. Vậy mà hồi bé cứ chui vào hết góc nọ góc kia mà chơi với nhau, cả gan thật!!"

"Vâng, dù sao cũng là cả tuổi thơ của mình ở đó, dù có sợ hãi nhưng cũng không thể quên được chị ạ. Em sau đó chuyển đi tới một nơi khác, bệnh tình có đỡ hơn, nhưng cô đơn không bè bạn, không đâu tình nghĩa bằng những người hàng xóm nơi đó..."

"Ừ chị cũng nhớ lắm, muốn dẫn các con về thăm, những tiếc là nơi đó sắp phải nhường chỗ cho một dự án lớn rồi..."

"Vâng...sắp giải tỏa thật rồi. Em nghĩ em nên về thăm nó một lần cuối..."

Cuộc nói chuyện dài của tôi và chị Giang cũng đến hồi kết thúc. Cả hai chị em tạm biệt nhau, hứa sẽ giữ liên lạc và còn gặp lại nhau.

Thấy trời còn chưa tối, mới 5 giờ kém, tôi quyết định rẽ qua chốn cũ, dù có hơi ngược đường với ngôi nhà hiện tại của mình. Tôi sợ những tháng ngày sau đó tôi sẽ bị cuốn theo guồng quay cuộc sống mà không còn thời gian quay lại chốn cũ nữa. Hôm nay trong lòng tôi tràn đầy những cảm xúc khó tả sau khi lắng nghe câu chuyện. Tôi cần phải quay lại đó khi những xúc cảm này còn nguyên vẹn chứ không phải lại một lần nữa chai lì đi theo năm tháng.

Tôi đi theo trí nhớ vào con đường nhỏ dẫn sâu vào khu tập thể, người người đi lại tấp nập trong giờ tan tầm. Nhìn đám trẻ con mặc áo trắng đeo khăn quàng đỏ ùa ra từ cổng trưởng tiểu học cũ, tôi bất giác mỉm cười. Cảnh vật xung quanh đã thay đổi nhiều, những hàng quán cũ đã thay bằng những cửa hàng mới sạch sẽ, hiện đại hơn so với xưa kia.

Tôi gửi xe ở trường mầm non gần đó, đi bộ vào cửa sân khu nhà C5, C6, nơi tôi đã dành gần hết thời gian tuổi thơ của mình chạy chơi trên đó. Dưới sân chơi nay đã được xây dựng một sân chơi nho nhỏ mà hiện đại dành cho trẻ em: có xích đu, cầu trượt, bập bênh, hố cát,...

Tôi đi vòng quanh sân, quan sát mọi thứ. Cấu trúc tòa nhà vẫn vậy, nhưng trông còn sập xệ cũ nát hơn nhiều so với trí nhớ của tôi. Những vết nứt dài xuất hiện trên mặt tường, những vết ố nước chảy dài xuống dưới đất, rêu phong bám đầy. Đúng là nơi này cần được sửa chữa, nâng cấp, thay đổi. Đó là điều tất yếu trong cuộc sống. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy có phần không nỡ.

Tôi đi vào sân chơi, ngó nghiêng những phụ huynh đang cho con cái chơi ở đó. Tôi hi vọng điều gì? Phải chăng là gương mặt quen thuộc của những cố nhân? Thằng Tôm giờ ra sao? Bà Oanh ở đây liệu cái Miu có còn qua thăm nữa không, con bé sống thế nào?

Tôi đi ngang qua hố cát nhân tạo, nơi có vài đứa trẻ đang đắp lâu đài bằng những chiếc xô.

Bất chợt một bàn tay níu lấy gấu váy tôi: " Cô ơi...cô có phải là chủ đầu tư không ạ?"

Đứa trẻ hỏi tôi là một cô bé tầm 8,9 tuổi với đôi mắt trong veo như hổ phách.

"Cô có thể đừng lấy mất nhà của bọn cháu không ạ? Bố mẹ cháu bảo cháu sắp phải đi khỏi đây rồi, ở đây rất vui, có các bạn của cháu, cho cháu được ở lại đây đi mà..."

Tôi nắm lấy tay đứa bé, khẽ buông khỏi váy áo, ngồi xuống đối diện cô bé, trong lòng có chút thương cảm. Có lẽ các chủ đầu tư hay đi thăm thú địa hình ở đây nên lũ trẻ con cũng biết.

"Không..cô chỉ là khách qua đây thôi. Kể cả có đi cháu cũng đừng buồn nhé, tới nơi mới sẽ có bạn mới mà..."

Sau khi ngắm nghía chán chê, thấy trời đã sập tối, tôi vội về nhà còn lo bữa cơm trong gia đình. Cô bé con làm tôi cảm thấy có chút buồn, có chút xa lạ khi trở về chốn cũ, như tâm trạng của Hạ Tri Chương trong bài thơ Hồi hương ngẫu thư:

"Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,

Hương âm vô cải, mấn mao tồi.

Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,

Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?"

"Khi đi trẻ, lúc về già,

Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.

Trẻ con nhìn lạ không chào,

Hỏi rằng: khách ở chốn nào lại chơi?

Bữa cơm gia đình hôm đó diễn ra vui vẻ bình thường, tôi rất muốn kể cho chồng mình nghe những gì tôi đã trải qua trong ngày hôm nay. Tôi vẫn chưa nói gì với chồng mình về mục đích của cuộc gặp gỡ hay những trải nghiệm tâm linh tôi từng trải qua ở khu tập thể cũ, anh chỉ biết tôi đã từng sống ở khu đó. Thế nhưng trông anh có vẻ rất vui vẻ, hứng khởi vì điều gì đó. Tôi bèn cất tiếng hỏi anh:

"Bố nó, sao hôm nay trông vui thế? Có gì muốn khoe không?"

"À..à...Hôm nay công ty anh trúng thầu! Dự án lớn em ạ. Lúc đầu tranh thầu cũng chẳng hi vọng gì mấy, vì nhiều chỗ cạnh tranh quá, bọn anh vẫn tập trung dự án khác hơn. Ai ngờ lại trúng. Anh đang lên kế hoạch phụ trách. Đúng là có cái may, nhưng cũng có cái xui rủi...Được thì tiền đợt này khá lắm..."

"Thích quá, phải ăn mừng thôi. Khu nào thế anh?"

"À ừ đấy, chính là khu tập thể ngày xưa của em hay sao ấy, gần sông Kim Ngưu. Bao nhiêu người tranh thầu. Đầu tư được tốt lắm, nhưng bị cái là người dân phản đối nhiều, mà đông nữa, giải tỏa chắc mất cũng lâu. Bọn anh đang phân vân giữa hai hướng, chưa biết nên theo hướng nào thì hơn. Một là phá bỏ hết xây khu quần thể sinh thái nhà ở hiện đại, mất nhiều vốn hơn, khó giải tỏa hơn. Hai là chỉ tu sửa và thêm các khu bổ trợ, bán lại cho người dân với giá rẻ, thu tiền dịch vụ, có vẻ dễ thực hiện hơn nhưng vốn không nhiều..."

Những lời nói của chồng tôi dần trôi ra khỏi tai tôi, mặt tôi nóng bừng, tim đập thình thịch. Tôi nhớ lại giấc mơ của mình năm xưa, khi níu kéo váy áo của một người phụ nữ để xin được ở lại ngôi nhà thân thương. Phải chăng, tôi đã mơ thấy chính mình? Có lẽ ngày hôm nay khi tôi trở về khu nhà cũ, tất cả đã là duyên phận sắp đặt?

Giờ đây, tôi là người duy nhất có thể tác động vào dự án này, để giúp những đứa trẻ có một tuổi thơ trọn vẹn.

Và tôi biết mình phải làm gì.

HẾT

*Truyện còn phần hai: CHUNG CƯ KHÔNG CỬA (tên truyện dự kiến) nằm trong seri: "Truyện tâm linh về tập thể-chung cư" tiếp tục tiết lộ về cuộc sống của Mai Ly, giải thích quá trình thoát khỏi cuộc sống ám ảnh của cô để trở về như người bình thường. Và đương nhiên là chung cư cũng không bình thường rồi! Đón đọc nhé!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.