Tập Thể 09/10

Chương 4: Những gia đình khắc bia mộ



Ngay dưới chân khu tập thể tôi, nằm sát cửa con ngõ tôi bị lạc hôm ấy là một số căn nhà riêng lụp xụp của một vài hộ gia đình. Họ không phải cư dân của khu tập thể mà chỉ là những người dân từ đâu đó đến, mua được vài mảnh đất xiêu vẹo bên góc của khu tập thể, xây nên mấy căn nhà cấp 4 để sinh hoạt và buôn bán. Vậy thì họ buôn bán gì để sống qua ngày?

Họ làm nghề khắc bia mộ.

Tôi vẫn còn nhớ như in mỗi buổi trưa khi tôi chuẩn bị ăn cơm, tiếng rè rè của máy cưa máy mài lại vọng lên từ dưới sân im ắng, cho thấy rằng những chiếc bia mộ mới lại đang được khắc gọt...Bao nhiêu năm ở đó, tôi đã quen với tiếng động đó đến mức chẳng còn để ý tới nó nữa.

Mỗi lần chạy chơi quanh sân, tôi lại không khỏi cảm thấy gai gai người khi nhìn thấy những chiếc bia mộ mẫu bày la liệt ở ngoài cửa. Trên những tấm bia đen, bia đá có đính ảnh của một người nào đó, tên tuổi, ngày sinh ngày mất,...Tôi chẳng hiểu những bức ảnh ấy là người có thật hay không, họ còn sống hay đã chết rồi? Tôi cũng chẳng hiểu tại sao những người đó lại có duyên làm nghề này. Ở bên trong mỗi cửa hàng đều tối tăm và sâu hun hút, ở gian trong là nhà, ở ngoài là cửa hàng bày la liệt những chiếc mày khắc máy mài đầy bụi và ít khi tôi bắt gặp có ai ngồi ở đó trông cửa hàng. Tôi chỉ biết có duy nhất một hộ gia đình trong mấy nhà khắc bia mộ đó. Ấy chính là gia đình nhà bác Lân, ở căn nhà thứ hai từ trái qua. Bác Lân có dáng người gầy gầy, nước da đen khắc khổ và có một chòm râu khá dài trông ngộ ngộ. Bác Lân có vẻ giống mấy người hay viết thư pháp trên phim hơn là người khắc bia mộ. Tôi biết bác bởi mấy lần mẹ con tôi đi chợ, bác đều chào hỏi mẹ tôi và mẹ tôi đều nhắc: "Chào bác Lân đi con!". Cũng có mấy lần tôi thấy bác chỉ chỉ trỏ trỏ cho mấy anh thợ vác đá vào trong nhà nữa. Chỉ vậy thôi chứ tôi cũng không rành về hoàn cảnh gia đình của bác hay công việc bác làm.

Thế rồi tiếp tục những sự kiện trong khu nhà tập thể của tôi, hôm đó là một ngày trời thu, tan học lúc 4h30 ở gần nhà nên 5 giờ kém tôi đã có mặt ở dưới sân. Ngày ấy bố mẹ còn bận bịu đi kiếm tiền rồi đưa đón thằng em tôi nên tôi toàn phải tự đi bộ về. Hôm đó run rủi sao mà con Liên ốm nằm nhà nên tôi phải đi về một mình. Bước chân vào con đường cạnh sân khu tập thể, tôi rảo bước định lên nhà mở cửa, sà vào ngay cái tivi nho nhỏ để xem hoạt hình, thế nhưng ý định đó của tôi lại bị gián đoạn trong chốc lát. Ngoài đường tiếng xe cộ inh ỏi, mọi người đi lại ồn ã đông đúc nhưng trong sân thì mọi cảnh vật có vẻ vắng lặng hơn, chỉ thi thoảng có vài chiếc xe máy phóng qua phóng lại cùng vài người dân trên tầng đang đứng phơi đồ. Có lẽ chỉ chục phút nữa thôi lũ trẻ con tàng tàng như tôi mới đổ bộ về nhà.

Nắng lúc này đã tà tà, không còn gay gắt nữa, mặt trời chỉ còn một lúc nữa thôi là lặn hẳn, mọi cảnh vật đổ bóng nghiêng nghiêng trên nền sân. Tôi đang bước về phía trước, đi qua một mái hiên nhà thì bỗng có một giọng nói gọi giật lại:

"Này, cháu bé!"

Tôi giật mình quay lại thì nhận ra có một người đang đứng trong bóng tối của mái hiên đang vẫy tay gọi tôi. Đó là một người phụ nữ có dáng vẻ kì lạ, tầm 40 tuổi. Người phụ nữ ấy có khuôn mặt dài xương xương, hơi xanh xao. Thân hình gầy gò của bà ta gói gọn trong một chiếc váy đen dài đến đầu gối. Điểm kì lạ nhất đó là bà ta có một mái tóc ướt sũng như vừa gội đầu xong. Trông dáng vẻ chỉn chu như vậy mà lại để tóc ướt ra ngoài thế ư? Tôi nghĩ trong đầu như thế.

"Dạ vâng ạ?" tôi đáp lời.

"Nghe nói mấy nhà làm bia mộ trong khu này đẹp mà sắc nét lắm hả? Cô đang cần đặt một chiếc, mà chẳng biết nhà nào làm đẹp. Cháu chỉ cho cô được không? Đẹp thật đẹp ấy, cô không thích có sơ suất." Người phụ nữ nói bằng giọng trịnh thượng, bàn tay phẩy phẩy đung đưa.

"Ơ..ơ..cháu chỉ biết có nhà bác Lân thôi..." Tôi đáp theo quán tính.

"Thế cháu dẫn cô đi đi. Cô không biết đường khu này."

" Dễ lắm á. Cô cứ đi thẳng đường này, tới hết khu tập thể sẽ gặp một dãy nhà. Nhà bác Lân là nhà thứ 2 bên trái. Nếu không thì cô chọn đại nhà nào cũng được!". Tôi nói vội vã để còn kịp giờ về xem hoạt hình.

"Dẫn cô đi đi! Rồi cô cho quà, nhé!" Người phụ nữ hứa hẹn.

Tôi nghe thấy quà cáp là thích ngay, dù sao cũng dẫn đi có một đoạn, thế là tôi đành nói:

"Cô đi theo cháu vậy!".

Nói rồi tôi đi tiếp lên phía trước, nhảy nhót vào những chiếc bóng của cây cối cảnh vật để đi, vừa đi vừa ngoái lại phía sau nhìn người phụ nữ đó xem người đó có đi theo kịp không. Bà ta vẫn chậm rãi đi uyển chuyển như một quý bà. Nhìn dáng hình người đó tôi vẫn cứ thấy kì kì không sao hiểu được.

Thế rồi dẫn bà ta đến trước cửa hàng bia mộ nhà bác Lân, không thấy có ai trông cửa hàng, tôi mới gọi với vào: "Có ai không? Có khách ạ!!"

Mất vài phút thì từ phía nhà trong mới có bóng người lật đật chạy ra. Đó là một thanh niên trẻ, đầu húi cua, mặc chiếc áo gile bò cũ kĩ, có vẻ như là thợ, miệng nói: "Đây, đây!"

Người phụ nữ kia nhìn thấy anh thanh niên chạy ra thì bảo: "Tôi cần đặt hàng!"

"Vâng, chị cần chất liệu như nào ạ?". Người thanh niên mau mắn rút từ trong túi ngực ra cuốn sổ nhỏ để ghi chép.

Tôi chỉ nhìn thấy mẹ mua thịt mua cá chứ chưa bao giờ thấy người ta buôn bán bia mộ cả nên cứ tò mò đứng lại xem. Hơn nữa tôi còn phải chờ quà của người phụ nữ đó nữa.

Người phụ nữ bước vào trong cửa hàng xem xét mấy chiếc bia mẫu rồi chỉ trỏ:

"Đây này, đá hoa cương đen, có ánh sỏi lấp lánh. Chữ khắc màu vàng. Mài cho mượt nhé! Làm hình lục giác đi, bia mà làm âm tường được ấy..."

"Vâng vâng...Tên với ngày tháng thế nào ạ..." Người thợ hỏi.

" Triệu Thị Thanh. Sinh ngày 14/06/**** ÂL, mất ngày 22/08/**** ÂL..."

"Còn ảnh thì sao?"

"Giờ tôi không có ở đây. Thôi không cần cũng được."

"Có cần giao gấp không ạ?"

"2 ngày nữa nhé. Địa chỉ là 2** phố Bà Triệu, người nhận anh Triệu Bá Hùng, là anh trai tôi, số điện thoại 09xxxxxxx."

"Dạ vâng ạ, cho em xin tiền cọc..."

Người phụ nữ bình thản lấy từ trong chiếc túi xách ra một xấp tiền đô mà tôi chưa nhìn thấy, dúi vào tay người thợ. Người thợ lúi húi cất vào một chiếc hộp sắt có khóa trong góc phòng.

"Bo thêm cho chú. Đổi ra còn hơn khối tiền Việt nhé! Phần còn lại giao hàng xong sẽ có."

Người thợ cười tít mắt ríu rít cảm ơn. Người phụ nữ còn nhắc đi nhắc lại về việc phải làm cẩn thận như thế nào.

"Lyyyy!" Tôi giật mình quay về hướng tiếng gọi, nhận ra nãy giờ mình vẫn đứng trân trân ở cửa xem. Mẹ tôi đã đón em tôi về, đang đứng gọi tôi ở chân cầu thang khu tập thể.

"Dạ!"

"Mày đứng đấy làm gì! Đi về tắm rửa ăn cơm nhanh lên!"

"Dạ vâng..." Tôi đáp rồi chạy về hướng mẹ tôi, quên khuấy món quà người phụ nữ kia hứa tặng. Trong buổi tối hôm ấy hình ảnh của người phụ nữ đấy cũng đã trôi ra khỏi đầu óc của tôi.

Cho đến hai ngày hôm sau, một vụ um xùm của khu tập thể xảy ra làm tôi sợ hãi đến tím tái cả mặt mày.

Mới đầu giờ chiều thứ 7, tôi không phải học bán trú, đang ngồi xem tivi thì đột nhiên nghe thấy tiếng ầm ĩ dưới sân. Tiếng người í ới gọi nhau: "Có đánh lộn rồi!".

Tôi tò mò phi bốn tầng lầu xuống xem. Có một đám đông đang tụ tập ở dãy nhà cuối khu tập thể, dãy nhà của những gia đình khắc bia mộ. Khi lại gần, tôi nghe rõ tiếng cãi vã.

"Cái loại mất dạy! Lừa đảo! Mày lấy đâu thông tin rồi tự làm tống tiền gia đình tao phải không? Đến tang gia mà nó còn chẳng tha!"

"Này nhé! Đừng có vu khống đặt điều, nhà ông không đặt thì tôi điên mà đi làm chắc?"

"Nhà tao không có ai đặt cả nhé! Tao hỏi khắp nơi rồi! Nhà tao đặt chỗ khác từ 3 hôm trước rồi nhé!"

"Khách hàng ai cũng như ông thì chúng tôi phá sản à? Bà con xem, lấy đâu ra cái loại đặt hàng xong rồi bùng không nhận?"

"Tao đã bảo nhà tao không đặt!". Người đàn ông gào lên. Ông ta đang hét vào mặt bác Lân, trông ai nấy mặt đỏ gay đến khổ.

Một người đàn ông trung niên khác nhảy vào can cuộc cãi vã sắp trở nên bùng nổ.

"Từ từ bình tĩnh nói chuyện đi đã. Hét vào mặt nhau được cái gì. Nếu bên bác Lân mà bảo có người đặt hàng rồi thì đưa bằng chứng ra là được mà. Ít nhất cũng tả thử cái người đặt xem trong gia đình họ có ai như thế không." Mọi người xung quanh gật gù tán đồng. Tôi vẫn chẳng hiểu sự tình là gì.

Bác Lân thét: "Thằng Phương đâu? Ra đây xem nào?"

Tôi nhận ra anh thợ hôm trước tôi nhìn thấy đi từ nhà trong ra, mặt cúi gằm. Bác Lân quát:

"Mày thử trình bày rõ ràng với anh đây xem nào?"

"Hôm đó em đang ăn chè trong nhà thì có khách gọi. Đó là một người phụ nữ đặt bia mộ đá hoa cương đen, hai ngày sau giao, tên tuổi và địa chỉ đàng hoàng, người ta còn đặt cọc cho em mà?"

"Người đấy như nào?" Người đàn ông có vẻ như là khách hàng hỏi anh thợ.

"À thì...từ từ để em nhớ lại. Có vẻ cao cao, gầy gầy, mặc bộ váy màu đen. Nói là giao cho anh trai, tên Triệu gì đó Hùng đấy!". Tôi chợt nhớ ra người phụ nữ hôm trước tôi dẫn đi.

Người khách hàng kia khuôn mặt bỗng biến sắc, không nói được thêm câu nào. Ông ta run run rút ra từ túi quần chiếc ví nâu, lấy ra một bức ảnh, giơ ra trước mặt anh thợ.

"Có..có..có phải người này không?"

Người thợ chăm chú nhìn vào bức ảnh một lát rồi gật đầu:

"Đúng rồi, trong ảnh thì trẻ hơn, nhưng nét vẫn giống ở ngoài."

Thế rồi người đàn ông kia lảo đảo suýt khuỵu xuống, miệng gào lên:

"Làm sao mà thế được?"

Mọi người xôn xao: "Sao là sao cơ?"

Người đàn ông cất giọng run run: "Đó...đó chính là em gái tôi...Triệu Thị Thanh, nó mới mất 3 ngày hôm trước...làm sao...làm sao nó....tự đi đặt bia mộ cho mình được?"

Đám đông chết lặng. Gai ốc tôi cũng nổi đầy lên.

Người thợ trẻ bất chợt cất tiếng. Có vẻ như anh ta không nhận ra tôi, chứ khéo khi tôi cũng bị lôi vào kiểm chứng cho sự xuất hiện của người phụ nữ đó.

"Anh này bị điên à? Rõ ràng là người sống mà, cô ta còn đưa tiền cho tôi làm cọc này. Anh Lân, lần trước em đưa cho anh đống tiền đô mang đi đổi đâu? Anh đã đi đổi chưa?"

Bác Lân cười khà khà: "Rất may là chưa. Tao bận đi lấy mẫu quá nên chưa đi đổi được. Đợi tí, tao vẫn cất ở cái túi ruột tượng của tao."

Bác Lân đi vào trong nhà lấy tiền ra để cho người đàn ông kia xem. Ông ta vẫn đang nghệt mặt ra không hiểu chuyện gì đang xảy đến với mình.

"Á! Á!...." Tiếng bác Lân thét lên từ buồng trong. Thế rồi bác lật đật chạy ra, mặt mếu máo, tay cầm một xấp tiền, tung ra dưới mặt đất, trước mặt mọi người. Thế rồi bác run run nói:

"Chả hiểu sao....toàn tiền Âm phủ..."

Người đàn ông kia lúc này mới khuỵu hẳn xuống đất. Bác Lân và anh thợ kia mặt cắt không còn một giọt máu nào.

Người đàn ông kia lẩm bẩm, mắt rưng rưng: "Chắc là em gái tôi thật đấy...Lúc còn sống nó đi Tây đi Tàu, sống hiện đại mà khó tính lắm. Không chịu lấy chồng. Ai ngờ đi tàu du lịch chẳng may ngã chết. Chắc nó không ưng bia mộ chúng tôi đặt cho nó...nên nó tìm đến tận đây đích thân chọn một cái..."

Tôi nghe đến thế rồi chạy vụt đi, trong lòng ngổn ngang những cảm xúc hoảng sợ đến tột độ. Nếu nghe thế, thì người phụ nữ tôi gặp hôm ấy...là ma. Giờ tôi mới nhận ra điểm kì lạ ở người phụ nữ ấy mà tôi không hiểu ra, đó chính là người phụ nữ ấy đi dưới ánh chiều tà mà không hề có bóng như những cảnh vật xung quanh...

Vụ việc đấy ùm xùm suốt khu tập thể 09/10 một thời gian dài. Nhiều người không tin bảo rằng bác Lân bán hàng ế nên thuê người diễn trò để nổi tiếng hơn. Nhưng sự thật thì chỉ có tôi mới hiểu. Người phụ nữ ấy, quả thực là một người kĩ tính và cẩn thận. Món quà của bà ta hứa tặng cho tôi, tôi vẫn nhận được. Câu chuyện về món quà ấy có lẽ tôi sẽ kể sau....

(còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.