Tập Truyện Ngắn: Hoa Nở Rồi

Chương 4: 4: Con Đường Lúc Đến Ngập Tràn Sương




Người dịch: Hoa Linh Linh 
Đó là ánh trăng.   
1  
Tôi không biết Thẩm Thanh Hoài tìm thấy tôi như thế nào.
Trên cây cầu lớn của Nam Thành gió thổi lồng lộng, tôi đứng hứng gió cả một đêm.

Rạng sáng, khi mặt trời dần nhô lên, trong âm thanh của sóng nước cuốn theo tiếng ầm ầm của động cơ ô tô đi tới.

Xe dừng lại bên cạnh tôi, cửa sổ kéo xuống, Thẩm Thanh Hoài ló đầu ra ngoài, vẻ mặt nghiêm túc nhìn tôi: “Tang Hà, cháu muốn làm gì?”
Tôi muốn nói chuyện, nhưng lại không nhịn được hắt hơi to một cái trước, sắc mặt của Thẩm Thanh Hoài càng trở nên khó coi hơn.

Anh xuống xe, cởi áo khoác của mình trùm lên người tôi, thô bạo đẩy tôi vào ghế phó lái, tăng nhiệt độ điều hòa lên, quay đầu xe xuống cầu rồi lái xe trở về.

Từ đầu đến cuối, không nói một lời nào với tôi.
“Thẩm Thanh Hoài, chú như vậy không tốt đâu.

Mới hai mươi tám tuổi, cứ suốt ngày nghiêm túc như một ông già vậy.”
“Đừng có không biết lớn nhỏ, gọi tôi là sư thúc(1).”
(1)Trong này tác giả dùng từ 师叔/sư thúc, tức là em của sư phụ (thầy).

Bên TQ bây giờ vẫn dùng từ này chỉ là ít hơn thôi.

Vì không thể nghĩ ra được từ phù hợp hơn nên mình quyết định giữ nguyên nha. 
Tôi cười cười, chẳng ừ hử gì cả.
Trên đường về, sắc trời dần sáng rõ, khi đi qua ngã tư ở trung tâm thành phố, tôi chợt nhận ra anh định lái xe về nhà tôi, vội vàng nói: “Thẩm Thanh Hoài, chú làm gì vậy? Chú muốn để tôi sống một mình trong ngôi nhà lớn của người chết sao?”
Tốc độ xe giảm xuống, Thẩm Thanh Hoài quay đầu lại nhìn tôi với ánh mắt vô cùng phức tạp.

Tôi hiểu, anh muốn tôi có thể biểu hiện như một người bình thường: Một cô gái bình thường mười tám tuổi đã mất cha.

Nhưng những gì mà chuỗi định ngữ này mô tả vốn không phải là trải nghiệm mà một cô gái bình thường sẽ gặp phải.
Thứ hai tuần trước, chỉ cách ngày sinh nhật mười tám tuổi của tôi mười ngày, cha tôi đột ngột lên cơn đau tim và qua đời trước bàn làm việc của ông ấy, dưới khuỷu tay vẫn còn trải bức tranh《Mẫu đơn tranh xuân》chưa hoàn thành.
Cha cô Tạ Hoài Viễn có tiếng tăm lừng lẫy ở Nam Thành.

Tại đám tang của ông ấy, người đến chia buồn không ngừng, nhưng tôi lại không gặp một ai cả, tôi nhốt mình trong thư phòng, dùng bút pháp vụng về tiếp tục hoàn thành bức tranh đó của ông ấy, sau đó đốt nó đi.
Hôm ấy trời mưa rất to, tôi từ thư phòng phòng đi ra, Thẩm Thanh Hoài đang ngồi trong phòng khách, mái tóc đen như mực bị mưa ướt.
Thẩm Thanh Hoài nhìn tôi: “Không sao, Tang Hà, sau này còn có tôi.”    
Nếu Thẩm Thanh Hoài biết chuyện mình tiếp quản sẽ là một cục diện rắm rối hỗn loạn như vậy, tôi nghĩ, vào lúc đó, anh nhất định sẽ không nói những lời như thế với tôi. 
Trở lại căn hộ của Thẩm Thanh Hoài, tôi bị giục đi tắm.

Khi bước ra ngoài, trên bàn có một đống nến, anh đang cầm que diêm, thắp sáng từng ngọn nến trên chiếc bánh gato.

Anh ngẩng đầu lên, ánh lửa trong mắt đung đưa: “Muộn sáu tiếng, chúc cháu sinh nhật vui vẻ.”
Tôi trầm mặc không nói gì.
“Còn một tháng nữa là thi đại học rồi, đừng làm loạn nữa.”    
Anh không nhắc đến người cha đã khuất để ép tôi, điều này khiến tôi cảm thấy trong lòng dễ chịu hơn chút.

Tôi bước tới đếm một vòng nến, không ước nguyện gì cả, trực tiếp một hơi thổi tắt, cầm dao lên cắt một miếng bánh đưa cho Thẩm Thanh Hoài.

Anh không thích ăn đồ ngọt nhưng cũng không muốn làm tôi mất hứng, cầm nĩa miễn cưỡng ăn vài miếng. 
Thẩm Thanh Hoài không có bất kỳ trách nhiệm phải chăm sóc tôi gì cả, chỉ là con người anh rất rộng lượng lương thiện, khi gặp những con mèo hoang trong tiểu khu bị mưa ướt, anh sẽ không chút do dự nhường ô của mình.

Anh sợ tôi không có lòng dạ nào chúc mừng sinh nhật bản thân khi cha vừa qua đời, đến những lời chúc cũng cân nhắc từng câu từng chữ: “Tang Hà, hôm nay cháu đã thành niên rồi.

Mong cháu cả đời luôn hướng về những vì sao ở phía trước, không cần phải ngoảnh lại nhìn chằm chằm vào vực sâu.”    
Khi ánh mặt trời rực sáng, tôi vào phòng dành cho khách trong căn hộ của Thẩm Thanh Hoài ngủ.

Bộ chăn ga cotton mới giặt vừa được phơi nắng có một mùi hương thanh mát mềm mại, tôi ôm gối, trong bầu không khí khiến người ta yên tâm như vậy cuối cùng chìm vào giấc ngủ.
Tôi bị đánh thức bởi một cơn ác mộng.
Trong mơ tôi đi qua hành lang sâu thẳm và ngoằn ngoèo, trên sàn thư phòng trải một tấm thảm dày nặng, bước trên đó không hề phát ra âm thanh.

Cha đang dựa vào bàn ngủ, tôi nhẹ nhàng bước tới, đưa tay ra chạm vào vai cha, nói: Cha, nên đi ăn tối rồi.     
Cha không có chút phản ứng nào, tôi đưa tay lên sờ sờ, chợt thấy tay ông ấy nắm chặt lấy phần ngực áo sơ mi.

Tay ông lạnh ngắt, như một vật chết vậy.  
Tôi bỗng ngồi bật dậy, thở hổn hển, mồ hôi lạnh chảy ròng ròng.

Trong phòng kéo kín rèm tối đen như mực, không thể phân biệt được là ban ngày hay ban đêm.
Có tiếng gõ cửa vang lên, giọng tôi khàn khàn: “… Mời vào.”
Thẩm Thanh Hoài vội vàng đến gần: “Sao thế Tang Hà?”
Tôi đưa tay lên ấn huyệt thái dương: “… Nằm mơ… Mơ thấy cảnh tượng khi phát hiện ra cha tôi chết.” 
Thẩm Thanh Hoài im lặng nhìn tôi chằm chằm, chốc lát, anh đưa tay kéo rèm cửa ra.

Tôi vội vàng ngồi dậy ôm lấy anh: “… Thẩm Thanh Hoài, tôi cảm thấy cái chết của cha tôi không đơn giản như vậy.”
“… Tang Hà, cháu phải bớt đau buồn lại.”
Tôi lắc đầu nguầy nguậy: “Chú biết cha tôi là người thế nào mà, ông ấy cẩn thận như thế, rõ ràng biết mình bị bệnh tim, sao có thể không chuẩn bị thuốc chứ? Bình thường lúc nào ông ấy cũng mang theo lọ thuốc bên người, thậm chí trước khi đi ra ngoài còn xác nhận ba lần.


Tại sao vừa đúng ngày hôm đó lọ thuốc lại hết sạch?”    
Tôi không để Thẩm Thanh Hoài nói chuyện, cố gắng dùng nhiều bằng chứng hơn thuyết phục anh: “… Chú biết không, sau đó tôi từng kiểm tra qua điện thoại của ông ấy, nhật ký cuộc gọi đã bị xóa sạch.

Cha tôi chưa bao giờ có thói quen này.”
Thẩm Thanh Hoài không nói tiếng nào, cuối cùng tôi thất vọng.          
Anh kéo mở rèm cửa, ánh hoàng hôn chói mắt từ cửa sổ thủy tinh chiếu vào, tôi không nhịn được nhắm mắt lại: “… Thẩm Thanh Hoài, cha tôi mới bốn mươi hai tuổi, ông ấy vẫn còn trẻ như vậy.”         
2  
Tôi gặp Thẩm Thanh Hoài lúc tám tuổi.
Cha tôi kế nghiệp quốc họa Vương Tri Hành của Nam Thành, ông ấy vừa mới ra mắt liền trở nên vô cùng nổi tiếng.

Năm đó, Thẩm Thanh Hoài, người vừa tròn mười tám tuổi đã trở thành đệ tử thứ hai của Vương Tri Hành.
Vương Tri Hành tổ chức một bữa tiệc tại nhà để chiêu đãi người đồ đệ mới này.

Lúc đó tôi cũng đang theo cha học vẽ, vậy nên hồ đồ không rõ gọi Vương Tri Hành một tiếng “Sư tổ”.

Khi gặp mặt, sư tổ trêu chọc tôi, cũng trêu đùa Thẩm Thanh Hoài: “Tang Hà, gọi chú ấy là sư thúc đi.”
Thẩm Thanh Hoài mười tám tuổi mặc áo sơ mi trắng, phong thái như một cái cây đẹp đẽ, trên người vẫn còn lưu lại dáng vẻ thiếu niên.

Tôi thực sự không thể liên tưởng anh với từ “chú” được, tôi bĩu môi, không quá tình nguyện gọi một tiếng “sư thúc”.
Thẩm Thanh Hoài ngượng ngùng cười, gọi tôi một tiếng “Tang Hà”.
Bữa tiệc tối hôm đó mãi đến tận khuya mới kết thúc, Vương Tri Hành cảm khái, bàn luận về hội hoạ, Phương Uyển, vợ của Vương Tri Hành vẫn luôn ngồi ở bên cạnh, bình rượu ấm rồi nguội, nguội rồi lại ấm, tôi vô cùng buồn ngủ, nằm xuống đầu gối cha thiếp đi, hình ảnh cuối cùng trước khi nhắm mắt lại là Thẩm Thanh Hoài đang thổi sáo.

Tiếng sáo du dương trầm bổng, tôi liền nghĩ tới bài thơ vừa học thuộc lòng, theo gió xuân vào khắp Lạc – Dương. 
Sau đó Thẩm Thanh Hoài thường xuyên đến nhà tôi.

Sự nghiệp của cha tôi đã công thành danh toại, Thẩm Thanh Hoài vẫn còn túng thiếu.

Cha tôi thường bất động thanh sắc lặng lẽ giúp đỡ, chuyện ông ấy làm nhiều nhất là nói dối rằng mình mua nhầm vật liệu vẽ, sau đó đưa tất cả bút, mực, nghiên, giấy cho Thẩm Thanh Hoài.
Trong lòng Thẩm Thanh Hoài đương nhiên biết rõ, vậy nên khi anh thể hiện được tài năng, bán ra bức tranh đầu tiên của mình ở tuổi hai mươi bốn, việc đầu tiên anh làm là mua một viên đá Thọ Sơn mà cha tôi đã thèm muốn từ lâu, tự tay khắc một con dấu “Vạn Lại Sinh Sơn” tặng cho ông ấy. 
Lúc tôi ở với Thẩm Thanh Hoài thì không tri âm tri kỷ giống như anh và cha tôi.

Anh hơn tôi mười tuổi, lại là “trưởng bối” nên tự nhiên lúc nào cũng sẽ nhường nhịn tôi.    
Năm mười bốn tuổi, tôi gây ra rắc rối không dám nói với cha, tôi gọi điện cho Thẩm Thanh Hoài bảo anh đến gặp giáo viên chủ nhiệm.

Giáo viên chủ nhiệm quở mắng một trận, Thẩm Thanh Hoài trước sau vẫn luôn kính cẩn lễ phép: “Cảm ơn cô đã hao tâm tổn trí, sau này tôi nhất định sẽ trông chừng Tang Hà.”
Tôi ở bên cạnh cố nín cười, không nhịn được nheo mắt nhìn Thẩm Thanh Hoài.

Ánh mắt chạm vào nhau, vẻ mặt anh vô cùng bất lực.  
Khi ra đến cổng trường thì trời đã sắp tối.

Thẩm Thanh Hoài mua cho tôi một cây kem ốc quế, tôi đi trên mép vỉa hè, đưa một cánh tay lên giữ thăng bằng, bước đi xiêu vẹo, vừa đi vừa liếm cây kem ngọt ngào.    
Thẩm Thanh Hoài sợ tôi ngã, cứ căng thẳng canh chừng hai bên, kịp thời giúp đỡ tôi từ phía sau: “… Sao lại đánh người ta?”
“Tôi không đánh, chỉ hăm doạ hai câu thôi, ai biết được cậu ta vừa bị doạ cho sợ hãi liền khóc chứ, còn quay lại vu oan tôi đánh cậu ta” Tôi trợn trắng mắt nói: “Làm ơn đi, tôi có thể đánh lại cậu ta sao?” 
Thẩm Thanh Hoài cười: “Cậu ta nói gì với cháu?”  
“Cậu ta nói sau này sẽ cưới tôi.

Ai muốn gả cho cậu ta chứ, tôi chỉ gả cho mình chú thôi.

Thẩm Thanh Hoài, chú phải đợi tôi lớn đó.”
Thẩm Thanh Hoài hiển nhiên coi câu nói này như trò đùa trẻ con, anh cười nói: “Đợi tới lúc cháu lớn thì tôi đã già rồi.”
Tôi lắc đầu, kiên định nói: “Trong lòng tôi, chú vĩnh viễn không già.”
Sẽ mãi là chàng thiếu niên áo trắng thổi sáo dưới ngọn đèn hôm ấy.            
Hôm đó, tôi và Thẩm Thanh Hoài cùng nhau đi bộ một quãng đường rất dài, từ hoàng hôn cho đến khi màn đêm sâu thẳm đã buông xuống.   
3  
Tháng sáu,kỳ thi đại học kết thúc.  
Cả kỳ nghỉ hè tôi đều ở trong căn hộ của Thẩm Thanh Hoài, vẽ tranh hai tiếng, thời gian còn lại thì vùi đầu lên mạng.  
Thẩm Thanh Hoài là một người có quy luật với bản thân cực kỳ nghiêm khắc, cho nên đương nhiên không muốn nhìn thấy tôi lãng phí thời gian như thế này: “Tang Hà, mặc dù tháng chín mới nhập học nhưng cường độ luyện hiện tại của cháu còn rất lâu mới đủ, đừng để tay mất đi cảm giác.”
Tôi đồng ý, nhưng quay đầu lại vẫn làm theo ý mình.

Tôi hiểu rất rõ, so với Vương Tri Hành, so với cha tôi, so với Thẩm Thanh Hoài, tôi thực sự không có bao nhiêu thiên phú, dù đến cực hạn cũng chỉ có thể trở thành một hoạ sĩ bình thường không lo chết đói mà thôi. 
Hôm ấy, tôi bị Thẩm Thanh Hoài giục đi vẽ như cũ, bước vào thư phòng nhìn một cái, tôi phát hiện ra trên bàn có một cuộn tranh.

Tôi cứ nghĩ đó là tác phẩm mới của Thẩm Thanh Hoài nhưng mở ra xem mới nhận ra không phải.

Thẩm Thanh Hoài chuyên nghiên cứu về tranh phong cảnh, không giỏi về hoa lá, chim chóc, côn trùng và cá, bức tranh này vẽ một đôi tôm, nét vẽ ít ỏi, chỉ vài nét nhưng sống động như thật.
Đang định xem chữ đề tặng thì cửa thư phòng đột nhiên bị đẩy ra.  
Thẩm Thanh Hoài hiển nhiên là tới vì bức tranh này, anh sải bước lớn đến trước mặt tôi, lấy bức tranh lại, cuộn vài cái, xoay người cất vào tủ phía sau, khóa lại, rút chìa khóa ra.
Tôi chưa từng thấy Thẩm Thanh Hoài hoảng loạn như vậy, không khỏi hỏi: “Tranh của ai vậy?”
Thẩm Thanh Hoài không nói lời nào, quay người đi ra ngoài.    
Tháng tám, tôi nhận được giấy nhập học từ trường của Thẩm Thanh Hoài, Học viện Nghệ thuật Nam Thành. 
Thẩm Thanh Hoài học tiến sĩ tại Nam Nghệ(2), chủ yếu tập trung vào lý thuyết nghệ thuật, bình thường anh vẫn sẽ giúp giáo viên hướng dẫn lên một, hai tiết học tự chọn.

Năm nhất không xếp lịch môn học tự chọn nào, nhưng điều đó không ngăn cản tôi đi học ké, hơn nữa còn quang minh chính đại ngồi ở hàng đầu tiên, ngay dưới mí mắt của Thẩm Thanh Hoài.
(2)Tên gọi tắt của Học viện Nghệ thuật Nam Thành.   
Anh cố tình phớt lờ tôi, nhưng tôi luôn nghĩ cách khiến anh phiền phức một chút, chẳng hạn như giơ tay đặt câu hỏi trong lúc anh giảng bài.


Tiết học của anh, tôi nghiêm túc chăm chú lắng nghe, những câu hỏi đặt ra tất nhiên cũng là nhắm trúng chỗ trọng yếu, làm anh chẳng có cách nào tránh không trả lời được.
Trời ngày càng lạnh, mùa đông của Nam Thành đã đến.
Tôi vẫn ở trong nhà của Thẩm Thanh Hoài, anh không đuổi tôi đi, tôi sẽ mãi ở đó.  
Vào đêm giáng sinh hôm ấy, Thẩm Thanh Hoài không cần lên dạy, tôi đặc biệt hẹn anh cùng đi ăn tối trước một ngày.

Nhưng mà buổi chiều hôm ấy tôi lại nhận được tin nhắn từ Thẩm Thanh Hoài, nói anh tạm thời có việc, hôm nay không thể đi cùng tôi được rồi.

Anh dặn dò: “Nhớ ăn cơm đúng giờ”.    
Bạn học của Thẩm Thanh Hoài tôi gần như quen hết, nghe ngóng hỏi thăm một chút, hóa ra buổi sáng anh đưa một người bạn bị đau ruột thừa đột ngột đến bệnh viện.

Tôi biết người bạn này của Thẩm Thanh Hoài, là một người phụ nữ tên Từ Thanh Thanh, hai người họ cùng một giáo viên hướng dẫn.

Từ Thanh Thanh thích Thẩm Thanh Hoài, tôi biết điều này. 
Ma xui quỷ khiến thế nào tôi lại đến bệnh viện đó, tìm tới phòng bệnh của Từ Thanh Thanh.

Cửa phòng khép hờ, lúc tôi đang định gõ cửa thì nghe thấy giọng nói của Thẩm Thanh Hoài ở bên trong truyền tới: “… Xin lỗi, tôi có người mình thích rồi.”
Tôi vô cùng kinh ngạc, tiếp đó vui mừng.     
Nhiều năm như vậy, người duy nhất vẫn luôn ở bên Thẩm Thanh Hoài chỉ có tôi, ngoài tôi ra, anh còn có thể thích ai đây?    
4  
Ở cửa bệnh viện, tôi đợi đến tám giờ tối Thẩm Thanh Hoài mới đi xuống.
Không biết tuyết bắt đầu rơi từ khi nào, đợi đến lúc tôi ý thức được thì những bụi cây trong bồn hoa bệnh viện đã phủ một lớp mỏng màu trắng.
Tôi không cảm thấy lạnh chút nào, giậm chân đi từng vòng từng vòng quanh bồn hoa, nghĩ lại chuyện mấy năm qua hết lần này đến lần khác, trong lòng càng thêm chắc chắn.     
Anh thu nhận và giúp đỡ tôi, dung túng chiều chuộng tôi, lại dạy dỗ tôi, như một người anh, cũng như một người bạn, anh chưa bao giờ trực tiếp từ chối lời tỏ tình mà tôi buột miệng nói ra vô số lần.
Tôi vẫn còn nhớ rõ, hai năm trước Thẩm Thanh Hoài học nghiên cứu sinh ở nước ngoài cho dù mệt mỏi thế nào, chỉ cần tôi gọi video tới, anh nhất định sẽ nghe, cho dù có vài lần anh buồn ngủ đến mức ngủ luôn trong lúc trò chuyện.
Khi nhận được tin bố tôi qua đời, anh đang ở nơi khác, anh bay về ngay trong đêm hôm đó, dung túng việc tôi trốn tránh hiện thực, đau buồn không muốn đối mặt với bất kỳ ai, một mình lo mọi việc tang lễ.  
Sau đó, ngày hôm ấy, anh dầm mưa trở về từ buổi từ biệt, nói với tôi: “Tang Hà, sau này còn có tôi.”   
Trong sự chắc chắn kiên định như vậy tôi vô cùng kích động, ước gì có thể gặp Thẩm Thanh Hoài ngay lập tức, nhưng dưới một ý chí đáng kinh ngạc, tôi đã kiên nhẫn chịu đựng nó rất lâu. 
Chỉ cần có thể tốt đẹp hoà hợp, tôi không sợ phải chờ đợi lâu.
Thẩm Thanh Hoài bước ra khỏi cổng bệnh viện, khi nhìn thấy tôi anh vô cùng ngạc nhiên: “Tang Hà, sao em lại ở đây?”
Tôi nhảy vài bước đến trước mặt anh: “Thẩm Thanh Hoài, chúng ta đi ăn cơm thôi.”   
Đêm giáng sinh, khắp nơi đều tràn ngập không khí của ngày lễ tình nhân, ngay cả quảng trường trước cổng bệnh viện cũng có những đứa trẻ bán hoa hồng.
Lần này Thẩm Thanh Hoài lại không đáp ứng yêu cầu của tôi, anh có vẻ hơi mệt, đưa tay lên xoa mi tâm: “Tang Hà, chúng ta về nhà ăn cơm đi, nhà hàng chắc chắn phải xếp hàng đợi chỗ ngồi, cũng không dễ đỗ xe.”
Tôi cười nói: “Được ạ, đi đâu cũng được.”
Về đến nhà, tôi bảo Thẩm Thanh Hoài ngồi xuống nghỉ ngơi, tự mình vào bếp làm loạn một hồi, cuối cùng mang bếp từ, nồi và mấy đĩa đồ ăn đã rửa sạch ra.

Trong nồi có nước lẩu, ​​một lúc sau thì ọc ọc sôi lên, tôi cho thức ăn lâu chín vào trước, sau đó vào tủ lạnh lấy hai lon bia.
Thẩm Thanh Hoài nhấp một ngụm bia, vẻ mệt mỏi trên mặt anh dường như giảm đi một chút: “Sao hôm nay cháu lại chịu khó vậy?”
Qua làn sương trắng dâng lên từ các khe hở trên nắp nồi, tôi nhìn Thẩm Thanh Hoài: “… Chú không có gì muốn nói với tôi sao?”
Thẩm Thanh Hoài sửng sốt.  
Tôi cười cười, có chút xấu hổ hiếm thấy: “… Tôi nghe thấy cuộc nói chuyện của chú với Từ Thanh Thanh rồi, chú nói chú có người mình thích…”
Động tác của Thẩm Thanh Hoài đột nhiên dừng lại, sau đó là một sự trầm mặc kỳ lạ.
Trái tim tôi chợt chùng xuống: “Chú…”
Người đó, hóa ra không phải là tôi.  
Hơi nóng bay lên làm cho mắt tôi hơi đau, tôi kiềm chế lại cảm xúc của mình: “… Thẩm Thanh Hoài, bây giờ chú vẫn cho rằng tôi nói tôi thích chú là đang nói đùa sao?”
“Tôi xin lỗi” Thẩm Thanh Hoài lời lẽ nghiêm túc trịnh trọng nói: “Tang Hà, tôi quả thực nghĩ rằng cháu đang nói đùa, nếu thái độ của tôi…”
“Chú im đi!” Tôi ngắt lời anh: “… Vậy tại sao chú lại thu nhận và giúp đỡ tôi?”
“Sư huynh đối với tôi ân trọng như núi…”
“Thẩm Thanh Hoài, tôi không chấp nhận lý do này.”          
Thẩm Thanh Hoài vẻ mặt vô cùng bình tĩnh: “Tang Hà, có phải cháu đã quên rồi không, tôi lớn hơn cháu mười tuổi, còn là trưởng bối của cháu.”    
5  
Tôi khăng khăng chuyển về nhà mình.  
Lúc ở một mình, tôi mới phát hiện ra căn biệt thự này trống trải đến nhường nào.

Lâu không có người ở, trong nhà bám đầy bụi, tôi không gọi người giúp việc, tự mình dành ra ba ngày để dọn dẹp trên dưới lầu.
Cho đến hôm nay, khi chỗ dựa dẫm là Thẩm Thanh Hoài cũng đã không còn, cuối cùng tôi cũng hoàn toàn chấp nhận sự thật rằng cha tôi sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.
Đêm ba mươi tết, Thẩm Thanh Hoài đến tìm tôi cùng nhau đón giao thừa.

Tôi đứng sau cửa sổ thư phòng trên lầu nhìn anh lững thững quanh quẩn ở dưới lầu hồi lâu không đi, cuối cùng vẫn mềm lòng.
Căn hộ của Thẩm Thanh Hoài không thay đổi chút nào so với lúc tôi chuyển đi.
Anh hỏi tôi: “Cháu vẽ chưa?” Tôi im lặng coi như trả lời.
“Đi luyện đi” Anh chỉ vào thư phòng của mình: “Một lúc nữa cơm mới xong được.”  
Khi bước vào thư phòng, tôi trải giấy tuyên ra, dùng đồ chặn giấy ấn xuống, lúc đếm sơn màu thì phát hiện ra màu vàng đậm đã hết.

Sơn màu mà Thẩm Thanh Hoài dự trữ đều ở trong ngăn kéo, tôi đã từng thấy anh lấy.
Mở ngăn kéo ra, bên trong có một khung ảnh bị úp xuống.

Tôi cầm lên xem, là một bức ảnh rất quen thuộc, bức ảnh chụp hồi anh mới theo Vương Tri Hành học vẽ, ngày đến nhà họ Vương ăn cơm đó.

Cha tôi cũng có một bức ảnh giống hệt.

Tôi đang ngủ say sưa được cha ngồi trên ghế ôm ở trong lòng, phía sau là Vương Tri Hành và vợ của ông ấy Phương Uyển, Thẩm Thanh Hoài đứng gần sát Phương Uyển, nở nụ cười ngượng ngùng.
Thẩm Thanh Hoài vẫn luôn để khung ảnh này trên bàn, tại sao bây giờ lại đặt trong ngăn kéo?
Bữa cơm tất niên này ăn vô cùng nặng nề ngột ngạt, gần như không vui vẻ gì mà tan.  

Sau năm mới, Vương Tri Hành liên lạc với tôi nói muốn tổ chức một buổi triển lãm cho cha tôi.

Khoảng thời gian này, tôi đều ở trong thư phòng chỉnh lý và phân loại các tác phẩm cha để lại, càng nhìn càng thấy mình còn thua kém xa, cũng càng canh cánh trong lòng về chuyện lọ thuốc trống không và nhật ký cuộc gọi bị xoá sạch khi cha tôi mất. 
Sau khi chỉnh lý ổn thoả xong, tôi cõng mười mấy cuộn tranh đến tìm Vương Tri Hành.

Học trò yêu quý chết trẻ khi đang như mặt trời ban trưa cũng là một đòn đả kích không nhỏ đối với Vương Tri Hành, nhìn thấy tôi ông ấy không ngừng thở dài.
Phương Uyển bưng một tách trà đến, nhẹ nhàng hỏi về tình hình gần đây của tôi: “Còn vẽ tranh không?”
“Còn ạ.”  
“Sư tổ của con luôn lo lắng con vì chuyện này mà bỏ bê luyện tập, nếu hôm nay con đã đến rồi chi bằng vẽ một bức nhỏ cho sư tổ của con xem, cũng là để cho ông ấy yên tâm?”    
Tôi đồng ý rồi đến thư phòng của Phương Uyển.

Cô ấy đi theo vào, nhìn lướt qua bàn một cái, vội vàng nói: “Cô quên mất chưa dọn bàn, Tang Hà, con chờ một chút nhé.” 
Tôi nhìn vào tay cô ấy, ngay lập tức giật mình.

Đó là một đôi tôm, giống bức tranh mà tôi đã thấy trong trí nhớ đến kinh ngạc.
“Đây… Đây là tranh cô vẽ ạ?”
Phương Uyển cười vô cùng mất tự nhiên: “… Ừ, cô bắt đầu muộn hơn các con, vẽ chơi thôi, chê cười rồi.”  
Vương Tri Hành năm nay sáu mươi tuổi, nhưng Phương Uyển lại nhỏ hơn ông ấy hai mươi lăm tuổi, cô ấy năm nay ba mươi lăm tuổi, giữa những cử chỉ tràn đầy nét duyên dáng thướt tha khiến cho người ta siêu lòng.
Mười năm trước, lần đầu tiên Thẩm Thanh Hoài gặp cô ấy, cô ấy bao nhiêu tuổi? Phải rồi, cô ấy mới hai lăm.
Tôi như bị người ta đánh cho một gậy, trước mắt tối sầm lại, không thể suy nghĩ tiếp được nữa.   
Tôi quên mất mình đã rời khỏi nhà họ Vương như thế nào, trên đường về gió lạnh thổi làm cho tôi không chút cảm giác.

Đột nhiên tôi nghĩ đến mình năm ngoái đơn độc đứng hứng gió suốt đêm trên cây cầu lớn của Nam Thành, lúc Thẩm Thanh Hoài tìm thấy tôi, trái tim tôi tựa như ngọn đèn của con thuyền chài trên sông đó, lắc lư đung đưa, nhưng sáng chói vô cùng.
Hóa ra tuổi tác không phải là lý do, “thế hệ” cũng không phải là lý do.
Anh không thích tôi mới là lý do lớn nhất.                 
6  
Việc tìm kiếm nguyên nhân thực sự về cái chết của cha tôi bất ngờ có được bước tiến triển mới. 
Đó là vào tháng tư, tôi đi xem một buổi triển lãm tranh.

Quy cách của triển lãm cực kỳ cao, tất cả các tác phẩm được trưng bày đều là tác phẩm của những họa sĩ hàng đầu trong nước.   
Triển lãm được chia thành các đơn vị độc lập dựa theo chuyên đề của họa sĩ, trên tầng hai, tôi thấy chuyên đề của Vương Tri Hành.

Với địa vị của ông ấy trong ngành, triển lãm tranh lần này đương nhiên có nơi thể hiện chỗ đứng của ông ấy. 
Nhưng, khi nhìn thấy bức tranh 《Hoa sen hai màu》, tôi lại không thể khống chế được dừng bước chân lại.

Bức tranh này khiến tôi cảm thấy hơi kỳ lạ.
Tôi không khỏi tiến lại gần một chút, gần như nằm bò trên tấm kính, trợn to mắt quan sát bút pháp của bức tranh đó. 
Cảm giác sợ hãi từ lòng bàn chân dần dần leo lên, bám chặt lấy tay chân rồi lan ra khắp người tôi.
—— Bức tranh này không phải do Vương Tri Hành vẽ, mà là của cha tôi.   
Tôi bắt đầu theo cha học vẽ từ lúc năm tuổi, không ai hiểu rõ bút pháp, cách dùng màu và những ký hiệu độc nhất vô nhị để lại trên tranh theo thói quen cá nhân của ông ấy hơn tôi.
Tôi chạy khỏi hội trường triển lãm, trực tiếp đến trường tìm Thẩm Thanh Hoài. 
Anh đang lên lớp dạy học, tôi không thể đợi anh xuống lớp nổi nên đứng ngoài cửa gửi một tin nhắn cho anh.

Ba phút sau, anh cầm sổ tay bước ra khỏi lớp.
Tôi nắm chặt lấy cánh tay anh mạnh mẽ kéo đi ra ngoài, cứng rắn lại không thể từ chối.  
Rời khỏi tòa nhà dạy học, đi đến giữa sân thể dục tôi mới buông anh ra.

Hai giờ chiều, ánh mặt trời như thiêu đốt nhưng lại tôi lạnh toát cả người: “… Thẩm Thanh Hoài, cha tôi là bị Vương Tri Hành hại chết.”
Thẩm Thanh Hoài giật mình: “… Cháu nói cái gì?”
Tôi lấy điện thoại ra, lật tấm ảnh vừa chụp ở hội trường: “… Chú thấy bức tranh này có quen không?”
“Đây là tranh của sư huynh…” Thẩm Thanh Hoài liếc nhìn phần đề chữ ở phía dưới bức tranh, đột nhiên ngừng lại.    
“Chú cũng nhìn ra phải không? Ban đầu lúc cha tôi ra mắt bị gọi là ‘Vương Tri Hành thứ hai’, phong cách của hai người họ giống nhau, người ngoài gần như khó có thể phân biệt ra được, nhưng…” Tôi khẩn thiết bước lại gần một bước: “… Thẩm Thanh Hoài, chú có thể nhìn ra được đúng không? Bức tranh này là do cha tôi vẽ, không phải Vương Tri Hành! Ông ta giết cha tôi là vì muốn dùng cách này cướp đoạt hết tác phẩm của cha tôi…”
“Tang Hà, cháu bình tĩnh một chút.”  
Tôi nắm lấy cánh tay của Thẩm Thanh Hoài: “… Thẩm Thanh Hoài, chú cùng tôi đi báo cảnh sát nhé, tôi nhất định phải thay cha đòi lại công bằng.”
“Cháu có bằng chứng không?”
Tôi sững sờ.  
“… Bằng chứng trực tiếp nhất cho thấy thầy đã làm hại sư huynh có không? Chỉ dựa vào một bức tranh không thể định tội được, nhiều nhất sẽ chỉ làm tổn hại đến thanh danh của thầy thôi, hơn nữa, sao cháu biết không phải sư huynh chủ động vẽ hộ thầy?”
Tôi hít một ngụm khí lạnh: “… Thẩm Thanh Hoài, chú vậy mà lại giúp Vương Tri Hưng?”
“Tang Hà, cháu bình tĩnh trước đã, chúng ta sẽ tính…”    
Tôi không thể bình tĩnh nổi, sự sợ hãi và phẫn nộ đã sắp thiêu đốt tôi thành than rồi: “… Chú đang giúp Vương Tri Hành, hay là giúp Phương Uyển? Chú không nỡ thấy cô ấy khó xử đúng không?”
“… Cháu nói cái gì?”  
Tôi lùi lại một bước, lạnh lùng nhìn Thẩm Thanh Hoài: “… Chú cho rằng mình che giấu rất tốt sao? Thẩm Thanh Hoài, chú luôn nói tôi thích chú là ‘trái với luân thường đạo lý’, vậy chú nói cho tôi biết, chú thích sư mẫu của mình có phải là ‘trái với luân thường đạo lý’ không?”
Giọng nói vừa rơi xuống, tôi đột nhiên sững người.
Một loại tuyệt vọng như đổ ập xuống, đánh thẳng tới.

Lời nói đến đây, tôi và Thẩm Thanh Hoài đã hoàn toàn gương vỡ khó lành rồi.   
7  
Tháng bảy, tôi rời khỏi Nam Thành, không nói với một ai.  
Mặc dù tôi hận Thẩm Thanh Hoài sâu sắc vì đã không kề vai sát cánh, cùng chung mối thù với tôi, nhưng sau khi cơn tức giận ban đầu biến mất, tôi hiểu ra tuy những gì anh nói rất lạnh lùng tuyệt tình nhưng đó đều là sự thật.

Chỉ cần không tìm ra bằng chứng, chỉ cần tôi vẫn còn ở trong khu vực có thế lực của Vương Tri Hành chiếm giữ, tôi sẽ không có khả năng trả thù cho cha mình.
Số tiền tiết kiệm của cha đủ để tôi sống một cuộc đời phiêu bạt.

Tôi hoàn toàn từ bỏ tranh Trung Quốc mà tôi đã học gần mười lăm năm, chuẩn bị bột màu và màu nước, vẽ một số câu chuyện nhỏ tình tiết nhẹ nhàng, kèm theo những tác phẩm sướt mướt thiếu tình cảm chân thực, khi cầm phí bản thảo, tôi đồng thời dần có được chút danh tiếng.
Tôi chưa từng quên việc đòi lại công lý cho cha dù chỉ một ngày, ba năm qua, tôi chạy tới hàng trăm buổi triển lãm tranh lớn nhỏ, tham gia hơn ba mươi buổi đấu giá, thu thập thêm được thêm nhiều bằng chứng cho thấy Vương Tri Hành đã chiếm đoạt tranh của cha tôi.
Tôi cũng chưa từng thực sự quên Thẩm Thanh Hoài dù chỉ một ngày.  
Tháng mười, tôi dừng lại ở một thành phố phía Bắc, khi đang gấp rút vẽ để kịp nộp bản thảo, tôi không may bị ốm nặng một trận.

Trong căn phòng thuê ngắn hạn chỉ có mình tôi, khi hôn mê vì sốt cao, tôi mơ thấy Thẩm Thanh Hoài.  
Có một năm, Thẩm Thanh Hoài cùng tôi đi biển.

Tôi bị sóng lớn dâng cao cuốn xuống đất, anh vội chạy tới lại bị tôi đưa tay ra kéo cùng nằm trên bãi cát.

Biển trời xanh bao la như một giấc mộng hão huyền, tôi hướng lên không trung gào to: “Thẩm Thanh Hoài! Đợi cháu lớn nhé!”
Nhưng mà sau khi lớn lên, gặp gỡ tụ họp lại trở thành ly biệt, bạn tri kỷ cắt đứt quan hệ, quê hương lại trở thành nơi tôi không bao giờ có thể quay trở lại.   
Tôi tỉnh dậy từ trong cơn mê, vùng vẫy cố gắng ra cửa xuống lầu, ngăn một chiếc taxi lại đến bệnh viện.

Viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp khiến cổ họng tôi đau rát, ngay cả nuốt cũng trở nên khó khăn.  

Nửa đêm tỉnh dậy, quay đầu lại nhìn ánh trăng lọt vào từ cửa sổ, rơi trên mặt đất, kết lại như sương.

Hồi nhỏ, bài thơ đầu tiên tôi học thuộc chính là ngẩng đầu nhìn trăng sáng, cúi đầu nhớ cố hương.   
Tôi sững sờ, xuất thần nhìn vào vầng sáng trong trẻo ấy, nhưng lại không nhận ra nước mắt đã chảy dài trên khuôn mặt của mình.
Cuối cùng tôi không nhịn được, lấy điện thoại dưới gối ra, gửi một tin nhắn cho Thẩm Thanh Hoài.
Thẩm Thanh Hoài, em nhớ anh.   
Sự gần gũi của anh, sự xa lánh của anh, nụ cười nhẹ vĩnh viễn đều nhàn nhạt của anh, ánh mắt sáng nhưng lạnh lùng của anh, anh sẽ mãi là chàng thiếu niên thổi sáo dưới ánh trăng năm ấy.
Một khúc “Thiên thai” sầu biệt xứ, hỏi ai không khỏi động lòng quê.

(3)
(3)Trong bài Xuân dạ Lạc thành văn địch của Lý Bạch.   
Tiếng tin nhắn đã gửi đi truyền đến, nhưng tôi lại không đủ dũng khí để đợi Thẩm Thanh Hoài trả lời, tôi tháo SIM điện thoại ra, ném thẳng vào thùng rác.   
8  
Sang năm mới, biên tập viên của nhà xuất bản đã liên hệ với tôi nói sau khi cuốn tranh vẽ mới được xuất bản vào tháng tư sẽ tổ chức một buổi ký tặng, hỏi tôi có muốn tham gia không.

Cô ấy gửi hai thành phố mở buổi ký tặng, Nam Thành là một trong số đó.
Tôi lưỡng lự hồi lâu nhưng vẫn đồng ý.  
Tháng năm, khi gần tới sinh nhật, sau bốn năm xa cách, tôi lần nữa trở lại Nam Thành, vẫn không liên lạc với bất kỳ ai.  
Địa điểm ký tặng là ở Đại học Nam Thành, trong hội trường đông nghịt người, tôi vùi đầu ký tên lên sách, hai tiếng sau, cuối cùng cũng thấy hàng dài chỉ còn lại một đoạn.  
Tôi đưa cho độc giả phía trước, nhận lấy cuốn sách của người tiếp theo.

Trên trang tiêu đề kẹp một tờ ghi chú nhỏ, tôi liếc nhìn một cái, phút chốc liền sững sờ…   
Cảm ơn Tang Hà: Mong em cả đời luôn hướng về những vì sao ở phía trước, không cần phải ngoảnh lại nhìn chằm chằm vào vực sâu.  
Vội vàng ngẩng đầu lên, nhưng đang đứng trước mặt tôi không phải Thẩm Thanh Hoài, mà là một cô gái xa lạ.
Tôi vội vàng hỏi: “Đây là…”
“Một vị giáo viên nhờ tôi qua, câu này là lời chúc của thầy ấy tặng cô.”   
Tôi lơ đễnh ký tặng cho mấy độc giả cuối cùng, lần thứ tư liên tục chạm vào điện thoại mới đổi số, nhưng tôi vẫn không liên lạc với Thẩm Thanh Hoài. 
Buổi ký tặng kết thúc, tôi không quay về phía bắc mà ở lại Nam Thành, trước sinh nhật một ngày, tôi đến cây cầu lớn của Nam Thành.
Gió sông lồng lộng, thổi vào trong trái tim trống rỗng tựa như có âm thanh.
Lúc sắp đến nửa đêm, gió đột nhiên mang theo tiếng nổ ầm ầm của động cơ, tôi không thể tin được quay đầu lại.    
Thẩm Thanh Hoài ba mươi hai tuổi vẫn lái chiếc Chevrolet cũ, lúc anh kéo cửa xe xuống nhìn thấy tôi, khuôn mặt anh cũng hiện lên vẻ khó tin.
Tôi mỉm cười: “Hi, Thẩm Thanh Hoài.”
Thẩm Thanh Hoài vội vàng dừng xe, từ ghế lái nhảy xuống, hai bước đi tới trước mặt tôi: “… Tôi chỉ đi qua thử vận ​​may.”
“Vậy thì vận khí hôm nay chú thật không tệ.”
Anh quan sát tôi một lượt từ đầu đến chân: “… Vẫn ổn chứ?”
Tôi nhún nhún vai: “Vẫn ổn.”     
Có rất nhiều cuộc trò truyện chính là hàn huyên như vậy.

Thẩm Thanh Hoài không mời tôi đi cùng, tôi cũng không đưa ra lời đề nghị như thế, chúng tôi chỉ đứng cạnh nhau, lắng nghe tiếng gió thổi trên sông.  
Gần, như chưa từng xa cách, tôi nghĩ, tôi và Thẩm Thanh Hoài đã hoàn toàn không thể quay lại được nữa rồi.
Tôi duỗi ngón tay ra chỉ vào ngọn đèn của chiếc thuyền chài trên mặt sông đen sâu thẳm: “Thật sáng phải không?”  
Cũng giống như năm đó, trái tim đã từng không biết lượng sức mà nhảy nhót loạn nhịp vì anh của tôi.
Thẩm Thanh Hoài không nói gì.    
Sau một hồi im lặng, anh lùi lại một bước: “Tang Hà, tôi phải đi đây.

Tôi đã chuẩn bị một món quà sinh nhật cho cháu, hi vọng cháu sẽ vui vẻ.”
“Cái gì?”
Anh không trả lời, quay người đi về phía xe, trước khi lái xe đi, anh thò đầu ra nhìn tôi lần cuối: “Sinh nhật vui vẻ.”
Lời nói rất rõ ràng và nặng nề, một lời chúc phúc đã bị anh nói ra thành hàm ý ly biệt. 
Tôi quay trở lại khách sạn ngủ một giấc, lúc tỉnh dậy, một thông tin đã bùng nổ trên mạng: Bậc thầy quốc họa nổi tiếng Vương Tri Hành bị tình nghi có dính líu đến vụ mưu sát, đã bị cảnh sát tạm giam, vụ án đang được điều tra thêm.
Tôi nhất thời cho rằng mình nhìn nhầm, đọc đi đọc lại tin tức này năm lần, cuối cùng cũng xác nhận.    
Không do dự, tôi đi thẳng đến căn hộ của Thẩm Thanh Hoài, lại vừa đúng lúc gặp anh ở dưới lầu.
“Thẩm Thanh Hoài!”
Anh dừng bước, nhìn tôi chằm chằm một lúc rồi bật cười: “Cháu đã nhận được quà sinh nhật chưa?”
“… Chú muốn đi đâu?” 
“Tự thú.” Vẻ mặt anh bình tĩnh: “… Muốn chiến đấu với con rồng xấu xa đầy tội ác thì mình cũng phải biến thành một con rồng như vậy.

Để lấy được sự tín nhiệm của Vương Tri Hành, tôi đã làm không ít chuyện.

Những chuyện bẩn thỉu, không nói cho cháu đâu.”
Tôi bật khóc, chạy lên vài bước, ôm chặt lấy anh: “Thẩm Thanh Hoài! Chú có bệnh!”
Anh đưa cánh tay lên ôm lấy tôi.   
Tôi khóc dữ dỗi đến mức không còn hình tượng, nước mắt nước mũi đều cọ vào áo anh: “… Thẩm Thanh Hoài, tại sao… Có thứ gì đáng để hủy hoại tương lai của mình chứ.

Người chú thích lẽ nào không phải là…”
“Đã từng, sau đó không phải nữa rồi.” Giọng anh kèm theo tiếng thở dài như trút bỏ được gánh nặng: “… Xin lỗi em, tôi đã hiểu ra quá muộn.”  
Tôi không muốn nghe bất cứ điều gì cả, chỉ ôm anh khóc lớn. 
Thẩm Thanh Hoài không ngừng an ủi, cho đến khi mặt trời nghiêng về phía tây từng tấc một, cuối cùng anh không thể không rời đi.   
Chúng tôi đã lặn lội qua một đêm đen sâu thẳm lạnh giá và dòng sông dài, trong phút chốc, tiếng kèn lệnh trùng phùng vang lên, nhưng bỗng im bặt.

Thẩm Thanh Hoài, anh thực sự là một người lý trí và tàn nhẫn.
Nhưng tôi cam tâm tình nguyện chờ đợi một người như anh. 
Anh luôn bảo tôi hướng về những vì sao ở phía trước, không cần phải nhìn chằm chằm vào vực sâu, nhưng anh lại không chút do dự bước xuống vực thẳm vì tôi.
Chỉ cần có thể tốt đẹp hoà hợp, tôi không sợ phải chờ đợi lâu.
Trên đời này, còn gì có thể tốt hơn anh đây?     
9  
Vài ngày sau, vụ án tội phạm kinh tế của Thẩm Thanh Hoài cũng bắt đầu được điều tra.
Tôi sống trong căn hộ trống trải của anh, vẽ tranh, nộp bản thảo, thay anh chăm sóc những con mèo hoang nhặt về từ tiểu khu, sống một cuộc sống bình yên mà giản dị.
Tôi toàn tâm toàn ý chờ đợi anh trở về.
Năm ngoái ở bệnh viện, sau khi gửi tin nhắn cho Thẩm Thanh Hoài tôi đã vứt sim điện thoại đi, nhưng chưa đến năm phút, tôi lại nhặt nó lên.
Lúc mở máy, câu trả lời của Thẩm Thanh Hoài vừa hay xuất hiện.
“Tang Hà, trở lại bên tôi.”
Tôi không trả lời lại, chỉ nhìn chằm chằm vào dòng chữ này, dùng quá sức đến nỗi vành mắt nóng bừng, nước mắt lưng tròng, tôi sợ khi mở mắt ra lần nữa thì mọi thứ đều chỉ là ảo ảnh.
Hồi nhỏ nằm trong lòng cha thiếp đi trong tiếng sáo xa xăm, khi tỉnh dậy, nhìn thấy ánh sáng trắng rơi trên mặt đất.
Tôi ngáp dài một cái, hỏi Thẩm Thanh Hoài: “Đó là sương sao?”
“Đó là ánh trăng.”
Cũng là thứ anh đã ném vào trong bình ngọc của tôi, một tấm lòng trong sáng như băng..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.