Tay Cự Phách

Chương 18



Năm năm kế tiếp đó chứng kiến một thời kì tăng trưởng khó tin nổi trên khắp thế giới. Công ty Kruger-Brent đã được xây dựng trên cơ sở kim cương và vàng, nhưng nó đã được đa dạng hoá và mở rộng ra khắp thế giới, đến nỗi trung tâm hoạt động của nó không còn ở Nam Phi nữa. Gần đây công ty đã thụ đắc được một cơ sở xuất bản lớn, một công ty bảo hiểm và nửa triệu mẫu đất để trồng cây lấy gỗ.

Một buổi tối nọ, Kate lay David dậy và nói, “Anh yêu quý, chúng ta hãy di chuyển trụ sở chính của công ty”.

David lảo đảo ngồi dậy. “S… sao?”

“Trung tâm kinh doanh thế giới ngày nay là New York. Đó là nơi chúng ta nên đặt trụ sở chính cho công ty. Nam Phi lại quá xa mọi nơi. Ngoài ra, với điện thoại và điện tín như chúng ta có ngày nay, chúng ta có thể liên lạc với bất cứ văn phòng nào của chúng ta chỉ trong mấy phút”.

“Tại sao anh lại không nghĩ đến điều ấy nhỉ”. David lẩm bẩm, rồi lại lăn ra ngủ.

°

° °

New York là một thế giới mới rất thú vị. Trong những lần viếng thăm đầu tiên nơi ấy, Kate đã cảm thấy nhịp đập nhanh của thành phố, nhưng sống ở đây chả khác nào như bị mắc kẹt vào giữa một ma trận. Trái đất có vẻ như quay nhanh hơn, mọi vật đều cử động theo một tốc độ nhanh chóng hơn.

Kate và David lựa chọn một địa điểm cho trụ sở mới của công ty trên đừơng Wall Strett, và các kiến trúc sư khởi sự công việc. Kate lựa chọn một số kiến trúc sư khác để vẽ kiểu một toà nhà lớn theo kiểu thời Phục hưng ở Pháp vào thế kỉ mười sáu.

“Thành phố này ồn ào kinh khủng”, David phàn nàn.

Đúng như vậy. Tiếng ầm ầm của máy tán đinh tràn ngập không khí ở khắp nơi trong thành phố, trong khi các nhà chọc trời bắt đầu mọc lên cao vút đến trời xanh. New York đã trở thành một thánh địa cho thương mại từ khắp nơi trên thế giới, là trung tâm đóng tàu, bảo hiểm, giao thông và chuyên chở. Đó là một thành phố đang nổ bùng lên với một sức sống độc đáo. Kate yêu thích nó, nhưng nàng cũng ý thức được nỗi khổ sở của David.

“David ạ, đây là tương lai. Nơi này sẽ tăng trưởng và chúng ta lớn lên cùng với nó”.

“Lạy Chúa, Kate, em còn muốn có được thêm bao nhiêu nữa?”

Không cần phải suy nghĩ, nàng đáp, “Tất cả mọi thứ trên đời này”.

Nàng không hiểu tại sao David lại đặt một câu hỏi như thế. Đã dấn thân vào trò chơi là phải thắng, và người ta thắng bằng cách đánh gục người khác. Điều đó thật là rõ ràng đối với nàng. Nhưng sao David lại không thể thấy được? David là một nhà kinh doanh giỏi, nhưng anh vẫn thiếu một thứ. Đó là sự khao khát, một sự thôi thúc mạnh mẽ là phải chinh phục, để trở thành kẻ lớn nhất, giỏi nhất. Cha nàng đã có tinh thần ấy, và nàng cũng có. Kate không biết rõ tư tưởng này đến với nàng từ bao giờ, nhưng ở vào một thời điểm nào đó trong đời nàng, công ty này sẽ trở thành ông chủ, còn nàng là tên nô lệ. Nó làm chủ nàng hơn là nàng làm chủ nó.

Khi nàng cố giải thích các cảm nghĩ của mình cho David thì anh cười rộ lên và nói, “Em đã làm việc quá nhiều”. Nàng sao giống cha nàng thế, David thầm nghĩ. Và chính anh hình như đã nhận ra một cách mơ hồ rằng điều ấy thật đáng lo ngại.

Làm sao người ta lại có thể làm việc quá nhiều được? Kate tự hỏi. Trong đời nàng không có gì vui thú hơn là công việc. Đó là lúc nàng cảm thấy sống động nhất. Mỗi ngày đem đến cho nàng một loạt vấn đề mới, và mỗi vấn đề là một thử thách, một câu đố cần phải tìm cách giải, một trò chơi cần phải thắng. Và nàng đã thành công tuyệt vời trong đó. Nàng bị mắc kẹt vào một thứ gì ngoài sự tưởng tượng. Nó không có liên quan gì đến tiền bạc hay thành tích; nó có liên qua đến quyền lực. Một thứ quyền lực kiểm soát đời sống của hàng nghìn con người trong mọi ngõ ngách của trái đất. Giống hệt như cuộc đời nàng trước kia đã từng bị những người khác kiểm soát. Chừng nào mà nàng có quyền lực, nàng sẽ không bao giờ cần bất cứ ai. Đó là một thứ vũ khí ngoài sức tưởng tượng.

Kate được mời dùng cơm với các vị vua, nữ hoàng và tổng thống. Tất cả đều mong đợi đặc ân, thiện chí của nàng. Một nhà máy Kruger-Brent có nghĩa là sự khác biệt giữa giàu và nghèo. Quyền lực. Công ty là một vật sống. Nó là một tên khổng lồ đang lớn, cần phải được cho ăn, và đôi khi cần có những sự hi sinh, vì tên không lồ ấy không thể bị còng chân lại được. Bây giờ Kate hiểu điều đó. Nó có một nhịp điệu, một nhịp đập, và nó đã thuộc về nàng rồi.

Vào tháng ba, sau khi đã chuyển đến New York, Kate cảm thấy trong người không được khoẻ. David khuyên nàng nên đi khám bác sĩ.

“Tên ông ấy là John Harley. Ông ta là một bác sĩ trẻ có tiếng tăm”.

Miễn cưỡng, Kate đến gặp ông bác sĩ. John Harley là dân Boston, người gầy còm, vẻ nghiêm trang, trạc hai mươi sáu tuổi, tức nhỏ hơn Kate năm tuổi.

“Tôi nói trước với ông nhé”, Kate nói với bác sĩ, “tôi không có thì giờ đâu để mà ốm”.

“Vâng, tôi xin nhớ điều đó, bà Blackwell ạ. Trong khi chờ đợi, tôi xin khám cho bà một chút”.

Bác sĩ Harley khám sức khoẻ nàng, làm một vài xét nghiệm, rồi nói, “Tôi chắc chẳng có gì đáng ngại đâu. Tôi sẽ có kết quả trong vòng một vài ngày. Xin bà gọi dây nói đến cho tôi vào ngày thứ tư”.

°

° °

Sáng sớm ngày thứ tư, Kate gọi điện thoại cho bác sĩ Harley. “Tôi có tin mừng báo cho bà hay, bà Blackwell ạ”, ông nói một cách vui vẻ. “Bà sắp có cháu bé rồi đấy”.

Thật là giây phút vui mừng tột độ trong cuộc đời của Kate. Nàng nóng lòng báo cho David biết ngay tin này.

Nàng chưa bao giờ thấy David vui sướng đến như thế. Anh nhấc bổng nàng lên trong vòng tay khoẻ mạnh và nói, “Nó sẽ là con gái, nó sẽ giống hệt như em”. Anh thầm nghĩ, đây chính là điều mà Kate đang cần. Bây giờ, nàng sẽ phải ở nhà nhiều hơn. Nàng sẽ là một người vợ theo đúng nghĩa hơn.

Nhưng Kate lại có một ý nghĩ khác. Nó sẽ là một đứa con trai. Một ngày kia, nó sẽ nắm lấy công ty Kruger-Brent.

°

° °

Khi ngày sinh đứa bé gần kề, Kate làm việc trong những khoảng thời gian ngắn hơn, nhưng nàng vẫn có mặt ở văn phòng mỗi ngày.

“Em hãy quên công việc và nghỉ ngơi đi”, David khuyên Kate.

Anh không hiểu được là công việc mới chính là lối nghỉ ngơi, làm nàng bớt căng thẳng.

Ngày sinh của đứa bé được dự trù vào tháng mười hai. “Em sẽ cố gắng sinh nó ra vào ngày hai mươi nhăm”, Kate hứa với David. “Nó sẽ là món quà Giáng sinh của chúng ta”.

Đó sẽ là một ngày Giáng sinh hoàn hảo, Kate thầm nghĩ. Nàng đứng đầu một tổ hợp công ty, lấy được người đàn ông mà nàng yêu, và nàng sẽ có một đứa con. Nếu có một sự mỉa mai trong thứ tự của các ưu tiên ấy của nàng, Kate cũng không nhận thức được.

°

° °

Thân hình nàng đã lớn ra và khó coi, và mỗi ngày Kate lại càng thấy khó đi đến văn phòng, thế nhưng mỗi khi David hay Brad Rogers đề nghị nàng nên ở nhà thì nàng lại nói, “Trí óc của tôi vẫn đang hoạt động”. Hai tuần lễ trước khi đứa bé ra đời, David đang đi Phi châu, thanh tra vùng mỏ ở Pniel. Anh dự tính sẽ trở về New York trong tuần sau.

Kate đang ngồi ở bàn giấy thì Brad Rogers bước vào mà không báo trước. Trông thất nét mặt cau có của Brad, Kate liền hỏi, “Vụ giao dịch Shannon thất bại rồi, phải không?”

“Không, tôi… tôi vừa được tin xấu. Vừa xảy ra một tai nạn. Một vụ nổ ở mỏ”.

Nàng cảm thấy đau nhói, “Ở đâu vậy? Có tệ lắm không? Có ai bị chết không?”

Brad thở một cái thật sâu. “Sáu người. David cũng ở trong số đó, Kate ạ”.

Những tiếng nói ấy như tràn khắp căn phòng, rồi dội lại bức tường lót ván gỗ, mỗi lúc mội to hơn, cho đến khi chúng trở thành một tiếng kêu thét trong tai nàng, một ngọn thác Niagara bằng âm thanh đang dìm nàng xuống, rồi nàng cảm thấy mình như bị hút vào trung tâm, sâu hơn nữa, hơn nữa, cho đến khi nàng không còn thở được nữa.

Tất cả mọi vật đều tối sầm lại và im lặng.

Đứa bé ra đời một giờ sau đó, sớm hơn hai tuần. Kate đặt tên cho bé trai ấy là Anthony James Blackwell, theo tên cha của David. Mẹ sẽ yêu con vì mẹ; mẹ sẽ yêu con vì bố.

Một tháng sau, toà lâu đài mới trên đại lộ Năm đã hoàn tất, Kate, cùng với con trai và các gia nhân dọn đến đó ở. Hai toà lâu đài ở Ý đã được gỡ ra để trang bị cho ngôi nhà này. Đó là một nơi trưng bày các đồ gỗ chạm trổ công phu theo kiểu Ý thế kỉ mười sáu, những sàn nhà bằng đá cẩm thạch hồng viền bằng cẩm thạch đỏ sẫm. Thư viện lót ván gỗ phô trương những chiếc lò sưởi tuyệt đẹp kiểu thế kỷ mười tám, trên đó có treo một bức tranh hiếm của Holbein. Lại còn có một phòng trưng bày chiến lợi phẩm với bộ sưu tập súng của David, và một phòng tranh đầy những bức hoạ của Rembrandt, Verneer, Valsqueze và Bellini. Có một phòng khiêu vũ, một phòng khách có nhiều cửa lớn, một phòng ăn chính thức, và một phòng nuôi trẻ cạnh ngay phòng của Kate, và không biết bao nhiêu phòng ngủ. Trong các khu vườn có các pho tượng của Rodin, Augustus Saint Gaudens va Maillol. Đó là toà lâu đài thích hợp cho một vị vua. Và vị vua đang lớn lên ở đó, Kate thầm nghĩ.

Năm 1928, khi Tony lên bốn tuổi, Kate gửi nó đến một trường mẫu giáo. Nó là một đứa bé xinh đẹp, nghiêm trang, có cặp mắt xám và cái cằm bướng bỉnh của mẹ. Nó được học âm nhạc, và khi lên năm, nó theo học trường múa. Những thời gian vui sướng nhất của hai mẹ con là khi họ sống bên nhau ở Ngôi nhà Trên Đồi Thông ở Dark Harbor. Kate mua một chiếc thuyền buồm có gắn động cơ, dài chừng hai mươi sáu thước, mà nàng đặt tên cho là “Cướp Biển”. Nàng và Tony thường đi trên chiếc thuyền buồm ấy chạy dọc theo bờ biển Maine. Tony rất thích. Nhưng chính công việc mới làm cho Kate cảm thấy vui sướng nhất.

Có một vẻ thần bí về công ty Kruger-Brent mà Jamie McGregor đã thiết lập nên. Nó là vật sống, nó là người yêu, và sẽ không bao giờ chết vào một ngày mùa đông để lại nàng cô đơn. Nó sẽ sống vĩnh viễn. Nàng sẽ bảo đảm cho sự sống còn của nó. Rồi một ngày kia, nàng sẽ trao nó lại cho con nàng.

Điều duy nhất khiến nàng băn khoăn, lo nghĩ là nơi quê hương của nàng. Nàng rất lo lắng về Nam Phi. Những vấn đề chủng tộc ở đó mỗi ngày mỗi thêm trầm trọng, khiến Kate cảm thấy băn khoăn. Ở đó hai phe chính trị đối lập nhau: nhóm “Verkramtes”, là nhóm người có đầu óc chật hẹp, chủ trương kì thị chủng tộc – và nhóm “Verligtes”, sáng suốt hơn, vẫn mong muốn cải thiện vị thế của người da đen. Ông thủ tướng James Hertzog cùng với Jan Smut đã thiết lập một liên minh và phối hợp quyền lực với nhau để cho thông qua một đạo luật mới về đất đai. Người da đen bị xoá tên khỏi các danh sách và không có quyền đi bầu hay làm chủ đất đai. Hàng triệu người thuộc các nhóm thiểu số khác nhau đều bị xáo trộn bởi đạo luật mới này. Các vùng không có các mỏ kim loại, không có các trung tâm kĩ nghệ hay các cảng, thì được dành cho những người da màu, da đen và Ấn Độ.

Kate xếp đặt một phiên họp với các viên chức cao cấp ở Nam Phi. “Đây là một trái bom”, Kate nói với họ, “Điều mà các ông đang làm là cố giữ tám triệu người trong vòng nô lệ”.

“Đó không phải là nô lệ, bà Blackwell ạ. Chúng tôi làm như thế là vì lợi ích của họ”.

“Thật vậy sao? Làm thế nào các ông giải thích được điều ấy?”

“Mỗi sắc tộc đều có cái gì đó để đóng góp. Nếu người da đen hoà lẫn với người da trắng, họ sẽ mất đi cá tính của mình. Chúng tôi cố bảo vệ cho họ”.

“Thật là vô nghĩa lý”, Kate cãi lại. “Nam Phi đã trở thành một địa ngục kì thị chủng tộc”.

“Điều đó không đúng. Người da đen từ những nước khác đã từ nghìn dặm đến đây để được vào xứ này. Họ trả đến năm mươi bảng Anh để có một giấy thông hành giả mạo. Người da đen được sống sung sướng ở đây hơn các nơi khác”.

“Vậy thì họ thật đáng thương hại”, Kate nói.

“Bọn chúng là những đứa trẻ con sơ khai thôi, bà Blackwell ạ. Đó chính là vì lợi ích cho họ”.

Kate rời khỏi phiên họp, trong lòng thất vọng và rất lo sợ cho đất nước của nàng.

Kate cũng lo lắng cho Banda. Mấy lâu nay, tên ông được nhắc nhiều lần trên báo chí. Các nhật báo ở Nam Phi gọi ông là “Cây địa du đỏ” và trong các câu chuyện họ kể vẫn có một vẻ thán phục miễn cưỡng. Ông trốn thoát khỏi tay cảnh sát bằng cách hoá trang thành một người cày ruộng, tài xế xe hơi hay gác cổng. Ông đã tổ chức một đạo quân du kích và đứng hàng đầu trong danh sách những người bị truy lùng gắt gao nhất. Một bài viết trên tờ báo Cape Times kể lại rằng ông được những người biểu tình khiêng trên vai, đi diễu một cách đắc thắng trên khắp các con đường của một làng da đen. Ông đi từ làng này đến làng khác để nói chuyện với các học sinh, nhưng mỗi khi cảnh sát được tin về sự xuất hiện của Banda thì ông lại biến đi đâu mất. Người ta bảo ông có một toán cận vệ đông đến hàng trăm người, gồm toàn bạn bè và những người trung thành với ông. Mỗi đêm ông ngủ tại một nhà khác. Kate biết rằng chỉ có cái chết mới làm ông ngưng hoạt động mà thôi.

Nàng phải tiếp xúc được với ông. Nàng gọi một tên đốc công trước kia của nàng, một người nàng có thể tin cậy, và hỏi anh ta, “William này, anh có thể tìm ra được Banda cho tôi không?”

“Chỉ khi nào ông ấy muốn thì mới được”.

“Vậy anh hãy thử đi. Tôi muốn gặp ông ấy”.

“Để tôi nghĩ xem có cách nào”.

Sáng hôm sau, viên đốc công ấy nói, “Nếu tối nay bà rảnh, sẽ có một chiếc xe đưa bà về đồng quê”.

Kate được đưa đến một ngôi làng nhỏ cách Johannesburg bảy mươi dặm. Người tài xế dừng xe trước một ngôi nhà nhỏ. Kate bước vào bên trong. Banda đang ngồi ở đó chờ đợi nàng. Ông trông vẫn như hồi nàng gặp ông trước kia. Chắc bác ấy nay đã sáu mươi tuổi rồi, Kate thầm nghĩ. Ông đã đi trốn trong nhiều năm để thoát khỏi tay cảnh sát, thế nhưng trông ông vẫn trầm tĩnh, thoải mái.

Ông ôm lấy Kate và nói, “Mỗi lúc cô trông lại càng đẹp hơn”.

Nàng cười, “Tôi đã già đi. Ít năm nữa thôi, tôi sẽ bốn mươi tuổi rồi”.

“Tuổi tác không ảnh hưởng đến cô bao nhiêu cả”, Banda nói.

Hai người đi vào trong bếp, và trong khi Banda đang pha cà phê, Kate nói, “Tôi không thích những chuyện đang xảy ra, bác Banda ạ. Như vậy rồi sẽ đi đến đâu?”

“Rồi đây sẽ còn xấu hơn nữa”, Banda nói một cách đơn giản. “Chính phủ không cho phép chúng tôi nói chuyện với họ. Người da trắng đã phá hỏng những chiếc cầu thông cảm giữa chúng tôi và họ, rồi một ngày kia họ sẽ thấy cần những chiếc cầu như thế để đến với chúng tôi. Bây giờ chúng tôi đã có những vị anh hùng như Kate, Nehremish Tile, Mokone, Richard Msimang. Người da trắng khiêu khích chúng tôi, đẩy chúng tôi chạy loanh quanh giống như xua một bầy gia súc đi ăn cỏ”.

“Không phải người da trắng nào cũng như vậy”, Kate nói. “Bác có những người bạn đang chiến đấu để tạo nên những sự thay đổi. Điều này sẽ xảy ra một ngày nào đó, bác Banda ạ, nhưng cần phải có thời gian”.

“Thời gian giống như cát trong chiếc bình thuỷ tinh chỉ giờ. Nó sẽ cạn đi”.

“Bác Banda ạ. Ntame và Magena bây giờ ra sao rồi?”

“Vợ và con trai tôi đang lẩn trốn”, Banda nói với vẻ buồn bã, “Cảnh sát vẫn đang còn săn lùng tôi ráo riết”.

“Vậy thì tôi có thể làm gì được để giúp bác? Tôi không thể nào ngồi yên, chẳng làm gì cả. Tiền bạc có giúp được gì không?”

“Bao giờ tiền bạc cũng có ích lợi”.

“Tôi sẽ thu xếp chuyện đó cho bác. Còn gì nữa không?”

“Cầu nguyện, Kate ạ. Hãy cầu nguyện cho chúng tôi”.

Sáng hôm sau, Kate lên đường trở về New York.

Khi Tony đã khá lớn, có thể đi du lịch được, Kate đem nó đi theo trong những cuộc hành trình công vụ, vào những dịp nghỉ của nó. Tony rất thích các viện bảo tàng, và có thể đứng hàng giờ ngắm các bức tranh và pho tượng của những nghệ sị bậc thầy. Ở nhà, Tony vẽ lại các bức họa treo trên tường, nhưng nó quá e thẹn, không dám đưa cho mẹ nó xem.

Nó rất dễ thương, thông minh và vui tính. Ngoài ra nó lại có tính bẽn lẽn, nhút nhát khiến cho mọi người cảm thấy dễ mến hơn nữa. Kate hãnh diện về con mình. Nó lúc nào cũng đứng đầu lớp. “Con đánh bại tất cả bọn chúng, phải không, con yêu quý của mẹ?” Thế rồi nàng cười to lên, ôm choàng lấy đứa con trong vòng tay.

Bé Tony lại cố gắng hơn nữa để xứng đáng với các kì vọng của mẹ nó.

Năm 1936, vào lần sinh nhật thứ mười hai của Tony, Kate trở về nhà sau một cuộc du hàng ở Trung Đông. Nàng rất nhớ Tony, và nóng lòng muốn gặp lại con. Tony đang ở nhà chờ mẹ. Nàng ôm nó vào lòng, hôn tíu tít và nói, “Mừng con nhân ngày sinh nhật! Ngày hôm nay con thấy có vui không?”

“Th… thưa m… mẹ. Co… con vu… vui lắm ạ”.

Kate lùi lại một bước, nhìn con chằm chằm. Nàng chưa hề thấy nó nói cà lăm như thế bao giờ. “Con có khoẻ không, Tony?”

“Kh… khoẻ. Cả… Cảm m… mơn m… mẹ”.

“Con không được nói cà lăm như thế. Nói thật chậm đi nào”.

“Vâng, th… thưa, M… mẹ”.

Trong năm tuần lễ kế tiếp đó, cái tật này của nó lại càng tệ hơn nữa. Kate quyết định phải nói chuyện với bác sĩ Harley. Sau khi khám xong, John Harley nói, “Về thể chất, chẳng có gì đáng ngại cả. Cậu ấy có bị một thứ áp lực gì đó không?”

“Con trai tôi à? Dĩ nhiên là không. Tại sao ông lại hỏi như vậy?”

“Tony là một đứa bé nhạy cảm. Tật cà lăm thường là một sự biểu hiện về mặt thể chất của một tâm trạng thất vọng, thấy mình không có khả năng đối phó”.

“Ông lầm rồi, bác sĩ ạ. Tony đứng hàng đầu về các trắc nghiệm học tập ở trường. Học kì vừa rồi, nó chiếm ba phần thưởng. Nó là một vận động viên hàng đầu, một học sinh giỏi nhất về mọi mặt, đứng đầu về các môn học nghệ thuật, văn chương. Không thể nói rằng như vậy là không có khả năng đối phó được”.

“À ra thế”, Ông nhìn thẳng vào mặt nàng. “Bà làm như thế nào mỗi khi cậu ấy nói cà lăm?”

“Cố nhiên là tôi sửa chữa cho nó”.

“Tôi đề nghị rằng bà không nên làm như thế. Bà càng cố sửa chữa, cậu ấy càng nói cà lăm nhiều hơn”.

Kate nổi giận, “Nếu Tony có vấn đề gì về mặt tâm lý, như ông nói, thì đó không phải là do mẹ nó. Tôi yêu quý nó. Nó cũng biết rõ điều ấy. Nó cũng biết rằng tôi cho nó là một đứa trẻ đặc biệt nhất trên thế gian này”.

Đó mới chính là cốt lõi của vấn đề. Không đứa trẻ nào có thể sống cho thật xứng đáng với điều kì vọng lớn lao ấy. Bác sĩ Harley nhìn xuống bản đồ biểu của ông. “Xem nào. Cậu bé lên mười hai rồi, phải không?”

“Phải”.

“Có lẽ tốt hơn hết bà cho cậu ấy đi xa một thời gian. Có thể đến một trường học tư ở một nơi nào đó”.

Kate nhìn ông bác sĩ chằm chằm.

“Để cho cậu ấy sống độc lập một thời gian. Cho đến khi cậu ấy học xong bậc trung học, Có một ít trường học rất tốt ở Thuỵ Sĩ”.

Thuỵ Sĩ! Ý tưởng cho Tony đi học xa như vậy thật là khủng khiếp đối với Kate. “Nó đang còn nhỏ, chưa được sẵn sang, nó…” Ông bác sĩ Harley nhìn nàng, chờ đợi. “Tôi sẽ suy nghĩ thêm về vấn đề này”, nàng nói.

Trưa hôm ấy, nàng huỷ bỏ một phiên họp của ban giám đốc, trở về nhà sớm. Tony đang ở trong phòng làm bài tập ở trường.

Tony nói, “Hô… hôm n… nay co… on đư… được toàn đi… ểm A, m… mẹ ạ”.

“Con có muốn đi học ở Thuỵ Sĩ không?”

Mặt Tony sáng lên. “Có đư… được khô… không, m… mẹ?”

Sáu tuần lễ sau, Kate cho Tony lên một chiếc tàu thuỷ. Nó lên đường đến trường Le Rosey ở Rolle, một thị trấn nhỏ bên bờ hồ Geneva. Kate đứng ở cầu tàu tại New York, nhìn cho đến khi chiếc tàu tách rời khỏi các tàu kéo. Mẹ kiếp! Mình lại phải vắng nó rồi. Rồi nàng quay lại, trở về chiếc xe hơi đang đứng đợi để đưa nàng về văn phòng.

Kate thích làm việc với Brad Rogers. Anh đã bốn mươi sáu tuổi, lớn hơn Kate hai tuổi. Qua nhiều năm tháng làm việc chung, họ đã trở thành những người bạn thân. Kate mến anh vì anh rất trung thành với Công ty Kruger-Brent. Brad chưa lập gia đình và có khá nhiều cô bạn gái xinh đẹp, nhưng dần dần Kate nhận ra rằng anh đã yêu nàng. Nhiều lần anh đưa ra những nhận xét cố tình làm ra vẻ mập mờ, khó hiểu, nhưng nàng muốn giữ mối liên hệ giữa hai người ở mức độ khách quan, nặng nề tính công việc. Nhưng có một lần nàng đã phá thông lệ ấy.

Brad bắt đầu thăm viếng một người nào đó rất đều đặn. Anh thức khuya và sáng hôm sau đi dự các phiên họp với dáng điệu mệt mỏi. Anh có vẻ như đãng trí, đầu óc để ở đâu đâu. Thật là một dấu hiệu không tốt cho việc làm của công ty. Một tháng trôi qua, thái độ ấy của anh lại càng trắng trợn hơn nữa. Kate quyết định phải ra tay. Nàng nhớ lại xưa kia David cũng suýt rời bỏ công ty vì một người đàn bà. Nàng không thể để cho một việc tương tự xảy ra với Brad.

Kate chuẩn bị đi sang Paris để thâu nhận một công ty xuất nhập khẩu, nhưng vào phút cuối cùng, nàng yêu cầu Brad đi cùng với nàng. Ngày đầu tiên, khi họ đến nơi, hai người tham dự các phiên họp, rồi đến tối họ cùng ăn cơm ở Grand Véfour. Sau đó, Kate yêu cầu Brad đến gặp nàng ở dãy phòng nàng thuê tại khách sạn George V để cùng xem xét các báo cáo của công ty mới. Khi Brad đến nơi, Kate đang chờ đợi anh trong một chiếc áo choàng mặc ở nhà mỏng dính.

“Tôi đem đến cho chị bản đề nghị đã được sửa chữa”, Brad mở lời, “như vậy chúng ta…”

“Cái ấy có thể để sau hẵng tính”, Kate nói nhẹ nhàng. Trong giọng nàng có vẻ như mời mọc, khiến Brad phải nhìn vào mặt nàng lần nữa. “Tôi muốn chỉ có hai chúng ta ở đây thôi, Brad ạ”.

“Kate…”

Nàng ngả vào hai cánh tay của Brad, ôm chàng sát vào người.

“Lạy Chúa!” anh nói. “Anh đã yêu em quá lâu rồi”.

“Em cũng vậy, Brad ạ”.

Rồi cả hai người đi vào phòng ngủ.

Kate là một phụ nữ tràn đầy dục tính, nhưng tất cả năng lực của nàng được dồn vào các lĩnh vực khác. Nàng được hoàn toàn thoả mãn trong công việc. Nàng cần Brad vì những lí do khác…

Kate không bao giờ ân ái với Brad một lần thứ hai nữa. Khi anh tỏ ra không thể nào hiểu được lý do vì sao nàng từ chối anh, nàng nói, “Anh không biết được em yêu thích anh như thế nào, Brad ạ, nhưng em lo sợ rằng chúng ta sẽ không làm việc được với nhau lâu dài. Cả hai chúng ta phải hi sinh”.

Brad Rogers cũng đành phải chấp nhận như vậy.

Trong khi công ty mỗi ngày một bành trướng thêm mãi, Kate lập nên những cơ sở từ thiện đóng góp cho các trường đại học, các nhà thờ và trường học. Nàng tiếp tục bổ túc cho bộ sưu tập nghệ thuật của mình. Nàng mua tranh của các danh hoạ thời kì Phục hưng và hậu Phục hưng như Raphael và Titian, Tintoretto và El Greco; và các hoạ sĩ thuộc xu hướng nghệ thuật baroque (1) như Rubens, Carevaggio và Van Dyck.

Bộ sưu tập của Blackwell nổi tiếng là bộ sưu tập của tư nhân quý giá nhất trên thế giới. Nổi tiếng, bởi vì không ai, ngoài các khách quý của gia đình, được phép xem bộ sưu tập ấy. Kate không cho phép người ta chụp ảnh các bức hoạ ấy, cũng không muốn thảo luận vấn đề với báo chí. Nàng có những quy tắc chặt chẽ, cứng rắn về báo chí. Cuộc sống riêng tư của gia đình Blackwell là điều không được ai xâm phạm. Cả gia nhân lẫn nhân viên công ty đều không được phép bàn luận về gia đình Blackwell. Dĩ nhiên, người ta không thể ngăn chặn được những tin đồn, những lời dự đoán, vì Kate Blackwell vốn là một nhân vật bí hiểm gây nhiều suy nghĩ, tò mò – một trong các phụ nữ giàu nhất, có quyền lực lớn lao nhất thế giới. Có hàng nghìn câu hỏi về nàng, nhưng rất ít lời giải đáp.

Kate điện thoại cho bà hiệu trưởng ở Le Rosey. “Tôi gọi điện thoại đến bà để hỏi xem Tony bây giờ ra sao”.

“À, cậu ấy học rất giỏi, bà Blackwell ạ. Con trai bà là một học sinh tuyệt vời…”

“Không, tôi không muốn hỏi về chuyện ấy”, nàng do dự một lát, như thể không muốn chấp nhận có một yếu kém nào trong gia đình Blackwell. “Tôi muốn hỏi về cái tật nói lắp của nó”.

“Thưa bà, tôi không thấy cậu ấy có dấu hiệu nào nói lắp cả. Cậu ấy hoàn toàn bình thường”.

Kate trút một tiếng thở dài khoan khoái. Nàng đã biết từ trước đến nay rằng cái tật ấy chì tạm thời thôi, một giai đoạn nào đó rồi sẽ phải qua đi. Mặc kệ các ông bác sĩ!

Tony trở về nhà bốn tuần lễ sau đó. Kate ra phi trường đón cậu. Tony trông có vẻ đẹp đẽ, khoẻ mạnh. Kate cảm thấy một niềm hãnh diện dâng tràn. “Chào con yêu quý của mẹ. Con khoẻ mạnh chứ?”

“Thư… thưa m… mẹ. Co… on vẫn kho… khoẻ. Thế cò… còn m… mẹ?”

Trong thời gian nghỉ ở nhà, Tony hăm hở muốn được xem những bức tranh mới mà mẹ cậu đã mua trong thời gian cậu vắng nhà. Cậu cảm thấy kinh hãi trước những bức hoạ của các bậc thầy, say mê với các bức tranh của các danh hoạ theo trường phái ấn tượng Pháp như Monet, Renoir, Manet và Morisot. Chúng gợi lên một thế giới thần bí đối với Tony. Cậu mua một bộ đủ các loại sơn, một cái giá vẽ, rồi bắt đầu làm việc. Cậu cho rằng những bức vẽ của cậu thật là kinh khủng nên không muốn đưa cho ai xem. Làm sao mà những bức hoạ của cậu có thể sánh được với những tác phẩm tuyệt tác ấy?

Kate nói với Tony, “Một ngày kia tất cả những bức hoạ này sẽ thuộc về con”.

Ý tưởng ấy gieo trong đầu óc của cậu bé mười ba tuổi một cảm giác khó chịu. Mẹ cậu không hiểu được cậu. Những bức hoạ ấy không bao giờ thực sự thuộc về cậu cả, bởi vì cậu đã không làm gì để có được chúng. Cậu có những cảm nghĩ mâu thuẫn khi thấy mình xa rời với mẹ cậu, vì tất cả mọi thứ xung quanh bà lúc nào cũng gây kích thích, sôi nổi. Bà ở ngay trung tâm điểm của một trận cuồng phong; bà đưa ra mệnh lệnh, thực hiện những vụ giao dịch lớn lao khó tưởng tượng nổi; bà đưa cậu đến những nơi xa lạ, giới thiệu cậu với những nhân vật nổi tiếng. Bà là một nhân vật đáng sợ, và cậu hãnh diện về bà vô cùng. Cậu cho rằng bà là một phụ nữ tuyệt vời, hấp dẫn nhất trên thế giới. Cậu cảm thấy vô cùng tội lỗi bởi vì chỉ khi trước mắt bà cậu mới nói lắp.

Kate không bao giờ có ý nghĩ rằng con trai bà rất kinh sợ bà cho đến một hôm, khi Tony về nhà trong dịp nghỉ, cậu hỏi, “Thư… thưa m…. mẹ, có… có… phải m… mẹ điều khi… iển cả thế giới không?”

Bà cười to và nói, “Dĩ nhiên là không rồi. Vì sao con lại đưa ra câu hỏi vớ vẩn như thế?”

“Tất cả… cả b… bạn bè con ở… ở trường đều nói về m… mẹ. Trời, mẹ thực sự là… là một c… cái gì đó…”

“Mẹ là “cái gì đó” thật, con ạ. Mẹ là mẹ của con mà”, Kate nói.

Tony muốn làm vừa lòng mẹ về tất cả mọi thứ. Cậu biết rằng đối với bà, công ty có một ý nghĩa rất lớn lao, bà đã làm biết bao nhiêu việc để chuẩn bị cho cậu sẽ đứng ra điều khiển nó một ngày nào đó, thế nhưng cậu lấy làm hối tiếc vì cậu biết cậu không thể làm như vậy được. Đó không phải là loại công việc mà cậu dự định sẽ làm trong cuộc đời mình.

Khi Tony giải thích điều này với mẹ thì bà cười to lên và nói, “Đừng có nói bậy, Tony ạ. Con đang còn ít tuổi quá, làm sao mà biết được việc gì con muốn làm trong tương lai?”.

Thế là cái tật cà lăm của Tony lại nổi lên.

Ý tưởng trở thành một hoạ sĩ khiến cho Tony cảm thấy thích thú. Bắt được cái đẹp, rồi giữ nó đông lạnh cho hậu thế vĩnh cửu, đó là một việc làm có ý nghĩa và thật là xứng đáng. Cậu muốn đi ra nước ngoài và theo học ở Pari, nhưng cậu biết rằng cậu sẽ phải đề cập đến vấn đề này với mẹ cậu một cách rất cẩn thận.

Hai mẹ con có những ngày vui tuyệt vời bên nhau. Kate là bà chủ của những bất động sản lớn lao. Bà đã mua những ngôi nhà ở Palm Beach và South Carolina, và một trại nuôi ngựa ở Kentucky. Bà và Tony vẫn thường đến thăm những nơi ấy trong các ngày nghỉ của Tony. Họ đi xem những cuộc đua tranh giải nước Mỹ ở Newport, và khi ở New York họ ăn cơm trưa tại nhà hàng Delmonico, dùng trà ở Plazza và ăn tối chủ nhật tại nhà hàng Luchow. Kate rất thích đua ngựa, và chuồng ngựa của bà được coi là tốt nhất thế giới. Khi nào một trong các con ngựa của bà tham gia cuộc đua và Tony có mặt ở nhà, bà thường đưa cậu đi đến trường đua. Hai người ngồi trong một lô riêng, và Tony thường ngạc nhiên nhìn thấy mẹ hò hét, hoan hô đến khản cả cổ. Cậu hiểu rằng sự vui sướng của bà không có liên quan gì đến tiền bạc.

“Nó sẽ thắng, Tony ạ. Nhớ điều đó nhé. Chiến thắng mới là vấn đề quan trọng nhất”.

Họ thường có những thời gian yên tĩnh, không làm gì cả, ở Dark Harbor. Họ mua sắm ở Pendleton và Coffin, ăn kem với sô đa ở tiệm Dark Harbor. Về mùa hè, họ đi thuyền, đi bộ, thăm viếng các bảo tàng. Về mùa đông, họ trượt trên băng, đi xe trượt tuyết. Họ ngồi trước lò sưởi trong thư viện, và Kate thường kể cho con trai nghe những chuyện xưa về gia đình, về ông nội của cậu, về Banda, và về buổi tặng quà mừng đứa trẻ mới sinh do bà Agnès và các cô gái đã tổ chức mừng bà nội của Tony. Thật là một gia đình nhiều màu sắc, một gia đình đáng hãnh diện và tràn đầy thương yếu.

“Kruger-Brent một ngày kia sẽ thuộc về con, Tony ạ. Con sẽ điều khiển nó và…”

“Co… con không muốn điều kh… khiển, mẹ ạ. Con không thích k… kinh doanh hay quyền lực”.

Kate đùng đùng nổi giận, “Con điên rồi à? Con biết gì về kinh doanh lớn lao và quyền lực cơ chứ? Con nghĩ rằng mẹ đi khắp nơi trên thế giới để gieo rắc xấu xa hay sao? Làm hại người ta hay sao? Con nghĩ rằng Kruger-Brent là một bộ máy làm tiền tàn bạo đè bẹp tất cả những gì cản trở bước tiến của nó hay sao? Thôi, để mẹ nói cho con biết, con ạ. Nó là thứ tốt nhất nhì sau Chúa Giêsu đấy, con ạ. Chúng ta là sự phục sinh, chúng ta cứu sống hàng trăm nghìn người. Khi chúng ta mở một nhà máy trong một cộng đồng hay một xứ sở nghèo nàn, đình trệ, dân chúng ở đấy nhờ vậy mà có thể mở trường học, thư viện, nhà thờ; họ có thể cho con cái họ ăn mặc tử tề và có những phương tiện giải trí”. Bà thở thật mạnh, vì bị lôi cuốn trong cơn giận dữ. “Chúng ra xây dựng các nhà máy ở những nơi nào dân chúng đói khổ, không có việc làm, và nhờ chúng ta, họ có cuộc sống tử tế và có thể ngẩng đầu lên cao. Chúng ta trở thành những vị cứu thế. Từ nay, đừng để cho mẹ phải nghe những lời nhạo báng của con về kinh doanh lớn và quyền lực nữa”.

Tony chỉ cón biết thốt ra mấy lời, “Co… con xin lỗi m… mẹ”.

Nhưng trong thâm tâm, cậu vẫn nghĩ một cách bướng bỉnh, “Mình sẽ trở thành một nghệ sĩ”.

Khi Tony mười lăm tuổi, Kate đề nghị cậu nên nghỉ hè tại Nam Phi. Cậu chưa hề đến nơi ấy bao giờ. “Mẹ chưa thể đi được vào lúc này, Tony ạ, nhưng con sẽ thấy rằng nơi ấy hấp dẫn lắm. Mẹ sẽ thu xếp mọi thứ cho con”.

“Con hi vọng được… được nghỉ hè ở Dark Harbor, m… mẹ ạ”.

“Nghỉ hè sang năm”, bà nói giọng cương quyết. “Hè này mẹ muốn con ở Johannesburg”.

Kate bàn luận cẩn thận với viên tổng đốc của công ty Johannesburg, và hai người cùng vạch ra lộ trình cho Tony. Mỗi ngày đều được sắp đặt cho một mục tiêu nhất định: tạo cho cuộc hành trình này trở nên thích thú tối đa đối với Tony, đồng thời giúp cậu nhận thức được tương lai của cậu gắn liền với công ty.

Kate nhận được báo cáo hàng ngày về con trai. Cậu đã được đi thăm một trong các mỏ vàng. Cậu đã trải qua hai ngày tại mỏ kim cương. Cậu đã được hướng dẫn đi thăm các nhà máy của Kruger-Brent và cùng tham dự một cuộc đi săn ở Kenya.

Một ít ngày trước khi kì nghỉ của Tony kết thúc, Kate điện thoại cho viên quản đốc công ty ở Johannesburg. “Tony bây giờ tiến bộ ra sao?”

“Ồ, cậu ấy vui thích lắm, thưa bà Blackwell. Thật thế, sáng nay cậu ấy hỏi thêm có thể ở lại lâu thêm chút nữa được không?”

Kate cảm thấy vui sướng tràn ngập. “Thật là tuyệt vời. Cảm ơn anh”.

Khi kì nghỉ hè chấm dứt, Tony đi Southampton, ở Anh; đến đó, cậu lên máy bay của hãng Pan American sang Mỹ. Kate thường đi máy bay của hãng Pan American khi nào có thể được. Nó làm cho bà không còn cảm thấy thích thú với các hãng máy bay khác nữa.

Kate bỏ một phiên họp quan trọng để đi đón con khi cậu vừa về đến tại trạm cuối cùng của hãng Pan Am ở phi trường mới xây La Guardia của thành phố New York. Nét mặt xinh đẹp của Tony rạng vẻ hăm hở.

“Con có vui không, con yêu quý?”

“Nam Phi là một thứ t… tuyệt vời, m… mẹ ạ. Mẹ có… biết họ lái m… máy bay cho con đi xem sa mạc Namib, nơi ông ngoại ăn cắp… cắp kim cương của cụ… cụ Van der Merwe không?”

“Ông ngoại không ăn cắp kim cương, Tony ạ”. Kate sửa chữa lại câu nói. “Ông ấy chỉ lấy lại cái thuộc về ông ấy mà thôi”.

“Cố nhiên rồi”, Tony nói. “Nhưng mà con đã đến nơi ấy. Không có sương mù, gọi là “mis”, nhưng vẫn còn… còn có người gác, chó và đủ… đủ mọi thứ”. Cậu nhe răng cười. “Họ không chịu cho con các mẫu kim cương”.

Kate cười vui vẻ. “Họ không cần phải cho con mẫu kim cương nào cả. Một ngày kia, tất cả sẽ thuộc về con”.

“Mẹ cứ nói với họ đi. Họ không… không chịu nghe… nghe lời con”.

Bà ôm hôn con trai. “Con vui thích thực sự, phải không?” Bà sung sướng, vì cuối cùng Tony đã tỏ ra thích thú với di sản của mình.

“M… mẹ có… có biết con thích cái gì nhất không?”

Kate cười âu yếm. “Cái gì hả con?”

“Màu sắc. Con… con vẽ nhiều phong cảnh ở đấy lắm. Con không muốn bỏ đi. Con muốn trở lại đó để… để vẽ”.

“Vẽ à?” Kate cố làm ra vẻ sốt sắng. “Có vẻ như đó là một trò giải trí thú vị đấy”.

“Không. Không phải là giải… giải trí đâu, m… mẹ ạ. Con muốn trở thành một hoạ… hoạ sĩ. Con đã suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Con sẽ… sẽ đi Paris để học. Con thực sự nghĩ con… con có năng khiếu”.

Kate cảm thấy căng thẳng. “Chắc con không muốn suốt đời làm nghề vẽ ấy”.

“Có. Con muốn như vậy, m… mẹ ạ. Đó là thứ duy nhất con thích”.

Thế là Kate biết rằng mình phải mất Tony rồi.

Nó có quyền được sống cuộc đời của nó. Kate thầm nghĩ. Nhưng làm thế nào mình có thể để nó phạm phải một sai lầm kinh khủng như vậy được?

Đến tháng chín năm ấy, quyết định ấy đã vọt ra khỏi tầm tay của cả hai người. Âu châu lâm vào cuộc đại chiến.

“Mẹ muốn con ghi danh theo học trường tài chánh và thương mại Wharton”, Kate nói với Tony. “Sau hai năm, nếu con vẫn còn thích làm một nghệ sĩ, mẹ cũng sẽ không phản đối gì”. Kate chắc chắn rằng đến lúc ấy Tony sẽ thay đổi ý kiến. Khó có thể tưởng tượng được rằng con trai bà sẽ chịu sống cả cuộc đời tô những màu bôi bác lên những miếng vải vẽ, trong khi nó có thể đứng đầu một tổ hợp công ty lớn mạnh nhất thế giới. Dẫu sao chăng nữa, nó cũng là con trai bà.

Đối với Kate Blackwell, Đại chiến II lại là một cơ hội lớn lao khác nữa. Khắp thế giới đều thiếu thốn các loại trang bị và vật liệu quân sự, nhưng Kruger-Brent vẫn có khả năng cung cấp các thứ ấy cho họ.

Một phân cục sản xuất của công ty chuyên cung cấp trang bị cho các lực lượng võ trang, một phân cục khác phụ trách các nhu cầu dân sự. Các nhà máy của công ty sẽ làm việc hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn.

Kate chắc chắn rằng nước Mỹ sẽ không thể nào đóng vai trò trung lập được. Tổng thống Franklin D. Roosevelt kêu gọi xứ sở ông phải là một xưởng vũ khí đạn dược để phục vụ cho dân chủ, và dự thảo luật thuê mướn vũ khí, Lend Lease Contract, được thúc đẩy thông qua Quốc hội. Các tàu của Đồng minh vượt qua Đại Tây Dương bị đe doạ bởi cuộc phong toả của nước Đức. Các loại tàu ngầm Đức tấn công và đánh chìm hàng chục tàu thuyền của Đồng minh, chiến đấu theo từng đội gồm tám chiếc một.

Nước Đức trở thành một lực lượng khủng khiếp, có vẻ như không thể nào ngăn cản nổi. Bất kể đến Hiệp ước Versailles, Adolf Hitler đã xây dựng một trong các bộ máy chiến tranh lớn nhất trong lịch sử. Theo một kĩ thuật mới gọi là Blitzkrieg, Đức tấn công Ba Lan, Bỉ và Hà Lan, rồi lần lượt tiếp theo đó, bộ máy quân sự Đức nhanh chóng đè bẹp Đan Mạch, Na Uy, Luxembourg và Pháp.

Kate ra tay hành động khi bà nhận được tin rằng những người Do Thái làm việc trong các xưởng Kruger-Brent, đã bị quân Quốc xã tịch thu tài sản, bắt bớ và đày tới tại các trại tập trung. Bà gọi điện thoại hai lần, và trong tuần lễ kế tiếp, bà lên đường qua Thuỵ Sĩ. Khi đến khách sạn Baur ở Zurich, bà nhận được thư của đại tá Brinkmann ngỏ ý muốn gặp bà. Brinkmann là quản đốc chi nhánh của Kruger-Brent ở Berlin. Khi xí nghiệp ở đấy bị chính phủ Đức trưng thu, ông ta được trao cấp bậc đại tá và được giữ lại để trông coi.

Ông ta đến gặp bà Kate Blackwell ở khách sạn. Đó là một người gầy còm, kĩ tính, với mái tóc hoe chải cẩn thận trên chiếc đầu gần như hói sọi.

“Tôi rất hân hạnh được gặp bà, thưa bà Blackwell. Tôi có lời nhắn của Chính phủ chúng tôi gửi đến cho bà. Tôi được phép đưa ra lời bảo đảm rằng ngay khi cuộc chiến tranh này chấm dứt, các nhà máy của bà sẽ được trả lại cho bà. Nước Đức sẽ là một cường quốc công nghệ lớn nhất thế giới, và chúng tôi hoan nghênh những người cộng tác như bà”.

“Nhưng nếu nước Đức thua trận thì sao?”

Đại tá Brinkmanm cố nở một nụ cười trên môi, “Cả bà lẫn tôi đều biết rằng một chuyện như vậy không thể nào xảy ra được, thưa bà Blackwell. Nước Mỹ đã khôn ngoan đứng ra bên ngoài các công việc của Âu châu. Tôi hi vọng rằng họ sẽ tiếp tục làm như vậy”.

“Chắc chắn là ông tin như vậy, đại tá ạ”. Bà vươn người ra phía trước, nói tiếp, “Tôi đã nghe đồn rằng những người Do Thái đang bị đưa đến các trại tập trung và bị tiêu diệt. Điều ấy có đúng không?”

“Tôi đoan chắc với bà rằng đó chỉ là tuyên truyền của người Anh thôi. Đúng là người Do Thái được đưa đến các trại lao động, nhưng với tư cách là một sĩ quan, tôi xin cam đoan với bà rằng họ được đối xử một cách xứng đáng”.

Kate tự hỏi không biết ý nghĩa của câu nói ấy như thế nào. Bà dự định sẽ tìm hiểu cho ra.

Ngày hôm sau, bà có một cuộc hẹn với một thương gia hành đầu người Đức, tên là Otto Bueller, tuổi trạc ngũ tuần, là một người trông có vẻ sang trọng với một vẻ mặt thương xót và cặp mắt đã từng nhìn thấy nỗi đau khổ sâu sắc. Hai người gặp nhau trong một quán cà phê nhỏ. Bueller chọn một chiếc bàn ở góc vắng vẻ.

Kate nói khe khẽ, “Tôi được nghe nói ông đã khởi sự một tổ chức bí mật nhằm lén lút đưa người Do Thái tới các nước trung lập. Có đúng như vậy không?”

“Không đúng đâu, bà Blackwell ạ. Một hành động như thế bị xem là phản bội lại Đệ tam Cộng hoà Đức Quốc xã”.

“Tôi cũng có nghe nói ông đang cần ngân quỹ để hoạt động”.

Bueller nhún vai, “Vì không có tổ chức bí mật nào cả nên tôi cần gì phải có ngân quỹ để điều hành nó, phải thế không?”

Mắt ông nhìn quanh ly cà phê với vẻ lo ngại. Đây là con người hít thở và ngủ với sự nguy hiểm mỗi ngày trong cuộc sống.

“Tôi hi vọng có thể giúp đỡ phần nào”, Kate nói một cách thận trọng. “Công ty Hữu hạn Kruger-Brent có nhà máy tại nhiều nước Đồng minh và trung lập. Nếu ai đó có thể đưa những người tị nạn đến các nơi ấy, tôi sẽ thu xếp cho họ có công ăn việc làm”.

Bueller vẫn tiếp tục ngồi nhấm nháp ly cà phê. Cuối cùng, ông nói, “Tôi không biết gì về chuyện này. Nhưng nếu bà quan tâm giúp đỡ một kẻ nào trong cơn hoạn nạn thì tôi xin giới thiệu một ông chú của tôi ở nước Anh. Ông ta đanh bị bệnh tê liệt kinh khủng lắm. Tiền thuốc thang rất cao”.

“Bao nhiêu?”

“Năm mươi nghìn đô la một tháng. Cần phải thu xếp làm sao để ký gửi số tiền trả các chi phí thuốc thang ở London, rồi chuyển số tiền ký gửi ấy cho một ngân hàng Thuỵ Sĩ”.

“Chuyện ấy có thể thu xếp được”.

“Ông chú tôi sẽ vui mừng lắm”.

Chừng tám tuần lễ sau, một làn sóng dân tị nạn, không lớn lắm nhưng đều đặn, bắt đầu tuôn đến các nước Đồng minh để làm việc tại các nhà máy Kruger-Brent.

Tony rời trường học sau hai năm học tập. Anh đi đến văn phòng của Kate để báo cho bà biết tin này. “Con… con đã cố… cố gắng, mẹ ạ, thực sự cố gắng nhưng con đã… quyết định rồi. Con muốn học… học hội hoạ khi nào chiến tranh chấm dứt, con sẽ đi… đi Paris”.

Mỗi lời nói như một nhát búa.

“Con… con biết m… mẹ thất vọng lắm, nhưng con phải sống cuộc sống của riêng con. Con biết con có thể khá… rất khá”. Anh nhận ra được vẻ mặt của Kate. “Con đã làm những gì mẹ yêu cầu con phải làm. Bây giờ mẹ phải… phải cho con một cơ hội làm theo ý muốn của con. Trường nghệ thuật Chicago đã chấp thuận cho con theo học”.

Đầu óc Kate quay cuồng. Những gì Tony muốn làm thật là sự phí phạm kinh khủng. Bà chỉ còn có thể thốt ra một câu hỏi, “Khi nào con dự định sẽ đi đến đó?”

“Ghi danh bắt đầu vào ngày mười lăm”.

“Hôm nay là ngày mấy?”

“Sáu, tháng mười hai”.

Ngày chủ nhật, mồng bảy tháng mười hai, năm 1941, các phi đội oanh tạc Nakajiama và phi cơ chiến đấu Zero của hải quân Hoàng gia Nhật tấn công Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), và ngày sau đó nước này lâm vào cuộc chiến. Trưa ngày hôm ấy, Tony đăng ký ra nhập thuỷ quân lục chiến Mỹ. Anh được đưa đến Quantico, Virginia, sau đó anh tốt nghiệp trường huấn luyện sĩ quan, rồi từ đó anh được đưa đến Nam Thái Bình Dương.

Cuộc chiến tranh với Nhật Bản tiến hành không mấy tốt đẹp. Các máy bay oanh tạc Nhật tấn công các căn cứ Mỹ ở Guam, Midway và đảo Wake. Quân Nhật chiếm cứ Singapore vào tháng hai năm 1942, rồi nhanh chóng tràn ngập New Britain, New Ireland, Admiralty và đảo Solomon. Tướng Douglas Mac Arthur buộc phải rút lui khỏi Phi Luật Tân. Các lực lượng dũng mãnh của phe Trục chậm rãi chinh phục toàn cầu, và bóng đen bao trùm khắp nơi. Kate lo sợ Tony bị bắt làm tù binh và bị hành hạ, tra tấn. Với tất cả quyền lực và ảnh hưởng của mình, bà không thể làm gì ngoài việc cầu nguyện. Mỗi lá thư của Tony là một tia hi vọng, một dấu hiệu cho biết rằng, một ít tuần lễ trước đó, Tony vẫn còn sống. “Họ không cho chúng con ở đây được biết chuyện gì cả”, Tony viết trong thư, “Người Nga còn giữ vững được không? Người lính Nhật tàn bạo, nhưng chúng ta phải kính phục họ. Họ không sợ chết…”

“Có chuyện gì xảy ra ở Mỹ? Các công nhân xí nghiệp có thực sự đình công để được lương cao hơn hay không?...”

“Loại tàu phóng ngư lôi “PT boat” hoạt động rất có hiệu quả ở đây. Những người điều khiển loại tàu ấy đều là những vị anh hùng cả…”.

“Mẹ có những quen biết lớn, vậy mẹ hãy gửi cho chúng con ít trăm chiếc tàu ngầm P4U, các chiến đấu cơ mới cho Hải quân. Rất nhớ mẹ…”

Ngày 7 tháng tám, 1942, quân Đồng minh bắt đầu các hoạt động tấn công của họ ở Thái Bình Dương. Thuỷ quân lục chiến của Mỹ đổ bộ ở Guadalcanal trên đảo Solomon, rồi từ nơi đó, họ chiếm lại các hòn đảo mà quân Nhật đã chiếm.

Ở Âu châu, phe Đồng minh vui mừng với một loạt thắng lợi liên tiếp. Ngày 6, tháng sáu, 1944, cuộc xâm lăng của phe đồng minh mở màn với các cuộc đổ bộ của quân Mỹ, Anh, Canada lên bãi biển Normandie, và một năm sau đó, ngày 7 tháng năm, 1945, nước Đức đầu hàng vô điều kiện.

Ở Nhật, ngày 6, tháng tám, 1945, một quả bom nguyên tử với sức tàn phá mạnh hơn hai mươi ngàn tấn TNT được thả xuống Heroshima. Ba ngày sau, một quả bom nguyên tử khác nữa được thả xuống thành phố Nagasaki. Ngày 14, tháng tám, người Nhật đầu hàng. Cuộc chiến tranh lâu dài và đẫm máu cuối cùng đã kết thúc.

Ba tháng sau đó, Tony trở về nhà. Anh và bà Kate đang ở Dark Harbor, ngồi trên sân thượng nhìn xuống vịnh điểm lấm chấm những cánh buồm trắng xoá.

Chiến tranh đã làm cho nó thay đổi, Kate thầm nghĩ. Tony biểu lộ những nét trưởng thành mới mẻ. Anh đã để râu mép mỏng, nước da rám nắng, trông đẹp trai, khoẻ mạnh. Quanh mắt anh có những vệt nhăn, trước kia không thấy. Kate tin chắc rằng những năm sống ở nước ngoài đã cho anh thời gian suy xét lại quyết định không làm việc cho công ty.

“Bây giờ con dự tính làm gì, hở con?” Kate hỏi.

Tony mỉm cười. “Như con đã nói với mẹ trước đây, các dự tính của mình bị làm gián đoạn một cách thô bạo, mẹ ạ. Con sẽ đi Paris”.

Chú thích:(1) Nghệ thuật “baroque” là một loại nghệ thuật (tranh vẽ, kiến trúc) mà đặc điểm là dùng rất nhiều hình trang trí hoa hoè, và các đường cong, hơn là dùng các đường thẳng – Nghệ thuật này rất thịnh vào các thế kỷ XVI, XVII và XVIII (1550 – 1750).

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.