Đứng trên góc độ của một thám tử tự do trẻ tuổi đẹp trai, tôi nhận thấy rằng cần nhanh chóng giải quyết vụ án này. Bởi những lon bia ướp đá mà tôi vừa mua đang dần hết lạnh. 10% giá tiền bỏ thêm để mua bia lạnh đang bị lãng phí vô ích. Một người trẻ độc thân thu nhập thấp như tôi không hề thích như vậy.
Tôi không muốn mất thêm thời gian ở đây nữa. Và những người khác cũng thế.
- Này vậy cậu định làm gì với chúng tôi đây? - Người đàn ông mập thấp lên tiếng.
- Chẳng phải bà cụ đã bảo đó là một người đàn ông cao và mập sao? Nếu vậy thì chắc chắn không phải là tôi rồi. - Người phụ nữ nói.
- Có thể giải quyết nhanh một chút được không? Ngày mai tôi có tiết sớm. - Anh chàng cao gầy thỏ thẻ.
Cậu cảnh sát trẻ cố gắng chau hai chân mày lại với nhau, mắt trừng lên để làm vẻ mặt hung dữ. Đáng tiếc khuôn mặt non choẹt, làn da trắng nỏn chỉ khiến biểu cảm của cậu ta càng trông dễ thương hơn.
- Hiện tại tôi chỉ có thể khẳng định một trong 3 người là nghi phạm tôi vừa truy đuổi. Tốt nhất nếu là ai thì người đó nên tự khai nhận, vì nếu tôi đưa các vị lên công an phường thì cũng sẽ lòi hết ra thôi. Tôi không muốn ảnh hưởng và mất thời gian của những người không liên quan. - Cậu cảnh sát cảnh cáo các nghi phạm.
Đúng theo motif quen thuộc trong truyện trinh thám, lúc này các nghi phạm sẽ bắt đầu buộc tội nhau.
- Vậy chắc là bà cô này, chỉ vào đi vệ sinh nhẹ thôi mà tận 15 phút, nếu so về thời gian thì rõ ràng cô ta là người vào toilet sau cùng rồi còn gì! - Người đàn ông mập mạp nói.
- Anh vô duyên vừa thôi, phụ nữ chúng tôi đi vệ sinh đâu phải chỉ để vệ sinh thôi đâu. Nghĩ kỹ xem làm gì có ai vào nhà vệ sinh công cộng hơn 30 phút còn chẳng muốn ra như anh chàng giáo viên này. - Người phụ nữ đá mặt về phía anh chàng cao gầy.
- Vì tôi mải chơi game thôi mà... nếu như tôi là tên trộm thì đã cố tình khai báo sao cho ít bị nghi ngờ nhất rồi.
- Nói vậy người có lời khai nghe qua thấy bình thường nhất là anh Hiếu đây chính là tên trộm mà tôi đang tìm kiếm rồi. - Cậu cảnh sát nói.
- Cậu hồ đồ vừa thôi. - Người đàn ông mập thấp quát.
Sau khi cáo buộc lần lượt cả 3 nghi phạm mà vẫn không tìm ra hung thủ, cậu cảnh sát trẻ đã không còn đủ kiên nhẫn.
- Ôi rắc rối quá! Tốt nhất cả 3 cứ theo tôi về phường, sẽ có biện pháp nghiệp vụ để khai thác các vị.
- Không cần đâu, tôi đã biết ai là tên trộm. - Tôi nói.
Lời tuyên bố hùng hồn vừa rồi của tôi chỉ gây được chú ý trong giây lát, ngay sau đó mọi người lại trở về tình trạng cãi nhau chí choé. "Thật bất lịch sự khi phớt lờ một thám tử trẻ tuổi, đẹp trai". Mà quên mất, mặc dù mọi người ở đây đều có thể tự nhìn ra gương mặt đẹp trai và trẻ trung của tôi, nhưng họ không thể nào đoán ra được tôi là một thám tử. Tôi vẫn chưa có dịp giới thiệu cho họ biết về mình. Tôi quên không mang theo business card.
- MỌI NGƯỜI THÔI CÃI NHAU ĐI! TÔI THẬT SỰ ĐÃ BIẾT AI LÀ TÊN TRỘM!
Biết là trông sẽ không được lịch lãm cho lắm, nhưng tôi buộc phải la thật to. Tiếng la to, hơi khó nghe, nhưng đã phát huy tác dụng. Cuộc cãi vã không hồi kết giữa mấy con người thô lỗ này rốt cuộc cũng dừng lại. Những ánh mắt hung tợn nãy giờ mà họ dành cho nhau, nay bỗng chuyển hết sang phía tôi. Mùi của sự nghi ngờ và khinh thường nồng nặc đến nỗi chỉ nhìn thôi tôi cũng nhận ra. Đặc biệt là từ người cậu cảnh sát trẻ.
- Này anh còn chưa gặp hắn bao giờ đấy. - Cậu cảnh sát cười khảy.
- Tôi dựa vào những mô tả của bà Ba, nhân chứng trực tiếp giáp mặt với hung thủ. - Tôi giải thích.
- Anh nên nhớ, cả 3 người này đều không có ai giống hoàn toàn với mô tả một người đàn ông cao và mập như lời bà cụ đây nói cả. - Cậu cảnh sát trẻ vặn lại tôi.
Những mâu thuẫn giữa lời mô tả của bà Ba và hình dáng thật của các nghi phạm chính là manh mối bí ẩn nhất. Chỉ cần giải đáp được bí ẩn này, thân thế của kẻ trộm nhất định lộ diện.
- Để giải thích cho những mâu thuẫn trong lời khai đó, tôi sẽ phân tích từng phần cho mọi người.
Xin hãy lắng nghe và trả lời các câu hỏi của tôi.
- Đầu tiên là chiều cao, bà Ba cho rằng đã bị một người cao ráo đâm vào. Cậu cảnh sát này, lúc cậu đuổi theo nghi phạm cậu có nghĩ hắn là một người cao ráo không?
Mất vài giây để hồi tưởng, cậu cảnh sát trả lời bằng vẻ mặt ngây ngô.
- Điều này cũng rất khó nói vì khi đó khá tối, khoảng cách giữa tôi và hắn lại khá xa. Nhưng tôi nghĩ hắn cũng không thể gọi là cao được.
- Vậy rốt cuộc là cao hay không? Sao mỗi người lại nói một kiểu vậy. - Người phụ nữ phát cáu.
- Là do vật đối chiếu có phải không? - Anh chàng cao gầy hỏi. - Nếu một người thấp nhìn một người bình thường sẽ cảm thấy người bình thường này cao hơn so với chiều cao thực của người đó, ngược lại với người bình thường hoặc người cao nhìn thấy. Cảm giác chiều cao càng bị sai lệch khi mức độ chênh lệch chiều cao giữa 2 người càng nhiều.
Khi những gợi ý phù hợp được đưa ra, những người kém thông minh lắm cũng sẽ có thể suy luận ra được.
- Hiểu rồi bởi vì bà cụ cao chưa đến 1m50 nên cảm giác về một người bình thường cũng có thể trở thành một người cao tận 1m80. - Cậu cảnh sát nói.
- Điều này càng được củng cố thêm khi có một thước đo thực tế. Chính là cái standee hình diễn viên Triệu Đạt dựng trước cửa hàng dụng cụ thể thao. Cậu có biết diễn viên Triệu Đạt cao bao nhiêu không? - Tôi hỏi cậu cảnh sát.
- Là 1m71, thật bất ngờ đúng không! Cậu ấy có thể hình cân đối đến mức nếu nhìn qua ảnh thì đều nghĩ là phải trên 1m80...
"Đây không phải là lúc để quảng bá cho thần tượng đâu cậu trai trẻ!".
- Tôi hiểu rồi, bà cụ vốn chỉ xem Triệu Đạt trên phim nên cũng chỉ ước chừng cậu ấy cao trên 1m80. Hôm nay khi nhìn thấy tên trộm chạy ngang qua tấm standee hình Triệu Đạt cũng có chiều cao ngang tầm, đã khiến bà cụ lầm tưởng hắn cũng là một người cao trên 1m80. - Người đàn ông cao gầy nói rõ thêm.
Để xác thực lại những suy đoán của mọi người, tôi hỏi bà Ba.
- Bà ơi, có phải kẻ đâm vào bà cao ngang với hình diễn viên Khang Minh dựng chỗ ngã tư không?
Không cần mất giây nào để hồi tưởng, bà Ba nhanh chóng khẳng định chắc nịch, vẻ mặt bà ánh lên nét tự tin.
- Đúng rồi nó cao gần bằng Khang Minh, bà nhìn thấy rõ ràng mà.
Những biểu cảm "Ồ!" lên pha trỗn giữa ngạc nhiên và thán phục. Nhưng tôi lại có cảm giác sự thân phục đó dường như không dành cho mình?
- Vậy là chúng ta đã có câu trả lời cho chiều cao, tiếp theo sẽ là lý do vì sao bà Ba cho rằng hắn là một người mập mạp? - Tôi tiếp tục.
- Mập thì là mập thôi, chẳng phải cứ bề ngang quá to so với chiều cao thì là mập sao? - Cậu cảnh sát càu nhàu.
- Tôi lại hỏi theo cậu người mà cậu đuổi theo có mập hay không?
- Tôi đã bảo là không biết rồi còn gì! Hắn mặc áo khoác chạy cách xa tôi làm sao mà biết mập hay ốm! Trừ khi lại gần thì...
- Lại gần thì có thể biết được sao? - Tôi hỏi lại.
- Tôi đâu có bị đui, lại gần sát mà còn không nhận ra. - Cậu cảnh sát bực tức quát.
Hình như cậu ấy đã hiểu lầm ý của tôi. Tôi đâu có nói là cậu ấy bị đui. Ý tôi là cậu ấy có mắt mà như mù.
- Bà ơi, có phải lúc đầu bà không biết cậu này là cảnh sát phải không? - Tôi quay lại hỏi bà Ba.
- Ừ! Nó che hết cả ánh sáng bà chả nhìn thấy bộ đồ nên đâu biết.
- Vậy vì sao bà biết tên đâm vào bà là người to béo? - Cậu cảnh sát cũng quay sang hỏi bà cụ.
- Là ảo giác. - Tôi nhanh chóng trả lời thay cho bà Ba. - Khi thị giác đột ngột bị một vật che chắn hết nguồn sáng trực diện duy nhất, sẽ sinh ra ảo giác làm cường hoá diện tích của vật thể đó. Điều ngược lại cũng diễn ra khi có một vật thể bị chiếu sáng bởi nhiều nguồn sáng, ảo giác sẽ khiến người ta cảm thấy vật ấy như bị thu nhỏ lại. - Tôi lý giải.
- Ôi trời! - Cậu cảnh sát thốt lên như vỡ lẽ ra vấn đề sau khi được tôi khai sáng. - Lời khai của bà cụ này đúng là không thể tin được. - Nhưng tôi đã nhầm, thì ra đó mới là điều khiến cậu ta phải than trời.
- Ít ra bà ta cũng phải phân biệt được giữa đàn ông và phụ nữ chứ? - Người phụ nữ lên tiếng.
- Tôi nghĩ chắc không đâu! Bà cụ không thể nhìn rõ mặt nghi phạm thì làm sao biết được đó là nam hay nữ? - Anh chàng giáo viên nhận định.
- Vậy vì sao bà lại khẳng định đó là đàn ông? - Cậu cảnh sát hỏi.
- Bà ơi, có phải bà đã nghe thấy điều gì đó từ cái người đâm vào bà không? - Tôi lại ngay lập tức trả lời câu hỏi của cậu cảnh sát, bằng cách đưa ra một câu hỏi khác cho bà Ba.
- Ừ! Lúc nó sắp đâm vào bà, nó có hét lên "Tránh ra!". Đó là một giọng đàn ông rất nặng và khó nghe.
- Vậy thì có gì lạ chứ? Ai hét lên mà chẳng khó nghe? - Cậu cảnh sát nói.
- Vấn đề không phải ở chỗ khó nghe, mà ở chỗ âm phát ra nghe nặng. Cậu là người miền Bắc đúng không?
- Ừ! Thì sao?
Cậu cảnh sát trả lời như thể nghĩ rằng tôi là kiểu người Nam kì thị người Bắc. Cậu ta hiểu nhầm ý tôi rồi. Tôi không phải là không thích người Bắc, tôi chỉ không thích cậu ta thôi.
- Bởi vì người miền Nam có cách phát âm khác, thay vì nói "tránh ra" thường chuyển thành "chánh da" hoặc "chánh ga" để giảm bớt độ trầm hay độ nặng của âm vực. - Tôi giải thích lí do của câu hỏi gây hiểu nhầm vừa rồi. - Tuy nhiên mức độ nặng thì lại xảy ra ở giọng của miền Bắc và nặng đến khó nghe thì thường là các tỉnh miền Trung đặc biệt như Huế, Quãng Nam, Quãng Ngãi...
Nói đến như vậy rồi, có lẽ đến cả trình độ thấp như học sinh tiểu học cũng đã đoán ra được ai là tên trộm.
- Anh nói những điều đó để làm gì? Có liên quan gì đến tên trộm? - Cậu cảnh sát trẻ thắc mắc.
Có lẽ tôi đã nhầm, học sinh tiểu học vẫn chưa phải là trình độ thấp nhất.
- Điều tôi muốn nói là trong số các nghi phạm đây, người nào không nói giọng miền Nam thì đó chính là kẻ trộm mà cậu đang tìm kiếm. - Trước mặt là một cảnh sát viên không bao giờ chịu động não. Ngay từ đầu tôi đáng lý nên bỏ qua các bước gợi ý lòng vòng, mà nói thẳng ra ai là kẻ trộm luôn mới phải.
- Nói vậy... tên trộm chính là cô sao? - Cậu cảnh sát viên chỉ điểm vào người phụ nữ.
"Ơn trời! Rốt cuộc cậu ấy cũng đã bắt kịp tiến độ.".
- Ê này, nói cái gì vậy, ai là trộm chứ? Cái gì cũng phải có bằng chứng nha! - Người phụ nữ quát.
Trước sự phủ nhận kiên quyết có phần gay gắt của người phụ nữ, mọi người đều bất giác trở nên dè chừng. Chỉ trừ người nào đã nắm được chính xác bằng chứng buộc tội tên trộm.
Hoặc người nào, tưởng rằng mình, đã nắm được chính xác bằng chứng buộc tội tên trộm.
- Hahahaha! - Viên cảnh sát cười lớn, đầu ngẩng cao, kiểu cách vô cùng đắc ý. - Bằng chứng chính là bệ vệ sinh ở phòng số 2 này.
Mọi người có vẻ khá bất ngờ nhưng vẫn chăm chú lắng nghe.
- Các anh là đàn ông nên chắc không biết, phụ nữ rất hiếm khi sử dụng bệ vệ sinh ở nhà vệ sinh công cộng, do thường mất nhiều thời gian để làm sạch miếng đệm trước khi sử dụng. Trong nhiều trường hợp họ thường chọn cách ngồi xổm lên miếng đệm nếu gặp phải một nhà vệ sinh đã cũ và xuống cấp. Tên trộm chỉ vừa vào nhà vệ sinh ít phút trước, hắn phải ngay lập tức cởi bỏ nón, áo và phi tang đồ lấy trộm nên chắc chắn không có thời gian để đi vệ sinh. Do đó chắc chắn trên bồn vệ sinh sẽ không để lại dấu giày của hắn. Nếu cô nói mình vừa đi vệ sinh thì chắc chắn trên miếng đệm của bệ vệ sinh phải còn in lại dấu giày của cô. - Cậu cảnh sát trẻ nói bằng một giọng kiên quyết.
- Nhưng chẳng phải anh vừa nói phụ nữ khá kĩ lưỡng khi sử dụng nhà vệ sinh sao, nếu thật sự có dấu giày để lại chắc cô ấy cũng sẽ rửa sạch lại sau khi đi vệ sinh xong. - Anh chàng giáo viên góp ý.
- Nếu vậy thì chắc chắn bệ vệ sinh sẽ bị ướt, tôi dám chắc là nó hoàn toàn khô ráo vì cô ta không hề sử dụng đến. - Cậu cảnh sát bổ sung.
- Nhưng nếu như ngay từ đầu cô ấy sử dụng nhà vệ sinh theo cách bình thường, tức là không ngồi xổm lên miếng đệm, thì sau khi sử dụng không cần phải rửa lại bệ vệ sinh, bệ vệ sinh cũng sẽ khô ráo có phải không? - Anh chàng giáo viên tiếp tục.
- Này rốt cuộc cậu là đàn ông hay là phụ nữ? Cậu hiểu rõ phụ nữ hơn tôi không? - Viên cảnh sát có vẻ tức giận khi những suy luận của anh lần lượt bị phát hiện sơ hở.
Không thể để những cuộc cãi vã vô bổ như vậy làm ảnh hưởng đến việc phá án. Tôi ngay lập tức đưa tay ra để giải hoà cũng vừa để giành sân khấu diễn nốt phần thoại cuối cùng của màn phá án.
- Mọi người bình tĩnh, bằng chứng ở ngay trên người cô ta thôi. Mọi người không cảm thấy lạ khi trong túi tang vật mà tên trộm bỏ lại, thiếu mất một thứ sao? - Tôi nói.
- Thiếu thứ gì? - Cậu cảnh sát thắc mắc.
- Chính là một đôi găng tay cao su. Tôi nghĩ lúc định tháo đôi găng ra vứt vào thùng rác cô ấy đã lo sợ dấu vân tay của mình còn lưu lại ở mặt trong của găng, cũng như là một vài vị trí bên ngoài của chiếc găng khi cô ta dùng tay không để tháo chiếc găng thứ hai. Chính vì vậy cô ấy quyết định sẽ tạm giấu đôi găng bên mình rồi tìm cơ hội tiêu huỷ sau. Nếu tôi đoán không nhầm, đôi găng tay đang nằm bên trong đôi giày cô đây đang mang. Cậu có thể yêu cầu khám thử.
Sau khi tôi vừa dứt lời, tất cả đều đồng loạt hướng ánh nhìn vào đôi giày thể thao cổ cao của người phụ nữ. Riêng cô ta chỉ cuối gầm mặt, thả lỏng cơ vai, thở một hơi dài rồi nói một câu hơi nhỏ nhưng vẫn có thể nghe được.
- Thôi, không cần đâu, tôi nhận tội.
Người phụ nữ sau đó khai với chúng tôi rằng cô ta đang ở khu nhà trọ đối diện với căn hộ mà cô ta vừa trộm. Sau nhiều lần quan sát, nắm được thói quen thường đi chơi đêm của chủ căn hộ, cô ta đã lên kế hoạch lẻn vào nhà người hàng xóm của mình để kiếm chác. Phi vụ vốn dĩ tưởng sẽ thành công mỹ mãn nếu như không gặp phải cậu cảnh sát điều tra, bà Ba và tôi.
Kết thúc vụ án, kẻ trộm được cảnh sát áp giải về đồn. Những người (từng là) nghi phạm, nhân chứng (cho lời chứng sai) và thám tử (người không liên quan) ai trở về nhà nấy.
Trở về với máy lạnh và cố mà ngủ, trước khi trời kịp sáng.