Tháng Ngày Giành Ảnh Đế Với Thái Tử

Chương 65



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Đóng máy.

Trong cảnh cuối cùng của “Tiên phong”, Cố Nhạn Thanh đã chạy khỏi sa mạc chết chóc và trở lại chiến trường. Nhưng sau cùng, hắn chết dưới thanh đao của một binh sĩ bình thường ở Lê quốc – kẻ đã cho rằng hắn là chó cản đường.

Tuy nhiên, đây là phân cảnh đòi hỏi tính thẩm mỹ cao. Nhạc nền, bối cảnh và chuyển động của máy quay phải tạo được không khí bi tráng, có thể nói đây là cảnh mãn nhãn nhất của bộ phim. Rốt cuộc phim có thể đạt tới trình độ cao bao nhiêu còn tùy thuộc vào hiệu ứng của cảnh này. Đây cũng là phân cảnh hao tốn của cải nhất trong toàn bộ tác phẩm. Nó được thực hiện với số lượng lớn diễn viên quần chúng, cùng các cảnh quay trên không và thêm hiệu ứng CG[1] ở hậu kỳ. Nó phải thể hiện được tinh thần chiến đấu và vẻ thảm khốc trên chiến trường ở mức độ lớn nhất, đồng thời cần bảo đảm tính thẩm mỹ xuyên suốt toàn phim. Tựu trung, mỗi một giây đều đang đốt tiền.

[1] CG (Computer Graphic) hay CG Artwork là thuật ngữ để chỉ các hiệu ứng đồ hoạ vi tính được thêm vào phim để khung hình trở nên chân thật và sống động hơn. 

Là nhân vật chính duy nhất xuất hiện trong cảnh quay và không có lời thoại, Trần Đại Xuyên ắt phải chịu áp lực rất lớn.

Trong vài giây trước khi Cố Nhạn Thanh chết, hắn sẽ có phản ứng gì? —— Điều này không viết trong kịch bản, và chẳng có cách nào để viết rõ ràng.

Trần Đại Xuyên đã phân tích chi tiết về cảnh này từ khá sớm. Anh quả thật tìm ra nhiều phương thức diễn xuất khác nhau, song rõ ràng là không đạt yêu cầu.

Chỉ mỗi cảnh này mà quay đi quay lại trong ba ngày với hàng chục lần: nào là bi tráng đến mức rơi lệ, nào là tuyệt vọng đến mức nghẹt thở, hay nỗi đau tột cùng cứ hoài dằn vặt… Không quá lời khi nói rằng Trần Đại Xuyên đã diễn giải tất cả cung bậc cảm xúc mà con người có thể có trong tình huống ấy.

Nhưng sau tất cả, Ấn Tây trước màn hình theo dõi vẫn lắc đầu.

Trần Đại Xuyên càng không hài lòng. Khi đứng dậy từ trên mặt đất, bởi lớp hóa trang bụi bặm và vẻ mặt xám xịt nên trông anh như đám mây đen đang sà xuống vội vã.

Trần Đại Xuyên bước đến màn hình, xem lại phân cảnh vừa nãy với Ấn Tây.

Cảm xúc bùng nổ đúng lúc đúng chỗ, đích thị là một cảnh kinh điển đáng khen ngợi trong bất kỳ bộ phim nào. Nhưng nó, vẫn không phải là thứ mà Trần Đại Xuyên mong muốn.

Anh khẽ thở dài.

Với tư cách là đạo diễn, Ấn Tây cũng chẳng có cách nào giúp Trần Đại Xuyên. Y đành nói vài lời an ủi sáo rỗng: “Hay nghỉ hai bữa, tìm cảm giác rồi tính tiếp?”

“Tôi tìm bao nhiêu lâu rồi mà vẫn thế, nghỉ hai bữa cũng vô dụng thôi.” Trần Đại Xuyên lắc đầu.

Lý Tùng Nhất thấy họ căng thẳng quá, bèn đon đả rằng: “Hay cứ nằm sải lai giữa đường, đừng chường mặt ra, để cho khán giả tự tưởng tượng?”

Ấn Tây và Trần Đại Xuyên đều phì cười. Đoạn y đứng trên góc nhìn đạo diễn cho hay: “Đó cũng là một cách. Quay lưng lại với bầu trời, tượng trưng cho nỗi buồn về số phận của Cố Nhạn Thanh vĩnh viễn không được ánh dương chiếu rọi; khuôn mặt hướng về bùn đất là hình ảnh ẩn dụ cho bức chân dung về cuộc đời Cố Nhạn Thanh, thực ra ảnh luôn sống trong bùn, đến khi chết cũng muốn trở về với bùn…”

Ấn Tây nín bặt, sau đó ôm bụng cười phá lên với Lý Tùng Nhất.

Trần Đại Xuyên cười nhẹ, rồi viện cớ nghỉ ngơi mà ngồi xuống ở góc hẻo lánh thưa người.

Trời dần tối, một ngày nữa lại sắp trôi qua.

Ấn Tây nháy mắt với Lý Tùng Nhất: “An ủi cậu ấy đi.”

Y không cần lên tiếng, Lý Tùng Nhất cũng sẽ đi.

Cậu ngồi xuống bên cạnh Trần Đại Xuyên. Đây là một cồn cát cao hơn đôi chút, ngồi ở đây có thể nhìn thấy mặt trời tròn xoe đang buông xuống từng chút một.

“Lúc tôi chết, cảm giác cực kỳ khó chịu.” Lý Tùng Nhất nói. “Nguyên nhân chính là chất lượng thuốc độc anh đưa tệ quá. Đắng tới nỗi cứ như dạ dày đang bị axit ăn mòn. Nhưng cũng may hiệu quả rất nhanh, chưa bao lâu đã ngỏm.”

Trần Đại Xuyên cười khẽ, đoạn nhấn mạnh lần nữa: “Tôi không ban rượu độc cho em.”

“Rồi, rồi. Tất cả đều là lỗi của Cao Chương.” Lý Tùng Nhất nở nụ cười từ thiện.

“Thực ra, vào cái đêm Bát Vương gia dấy binh, tôi đã cảm nhận được hơi thở của cái chết. Nói sao ta? Nó từa tựa sương mù, bao quanh từng chút từng chút. Tôi ngồi một chỗ và nhìn sương mù kéo tới, nhưng chả có cách nào thoát khỏi.” Lý Tùng Nhất kể về những gì mình cảm nhận lúc đó, giọng điệu bình thản cứ như là người ngoài cuộc. “Đến khi nó chạm vào cơ thể mình, tôi chỉ còn cách chấp nhận thôi. Tôi không có suy nghĩ phải đấu tranh, hay phải giãy giụa. Tôi trách mình, trách trời; mà tuyệt nhiên không đổ lỗi cho cái chết. Tôi mới biết rằng, thứ mạnh mẽ nhất trên đời là sự chết. Dù vĩ nhân khi đối mặt với cái chết đang ập đến, cũng không hề trách mắng lấy một câu.”

Trần Đại Xuyên nghiêng đầu nhìn Lý Tùng Nhất. Sa mạc hoang vắng phản chiếu ánh hoàng hôn sẫm màu, những vệt nắng cuối cùng dường như đang hôn lên đôi gò má cậu.

Lý Tùng Nhất cũng nghiêng đầu, nở nụ cười tươi rói với anh: “Kể tôi nghe anh chết thế nào đi, cho tôi an ủi chút nhé.”

Như làn gió dịu dàng đánh thức đóa hoa đã phơi mình trong sương gió ngàn năm, ánh mắt Trần Đại Xuyên như thể chiếc lá đang từ từ hé mở.

“Tôi bị Lý Đán, anh của em giết.”

Lý Tùng Nhất đăm chiêu một hồi nhưng vẫn không nhớ ra bộ dáng cụ thể của Lý Đán, gần như cả đời cậu đã sống ở Nam Tuyên. Từ khi trở thành con tin, cậu không còn liên quan gì đến với những thứ gọi là “họ hàng thân thích”.

“Cũng không hẳn do Lý Đán giết. Lúc đó tôi bị thương nặng lắm, chính Lý Đán là người cho tôi đòn trí mạng cuối cùng.” Trần Đại Xuyên hướng ánh nhìn xuống đất. “Chiến trường hỗn loạn, đao thương không có mắt. Dù tôi là Thái tử, nhưng mạng sống nào quý hơn ai. Trước khi lên đường, tôi chưa từng nghĩ đây là trận đánh cuối cùng đời mình.”

Lý Tùng Nhất hỏi: “Lý Đán dùng vũ khí gì? Đâm anh ở đâu?”

“Hồng anh thương[2].” Trần Đại Xuyên vuốt ve bụng trên bên trái. “Đâm ở đây.”

Chú thích [2].



Lý Tùng Nhất cúi nhìn, ánh mắt tò mò săm soi: “Tôi nghe người ta nói, vết thương khi chết ở kiếp trước là vết bớt ở kiếp này. Ở đó có bớt không?”

Trần Đại Xuyên bật cười: “Không có.”

“Vậy nó có khác gì với mấy chỗ kia không? Kiểu kiểu mềm hơn, trắng hơn hay đen hơn đó.” Lý Tùng Nhất đặt vấn đề một cách chẳng biết mệt mỏi.

Trần Đại Xuyên ngập ngừng: “Tôi… Thực ra, tôi không để ý lắm.”

“Tôi xem cho anh!” Lý Tùng Nhất cao giọng. “Anh vén áo lên đi.”

Trần Đại Xuyên cảm thấy trò này lắm ấu trĩ, thành thử không hùa theo Lý Tùng Nhất. Nhưng cậu vừa dứt lời, đã táy máy tay chân vén áo giúp Trần Đại Xuyên.

Trên người anh là quân phục rách nát, vén lên khá phiền phức. Lý Tùng Nhất loay hoay cả buổi chẳng tìm được chỗ nào ra tay.

Trần Đại Xuyên ngưa ngứa, đành phải dung túng cho hành vi nghịch ngợm của Lý Tùng Nhất. Anh cởi vạt áo trước của mình, tiện cho cậu vén lên.

Ấn Tây ngóng nhìn từ xa, bàng hoàng trông thấy hai bóng người đang quấn quít với nhau. Y nhủ bụng: Chà chà chà, an ủi mà phải cởi cả quần áo. Tuyên dâm giữa ban ngày ban mặt, chà chà chà.

Lý Tùng Nhất nhìn cơ bụng sáu múi của Trần Đại Xuyên mà thầm tấm tắc, đoạn hỏi: “Ở đâu?”

Trần Đại Xuyên thử nhớ lại, sau đó chỉ vào vị trí cụ thể ở bụng dưới bên trái: “À, tôi nhớ rồi. Nơi này mới bị hồng anh thương đâm xuyên… Lý Đán tàn nhẫn thật.”

Chắc hẳn khi ấy máu chảy nhiều lắm, văng khắp tứ phía. Có lẽ nó tựa như tấm thảm đỏ rực, âm thầm và mạnh mẽ đưa Tuyên Từ rời khỏi thế giới Nam Tuyên. Nhưng giờ đây, chẳng có gì đặc biệt nơi đó. Nó giống như các bộ phận khác của bụng dưới, mịn màng lẫn săn chắc.

Lý Tùng Nhất hít sâu, chậm rãi phủ lòng bàn tay lên đó. Cậu ấn mạnh, hỏi rằng: “Đau không?”

Trần Đại Xuyên chỉ cảm thấy có một ngọn lửa bùng cháy, đang khuấy động tất cả thần kinh ngoại biên. Nôn nóng, khát khô và cảm giác chộn rộn bao trùm lấy anh. Trần Đại Xuyên nhìn chằm chằm Lý Tùng Nhất bằng ánh mắt nheo nheo, nói giọng khàn khàn: “Đương nhiên bây giờ không đau.”

Lý Tùng Nhất ấn mạnh hơn: “Đau không?”

Trần Đại Xuyên khẽ lắc đầu. Anh chống một tay xuống đất, cố giữ mình không ngã xuống.

“Đau.” Lý Tùng Nhất cố chấp. “Anh nghĩ kỹ đi. Rất đau.”

Trần Đại Xuyên ngỡ ngàng. Đê mê trong mắt thình lình nhạt nhòa như thủy triều rút, thứ dâng lên lại là một tia sáng rạng rỡ.

“Đau.” Trần Đại Xuyên nói.

Lý Tùng Nhất mỉm cười, giúp anh chỉnh lại vạt áo.

Hai người đứng dậy, chạy về phía trường quay.

Trần Đại Xuyên cất tiếng: “Ấn Tây, quay tiếp!”

“Nhanh vậy ta.” Ấn Tây lầm bầm, chẳng biết y đang nói nhanh cái gì.

“Đổi đao thành hồng anh thương.” Trần Đại Xuyên nói với những người trong đoàn phim. Anh chỉ vào bụng, dặn dò với diễn viên thủ vai tên lính. “Cậu đâm vào chỗ này. Cứ đâm mạnh vào, đừng sợ tôi đau.”

Cậu nhóc vội vàng gật đầu.

“Lần này OK chứ?” Ấn Tây hỏi Lý Tùng Nhất trong khi chờ các diễn viên vào chỗ.

Lý Tùng Nhất gật đầu: “OK.”

Ấn Tây khoái trá cười: “Phương pháp của cậu hiệu quả ghê.”

Lý Tùng Nhất liếc y: “Sao bản mặt anh cứ gian gian thế nhỉ?”

Ấn Tây không trả lời, chỉ cười tủm tỉm mãi.

Ánh chiều tà ráng màu máu, lan rộng từ phía chân trời. Đây là ánh sáng tự nhiên thích hợp nhất cho cốt truyện, nếu bỏ lỡ thì chẳng biết khi nào mới có lại.

Nhân viên đoàn làm phim vào vị trí, sẵn sàng cho cảnh quay cuối cùng.

Ấn Tây hít sâu, đoạn hô: “Action.”

Tiếng trống xung trận vang trời, đội quân hai bên không mấy tích cực chém giết mà thụ động vùng vẫy do tác động của ngọn sóng lịch sử. Họ liều mạng vung gươm, như người chết đuối van nài sự sống.

Khi chiến trường ngày càng kịch liệt, cũng là lúc đội hình thay đổi liên tục.

Cố Nhạn Thanh muốn vòng qua chiến trường cốt đến doanh trại hậu phương của Lê quốc, sau cùng vẫn bị cuốn vào dòng chảy của đám đông.

Hắn loạng choạng, túm lấy một binh lính nước mình: “Đưa ta đi gặp…”

Nhưng tên lính nọ giết đến mức đỏ mắt, chiến trường thảm khốc đã khiến gã như rơi vào địa ngục. Lý trí vụt tắt, gã trở tay đâm hồng anh thương vào Cố Nhạn Thanh.

Tại khoảnh khắc này, mọi thứ hóa thành bức tranh đen trắng im phăng phắc.

Cố Nhạn Thanh hấp hối ngã xuống, mắt mở trừng trừng nhìn bầu trời trên cao.

Trong mắt hắn, bầu trời trắng xóa là thứ cuối cùng trước khi bóng tối bao phủ.

Camera-man theo sát, ghi lại cận cảnh hình ảnh này.

Những người quan sát đằng sau màn hình đã nín thở. Phản ứng đầu tiên của họ là chẳng thể tin rằng đây thực sự là cảm xúc mà một người còn sống có thể thể hiện. Như dòng thời gian lặng lẽ chảy trên khuôn mặt, hùng vĩ mà âm thầm, phá hủy mọi thứ và lại định hình mọi thứ. Sau đó họ thảng thốt khi nhận ra, cảm xúc này chỉ có anh mới khiến nó nở rộ với tinh thần rạng rỡ là thế. Và cũng chỉ có anh, mới có thể truyền tải dòng chảy lịch sử bằng một ánh mắt.

Đây là cảnh quay mà Ấn Tây đã ao ước từ lâu, nhưng chẳng có cách nào nói rõ. Y không cần một cảm xúc đơn lẻ. Nó không nên là đau buồn, tuyệt vọng hay hối hận, mà phải là ánh mắt chứa đựng biết bao câu chuyện lịch sử đen trắng.

—— Đó là hàng nghìn năm lịch sử của loài người về chiến tranh, văn minh và sinh tồn.

Vào thời điểm trước khi Cố Nhạn Thanh tắt thở, thực ra hắn đã đứng bên bờ sông dài của thời gian và nhìn lịch sử trôi qua.

Máy ảnh dừng tại đây, đóng băng khuôn mặt xám ngoét của Cố Nhạn Thanh. Nhưng mọi thứ bên ngoài khung hình hãy còn tiếp tục. Cuộc chiến chưa hề dừng lại, tiếng chém giết vang vọng khắp nơi. Máu của hàng ngàn binh sĩ văng vào ống kính, cũng văng lên khuôn mặt Cố Nhạn Thanh.

Song tất thảy những điều này đã chẳng còn liên quan đến hắn, dẫu thật gần mà sao lại quá xa. Đôi mắt hắn nom như đống tro tàn của ngọn lửa sắp bùng cháy. Nó phát ra tia sáng ngắn ngủi, rồi hoàn toàn lịm tắt.

Chết chóc. Lạnh lẽo. Và điều đáng sợ nhất, là nó chẳng liên quan đến thế giới này.

Không phải diễn xuất.

Đây là một cái chết thực sự.

Ống kính từ từ lên cao, khuôn mặt Cố Nhạn Thanh trở nên mờ đi trong màn ảnh. Thi thể nhỏ bé nằm giữa chiến trường máu me hoang tàn hiện ra trong mắt mọi người. Dưới đàn chim chao liệng nơi bầu trời trắng xóa, vạn vật trên đời như hòa trong sắc màu tăm tối của buổi hoàng hôn. Máu của những con người đang sống ấy, không khác gì màu cỏ dại đầy nhựa sống bên đường. Đen bóng. Mờ ảo và hư vô. Một cơn mưa rào cũng đủ rửa trôi hết thảy dấu vết chiến tranh. Đó là dấu vết của những đảng phái đấu đá nhau, là dấu vết thú tính của con người.

Thật nực cười, cũng thật đáng buồn.

Trong hậu kỳ, phân cảnh này sẽ lồng thêm nhạc nền xen lẫn với tiếng la hét trên chiến trường. Tất cả đều góp phần hòa giọng cho bản “Táng Ca” chỉ vỏn vẹn vài âm tiết.

Ấn Tây đã dành nhiều tâm sức vào việc lựa chọn nhạc phim. Y đặc biệt đến thăm một nghệ sĩ lớn tuổi nổi tiếng trong thế kỷ trước, nhờ ông phổ nhạc và hát chính cho bộ phim “Tiên phong”.

Nghệ sĩ lớn tuổi vốn nhận lời phổ nhạc nhưng lại từ chối hát chính. Ông bảo rằng mình đã già, nên giọng ca chẳng còn hùng hồn như xưa. Chưa kể ông không thể lên nốt cao, xuống nốt thấp cũng mất đi sự hoàn hảo.

Ấn Tây lại khăng khăng muốn ông hát chính.

Bất ngờ thay, chất giọng già dặn đầy kinh nghiệm và cách hát không kỹ xảo của người nghệ sĩ đã làm tăng thêm vẻ giản dị và cảm xúc chân thật cho “Táng Ca”.

“Táng Ca” kết thúc, “Tiên phong” hạ màn.

Tại trường quay, mọi cặp mắt sau màn hình theo dõi đã hoen đỏ. Trong lòng họ cồn lên những cảm xúc không thể diễn tả thành lời.

Trần Đại Xuyên nằm trên đất với đôi mắt mở to, mãi vẫn không đứng dậy.

Như thể thực sự đã chết.

Lý Tùng Nhất bước tới, gọi anh: “Đứng dậy nào.”

Đôi mắt Trần Đại Xuyên lóe lên chút ánh sáng nhỏ nhoi, biểu cảm trên mặt tuồng như đã đông cứng.

Lý Tùng Nhất nghe thấy lòng mình đang gào thét, đang run rẩy. Chỉ có cậu biết người nằm ở đây là Tuyên Từ, người đã chết là Tuyên Từ mà thôi.

Lý Tùng Nhất cười nhẹ, đoạn ngồi xổm xuống. Cậu nắm tay anh, và gọi tên anh bằng chất giọng dịu dàng: “Trần Đại Xuyên à, dậy thôi. Anh quay xong rồi, hay lắm đó.”

Bấy giờ, linh hồn mới dần trở lại thể xác. Trần Đại Xuyên chậm rãi mỉm cười. Từ khi sống lại cho đến nay, chỉ có Lý Tùng Nhất ở bên anh.

Thật tốt, nhỉ?

Tiếp theo vẫn cần phải quay thêm một số cảnh, chẳng hạn như khoảnh khắc hồng anh thương đâm xuyên qua người hay hình ảnh đôi tay lấm lem bùn đất nắm chặt đầu thương. Đến hậu kỳ thêm hiệu ứng đặc biệt, thì hình ảnh đó lại càng chấn động.

Những tình tiết vụn vặt này quá dễ dàng, nhoáng cái là Trần Đại Xuyên đã làm xong.

Từ phút giây này, các cảnh quay trên sa mạc đã hoàn toàn chấm hết.

Đoàn phim trở lại phố thị nhộn nhịp, tiếp tục hoàn tất các phân cảnh còn lại trong trường quay.

Mười tháng cho tất cả. Và cuối cùng trong tháng Bảy mát mẻ, “Tiên phong” chính thức đóng máy.

*

Tác giả có điều muốn nói:

Sau đây là một chút bé xíu liên quan đến chính văn, hơi dài đó. Bạn nào không muốn đọc thì có thể lướt tới chương sau nha ~

Ở chương này, tôi vốn trích một khổ thơ trong nguyên tác “Táng Ca”. Thực ra tôi rất thích câu “Mùa xuân cũng xanh, mùa thu cũng vàng”. Nhưng cả bài thơ không rõ nguồn gốc, và thông tin tìm thấy trên mạng siêu khó hiểu, hình như có liên quan đến “Tự biểu văn của Phong Thường Thanh”. Sau này các bạn độc giả nhắc nhở rằng, đây hẳn là một khổ “Táng Ca” trong tác phẩm “Thiên Hành Kiện” của Yến Lũy Sinh. Nhưng tôi thấy có điểm khác biệt, câu thơ “Mùa xuân cũng xanh, mùa thu cũng vàng” không nằm trong đó.

Thế là tôi cứ tìm, sau rốt phát hiện đó là bài thơ của một người ẩn danh viết lại dựa tên tác phẩm của Yến Lũy Sinh.

Nói chung xấu hổ quá… Tuy tôi siêu thích câu “Mùa xuân cũng xanh, mùa thu cũng vàng” nhưng bản viết lại thiếu tôn trọng tác giả, thành thử tôi quyết định xóa luôn đoạn này.

Tôi đăng cả bản gốc và phiên bản viết lại ở đây. Tôi thực sự, thực sự thán phục tài năng của Yến Lũy Sinh.

Bản gốc:

Nay thân đã chết, an táng sơn dương. Sơn thật hùng vĩ, thiên lại trắng xóa.

Sơn này có mộc, quốc có tang. Hồn này trở về, gặp lại nước nhà.

Nay thân đã chết, an táng sơn dương. Nhân sinh ngắn ngủi, năm tháng phí hoài.

Sinh này có số, tử có mệnh. Hồn này trở về, gặp lại non sông.

Thân đã không còn, an táng chân núi. Trời cao lồng lộng, gió đùa hiu hiu.

Nâng cao chiến kỳ, vung binh khí. Hồn này trở về, bảo vệ nước nhà.

Dưới đây là bản viết lại, cũng là phiên bản tôi đã chọn trước đây:

Nay thân đã chết, an táng sơn dương. Sơn thật hùng vĩ, thiên lại trắng xóa. Sơn này có mộc, quốc có tang. Hồn này trở về, gặp lại nước nhà.

Nay thân đã chết, an táng sông xưa. Sinh tức mơ hồ, chết cũng mênh mang. Nơi nào vui mừng, nơi nào tang. Hồn này trở về, đừng nhớ xứ khác.

Thân đã không còn, an táng phương nam. Gió đùa hiu hiu, nước trôi lững lờ. Trời là túp lều, đất là nệm. Hồn này trở về, gặp lại nước nhà.

Thân đã thối rữa, an táng tứ phương. Mùa xuân cũng xanh, mùa thu cũng vàng. Nâng cao thanh kiếm, vung binh khí. Hồn này trở về, bảo vệ nước nhà.

Hết chương 65

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.