Tháng Ngày Giành Ảnh Đế Với Thái Tử

Chương 71: Ngoại truyện 2: Tiêu dao



Lý Tùng Nhất muốn làm nhà sản xuất thực thụ, chứ không phải kiểu linh vật như Mạnh Trạch – trả tiền rồi ghi tên mình vào cột nhà làm phim. Cậu muốn tham gia vào quy trình sản xuất một tác phẩm điện ảnh. Từ khâu chuẩn bị trước khi bấm máy đến tuyên truyền sau khi đóng máy, từ việc lên kế hoạch tổng thể cho đến phối hợp với từng bộ phận, Lý Tùng Nhất đều muốn kiểm soát mỗi một mắt xích. Đồng thời, cậu cũng phải chú ý đúng mực: không thể quá khắt khe, việc chuyên môn nên giao cho người chuyên nghiệp. Cùng lắm cậu là đầu tàu, dẫn dắt mọi người chạy đến mục tiêu chính.

Nhưng đây, không phải là một việc đơn giản.

Kết hợp tất cả những thứ hay ho với nhau chưa chắc đã tạo nên một tác phẩm hay. Lý Tùng Nhất phải tìm cái thích hợp nhất từ những cái tốt, như vậy mới có thể dung thứ cho chất lượng nếu xảy ra vấn đề.

Để toàn bộ đoàn phim vận hành mượt mà như một cỗ máy, dù là một con vít cũng phải được đặt vào đúng vị trí.

Trong kho kịch bản của công ty Điện ảnh và Truyền hình Bình Xuyên, Lý Tùng Nhất lần lượt đọc hàng trăm phần giới thiệu khác nhau. Sau đó cậu chọn ra mười kịch bản hay nhất, đọc chúng từ đầu đến cuối không sót một chữ. Đến cuối ngày, cậu cũng chọn được tác phẩm đầu tay cho sự nghiệp nhà sản xuất của mình.

“Tiêu dao du”, một bộ phim thương mại tập trung vào các kỹ xảo hình ảnh.

Tất nhiên phim thương mại mà Lý Tùng Nhất muốn làm cũng là phim thương mại có ý nghĩa sâu sắc. Và nguồn cảm hứng cho kịch bản “Tiêu dao du” nghiễm nhiên đến từ “Tiêu dao du” của Trang Tử[1].

“Biển bắc có con cá tên là Côn, lớn không biết mấy ngàn dặm” – Vai chính là Côn[2], song những gì kịch bản kể lại là câu chuyện trước khi “Côn hóa Bằng”, có thể xem là một góc nhìn mới về “Tiêu dao du”.

Chú thích [1] và [2].

Ở biển bắc mênh mông, Côn cô độc tồn tại ngàn năm, rốt cuộc y đã phát hiện thời điểm hóa Bằng sắp đến. Nhưng y không thể lập tức trở thành Bằng, bởi y mang một hòn đảo trên lưng, và có hàng ngàn ngư dân đang ở trên đấy —— Những ngư dân này yên bình sống trên đảo, họ không hay biết rằng thứ đang cõng mình thực ra là một sinh vật sống.

Nếu Côn muốn hóa Bằng thì phải lật tung hòn đảo, vậy những ngư dân đó ắt không còn nơi ở.

Nhưng Côn phải đưa ra lựa chọn.

Một ngày nọ, Côn hoá nguyên thần thành hình người và đi tới hòn đảo. Tuy rằng y đã mang theo hòn đảo thình lình từ trên trời rơi xuống này suốt nhiều năm, nhưng y chưa bao giờ tận mục sở thị. Đây là lần đầu tiên y đặt chân lên đó.

Cây cỏ tốt tươi, hoa thơm ngào ngạt, vạn vật đều tràn đầy sức sống. Những ngư dân cười nói rôm rả, đang đếm vụ thu hoạch trong ngày. Mấy đứa bé chân trần chạy ngang qua y, vô tình đụng phải thì ngoan ngoãn nói lời xin lỗi.

Tựa như một thiên đường giữa lòng biển bắc.

Côn thoáng ngỡ ngàng.

Đêm hôm đó, một băng cướp biển bất ngờ xâm nhập và giết vài ngư dân vừa trở về, gây náo động cả hòn đảo. Những tên cướp lùa ngư dân sang một bên, hỏi họ kho báu đang giấu nơi đâu.

Ngư dân nào hay kho báu là gì, chỉ biết quỳ lạy van xin rủ lòng thương xót. Nhưng bọn cướp biển tàn nhẫn, giết bừa vài người hòng răn đe.

Côn vốn dĩ giữ thái độ bàng quan. Y không phải người, không nên xen vào chuyện nhân giới. Nhưng nghe bọn cướp biển kháo nhau, rằng hòn đảo thoạt nhìn hết sức kỳ lạ này ắt hẳn phải giấu kho báu.

Hóa ra đối với thế giới bên ngoài, hành tung hòn đảo trông có vẻ biến ảo khôn lường. Có người cho rằng đó là tiên đảo Bồng Lai trong truyền thuyết, cũng có người phán đấy là yêu đảo… Nhưng dù thế nào chăng nữa nó chắc chắn không phải là một hòn đảo bình thường, thế thì nhất định phải chứa kho báu!

Băng cướp biển này đã theo dõi hòn đảo suốt thời gian dài.

Bấy giờ Côn mới biết rằng, ngọn nguồn mọi chuyện cốt yếu do y bơi lung tung. Y bèn nhặt một cành cây, dùng nó như thanh kiếm nhằm xua đuổi đám cướp biển bất lương ra khỏi đảo.

Trong số những ngư dân kia, có đôi chị em mà cha mẹ đều bị bọn cướp giết hại.

Chị gái năm nay hai mươi tám tuổi, xinh xắn nuột nà.

Em trai mới bảy tuổi đã quỳ gối trước mặt Côn, van xin Côn dạy võ cho mình. Đến khi trưởng thành, cậu muốn tìm đám hải tặc báo thù cho cha mẹ.

Côn thấy cậu bé đáng thương, bèn đồng ý.

Thoáng cái mà đã năm năm.

Người chị chăm sóc hai người rất mực chu đáo, hơn nữa đã nảy sinh tình cảm khác với Côn ngoài lòng cảm kích và ỷ lại. Cậu em trai cũng vui lây, thường xuyên tác hợp Côn với chị gái.

Nhưng Côn thấy đôi chị em đã thoát khỏi nỗi đau về cái chết của cha mẹ, cũng đã có khả năng tự lực cánh sinh; thành thử một ngày nọ, y rời đi không lời từ biệt.

Mãi đến mười năm sau, Côn cảm thấy thời điểm hóa Bằng sắp đến bèn một lần nữa biến thành người đến hòn đảo, tìm đôi chị em năm nào.

Chị gái đã luống tuổi, em trai cũng trưởng thành. Chỉ có Côn vẫn như xưa, chưa bao giờ già đi.

Côn nói với họ về thân phận của mình, hy vọng hai người có thể phối hợp với y di cư các ngư dân vào đất liền.

Người chị chung thủy với Côn khó tránh khỏi buồn bã, song cô và em trai vẫn thuyết phục ngư dân chuyển ra ngoài.

Những ngư dân cảm kích ơn cứu mạng của Côn, dẫu chẳng muốn rời bỏ quê hương nhưng họ vẫn quyết định dọn đi.

Tuy nhiên vào thời điểm ấy, chế độ đăng ký hộ khẩu rất nghiêm ngặt, không có cách nào khiến hàng vạn ngư dân âm thầm chiếm một mảnh đất. Họ phải xin phép Phủ doãn[3] ở vùng duyên hải nào đó, lấy cớ hòn đảo mình sống thường xuyên chịu ảnh hưởng từ sóng thần, nhất là mấy năm trở lại đây. Họ muốn di chuyển vào đất liền, hy vọng Phủ doãn đại nhân có thể giải quyết.

[3] Phủ doãn: Chức quan đứng đầu một phủ, nơi đặt kinh đô. Hát nói của Nguyễn Công Trứ có câu: “Lúc Bình tây cờ Đại Tướng, Có khi về Phủ doãn Thừa thiên” (Từ điển Nguyễn Quốc Hùng).

Phủ doãn đại nhân đồng ý, còn bố trí một đội tàu giúp ngư dân chuyển đồ từ hòn đảo.

Nhưng khi ngư dân đang di cư, nhiều binh lính bất ngờ lao ra khỏi hàng loạt con tàu đó, cầm cung nỏ bao vây lấy họ.

Hóa ra chẳng biết ai mách lẻo, rằng dưới hòn đảo là thần thú Côn trong thuở hồng hoang.

Sau khi Phủ doãn đại nhân hay tin, quân sư đã hiến kế cho gã rằng —— “Côn là thần thú tốt bụng, không đả thương người vô tội; nhưng ăn trái tim của nó có thể trường sinh bất lão. Đại nhân moi tim của Côn, hiến cho Hoàng thượng đi ạ. Ắt hẳn mai sau công danh suôn sẻ, tài lộc dồi dào.”

Chỉ là Phủ doãn đại nhân ích kỷ, muốn một mình gã trường sinh bất lão. Gã đích thân bố trí binh lính, quyết bắt sống Côn.

May thay Côn có sức mạnh vượt trội, đưa các ngư dân thoát khỏi vòng vây.

Ngoại trừ những người chết đuối vì vô tình rơi xuống biển, Côn quả thật không làm ai bị thương.

Đến lúc này, Phủ doãn đại nhân đành buộc lòng báo lên trên. Hoàng thượng vừa nghe nói có thể trường sinh bất lão, đã vội vàng phái thêm binh lính đến trấn áp.

Côn bỏ trốn với hòn đảo và hàng vạn ngư dân. Nếu là trước đây, y chỉ cần tìm một vùng biển không người để ẩn náu. Nhưng bây giờ y sắp đến thời điểm hoá Bằng, cần phải giải quyết nhanh chóng những ngư dân này.

Giữa đường chạy trốn, y gặp một thiếu nữ trôi lềnh bềnh trên biển. Ngư dân đã kéo cô lên, đôi chị em kia là người chăm sóc.

Cô gái vừa hay tin về Côn đã bảo rằng mình sống trên biển từ nhỏ, gần đây có một đảo hoang với đất đai màu mỡ, vô cùng phù hợp cho ngư dân sinh sống.

Người em trai không tin thiếu nữ thình lình xuất hiện nọ, bèn một mình đi tìm hiểu thực hư về hòn đảo.

Hòn đảo có thật, nhưng nó chẳng phải đảo hoang. Trên đó là băng cướp biển mặt mày man rợ, chính là những kẻ đã giết cha mẹ cậu. Người em nảy sinh ý định trả thù, song nhớ ra chuyện của Côn quan trọng hơn nên đành bấm bụng, vội vã quay về báo cáo tình huống cho y.

Quả tình không còn cách nào khác, Côn đành đưa ngư dân đến hòn đảo kia. Y cũng cố gắng làm sao để hải tặc và ngư dân từ nay chung sống hòa bình.

Người em ngỏ ý muốn giết hải tặc, chiếm lấy toàn bộ đảo.

Nhưng Côn dặn dò, chưa đến đường cùng tuyệt đối không được sát sinh.

Sau khi kiểm tra chéo, mọi người mới hay thiếu nữ được ngư dân cứu sống thực chất là “công chúa” của đảo hải tặc – con gái rượu của tù trưởng bọn họ.

Côn và người em bèn trói thiếu nữ, thương lượng với hải tặc và chữa trị chứng bệnh đau đầu kinh niên của gã ta. Y cũng dùng linh lực nhằm chế ngự bọn cướp biển, không cho chúng làm hại những ngư dân vô tội.

Kể từ đó, Côn mới yên tâm gửi gắm ngư dân ở đấy.

Ngờ đâu, bọn cướp biển và triều đình vốn được cho là kẻ thù truyền kiếp lại cấu kết làm bậy. Bọn cướp đã bí mật thông báo cho Phủ doãn bằng cách dùng chiếc lọ trôi theo hải lưu. Và thế là, vào đêm quan trọng khi Côn hóa Bằng, đại quân đã lặng lẽ bao vây y.

Mặc dù Côn rất muốn trở thành Bằng, nhưng không hiểu sao cứ mãi thất bại. Y ngụp lặn trong biển khơi, dấy lên biết bao sóng to gió lớn. Đại quân không thể đến gần, đành phải chuyển hướng bao vây ngư dân trên đảo, ép y tự chui đầu vào lưới.

Trên đảo còn có cướp biển, bọn chúng í ới bảo là “người mình”. Nhưng quân Phủ doãn tảng lờ, mưa tên dồn dập bắn hạ —— Bọn cướp chính là người đầu tiên ngã xuống.

Côn không còn cách nào khác đành đột phá vòng vây đại quân, phá trụ đảo hải tặc, mang theo đảo và người dân chạy trốn lần nữa. Nhưng lần này, hàng vạn binh lính vẫn truy đuổi ráo riết.

Đằng sau là địch đang hăm he bắt giết, bản thân Côn còn bị tra tấn bởi sự hóa Bằng.

Ngư dân biết Côn không trụ được nữa, tất cả rồi cũng phải chết.

Tiếng khóc ai oán vang dội nơi biển bắc.

Đúng lúc này, con gái của tù trưởng hải tặc lên tiếng —— “Trong đảo có rất nhiều bí mật. Bọn ta biết sự tồn tại của kho báu cũng từ nó. Thế nên năm xưa, bọn ta truy lùng những hòn đảo trôi dạt trên biển, bởi tin rằng ở đó nhất định có bảo vật.”

Và một hang động đâu đó trên đảo ghi rằng: Thế giới này mãi mãi chỉ có một Côn. Chỉ khi con này hóa Bằng thì Côn khác mới xuất hiện.

Truyền thuyết kể rằng vào thời điểm Côn hóa Bằng, nếu ai đó gieo mình xuống biển và cầu nguyện với toàn bộ linh hồn, người đó ắt có cơ hội trở thành Côn mới. Có điều xác suất này rất thấp, chín phần chết chỉ một phần sống.

Dẫu trở thành Côn, người nọ vẫn phải cõng hòn đảo trên lưng, chịu đựng nỗi cô đơn hiu quạnh suốt ngàn năm.

Cô nói những điều này vì người em luôn chỉ trích cướp biển là ích kỷ, độc ác, bất lương. Nhưng theo cô, hễ là người đều ích kỷ. Cô muốn xem thử, ai có thể gieo mình xuống biển chỉ vì một huyền thoại chưa rõ thực hư, chỉ vì một câu nói hoang đường tượng trưng cho một hy vọng nhỏ bé.

Nhưng điều cô không ngờ, rằng có vô số người sẵn sàng hy sinh.

Khát vọng của đôi chị em là mãnh liệt nhất, họ thậm chí còn cãi nhau vì điều đấy.

Người em đánh ngất chị gái, không chút do dự nhảy ào xuống biển.

Một người so với cả đại dương bao la, bé nhỏ đến nhường nào đây.

Bẵng đi một lúc lâu, ngư dân vẫn không nhìn thấy hy vọng.

Khi nước mắt họ sắp cạn khô, một tiếng kêu lảnh lót vang vọng cả góc trời thình lình xé ngang mặt biển. Côn rốt cuộc hóa Bằng, bay vút lên chín tầng mây. Cơn bão nghiêng đêm từ đôi cánh của nó cuốn phăng đại quân ở phía xa, sóng gió dữ dội khiến bọn họ thề rằng không dám ra khơi lần nữa.

Đại bàng sải cánh bay đi, y có cảm giác nơi sinh ra đôi cánh chính là vết sẹo do cõng hòn đảo suốt ngàn năm. Giờ phút này, y mới hiểu rằng —— Chỉ khi gánh vác trọng trách nặng nề, ta mới có cơ hội trở thành điều vĩ đại hơn.

Y cúi nhìn bóng đen to lớn từ từ trồi lên dưới đáy biển, nâng đỡ hòn đảo suýt bị cơn sóng nhấn chìm.

Đó là Côn mới, người em trai đã nguyện gieo mình xuống đại dương.

Đôi mắt Côn như đang nhìn chằm chằm vào ngôi nhà nhỏ xuyên qua làn nước biển. Đôi mắt ấy trong veo, bình yên đến cô đơn.

Đại bàng kêu vang, bay về phương nam. Núi sông hùng vĩ và biển bắc ngút ngàn, mãi nằm trong mắt y.

Rốt cuộc, y đã có được “tiêu dao” thực sự.

Câu chuyện của “Tiêu dao du” không hề phức tạp, chủ yếu kể về trách nhiệm và sự kế thừa trách nhiệm. Nếu phần hình ảnh và kỹ xảo được thực hiện tốt, một câu chuyện thế này đã đủ mang về doanh thu phòng vé khá khẩm.

Trong kịch bản có nhiều cảnh chiến đấu, cũng như một số cảnh tương đối hoành tráng. Tỷ dụ như chân thân của của Côn và Bằng; trận chiến rượt đuổi trên biển, nơi đại quân triều đình truy đuổi Côn bằng thuyền; sông núi vạn dặm dưới góc nhìn của đại bàng ở cuối, hình ảnh phải tráng lệ đến nỗi khiến khán giả xuýt xoa tán thưởng.

Nhưng làm tốt, đồng nghĩa là đốt tiền.

Ngay cả khi cậu góp mặt trong đây và tiết kiệm đến mức tối đa, ước tính cũng phải tiêu tốn ba trăm triệu.

Lý Tùng Nhất không dám cho Trần Đại Xuyên gánh hết, nếu thua thì cậu thành kẻ phá của mất, sau này chẳng ngóc đầu lên nổi trước mặt Trần Đại Xuyên.

Lý Tùng Nhất chọn cách “gài” người khác.

Cậu hẹn với một nhà đầu tư khởi nghiệp với ngành F&B, do thời cơ thuận lợi nên lĩnh vực kinh doanh đã mở rộng sang nhiều ngành nghề khác, trong đó có đầu tư điện ảnh truyền hình. Trong bữa tiệc khoản đãi các nhà sản xuất gạo cội lần trước, một người trong số đó đã giới thiệu nhà đầu tư này với cậu.

Lý Tùng Nhất lần đầu làm nhà sản xuất, sợ đối phương thấy mình không đáng tin bèn thức trắng đêm liệt kê mười lý do gây ấn tượng với người ta. Ngờ đâu khi gặp nhau, đối phương lại dễ dãi vô cùng. Anh ta vừa nghe nói tác phẩm do Bình Xuyên sản xuất và Lý Tùng Nhất là nhà sản xuất kiêm đóng vai chính, đã bảo rằng: “Tôi đầu tư hai ngàn vạn. Nhưng có một yêu cầu nhỏ.”

Lý Tùng Nhất ngập ngừng: “Mời… Mời anh nói ạ.”

Nhà đầu tư cười híp mắt: “Tôi muốn con gái tôi xuất hiện trong phim này, đóng chung với cậu. Con tôi thích cậu lắm, đòi tôi xin chữ ký hoài.”

Nhà sản xuất kéo đầu tư sợ nhất là gặp người “đập tiền tiến tổ”, không ngờ Lý Tùng Nhất vừa ra trận đã gặp phải ca kho nhằn. Hai ngàn vạn tuy hấp dẫn, nhưng nếu một người chưa từng diễn xuất lại chen ngang thì phiền lắm.

Trong “Tiêu dao du” chẳng có nhiều nhân vật nữ, song dù là chị gái hay con gái của tù trưởng hải tặc cũng là những nhân vật có cá tính riêng biệt, không thể chiếu lệ hay tùy tiện.

Lý Tùng Nhất khó xử: “Xin hỏi, con gái anh từng đóng phim chưa ạ? Có tiện cho tôi biết tuổi không? Để tôi xem có vai nào thích hợp…” Hàm ý là nếu không hợp, vậy xem như đành thôi.

Nhà đầu tư cười hào sảng: “Chưa đóng phim bao giờ. Mới mười một tuổi. Tôi chỉ muốn cho con gái đứng chung khung hình với cậu, đỡ vòi vĩnh tôi hoài.”

Lý Tùng Nhất: “…” Đúng là trong cái xui có cái hên.

Lý Tùng Nhất nắm tay nhà đầu tư: “Vâng! Vâng ạ!”

Lý Tùng Nhất thắng trận đầu tiên, cảm giác hứng khởi chưa kịp lắng xuống đã nhận một cuộc gọi lạ vào chiều ngày hôm sau. Bên kia tự xưng là chủ tịch của tập đoàn nào đấy, vì bạn học của con trai anh ta khoe trong lớp chuẩn bị đóng phim với Lý Tùng Nhất và sắp lên TV, khiến các bạn trong lớp ghen ăn tức ở. Con của ảnh không cam tâm, sau khi tan học đã nhõng nhẽo đòi đóng phim với cậu.

Anh ta nhịn mãi đến hôm nay, rốt cuộc trước khi phát điên thì cho người tìm thông tin liên lạc của Lý Tùng Nhất. Nghe bảo Lý Tùng Nhất đang chuẩn bị sản xuất phim, ảnh lập tức chuyển khoản hai ngàn vạn để nhờ cậu sắp xếp vai diễn cho con trai, hơn nữa đất diễn phải ngang bằng với bạn học ấy.

Lý Tùng Nhất nhận được vô số cuộc gọi thế này trong tuần tới, tất cả đều là bạn học của con trai/ con gái/ cháu trai/ cháu gái của tôi muốn diễn với cậu, và con trai/ con gái/ cháu nội/ cháu ngoại của tôi cũng muốn…

Có lẽ con nhà giàu đều học chung một trường quý tộc, nhỉ?

Lý Tùng Nhất cúp máy từ một nhà đầu tư khác, thầm nghĩ tâm lý đua đòi của thế hệ trẻ ngày nay quả là… khác lạ.

Chẳng qua trong “Tiêu dao du” vẫn có đất diễn dành cho trẻ con. Đến lúc đó, mấy hoàng tử bé công chúa nhí này xuất hiện cùng nhau và xuống đài cùng nhau, chẳng ai nhiều cảnh hơn ai, khỏi phật lòng đại gia nào cả.

Thế là chút đầu tư của các vị phụ huynh, kết hợp với một phần từ Trần Đại Xuyên đã đủ khởi động dự án “Tiêu dao du”.

Đến khi bộ phim hái ra tiền, cậu còn có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhiều nhà đầu tư, làm tiền đề cho các dự án lớn hơn trong tương lai.

Lý Tùng Nhất thở dài, ông trời làm vậy có bất công cho người khác không hả? Cậu giỏi tất tần tật, vừa làm nhà sản xuất chưa bao lâu đã giải quyết hết thảy mọi thứ.

Lý Tùng Nhất cảm tưởng mình đã tìm được mùa xuân thứ hai trong sự nghiệp. Cậu dồn hết tâm huyết cho những khâu chuẩn bị sơ bộ như tìm đạo diễn, tìm địa điểm quay, sắp xếp lịch trình, giúp đạo diễn tìm diễn viên, v.v.

Một khi bận rộn, cậu còn dám cúp điện thoại của Trần Đại Xuyên nữa là.

Trần Đại Xuyên sâu sắc cảm thấy, đã đến lúc cần phải nói chuyện đàng hoàng với Lý Tùng Nhất.

Đặc biệt là trong căn hộ ở Thiên Thần Plaza, khi anh nhìn thấy Lý Tùng Nhất bước vào với mùi rượu nồng nặc và khuôn mặt đỏ bừng. Đây cũng là vì cậu có cái mã đẹp, chỉ bằng một giây thoáng nhìn đã khiến người ta ý loạn tình m3. Chứ nếu là ông trung niên bụng phệ, anh đã bắt cậu quỳ trên ván giặt từ thuở nào.

Trước đó, Trần Đại Xuyên đã dặn Lý Tùng Nhất chuyển đến Thiên Thần Plaza. Xét cho cùng Trần Đại Xuyên bận việc ở công ty, không thể về biệt thự mỗi ngày. Vì vậy hai người càng lúc càng ít dành thời gian cho nhau.

Nhưng Lý Tùng Nhất đã từ chối hết sức dứt khoát: “Anh đừng có suốt ngày nghĩ chuyện tình cảm trong đầu. Anh kêu em dọn tới đây là có ý gì, chả lẽ em không biết? Tiện cho anh phóng túng bản thân, ham mê nhục d*c, sa đà quá độ đúng không?”

Trần Đại Xuyên lấy làm hổ thẹn.

Kết quả là trong vòng hai ngày, Lý Tùng Nhất đã chủ động dọn đến. Có điều cậu đi sớm về muộn, còn bận rộn hơn cả chủ tịch Trần Đại Xuyên anh đây.

“Quao, anh chưa ngủ à?” Lý Tùng Nhất vừa lên tiếng đã phả ra hơi thở sực nức mùi rượu.

Trần Đại Xuyên nói: “Em có thấy mình được đây mất đó, tham nhỏ mất lớn, đảo gốc thành ngọn không?”

Tổ hợp thành ngữ thình lình nã xuống; mỗi câu tràn trề cảm xúc mãnh liệt, rõ là tâm tình ai kia đang khó chịu đây mà.

*

Tác giả có điều muốn nói:

Hức, tôi tự đào hố chôn mình rồi. Lý Tùng Nhất muốn làm một bộ phim cho Trần Đại Xuyên (tạm thời gác thực tế sang một bên, chỉ đứng trên phương diện tiểu thuyết), ít nhất phải hay hơn “Tiên phong”. Tuy tôi không ngại động não, nhưng tìm một cốt truyện hay hơn “Tiên phong” thì quả thật hơi khó.

Mặc dù nhiều tác phẩm kinh điển dễ dàng trần thuật qua chữ viết, nhưng nghệ thuật điện ảnh nằm ở nhiều khía cạnh, cốt truyện không thể đại diện cho bất cứ điều gì. Có điều tôi là tác giả của cuốn tiểu thuyết này, nếu không thể viết ra những gì mình muốn thì tôi thực sự thất bại lắm. Các bạn cho tôi ít thời gian nghiên cứu nhé.

Hết ngoại truyện 2

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.