Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 75: Càn Long Về Tế Tổ





Càn Long hoàng đế tán thán:
- Đấy mới chính là những vị kim cương bất hoại thân vậy?
Câu nói ấy viên thái giám thị tùng nghe được, biết ý của hoàng đế, bèn cáo ngầm cho tuần phủ Chiết Giang hay.

Ông này bên cho ngay bọn thợ nề tới La Hán đường đắp ngay một bức tượng kim thần cho chính Càn Long hoàng đế.
Càn Long thấy tuần phủ Chiết Giang đắp tượng kim thân cho mình tại La Hán đường Linh Ân thì lấy làm đắc ý lắm.
Ngài cười nói:
- Từ nay trẫm cũng là người của hội Long Hoa nữa.
Lúc đó đi hầu hai bên tả hữu có cả Lương Thi Chính.

Chính vốn là một thi nhân thời danh, Hoàng đế thường cho theo bên mình đề có dịp thi trố tài thơ phú.

Càn Long hoàng đế thấy sơn thuỷ đất Hàng Châu xinh đẹp, chùa miếu tráng lệ, bèn gọi Chính làm thơ.

Trong thơ có hai câu: "Có núi có chùa cổ; Không chùa không danh tăng".
Càn Long hoàng đế xem xong nói:
- Tuyệt thay câu "Không chùa không danh tăng".

Nhà trẫm tự có phật, pháp tự có danh tăng.

Trẫm đặt chân tới đâu ắt phải truyền bá chân lý tới đó!
Quân sư thái giám nghe xong câu này lại lẻn tới cáo với tuần phủ Chiết Giang.

Ông này hỏi nhỏ viên thái giám:
- Nhà hoàng thượng có phật gì? Có danh tăng nảo?
Viên thái giám vừa cười vừa nói:
- Đại nhân không bao giờ nghe nói trong Ung Hoà cung có Lạt ma tăng sao!
Vị tuần phủ nghe xong giật mình tỉnh ngộ biết rằng Hoàng đế cũng muốn xây cất một toà Ung Hoà cung tại Tây Hồ để cung dưỡng vài vị Lạt ma nào đó, bèn cho người tiến kinh dò xem, mới được biết hoàng đế cùng với quốc sư giao tình rất mật thiết.

Ông liền mời Vô già tới trụ trì.
Vô già tới Hàng Châu, trước hết bái kiến hoàng đế, nói rõ cho ngài biết ý định xây cất một toà miếu Lạt ma, mở một cuộc đại hội Vô già.

Hoàng đế vô cùng hoan hỉ, dặn bảo Nội vụ phủ phát ngay mười vạn lạng bạc đồng thời ngỏ ý với bọn quan lại thân sĩ hai tỉnh Chiết Giang quyên tiền.

Được tất cả hơn năm vạn lạng.

Vô già bèn hoạ đồ vạch chương trình và bắt đầu khởi công xây cất.
Lúc đó, Càn Long hoàng đế đã tuần du qua miền Hải Ninh.

Trước hết ngài được bọn quan viên văn võ Chiết Giang đưa đi thăm con đê Hải Ninh.


Xem xong nước triều, ngài giữ tất cả bọn văn võ quan viên lại ngoài thành rồi tự mình đem theo vài tên thị vệ và thái giám vào thành, đi thẳng tới nhà Trần Các Lão.
Trần Các lão chính là Trần Thế Quan.

Sau khi đứa con trai ông bị bà phi Nữu Cô Lộc đánh tráo mất, ông cáo quan, đem theo gia quyến về Hải Ninh.

Sau đó, Ung Chính hoàng đế, vì tình nghĩa thân thiết, đôi ba lần hạ thánh chỉ vời ông lên kinh làm quan.

Ông cố từ chối mãi mà không được, hơn nữa sợ ngài nghi, đành phải tuân mệnh.

Ung Chính hoàng đế hết sức kính trọng Thế Quan.

Tất cả nhà ông, nào Trần Thuyết, nào Trần Nguyên Long, cha con chú cháu đều làm quan đến nhất phẩm triều đình, ngôi cao chót vót.

Chính bản thân ông làm tới chức tể tướng, được phong là Văn Cần Công.
Đến thời Càn Long hoàng đế tại vị, Trần Thế Quan lần nữa cáo quan về nhà.

Càn Long thưởng ông năm ngàn lạng bạc, ăn lộc ở nhà, lại còn tự sáng tác thi ca để tặng ông, trong bài có hai câu:
Lão thần qui cáo năng vô tích,
Hoàng tổ triều thần hữu kỷ nhân
Lão thần qui cáo sao không tiếc,
Hoàng tổ triều thân có mấy ai?
Rồi đến hôm nay, Càn Long hoàng đế xuống Giang Nam.

Lúc này Trần Thế Quan đã mất.

Nhưng từ khi biết mình chính là con trai Trần Các Lão thì hoàng đế đặc biệt ưu đãi nhà họ Trần.

Phàm các bia mộ chi ở phần mộ đều được ngài cho dùng vương lễ.

Con cháu nhà họ Trần sợ xúc phạm kỵ huý, nhờ ngự sử tâu xin, được ngài cho dùng vương lễ trong mộ, còn ngài thì vẫn dùng thường lễ của Các lão.

Càn Long hoàng đế lại sai người tra xét con cháu họ Trần có bao nhiêu rồi đều thưởng cho cho cấp bậc quan tước không lớn thì nhỏ, đều lên kinh nhận chức.

Bởi vậy khi ngài ngự giá tới nhà họ Trần, con cháu trong họ chẳng có mấy ai ở nhà nghênh đón, duy chỉ có một bọn đàn bà trẻ con, hoảng quá đến run bắn người lên.

Về sau cụ bà Trần lão nảy ra ý mời viên tộc trưởng tới.
Ông tộc trưởng này tuy có đôi ba lần làm tri huyện, nhưng việc đón giá quả ông chưa từng biết tới bao giờ.

Tuổi ông lại đã bát tuần, tai điếc mắt loà, thành thử ông chỉ có một việc run sợ rằng sẽ đắc tội với hoàng đế.

Nào ngờ khi thấy vị tộc trưởng này, Càn Long hoàng đế lại hết sức mừng rỡ, hỏi ông gia sản họ Trần có bao nhiêu, cụ bà Trần lão có được mạnh giỏi không, thì ông lo lắng đối đáp cẩn thận lắm.

Ngài bảo ông đưa đường tới mộ Trần Các Lão.

Khi tới nơi, quay đầu lại ngài thấy có mấy chục vương công nội giám đi theo, bèn bảo họ ở lại hết, chỉ đem có hai tên thái giám đi thẳng tới trước mộ.

Trước hết ngài quan sát trước sau một vòng, rồi sai hai tên thái giám đem bức màn vàng che lại.

Bọn vương công thái giám bị màn che khuất, không biết hoàng đế làm những gì ở trước mộ, duy chỉ có hai tên thái giám che màn là thấy được rõ ràng mà thôi.

Đến khi về tới kinh, một trong hai tên thái giám nọ tiết lộ ra mới biết ngài quỳ lạy ở trước mộ Trần Các lão.

Kẻ nghe được chuyện hệ trọng nên không dám lộ cho người thứ ba biết.
Sau khi hành lễ xong, Càn Long hoàng đế lập tức hạ một đạo thượng dụ ban phát hai mươi vạn lạng cho cụ bà họ Trần làm tiền dưỡng lão.

Lại còn thêm mười khoảnh ruộng đất lấy hoa màu cúng tế, trồng bốn trăm cây rào mộ, đồng thời ở trước mộ xây ba toà ngự tế bi đình, mái lợp ngói pha lê vàng, phía ngoài đích thân ngài trồng hai cây thông nhựa, hai cây trắc.

Ngài còn hạ lệnh cho viên quan địa phương lập thêm một ngôi đền, xuân thu cúng tế hai kỳ, quét đền đốt nhang chu đáo.
Mọi việc xong xuôi, hoàng đế còn lưu mài tại trước mộ, lòng bồi hồi chẳng muốn rời.

Bọn vương công đại thần thôi thúc, lúc đó Ngài mới lui theo cửa giữa ra ngoài.

Ngài còn quay lại dặn bảo vị, tộc trưởng già phải đóng kín cửa giữa, chỉ được mở khi nào hoàng đế tới thăm mà thôi.

Vị tộc trưởng vâng dạ luôn mồm.
Về tới hành cung, Càn Long hoàng đế thấy có phóng sớ đệ tâu trên chiếc án của Thượng thư Binh bộ.

Mở ra xem, ngài được biết tổng đốc Mân Chiết bẩm báo có tên nghịch tặc Lâm Sảng Văn tại Đài Loan cử binh vây Gia Nghĩa nên phải cầu cứu viện binh ở kinh rất gấp.
Càn Long hoàng đế đọc xong bản tấu chương, lập tức hạ chỉ hồi kinh.

Về tới nơi, tất nhiên, có đủ mặt quan viên văn võ tiếp giá.

Nhưng người được triệu kiến đầu tiên phải là Phúc Khang An.

Hồi đó, Phúc Khang An đã được thưởng chức Gia dung Ba đồ lỗ, ban cho yên cương vàng sử dụng, lại được vẽ tranh trong Tử Quang các, hết sức vinh dự.
Qua ngày hôm sau, thánh chỉ hạ xuống, phong Phúc Khang An làm Trấn Viễn tướng quân, tập hợp các võ tướng trong kinh lại, huy động Dũng Kiện quân đánh thốc ra Đài Loan tiêu diệt đám giặc.

Thánh chỉ vừa mới xuống, bọn võ quan muốn lấy lòng Phúc Khang An nên kẻ nào cũng khoe mạnh tranh tiên xung sát, đánh cho Lâm Sảng Văn một trận tan tành.

Văn phải chạy trốn biệt dạng vào mãi khu rừng sâu phía đông Đài Loan, cuối cùng bị viên nha tướng tay chân của An bắt sống đem về dâng trước đại doanh.
Phúc Khang An khải hoàn về Bắc Kinh, đem nộp Lâm Sảng Văn lên thánh thượng.

Càn Long hoàng đế mừng rỡ hết chỗ nói, thánh chỉ hạ xuống phong An nhất đẳng Gia Nghĩa công, cho mũ bảo thạch, từ đoàn long phục, kim hoàng đế, Tử cương kim hoàng biện, san hô Triều Châu.

Thánh chỉ còn truyền cho các quận thành Đài Loan và Gia Nghĩa đều phải lập sinh từ (đền thờ sống) cho Gia nghĩa công.
Giữa lúc hoàng đế đang khen thưởng Phúc Khang An bỗng phu nhân của An lăn ra chết.

Văn võ bá quan trong kinh đều đi phúng điếu.

Vợ chồng An ăn ở với nhau hết sức ân tình.
Phu nhân của An người lại xinh đẹp, nay bỗng dưng đứt gánh giữa đường, bảo sao An chả bi thương.

Càn Long hoàng đế cũng hạ chiếu an ủi và khuyên nhủ An, lại thưởng cho ba vạn lạng bạc chi phí việc tang sự, đặc phái đại thần ngự tế.
Bấy nhiêu ân điển đó, thật không có người thứ hai nào được.
Đúng lúc Phúc Khang An thương nhớ vợ không lúc nào nguôi thì khéo thay Càn Long hoàng đế lại có cô công chúa thứ sáu đến tuổi lấy chồng.

Bởi thế A Văn Thành mới đứng ra làm mai để đi cầu hôn cho An.

Nhạc mẫu của hoàng đế cũng vào cung, nói với bà Phú Sát để hùa vào.

Nào ngờ Càn Long hoàng đế lập tức cự tuyệt, không chịu, Hoàng hậu Phù Sát cũng vừa cười vừa nói với mẹ là việc đó quyết không thể nào xong.

Hơn nữa chính mẹ đẻ Phúc Khang An cũng không đồng ý cho An làm phò mã.
Lúc đó, Phúc Khang An có hai người anh ruột đều đã làm phò mã.

Càn Long hoàng đế không tỏ ý yêu quý gì họ, lại chỉ rất quý yêu An.

Yêu quý thì yêu quý chứ hoàng đế nhất quyết không chịu nhận An làm phò mã.

Cái lý do sâu xa này thực chi có mấy người trong cuộc hiểu được thôi.
Về sau bà mẹ của Phó Hằng khẩn cầu nhiều phen khiến hoàng đế và Phú Sát phải đem cô con gái thứ sáu gả cho người em Phúc Khang An và làm mai cô cách cách của Thạch Thân vương cho An.

Năm đó, An hai mươi sáu tuổi.
Phúc Khang An vừa vâng chỉ lấy vợ xong thì đám giặc Quách Nhĩ Khách xâm phạm miền Hậu Tạng.

Càn Long hoàng đế lại truyền chỉ cho An thống lĩnh sáu lộ quân, hội cùng Đại học sĩ A văn Thành lên đường chinh phạt.
Bọn giặc khi nghe tới danh Gia Nghĩa công thì phách lạc hồn xiêu, xuất trận đầu đã thua liểng xiểng.

Mới chưa đầy một tháng mà An đã bình xong.
Đám giặc này vừa yên, lại tới tù trưởng Giáp Nhĩ Cỗ Lạp Tập Trại làm phản.

Hoàng đế lại hạ chỉ sai An đem quân quay lại diệt đám này.

Tên tù trưởng này thấy Phúc Khang An cũng hoảng hồn bạt vía vội tới quỳ trước trướng của An xin hàng.

Văn thư báo tiệp chạy về triều như bươm bướm.
Thánh chỉ ban ra, cho phép Khang An ban sư hồi trào, tấn phong làm quan Đại học sĩ, gia tước Trung Nhuệ Gia Dũng công.

Trên đường về An còn được Hoàng đế thưởng tặng bài thơ "Ngự chế chí hỉ thi" do chính tay ngài viết lên chiếc quạt.

Lại thưởng sáu túi đeo gia phong nhất đẳng Khinh xa đô uý, chiếc Vương công thân quân hiệp lệ, cũng thưởng cho người tuỳ tùng lục phẩm làm Linh tam khuyết.

Phong thưởng như vậy, Hoàng đế quả đã quý trọng An hết sức rồi.

Cho nên bọn quan viên địa phương hai bên đường anh nào anh nấy đều xu phụng An.
Hồi đó có Lưỡng hồ tổng đốc Bộc Đại Niên muốn lấy lòng An, bèn bàn tính với bọn Mạc Hữu cho chăng đèn kết hoa suốt một giải Trường Giang rồi khua trống chiêng tiếp đón.
Tuần phủ Hồ Nam lại tới Hoàng Châu mượn Thuỷ hí đài đem về rồi cho cặp hai bên đường của An, ngày đêm diễn tuồng cho An xem.

Phúc Khang An ngồi trong thuyền uống rượu xem hát lấy làm khoái lắm.
Chẳng bao lâu, thuyền đã đến Động Đình hồ.

Tại hồ này vốn có một loại thuyền đặc biệt, được gọi là thuyền Động Đình.
Bốn chung quanh thuyền che một kiểu rèm Tương, ngoài cửa sổ trông rất thoáng, đâu vào đấy tươm tất.

Mũi cũng như lái thuyền đều có treo đèn ngũ sắc, hai bên đều căng màn lụa.
Người chèo thuyền toàn là những cô gái xinh xắn, ăn mặc hết sức diêm dúa, mỹ miều.
Đoàn thuyền hôm đó có tới một trăm chiếc.

Cô lái đò nào cũng hát vang bài Chí hỉ thi của hoàng đế, tiếng ca véo von lảnh lót như ru hổn người vào cõi mộng.

Phúc Khang An ngồi trên thuyền lớn tại trung tâm, còn hơn trăm chiếc thuyền Động Đình nọ thì bao quanh chiếc thuyền lớn của An, từ từ rẽ sóng đưa đi, ăn nhịp với giọng ca của hàng trăm cô lái đò xinh đẹp.

Phúc Khang An nhìn quang cảnh một lượt, tấm tắc khen:
- Đám gái này thật là những nàng tiên miền Lạc Thuỷ!
Phúc Khang An vui quá, bèn bảo các thuyền Động Đình ghé sát lại chiếc thuyền mình, rồi nhảy sang.

An thấy trong khoang những chiếc thuyền này cũng rất sạch sẽ lộng lẫy, bèn hạ lệnh dọn tiệc tại nơi đây, và cho mời mấy tay mạch hữu lại hầu rượu mình.
Tiệc tan, Phúc Khang An ngẫu nhiên bước quá ra khoang sau thuyền, thấy một cô gái ngồi tại đuôi thuyền, để chân trần, nước da trắng ngần, khoác trên lưng một chiếc khăn choàng màu hồng điểm sao đen, mặt mày vô cũng xinh đẹp - cũng má đào, cũng môi son, cũng eo thon, cũng ngực nở như mọi cô gái khuê các, tay đang cầm lái, hết vặn sang bên này lại bẻ sang bên kia theo chiều gió nhẹ.

Mặt hồ lúc đó toàn một màu xanh biếc, in bóng cỏ cây hai bên bờ soi xuống.

Thật là một quang cảnh thần tiên, thần tiên từ người đến cảnh vật chung quanh…
Phúc Khang An càng nhìn càng cảm thấy ngây ngất, lòng vừa say sưa vừa bâng khuâng.

Bỗng An nghe cô gái cất cao giọng oanh ca một khúc hát vô cùng du dương êm ái.

Làn gió nhẹ thổi lướt ngang, tà áo phất phơ trước gió, nhiều lúc tung lên, để lộ chiếc quần hồng và cả lượt áo lót mỏng bên trong.

Cô con gái quay đầu lại, nhìn thấy Phúc Khang An, liền ném vội cho An cái nhìn sắc như dao, nhoẻn một nụ cười vô cùng tình tứ.

Phúc Khang An sau cái liếc và cái cười đó y như bị sét đánh, sững sờ.

An vỗ tay vào mạn thuyền, khẽ nói:
- Giang Nam đất tốt người đẹp.

Tại Bắc Kinh ta đâu thấy những cô gái mỹ miều thế này?
Nói đoạn, An vội quay vào khoang, gọi tên thị tòng chạy đi bảo ngay cô tuyệt sắc nọ vào trong với mình.

Tên thị tòng tuân lệnh An, vội đi ngay, nhưng người con gái nói vọng lên, cốt để cho An nghe thấy:
- Ban ngày ban mặt, ai lại làm thế! Xấu hổ chết đi! Tôi chịu thôi.
Phúc Khang An từ trong nghe thấy, liền lim dim đôi mắt dặn với tên thị tòng:
- Vậy bảo nàng tối lên nhé!
Trời tối.

Người ta thấy cô gái nọ tô son điểm phấn vô cùng lộng lẫy, tỏ ra hạng người phong lưu đài các, có một hương vị là lạ của miền Giang Nam.

Nàng rón rén bước vào khoang thuyền của An, khép nép quỳ lạy hết sức kính cẩn.
Phúc Khang An lúc đó nhìn kỹ lại thì ra sắc đẹp của nàng còn hơn như ban ngày.

Toàn thân nàng trước mắt An là một tuyệt phẩm của hoá công mà từ nhỏ đến nay An chưa thấy được bao giờ.

An vội cúi xuống đỡ nàng dậy, kéo nàng vào lòng mình rồi hỏi cho biết họ tên.

Người con gái nói tên là Bảo Trân.

Thế là từ đó, Bảo Trân được An giữ luôn bên cạnh mình trong suốt thời gian xuống Giang Nam.
Thuyền đến Dương Châu, Phúc Khang An mua cho người đẹp một ngôi lầu lớn để nàng ở.

Tất cả những đồ biếu của bọn quan lại địa phương cũng như những vật ban thưởng của hoàng đế, An đều cho nàng cả.

Nếu tỉnh sang tiền thì tất cả có thể lên tới chừng năm sáu chục vạn lạng bạc.

Chu toàn cho người đẹp xong, An đem quân nhắm hướng kinh thành ca khúc khải hoàn.
Càn Long hoàng đế thấy Phúc Khang An trở về, lòng mừng thầm khôn xiết, ban khen rồi truyền chỉ thưởng cho An được đội Tam nhập hoa linh, và tấn phong hàm bối tử, lại còn cho cả quân hộ vệ nữa.
Rồi một hôm, An vào cung tạ ơn.

Một tên nội giám được lệnh đưa An vào trong phòng trưng bày đồ cổ.

An thấy bên cạnh hoàng đế có một người đàn ông nom tuổi còn nhỏ mà xác thì thật to, tay đang cầm một cái bình cổ, cười cười nói nói với hoàng đế, cử chỉ rất suồng sã.

Ấy thế mà hoàng đế vẫn không giận, còn cầm lấy tay gã nọ cười khà khà, bảo:
- Nhà ngươi nếu thích cái bình ấy thì ta cho đấy, đem về nhà mà dùng!
Ông lớn nọ nghe vua nói như vậy xách luôn cái bình đi, chẳng thốt một lời cám ơn.

Phúc Khang An đứng bên cạnh thấy vậy, lấy làm hoài nghi, muốn hỏi nhưng lại không dám.

Song khi lui ra khỏi cung An mới tìm tới nhà Lưu Thống Huân hỏi xem lại lịch ông nọ, thì được Huân cho biết:
- Đó chính là vị đại thần Tổng quản nghi trượng, mới được hoàng thượng cất nhắc lên, tên gọi là Hoà Khôn đấy.
Khi đang còn ở ngoài kinh đô, Phúc Khang An cũng đã nghe tin hoàng thượng hết sức tin dùng Hoà Khôn, nhưng thực chưa từng gặp Khôn lần nào.

Nay được tận mắt thấy con người suồng sã đó, An thấy rất chán ghét.

An dặn Bảo Lưu tướng quốc là cần phải hết sức đề phòng Hoà Khôn.
Nguyên lúc Càn Long hoàng đế đang còn là thái tử, ngài rất được Ung Chính hoàng đế và hoàng hậu Nữu Cô Lộc cưng chiều.

Hoàng hậu thường cho phép ngài ở lại trong cung.

Vốn còn niêu thiếu, tính tình lại hiếu động, ngài thường chạy nhảy khắp nơi để chơi đùa, bất cứ chỗ nào vui là đều có ngài.

Ung Chính hoàng đế hồi đó có đến mười sáu phi tần, trong số đó có bốn người được nhà vua sủng ái nhất: một tên gọi Thư Mục Lộc, một tên gọi Doãn Nhĩ Căn Giác La, một tên gọi Mã Giai, một nữa tên gọi Trần Giai.

Hai nàng Mã Giai và Trần Giai vốn người Hán, mạo xưng là kỳ nhân để được tuyển trái phép vào cung.

Vì cả hai đều có nhan sắc nghiêng thành cho nên Ung Chính hoàng đế mới đặc biệt sủng ái.

Lúc đó Càn Long hoàng đế cũng đã mười bảy tuổi..



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.