Thành Phần Cá Biệt

Chương 67: C67: Vở Kịch Ngày Khai Giảng



- Ánh ơi, trang phục chỗ này có vấn đề!

- Ánh ơi ra đây tao bảo.

- Ánh ơi...

Chỉ trong một tuần ngắn ngủi, em gái Bảo đã lấy được thiện cảm của hầu hết các bạn trong lớp. Cô không những được diễn catwalk trong phân cảnh cùng mọi người, mà còn nhận lo phần trang phục. Ánh kể ước mơ của Ánh là trở thành nhà thiết kế. Bản thân mẹ Ánh cũng làm trong ngành này nên cô bạn vốn được thừa hưởng gen thẩm mĩ từ mẹ.

- Đi catwalk phải chú ý đứng thẳng. Tới chỗ này xoay một cái, nhấc tà váy thế này.

Mặc dù không nói ngọng nhưng vì vốn Tiếng Việt chưa đủ nên những câu Ánh nói đều khá ngắn gọn. Cô bạn tận tâm hướng dẫn mọi người cách đi catwalk. Bảo và Cường cũng bị tống lên đội catwalk này. Theo lời của lớp phó văn – thể - mĩ thì là tất cả những người có ngoại hình nổi hoặc tự tin mình nổi đều sẽ lên đây đi catwalk hết.

- Cường không cười cũng được, nhưng mặt không cúi nhé.

Ánh cười nhẹ, chỉ Cường cách đi. Cường không nói gì làm lại một lần, Ánh hài lòng khen liên tiếp mấy câu:

- Đẹp! Đẹp! Đẹp!

- Huyền xoay váy đẹp.

- Anh Bảo đừng lườm mọi người thế!

Bầu không khí trong lớp bỗng chốc trở lên ngượng ngùng. Bảo nhìn chằm chằm Ánh, đáp lại cậu chỉ có nụ cười hiền. Bảo giật lấy cái kính đen từ người bên cạnh rồi đeo vào, hỏi:

- Thế này được chưa?

- Đẹp rồi.

Tất cả mọi người đều cố gắng để mối quan hệ không trở nên khó xử. Quỳnh Giao đứng cạnh Ái Lạp đang học kịch bản, nói nhỏ đủ cho hai người nghe thấy:

- Ánh hơi kì.

Nhìn tổng thể thì chẳng có gì lạ lắm, song để ý kĩ lại rất kì. Chẳng rõ là kì cái gì, sự kì đó cũng chẳng ảnh hưởng tới ai. Ái Lạp đưa ngón tay chặn miệng Quỳnh Giao, mặt cô bé nhanh chóng đỏ lên, ứ ừ mấy tiếng rồi dụi vào vai Ái Lạp.

- Vứt tao bình nước.

Cường gọi với, Ái Lạp bèn đưa cho cậu một bình nước mới. Cường liếc xéo, giật lấy cái chai Quỳnh Giao đang giữ khư khư trong tay. Quỳnh Giao vội la toáng lên:

- Chai này của Ái Lạp mà!

- Của ai chả được, đừng bóc chai mới lãng phí ra.

Nước không phải bỏ tiền ra mua nên có nhiều người dùng rất thả ga, vỏ chai còn thừa nước vứt rải rác khắp bậc thềm. Toàn bộ đồ ăn thức uống trong quá trình diễn tập bây giờ đều do hội học sinh cung cấp. Không hiểu hai vị kia ăn phải bùa gì, cứ luôn miệng kêu mê tiết mục của 10A rồi gửi đồ đến.

- Đống này là từ quỹ trường hay quỹ hội nhỉ?

Cường xoay chai nước đã uống hết, lầm bầm. Vô tình lọt vào tai Ái Lạp, nó đáp:

- Quỹ hối lộ.

Với cái đầu nhạy của An hẳn sẽ bày ra rất nhiều trò để ăn hối lộ công khai. Gọi "hối lộ" thì hơi quá, kêu "nộp phạt" hoặc "đóng góp" chắc hợp lí hơn.

- Đúng là kể cả có thay 50% máu thì vẫn là trường giàu.

Cường tặc lưỡi nhìn số đồ ăn được đưa tới mỗi ngày, đầu nhảy lên mấy con số. Ái Lạp phụt cười, ngẫm cũng đúng. Mấy học sinh giỏi trong trường được trường tài trợ khá nhiều, kể cả hoàn cảnh có khó khăn đến đâu thì lúc đi học vẫn đủ rủng rỉnh chút chút tiền tiêu vặt.

Hội học sinh kiên trì cung cấp thực phẩm cho lớp tới tận ngày khai giảng. Vào ngày này, trường bắt các bạn nữ phải mặc áo dài. Đi ở dưới sân cứ chốc chốc lại gặp những tà váy thướt tha. Hơi thở thanh xuân lấn át hết cái nắng hè oi ả, mấy cậu học sinh mải chìm đắm trong hương vị này mà quên mất ngoài trời đang nóng hơn 30° C.


May là khai giảng trong hội trường, ngẩng đầu nhìn trần liền thấy máy điều hòa chạy ro ro. Bằng không mấy nữ sinh trong tà áo dài sẽ chết trước khi lễ khai giảng kịp kết thúc.

Bóng bay và băng rôn treo khắp hội trường, các hàng ghế có tựa lưng được xếp ngay ngắn thành hàng. Học sinh dựa theo biển lớp đặt đầu hàng để tìm chỗ ngồi. Thời gian tới, MC đứng trên bục đọc diễn văn, tiết mục văn nghệ mở màn bước lên sàn.

Khối 10 phải bê ảnh bác và đi diễu hành quanh hội trường cho các anh chị nhìn mặt. Khi người dẫn chương trình đọc tên lớp 10 đầu tiên, không một bóng ma nào đi diễu hành trừ thầy chủ nhiệm. Mọi người nhìn thấy cảnh này thì không nhịn nổi cười, vì toàn bộ lớp 10A đều đang trốn ở sau cánh gà hết.

- Má, thầy đi diễu hành một mình thật kìa!

- Tội thầy quá bây ơi, đứa nào không mặc đồ diễn xuống với thầy đi!

Mấy bạn thuộc tổ hậu cần lũ lượt kéo nhau xuống. Thầy chủ nhiệm 10A đang tập trung vẫy tay thì bỗng thấy đằng sau ồn lạ. Khi thầy quay lưng lại, lũ học trò nghịch ngợm không biết đã ở đó từ lúc nào. Thầy mỉm cười giơ cao bảng lớp lên, mặt toát lên vẻ tự hào.

Phục diễn của Ái Lạp khá đơn giản nên con bé ung dung đi ở cuối cùng. Bắt gặp ánh mắt ai đó ở hàng ghế đại biểu đang nhìn về phía này, nó liền híp mắt cười thay cho lời chào.

Ông nội Ái Lạp hơi gật đầu với cháu gái, nhẹ tới mức những người bên cạnh cũng không thể phát hiện ra. Ái Lạp đứng giữa hàng người vô cùng nổi bật, khiến ông rất có cảm giác thành tựu. Ý cười nơi khóe mắt ông nội ngày càng rõ rệt hơn.

- Uồi bạn nữ cuối hàng lớp 10A xinh vãi chưởng!

- Xinh thật ý! Hình như không mặc đồng phục. Giáo viên à?

- Ẳng ngu vậy giáo viên đéo gì? Chắc là mặc đồ diễn.

- Ơ Trịnh Gia Ái Lạp đấy, không biết à?

- Ai cơ?

- Ôi các con chiên, lại đây ta kể cho các con nghe về một huyền thoại...

Diễu hành xong cả lớp lại lui về phía sau cánh gà. Vì diễn gần cuối nên ai cũng sốt ruột, hầu hết mọi người trong lớp trước đây toàn học hành chứ chưa ai diễn văn nghệ bao giờ. Lớp phó văn – thể - mĩ phải đi trấn an từng người một, kêu mọi người nhìn ba đứa nhóm Ái Lạp cho an tâm.

Vì sao ấy à? Vì thà lên sân khấu còn hơn ở đây chịu đựng lửa hừng hực cháy trong đôi mắt ba người kia.

Ái Lạp ló mặt vào phòng chờ, không hiểu vì sao tất cả mọi người đều đang nhìn mình. Nhất là ánh mắt Bảo Cường Quỳnh Giao, lườm nó sắc như dao vậy.

- Mày có thể che mặt khi đi gặp người được không? Mày xinh đẹp quá tao sợ bị cướp mất!

Quỳnh Giao nức nở ôm lấy Ái Lạp, bộ đồ diễn lấp la lấp lánh ngọ nguậy làm Ái Lạp tan chảy. Ái Lạp trấn an Quỳnh Giao, dùng tay xoa đầu cô bé:

- Người phải lo là tao đây này. Bộ đồ hợp với lớp trưởng quá, khéo vừa bước lên sân khấu cái là mọi người quỳ hết xuống ấy nhỉ?

- Á á đừng nói nữa người ta thích lắm!

Quỳnh Giao bị dỗ đến vui vẻ, chỉ có hai ông kễnh nào đấy là bực thấy rõ. Cường mấp máy muốn học theo Quỳnh Giao, nhưng mới đến đoạn nũng nịu khen Ái Lạp xinh đã tịt ngòi. Bảo dứt khoát không muốn thử, vì có thử Ái Lạp cũng không dỗ cậu.

- Lớp mình chuẩn bị nhé, sắp tới lượt rồi!

Ban tổ chức mở cửa phòng chờ nói vọng vào. Mọi người cuống lên, đọc kịch bản lần cuối trước khi ra cánh gà. Đợi MC giới thiệu mấy câu, rèm lập tức được kéo xuống, Trung và hai bạn nữa bước ra sân khấu.

Rèm mở lên, kèm theo cả âm nhạc. Trung hít sâu, bắt đầu nhập vai diễn

...

Trung cầm lấy búp bê chơi đùa, bỗng dưng của phát ra tiếng lạch cạch, cậu vội vã giấu búp bê xuống chăn.

- Học xong chưa con?

- Rồi ạ!


Trung ngoan ngoãn gật đầu, bố mẹ cậu có vẻ rất hài lòng. Mẹ nói:

- Mai có lớp học võ nên con ngủ sớm đi nhé!

- Vâng.

Trung cười, nhưng khi cánh cửa vừa khép, khuôn mặt cậu liền trở nên buồn bã. Trung nhìn về phía chăn, trèo lên giường rồi ôm chặt con búp bê vào lòng.

Sớm hôm sau đi học, thầy giáo cho kiểm tra định kì. Trung xuất sắc hạ gục đối thủ chỉ với vài đòn. Lúc cậu vung nắm đấm, bên dưới hội trường hò hét không ngừng. Rõ ràng dáng vẻ chơi búp bê dịu dàng là thế mà khi bước lên sàn đấu lại ngầu tới vậy.

Thứ gì càng bị kìm hãm thì càng muốn bung ra ngoài. Bố mẹ lục phòng Trung, tìm thấy dưới gối cậu giấu búp bê, đằng sau giá sách cũng để rất nhiều váy vóc đồ chơi. Trung cãi nhau lớn với bố mẹ, khởi đầu chuỗi ngày tủi nhục cay đắng bất tận.

Bố mẹ bắt cậu phải hành xử đi đứng cho ra dáng con trai, ép cậu đi chơi bóng với mấy đứa trong ngõ. Bố mẹ rất hay gán ghép cậu với các bạn nữ bất kì, như thể làm thế thì Trung sẽ bớt "kì lạ". Trung thật sự hết chịu nổi. Tới năm 18 tuổi cậu cãi nhau một trận lớn với bố mẹ, rồi dùng số tiền mình tích cóp được đi du học.

Phân cảnh chuyển đổi, một người cầm biển 5 năm sau chạy một vòng quanh sân khấu. Ái Lạp bước xuống từ chiếc máy bay giả, phía dưới liền hò hét ầm ĩ.

Bộ đồ Ánh chuẩn bị cho Ái Lạp rất phù hợp, vừa tôn dáng, vừa tạo ra khí chất người mẫu. Vì chiều cao khiêm tốn nên Ái Lạp buộc phải đi giày đế cao, hơn nữa biên kịch còn bắt tất cả mọi người đi giày đế bằng để vừa tầm với Ái Lạp.

- Em là... nam?

Người tuyển chọn nghi ngờ nhìn Ái Lạp. Nó gật đầu, đáp phải. Người nọ nhướng mày, kêu Ái Lạp catwalk thử. Nó lui về sau, đi một vòng cho đối phương xem. Người nọ do dự một chút, song vẫn bỏ hồ sơ của Ái Lạp sang chồng duyệt.

Tiếp đến là phần catwalk của những nhân vật "chỉ lên để show mặt". Phía bên dưới phấn khích khỏi nói, chỉ cần nhà tuyển dụng định bỏ hồ sơ sang chồng không duyệt là khán giả sẽ gào ầm lên, ép nhà tuyển dụng bằng duyệt thì thôi.

- Bạn đi cũng khá ổn, nhưng chưa chuyên nghiệp lắm. Chúng tôi mong muốn người có nhiều kinh nghiệm hơn.

- Ối giời ơi bỏ qua cái mặt đấy là thiếu sót cả một đời đấy giám đốc ơiiii!

- Giám đốc bê cái mặt đó lên sân khấu, chỉ cần đứng im người ta cũng ném tiền lên mà giám đốc ơi!

- Em ơi công ty đấy không tuyển về đây chị tuyển!!

- ... Bạn này xử lí tình huống kém, chúng tôi cảm thấy bạn không phù hợp....

- Tình huống duy nhất cần xử lí chính là cái mặt đó đấy giám đốc ơi!!!

- Công ty này ở đâu mà nhiều người mlem thế? Alo ship gấp bộ hồ sơ qua đây cho tôi đi ứng tuyển!!

- Em ơi đừng đi làm người mẫu nữa về đây làm vợ anh!

- .... Bạn này....

- Bớ làng nước ơi cái công ty kia ở đâu để xem không tuyển còn mang xăng ra đốt nào!

- Đm cái công ty đéo gì kén cá chọn canh vl!

- Thôi bỏ khỏi cần casting duyệt tất luôn đi giám đốc ơi!!!

- Nào bạn xê ra cho tôi đi ứng tuyển với các em nào!

Nhà tuyển dụng mồ hôi chảy ròng ròng, bất lực ném tất cả hồ sơ sang chồng duyệt. Cuối cùng chẳng theo kịch bản, ai cũng được duyệt vào công ty này.

Mọi việc ban đầu diễn ra rất thuận lợi. Ái Lạp giỏi, được công ty đánh giá cao. Song chuyện dần trở nên tồi tệ khi một câu nhỡ mồm của bên công ty lộ ra:


- Mặc dù em là nam giới nhưng còn quyến rũ hơn những nữ giới ngồi đây.

Ái Lạp rất buồn. Nó đã cố gắng để được công nhận là một người phụ nữ, nhưng tất cả những người ở đây chẳng ai coi nó là nữ cả. Kết thúc buổi tổng duyệt, những nữ đồng nghiệp gọi nó ra chỗ vắng nói chuyện. Ái Lạp bị đánh hội đồng, bị đẩy ngã xuống nền đất lạnh, chơi vơi không biết liệu điều nó đang làm có đúng.

Theo đúng kịch bản, bạn nữ đứng đầu sẽ giật tấm voan trùm ngoài của Ái Lạp khiến nó rách ra. Song lúc bạn nữ giật, tấm voan không hiểu sao lại dính chặt vào áo, thế là chiếc áo mỏng theo quán tính bị giật tan tác.

Toàn bộ người trong hội trường đơ ra. Ái Lạp ôm lấy cơ thế, giữ cho áo không bị rơi khỏi người. Một mảng lớn chạy dọc từ cổ xuống gần ngực hoàn toàn không giữ được. Bạn nữ giật áo bối rối, nhưng vẫn cố đọc lời thoại để di rời sự chú ý.

- Mày che cái gì? Toàn bộ cơ thể mày có chỗ nào là thật? Mày cũng đâu phải con gái?

Bên trên diễn nhập tâm là thế, bên dưới vẫn không tránh khỏi lời qua tiếng lại. Hàng đầu ghé tai nhau nói, ở ghế đại biểu nghe rõ mồn một:

- Ê cái kịch bản này coi bộ hơi bị máu lửa nha!

Ái Lạp tự nhủ chỉ giống như đang mặc váy hai dây, phần cổ và vai bị lộ ra mà thôi. Ánh mắt và tiếng thì thầm thậm thụt cứ không ngừng hướng về nó, Ái Lạp cảm thấy khó thở vô cùng. Nó cúi gằm mặt, không đáp.

- Bên phụ trách kiểm duyệt làm ăn kiểu gì vậy? Đại diện hội học sinh đâu?

Cô hiệu phó ở hàng ghế đại biểu mắng một thành viên thuộc hội học sinh. Rõ ràng những cảnh thế này không được đưa lên sân khấu. Vì diễn viên diễn quá nhập tâm, nên không ai nghĩ vừa rồi là sự cố cả.

- Bỏ ra!

Đằng sau cánh gà cũng nháo nhào hết cả. Mấy đứa định chồm ra sân khấu bị đám còn lại cản, sợ sẽ phá hỏng công sức cứu vãn sự cố của mấy đứa đang diễn bên ngoài. Cường nhịn để không đánh người, tức giận quay vào nạt:

- Sao phục trang lại thế? Chính mắt tao nhìn thấy cái khăn voan ăn vào đường chỉ áo.

Cường chỉ về phía bên ngoài, khẳng định chắc nịch thứ cậu tia được ở phân cảnh vừa rồi.

- Không thể nào, khăn voan là phụ kiện riêng mà!

- Vai diễn của Ái Lạp phải đổi rất nhiều trang phục. Nếu có đồ nào bị vướng vào nhau, bên phục trang sẽ biết ngay!

- Thế mấy người giải thích hộ tôi cái gì đang xảy ra ngoài kia kia?

Cường lạnh giọng, mấy đứa đang phản bác im thít không dám hé răng. Ánh ngồi ở đối diện, nhíu mày hỏi ngược:

- Ám chỉ tôi sao?

- Không ám chỉ ai cả. Trang phục có vấn đề.

- Trang phục không có vấn đề!

- Có!

Cường và Ánh mỗi người một câu, hai bên đối đáp qua lại. Xung quanh loạn thành một đoàn. Mấy đứa trong lớp có thể cản được Quỳnh Giao bé nhỏ, thế nhưng không cản nổi Bảo vốn có lực tay kinh hoàng. Thành viên trong lớp bị cậu gạt sang bên, không ai đứng đó kịp túm Bảo lại, trơ mắt nhìn cậu cứ thế chạy ra giữa sân khấu, ôm lấy thân thể nhỏ bé của Ái Lạp.

Ái Lạp đã đơ ra được một lúc rồi. Mặc kệ bạn diễn có kéo dài thời gian thế nào nó cũng không phản ứng lại. Chỉ cần nó thả lỏng tay, chiếc áo mỏng đang bám víu trên người nó sẽ rơi xuống. Ái Lạp không còn tâm trí diễn tiếp, chỉ căng thẳng níu lấy áo rồi tự trấn an bản thân.

Xung quanh rất ồn, ngoài tiếng mắng chửi của bạn diễn còn có cả âm thanh bàn tán ngày một lớn dưới hội trường. Phía đằng sau cánh gà cãi nhau rất to, ai cũng sợ vở diễn hỏng, mong chờ Ái Lạp sẽ tự xử lí được tình huống này.

- Tôi...

Ái Lạp bất lực mấp máy môi, chiếc micro gắn ở tai khuếch đại âm thanh qua loa lớn. Tất cả mọi người đều có thể nghe được sự run rẩy trong một từ "tôi" ngập ngừng yếu ớt. Người phát hiện ra đây là sự cố lập tức đứng dậy, căng thẳng nhìn lên sân khấu.

Hai chiếc áo được phủ lên người Ái Lạp cùng một lúc. Trí đứng ở bậc tam cấp hất đầu, ban tổ chức liền vội vã hạ rèm xuống. Ái Lạp được Bảo ôm trong người, sợ hãi run lên.

Nói gì thì nói, đây suýt nữa đã trở thành một sự cố ám ảnh cả đời. Ái Lạp có thể không sợ sao? Nó mới có lớp 10 thôi.

Biên kịch phải sửa kịch bản gấp, cho cảnh diễn đổi thành cảnh Ái Lạp đang nhớ về những kí ức ngày xưa bên bố mẹ. Trung lên diễn thay, mấy người đứng trên sân khấu tự biên tự diễn câu thời gian trong 3 phút.

Việc đầu tiên Bảo làm khi đặt chân tới cánh gà là lôi Ái Lạp vào buồng thay đồ, ôm thật chặt thật chặt tới khi hai bả vai nó ngừng run. Trang phục mới đã được chuẩn bị xong, Bảo bước ra ngoài để mấy bạn nữ thay đồ cho Ái Lạp. Quỳnh Giao đổi áo cho Ái Lạp, luôn miệng nói "không sao đâu", giọng đặc nghẹt sắp khóc.

- Nhất định phải diễn tiếp à? Làm sao mà nó chịu nổi chứ?

Quỳnh Giao hỏi mấy bạn bên cạnh, họ cũng chỉ máy móc mà thay cho Ái Lạp. Ái Lạp thay xong liền bị đẩy ra ngoài, mà mấy cô bạn thay đồ cho Ái Lạp cứ như bị thôi miên, không biết nên làm gì cho phải.

Ánh đưa phục trang cho họ với dáng vẻ vội vã, nên họ mới vội vã thay cho Ái Lạp. Trong tình huống khó xử cấp bách thế này, người ta thường không đủ lí trí để suy nghĩ gì nhiều, giờ bị mắng mới nhận ra với tình trạng của Ái Lạp, lên được sân khấu là một điều rất khó khăn.


Bảo không đành lòng nhìn bạn cùng bàn, vươn tay vỗ về con bé đang cứng đơ như con rối. Cuộc tranh cãi gần cánh gà đã đến hồi kết. Cường đập bàn, quát:

- Không diễn nữa!

- Mấy người trên sân khấu sắp không trụ nổi rồi!

Ánh lo lắng đáp lời, ban hậu cần mắt thấy phục trang đã thay xong, theo quán tính muốn đẩy Ái Lạp lên sân khấu. Cường lần nữa quát to hơn:

- Đừng có chạm vào người nó!

Một câu này lớn đến nỗi hội trường ngoài kia cũng có thể nghe rõ ràng. Cả lớp sợ hãi rụt người lại, bàng hoàng trước dáng vẻ đáng sợ của Cường.

Ngày thường Cường vốn rất kiệm lời, vậy mà hôm nay đến Quỳnh Giao còn phải im lặng khi cậu nổi giận. Cô bé cố nén tiếng khóc trong cổ họng, hi vọng cả lớp sẽ nghe lời Cường nói.

- Ái Lạp bị làm sao?

An hốt hoảng chạy vào từ phía ngoài. Buổi diễn đã bị MC can thiệp, bắt mọi người phải nghe hết bài diễn văn khải giảng mới cho xem tiếp. Khán giả chán nản la ó, nhưng đó là cách xử lí thông minh nhất lúc này.

- Em còn diễn được nữa không?

Sự xuất hiện bất ngờ của chủ tịch và hội phó hội học sinh khiến toàn bộ người ở đây không dám hành động tiếp. Ái Lạp ngẩng đầu, mơ hồ lắng nghe cách gọi xa lạ của Trí, không rõ bản thân có thể diễn tiếp được hay không.

- Nếu em không diễn được, anh sẽ cho kết thúc với lí do quá giờ.

Trí chậm rãi nói trong khi An đang không ngừng vuốt ve khuôn mặt Ái Lạp. Đôi mắt anh cực kì bình thản, cứ như chỉ đang nói về cách xử lí sự cố trường chứ không phải đang quan tâm nó.

- Em nói gì đi, đừng làm chị sợ!

Dáng vẻ thường ngày của An hoàn toàn bị phá bỏ. Chị sốt sắng lạ, cứ vuốt rồi lại vuốt tóc Ái Lạp. Ái Lạp chớp mắt, lắc đầu nói:

- Em không sao.

- Anh nhìn em không ổn đâu. Mình dừng buổi diễn nhé?

Trí nhẹ nhàng hỏi, nửa khuôn mặt ẩn dưới lớp khẩu trang, ánh mắt lộ rõ vẻ dịu dàng như đang dỗ dành. Tất cả những người đứng ở cánh gà nghe mà hít sâu mấy hơi, lần đầu bọn họ thấy tịch hội học sinh quan tâm ai thế này.

- Em diễn được.

- Ái Lạp!

Quỳnh Giao thốt lên, khó chịu ôm ngực. Mấy người trong lớp hôm nay giống như say rượu ấy, tất cả đều đang bị điều khiển bởi cái gì đó. Ái Lạp hình như cũng nhận ra điều này, nó ngờ ngợ được có ai đang muốn xem dáng vẻ thảm hại của bản thân.

Trí sờ chất vải trên người Ái Lạp, gật đầu:

- Lần này đồ không có vấn đề đâu. Đợi đọc diễn văn xong thì lên.

- Em cảm ơn.

Vì cảnh kia có sự xuất hiện của Bảo, nên cậu bị buộc phải ghép thêm đất diễn. May mắn trong kịch bản gốc nhân vật chính chưa có cặp đôi, Bảo vừa vặn được đứng vào vị trí ấy. Bình thường Bảo sẽ cảm thấy rất vui, nhưng hôm nay cậu không vui nổi.

- Này, tên kia đang làm gì đấy!

Sau khi bị bắt nạt thêm vài lần, rốt cuộc cũng đến cảnh bắt gặp tên quấy rối ngoài cửa công ty. Ái Lạp la lớn, chạy tới đạp nát điện thoại tên quấy rối. Bạn nam diễn vai này gào lên, vừa định vươn tay động thủ với Ái Lạp liền bị nó đạp cho nhát ngã lăn ra đất.

Cả hội trường hò hét ầm ĩ, phần vì cú đá quá đẹp, phần vì trông Ái Lạp ngầu kinh khủng. Hành động này được camera ẩn ghi lại, Ái Lạp cứ thế thành danh, làm hoà với bố mẹ, cuối cùng kết hôn và có một cuộc sống hạnh phúc.

Ái Lạp rõ ràng đã bình tĩnh hơn lúc trong cánh gà nhiều. Nó mặc váy trắng, tay cầm hoa, sánh đôi với Bảo trên lễ đường. Nhờ sự giải cứu kịp thời của hội học sinh, tiết mục của lớp 10A trở thành tiết mục vô cùng xuất sắc. Confession trường những ngày tiếp theo tràn ngập topic xin info. Hoà chung với không khí hân hoan là cả lớp 10A bị hạ hạnh kiểm một tháng đúng như dự đoán.

- Chết chung mà, hehehe...

Biên kịch cười giả lả, mãn nguyện vì kịch bản của mình được đón nhận. Mấy đứa trong lớp kéo nhau đi xin lỗi Ái Lạp, chúng nó cũng không hiểu sao hôm đó bản thân lại hành động như thế nữa.

Mọi người cũng trở nên rén Cường sau vụ đó. Song, sự sợ hãi này nhanh chóng trở thành trò đùa trong các cuộc nói chuyện vì Cường cứ luôn lười nhác chậm chạp như thằng ngố vậy.

***



Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.