Thanh Triều Ngoại Sử

Chương 33: Nam hiệp Bắc quan



Mây mù giăng kín lối

Âm khí phủ đầy trời

Âu cũng là điềm báo

Thế sự sẽ nổi trôi

Lúc mặt trời vừa lên khỏi ngọn tre chưa tới nửa cây sào, Tần Thiên Nhân và những người đi áp tải chuyến tiêu đã xuất phát.

Chuyến đi này ngoài thiếu đà thủ còn có Khẩu Tâm, Trương Quốc Khải, Bạch Kiếm Phi, Nhất Đình Phong và Vạn Văn Thông.  Riêng Hồ Quản Đông và Lạc Thiết Môn thì đã tới đồn Bạch Nhật tìm Trần Tử Sang.  Do Cửu Nạn sư thái đã lâu không có tin tức gì, đồn Bạch Nhật là tổng đà của hội ở hồi cương hiện như rắn mất đầu.  Họ Hồ và họ Lạc bèn tới đó giúp Trần Tử Sang một tay.

Tần Thiên Nhân lãnh đạo một nhóm quần hùng gồm có Bạch Kiếm Phi, Vạn Văn Thông và số anh em giỏi võ công nhất trong hội, áp tải gạo tới Hà Nam, giao một phần cho tiêu cục Hưng Chấn.  

Còn Trương Quốc Khải cùng với Khẩu Tâm, Nhất Đình Phong và một phần đông các anh em khác của hội thì mang gạo tới ranh giới hai vùng Phúc Kiến Quảng Đông giao cho Trùng Khê thiếu lâm.

Tần Thiên Nhân hẹn Trương Quốc Khải sau khi giao lương thực xong sẽ gặp ở đoạn đường cuối cùng là huyện Khánh Dương, rồi cùng mang số thảo lương còn lại đến cho Tàu Chánh Khê ở Kim Xuyên tỉnh Cam Túc.  Mục đích là cùng tới đó giúp Tàu Chánh Khê đắp đê khoanh vùng.  

Đoàn áp tiêu của Trương Quốc Khải lộ trình suông sẻ.  Tới gần huyện Bình Lương, chừng bốn năm dặm nữa là tới được Khánh Dương thì xa xa thấy sương mù dầy đặc bốc lên tới lưng chừng trời.

Trương Quốc Khải và Khẩu Tâm cỡi ngựa đi đầu.  Trương Quốc Khải bèn thắng ngựa lại hô:

-Ngừng!

Quay sang Khẩu Tâm, nói:

-Đại ca, huynh xem đằng trước, cuồng phong sắp đến rồi.

Khẩu Tâm nhìn kỹ một lúc rồi nói:

- Đó không phải là mây đen, mà là cát bụi dưới đất.

Trương Quốc Khải hỏi:

- Sao lại nhiều cát bụi đến thế?

Khẩu Tâm nói:

- Huynh cũng không biết.

Khẩu Tâm bảo mọi người tấp vào đằng sau một vách núi, nói:

-Mọi người đề cao cảnh giác!

Nhất Đình Phong cưỡi ngựa đi sau cùng, thấy người mình đột nhiên dừng cả lại vội thúc ngựa chạy lên phía trước, hiểu chuyện xong lập tức nhờ vài người đi tới trước coi thử:

-Tịnh Đạo ca, Tam Triệu ca, Di Tính ca! Nhờ ba vị tiến lên đằng trước, còn tất cả khoan hãy ra tay, xem rõ rồi tính tiếp.

Thường Tịnh Đạo, Thường Tam Triệu, Thường Di Tính ba người này là ba anh em, khi đi lại trong giang hồ lấy biệt danh là Thường tam hiệp.  Họ người Vân Nam, võ công rất khá, Tịnh Đạo là đại huynh, Tam Triệu là nhị huynh, Di Tính là tiểu đệ.  Ba người đồng thanh vâng dạ.  Thường Tịnh Đạo nói: 

-Đi, chúng ta đến đó xem.

Ba người sợ những kẻ phía trước nghe được tiếng vó ngựa của họ bèn xuống ngựa thi triển khinh công phóng nhanh về phía đó, khi tới gần cát bụi càng mù mịt hơn, thấy một dãy người ngựa đứng thành đường thẳng ở vùng bình nguyên hoang dã phía trước.  Lại nghe thấy tiếng trống chiêng văng vẳng truyền tới.  Thường Tam Triệu giật mình nói:

- Chết rồi!  Đó là quân binh!  

Thường Di Tính trong chốc lát cũng nghe thấy tiếng truyền hiệu lệnh, trống chiêng vang như sấm sét.  Thường Tịnh Đạo nói:

- Chúng ta mau mau tránh khỏi đây đi.

Trương Quốc Khải, Khẩu Tâm và Nhất Đình Phong chờ ba người họ Thường đi thám thính, lát sau trở về, Thường Tịnh Đạo nói:

-Bẩm đại gia, tam gia, Nhất thiếu hiệp, đằng trước là tụi quan binh.

Khẩu Tâm bèn bảo tất cả quay đầu, cho ngựa chạy khỏi địa phận Bình Lương, nhưng chẳng bao lâu phía trước cũng có một đám bụi bay lên.

Lần này Khẩu Tâm và Trương Quốc Khải đích thân đi coi, hai người nấp sau một thân cây ghé  đầu ra nhìn, lại thấy loáng thoáng bóng ngựa và người chắn đầu họ phía trước, bóng người phía trước càng lúc càng lớn.  Ngoài đội kỵ mã này còn nghe có tiếng thiết giáp khua lẻng kẻng. Trong đám bụi xuất hiện một lá cờ trắng, viết một chữ Chính rất lớn.  Chữ này tượng trưng cho đoàn binh Chính Bạch Kỳ.

Trương Quốc Khải ở rừng Sơn Tây đã từng giao đấu với đội quân thiết giáp của chủ soái đoàn binh Chính Bạch Kỳ này rồi, nếm mùi lợi hại rồi, nên hiểu rõ hiện thời quân mình không thể nào địch nổi, bèn cùng Khẩu Tâm nhanh chóng rời khỏi chỗ nấp.  

Biết kế hoạch của mình đã bị bại lộ, bị dí hai đầu tây đông, hai người đương gia về tới nơi hội tụ với đoàn người của họ.  Khẩu Tâm lập tức đưa tay ra hiệu bảo tất cả giục ngựa chạy nhanh vào một rừng thông nằm phía nam.  May mà cả người và ngựa đều chạy rất nhanh lên chỉ mấy chốc lát đã cách xa hai đội quân này.

---oo0oo---

Nói tới đoàn người của Tần Thiên Nhân khi này đã tới Khánh Dương rồi, đã chờ khoảng nửa canh giờ, chờ thêm nửa canh giờ nữa vẫn không thấy đoàn áp tiêu của Trương Quốc Khải.  Bạch Kiếm Phi bắt đầu sốt ruột nói với Vạn Văn Thông:

-Vạn huynh à, hay là mình bàn với thiếu đà chủ, cứ tới thẳng Kim Xuyên gặp Tàu ngũ gia, có khi đại gia và tam gia đã tới đó trước rồi cũng nên?

Vạn Văn Thông lắc đầu:

-Ầy, chúng ta cứ làm theo lệnh của thiếu đà chủ.

Chờ thêm hồi nữa, Bạch Kiếm Phi lại đứng ngồi không yên, nói:

-Lộ trình của mình bí mật vậy, không lí nào xảy ra biến cố?

-Không đâu, chắc do lũ lụt nên đường xá tắt nghẽn gây trở ngại thôi, ta cứ việc chờ.

---oo0oo---

Lại nói tiếp đoàn người của Trương Quốc Khải.

Trương Quốc Khải, Nhất Đình Phong và Khẩu Tâm lòng đầy lo lắng, biết đường tới Khánh Dương đã bị bịt rồi, không biết đoàn người của Tần Thiên Nhân ra sao?  Còn đang suy tính đường rút thì đột nhiên rừng đang vắng lặng như tờ vang lên những tiếng huýt sáo dài.  Khẩu Tâm lập tức hạ lệnh cho anh em của hội đứng đâu lưng vào nhau, cứ bốn người gộp thành một đội, cẩn thận hết sức đề cao cảnh giác, chuẩn bị tinh thần để đánh.

Bây giờ mặt trời đã lên tới đỉnh núi, cả một vùng rừng núi sáng chóe dưới ánh nắng. Từ ba phía đông tây bắc nghe tiếng chân rần rần và binh khí khua vào nhau lẻng kẻng, nhưng vẫn chưa thấy binh lính triều đình lộ diện, rừng lại đầy những cây bách tùng và vân sam, rất khó nhận biết địch đang phục kích ở đâu.

Trương Quốc Khải định giục ngựa bảo anh em rút ra phía nam của khu rừng thì bỗng nhiên thấy ở phía nam rất nhiều người hiện ra.  Đối phương xếp thành hình chữ nhất, từ từ tiến đến gần.  

Những người trong hội còn đang thất sắc thì sau lưng họ quân hiệu cũng vang lên. Từng dãy bộ binh hàng ngũ chỉnh tề đang bước tới.  Rồi phía trái phải cũng có tiếng chiêng trống rộn ràng. Mặt đất rung lên dưới rất nhiều vó ngựa gõ đều.  Kỵ binh tràn ngập cả một vùng hoang dã.

Một nam nhân mặt mày xương xẩu lạnh lẽo như u hồn ngồi trên ngựa rẽ đám đông bước ra, tay cầm thanh trảm mã đao.  Trương Quốc Khải nhận biết tên này, bèn rút thanh kiếm đang đeo vòng quanh thắt lưng ra, dùng Phục y kiếm chỉ mặt tên kia quát nói:

-Thì ra lại là mi, con chó bán nước cầu vinh!

Tô Khất thấy Trương Quốc Khải cũng nhớ trận lại đánh vừa rồi ở Sơn Tây.  Tô Khất âm thầm sợ hãi, tự khen mình cẩn thận, nếu không thì bây giờ đã bị Cửu Dương biến cho thành con heo quay chết thiêu ở trong rừng rồi.  

Tô Khất cố gắng định thần rồi hét lên:

-Bọn ngươi ở Thanh Quan sát hại nhiều binh lính triều đình ta, cướp đi cống phẩm, phạm tội ác không thể dung thứ, bây giờ tự đến đây nộp mạng là hay lắm. Các ngươi là gì trong Đại Minh Triều?

Trương Quốc Khải không đáp, lướt mắt nhìn khắp ba quân rồi nói:

-Hỏi để làm gì?  Con chó săn mi hôm nay mang đủ binh lính tới đây rồi, chẳng hay cả thảy cùng lên, hay là người nào lên trước?

Tô Khất nãy giờ không ngừng bị chửi là cẩu nô tài, đầu đã sớm nóng phừng rồi, giờ nghe địch nói thách vậy vung đao quất luôn tới, ra hiệu cho binh lính đánh thẳng tới đoàn người Trương Quốc Khải.

Hai bên bắt đầu hỗn chiến.

Khi Tô Khất bay xuống ngựa để đánh giáp lá cà thì có hai thành viên của Đại Minh Triều mặc áo trắng và đen cầm kiếm chạy tới cản lại.  Tô Khất bị vây hai bên tả hữu mà không nao núng chút nào, liền khua đao tung ra hai chiêu liên tiếp là Cương Đao Phạt Mộc và Ngũ Chỉ Thu Đào chém sang hai bên, hai chiêu này thế đi gọn và mạnh như chẻ tre.  

Hai người Đại Minh Triều chỉ mới vừa chạy tới vây Tô Khất vào giữa, còn chưa kịp xuất thủ thì bỗng thấy hàn quang chói mắt từ thanh đao của Tô Khất chiếu ra.  Người mặc áo trắng khẽ nghiêng đầu để tránh tia sáng liền bị mũi đao đâm phập vào huyệt á môn, nhát đao trí mạng đâm xuyên từ phía trước ra sau ót của y, mũi đao nằm xuyên ở lõm giữa gai đốt sống cổ thứ nhất và đốt sống cổ thứ hai, làm cho người áo trắng thân hình bủn rủn, ngã quỵ xuống đất.  

Nói thì chậm chứ chiêu thức khi đó của Tô Khất xuất ra rất nhanh, trong chớp mắt người áo trắng đã đầu lìa khỏi cổ.  Tô Khất sau khi xuất thủ chém sang bên phải vội rút đao về lia sang bên trái.  Mọi người lại nghe phựt thêm một tiếng vang lên, cái đầu của người áo đen tức thì cũng như đồng bọn rơi xuống đất lăn đi long lóc mấy vòng, máu tươi cũng từ cổ hai người này bắn tung tóe lên cao một trượng, ướt đẫm một khoảnh đất nơi họ nằm chết và phủ đầy lên chiến bào Tô Khất.  

Có ba người Đại Minh Triều đứng gần đó thấy đồng bọn mình bị hai thế đao lợi hại giết chết một cách thê thảm, không khỏi kinh hãi trong lòng, chân vội bước lui lại mấy bước.  

Lại nữa họ nhìn thân mình Tô Khất đầy máu me, từng giọt nhỏ xuống từ trên mặt trên áo hòa với tiếng giết chóc tứ bề, gương mặt Tô Khất khi này giống như một tu la quỷ dữ đang hiện thân giữa ban ngày ban mặt, làm cho ba người Đại Minh Triều không khỏi kinh sợ, nhất thời chưa ai dám xông lên tấn công.

Tô Khất thấy vậy nhếch môi cười nhạt, lại tiếp tục xuất thủ.  Lần này cánh tay cầm đao vừa nãy thu về một lần nữa lại đâm ra, thân mình của Tô Khất cũng theo đà chân mà xoay một vòng, tay cầm đao gạt qua mặt ba người Đại Minh Triều, tức thì ba cái đầu rớt lộp bộp xuống đất.  Chỉ với một chiêu, Tô Khất đã giết chết ba mạng người dễ như trở bàn tay.

-Cẩu tặc! Coi ta thu thập mi! – Có tiếng Thường Tịnh Đạo hét to.

Thường Tịnh Đạo thấy năm người phe mình chết thảm, vội đạp gió xông lên giao thủ với Tô Khất.  Thường Tịnh đại hiệp là lôi thủ có tiếng vùng Vân Nam.  Tô Khất nhận thấy Thường Tịnh Đạo ra đòn tay ác liệt, nên không ngừng khuấy đao liên hồi, ra sức chống đỡ.  Hai bên giao đấu trong chớp mắt đã trao đổi mấy chục chiêu.  

Trong một lần Thường Tịnh Đạo thừa lúc Tô Khất hạ đao xuống bèn nhảy chân phải tới trước một bước để lấy thế, ngay liền đó hai tay họ Thường cũng thu vào ngực rồi tung chưởng pháp Song Long Thần Chưởng nhằm vào ngay ngực của Tô Khất phát ra.  

Thường Tịnh Đạo dồn hết thảy mười hai thành công lực vào chưởng pháp, những tưởng có thể đả thương được kẻ địch rồi, ngờ đâu không chút e dè Tô Khất giơ tay phải lên, cổ tay họ Tô có đeo một miếng bao cổ tay bằng sắt, vung lên đở lấy chưởng pháp của họ Thường.  Boong một tiếng.  Thường Tịnh Đạo bị đánh bật trở về, từ thế công biến thành thế thủ, Thường Tịnh Đạo lui chân lại ba bốn bước, mắt gườm gườm nhìn Tô Khất.

Nếu Thường Tịnh Đạo không là lôi thủ, sở hửu đôi tay cứng như thép thì khi chạm vào hộ oản của Tô Khất đã rêm xương rồi.  

Thường Tịnh Đạo còn chưa biết phải làm cách gì để phá giải đao pháp của Tô Khất, lại thấy thêm hộ oản cứng như một tấm chiên, trong lòng lo lắng hoang mang vô cùng.  

Đúng lúc này Tô Khất lại phóng tới dùng đao chém ngang qua yết hầu Thường Tịnh Đạo, chiêu thức này gọi là Cương Đao Trảm Xà. 

Thường Tịnh Đạo là một tiêu sư, từng trải qua không biết bao nhiêu trận đánh với bọn lục lâm thảo khấu từ nam chí bắc, vốn rất thâm niên chiến trường, tức thì nghiêng người ra sau thành công tránh nhát đao trí mạng đó.  Bất quá Thường Tịnh Đạo chỉ có thể thủ, còn công thì đương nhiên không nhập nội được nữa rồi.  Hai người đánh thêm vài chiêu nữa, Tô Khất biết người này hay ngã người ra sau tránh khỏi các chiêu thức của mình, thì bỗng nảy ra một ý.  Tô Khất tung ra chiêu Cương Đao Trảm Xà thêm một lần, lại như lúc nãy, Thường Tịnh Đạo lại tránh được, ngờ đâu đó chỉ là cú chém dứ lắt léo.  Nhân lúc Thường Tịnh Đạo nghiêng mình ra phía sau tránh đường đao, Tô Khất cuốn tay phải vô ngực rồi một quyền đánh tréo xuống hạ bộ Thường Tịnh Đạo.  Tô Khất khi sử chiêu này cũng đã vận hết mười hai thành công lực xuất ra.  

Thường Tịnh Đạo không tránh được hiểm chiêu, lãnh trọn Lôi Công Hạ Chưởng vào bụng, kêu hự lên một tiếng, máu từ miệng họ Thường búng ra ngoài một ngụm lớn, thân hình to cao của y đồng thời cũng chúi nhũi về phía trước, như một cây cỏ lau thình lình bị một làng gió mạnh thổi tạt qua vậy.  

Thường Tịnh Đạo đầu chúi xuống đất, bụng thầm than khổ, còn chưa biết phải làm gì để chuyển bại thành thắng thì lại thấy một vật đang hướng thẳng vào mặt y lao tới.  Thì ra Tô Khất đã co chân lại, dùng mũi bàn chân trái đá thẳng vào mặt họ Thường.  

Gió lồng vô ống quần Tô Khất rít lên nghe lồng lộng, tưởng đụng nhầm có thể vỡ tảng đá làm đôi, huống chi là cái đầu của Thường Tịnh Đạo.  Nhưng họ Tô chưa kịp xuất Kim Tiêu Cước để đoạt mạng Thường Tịnh Đạo thì Khẩu Tâm ở đâu bỗng phi thân tới.  Binh một tiếng vang lên.  Khẩu Tâm vừa tới đã xoay lưng đá nghịch mũi bàn chân trái của Tô Khất, chiêu Hổ Vĩ Cước này của Khẩu Tâm đã thành công hóa giải cước pháp Kim Tiêu Cước.  Thường Tịnh Đạo vì nhờ có Khẩu Tâm ra mặt mới có thể thoát được cửa tử thần trong đường tơ kẽ tóc, họ Thường hoàn hồn, thở ra một hơi, rồi nhảy lùi ra đứng phía sau lưng Khẩu Tâm.    

Về phần Trương Quốc Khải thì cũng muốn tiến đánh Tô Khất để trả thù cho Tứ gia và Lục gia tử trận ở Sơn Tây nhưng lại bị cầm chân buộc phải giao đấu với mười tên lính Thanh, một lúc sau lại có hai tên thị vệ thân tính của Tô Khất đến trợ chiến, rồi thêm hai mươi mấy tên lính khác tứ phía đều ùa tới bao vây Trương Quốc Khải vào giữa.

Lát hồi Trương Quốc Khải thành công đánh bạt đám lính đang bao vây chàng ra ngoài, chạy gần tới chỗ Tô Khất, định hợp sức cùng Khẩu Tâm để tiêu diệt tên bán nước cầu vinh thì bên cạnh lại có bảy tám tên lính nữa chạy đến múa trường đao cản trở.  Cứ như thế, binh lính triều đình không cho Trương Quốc Khải tới gần Tô phó tướng của họ.  Trương Quốc Khải bèn thi triển kiếm pháp tiếp tục giao đấu.

Lại nói tới Tô Khất khi này cầm đao lăm lăm trong tay, cặp mắt nhìn Khẩu Tâm không chớp lấy một cái.  Vẻ như Tô Khất nhận thấy tên hòa thượng này tướng tá to lớn, dũng khí mạnh bạo thì có vẻ bớt khinh địch đi, trên mặt Tô Khất vơi đi vẻ ngang tàng như khi đấu với Thường Tịnh Đạo.  

Khẩu Tâm cũng đứng yên như đang âm thầm dò xét thần sắt của đối phương.  Khi này đương là chính Ngọ, ánh mặt trời chiếu lên chiếc áo cà sa màu vàng nghệ của Khẩu Tâm, làm cho toàn thân Khẩu Tâm như có dát vàng.  

-A di đà phật! – Khẩu Tâm chắp hai tay nói – Thí chủ là cao nhân chốn nào, xin cho biết quý danh?

Hỏi rồi nghe đáp gọn lỏn:

-Tô Khất.

-Thì ra là phó tướng Mai Lặc Chương Kinh!  Nghe danh thí chủ đã lâu, hôm nay có dịp gặp gỡ thật là hữu duyên thiên lý.  

Khẩu Tâm mỉm cười từ tốn nói một câu, đã từ lâu rồi chàng nghe Tô Khất là một trong số ít các trung thần của Khang Hi tiểu hoàng đế.  Người gọi là Tô phó tướng này mới ban đầu xuất thân là một võ trạng nguyên, sau được thái hoàng thái hậu Hiếu Trang hết lòng tin cậy chiêu hầu phong tướng ban cho chức võ quan tam phẩm.  Ở trong triều nghe nói Ngao Bái có ý lôi kéo Tô Khất ngã theo phe Tam mệnh đại thần, nhưng trong vòng chưa đầy hai tháng nhập triều Tô Khất đã đầu quân dưới trướng một người gọi là Phủ Viễn tướng quân.   

Khẩu Tâm dứt lời khẽ chau mày nhìn Tô Khất, lúc nãy đánh với quân Thanh ở đằng kia chàng đã sớm ngó thấy Tô Khất sử dụng đao thuật rất là linh diệu, các chiêu thức khi đánh với Thường Tịnh Đạo biến hóa vô lường.  Khẩu Tâm nhận thấy Tô Khất tuy tuổi còn rất trẻ mà tay chân rất là hoạt bát nhanh nhẹn, còn đao pháp thì trùng trùng kỳ diệu bao la, riêng nội công thì cao siêu thuộc về hàng cao nhân tiền bối rồi.  

Về phần Tô Khất thì lúc này cũng đang cau mày quan sát xâu chuỗi tràng hạt mà Khẩu Tâm cầm trong bàn tay trái, Tô Khất đương nhiên biết đó không phải một xâu chuỗi bình thường mà chính là một thứ vũ khí.  

Khẩu Tâm chào hỏi xong vẫn còn từ tốn nói thêm:

-A di đà Phật, bần tăng là đại đương gia của Đại Minh Triều, hôm nay mạo phạm, muốn múa rìu qua mắt thánh.  Xin thí chủ cho phép bần tăng thỉnh thủ vài đường quyền?

Khẩu Tâm chỉ từ tốn được tới đây, vừa dứt lời không để Tô Khất kịp mở miệng nói tiếng nào, Khẩu Tâm ngay lập tức quàng bàn tay cầm xâu chuỗi ra sau lưng, tay kia tung thủ pháp.  Bộ Thủ Chỉ là bộ quyền thuật của Thiếu Lâm chuyên sử dụng các đầu ngón tay và mũi bàn tay để mà ra đòn.  Khẩu Tâm xuất Tứ Chỉ Dương Hầu, đòn pháp thứ tư trong Bộ Thủ Chỉ dùng bàn tay bốn ngón lật ngửa ra đâm vào yết hầu của Tô Khất.  

Hầu hết trong và ngoài võ lâm ai cũng đều nghe nói đến đại đương gia của Đại Minh Triều, uy danh rất lớn.  Cho nên khi Tô Khất nghe địch nhân xưng hô như thế hẳn nhiên là biết sự lợi hại của người này.  Tô Khất liền bước chân thoái lui nhường ngón đòn của Khẩu Tâm phớt qua cổ, không dám đánh trả lại. 

Vèo, đòn thế đi rất nhanh.  Tô Khất tránh được, còn chưa kịp thán phục thủ pháp đó thì đã phải tiếp tục quay mặt né thêm một cú nữa.  Chiêu đòn tay này cũng là một chiêu thức trong Bộ Thủ Chỉ gọi là Song Chỉ Thu Châu, đòn này được Khẩu Tâm xuất ra cũng nhanh không kém chiêu thứ nhất.  

Tô Khất né được hai chiêu đòn tay, tự nhủ mình tay chân nhanh nhẹn phải biết, bằng không đã bị Khẩu Tâm cong hai ngón tay dùng hai ngón còn lại đâm vào mắt cho đui rồi.  

Khẩu Tâm sau khi xuất hai chiêu đương nhiên không dừng ở đó, tiếp tục xuất chiêu thứ ba là Tam Chỉ Thần Ưng, ba ngón cái, trỏ và giữa của Khẩu Tâm đâm thẳng ra.  Tô Khất tưởng Khẩu Tâm lại lấy ba ngón tay đâm vào mặt mình như khi nãy bèn giơ đao lên gạt, vì chỉ lo che chắn phần trên của thân thể nên bên dưới Tô Khất để lộ ra một sơ hở rất lớn.  Tô Khất vừa kịp ngộ ra sơ hở chết người của mình, song chưa kịp dùng hộ oản chắn lại thì Khẩu Tâm đã chĩa tay thẳng xuống đất lấy thế để chống cho cú đá xuất ra.  

Bốp!  Tô Khất trúng độc chiêu này, lãnh trọn một cước vào bụng phát lên tiếng kêu rõ to.  Họ Tô chưa kịp rên la lại nhận thêm Độc Chỉ Cương Dương, Tô Khất bị ngón cái của bàn tay có cầm xâu chuỗi của Khẩu Tâm đâm mạnh vào be sườn.  Khi Khẩu Tâm thu hồi thủ pháp lại thì Tô Khất kêu hự thêm một tiếng động trời nữa rồi thoái lui.  

Hai mắt Tô Khất hằng vệt máu, môi mím chặt, vẻ như đang phẫn nộ vì nãy giờ bị tập kích liên tu bất tận mà không kịp đánh trả chiêu nào.  Tô Khất vung tay ra Bộ Cương Đao, áp sát vào Khẩu Tâm đánh tới tấp.  Ngặt nỗi Tô Khất xuất trăm chiêu, Khẩu Tâm đỡ được hết trăm chiêu.  Tới chiêu Cương Đao Khai Trị thì Tô Khất dùng đao từ trong chém vuốt ra ngoài, tia sáng rực từ lưỡi đao phát ra.  

Nhân lúc Khẩu Tâm nheo mắt lại tránh tia sáng, Tô Khất tức thì phối hợp với chiêu Cương Đao Sát Thích dùng mũi đao nhắm vào lòng ngực của Khẩu Tâm đâm thẳng một đường.

Khẩu Tâm ở trong Đại Minh Triều giữ chức vị đương gia, thì đương nhiên lâm trận không biết bao nhiêu lần mới lên được tới chức đó, cho nên tiếp chiến rất là ung dung bình tĩnh.  Khẩu Tâm nghe tiếng gió thì biết mũi đao đang lao thẳng tới ngực mình bèn vung tay vuốt xâu chuỗi tràng hạt làm cho mấy hạt san hô tức thì rời khỏi sợi chỉ đỏ vù vù bay đi, hướng thẳng vào mũi đao.  

Tuy mấy hạt san hô này chỉ được làm bằng đá vôi nhưng với công lực của Khẩu Tâm đem so với Tô Khất vốn cao hơn gấp mấy lần, cho nên lúc mũi đao và mấy hạt san hô chạm nhau đã tạo ra một âm thanh vang rền như tiếng sấm nổ.  Ầm!  Hạt san hô có tác dụng làm hãm đà mũi đao, Khẩu Tâm nhờ đó mới có thể đảo mình sang một bên mà tránh.  Tô Khất thấy mình công kích không trúng mục tiêu được, đành thu đao về.  

Chiêu thức Cương Đao Sát Thích là tuyệt kỹ đã làm nên danh tiếng cho Tô Khất, chiêu đó vừa thần tốc vừa chính xác vậy mà chỉ trong chớp nhoáng Khẩu Tâm đã lấy lại thế thượng phong.  

Tô Khất ngay sau khi thu đao về lại nhanh như chớp đổi sang chiêu thức khác tiếp tục tấn công Khẩu Tâm, lần này, Tô Khất phóng mình lên cao một trượng rồi hai tay cầm chặt cán đao chém một nhát xuống đầu Khẩu Tâm.  

Khẩu Tâm cũng phản ứng nhanh nhẹn không kém, tay trái vội buông xâu chuỗi tràng hạt cho rơi xuống đất, đồng thời bàn tay phải cũng cho vào áo cà sa lấy vũ khí Thiết Đầu Lôi vung ra, bằng động tác nhuần nhuyễn, Khẩu Tâm quất một đường từ dưới lên trên đỡ lấy nhát đao.

Keng!  Thanh đao lại bị đánh bật ra, Tô Khất loạng choạng đáp xuống đất.  

Trước nay Tô Khất khá tự phụ, nhưng sử xong hai chiêu tuyệt kỹ này thì lùi lại bốn bước, ngẩn ra nhìn đối phương.  Trên mặt Tô Khất vẻ như hai phần xấu hổ, hai phần giận dữ, và còn tới sáu phần sợ hãi.  Quả thật võ công của Khẩu Tâm rất là lợi hại, các chiêu thức đánh ra không phải tầm thường, mỗi lần xuất thủ là khiến cho địch mất hết cả nhuệ khí. 

Khẩu Tâm cũng không cho Tô Khất điều khí định thần, đang ở thế công nên vội cầm dây xích xoay người một vòng, thân hình di chuyển tay cũng xoáy theo, sợi dây quay mòng mòng mấy vòng trên cao rồi bay xoẹt ra.  Tô Khất thấy cái “lồng chim” phóng tới thì đảo người sang một bên mà tránh. 

Trong một lần Tô Khất không nhảy tránh được nữa, đành dùng đao chém vớt từ dưới hớt lên, xéo bốn mươi lăm độ, xuất chiêu Cương Đao Lia Cành đỡ chiêu thức của Khẩu Tâm.  

Keng!  Ngờ đâu lần này, khi thanh đao của Tô Khất chạm vào cái “lồng chim” không bị bật trở ra ngoài nữa, mà lưỡi đao lại bị sợi dây xích cuốn luôn lấy.      

Tô Khất nghiến răng nghiến lợi cố rút đao về, nhưng lưỡi dao bị sợi xích quấn chặt, không rút về được.  Khẩu Tâm sau khi dùng sợi xích quấn lấy binh khí của địch thì một tay cầm sợi dây, một tay tung một chưởng đánh ra.  Tô Khất cũng vội dùng tay không cầm đao tả chưởng đánh trả lại, bùm một tiếng vang lên, do nội lực của Khẩu Tâm cao hơn nên Tô Khất bị đánh té bật ngửa ra đất, miệng thổ một ngụm máu tươi.  

Khẩu Tâm vì vậy mà đoạt được thanh đao.  

Tô Khất bị mất đi binh khí, mặt mày còn đang thất sắc thì vù một tiếng, Thiết đầu lôi lại được Khẩu Tâm vung ra.  Tô Khất lăn một vòng tránh cái “lồng chim” rồi bật đứng dậy, song còn chưa đứng thẳng người được đã phải thét lên một tiếng động trời.    

Hóa ra y bị chính thanh đao của mình cắm phập vào đùi.  Do Khẩu Tâm vừa ném Thiết đầu lôi vừa phóng cây đao cùng một lúc nên Tô Khất không sao tránh khỏi, máu chảy ướt đẩm một bên chân y, Tô Khất thất kinh nhủ bụng “may là ta không thoa độc lên lưỡi đao, bằng không tự ta hại chết ta rồi!”   

Tô Khất bị thương đau đến muốn té sụp xuống đất một lần nữa, lúc này tâm trí cũng bắt đầu mơ hồ, vội lắc đầu một cái để trấn tĩnh.

Khẩu Tâm lại tiếp tục vung Thiết đầu lôi.

Tô Khất thấy Khẩu Tâm điều khiển Thiết đầu lôi bay loạn xạ không theo một đường hướng nhất định nào.  Họ Tô bị ép chỉ còn cách nhỗ cây đao trong chân ra vung gạt hai bên trái phải, hai chân Tô Khất cũng liên tục nhảy tránh.  Chiếc “lồng chim” không ngừng tấn công vùng hạ bộ của Tô Khất và cũng chờn vờn trên đỉnh đầu y, vẻ như chỉ cần y hớ hênh một chút là chiếc lồng liền bay đến chụp lấy chỗ sơ hở đó ngay.  Trong chiếc lồng lại nhấp nháy mấy thanh sắt trông như những cái răng bén nhọn, khiến cho bất kỳ người nào ngó thấy cũng phải không rét mà run.    

Giao chiến thêm một hồi nữa Tô Khất toàn thân đều bị thương, một chân lại bị mất rất nhiều máu, vẻ như chống không nổi nữa, nhưng vẫn loạng choạng mà đứng ngăn không cho té xuống đất, dường như y biết nếu y nằm đất rồi thì coi như cái chỗ y nằm đó sẽ là nấm mồ của y.  

Lát sau Khẩu Tâm lừa được một thế, nhưng chiếc “lồng chim” chưa chạm vào đỉnh đầu Tô Khất thì có đột biến.  

Chiếc “lồng chim” tự dưng bị đứt, rơi xuống đất đánh bộp một tiếng.  

Thường Tịnh Đạo đang giao đấu với quân binh gần đó, thấy cái “lồng chim” lăng tới dưới chân mình, vội tung một quyền đánh bạt một tên lính ra rồi hét lên:

-Ám khí!  Coi chừng ám khí! 

Tiếng la thất thanh này của Thường Tịnh Đạo càng làm cho đoàn người Đại Minh Triều thêm hoang mang, họ nhủ bụng chỉ với đoàn quân của Tô Khất mà đã đánh đấm muốn trối chết rồi, bây giờ lại nghe có thêm một đội cung thủ nữa thì coi như chết không kịp ngáp!

Khu rừng lúc chưa rối loạn vốn có nhiều cây thông để làm nơi ẩn nấp, huống gì tình hình lộn xộn bấy giờ không thể nào nhận diện được tụ tiễn hay cung tên sẽ được phóng ra từ hướng nào.

Khẩu Tâm và Thường Tịnh Đạo không hẹn mà cùng lia mắt ra tứ bề tìm kiếm, nhưng người vừa cắt đứt Thiết đầu lôi chỉ xuất có một chiêu, sau đó không xuất thêm chiêu nào nữa.  

Thường Tịnh Đạo trong lòng lo lắng vô cùng, đoạn liếc sang Tô Khất.  Thường Tịnh Đạo suy nghĩ rất nhanh, biết rằng địch đông ta ít khó thắng nổi trận này được bèn chọn cách bắt sống Tô Khất làm con tin.  Trong lòng nghĩ nếu có Tô Khất trong tay rồi, bọn binh lính triều đình còn dám kịch chiến nữa sao?  

Nghĩ là làm, Thường Tịnh Đạo nháy mắt với Khẩu Tâm một cái, đồng thời cũng hất đầu về hướng Tô Khất đang đứng.  

Tô Khất bị Khẩu Tâm và Thường Tịnh Đạo dí hai đầu trước sau, rõ là không tháo chạy được rồi.  Thường Tịnh Đạo tay rút ra một thanh đao ngắn, định dùng thanh đao này để khống chế Tô Khất nhưng chưa kịp ra tay thì có một loạt những vật gì phóng ra như điện chớp sao xẹt.  Thường Tịnh Đạo kêu lớn, té ra đã trúng tiêu.

Tô Khất thừa lúc Thường Tịnh Đạo bị thương vội phóng ra khỏi vòng vây.

Trận này quả như bọ ngựa bắt ve chim sẻ đứng sau.  

Khẩu Tâm mất đi con tin, phóng tới gần giúp Thường Tịnh Đạo nhổ phi tiêu trên vai ra.  Thường Tịnh Đạo đau tới độ đứng thẳng người không nổi, máu tuông không ngừng, may là phi tiêu chỉ ghim vô hai bả vai y, may mắn chỉ xuyên qua thịt, không làm đứt gân cốt.  

Họ Thường vừa ôm lấy hai vai vừa nhủ bụng “kẻ này quả nhiên nội lực siêu phàm thật, y thành thục cả hai tay, bằng không thì không thể cùng lúc ném ra một cặp phi tiêu với vận tốc không chút chênh lệch như vậy...”  

Thường Tịnh Đạo còn đang cắn răng nhịn đau, thì lúc này có mười ba tên lính thừa lúc y bị thương liền xông tới đánh.  Khẩu Tâm và Thường Tịnh Đạo liền hợp sức đối phó đám quân binh.

Lát hồi hai người đánh hạ được đám binh lính đó rồi, Thường Tịnh Đạo và Khẩu Tâm đứng đâu lưng vào nhau, mắt nhìn quanh quất.  Tô Khất khi này đương nhiên đã lùi về đứng phía sau một toán lính của y, an toàn rồi.

Thường Tịnh Đạo nghĩ tới chuyện mình bị người ta lén lúc ám toán, không quang minh chính đại chút nào, đương nhiên coi thường lắm, tức thì buông lời thóa mạ:

-Cẩu Thanh quả là cẩu Thanh!  Người lỗi lạc không bao giờ làm chuyện mờ ám!  

Lời này đương nhiên là dành cho kẻ vừa phóng ra cặp tiêu.  

Không nghe tiếng đáp lời, Thường Tịnh Đạo lại hét lên:

-Mi có giỏi thì ra đây thách đấu với ta!  Nấp nấp ló ló, còn là anh hùng, còn là quân tử sao?

Thường Tịnh Đạo vừa thét vừa quay đầu sang hai bên mà tìm, nhưng tả hữu vẫn không có ai xuất hiện.  

Khẩu Tâm nhìn thương thế trên vai Thường Tịnh Đạo, biết đường bay của cặp phi tiêu nhất định phải được xuất ra từ phía Tây, bèn hất đầu về phía Tây.  

Thường Tịnh Đạo bèn hướng về Tây mà quát:

-Vậy ra mi không phải là quân tử ư?  Vì nếu phải, thì đường đường chính chính ra đây đương đầu với ta, đừng ở trong tối ra tay ám muội!

Phía Tây vẫn lặng, Thường Tịnh Đạo nhổ một bãi nước bọt xuống đất, dùng giọng khinh miệt tiếp tục nói:

-Hèn mạt vô sỉ!

Lần này Thường Tịnh Đạo vừa nói xong, có tiếng hừ lạnh vang lên, rồi tiếng đáp trả:  

-Ám khí, đương nhiên phải dùng để ám toán từ xa rồi, để cho ngươi thấy được, còn gọi là ám khí sao?

Giọng người này âm trầm lạnh lẽo, làm cho tiết trời cũng lạnh lẽo theo.

Khẩu Tâm và Thường Tịnh Đạo đưa mắt nhìn nơi vừa phát ra giọng nói lạnh lẽo, chỉ thấy một hàng cây vân sam với những tàn cây đan xen vào nhau dày đặc, một màu xanh ngắt không nhìn xuyên qua được.  Hai người còn đang cau mày, thì những tàn cây động đậy, rồi một đoàn quân thiết giáp tay cầm trường mâu lù lù gạt lá tiến ra.  

Đoàn quân thiết giáp xuất hiện, sau đó đứng tách sang hai bên, nhường đường cho một nam nhân cũng khoác chiến y màu bạch kim cưỡi một con huyết mã từ từ bước ra.  Người này trông vô cùng oai vệ, tướng mạo cao ráo lực lưỡng, khuôn mặt nghiêm nghị, ngay cả con ngựa đang cưỡi cũng lẫm liệt vô thường.  Thường Tịnh Đạo thầm nhủ phong thái đĩnh đạc của người đó, đem so với thiếu đà chủ hoàn toàn không hề kém cạnh chút nào.

Thường Tịnh Đạo mới ban nãy còn nói khích chứ bây giờ rầu rĩ vô cùng, mắt nhìn thấy phe địch đã đông giờ lại càng thêm đông đúc hơn, vội lia tia nhìn sang Khẩu Tâm, bắt gặp đôi mắt Khẩu Tâm đen tối như hai cái hố sâu, mặt mày cũng thất sắc không ít hơn mình là bao.  

Ở đằng kia Trương Quốc Khải, Nhất Đình Phong, Thường Tam Triệu và Thường Di Tính đang giao đấu với binh lính của Tô Khất, bốn người họ ngó thấy đoàn quân thiết giáp này ai nấy cũng như Thường Tịnh Đạo, người nào cũng đều rầu rầu nét mặt.  Nhất là Trương Quốc Khải vốn đã từng nếm qua một lần bị vây đánh ở rừng Sơn Tây rồi, đã biết sự lợi hại của bọn quân áo sắt này.    

Người mặc áo bạch kim cho ngựa bước ra từ hàng vân sam xong đứng giữa đoàn quân áo giáp, không nói tiếng nào hết, chỉ đưa cặp mắt sáng quắt nhìn xoáy vào Khẩu Tâm và Thường Tịnh Đạo.  Tia nhìn này làm cho họ Thường cảm giác như có hàng quang chiếu ra, làm cho y vốn dĩ tự cho mình là một kẻ không sợ trợi không ngán đất cũng bất giác toàn thân ớn lạnh.  

Quả thực từ khi đi lại trên giang hồ họ Thường chưa bao giờ thấy một con ngựa nào trông dũng mãnh như thế, mà người cưỡi con chiến mã đó khí thế càng ngạo nghễ hơn gấp trăm ngàn lần.  

Tô Khất khi này chạy đến dưới chân nam nhân cưỡi con ngựa đỏ, quỳ phịch xuống vòng tay cúi đầu nói:  

-Tham kiến Phủ Viễn tướng quân!  Mạt tướng thật là vô dụng!

Người được gọi Phủ Viễn tướng quân cho ngựa bước lên một bước, dời ánh mắt nhìn xuống.  Thường Tịnh đạo trong bụng thầm nghĩ gã này chắc sẽ thốt lời trách phạt họ Tô đây, đường đường là một phó tướng tay nắm vạn quân, lại đấu không lại bọn Giang Nam thất phỉ lòe hòe vài ba mống.

Ngờ đâu Thường Tịnh Đạo chỉ thấy tên Phủ Viễn tướng quân kia phất tay một cái, rồi Thường Tịnh Đạo lại thấy hai tên lính áo sắt cúi đầu nhận lệnh, đến đỡ Tô Khất đứng dậy.

-Tô phó tướng cực nhọc rồi – Thường Tịnh Đạo nghe Phủ Viễn tướng quân nói - Mau lui về trại lính dưỡng thương.  Nơi này để cho ta.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Tô Khất bị đả thương không nhẹ, một bên chân vẫn còn rất nhiều máu chảy ra, vội vòng tay xá một cái sau đó theo hai tên lính thiết giáp rời đi.  

Thường Tam Triệu khi này phóng tới đứng cạnh Thường Tịnh Đạo, giương đôi mắt căm thù nhìn tên Phủ Viễn tướng quân, lớn tiếng quát hỏi:

-Thì ra kẻ đả thương đại ca ta chính là tên cẩu quan mi, mi danh tánh thế nào?

Người gọi là Phủ Viễn tướng quân không đáp, chỉ khinh khỉnh nhếch môi cười nhạt.  

Thường Tam Triệu thấy tên này hống hách như vậy, giận tím mặt mày, bấy lâu Thường Tam Triệu tự phụ bản thân mình cũng là một cao thủ sử ám khí, nhân lúc này bèn rút trong tay áo một con dao găm phóng ra.

Nếu tên quan này không phải là một cao thủ về ám khí thì chỉ cần một hành động này đủ làm cho táng mạng vì sự thần tốc của nó.  Song lúc nãy y đứng ở đằng xa trông thấy đoàn người Đại Minh Triều giao chiến với binh lính của Tô Khất, đã quá rõ bản lĩnh đối phương rồi, nên chỉ bằng một cú nghiêng mình sang trái là đã tránh được ám khí của Thường Tam Triệu lao tới.

Thường Tam Triệu lại tiếp tục phóng thêm hai con dao nữa ra.  Phủ Viễn tướng quân một lần nữa cũng phản ứng cực kỳ linh hoạt và chính xác như đã lường trước hành động của đối phương.  Quả thật y rất dày dạn kinh nghiệm về các loại phi đao, bởi vậy dù Thường Tam Triệu xuất thủ thế nào cũng không sao chạm được vào người y. Y phất nhẹ một ống tay áo đẩy lùi một mũi dao, đồng thời hơi lách mình sang phải tránh mũi thứ hai lao tới chính diện, động tác vừa ung dung vừa thanh thoát, sắc diện vẫn bình thường tỏ rõ mình đang chiếm ưu thế.

Thường Tam Triệu không chịu thua, lại vung cả hai ống tay áo lên cùng lúc, phất mạnh xuống một cái, một trận mưa chủy thủ từng trong áo Thường Tam Triệu bay vụt đi.  

Phủ Viễn tướng quân ngã người cho nằm rạp lên lưng ngựa, tránh trận mưa chủy thủ bay sạt qua khỏi cổ mình, đồng thời một loạt ám khí từ trong áo y cũng nhất thời bắn ra.

Hai mũi cương tiêu một mũi ghim trúng vào yết hầu của Thường Tam Triệu, một mũi trúng bụng dưới của y, Thường Tam Triệu lập tức nhào xuống đất.

Sau đó Phủ Viễn tướng quân một thân một mình phi ngựa đến gần nơi Khẩu Tâm và Thường Tịnh Đạo đang đứng, một thành viên của Đại Minh Triều mặc áo nâu muốn bảo vệ Khẩu Tâm nên xông ra đưa thương đâm tới.  Phủ Viễn tướng quân nghiêng người tránh né, giật lấy cây thương, không đánh trả mà cho ngựa chạy thẳng tới trước.  Một thành viên khác của Đại Minh Triều mặc áo xanh bay tới chặn trước đầu ngựa múa đao chém lên, Phủ Viễn tướng quân vung thương ra gạt. Lưỡi thương nhanh như sấm chớp, thuận theo thế mà lướt tới đối phương, cắt đứt bốn ngón tay của người này.  Rồi lại giật dây cương cho ngựa quay đầu, ra chiêu Ưng Trảo Phi Thiên đâm thương trúng vào tim người mặc áo xanh.

Phủ Viễn tướng quân ra đòn xong nghe thấy sau gáy có tiếng gió rít lên, biết có địch nhưng không thèm quay đầu lại nhìn. Tay phải đảo thương tiếp tục chém mũi thương ra sau, từ dưới hớt lên.  Cây thương chém trúng Thường Di Tính từ dưới nách phải qua tới vai trái, thế là Thường Di Tính muốn ám toán sau lưng đã bị chiêu Trảm Ma Thương kia chém thành hai khúc, máu tươi bắn ra tung tóe.

Những tên lính áo giáp bạc đứng nhìn thấy rõ ràng bèn nện cán trường mâu lên mặt đất phát lên những tiếng rầm rầm, hoan hô vang dội.  Còn người của Đại Minh Triều thì nhìn thấy thương pháp của tên quan này đều kinh hãi, thầm nghĩ hai người phe mình là Tam Triệu và Di Tính võ công không tệ, thế mà sử chưa hết năm chiêu đã bị giết rồi.

Thường Tịnh Đạo đích mắt trông thấy hai em bị chết thảm, mà kẻ làm anh trở tay không kịp, lòng đau như cắt, muốn trả thù cho họ nên dù bị thương hai vai vẫn nhảy đến đánh.  Phủ Viễn tướng quân chờ cho Thường Tịnh Đạo tới gần cũng phi thân xuống ngựa.  Trong chớp nhoáng đó rắc mấy tiếng vang lên.  Mọi người còn chưa kịp thấy gì thì ngay sau đó Phủ Viễn tướng quân đã dùng chân đạp gió bay trở lại ngồi chiễm chệ trên lưng chiến mã rồi.  

Thường Tịnh Đạo té nằm sấp lên mặt đất, thân thể chạm đất phát một tiếng kêu bịch, thay vì phun bãi nước bọt như lúc nãy thì bây giờ nhổ một bãi máu tươi, rồi tắt thở.   Khẩu Tâm sau khi định thần thì ngó thấy xương sườn và xương ngực họ Thường đều bị gảy cả, đâm lỉa chỉa ra lưng.  Thường thị đại hiệp thảm bại nhanh đến nỗi Trương Quốc Khải tò mò quay đầu nhìn mà vẫn không kịp trông thấy quyền cước thế nào.  Trương Quốc Khải cả kinh nhủ bụng, “tên cẩu quan này, ra đòn hệt như một làn gió lốc, xoáy người bay xuống bay lên là xong sao?  Trận chiến bình sinh kết thúc chưa đầy một cái nháy mắt, thật khiến người ta khiếp đảm…” 

Nhất Đình Phong khi này đang cùng Trương Quốc Khải đánh đám binh sĩ của Tô Khất, Nhất Đình Phong muốn biết người vừa cho Thường tam hiệp nằm đất võ công lợi hại thế nào, vội nói với Trương Quốc Khải:

-Con bà nó!  Đồ cái bị thịt!  Để ta!

Dứt lời đạp chân lên vai một tên lính để lấy đà mà bay tới trước mặt Phủ Viễn tướng quân.

Nhất Đình Phong không có màn chào hỏi qua lại như những hảo thủ giang hồ khác, vừa tới đã xuất thủ đánh ngay.  Phủ Viễn tướng quân hoàn toàn không tránh né, cũng không chống đỡ. Đợi quyền đến cách mặt mình vài tấc, mới phát chiêu, tả chưởng chặt vào mạch môn trên cổ tay phải của Nhất Đình Phong.

Binh!  Nhất Đình Phong không ngờ đối phương phản đòn nhanh đến thế, phải đáp xuống đất, lùi bảy tám bước.  Phủ Viễn tướng quân ngồi yên trên ngựa không đuổi theo, nên họ Nhất định thần rồi thi triển Ngũ Hành quyền bay đến tiếp tục tấn công. 

Lần này, Phủ Viễn tướng quân thi triển khinh công, đạp chân lên bàn đạp ngựa phóng vụt trên cao khoảng một trượng, chờ cho con ngựa bỏ chạy ra khỏi vòng chiến rồi đáp xuống tung quyền giao đấu với Nhất Đình Phong.

Phủ Viễn tướng quân khi đánh họ Nhất ra tay ung dung chậm rãi, gương mặt điềm tĩnh, tư thế vững vàng trong khi Nhất Đình Phong đánh đấm trối chết mới giữ được thế quân bình.  Lại nữa, tên quan này dường như còn có niềm tin tuyệt đối vào bản lĩnh của mình nên qua cả chục chiêu vẫn không một phút hoang mang trước đòn tấn công biến hóa của Nhất Đình Phong.  

Thêm vào đó, y hình như đang đùa cợt với Nhất Đình Phong hay sao cho nên không ra hết sức.  Còn đoàn quân thiết giáp thì khoanh tay như những kẻ nhàn nhã, vô tư, đứng tụm vào nhau chỉ trỏ bàn luận, dùng lời lẽ đẹp đẽ nhất để tâng bốc chủ soái của bọn chúng.  

Qua vài chục chiêu mà thấy kẻ thù công kính như bưng, khí lực dồi dào, Nhất Đình Phong biết không thể đọ sức dẻo dai với người này được rồi, nhưng nhủ bụng thà bị giết cũng không bao giờ tính chuyện rút lui tìm đường tẩu thoát đâu.  Mà Phủ Viễn tướng quân cũng không để họ Nhất có dịp dừng tay, chứ đừng nói chi là thoát thân.  

Sang đến chiêu thức năm mươi lăm, Phủ Viễn tướng quân lúc nãy xuất quyền đùa chơi cho vui còn bây giờ ra tay dứt khoác hơn, đòn đi hiểm độc hơn, đánh toàn vào yếu huyệt của Nhất Đình Phong.  Các chiêu xuất ra đánh liên tục như nước thác đang đổ, chiêu nào cũng đều dũng mãnh, chỉ chực kết liễu tính mạng của đối phương.  

Nhất Đình Phong bấy giờ thấy cái chết treo trên đỉnh đầu, có hơi không cam lòng, nhưng y đã lâm vào cảnh tấn thoái lưỡng nan rồi, không lẽ cứ trơ ra chịu trận, cho nên đành phải miễn cưỡng đem hết sức lực bình sinh mà chống cự lại, còn lại thì phó mạng cho trời định đoạt.  Nhưng họ Nhất không phải kêu khổ lâu, Khẩu Tâm lại tiếp tục trợ nghĩa tương cứu khi Nhất Đình Phong lãnh một thương vào vai trái.  

Nhất Đình Phong kêu lên một tiếng trong đau đớn.  

Phủ Viễn tướng quân sau khi xuất thương đâm trúng vai họ Nhất, còn chưa rút thương về, thì Khẩu Tâm đã xuất Song Tiễn cước bay tới đá gãy cây thương làm đôi.  

Rắc!

Nhất Đình Phong khi này trên ngực còn cắm nửa cây thương, cắn môi cố nhịn đau dùng tay rút ra rồi ném mạnh xuống đất.  

Binh khí trên tay Phủ Viễn tướng quân bị gãy, mà vẫn không hề nao núng, nhìn Khẩu Tâm lên tiếng tán dương:

-Quả nhiên là sát thủ Thiết đầu lôi danh bất hư truyền!

Miệng khen nhưng tay vẫn không chậm lại chút nào, sau khi y quăng cây thương gãy đi rồi, với hai bàn tay không mà sử chiêu nào chiêu nấy ung dung tiêu sái như mây bay trên trời vậy, ra ý là không cần binh khí vẫn đánh được.

Rút kinh nghiệm từ trận đánh cầm cự dai dẳng của Nhất Đình Phong, Khẩu Tâm liều mình đánh nhanh rút gọn.  Sang đến chiêu hai mươi, vì muốn chế ngự địch thủ nên Khẩu Tâm sử dụng tất cả mười hai thành công lực vào Bộ Hùng Chưởng.  

Khẩu Tâm khua chân bay vèo lên cao khoảng một trượng, chúi người đánh chiêu độc địa nhất của Bộ Hùng Chưởng là Mãnh Công Độc Chưởng thẳng xuống huyệt Bách Hội của địch.  Phủ Viễn tướng quân dùng tĩnh chế động, đứng im định thần, đoạn chờ bàn tay của Khẩu Tâm đến sát đỉnh đầu mới khéo léo tung Kim Báo Đảo Quyền, dùng tay trái gạt đi chưởng pháp, đồng thời tay phải thu nắm đấm, đấm vào ngực Khẩu Tâm.  

Khẩu Tâm không ngờ kẻ địch nội công thâm hậu đến vậy, hóa giải chiêu thức của mình một cách dễ dàng, đã vậy còn bị nắm đấm mạnh và nhanh như sấm phản hồi lại.  Khẩu Tâm liền dùng chiêu cuối của Bộ Hùng Chưởng là Âm Dương Pháp Chưởng, giơ một bàn tay ngửa lên ngang cằm, một bàn tay xuống che ngang ngực, ra sức đỡ cú đấm ác nghiệt đó.  

Khi đáp xuống đất, Khẩu Tâm cảm giác rêm cả tay, nhủ bụng “tuy mới tiếp xúc chưa đầy năm mươi chiêu mà công phu giữa ta và hắn tỏ tường như ban ngày rồi, hắn quả là trên ta có đến chục bậc là ít, lại không thuộc về môn phái nào ở võ lâm trung nguyên cả, phù...”  

Khẩu Tâm nghĩ rồi đổi phương thức khác, từ chưởng pháp chuyển qua Long Phi Cước, chân trái xê tới bên trái, vọt cao đá bay.  Một chân của Khẩu Tâm co lại, chân kia tống một cước vô mặt kẻ địch.  Phủ Viễn tướng quân một lần nữa sử dụng sự uyển chuyển tuyệt vời của đôi tay y, hai bàn tay y banh ra, thế như chim hoạch moi cát, tung tuyệt môn Hoạch Sa Hạ Quyền ra bắt lấy một chân của Khẩu Tâm.  

Bộp!  Khẩu Tâm từ thế chủ động biến sang bị động, chưa tìm ra cách kéo chân trở về thì cảm giác chi dưới tê bại, mới hay đã bị điểm trúng huyệt Dũng Tuyền ở lòng bàn chân rồi, khí công dồn xuống chân để xuất ra cú đá khi nãy bị dội ngược trở lên, dẫn đến loạn khí, nội công trong mình Khẩu Tâm lập tức bị tổn thương.  Khẩu Tâm hộc ra một ngúm máu, cảm giác lòng ngực đau như có một tảng đá đè xuống, đan điền cũng không hơn gì mấy, một chân bị điểm huyệt không cử động được nữa.

-Đại ca!

-Đại đương gia!

Có tiếng kêu thống thiết của Nhất Đình Phong và Trương Quốc Khải.  

Thân thể Khẩu Tâm ngay liền đó lại bị ném cho rơi vào một gốc cây cổ thụ, mọi người lại nghe binh một tiếng nữa, thân mình Khẩu Tâm chạm vào gốc cây văng ngược trở ra, lăn vài vòng rồi nằm sấp trên đất.  

Phủ Viễn tướng quân đả bại Khẩu Tâm xong chắp tay sau lưng thong thả nhìn Khẩu Tâm lúc này đang cố gắng chống tay ngồi dậy.  Thật ra thì Khẩu Tâm đâu phải là võ công thấp hèn, ít nhiều trình độ cũng thuộc vào hàng mà những nhân vật hữu danh giang hồ chẳng dám coi thường.  Nay bị thảm bại dưới tay một người không rõ lai lịch thế này, thật là nhục nhã hết sức tưởng tượng.

Phủ Viễn tướng quân khi này còn chưa kết thúc mạng của Khẩu Tâm, mà chỉ đứng yên mà nhìn, lát hồi y vừa dợm chân tiến tới gần Khẩu Tâm, thì Trương Quốc Khải đã kịp thời đánh bạt mấy tên lính đang bao vây chàng ra, nhảy tới tấn công ráo riết để cứu nguy cho Khẩu Tâm.

Biết người này có nội công tinh thâm tuyệt diệu, bản lĩnh siêu việt đó giờ chưa từng thấy, nên Trương Quốc Khải hơi hồi hộp trong lòng, và vì trong lòng chàng lo âu nên những chiêu thức đánh ra có hơi rối loạn một chút.  

Lại nữa, Trương Quốc Khải vừa đánh vừa phải ngó chừng đoàn quân thiết giáp, không biết bọn chúng sẽ tấn công vào lúc nào đây?  Chàng dùng tay phải khua thanh Phục y kiếm.  Nhưng tủy của kiếm pháp phải là điệu bộ thong thả linh hoạt, không nắm chặt lấy cán, có thế mới không làm cản trở kỹ thuật của kiếm chiêu.   Nhưng vì đang lo lắng trong lòng nên các chiêu pháp đánh ra có phần hơi hấp tấp hơn so với thường ngày.

Mà tên Phủ Viễn tướng quân nào có chú ý đến cây kiếm mỏng manh kỳ lạ trong tay phải của họ Trương đâu, y chỉ nhìn chằm chằm vào cánh tay trái của Trương Quốc Khải mà thôi.  Bởi vì theo võ lý thì yếu quyết của người dùng đao kiếm là “đơn đao khán thủ, bảo kiếm khán đàm.”  Tức là để đánh giá trình độ của người sử dụng kiếm, người ta nhìn vào tay không cầm kiếm xem có phối hợp ăn khớp với tay cầm kiếm hay không? 

Trương Quốc Khải dùng thanh Phục y kiếm dẻo dai làm lò xo, chống mũi kiếm xuống đất làm điểm trụ hất tung thân mình về phía trước, kích kiếm ra chiêu Thiên Tựu Hoành Phong.  Thanh kiếm xé gió tiến thẳng về hướng Phủ Viễn tướng quân.  

Y thấy Trương Quốc Khải võ nghệ tài tình, chiêu này kiếm đi thức đẹp tựa rồng bay, kiếm hoa như phụng vũ thì gật gù khen:

-Hảo kiếm pháp!

Trương Quốc Khải hừ lạnh một cái, nói:

-Người Đại Minh Triều ta chỉ biết cách đánh thắng, không biết cách đánh thua!

Phủ Viễn tướng quân nghe nói vậy khẽ nhếch môi cười, chẳng màng tránh né mũi gươm sắp chém vào mặt mình, y nhanh chóng phát huy chiêu Trương Đảo Diệt Khí, chiêu này y dùng hai bàn tay từ hai bên hông chém bập vào giữa thành hình chữ “thập,” đỡ lấy kiếm pháp của Trương Quốc Khải.  Lưỡi kiếm chạm vào điểm giữa của chữ “thập,” tức thì bị đánh bật trở ra ngoài.  Trương Quốc Khải trợn mắt mà nhìn, thấy hai tay địch nhân không đeo hộ oản mà không bị gì dầu là một vết trầy xước nhỏ.

Trương Quốc Khải còn đang hoảng hốt, nhất thời không tiếp tục tấn công, chàng có nằm chiêm bao cũng không ngờ địch nhân võ công tinh xảo tuyệt diệu đến vậy, cao siêu tột đỉnh, thần lực kinh người thế này, miệng lẩm bẩm “thế mà cũng được hay sao chứ, trên đời có người có thể gồng tay vận quyền khiến cho xương thịt trở nên rắng chắc như sắt thép để đở lấy Phục y kiếm của mình ư…” 

Trương Quốc Khải đã từng tỷ thí và trở thành đệ nhất kỳ nhân kiếm thuật không có đối thủ, nay gặp phải một gã cao nhân tại ngoại vô danh này, làm cho chàng không khỏi sửng sốt, mắt trợn tròn không khép lại được.  

Phủ Viễn tướng quân nãy giờ phòng thủ nghiêm mật, chớp nhoáng y và Trương Quốc Khải đã đánh được bảy mươi mấy chiêu.  

Sang chiêu thứ tám mươi thì Trương Quốc Khải vừa đánh vừa lui, chiết giải toát mồ hôi bởi vì những chiêu thức của đối thủ chàng phức tạp, quái lạ, không thành chương pháp.  Trương Quốc Khải cố công tìm kiếm sơ hở để ra đòn trí mạng nhưng địch nhân của chàng nghiêm mật phòng thủ không lộ chút sơ suất nào.  Chàng vừa đánh vừa thở phù phù, nhủ bụng “cứ tiếp tục đà này thì mình chẳng những không kết liễu được hắn, mà còn phải dự phòng đoàn binh thiết giáp của hắn ở phía sau lưng mình tấn công đột xuất.  Hơn nữa, hắn chưa sử đến ám khí.  Nhỡ mà mấy cây phi tiêu bất đắc kỳ tử kia phóng vào mình, thì tánh mạng của mình rủi nhiều may ít rồi, phù phù…”

Trương Quốc Khải đánh sang đến chiêu thứ chín mươi, toàn thân chàng chỗ nào cũng có sơ hở, cứ hễ chàng đưa kiếm lên cản thì tên Phủ Viễn tướng quân lại thu tay về búa tới chỗ khác.  

Trương Quốc Khải bắt đầu cảm giác mệt phờ, song chàng nhìn kẻ địch trước mặt chàng thần sắc vẫn cực kỳ ổn định, khí lực đầy đủ, thân pháp cùng bộ pháp hoàn toàn không loạn.  Tuyệt nghệ trong binh pháp là vô chiêu thắng hữu chiêu, Trương Quốc Khải cảm giác như tên Phủ Viễn tướng quân này tuy không có kiếm nhưng hắn có nội công tuyệt đỉnh, có thể biến đôi tay thành kiếm khiến người và kiếm hợp nhất.  Chàng tưởng chừng khi đối phương tác chiến thì tâm trạng và con người hòa vào trời đất vạn vật mà quên cả bản thân.  Cái này trong võ thuật Thiếu Lâm của chàng gọi là thiên địa vạn vật đồng nhất thể.  Trong thiên hạ ít có người tập luyện được tới cảnh giới này.  Ngoài Võ Thánh thì mãi đến ngày hôm nay chàng mới gặp một người lợi hại thế này, Trương Quốc Khải nhìn các chiêu thức của địch đánh ra mới hiểu ý nghĩa của câu “nhất điểm phát vạn thù, vạn thù quy nhất điểm” là như thế nào.  Chàng nhủ bụng tên này hẳn đã tỏ tường bí quyết quan trọng đó rồi nên có thể tự chủ, an nhiên nhàn hạ ứng biến mọi chiêu thức.

Trương Quốc Khải tuy ở thế yếu hơn nhưng lại không ngừng múa tít Phục y kiếm trong tay, xuất một lượt hai kiếm chiêu nữa.  Chiêu đầu tiên là Sát Thương Trảm Thạch, Trương Quốc Khải tay khuấy mũi kiếm chung quanh một điểm tròn nhỏ, khi này là giữa trưa, lưỡi kiếm phản chiếu ánh sáng của mặt trời nên nhìn xa xa như đang phát ra hào quang tua tủa.  Trương Quốc Khải sau đó chĩa mũi kiếm ra phía trước.  Tức thì một cỗ kình phong bay về phía người đối diện.  Chiêu thứ hai Vũ Diện Tông Thiền xuất ra còn nhanh hơn chiêu thứ nhất, Trương Quốc Khải rùn chân xuống một cái rồi cả người và kiếm hợp nhất theo trận cuồng phong đó vù vù lao đi.  

Người gọi là Phủ Viễn tướng quân lại nhếch môi cười khi thấy hai chiêu thức đẹp mắt của Trương Quốc Khải.  

Kiếm chiêu đi rất nhanh, thế mà khi Trương Quốc Khải sắp xửa đến gần thì vẫn thấy địch nhân không có vẻ gì như muốn tránh né.  Lại nữa, chàng thấy một tay của địch buông thỏng xuống một bên hông và tay còn lại quàng ra sau lưng.  Trương Quốc Khải còn khoảng hai gang tay nữa là đâm trúng địch, trong bụng tưởng đã nắm được yếu quyết của địch rồi, cả mừng chớp cơ hội tốt này bèn hạ thủ không chút lưu tình, càng vận thêm công lực vào thanh kiếm, quyết đâm vào ngực đối phương.  

Nhưng kiếm sắp đi tới đích thì cặp mắt của Trương Quốc Khải trợn tròn, lưỡi thanh Phục y kiếm của chàng bị hai ngón tay của địch kẹp lại.  Người này xuất thủ nhanh cực kỳ, Trương Quốc Khải còn đang bàng hoàng lại thấy lưỡi gươm cong như hình trăng lưỡi liềm hướng ngược vào người chàng.  

Không còn cách nào khác nữa Trương Quốc Khải đành buông chuôi kiếm nhảy ra sau ba bước, Phục y kiếm bị đoạt mất.  Còn đang thất sắc, chàng lại thấy ngay sau đó địch nhân theo đà lưỡi kiếm đang cong mà phóng luôn vào chân chàng.  Trương Quốc Khải thật nhanh dùng thuật Phi Đảm Tẩu Pháp nhảy lên cao hai thước để tránh né, bằng không hai chân đã bị cắt cho đứt lìa rồi.  Cũng vì lo phòng thủ phía dưới chân nên Trương Quốc Khải để lộ sơ hở chết người ở nửa thân trên.  Chàng than trời như bộng khi thoáng thấy một tay mà địch nhân quàng ra sau lưng khi nãy bây giờ xuất hiện cùng với một cặp phi tiêu sáng óng ánh, ném một phát vào mặt chàng.  

Đúng lúc Trương Quốc Khải mặt mày xám ngắt, chắc chắn sẽ bị mất mạng rồi thì có một bóng đen lướt qua đầu chàng.  Nhân ảnh từ phía sau chàng lao tới như ánh chớp, từ trên cao hai tay vung chưởng đánh xuống cặp phi tiêu.  Mũi tiêu còn một phân nữa là đâm vào cổ họng Trương Quốc Khải liền bị đánh bật đi.  Phập phập hai tiếng vang lên, cặp tiêu bị đánh ghim xuống đất. 

Hành động của người đó vô cùng thần tốc.

Trương Quốc Khải nhận ra hán tử vừa xuất hiện, trong lòng cả mừng, thở ra một hơi.

Phủ Viễn tướng quân dùng ánh mắt không có chút ngạc nhiên nào nhìn người vừa mới tới, dường như đã biết trước người này nhất định sẽ xuất hiện.  Còn đoàn quân thiết giáp thì nãy giờ hãy còn đứng quanh đó hồi hộp theo dõi, cảm giác lực ném của người vừa mới tới dũng mãnh phi thường, mới trao một chiêu mà đã biết chủ soái của họ đã gặp phải đại kình địch rồi.

Nam nhân vừa tới đứng sừng sững như ông thần hộ pháp làm lá chắn cho Trương Quốc Khải.

Chẳng bao lâu Bạch Kiếm Phi từ phía mé rừng cũng dẫn nhiều người của Đại Minh Triều chạy tới, hỗ trợ các anh em trong hội đánh quân Thanh.

-Tam đệ có bị thương không?

Trương Quốc Khải bị hao tổn rất nhiều sức lực, nghe hỏi không trả lời được ngay, cố gắng điều khí hồi lâu mới nói:

-Đệ không việc gì.

Phủ Viễn tướng quân không màng tới Trương Quốc Khải nữa, mà chỉ nhìn xoáy vào người vừa cứu mạng Trương Quốc Khải.

Khi nãy khí sắc của tên quan trông lạnh lùng sâm nghiêm không tả được, giờ tự nhiên mỉm cười nói:

-Có phải Nam hiệp thần quyền đấy chăng?  Thiếu đà chủ của Đại Minh Triều, cao đồ của lò võ Thiếu Lâm, người thông thạo bảy mươi hai chiêu thất thập nhị huyền công lừng danh trong thiên hạ.  Nghe danh đã lâu, ngày nay mới được diễm phúc hội diện, thực là phỉ nguyền ao ước.

Tần Thiên Nhân lúc nãy từ đằng xa nhận biết đối thủ không thuộc môn phái trung nguyên nào, lại nữa võ công người này phức tạp vô lường được nên sau khi cứu mạng tam đệ chưa ra tay ngay, mà âm thầm vận công, dõng dạc đáp:

-Chính tại hạ.  Nếu đoán không lầm các hạ là Dương Tiêu Phong?  

Tần Thiên Nhân dứt lời nhận thấy người kia lại mỉm cười:

-Người trong giang hồ chỉ tán tụng Thần quyền nam hiệp võ công cái thế, nào ngờ còn liệu sự như thần. Đúng thế, chính là tại hạ.

Trương Quốc Khải, Nhất Đình Phong nghe được lời này, không hẹn mà giật nảy mình, nhủ bụng thì ra kẻ địch nhân mà họ giao đấu nãy giờ tên thật là Tế Nhĩ Ha Lãng Dương Cát Nỗ, khi đi lại giang hồ Lộ Thần đặt ngoại hiệu cho y là Dương Tiêu Phong.  Y mang ngoại hiệu này vì tài phóng ám khí nhanh như gió của y, như có ngàn tay, trên người toàn là ám khí đủ loại nhưng nhiều nhất là phi tiêu và phi đao phóng ra vừa nhanh vừa chính xác.  Thêm vào đó chiến y trên người Phủ Viễn tướng quân khi đứng dưới ánh mặt trời trong trận chiến Giang Hoa nhìn xa xa như một vần dương sáng lấp lánh.  Lộ Thần viết trong Binh Khí Phổ: “hai bàn tay chỉ trong khoảnh khắc là có thể phát xạ rất nhiều loại ám khí, người đứng kế bên cũng đừng hòng nhìn thấy rõ ràng được...”  Phen này hội Đại Minh Triều đem toàn lực đi cứu dân bị nạn, không ngờ lại lọt vào cái bẫy này!

Trương Quốc Khải bấy giờ đã lui ra, chạy đến bên gốc cây giải huyệt ở chân rồi dìu Khẩu Tâm đứng lên.

Dương Tiêu Phong quan sát khí thế Tần Thiên Nhân một lúc mới nói tiếp:

-Hôm nay tại hạ rất lấy làm hân hạnh, được diện kiến người mà Lộ Thần xếp vào hàng cửu ngũ chí tôn.  Tần Thiên Nhân, các hạ không những thông thạo Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công, còn thông thạo thêm bộ đường quyền mà Võ Thánh năm xưa đã dùng để hùng bá thiên hạ…

Nói đoạn y suy nghĩ một chút, rồi tiếp:

-Gọi là... Chuẩn Đề Quyền, phải chăng?

Thời bấy giờ ở miền nam thì võ thuật của bang phái Thiếu Lâm là lợi hại nhất.  Vậy nên, theo những gì Lộ Thần viết trong binh khí phổ thì không kể đến những kẻ trong quan trường, hay các cao thủ miền biên ải phía bắc, mà chỉ trong nội bộ Đại Minh Triều nói riêng và miền nam nói chung, nếu xếp theo thứ tự võ nghệ của bảy người đương gia ngoại trừ Cửu Dương hiếm khi tỉ thí thì không ai địch nổi Tần Thiên Nhân.  

Dương Tiêu Phong sau đó lại tiếp:

-Tần đại hiệp, các hạ cũng biết rồi đó, cuộc giao đấu giữa sư phụ các hạ và sư phụ của ta đã hoãn lại bao năm, không sớm thì muộn, ngày đó nhất định phải tới, chi bằng hôm nay kết thúc chuyện tư đó giữa hai người chúng ta.  Tại hạ đây muốn coi thử xem, cái gọi là tuyệt kỹ Thiên Thủ Thiên Nhãn Quyền của bộ pháp Chuẩn Đề Quyền đó như thế nào.

Dương Tiêu Phong ngay sau đó lại hướng mắt về phía binh lính triều đình và Đại Minh Triều đang hỗn chiến, nói:

- Nhưng… nếu các hạ chịu buông bỏ chức vị thiếu đà chủ, ngay bây giờ kêu gọi bọn họ dừng tay lại, sau đó trao ra kim lệnh, rồi đồng ý quy hàng triều đình thì chuyện cướp cống phẩm hoặc là thích sát ấu chúa ở Sơn Tây vua tôi sẽ không truy cứu nữa.  

Dương Tiêu Phong dùng giọng nhã nhặn nói rồi chờ Tần Thiên Nhân đáp lời, trong bụng biết địch dĩ nhiên võ nghệ tinh diệu hơn người, lát nữa không biết sẽ tìm cách phá trận của mình như thế nào?  Đồng thời cũng nghĩ họ Tần tuy là địch nhưng ăn nói không đến nỗi tệ, coi vẻ như người có học, tướng mạo dũng mãnh nhưng cũng rất lịch sự, lại nữa cũng khá là hiên ngang, trong mình tuyệt nhiên không toát ra thái độ của hạng võ biền.  Tiếc là hai người lại đối đầu nhau, bằng không, Dương Tiêu Phong nhủ bụng, có thể kết tình giao hữu rồi.

Song Tần Thiên Nhân nghe Dương Tiêu Phong nói xong không cần suy nghĩ đã đáp:

-Các hạ vừa nói, lần này tìm tại hạ vì cả việc tư lẫn việc công.  Nói về việc tư, thì năm xưa sư phụ chúng ta đôi bên đều khâm phục lẫn nhau, đều muốn tỉ thí với nhau, không phải để phân cao thấp mà để lĩnh hội võ công của đối phương, nên bất cứ khi nào các hạ muốn tỉ đấu tại hạ đây sẵn sàng tiếp nhận.  Còn nói về việc công, thì xin thành thật tạ lỗi.  Tần mỗ không mặt dày đến nỗi đi làm chó săn cho triều đình Mãn Châu.  Các hạ muốn lấy mấy khúc xương tàn này để thăng quan phát tài, thì cứ qua đây mà lấy!

Dương Tiêu Phong nghe Tần Thiên Nhân thốt lời từ chối, còn chửi xéo Tô Khất và các quan lại người Hán khác đang chầu triều Thanh là cẩu nô tài, không chút phiền lòng, bình thản nói:

-Tần đại hiệp, các hạ là người Hán thì nói Đại Minh là sáng, Đại Thanh là tối. Thế nhưng người Mãn chúng tôi thì lại bảo Đại Thanh là sáng, Đại Minh là tối. Nghĩ đến tổ tông người chúng tôi bị người Cát Nhĩ Đan tàn sát, bị người Tây Tạng, Triều Tiên hiếp đáp, chạy đông chạy tây, khổ không kể đâu cho hết. Thời nhà Đại Đường, võ công người Hán các người cực thịnh, giết cũng không biết bao nhiêu dũng sĩ Mãn Châu, bắt bao nhiêu đàn bà con gái Mãn Châu.  Đến khi triều Minh đại tận vì Sùng Trinh ham chơi mà lười chính sự, chính trị hủ bại đen tối, triều Minh không được hưng thịnh nữa thì người Mãn lại quay trở lại tấn công người Hán.  Đó chỉ đơn giản là luật sinh tồn.

Tần Thiên Nhân im lặng không đáp.

Dương Tiêu Phong đứng chờ, lát hồi không nghe đáp lời tặc lưỡi chậm rãi nói:

-Thật là đáng tiếc, các hạ suy nghĩ kỹ rồi chưa?

Tần Thiên Nhân nghiêm giọng trả lời:

-Tần mỗ đi lại giang hồ đã hơn chục năm, tuy chẳng có tiếng tăm nhưng suốt đời quyết không làm việc gì để bằng hữu võ lâm phải coi thường!

Dương Tiêu Phong nghe đáp thế thì biết không thể nào thuyết phục người này được rồi, vả lại, cũng không cần thuyết phục y, chỉ cần mỗi một Cửu Dương.  Song vẫn thầm nhủ thật là đáng tiếc khi phải tiêu diệt y, lại càng không nỡ làm một người đau lòng vì cái chết của y, nhưng biết làm sao khi trong mình mang sứ mệnh không thể để Đại Minh Triều tiếp tục tồn tại được.

Dương Tiêu Phong biết kẻ địch võ nghệ cao cường nên đứng yên đó không dám khinh xuất.  Có vẻ như đợi cho đối phương xuất chiêu đánh trước rồi mới phản hồi lại.  

Phía đối diện, Tần Thiên Nhân cũng cùng chung tâm trạng như vậy, khi nãy từ xa chàng đã thấy kẻ địch sử vô chiêu thắng hữu chiêu. Thế đánh có độ tự do rất lớn, không bị ràng buộc vào một chiêu thức cố định nào có sẵn. Tùy cơ ứng biến, gặp sự tùng sự, gặp thế tùy thế, linh động như nước chảy, tự do như không khí trong không trung, không bị ràng buộc như mây kia phiêu bồng nên cũng chưa chủ động ra tay.  

Lúc này khí trời đang đông, gió mạnh từng cơn quất vào hai người họ, vành tai lạnh tê, rờ vào nhiều khi không cảm giác.

Trời bỗng dưng có tuyết rơi, bay lững lờ trên không trung một hồi rồi theo gió gầm rú, tuyết bắt đầu bay mịt mù trời đất. Điệu này, sáng mai tuyết sẽ phủ một lớp rất dày đây.

Tần Thiên Nhân là cao thủ đòn quyền, bụng bảo dạ nếu mình không tiếp cận đối phương thì sẽ không dễ dàng chế ngự hắn ta được.  Tần Thiên Nhân nghĩ đoạn, chuyển thân nhanh như gió thi triển khinh công Vũ Bạt Phong phóng tới ra chiêu đầu tiên của bộ Lôi Công La Hán quyền là Âm Dương Song Quyền, chiêu này dùng ức hai bàn tay mà xuất đòn đánh ra.  Hai cú thôi sơn này nhằm vào ngực Dương Tiêu Phong.  

Dương Tiêu Phong thấy Tần Thiên Nhân chủ động tấn công mình thì khẽ gật đầu một cái, miệng vẫn giữ nguyên nét cười, chờ cho song quyền đến gần ngực mình mới xê dịch chân phải, móc gót chân ba trăm sáu chục độ để lấy trớn rồi xuất ra cước pháp Đồng Tước Song Phi, cú bay đá ngang của bang phái Ưng Trảo Phiên Tử Môn, cản đòn quyền.  

Ầm!  

Những người đứng gần đó tưởng chừng như cú song phi cước khi chạm vào song quyền tiết ra gió xoáy lồng lộng, trong một thoáng họ ngỡ như là có tiếng rống của chúa tể sơn lâm đang trong cơn tức giận.  Âm thanh như vang xa rầm rộ bốn phương tám hướng.  Tiếng hổ rống này trong nháy mắt thay thế toàn bộ tiếng động trong thiên địa.  Làm cho mọi người ai cũng kinh ngạc, dẫu họ đã sớm biết hai người này đều có bản lĩnh siêu việt, nhưng vẫn bất ngờ trước công lực phi thường này.  

-Hảo!  Tiếp chiêu.

Tần Thiên Nhân nói, sau khi định thần một lúc lại tiếp tục giao đấu, càng đánh càng khẩn trương.  

Tần Thiên Nhân đang ở thế chủ động, nên liền sau đó xuất tiếp hai chiêu.  Đòn thứ nhất Tứ Môn Hổ Quyền được xuất ra khi chân trái Tần Thiên Nhân bước nghịch, chỏ trái cùng lúc đánh vòng tới trước mặt, thế đi của ngón đòn chỏ này mạnh bạo như hổ vồ mồi.  Chiêu thứ hai Bình Song Hạc Quyền xuất ra cũng nhanh không kém, Tần Thiên Nhân dùng bàn tay phải như móng vuốt của tiên hạc nắm chặt lấy cổ tay phải của Dương Tiêu Phong.  Tần Thiên Nhân định là khi địch nhân trúng đòn chỏ rồi ngã sang một bên thì sẽ theo đà đó mà ra sức quật Dương Tiêu Phong qua vai mình.

Dương Tiêu Phong đương nhiên chẳng phải tay mơ, vừa loáng thoáng ngó thấy đòn chỏ đi tới đã biết Tần Thiên Nhân muốn gì, liền phản chiêu bằng cách khắc tay phải từ trên xuống ra chiêu Hỏa Niệm Thiên Sơn, chiêu này như lấy sức nặng ngàn cân của núi tuyết Thiên Sơn để đè mãnh hổ, quả thật có tác dụng, Dương Tiêu Phong đã thành công cản được ngón đòn chỏ.  

Binh một tiếng vang lên cũng lớn không kém âm thanh vừa rồi.

Nhưng sau đó Dương Tiêu Phong lại cảm giác cổ tay phải của mình bị nắm giữ, song chẳng màng bối rối tức thì vận công lực xuất ra chiêu thức Thôi Sơn Hữu Dực, một trong bảy cú đánh cũng bằng đòn chỏ nhưng không phải của Thiếu Lâm mà là của bang phái Ưng Trảo Phiên Tử Môn.  Thôi Sơn Hữu Dực là một chiêu thức trong Bộ Phương Dực.  Dương Tiêu Phong dùng chỏ trái cấm thẳng về phía trước mặt, hướng vào lưng của địch mà ra sức đánh, cùng lúc tiến chân phải lên đạp một cú vào phía sau đầu gối bên phải của Tần Thiên Nhân.  Dương Tiêu Phong phối hợp hai ngón đòn này một cách tinh xảo, đã thành công ép được kẻ địch buông cổ tay mình ra.  

Tần Thiên Nhân bị ép nhảy ra khỏi vòng chiến một thước, nhưng ngay đó lại thình lình bay vụt vào nhập nội, xuất cước pháp Mã Thương Lôi.  Cú đá này quan trọng là dùng lực ở mũi bàn chân phải mà xuất đòn.  Chân trái theo thế kim tiêu để mà lấy thế, Tần Thiên Nhân bật mình dậy tung một cú đá ngoạn mục.

Mũi chân phóng thẳng nhắm ngay cổ Dương Tiêu Phong đâm tới.  Chiêu này kình lực vô cùng.

-Được lắm!  

Dương Tiêu Phong lại nói, gương mặt không hề dao động trước cú đá mãnh liệt đó.  

Rồi không tiến không thoái, cũng không tránh né sang hai bên tả hữu, y xoay mình vận nội công Cửu Long Giáng Địa đón cước pháp thẳng vô vai.  

Ầm thêm một thanh âm nữa vang ra.  Mọi người lại cảm giác như tiếng này một lần nữa chấn động thiên không, tưởng như bầu trời sắp sụp đổ xuống đầu họ.  

Có hai người mặc áo đỏ và áo xám tro ngồi trên hai con ngựa từ xa tiến lại, thấy xung quanh nơi Tần Thiên Nhân và Dương Tiêu Phong đang giao đấu có bụi tuyết bốc lên cuồn cuộn, xoáy vòng như một cái nhiễu, nhìn mà giật mình.

-Ngũ ca huynh xem!

Người mặc áo đỏ chỉ tay hô lớn.

Người kia đáp:

-Mau lên!  Mau mau tới đó!

Chiêu thức Cửu Long Giáng Địa là một chiêu thức cũng của bang phái Ưng Trảo môn dùng sức lực để làm cho thân hình nặng thêm ngàn cân.  Thiên cân trụy ở đây không giống như của Thiếu Lâm là chỉ đơn thuần là dồn khí vào đan điền, dồn thấp trọng tâm, mà còn phải phân lực ra sao cho cân đối ở hai lòng bàn chân để mà bám trụ vào mặt đất.  Then chốt của Cửu Long Giáng Địa của Ưng Trảo môn là ở thế hạ bàn vững chắc không chao đảo, để làm cơ sở mà thực hiện các động tác phòng thủ.  

Tần Thiên Nhân trợn tròn mắt khi thấy cú đá của mình vừa chạm vào bả vai Dương Tiêu Phong đã bị đàn hồi, bật ra ngoài ngay lập tức.  Tần Thiên Nhân buộc phải thoái lui vài bước, trong lòng thầm khâm phục tài nghệ của đối phương, cho dù là đang giao đấu cũng phải thốt lên:

-Hay lắm!  Thế phòng thủ rất cẩn mật, vừa linh hoạt vừa có lực, thủ pháp rất nhanh!

-Đa tạ quá khen – Dương Tiêu Phong đáp.

Nói rồi nhìn xuống cổ tay mình, Dương Tiêu Phong thấy có dấu tím bầm khảm vào da thịt, nhớ lại lúc nãy cổ tay mình bị Tần Thiên Nhân nắm giữ, dấu vết giống như bị dây buộc chặt hay bị phỏng, bất giác trong lòng khâm phục quyền pháp của đối phương.

Cả hai người lại xoắn vào nhau như đôi mãnh hổ tranh mồi nữa, qua một trăm chiêu vẫn bất phân thắng bại, một người đi quyền nhanh gọn, một người công thủ kỹ càng.  

Tần Thiên Nhân lần lượt xuất thủ pháp sáu bộ, bốn mươi hai môn Lục Quyền, rồi liên tục sử cước pháp bốn bộ, mười tám môn Tứ Cước.  Đòn chân đòn tay bủa tới tấp, cú đánh phủ đầu có, phép sấm sét không kịp bưng tai cũng có, tấn công bất ngờ chớp nhoáng đúng vào lúc đối phương không phòng bị nhất.  

Nhưng Tần Thiên Nhân cảm giác kẻ địch của mình thuộc hàng danh tiếng kỳ nhân rồi, không hề mắc bẫy, địch thủ vừa thấy chàng nhích chân thì đã tràn người qua một bên tránh đòn và lập tức xuất chiêu phản kích lại.  

Trận giao đấu giữa hai đồ đệ của Võ Thánh-Võ Ma càng lúc càng kịch liệt, tưởng sẽ không bao giờ dứt được.  

Dương Tiêu Phong cũng thay phiên xuất hầu hết các chiêu thức của bang phái Ưng Trảo Phiên Tử Môn ra, đặc biệt là bộ pháp Ưng Trảo Quyền hay còn gọi là Ưng Trảo Công bao hàm phép đánh bằng móng vuốt của chim ưng.  Từng chiêu phát lực cương bạo, thân bộ linh hoạt.  Trong tư thế hùng dũng mà thi triển bài bản, ra đòn hiểm ác hết chiêu này đến chiêu kia.  Đồ đệ của Võ Ma lần lượt sử mười sáu môn Bát Bộ Truy và Bát Diện Truy.  Tung mười lăm thế Ngũ Thập Lộ Liên Quyền.  Thêm vào mười hai chiêu Thập Nhị Lộ Hành Quyền.  Các thế quyền linh hoạt biến ảo nhưng bên trong có phần mạnh bạo.  Cương nhu tương tế, mềm cứng có đủ.  Tay chân di chuyển nhanh nhẹn vững vàng, đòn chân đòn tay cùng kết hợp chặt chẽ.  Thủ pháp vồ, đánh, tóm, rứt, lật, khóa, dựa, gạt, cắt, ngăn, bọc, nhưng chú trọng vồ tóm là chính.  Về thoái pháp thì có dậm, bật, quấn, xuyên, và liên hoàn thoái.  Thân pháp có cúi, ngửa, vặn, xoay, vươn, co, né, sải… nhiều không đếm xuể.  

Hai bên loạn đả một hồi, đương cự đến toát mồ hôi, từng dòng chảy xuống ướt đẫm cả mặt mày họ dầu là khi này tuyết vẫn còn rơi mù trời.  

Tần Thiên Nhân khi này tuy là khí lực vẫn còn tràn trề song thấy nếu cứ theo đà này mà so tài cao thấp bằng quyền cước mãi không phải là cách, vì tuy là những chiêu thức của phái Thiếu Lâm tấn công ra mãnh liệt thật đấy, nhưng các chiêu thức phòng thủ của Ưng Trảo môn cũng vững vàng không kém chút nào, giống như những đợt sóng biển vỗ vào tảng đá, sóng đập hết cơn này tới cơn khác nhưng tảng đá vẫn đứng vững không rung chuyển, sau mỗi đợt sóng rút về, tảng đá lại lộ ra mặt nước.  

Phía đối diện, Dương Tiêu Phong cũng nhận thấy như thế.  

Bằng vào võ công, có thể nói Dương Tiêu Phong đứng vào hàng cự phách giang hồ rồi.  Xưa nay chưa hề biết qua mùi thất bại là gì.  Cho nên y vẫn tự phụ rằng trong thiên hạ chưa chắc có người đương đầu với mình nổi.  Nhưng hôm nay gặp người tài giỏi khí thế dữ dội, vừa đánh vừa thủ các huyệt đạo và những chỗ hiểm cẩn thận kỹ càng khiến cho y không đạt được mục đích đả bại.  Dương Tiêu Phong thấy lúc nào Tần Thiên Nhân cũng bình tĩnh ứng chiến, chẳng chút khiếp sợ.  Chả trách là trước đây có biết bao nhiêu cao thủ lãnh chiếu chỉ triều đình đi truy lùng khâm phạm phản Thanh nhưng đều bị giết mất xác hoặc bị thương trí mạng.  Kẻ may mắn sống sót thì lại ôm cái nhục mà chạy dài dài.

Vì thế mà Dương Tiêu Phong nhủ bụng, nếu muốn tiêu diệt triệt để Đại Minh Triều đương nhiên phải bước qua cái ải của Tần Thiên Nhân trấn giữ trước đã.  

Nghĩ là làm, Dương Tiêu Phong không làm tấm kiên rắn chắc không gì xuyên thấu nổi nữa, miệng hô lớn:  

-Thiếu đà chủ!  Nhận chiêu!

Đi cùng với lời nói là đôi tay nhanh như chớp rút ra chín thanh phi đao, rồi thân người và đao hợp nhất, đao theo thì thân chuyển, từ thân thế hợp tứ chi.  Bộ pháp nhẹ nhàng, Dương Tiêu Phong dùng tất cả nội lực, kèm theo những gì mà mình học được trong suốt gần hai mươi năm phóng một loạt đao bay đi.  

Đạo dùng ám khí là thiên biến vạn hóa.  Binh khí hóa nhất.  Thiên địa hóa nhất.  Tâm linh hóa nhất.  Nếu như trong lòng có binh khí thì khi dụng ám khí sẽ hòa cùng thần khí và giác ngộ chiêu thức ở trong ý niệm.  Lúc ấy muốn đánh đông trúng đông, đánh tây trúng tây.  Mặt trời mặt trăng cùng xuất hiện để hợp nhất thành một chiêu thức.  Đất trời cùng nhau dung hòa.

-Nguy rồi, Cửu Ẩn Phi Hoàng Đao!

Trương Quốc Khải hét to khi ngó thấy chín thanh phi đao xuất hiện trong tay Dương Tiêu Phong.  Mặt mày Trương Quốc Khải tái xạm, chàng dù chưa từng mục kích bao giờ nhưng đoán đấy chính là chiêu tuyệt kỹ trong bộ Ngũ hành đao pháp, chiêu thức Cửu Ẩn Phi Hoàng Đao này đã làm thành danh tiếng cho Võ Ma.

Quả nhiên Bạch Kiếm Phi, Nhất Đình Phong cũng nói:

-Thiếu đà chủ cẩn thận!

-Coi chừng phi đao!

Đúng là nhân thượng hữu nhân.  Người xuất đòn đã tài mà người phản đòn còn có vẻ tài tình hơn nữa!

Đao pháp lao đến càng cao thâm phong phú bao nhiêu thì chiêu thức phản đòn cũng càng uyên áo đa dạng bấy nhiêu.  

-Tuyệt diệu!  Đúng là tuyệt diệu.

Bạch Kiếm Phi, Nhất Đình Phong và Trương Quốc Khải ba người la lên rồi nghe tiếng của thiếu đà chủ họ cũng vang lên.

Dù thầm phục bản lãnh ghê gớm của đối phương nhưng Tần Thiên Nhân không vì thế mà khiếp nhược.  Lúc chín thanh phi đao cuống cuồng xông tới, Tần Thiên Nhân phóng tả chưởng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quyền của bộ pháp Chuẩn Đề Quyền quét qua trước mặt.  Bộ pháp này là của Võ Thánh sáng lập mà ra, gồm có chín chiêu thức nhưng chiêu Thiên Thủ Thiên Nhãn Quyền chính là tuyệt kỹ đã làm nên tiếng tâm cho Võ Thánh.   

Quân binh triều đình và những người Đại Minh Triều đang đánh nhau ở rừng Bình Lương bất giác cũng ngưng tay cả lại, tò mò quay đầu mà nhìn hai chiêu thức này, lúc nãy họ thấy Dương Tiêu Phong rút ra một loạt phi đao, rồi tai họ nghe có tiếng đao rít vù vù trong tích tắc, nhưng không thấy bóng của phi đao ở đâu hết.  Bất chợt, có chín hàn quang khiếp đảm chiếu ra, vừa ẩn, lại hiện. 

Mọi người ai nấy cũng đều thót tim mà nhìn chòng chọc vào Tần Thiên Nhân, không biết y sẽ phản hồi chiêu thức này thế nào đây, hay là tránh né bằng cách nào?  Nhiều cặp mắt vì vậy mà mở to, sợ sẽ bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở này. 

Tần Thiên Nhân khi này cũng như mọi người cũng không thấy rõ đường bay của phi đao vì sự ẩn hiện bất thường của chúng.  Đương nhiên cũng bởi vì không nhìn thấy được nên không thể nào tránh né được.  Thế mà gương mặt vẫn tuyệt nhiên không để lộ ra một chút lo sợ.  Lại nữa mọi người tự nhiên thấy Tần Thiên Nhân nhắm luôn đôi mắt lại, ai nấy không ngừng há hốc miệng ra mà nhìn.  

Trong cơ thể con người có rất nhiều giác quan.  Hai trong số giác quan đó là xúc giác và cảm giác, hệt như một cao thủ không có đèn trong đêm tối nhưng vẫn xác định được đồ vật chung quanh.  Cảm giác giữa địch và ta không khoảng cách.  Dĩ bất biến, ứng vạn biến.  

Khi chín thanh phi đao vừa vượt gió phóng đến nơi, mọi người ai cũng nghĩ Tần gia lần này chắc chắn phải mất mạng rồi, thì chợt thấy trên mình Tần Thiên Nhân như phát ra rất nhiều cánh tay, giống như là pho tượng phật nghìn mắt nghìn tay mà người ta thường hay thấy mỗi lần viếng thăm chùa chiền, họ mới vỡ lẽ có lẽ vì thế mà chiêu này được gọi là Thiên Thủ Thiên Nhãn Quyền.    

Khi hữu chưởng từ trong hai tay Tần Thiên Nhân phóng thẳng ra, một làn sóng với sức mạnh kinh hồn từ những thanh đao cũng cùng một vận tốc tương tự mà bay tới, hai luồng chân khí liền giao nhau.  

Ầm một tiếng vang dội, không khí bị nén chính giữa hai luồng chân khí này không chịu được sức ép nên bộc phát.  

Những người ở trong rừng Bình Lương cảm giác như đại địa ầm vang. Nơi họ đang đứng mặt đất như bị chấn động kịch liệt, thêm vào cuồng phong gào thét phát ra từ hai chiêu thức đó khiến cho đại địa vừa rung động vừa xuất hiện dấu hiệu sụp đổ.  Mặt đất giống như trở nên mềm mại hơn, phập phồng như cuộn sóng, có tiếng vọng ầm vang nổi lên.  Những khe nứt xuất hiện lan tràn ra khắp nơi.

Tứ bề tất thảy mọi người đều lặng đi trong một lúc, duy nhất còn tồn tại lúc này chính là tiếng ầm ầm như tiếng sét đánh càng ngày càng kịch liệt, càng ngày càng điên cuồng, càng ngày càng vang dội.  

Một lúc sau cảnh vật trở lại như cũ, tuyết lại tiếp tục rơi.

Trương Quốc Khải ngó thấy Dương Tiêu Phong bị đánh văng bật ngược lại phía sau, ngã ngửa ra đất. Trương Quốc Khải cả mừng trong lòng, song còn chưa kịp reo hò thì nghe bịch thêm một tiếng nữa.  

-Thiếu đà chủ! – Trương Quốc Khải miệng hét lên, tay chân cũng cuống cuồng chạy đến đỡ Tần Thiên Nhân đứng dậy.

Hai tên binh lính thiết giáp cũng phóng lại dìu chủ soái của chúng đứng lên.

Mọi người không mấy ngạc nhiên khi thấy Tần Thiên Nhân và Dương Tiêu Phong đồng lượt mỗi người ói ra một bãi máu.  Đương nhiên ai cũng biết hai người này nguyên khí trong mình đã bị tổn hại một cách đáng kể, vì lúc Cửu Ẩn Phi Hoàn Đao và Thiên Thủ Thiên Nhãn Quyền va chạm vào nhau, đã khiến cho hai nguồn chân khí ép vào nhau hòa thành một luồng sóng từ trường lớn mạnh.  Làn sóng đó phát ra sức bật kinh khủng tung ngược về hướng hai người đang đứng.  Cả hai tránh không kịp nên lãnh trọn bức xạ điện từ hung hãn đó.

Thế là chuyện tư giữa Võ Thánh – Võ Ma đã được giải quyết, Dương Tiêu Phong nghĩ tới sư phụ ở dưới suối vàng chắc cũng được an ủi phần nào.  Sau đó nhớ tới nhiệm vụ đã được hoàng thái hậu giao phó cho, Dương Tiêu Phong bỏ mặc nội thương trầm trọng phóng trở lại lên lưng ngựa, sắc mặt xanh nhợt như tàu lá chuối song vẫn nghiến răng nén chịu cơn đau lại, phất tay hô lên:

-Đánh!

Chỉ chờ có vậy, đoàn quân thiết giáp kéo rần rần tới hợp cùng với đoàn quân của Tô Khất vây quanh đoàn người Đại Minh Triều.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.