Thanh Triều Ngoại Sử

Chương 35: Đồn Bạch Nhật



Trắng vàng cát phủ thênh thang

Khí trời nóng nực như hầm lửa thiêu

Đoàn thiên lý mã của quần hùng Đại Minh Triều quả rất phi thường, cưỡi chúng chỉ cảm thấy gió thổi ào ào qua bên tai, đồi núi, cây cối ở hai bên đường lùi về sau lưng như biết bay vậy.  Đến giờ hợi quần hùng Đại Minh Triều đã chạy hơn hai trăm dặm, bỏ quân Thanh lại phía sau khá xa.  Nghỉ ăn tối và dẫn ngựa cho đi uống nước ăn cỏ xong, họ lên ngựa chạy tiếp, biết mình chạy thêm một ngày nữa là quân của Ngụy Tượng Xu đừng hòng đuổi kịp, có thể yên tâm dựng lều nghĩ đêm.

Đoàn người Đại Minh Triều đi mất ba ngày.  Chưa đầy một ngày nữa, họ đã tới Tiêu Châu.  

Tàu Chánh Khê và Lâm Tố Đình cưỡi chung một con ngựa đi sau cùng.  Khi hai người cho ngựa phi ngang Gia Cốc quan, Tàu Chánh Khê giơ tay chỉ cái tháp nói: 

-Đại muội còn nhớ hồi xưa mình thường hay lên đỉnh Gia Cốc quan này chăng?

Lâm Tố Đình gật đầu nói phải.  Nàng cũng nhớ hồi trước hai người thích đứng tựa vào tháp canh này đảo mắt nhìn quanh thấy trường thành uyển chuyển như sợi chỉ vòng vo ôm lấy giang san hoàng thổ, như chống chọi lại bảo cát thổi đến từ một vùng hoang mạc rộng lớn mà họ sắp phải đi tới.  

Lâm Tố Đình bảo Tàu Chánh Khê dừng ngựa lại một chút.  Ra ngoài quan ải khi nào nàng cũng theo lệ mà ném một cục đá vào trường thành ở quan ngoại.  

Lâm Tố Đình nhặt một hòn đá ném cho bay đi chạm vào vách thành kêu một tiếng cạch rõ lớn, nói:

-Muội còn nhớ ngày xưa huynh bảo hành trình ở vùng gió cát lắm chuyện gian nan, nhưng nếu ai ra ngoài quan mà lấy đá ném vào trường thành thì có thể sống sót trở về quan nội.

Tàu Chánh Khê gật đầu mà cười.  

Đoàn người ngựa đi tiếp mấy dặm nữa chỉ còn thấy khói bụi cuồn cuộn, mặt trời đã ngả hoàng hôn.  Trương Quốc Khải và Tần Thiên Nhân cưỡi ngựa đi đầu, nghe văng vẳng tiếng hát của Lâm Tố Đình vọng tới.  Giọng ca nàng ấm và hay, nhưng sao mà nghe thê lương, truyền đi cả một vùng hoang vắng.

Dọc đường ngày đi đêm nghỉ, họ qua khỏi Ngọc Môn rồi tới Tây An, Lâm Tố Đình lại đập đập vào vai Tàu Chánh Khê la lên:

-Ngũ ca huynh xem, sa mạc từ màu vàng nhạt trở thành vàng đậm, rồi từ màu vàng đậm trở thành màu xám tro rồi kìa!

Tàu Chánh Khê lại gật, Lâm Tố Đình mừng tiếp:

-Vậy là chúng ta sắp đến Qua Bích rồi!  

Tàu Chánh Khê thúc ngựa cho chạy nhanh hơn để theo kịp đoàn người trước mặt.  Ở vùng này thì không có nhà cửa quán trọ gì nữa.  Sa mạc mênh mông, mắt nhìn không vướng, đúng là nơi dụng võ của loài thiên lý mã.  Tinh thần như phấn chấn hẳn lên, ngựa của Tàu Chánh Khê và Lâm Tố Đình đang cưỡi phi càng nhanh chóng, chẳng bao lâu phía trước đã thấy một dãy núi xuất hiện mờ mờ.

Vách đá càng lúc càng gần, dựng thành hình chữ nhất vươn hẳn ra ngoài. Phía sau núi đá, mây mù bao phủ dày đặc, cứ như trong đó có một khu đất trời khác hẳn. Đi đến gần, mới đột nhiên thấy giữa vách đá có một khe nứt.  Quần hùng Đại Minh Triều theo hẻm núi đó mà chạy thẳng vào trong.  Đó chính là Tinh Tinh Hiệp, đường giao thông quan trọng nối giữa Trung Nguyên và hồi cương.

Hai bên hẻm núi này vách đá dựng thẳng đứng lên trời, giống như dao gọt mà thành. Ngẩng đầu nhìn lên chỉ thấy bầu trời xanh thẳm, giống như nhìn từ dưới đáy biển vậy. Nếu ban đêm thì nhìn lên chỉ thấy toàn sao, có lẽ vì thế mà hẻm núi này có tên là Tinh Tinh Hiệp.  Trong hẻm núi, nham thạch toàn một màu đen tuyền, bóng loáng đến mức phát ra ánh sáng. Con đường quanh qua quẹo lại, khúc chiết lạ thường.

Lúc này đã mùa đông, trong hẻm núi có tuyết. Tuyết trắng đá đen phản chiếu vào nhau, thật là kỳ quan khó tả.  Tàu Chánh Khê thầm nghĩ, khe núi này địa thế hiểm trở, dùng binh tấn công qua đây thật là không dễ.  Năm xưa, khi chàng còn nhỏ vừa đến Hồi Cương đã thấy cảnh này nhưng lúc đó không lưu ý lắm.

Qua khỏi Tinh Tinh Hiệp, đoàn người ngựa vượt qua thêm một chặng đường nữa thì trời đã tối hẳn, chỉ trông sao mà tiếp tục đi.  

Lâm Tố Đình buồn ngủ ngồi phía sau ngáp một cái dài, Tàu Chánh Khê ngồi đằng trước hơi quay đầu ra sau nói:

-Đại muội cố lên, chúng ta lại còn phải đi thêm mười dặm nữa sẽ tới Tháp Bảo, ở đó có một thị trấn thuộc loại lớn ở vùng biên ải này. Đêm nay sẽ trú lại đó rồi đi tới đồn Bạch Nhật.

Lâm Tố Đình nói:

-Muội không sao, muội chỉ muốn cho mau tới tổng đà, lâu lắm rồi muội mới trở về lại nơi đó.

Nói rồi nàng ngồi thẳng lưng lại, nhưng được một chốc thì gục đầu hẳn vào lưng Tàu Chánh Khê.

Qua chiều ngày hôm sau nữa vết thương của Tần Thiên Nhân trở nặng nên đoàn người buộc phải di chuyển chậm lại, kết quả vẫn chưa tới được đồn Bạch Nhật.  

Lúc này gió nổi mạnh, mây sà xuống thấp hơn. Ánh chiều tà hồi cương soi sáng một vùng hoang dã mênh mông không bờ bến, nhìn mãi chỉ thấy cát vàng cùng mấy cây xương rồng lơ thơ, chỉ có đoàn người đang đi, trông xa xa như một đàn kiến nhỏ bé giữa muông trùng đại mạc.

Cảnh hoàng hôn vốn đã buồn, tâm trạng tha phương lại càng khó chịu, dường như đoàn người đều mang nỗi thê lương.  

Gió sa mạc về đêm lớn và lạnh.  Tuấn mã cũng mệt nên họ dựng lều nghĩ lại một đêm, hôm sau lại khởi hành đi tiếp.

Khi đoàn người đi đến nơi mà hai bên đều là những ngọn núi đá đen nhánh liên miên bất tận, Lâm Tố Đình rùng mình.  Tàu Chánh Khê biết nàng sợ nơi này.  Bố Long Cát này là một đoạn của sa mạc ở khu vực hồi cương, cái tên này có nghĩa là sa mạc quỷ, có rất nhiều chuyện kỳ lạ người ta đồn xảy ra ở đây, chẳng hạn như nghe thấy tiếng hổ gầm, tiếng trẻ con khóc, tiếng hát nữ, thậm chí cả tiếng đàn bị đứt dây.

Đoàn người chạy mấy giờ nữa thì đến đoạn đại mạc gọi là Qua Bích.  Qua Bích bằng phẳng như một mặt gương rất lớn, hoàn toàn không có đồi cát như sa mạc thông thường.  Lâm Tố Đình đưa mắt nhìn ra xa chỉ thấy trời đất nối tiếp nhau, cả một vùng thiên địa mênh mông không có một tiếng động, dường như vũ trụ chỉ còn đoàn người của nàng.  Tuy võ công của nàng cao cường nhưng thấy cảnh tượng này cũng bất giác sợ hãi, cảm thấy thế giới bao la không bờ bến, còn bản thân mình thì chỉ là hạt bụi vô nghĩa.

Còn đang miên man suy nghĩ thì Tàu Chánh Khê hãm ngựa lại.  Phía trước mặt là đồn Bạch Nhật, nơi có những chiếc lều màu trắng nhiều không đếm xuể.  Những chiếc lều này được dựng cạnh nhau thành hình xoắn ốc, nhìn xa xa phản chiếu ánh sáng như một mặt trời màu trắng.  Đồn Bạch Nhật là khu huấn luyện quân ngũ của bang hội ở hồi cương, cũng là tổng đà thứ hai của Đại Minh Triều.

Tàu Chánh Khê giơ tay chỉ những lá cờ có chữ Chu màu trắng cắm trên mặt cát đang bay phần phật trong gió, mừng nói:

-Phía trước là đội ngũ của chúng ta!

Nói xong từ từ cho ngựa đi về phía doanh trại.  Có rất nhiều người ở Đồn Bạch Nhật vừa chạy ra đón vừa hoan hô vang dội.  

Đã tới nơi, đoàn người của Tần Thiên Nhân đều nhảy xuống ngựa.   Trần Tử Sang, Hồ Quảng Đông và Lạc Thiết Môn dẫn đầu đoàn người ở hồi cương cúi đầu thi lễ với thiếu đà chủ.  Có những huynh đệ ở đồn Bạch Nhật còn chưa thấy mặt thiếu đà chủ bao giờ, Hồ Quảng Đông quay sang họ nói mấy câu, các đội trưởng đội kỵ binh liền đến trước mặt Tần Thiên Nhân chắp tay thi lễ rồi nói:

- Thiếu đà chủ vất vả quá.

Vết thương của Tần Thiên Nhân dầu đang đau rất cần nghỉ ngơi nhưng cũng cúi đầu đáp lễ, nhiệt tình hỏi thăm vài câu.  Lạc Thiết Môn nhìn nét mặt Tần Thiên Nhân biết vết thương nghiêm trọng, bèn giục Trương Quốc Khải và Khẩu Tâm dìu thiếu đà chủ đi vào một căn lều to nhất ở trại lính.  Tần Thiên Nhân có địa vị rất cao trong hội, đi đến đâu thì tiếng hoan hô nổi lên đến đó.

Đến gần cửa lều thì một hồi kèn vang lên, khi này là giờ ngọ, ba đội chiến sĩ đi thành hàng ngũ xuất hiện.  Tần Thiên Nhân quay đầu nhìn, thấy người nào cũng tay trái dẫn ngựa, tay phải nắm trường đao.  Người đội trưởng ngồi trên chiến mã dẫn đầu, hô lớn:

- Tham kiến thiếu đà chủ!

Bọn chiến sĩ thanh niên đồng thanh hô lớn:

- Đa tạ thiếu đà chủ cùng các huynh đài đã mệt mỏi chống đỡ với cường địch!

Người đội trưởng vung trường đao một cái, dẫn ba đội chiến sĩ đi vòng quanh doanh trại canh gác.  Để cho người đội trưởng khác và binh sĩ của y đi nghỉ ngơi.

Tần Thiên Nhân thấy Trần Tử Sang, Lạc Thiết Môn và Hồ Quảng Đông điều động rất có phương pháp, bố trí canh phòng tổng đà này rất nghiêm, nên thầm khen ngợi và cảm thấy yên tâm.

Khẩu Tâm vừa dìu thiếu đà chủ vừa nói chuyện với Trần Tử Sang.

Khẩu Tâm kể lại chuyện bang hội đi chở gạo cứu trợ cho dân bị nạn nhưng không may bị phục kích ở Bình Lương.  Dưới ánh dương đao quang của địch phát ra khiếp đảm, mà thần thái những người trong hội ai cũng bi tráng hào hùng. Mọi người đều biết khí thế quân Thanh hùng mạnh, quyết chiến thì thắng ít thua nhiều; nhưng cả thảy người của Đại Minh Triều đều yêu chuộng tự do, quyết không làm nô lệ cho ngoại tộc...  

Người Đại Minh Triều ở hồi cương đứng nghe Khẩu Tâm kể, ai cũng nghiến răng nghiến lợi.

Khi Khẩu Tâm kể tới đoạn Bạch Kiếm Phi đi đoạn hậu, Khẩu Tâm lắc đầu bảo:

-Ngoài bần tăng, thì toàn bộ không ai thoát khỏi, a di đà Phật.

Tin Bạch Kiếm Phi và nhiều huynh đệ trong bang hội chết khiến mọi người tiếc thương.

Tần Thiên Nhân đi đường nhiều ngày mệt mỏi, lại trải qua một phen nguy hiểm khác thường, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, vừa vào lều là lập tức thổ huyết rồi loạng choạng muốn ngã xuống.  Mọi người thấy vậy hốt hoảng cả lên.  Lâm Tố Đình chạy đến định đỡ Tần Thiên Nhân nhưng Trương Quốc Khải đã nhanh tay bợ lấy cánh tay Tần Thiên Nhân giữ cho đứng vững.  Tần Thiên Nhân mơ mơ màng màng, luôn miệng gọi “Tây Hồ Tây Hồ,” khiến cho Lâm Tố Đình khựng bước lại.  

Lâm Tố Đình bước trở lui đứng cạnh Tàu Chánh Khê sau đám đông.  Tàu Chánh Khê nghiêng đầu nhìn sang, thấy mắt nàng rưng rưng, khóe môi rung động.  Chàng hiểu ngay, nén một tiếng thở dài thầm nghĩ “đại muội muội thật là mạng khổ, nàng cùng nữ thần y như hai chị em thân thiết nhau từ nhỏ, cả hai sao lại cùng yêu một người?  Thật là ngang trái...”  

Khi này có một cô gái chạy vào lều vạch đám đông bước tới gần thấy Tần Thiên Nhân ở đó nàng reo lên, trong lòng mừng rỡ như sắp nổ tung ra vậy.

Nữ thần y không ngại sà vào lòng Tần Thiên Nhân giữa đám đông người.  Tần Thiên Nhân cũng không bao giờ ngờ lại có thể gặp được nàng ở hồi cương.  Chàng cảm thấy tấm thân mềm mại đang tựa vào lòng mình, mùi hương hoa lan trên tóc nàng thoang thoảng truyền vào mũi, đúng là thần hồn phách tán, không biết mình đang mơ hay đã bay lên trời nữa.  

Nữ thần y hướng mắt lên nhìn Tần Thiên Nhân thấy mặt chàng trắng như tờ giấy, hơi thở yếu ớt.  Nàng liền dìu chàng đến ngồi xuống thảm dựa lưng vào vách lều.

Từ khi nữ thần y xuất hiện Lâm Tố Đình liếc qua em gái một cú, thấy nữ thần y cứ đắm đuối nhìn Tần Thiên Nhân, ánh mắt lộ vẻ ngàn lần ngưỡng mộ, không lo lắng e ngại về sự có mặt của các bậc trưởng bối chút nào.  Lâm Tố Đình bất giác thở hắt ra một hơi, quay sang nhìn Tàu Chánh Khê thấy chàng thần sắc ổn định, khí khái nhàn hạ, dáng vẻ tự nhiên vô cùng.  Ánh mắt hai người chạm nhau, Tàu Chánh Khê mỉm cười khẽ gật đầu.  Lâm Tố Đình hơi đỏ mặt lên, quay đi ngay.

Trương Quốc Khải hỏi nữ thần y về tình hình của tổng đà ở Hàng Châu, nữ thần y chưa trả lời thì một học trò của Cửu Dương tên là Bạch Chấn bước ra nói:

-Bẩm tam đương gia, học trò thấy tên Triệu Phật Tiêu đô thống dẫn quân ùn ùn đến Tây Hồ, vội vã chạy đến miếu Bao Công bảo nữ thần y cô nương trốn đi, rồi về Hắc Viện bẩm báo, nào ngờ chưa vào Hắc Viện đã thấy huynh đệ chúng ta đánh nhau với bọn quan binh trong sân, người chết đầy rẫy, Lữ Nghị Trung phu tử đã bị bắt giữ, tổng đà của chúng ta ở Giang Nam…

Nói tới đây Bạch Chấn lắc đầu, đoạn tiếp:

- Hắc Viện và chùa Thanh Tịnh bây giờ hết rồi!

Nữ thần y rơi lệ, không ngờ nàng gặp may như vậy, tự nhủ trong hội nàng là người yếu đuối vô dụng nhất, nhưng vì nàng dẫn các bệnh nhân ra ngoài trấn trị bệnh dịch mới thoát khỏi thảm cảnh Hắc Viện và chùa Thanh Tịnh bị diệt.  Hôm đó nàng đang đứng bên cửa sổ trong ngôi miếu, nghe tiếng chân gấp rút, nghĩ bụng “lúc này vẫn còn người cố đi đêm, không biết có việc gì gấp đây?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.